Thứ Năm, 26 tháng 10, 2023

HIỂU VỀ PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ.

 

Nói đến pháp môn Tịnh độ, ta hiểu ngay trì niệm danh hiệu Đức Phật A DI ĐÀ. Đây là pháp tối thắng mà thường bị lầm tưởng chỉ dành cho quần chúng căn cơ thấp.

 Tổ Huệ Viễn (334-416) đời nhà Tấn, khai sáng pháp môn Tịnh độ, lần lược truyền qua các cao Tăng duy trì và phát triển, không những tại Trung Quốc, mà lan sang Hàn quốc, Nhật Bản và Việt Nam.(Truyền thuyết đời Đường ngài Phong Can là hóa thân của Phật A Di Đà). Ở Nhật gọi là Liên Tông, riêng Việt Nam có Liên tông Tịnh độ Non bồng do H.T Thiện Phước khai sáng vào thập niên 1960 thế kỷ hai mươi tại Biên Hòa; Tịnh Độ cư sĩ Phật hội Việt Nam do đức Tông sư Minh Trí sáng lập năm 1934. Và sau này, từ gốc Tịnh độ đã sản sanh ra nhiều chi nhánh tùy căn cơ quần cúng mà hướng dẫn những khóa tu hoặc ngắn ngày hoặc dài ngày. Hằng năm ở Bình Dương vẫn có khóa tu bách nhật trì danh tại Nhất Nguyên Bửu tự, liên tục 100 ngày, người tham dự không phải đóng bất cứ chi phí nào.Hầu như phần lớn các chùa đều áp dụng pháp môn niệm Phật, cũng hướng dẫn cho tín đồ, vì xem đây là pháp tu thích hợp với trình độ quần chúng.Chùa Hoằng Pháp cũng thường tổ chức khóa tu một ngày như vậy.

Pháp môn Tịnh độ y cứ vào ba bộ kinh: “Vô lượng thọ,A Di Đà và Quán Vô lượng thọ kinh”; Tại Nhật được ngàì Pháp Nhiên triển khai rộng rãi, gọi là Liên tông.Một số Thiền sư Trung Hoa cuối đời cũng chấp nhận pháp môn Tịnh độ. Việt Nam có Sư Giác Khang từng tu Thiền mà vẫn đề cao Tịnh độ; cố Hòa thượng Thiền Tâm và một số hành giả vẫn xem Thiền-Tịnh song tu là đôi cánh trên con đường hành trì.

Hành giả trì danh hiệu Phật A Di Đà là do 48  lời nguyện của Ngài hỗ trợ cho chúng sanh tin tưởng nhưng không đủ khả năng tự mình giải thoát; nương vào tha lực giúp cho tự lực được công viên quả mãn. Tuy nhiên, không chỉ miệng niệm là được, hành giả phải hội đủ ba đức là Tín- hành- nguyện; Đức tin sâu dày, thực hành chuyên cần ( lợi hành cho tha nhân nữa) và tâm nguyện tha thiết.

Các phương cách khi thực hiện:

Giúp hành giả chế ngự tâm bằng cách lần tràng hạt và và đếm số lượng.

Thật tướng niệm Phật (niệm tự tánh Di Đà của mình)

Quán tưởng niệm phật là quán tưởng y báo chánh báo nơi cõi tịnh độ

Quán tượng niệm phật nhìn vào hảo tướng của Phật mà quán xét

Trì danh niệm Phật ( H.T Thiền Tâm trình bày 10 phương cách :phản văn trì danh,sổ châu trì danh,tùy tức,truy đảnh, giác chiếu,lễ bái,ký thập,liên hoa).

Ngoài những phương cách trên, Kinh Phật còn dạy “tâm bất tham luyến, ý bất điên đảo”.

Như vậy không chỉ niệm danh mà tự thân cũng phải chuyển hóa mọi tập khí, mọi hạt giống tiêu cực, đâu ỷ lại tha lực của đức Phật là đủ.

Lâu nay trì danh phải đủ 6 chữ gọi là lục tự Di Đà. Khởi đầu là Nam Mô ( có nghĩa quay về, nương tựa, kính lễ…) NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT có nghĩa con xin kính lễ hay con xin quay về nương tựa đức Phật A Di Đà; sau này có một trường phái bỏ hai chữ Nam Mô, chỉ niệm A Di Đà Phật, vậy là dấy lên cao trào chống đối.

Người ta nghĩ là bỏ hai chữ “Nam Mô” mà chỉ kêu tên Di Đà là vô lễ.Cũng như gọi tên người lớn mà không có dạ thưa.Ở đây, vấn đề hiện rõ tâm đối ứng – người niệm là chủ thể, Đức Phật là đối tượng khách thể. Có chủ có khách là còn đối đãi, còn sự tướng. Xem đức Phật là điểm để nương tựa trong tha lực, rất cần cho căn cơ phổ thông.Đây là pháp hành thuộc thể tướng.

Bỏ hai chữ “Nam Mô” không phải bất kính mà tự quay về nội thể: “tự tánh Di Đà” trong mỗi người. Vô lượng thọ, vô lượng quang là thể tánh trong mỗi chúng sanh. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nghĩa là tánh giác trí tuệ; vì thế nhà Phật thường nói:”duy tuệ thị nghiệp”. Tự tánh Di Đà biểu thị ánh sáng tuệ giác, hành giả tâm niệm A Di Đà Phật là luôn thể nhập tuệ giác chính mình.Bấy giờ không còn chủ thể và khách thể. An trú trong ánh sáng tâm thức để nhập định,biến “A lại da thức” thành bạch tịnh thức, từ năng lượng sinh thức chuyển qua năng lượng siêu thức mà không phải thông qua bất cứ pháp hành phức tạp nào. Đây là nhập vào thể tánh.Phải chăng pháp môn niệm Phật vừa thích hợp cho mọi căn cơ, không thể xem là pháp tầm thường dành cho căn cơ thấp.

Tánh tướng viên dung

MINH MẪN

26/10/2023  (12/9/QUÝ MÃO)

Thứ Ba, 17 tháng 10, 2023

THIỀN PHÁP QUÁN ÂM

 Quán Âm là một thiền pháp xuất xứ từ sơ tổ Nanak vào thế kỷ thứ 15. Đúng ra thế kỷ 15 chỉ mới bắt đầu khai sáng đạo Sikh. Gia đình Ngài theo Ấn giáo (Hinhdu). Qua giao dịch trong xã hội, Ngài tìm hiểu đạo Hồi, đạo Chúa và đạo Phật.

Nhận thấy sự phức tạp về giáo luật và nghi lễ của một số Tôn giáo đương thời, Ngài chỉ tôn thờ một Thượng đế duy nhất gọi là đơn Thần giáo; thiên về cầu nguyện và thực hiện tình thương, thiên hướng hòa bình và bình đẳng giới tính. Trong một buổi cầu nguyện, chiêm niệm và tĩnh tâm, Ngài được mặc khải như nhà Tiên tri. Những năm sau, càng đắm sâu vào thế giới tâm linh, Ngài ngộ chứng con đường đến với Thượng đế bằng cảm nghiệm Âm thanh và Ánh sáng.

Trãi qua 10 đời kế thừa giòng Sikh, bốn đời đầu là những guru đầy đủ phẩm chất và đạo đức, những vị sau là kế thừa bởi dòng tộc huyết thống. Từ đó, đạo Sikh chia làm 2 ngả rõ rệt, một thiên hướng như một Tôn giáo, một sang hẳn chiều sâu tâm linh về thiền quán. Thiền pháp Quán Âm âm thầm phát triển hạn chế, không chủ trương truyền bá, sẵn sàng hoan nghinh những ai đến với Sant Mat. Do tính thụ động tùy duyên mà khó phát triển và phát triển hạn chế so với Tôn giáo, mãi  đạo sư thứ 11 trở đi ,đến các Guru như : Gobind Singh,Kirpal Singh, Thakar singh, Baljit Singh dần dần Sant Mat được phục hồi.

Chủ trương của San Mat giống đạo Phật là trong con người đều có khả năng tính giác, hướng nội nhiều hơn. Giống đạo gia của Trung Hoa, con người là tiểu vũ trụ, có đủ đặc tính của thiên hà vũ trụ, biết vận dụng, khuếch trương năng lượng tự thân, sẽ hòa nhập làm một với vũ trụ.

Tuyệt đối trường trai, giữ 5 giới như đạo Phật, không sử dụng vật thể liên quan đến động vật. Tu hành nghiêm túc.

Thể nghiệm từ năng lượng bên trong: Ánh sáng và Âm thanh là dạng sóng năng lượng có nguồn gốc từ năng lượng vũ trụ, trong ánh sáng có tích điện sóng âm, trong sóng âm chiết xuất vẫn có nguồn sáng. Khi phát tán vào không gian, sóng quang đi nhanh hơn sóng âm. Chính nguồn năng lượng này là nền tảng cơ bản cấu thành vạn thể. “nhất bản tán vạn thù” từ đó xa nguồn nguyên thủy, càng đi xa càng ô trược, càng trụy lạc, càng nặng vật lý, tâm linh càng mờ nhạt, từ đó các trường phái tâm linh đều hướng về nguyên thể, thanh lọc mọi ô trược phàm tục từ thực phẩm nuôi sinh lý đến mọi tập khí trong tâm thức, bong bóng khí nhẹ tất sẽ bay lên.

Các trường phái  tu luyện Yoga, Đạo gia, Phật gia đều có điểm tương đồng tuy hành trì dị biệt. Sant Mat hướng nội là kết hợp hướng tâm đến Ánh sáng và Âm thanh. Loại trừ tạp âm và nhiễu quang bên ngoài. Người khiếm thị không sử dụng được nguồn sáng từ ngoài, nhưng họ vẫn có một nguồn sáng năng lượng tâm thức nên sinh hoạt thường nhật tuy chậm mà vẫn tốt. Bịt hai lỗ tai, không nghe tạp âm từ ngoài nhưng vẫn nghe ù ù, do đâu? Hai cái ly úp vào lỗ tai vẫn phát ra âm thanh lạ. Người câu thông âm lưu nội tại với sóng âm vũ trụ sẽ thường xuyên tiếp nhận vang rền bên tai thường nhật. Ngồi thiền nhắm mắt vẫn thấy luồng sáng từ giữa hai chân mày nhích lên hai phân chiếu ra…Người chết lâm sàng thường thấy đi trong ánh sáng…

Một loại sóng từ tích tụ tổng hợp các loại tia Alpha, beta, gamma, neutron…Thiền sư đạt đỉnh định lực tuyệt đối, qua máy đo, kim hoạt động chỉ số tối đa, chứng tỏ năng lượng tự thân đã khai thác đúng mức, báo thân đã đồng nhất thể với vũ trụ, Pháp thân  sẽ là dụng thể của báo thân, thay báo thân  điều hóa và hỗ trợ cho pháp tử.

Tùy mỗi pháp hành và tùy công hạnh của từng minh sư có những phương tiện giúp cho hành giả. Từ thời chánh pháp đến tượng pháp, hành giả nỗ lực hành trì 24/24 trong ngày. Xã hội chưa phát triển nhiều, chưa xuất hiện nhiều chướng duyên cản trở, sang thời mạt pháp, ma đạo quấy nhiễu lạc dẫn nhân sinh; xã hội càng phát triển càng phát sanh nhiều vấn đề làm con người dễ phân tâm cũng từ đó, các minh sư, Bồ Tát xuất hiện giúp cho những ai có duyên từng trồng thiện căn, nương pháp thoát khỏi cõi mê.

Mỗi pháp hành của các minh sư, tuy khác nhau về dụng công, đường đi có khác, như các đường lên đỉnh núi, không đến đỉnh như căn cơ cao thì có pháp hợp với căn cơ thấp, ít ra đứng ở chân núi còn hơn lọt xuống hố sâu. Làm sao biết pháp nào đúng pháp nào sai? Pháp nào hoạt dụng theo danh lợi thế gian đó chưa phải pháp giải thoát. Pháp nào tạo cho ta xem nhẹ của cải, tâm hồn thư thái, không bị ràng buộc bất cứ thứ gì, tùy duyên nhưng không tùy tiện trong đời sống. Pháp nào hành có kết quả thay đổi thân tâm, an nhiên, thánh thiện thiên về khuynh hướng đạo đức đó là pháp đã giải thoát ràng buộc hiện tại làm nền móng giải thoát cho tương lai.

Thiền pháp Quán Âm không phát xuất từ Phật giáo, nhưng lấy giới luật Phật giáo làm cơ bản. Ánh sáng là phẩm chất của”Tự tánh Di Đà”, Âm thanh là phẩm hạnh của “Quán Âm”. Dùng ánh sáng trí tuệ quán chiếu, dùng năng lượng âm lưu để lắng nghe.Quán chiếu ngoại cảnh, lắng nghe chúng sanh hay quán chiếu nội tâm, lắng nghe nội âm đều là công hạnh của một hành giả. Tương ưng với góc độ nào đó pháp thiền Phật giáo nhưng có đường đi cách biệt.

Guru Gobind Singh Ji, đạo sư thứ XI  của dòng Sant Mat,là người chứng đắc nội tâm pháp hành nên đã phục hồi Sant Mat cho đến nay.

MINH MÂN                                                                                       17/10/2023         

THIỀN VÀ TẬP KHÍ

 - [ ] Hành giả khổ tâm trong thời gian đầu khi ngồi thiền. Tập khí tuôn trào như dòng suối từ mạch nước ngầm.Càng cố ngăn nó càng phát tán;nhất là chọn nơi yên tĩnh.Tâm chọn một đề mục để quán tưởng, song song lúc quán thì mạch ngầm tập khí cùng liên tục khởi hiện. Không chỉ trong các chủng tử quá khứ xuất hiện mà đôi khi vọng tưởng có ý thức cũng xen vào, nghĩa là tâm đang bị duyên nào đó đưa ta suy nghĩ viễn vông mãi đến khi tỉnh giác mới quay lại đề mục đang quán.

- [ ] Hành giả chọn phương án bỏ mặc vọng khởi. Cứ chú tâm vào đề mục, một thời gian nó sẽ lặng mất nếu định lực mạnh.Định lực mạnh lâu dài sẽ đưa đến trạng thái tiên cảm và tuệ tri, nhưng tập khí cũng không thể triệt tiêu. Với các giác giả toàn triệt thì tập khí là vọng, không thật, nhưng hành giả vẫn còn phàm tính thì tập khí vẫn là có thật, vẫn còn chướng ngại cho việc giải thoát. Vậy giải quyết thế nào?

- [ ] Vọng tưởng có ý thức và tập khí do chủng tử tiềm ẩn trong tàng thức cứ đua nhau xuất hiện.

- [ ] Vọng tưởng có ý thức là do tập tánh tiêm nhiễm thường xuyên trong cuộc sống kết hợp với chủng tử quá khứ làm thành thói quen. Ví dụ người nặng tánh sân là bản chất có sẵn hạt giống trong tiềm thức, gặp chướng duyên là sân nổi lên. Các hạt giống khác cũng thế.mặt nổi có ý thức, mặt chìm thuộc vô thức; mặt chìm vô thức xuất hiện tự phát;hạt giống của ý thức do duyên nào đó bắt nhịp cho nó phát khởi. Ví dụ bị muỗi chích, liền nghĩ đến thuốc xịt, liên tưởng đến cách chống muỗi, rồi nghĩ đến vết chích… nghĩa là từ cái này liên tưởng tiếp cái khác không ngưng. Cứ thế mà tâm lăng xăn đủ thứ.

- [ ] Tâm lăng xăn có điều kiện thì sử dụng các điều kiện để chấm dứt. Theo cách “tri vọng chỉ vọng” thì hết vọng này đến vọng khác cứ theo đó để ngưng thì vọng kéo theo vọng.

- [ ] Nhổ cỏ chứ không thể phát cỏ mà hết cỏ. Phải nhổ tận gốc, trốc tận rễ thì hạt giống sẽ bị triệt tiêu.

- [ ] Các tập khí do huân tập mà có, không chỉ triệt tiêu mà không tạo duyên mới để phát sanh huân tập vào tàng thức.

Chỉ và quán luân phiên giúp hành giả khỏi đi vào lối mòn quen thuộc đến độ nhàm chán để vọng tưởng phát khởi.

Tỉnh giác trong lúc thiền là thiền có ý thức, tâm lơ mơ hôn trầm là thiền trong vô thức không mang lại kết quả như mong muốn. Có những thiền pháp cho hành giả ngủ thoải mái thì đó là tiếp nhận năng lượng chứ không phải thiền tỉnh giác.

Tóm lại hiện nay có rất nhiều loại thiền, thiền nào cũng đòi hỏi phải tỉnh giác mới kết quả. Thiếu tỉnh giác, cứ buông thả vọng thức chu du theo mộng mị vô thức sẽ sanh nhiều ảo giác cứ lầm tưởng thể nghiệm.

Đâu là thể nghiệm đâu là vọng tưởng sẽ phân tích ở phần khác

Minh mẫn

13/10/2023 ( trên đường lên Đaklak dự 25 năm kỷ niệm báo Vô Ưu)

 

CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA – CHẶNG ĐƯỜNG SẼ ĐẾN

 

Sáng nay vừa kết thúc chương trình kỷ niệm 25 năm ra đời của báo Vô Ưu tại Đaklak.

Hơn 100 vị cộng tác viên, đọc giả,khách mời trong và ngoài Tỉnh đã có mặt.

Sáng thứ bảy, ngày đầu tiên của chương trình, BTC đưa đoàn đến thăm vườn Thiền Ngọc Dũng của TT T. Giác Phổ và du lịch sông nước trên hồ Lăk. Thọ trai tại chỗ. Đầu giờ chiều cùng ngày, mở đầu bằng cuộc tọa đàm. Dĩ nhiên BBT và BTC muốn lắng nghe những ý kiến làm thế nào để phát triển báo và kinh phí được ổn định chứ không thể “ giựt gấu vá vai” như thời gian qua; phải nói TT Huyền Lan và Cty Hán Linh góp phần không nhỏ cho sự tồn tại suốt 25 năm qua.Thầy và cô Tâm Tuệ vừa hỗ trợ tiếp sức, vừa là nơi tiêu thụ số lớn mỗi lần báo ra lò.

Cái ưu điểm ai cũng biết nhưng cần bổ sung cái khuyết để đổi mới cho Vô Ưu chưa thấy bổ sung.

Buổi sáng ngày thứ hai trao bằng khen thưởng ghi công cho BBT, cộng tác viên, mạnh thường quân và những người có công cho sự tồn tại của Vô Ưu.

Kể từ khi TT Giác Phổ lãnh sứ mạng đứng mũi chịu sào cho tập thể Vô Ưu, BBT như được tiếp sức để Vô Ưu có thêm khí lực.Tuy sư vừa đảm nhiệm Phật sự cho Giáo hội, vừa trông nom cơ sở thừa kế của sư phụ, còn gánh vác báo Vô Ưu mà vẫn trông cứ như người thong dong đang “thỏng tay vào chợ”. Có trách nhiệm, có óc tổ chức, có trình độ chuyên môn, nhanh nhẹn nhưng tánh nóng.

Chỉ có vài báo của Phật giáo tồn tại lâu như Vô Ưu (đứng sau Giác Ngộ), chưa có BBT nào có số nhân sự tuổi đời trên dưới 80 mà vẫn nhiệt tình như Vô Ưu.

Một anh họ Tạ ( gia tộc đủ Tứ đại đồng đường giữa sự tôn ti đoàn kết ấm êm) tuổi trên 80 mà vẫn nhiệt tình lãnh đạo cũng là linh hồn của Vô Ưu qua một phần tư thế kỷ.Ai bảo trách nhiệm đó dễ như việc ăn cơm hẩm với muối ớt?

Dzạ Lữ Kiều, bê bánh mì bán cho học sinh, việc nhà như một ô sin chuyên nghiệp, lụ khụ thời gian đè nặng trên lưng còm , vẫn đảm trách chuyên mục thơ, sau cái vỏ củi mục dễ thương kia là một tâm hồn nhiễm nặng thơ Haiku từng được lãnh giải, cứ như chưa bao giờ biết yêu, nhưng đã yêu từng con chữ như lần đầu đã yêu ai đó…. và lão ria bạc, Sa Đà họ Lê kia, gần 20km từ DAKNONG về Buôn mê để soi từng con chữ của các cộng tác viên gửi về; thế mà đèo bòng làm lão nông cho một Tiên nữ “không tóc” ở lưng chừng non xanh. Lời thơ của lão chắc nịch như củ khoai trúng mùa trong lòng đất.lão nói chuyện như một thuyết khách nhưng chả có khách nào được lão thuyết.Thay vì làm “thị giả”, thì dùng thơ văn ca tụng “mẹ nó lên mây xanh.”

Một Phan Bá Sĩ luôn xuất hiện trên face book với phu nhân như đang trong “tuần trăng mật” trêu ghẹo anh em đang bù đầu tổ chức 25 năm, ngỡ chừng “đào ngũ “, đã xuất hiện đúng giờ khai mạc.

Tiến Thảo ư? Đồn rằng đã thất nghiệp làm thị giả cho nội tưởng nhưng còn đam mê với Vô Ưu.

Không riêng một chàng từng kinh qua thời gian làm thị giả cho nội tướng, hầu như các bạn già điều coi việc trong BBT thích thú hơn việc hầu hạ cơm nước cho lệnh bà.

Nói để cho các ông nở mày nở mặt, thật ra, một việc cũng vất vả không kém đó là đi “đòi nợ” của Trịnh Dung. Suốt 25 năm những cung đường mòn nhẵn bánh xe lăn qua với gói xôi củ sắn lót dạ đi đường,thế mà người phụ nữ cũng hầu hạ phu quân, trong nhà ngoài ngõ tươm tất không thua việc tươm tất cho công ăn việc làm! Đừng tưởng người ấy tươm tất lúc gặp con nợ khó đòi khi mua báo Vô Ưu. “Mua lạy bán dạ” phải chăng là sự kiên nhẫn lúc làm ăn không công như ai đó.

Cũng là phụ nữ phục vụ Vô Ưu, nhưng giọng hát líu lo như chim họa mi của nữ lưu xứ Huế Thu Cúc Ban mê cứ như kẻ vô sự, một “vô sự “ ẩn tàng khối sầu miên viễn lại là trang điểm cho Vô Ưu có trang nhạc sâu lắng.

Chưa đủ nếu chỉ nói có bấy nhiêu nhân vật và bấy nhiêu đặc tính của những nhân sự dường như không chuyên mà thật ra chuyên nghiệp đã trãi gần hết một cuộc đời .

Trở lại vấn đề kinh phí, phương cách tiêu thụ, phổ biến và cải cách sau 25 năm. Đó là chuyện đường dài khó trình bày qua vài giòng nơi đây. Dẫu sao, qua cuộc lễ đã nói lên niềm thao thức của những nhân sự trong BBT rất dễ thương, tuổi đời rất mệt mỏi nhưng nhiệt tâm không mỏi mệt.

Trang trí hội trường , sân khấu văn nghệ, trình bày tư liệu ảnh và sách báo, tiếp đón sắp xếp nơi ăn chốn ở… cho cả trăm khách Tăng, bấy nhiêu đủ thấy tuổi thọ của Vô Ưu về lâu về dài cũng sẽ tươi sáng đầy triển vọng.

Gặp nhau lúc bộn bề công việc nhưng không tiếc cho nhau cái huých cùi chỏ , cái khóe mắt biết cười và những câu trách móc nặng mùi tình cảm.

Bữa cơm thịnh soạn để mọi người chia tay, món quà tình nghĩa lưu dấu chặng vừa bước; để lại cho Ban tổ chức bao bề bộn bàn ghế chén dĩa rác rưỡi báo hiệu cho bao bộn bề con đường đang đi và sắp tới của những con người dám gánh vác linh hồn văn hóa Phật giáo ngày nay nơi miền cao

 

MINH MẪN

15/10/2023

Mồng 1/9/Quý Mão ( trên đường về lại TP . Vừa qua Gia Nghĩa)

 

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2023

ĐẮC PHÁP VÀ ĐẮC ĐẠO


Trong cuộc hành trình đi tìm pháp hành, cầu pháp do tâm nhiệt thành tầm cầu giải thoát,Thiền sinh không tránh khỏi nhiều chướng duyên, thậm chí bị lạc dẫn vào con đường tà giáo, bàng môn tả đạo, đến một lúc hiểu ra đó không phải là pháp cần tu, lại buông bỏ, tiếp cuộc hành trình đánh đổi thời gian khi tuổi đời chồng chất.(bài này chú trong đến các hành giả Bắc Tông, vì Nam Tông ngoài Vipassana, Tứ niệm xứ, sổ tức quán…không có nhiều lối thiền chỉ quán như Bắc truyền).

Do duyên phước sâu dày, hành giả gặp được minh sư, nếu thiếu  phước duyên, tà sư dễ tiếp cận.Ở đây ta chỉ đề cập đến việc tu tập đúng chánh pháp.

Thuở xưa, khi Phật giáo Ấn truyền về phương Bắc, trãi qua các quốc độ như Tây Tạng,Mông Cổ, Trung Quốc…nơi đó đã có những huyền pháp của các chủng tộc, nặng về chú thuật.Bất cứ bộ lạc, chủng tộc nào cũng có một phép  thuật để đương đầu với muôn thú, thiên tai và các bộ tộc xâm lăng. Trình độ chủng tộc càng sơ khai, pháp thuật càng bí hiểm.

Khi Phật giáo truyền đến các nước, để dung thông với văn hóa, tập quán bản địa, chư Tăng biết vận dụng tùy duyên hòa hợp văn hóa tập quán bản địa  để phát triển, mục đích dẫn quần chúng vào đạo, phải đem giáo lý nhân thừa cho hợp với căn cơ xã hội hầu Phật giáo hóa xã hội chứ không phải xã hội hóa Phật giáo.Từ đó, Phật giáo Bắc tông có pha nhiễm một số pháp thuật mà nguyên sơ không có trong Phật giáo.

Đó là phương diện nhập thế trong một bộ phận Phật giáo, ứng sanh có nghi lễ, ma chay, đám cúng, đàn chẩn và hình thức nghi lễ rườm rà của một Tôn giáo.

Song song đó, thuộc tầng lớp thượng căn, chư Tổ có cuộc sống biệt lập, tách hẳn những ràng buộc xã hội, chuyên tu nơi am thất, non cao núi thẳm để đạt mục đích giải thoát. Những hành giả truy cầu chân đạo, thường nương vào một bậc chứng đắc để cầu pháp.

Bắc tông sản sanh ra nhiều pháp hành tùy theo căn cơ của hành giả, vì thế, Thiền sinh khi cầu pháp một vị nào, dù là cao Tăng hay minh sư, hành trì lâu dài không thấy tiến bộ, phải xin thầy ra đi để cầu pháp một vị khác do không thích hợp với pháp đó.

Pháp hành ví như thuốc trị bệnh, thuốc Tây uống một tuần, thuốc Bắc uống một tháng mà không có triệu chứng thuyên giảm, phải đổi thuốc. Đừng thấy người khác theo số đông, hoặc vị thầy có danh tiếng mà cứ bám vào mất thời giờ uổng phí. Không phải thuốc dở nhưng do không hạp cơ địa, cũng vậy, pháp hành không tương ứng căn cơ với hành giả, nên phải tha phương cầu pháp.

Thế nào là đắc pháp? Đắc là được, được pháp không có nghĩa được thầy truyền cho pháp hành dù có hạp với căn cơ hay không! Trong thời gian hành trì một pháp, tâm tánh thay đổi, cơ địa nhẹ nhàng; càng ngày càng nếm được “pháp vị” làm cho hành giả đam mê, rơi vào trạng thái tỉnh giác,lặng lẽ, không mê mờ, không loạn tưởng. Ít ngủ, ít ăn, thậm chí không ăn không ngủ vẫn thư thái nhẹ nhàng.Bấy giờ nuôi sống cơ thể không tùy thuộc về “năng lượng sinh học”, tâm thức loại trừ mọi vọng tưởng, không còn tiêu hao năng lượng, thân an định không mất nhiệt lượng; các huyệt đạo (luân xa –chakra) trong thân không còn bị trược thức che ám, tiếp thu năng lượng vũ trụ nuôi cơ thể, tâm thức dần dần nhẹ thanh, tạo một “năng lượng sinh thức” hỗ trợ cho hành giả tiến tu Đạo nghiệp. Được như thế gọi là “Đắc pháp”.

Đắc pháp là nền tảng căn bản tiến đến giải thoát. Trong quá trình đạt đích, trãi qua nhiều cấp độ tâm thức. Từ khi bắt đầu hành trì đến giải thoát, còn vô số chướng ngại dễ lạc dẫn hành giả vào đường bế tắt, lệch hướng do nội ma ngoại chướng dẫn dụ.Có lúc như bị “treo máy”, không tiến không lùi, như chơi vơi không biết mình đang ở đâu, thậm chí không cảm nhận được thân thể, hoặc đứng trước ngả ba đường…

Đến một mức độ nhất định của định lực, tâm thức có triển hiện quyền năng, lúc này vi tế ngã trổi dậy, cảm nhận mình là chúa tể, là bá chủ vạn vật, triển hiện thần thông…thế là lạc sang tà đạo. Nhưng, hành giả có căn bản giáo lý nhà Phật, sẽ tránh được những tập khí như “tam độc”, “thập kiết sử”…Nằm lòng 37 phẩm trợ đạo và hiểu rõ hiện tướng của vọng tưởng, sẽ tránh những hầm hố để tiến thẳng đến giải thoát.

Gian nan nhất là từ tiềm thức khởi hiện các tập khí, hoặc tán tâm loạn tưởng xen lẫn trong lúc Thiền định. Chỉ và Quán cũng là cách giúp cho tâm không rơi vào thói quen nhàm chán

ĐẮC ĐẠO là gì? Khác nhau giữa Đắc pháp và Đắc Đạo chỉ cách nhau đường tơ kẽ tóc do tập khí nhiều đời được hóa giải hay không.Người Đắc pháp có thể phát sanh tuệ tri, có huệ nhãn, thậm chí có Thiên nhãn,có tha tâm thông, nhưng vi tế ngã vẫn còn, cho dù đạt đại định.Vi tế ngã phát triển khi định lực phát triển dễ biến thành Thiên ma ngoại đạo mà bản thân hành giả không biết; cái biết của hành giả như cặp mắt con ngựa bị che chắn chỉ thấy một hướng nhất định.

Đức Thích Ca Mâu Ni trước khi chứng quả toàn giác, cũng từng bị ngũ ấm ma xuất hiện cám dỗ, đe dọa, nghĩa là tính chất thất tình lục dục sâu dày ẩn tàng trong tâm thức, trỗi dậy như các loại bệnh trong cơ địa xuất ra trước khi lành bệnh, cũng thế, từ sơ thiền đến tứ thiền, Đức Phật đã thẩm định nhiều lần tới lui cho nghiệp thức tẩy sạch như tẩy sạch một tấm vải chiếu sáng trước ánh quang minh. Đức Phật đã hoát nhiên đại ngộ trước ánh bình minh.

Những hành giả đạt được tuệ tri mà chưa dọn sạch tập khí chỉ là Đắc pháp, nghĩa là có định và có huệ ở tầng thấp như hàng dự lưu chưa sạch thập kiết sử, cần phải tiếp tục ngũ hạ phần kiết sử để tiến lên ngũ thượng phần kiết sử mới thoát khỏi Tam giới gọi là bậc Đại giác, tức Đắc đạo hoàn toàn.

 

MINH MẪN                                                                                       11/10/2023