Thứ Tư, 19 tháng 4, 2023

https://www.phattuvietnam.net/tp-hcm-tt-ts-thich-chan-quang-thuyet-giang-tai-chua-hoa-khanh/


KHÔNG THỂ HIỂU NỖI.

Đọc bài giảng kiểu này, không thể hiểu nỗi nếu đúng là lời Phật dạy!

Lần lượt xin trích đoạn:

Ts T.Chân Quang thuyết giảng tại chùa Hòa Khánh. TP HCM NGÀY 05/4/23 thuyết giảng đề tài  “NHỮNG ĐIỀU HIỂN NHIÊN” .

...“Thêm nữa, ngoài việc tích cực làm từ thiện quý thầy ở đây ai cũng có lý tưởng tu hành” thế thì các chùa khác không có lý tưởng tu hành sao?

...” Trong khi nhiều chùa khác hoạt động không hiệu quả, quanh năm ít người tới tu học. Trước thực trạng này, Thượng toạ đặt câu hỏi tại sao nhiều người ngoài kia không chịu tu, còn quý Phật tử lại tinh tấn tu?  Vậy chỉ có Phật tử chùa Hòa Khánh và đạo tràng của Phật Quang mới chịu tu và tinh tấn???còn bao nhiêu phật tử tại gia họ vẫn thầm lặng tu tập không cần khua chiến gõ mõ thì sao?

... Sau rất nhiều câu trả lời khác nhau, Người khẳng định lại, chúng ta chịu tu bởi chúng ta tin vào đạo lý Phật dạy sẽ giúp ta vượt lên khỏi khổ đau của luân hồi, tái sinh, đạt được những điều cao thượng. Những người ngoài kia không tin điều đó bởi nghĩ rằng có làm thì có ăn nên họ cố gắng xoay sở trong cuộc sống để hưởng thụ, nhiều khi gây nghiệp, cứ mãi lăn trôi trong luân hồi, chết rồi không biết đi đâu.  Chỉ có phật tử ngồi nghe gỉảng ở đây mới tin lời Phật dạy, các chùa khác và những người lương thiện không tin hay sao?

... Thực sự, 95% chúng sinh sau khi chết sẽ đọa làm ma đói vì chúng ta cứ nghĩ giá trị của cuộc sống là ăn ngon mặc đẹp nên lúc sống đã tận dụng mọi cái phước để tranh thủ hưởng thụ. Hết phước, sau khi chết nếu không đọa địa ngục, súc sinh thì cũng sẽ làm ma đói vất vưởng. Người sống mà hết phước thì bệnh tật, đói khổ bủa vây…  Trời ơi! Đức Thế Tôn bậc trí tuệ như thế chưa bao giờ xác quyết 95% chúng sanh sau khi chết làm ma đói mà phàm Tăng giỏi hơn đức Thế Tôn. Hù dọa chúng sanh như thế để mọi người sợ mà tu hay họ sẽ hủy báng giáo lý đạo phật??? Thay vì hướng dẫn mọi người vào nẽo thiện lại hù dọa. Đạo Phật trong tam tạng giáo điển không có một câu kinh nào như thế. Ái ngữ luôn là “vô úy thí” thể hiện lòng từ của một vị tu hành theo đạo Phật. Người giàu sang do phước quá khứ, nếu hưởng phước mà vẫn biết tạo thêm phước thì sao đọa?. Dù không tạo phước mà không tạo tội chắc gì đọa làm quỷ đói? Nếu giàu có do phức sanh mà không được thụ hưởng thì tạo phước làm gì? Chả lẽ tất cả người đời đều phải sống như người xuất gia kham khổ? Chắc gì người xuất gia không hưởng thụ sự giàu sang? Người sống mà hết phước thì bệnh tật, đói khổ bủa vây…Người giàu có là người đang hưởng phước mà vẫn bệnh tật chứ đâu đợi hết phước?

...”  khai mở tâm linh giác ngộ, rời bỏ thân phận phàm phu tầm thường, trở thành bậc Thánh, có thể thoát khỏi luân hồi sinh tử.” Chữ Thánh hiểu theo dân gian, các bậc siêu phàm như Lão, Khổng.. đều được gọi là Thánh. Đức Phật dưới mắt thời Khổng Nho gọi là đại Thánh. Nhưng trong Phật giáo, Thánh đã diệt 10 kiết sử gồm hạ phần: (thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục và sân)  thượng phần kiết sử (hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cử và vô minh), trong cõi sắc giới và vô sắc giới. Trãi qua nền tảng Giới-Định-Huệ để tiến đến các giai đoạn: 1. Thánh quả Dự lưu-Tu đà hoàn.Quả vị này gọi là “thất lai” Kinh tạng Nikāya định nghĩa như sau: “Ở đây Tỷ-kheo đoạn dứt ba kiết sử, thành bậc Dự lưu, không đọa ác thú, chắc chắn đạt quả Bồ-đề.” Đoạn dứt ba kiết sử đầu là Thân kiến, nghi và giới cấm thủ. Quả vị này còn 7 lần sanh tử nữa mới chứng Thánh quả thực thụ.Thánh của quả vị này được gọi là Thánh quả Dự lưu, tức là mới bắt đầu bước vào dòng Thánh.Tuy còn 7 lần sanh tử nhưng chắc chắn là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến Chánh giác.

2. Thánh quả Nhất lai - Tư đà hoàn là quả vị thứ hai trong tứ Thánh quả. Phải trở lại sanh tử một lần nữa mới đạt đến vô sanh.Quả vị này ngoài ba phần kiết sử trên còn phải đoạn Dục và Sân.

4. Thánh quả A La Hán. Quả vị thứ ba là A Na Hàm và A La Hán thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Thánh có hai loại, Thánh hạnh và Thánh quả, một người chưa đạt Thánh quả nhưng công hạnh của một vị Thánh trong đời thường được thể hiện trọn vẹn gọi là Thánh hạnh.Như vậy Thánh theo lối giảng trên đây...”  khai mở tâm linh giác ngộ, rời bỏ thân phận phàm phu tầm thường, trở thành bậc Thánh, có thể thoát khỏi luân hồi sinh tử.” Mà không giảng cho quần chúng đoạn trừ thập kiết sử để khai mở tâm linh giác ngộ thì đâu dễ rời bỏ thân phận phàm phu? Nhất là Tam độc Tham-sân-si.Quá trình tiến đến khai mở tâm linh giác ngộ rời bỏ thân phận phàm phu tầm thường để trở thành bậc thánh đâu  chỉ nghe giảng mà chứng đắc được.      ( nghe cho vui thôi)

Trên đây là bốn quả vị Thánh, theo Phật giáo Bắc truyền còn phải hành Bồ tát hạnh mới đến Phật quả. 1. Hoan hỉ địa, 2. Ly cấu địa, 3. Phát Quang địa (Minh địa), 4. Diệm huệ địa (Diệm địa), 5. Nan thắng địa (Cực nan thắng địa), 6. Hiện tiền địa, 7. Viễn hành địa, 8. Bất động địa, 9. Thiện huệ địa, 10. Pháp vân địa.Quá trình tu tập không chỉ một một giờ, một kiếp nếu không có căn lành nhiều đời. Ngay cả ăn chay và bỏ rượu đã là khó đối với nhiều người, ngay cả phật tử Bắc tông, nói chi đến những giới nhỏ nhặt.

Theo Phật Giáo Hòa Hảo – “học Phật tu nhân” đã là khó, họ sống rất đạo đức, xả thân hành thiện, không mong làm Thánh, sát thực tế với xã hội ngày nay. Kinh điển nhà Phật dạy nhân thừa, giúp chúng sanh sống căn bản của con người hợp với căn cơ và hoàn cảnh của họ, làm Thánh chỉ dành cho những bậc xuất trần. Mỗi căn cơ có một sự hướng dẫn phù hợp với giáo lý đó. Sống trong xã hội bon chen kinh tế mà giảng chuyện trên mây, nghe cho vui ra về đâu cũng vào đó, có lợi gì cho bản thân ngoài chuyện mê tín?

Giáo lý thích hợp căn cơ thính chúng gọi là khế cơ. Giảng tâm lý xa rời giáo lý là “ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”.Một giảng sư lấy giáo lý làm tiêu chuẩn, tâm lý xã hội để minh họa mới không sai Phật pháp.Giảng cho quần chúng cần giảng nhân thừa, đừng đề cập quả vị trên mây thiếu thực tế.

Từ lâu không muốn nghe những bài giảng tự kỳ xuất ý như vậy, nhưng do nhiều người yêu cầu,hiểu thế nào cho đúng giáo lý đạo Phật, đành phải nêu lên những sai lầm không đáng có với giáo lý Phật giáo, phải chăng đó đúng với chủ đề: ‘”NHỮNG ĐIỀU HIỂN NHIÊN” của bài giảng.

Đọc bài giảng kiểu này, không thể hiểu nỗi nếu đúng là lời Phật dạy!

 

MINH MẪN

19/4/2023


Thứ Năm, 13 tháng 4, 2023

THIÊN MA LOẠN PHÁP

Ngày nay, trong các Tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, đã phát sanh ra lắm hình thức mang tính Tôn giáo, nhưng không còn là Tôn giáo thuần túy.

Nhất là Phật giáo, một Tôn giáo chủ xướng tự do, tự giác, đó là cửa ngõ để các luồn gió độc chuôi vào cửa trước tuồn ra cửa sau, biến thể dị dạng giống như là…

Nguyên thủy Phật giáo, biến sanh Đại thừa hay còn gọi là Phật giáo phát triển, nghĩa là từ nguồn gốc chính thống phát triển thích nghi với thổ nhưỡng, căn cơ trong một thời đại, nhưng vẫn giữ đúng tinh thần “Tam pháp ấn” trong mạch sống “Giới định huệ”.

Từ Phật giáo phát triển sanh ra nhiều pháp hành, nhiều tông phái, có 10 tông chính:”Luật tông, Tịnh độ tông,Thiền tông, Pháp tướng tông,Mật tông, Thiên thai tông,Hoa nghiêm tông,Tam luận tông,Câu xá tông,Thành thật tông”.

Mỗi tông lại phát triển các chi nhánh như cây phát triển sanh ra vỏ nứt, tuy vậy,  vẫn không đi chệch hướng tôn chỉ giải thoát.

Trong xã hội nhiều bát nháo, thượng hạ đảo lộn, chánh tà bất phân, đạo đức suy thoái là mãnh đất màu mỡ để tà giáo dựa vào chánh đạo, cổ súy dị dạng mưu lợi buôn Thần.

Trong Phật giáo phân làm hai giới: tu sĩ và cư sĩ, xưa kia gọi là Tăng già và bạch y cư sĩ. Cư sĩ có nhiệm vụ ủng hộ chư Tăng vật thực để chư Tăng có thời giờ chuyên tu,Chư Tăng có nhiệm vụ hướng dẫn cư sĩ đạo đức làm người, nghĩa vụ công dân, đáp đền bốn ân, trách nhiệm gia đình và xã hội. Đúng mẫu mực như thế, xã hội an hòa, hạnh phúc.

Khi cuộc sống nặng về nguồn lợi vật chất, kinh tế, bắt đầu nảy sinh mưu cầu, thủ lợi, đạo đức phải suy đồi.Cái suy đồi nhân cách ắt phải đánh mất nhân phẩm; ngoài xã hội có đầu trộm đuôi cướp, thì Tôn giáo dưới mỹ từ tâm linh cũng phát sinh nhiều ngả rẽ dẫn quần chúng lạc vào tà đạo.

Xưa nay ngoài chư Tăng đắp y vàng, tín đồ phật tử chỉ mặc áo tràng, khất sĩ gọi là áo giới để phân biệt tôn ti.Người Tàu có nhóm đạo tràng cho cư sĩ đắp y nâu, cũng thâm nhập vào Việt Nam, nhưng chưa phổ biến trong các chùa. Giờ đây lại xuất hiện một nữ cư sĩ đắp y vàng, vài ba vị nam cạo đầu đắp y ngồi làm Duy na  duyệt chúng trong buổi lễ do vị nữ cư sĩ đắp y vàng làm chủ lễ. Mọi người tôn xưng là sư phụ; xuất hiện tại một ngôi chùa tại miền Bắc Trung Việt.

Ai cũng có thể lập một giáo phái theo ý mình, nhưng không nên dựa vào hình thức một Tôn giáo cổ truyền để lạc dẫn quần chúng chánh tà bất phân.

GHPGVN là một tổ chức hợp pháp hiện nay lại để sanh ra một hình thái tương tợ Phật giáo mà không phải Phật giáo. Tăng sự và những ban ngành hỗ tương đành bất lực???

Xét về pháp lý, Giáo hội không thể chấp nhận làm ngơ, xét về Đạo lý, Phật giáo không thể có một “bán Tăng bán tục” như thế. Vậy gọi vị này là Tăng hay Ni, cư sĩ hay xuất sĩ (xuất gia)?

Dù là Thị trường tự do đâu phải giáo phái tự do mang danh Phật giáo làm hoen ố đạo đức, lạc dẫn quần chúng vào mê lộ?

Hiện có quá nhiều người mượn Đạo tạo đời như Khất sĩ dỏm,  6 giờ chiều vẫn còn ôm bát vào chợ,thầy chùa ăn thịt chó…cứ nhởn nha mà xã hội và giáo hội đành bất lực. Phải chăng hình ảnh suy thoái đạo đức đó báo động lương tâm Tôn giáo cần chỉnh sửa nội bộ nếu không thể chỉnh đốn xã hội!

MINH MẪN                                                                                                            15/4/2023


Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2023

CHÙA LÁ GÒ VẤP


Nói đến “chùa lá”, người ta liên tưởng đến chùa Lá ở chợ Cầu, mặc dù trong huyện Hốc Môn vẫn còn một “chùa Lá” bây giờ gọi là chùa Phổ Giác thuộc xã Tân Hiệp.

Một số nơi vẫn có tên chùa Lá, như Nhà Bè, giờ đây là chùa Huyền Trang. Hầu hết chùa Lá được đổi tên khi “lá” không còn là Lá, được thay thế bởi bê tông cốt sắt, nhưng, riêng “chùa Lá” tại cầu Chợ Cầu, vẫn gọi là chùa Lá, nằm lọt thỏm trong khu xóm bán lao động, không mang dáng dấp ngôi chùa như bao ngôi chùa có vườn cảnh biệt lập, kiến trúc đặc thù.Nhìn tổng thể không khác nhà dân.

Khởi đầu là ngôi chùa đơn sơ, mái lá ẩm thấp, diện tích chật hẹp; phía sau chùa cách 30 met là con kinh nước đen tổng hợp mọi phế thải của cư dân phố thị. Tuy chật hẹp, chùa đã gói gọn những lớp học nhiều sinh ngữ miễn phí trong nhiều năm qua, giúp một số học sinh có căn bản ngoại ngữ vào đời.

Phong cách hảo hớn của thầy trụ trì nên rất thành công chiêu nạp anh em “bặm trợn” trong xã hội quay về lương thiện.Số lượng anh em hành hiệp khắp nơi, thầy dự định tạo lập một nơi trên cao nguyên làm chỗ nghỉ dưỡng cho những “đại bàng” mỏi cánh.

Trên mười năm, thầy Nhuận Tâm đã mua thêm một số nhà chung quanh và lên vài tầng để mở rộng lớp học.Tuy diện tích cơi nới nhưng không thay đổi kiến trúc tổng thể, vẫn là những căn nhà biệt lập do cư dân trước đây cư trú.

Thầy hoạt động từ thiện khá nổi bậc, triển lãm đá quý, viết thư pháp, sinh hoạt văn nghệ… Do tính phóng khoáng,vượt ngoài quy phạm của một Tăng sỹ, thầy thành công trong giao tế, bặt thiệp trong xã hội…

Nhìn chung, nhiều mặt hoạt động giữa Đạo và Đời, thầy không cô đặc như chất cao cho ra một tu sỹ cách biệt thế tục, cũng không bung khỏi lĩnh vực thế gian như bong bóng bay còn níu bởi sợi dây vô hình. Nơi đó, là một khinh khí cầu mang sắc màu Phật giáo lơ lững giữa tầng không trong bầu trời mà xã hội, mọi giới đều hiểu Đạo và Đời chung một lối đi.

Sắc thái đặc biệt chùa lá Gò Vấp: kiến trúc Đời mà không là đời,hình tướng Đạo nhưng không là đạo, đó là tinh thần bất nhị dung thông mà không lẫn lộn.

Chùa Lá không còn là Lá mà vẫn là Lá nằm giữa khu xóm nghèo mà dân gian thường ví là xóm nhà lá. Tu mà không tùy thuộc vào hình thức tu, vẫn là tu để nâng cấp mọi sinh hoạt xã hội không cách biệt giữa Đạo và Đời.

Những đóng góp cho Đời như thế ai bảo Phật giáo xa cách thế gian?

“phật pháp tại thế gian

Bất ly thế gian giác

Ly thế mịch Bồ đề

Cáp như cầu thố giác”.

Nghĩa là thế gian pháp tức Phật pháp.

Chùa Lá mà không còn là lá, tuy không lá mà vẫn còn danh chùa Lá; Tăng không tướng Tăng, tuy không tướng Tăng, vẫn là Tăng!

Giũa thành phố có một địa điểm đặc thù như thế, được mấy nơi???

MINH MẪN                                                                                                           07/4/2023