Cái tin kỷ niệm 18 tuổi đặc san Vô Ưu đã lan truyền hơn nửa năm, rồi thư mời cũng đến với các "cộng tác viên". Anh Tạ Nam Trân chủ nhiệm + Lê Tất Sĩ biên tập viên đã bôn ba xuôi về TP để tìm nguồn tài trợ. Chuyến đi mấy ngày đó, "hầu bao" vẫn còn xẹp một cách đáng thương.
Thời gian đến quá nhanh, anh em bốn người trong BBT vắt giò lên cổ để kịp có cuộc họp mặt bốn phương, (thật ra chỉ từ Huế trở vào miền Tây Nam bộ thôi), bấy nhiêu cũng đã hụt hơi. Bốn lão tướng tuổi ngoài bảy mươi, điều hành Vô Ưu suốt 18 năm, không những nội dung khá dồi dào, mà cứ năm năm tổ chức họp mặt một lần, gọi là kỷ niệm từng chặng tuổi đời trưởng thành của Vô Ưu, cũng nói lên khả năng, nhiệt tâm của anh em Phật tử Tây nguyên đất đỏ.
Năm nay chưa đủ năm năm, nhưng Vô Ưu cũng cố gắng xem như ra mắt trình làng để rồi kết thúc một nhiệm kỳ theo quy định các thành viên tuổi già phải về hưu. Vào 2017 là năm diễn ra Đại hội Phật giáo toàn quốc, BTS các Tỉnh Thành, quận huyện đều chỉnh đốn nhân sự trước Đại hội Trung ương diễn ra.
A/ Chung một tấm lòng: Những anh chị em văn nghệ sĩ, không thuộc diện CTV của Vô Ưu, đã được thầy Huyền Lan đích thân mời lên Daklak tham dự. Thông báo 6 giờ sáng, xe lên HM đón nhà thơ Ninh Giang Thu Cúc + Nhà thơ Hạnh Phương, MM và phu quân Ninh Giang. Ba giờ sáng Hạnh Phương đã gõ cửa nhà, rồi 5g vợ chồng Thu Cúc lục đục kéo đến. Bịch xôi được nữ sĩ nấu từ đêm qua vẫn còn mềm, bốn người chén không hết bốn lon nếp với đậu phộng rang. Hết ngồi trong liêu phòng chưa đến 2m, lại ra ngoài cửa ngóng tin chuyến xe viễn hành. Mãi đến 8 giờ hơn, xe mới đến. Điện thoại thầy Huyền Lan rồi của anh em trong đoàn từ SG cứ liên tục hỏi thăm, nhưng bóng dáng xe 15 chỗ vẫn biền biệt. Mọi người nóng lòng, mệt mỏi, tự nhắc nhau câu nói: "Ai không ăn đậu không phải người Mễ, ai không đi trễ không phải người Việt Nam", thế thì biết trách ai...
Hai xe 15 chỗ gặp nhau ở khu Thành phố mới Bình Dương trên quốc lộ 13, kể cả xe 7 chỗ của thầy Huyền Lan, mấy thầy và nhóm ảnh Nhất Chi Mai đã có mặt từ sớm. Thầy là trưởng ban tổ chức chuyến viễn hành, chu đáo từng ổ bánh mì, từng chai nước khoáng cho đoàn. Hơn 12 giờ trưa, đoàn ghé vào chùa Hoa Khai của thầy Chiếu Ý ở xã Đạo Nghĩa huyện Đăk R'lấp tỉnh Đăk Nông dùng trưa. Đoàn tiếp tục lên đường đến Tịnh xá Ngọc Quang hơn 17 giờ.
Sau buổi cơm chiều, xe đưa đoàn về nhận khách sạn, một số đi chùa Phổ Quang của thầy Tâm Định ở Thôn Tiến Đạt, Xã Quảng Tiến, Huyện CưM'gar, Đăk Lak tham dự chương trình văn nghệ. Thiền sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh từ Huyền Không sơn thượng ở Huế cũng bay vào tham dự. Tấm y màu đất sen pha nâu phủ trên tấm thân mỏng manh làm rõ nét cặp mắt sáng sau cặp kính lão. Khuôn mặt nhân hậu, thanh thoát, trí tuệ diễm tuyệt với đôi chân mày bạc trắng của Tiên ông, ngài ôn tồn trao đổi mọi chuyện. Ngài là một trong bốn vị trong ban giám khảo cuộc thi "truyện ngắn + Tùy bút" được phát động hơn 8 tháng của Vô Ưu. Trong nếp sống Thiền môn, tại Huế, ngài đã tạo một hình ảnh sống động cho Tăng đoàn khất thực, lan tỏa vào vùng thôn quê hẻo lánh. Có những khuôn hội xa phải cung thỉnh Tăng đoàn về để đi khất thực gieo duyên cho thôn xóm. Ngài là hình ảnh tiêu biểu của Phật giáo Nam Tông hiện nay, cũng là biểu tượng cho một tu sĩ trí thức, văn nghệ, chân tu, khiêm hạ mà trong giới Phật giáo Việt Nam hiện nay không ai không tôn kính. Hình ảnh Tăng đoàn đi khất thực của Phật đã được phục hoạt sau lần phục hoạt của tổ Minh Đăng Quang thành lập hệ phái Khất sĩ.
Thầy Huyền Lan không phải BTC của Vô Ưu, nhưng đã đồng hành cùng Vô Ưu ngay buổi đầu. Quà cáp, hỗ trợ tịnh tài tịnh vật cho BTC cũng như anh em văn nghệ sĩ trong chuyến đi nầy là một nhà tài trợ đáng nói. Hàng năm, thầy vẫn cho xe đưa đón anh em trong Thành phố ra chùa Phước Hoa - Long Thành dự Vu Lan, đãi cơm, rồi khi về quà cáp đi theo từng người đến tận nhà. Thầy tuy còn trẻ, nhưng tinh thần văn nghệ và ưu ái anh em nghệ sĩ rất mực chu đáo. Gần trăm nghệ sĩ đã biết thầy, không ai không tâm phục khẩu phục việc tận tâm, có trách nhiệm đối với mọi người, và cũng là một tu sĩ rất mực thanh tịnh giới đức. Có lẽ vì thế, chùa Phước Hoa là một trong hàng trăm ngôi chùa quây quần khu vực Đại Tòng Lâm, có cuộc sống ổn định cho nội viện và tạo được sự tôn kính thân tình cho hàng cư sĩ trẻ.
B/ Đồng hành văn hóa: Ngoài tờ báo Giác Ngộ của Thành hội PG, tờ báo địa phương trở thành tiếng nói chung của Phật giáo Việt Nam như thế. Nói đến Giác Ngộ ai cũng biết, thì nhắc đến Vô Ưu Daklak ai mà không nể! Hiện nay Phật giáo có hàng chục báo giấy, nhưng ít tờ nào sống thọ, ngay cả Đạo Phật Ngày Nay của thầy Nhật Từ cũng phải đình bản sau vài năm trình làng. Còn lại các báo giấy nhiều địa phương không tạo được ấn tượng trong cả nước. Con đường 18 năm của Vô Ưu là đạt phân nửa tuổi đời 35 năm của GHPGVN, như thế cũng là thành tích xuất sắc. CTV khắp ba miền là những cây bút vững vàng tiếng tăm. Tuy không chuyên đề nghiên cứu nhưng nội dung văn học có chọn lọc; thỉnh thoảng dám đăng những bài mà báo khác không dám nói thẳng nói thật. Rồi đây, khi "tứ trụ" ra đi, liệu lớp trẻ có đủ kinh nghiệm duy trì cái hào quang 18 năm của văn hóa Cao nguyên kinh qua trang chữ và việc làm như đã có. Bài vở không chỉ kéo trên mạng xuống là đủ, phong cách làm việc, duy trì tình liên hữu cộng tác, sinh hoạt định kỳ để bộ mặt cá biệt không bị quên lãng là thủ thuật dày dạn kinh nghiệm của các lão tướng Vô Ưu. "Hương Từ Bi" ở Dak Nông hình như chìm lặng trong lớp đất đỏ Ba zang, cho dù bài vở không thiếu. Tiếc thay, giữa Hương Từ Bi và Vô Ưu cùng tồn tại trên mảnh đất văn hóa đại ngàn, nhưng hương sắc Vô Ưu lan tỏa khắp nơi và lâu bền như loại trầm hương cổ thụ.
Những cây bút mà ba miền được biết, đều xuất hiện trong Vô Ưu, không xuất hiện tên tuổi qua bài vở kéo từ mạng xuống mà xuất hiện bằng tình cảm chân thật và được trọng quý bởi Ban Biên tập. Cái thành công của báo chỉ không chỉ bài vở mà còn có con người bằng xương bằng thịt xuất hiện kết hợp. Tạ Nam Trân + Phan Bá Sĩ + Dzạ Lữ Kiều + Lê Tất Sĩ là tứ trụ chống đỡ ngôi nhà văn hóa Phật giáo Tây nguyên chứ không riêng Daklak, phải chăng, BTS PG Tỉnh đã biết trọng dụng? Và Cao nguyên một thời đã ươm mầm cho những bàn chân viễn xứ từ miền Trung sỏi đá hợp tấu bản hòa ca văn hóa Phật giáo chốn đại ngàn. Chính vì vậy mà Hòa Thượng Thiện Đạo, HT Minh Tâm, Thiền sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh, thầy Huyền Lan đã chung tay với Vô Ưu suốt chặng đường dài. Trong ngày họp mặt năm nay, Vô Ưu cũng hân hạnh được sự quan tâm của báo chí, chư tôn đức các Tỉnh thành về hỗ trợ. Sự chung tay nầy nói lên tấm lòng của những con Phật mà không hề vì lợi nhuận hay danh tiếng cá nhân.
C/ Kỷ niệm 18 năm Vô Ưu có mặt cũng là lúc trao giải cho những cây bút truyện ngắn và tùy bút, tuy tầm vóc của những giải đạt được, không có giải nhất, chỉ có giải nhì và khuyến khích đã nói lên tấm lòng tham gia tuy chưa đủ tầm cho một văn thể. Công việc thành công nầy, không chỉ do tứ trụ, do sự góp mặt của văn thi nhân mà còn phần lớn từ các mạnh thường quân âm thầm hỗ trợ, dĩ nhiên BTS Tỉnh cũng không thể thiếu.
Chùa Phước Hoa và nhóm ảnh Nhất Chi Mai đã tặng hai bức tranh khá lớn và nặng. Một là chân dung cố HT tọa chủ Ngọc Quang và một chân dung Phật Ngọc khi thầy Huyền Lan đi dự tại Pháp. Hầu hết quà cáp tặng đại biểu cũng do thầy Huyền Lan, công ty Hán Linh và Âu Việt tài trợ, ngoài việc tài trợ tịnh tài. Chi phí cho anh chị em văn nghệ sĩ tham gia từ Sài Gòn lên Daklak cũng trong sự quan tâm của thầy Huyền Lan. Trong lễ chính thức cũng đã tuyên dương và tặng hoa cho các mạnh thường quân. Buổi lễ kéo dài 3 tiếng không cần thiết, mặc dù khá thành công. Các giải trúng thưởng, các mạnh thường quân chỉ cần nêu tên mà không cần phải đọc địa chỉ từng địa phương, vùng miền rườm rà mất thì giờ. Những vị đọc quyết định khen thưởng, đọc danh sách tặng bằng khen và những văn bản khác hình như chưa được tập dợt trước. Dĩ nhiên tổ chức nào cũng có sơ suất, nhưng cái thành công suốt 18 năm qua đã đủ lấp đầy những khoảng trống khiếm khuyết trong buổi ra mắt. Đáng ra, BTC nên dành một vài phút tuyên dương công đức những mạnh thường quân đi suốt chặn đường cùng Vô Ưu như thầy Huyền Lan, nói lên những chặn đường gai góc trải qua mà thầy cùng sánh bước với Vô Ưu. Không phải do những tổn phí đã bỏ ra mà tâm phúc trang trải cùng Vô Ưu bao năm lặng lẽ. Trong số chư Tôn túc hỗ trợ Vô Ưu về mặt tinh thần, thầy Huyền Lan là điểm son không thể phai nhạt.
Nói là nói thế, chứ bản thân Vô Ưu tự bươn chải để tồn tại, thậm chí không có mái nhà để được gọi là văn phòng tòa soạn. Nếu BTS Tỉnh khuyến khích Phật tử tại Daklak mỗi người một tờ báo thì Vô Ưu không đến nỗi khố rách áo ôm ngửa tay xin tiền từ Sài gòn đến các nơi để có buổi ra mắt. Và nếu Phật giáo Buôn Mê hỗ trợ một cách trách nhiệm thì tầm vóc Vô Ưu sẽ hơn thế nữa. Anh em trong BBT đã có trách nhiệm với văn hóa Phật giáo Tây Nguyên như thế cũng là điều đáng quý. Hãy nhìn cái ưu và tinh thần trách nhiệm của Vô Ưu để thông cảm những ách tắt mà một số người khó tánh đã nhìn thấy.
Quy định tuổi tác trong công việc Phật sự chỉ là nguyên tắc, nếu cứ rập khuôn thì không khéo tạo sự thụt lùi cho công việc. Cho dù tuổi cao, nhưng khả năng và trí tuệ làm nên "lịch sử" thì không cần phải thay đổi nhân sự, ngoại trừ những nhân sự không đủ khả năng xuất sắc trong Phật sự. Những nhân sự dầy dạn nghiệp vụ đưa lên làm cố vấn, chắc gì lớp trẻ kế thừa đã nghe và làm theo, khi mà bản ngã ngấm ngầm chứng tỏ một cá tánh của tuổi trẻ, điều nầy đã xuất hiện trong nhiều báo của Phật giáo.
Ra đời từ năm 1998 vào mùa Vu Lan, đến nay đã được 60 kỳ báo trình làng, với thành tựu từ năm trăm số nay lên gần 5 ngàn số mỗi kỳ cũng đã nói lên sự thành công đáng kể, nhưng, theo báo cáo của anh chủ nhiệm, một vài chùa trở thành con nợ khó đòi khi nhận báo mà không tiêu thụ hoặc tiêu thụ lại không hoàn tiền cho tòa soạn. Vì vậy, tiền bù lỗ lấy từ đâu? Từ miền Trung trở vào miền Tây đã có mặt Vô Ưu, phía Bắc chưa có cơ sở phát hành.
Trên một vùng đất núi non, kinh tế chưa được phát triển đúng mức đối với 44 sắc tộc anh em, Phật giáo có 240.000 tín đồ của 142 ngôi chùa với dân số trên dưới hai triệu người. So với Kon Tum, Gia Lai, Dak Nông... hoạt động Phật sự như thế cũng là điều đáng nói.
Hiện nay, khắp nơi chùa to Phật lớn cũng đã nhiều, nhưng về mặt văn hóa chưa được quan tâm, nếu một số Tỉnh thành xuất hiện sinh hoạt văn hóa như báo chí, thi văn nhạc họa thì cũng chỉ là sự cố gắng cá nhân chứ chưa có chủ trương chung của Giáo Hội. Trong dịp kỷ niệm 18 năm Vô Ưu có mặt, Giáo Hội Trung Ương cũng như Phật giáo Tỉnh Daklak, ngoài việc trao tặng bằng khen, nên có món quà tượng trưng khích lệ anh em BBT để họ không cảm thấy mình là đứa con bất đắc dĩ buộc phải có mặt trên cõi đời. CTV của những tờ báo Phật giáo cũng không đòi hỏi nhuận bút như các báo thế gian, nhưng sự quan tâm của Giáo Hội cũng là điều khích lệ những đóng góp trí tuệ lâu dài cho văn hóa nhà Phật.
Năm tháng trôi qua nhưng khiếm khuyết vẫn tồn đọng như sự tồn đọng tập khí của mỗi con người, không ai trách móc ai khi mà trong đó ai cũng có những ưu điểm, vì vậy, cần sách tấn nhau để cái tốt cái đẹp được phát triển. Không tổ chức nào, công việc nào toàn thiện, hai mặt tương phản luôn tồn tại, không thể đòi hỏi một cách tuyệt đối. Hy vọng Vô Ưu cũng sẽ được cảm thông từ bên trên và trong lòng độc giả để mọi Phật sự vẫn là vô ưu, thoát khỏi não phiền.
MINH MẪN
03/10/2016
03/10/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét