"Bốn trong một" là nội dung của cuộc hội thảo khoa học về nhu cầu hiện thực hóa Phật giáo hiện nay, do Ban Văn Hóa và Ban Nghi lễ Trung ương, sau nhiều tháng tuần lưu từ ba miền để giao tiếp và ghi nhận ý kiến với các hệ phái chung quanh bốn chủ đề quan trọng:
- PHÁP PHỤC - KIẾN TRÚC - NGÔN NGỮ - DI SẢN
Mà từ lâu hầu hết ai quan tâm đến Phật giáo đều canh cánh có được một Phật giáo Việt Nam đặc thù từ hình thức đến nội dung, để PGVN có được chiếc áo mới thế kỷ 21 nầy.
Qua 44 bài nói chuyện, tham luận từ giáo phẩm Trung ương đến các nhà trí thức, các Ban Văn Hóa - Ban Nghi Lễ địa phương, hình như chỉ nêu lên chung chung những nhận định, để Ban thư ký cuộc Hội thảo ghi nhận.
Tổng quan về Văn Hóa Phật giáo Việt Nam, Báo cáo đề dẫn khai mạc Hội thảo chủ đề "VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM" - KTS. Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nói:
"... Với lịch sử trên 2000 năm du nhập, định hình và phát triển tại Việt Nam, Phật giáo với tinh thần tùy duyên nhập thế, đã lan truyền và thấm sâu vào đời sống của cộng đồng các dân tộc Viêt Nam....... Hình thành và phát triển theo chiều dài lịch sử, những sản phẩm vật chất và tinh thần của PGVN được sàng lọc, kết tinh thành những giá trị văn hóa đặc sắc, lưu truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Mỗi thế hệ lại có sứ mạng của mình trong việc giữ gìn, kế thừa và bồi đắp, làm giàu thêm những đặc điểm, giá trị của nền văn hóa ấy... Chính vì vậy, nhận diện để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo, với ý nghĩa là một thành tố quan trọng của văn hóa dân tộc Việt Nam, là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết...."
Hầu hết các nhà trí thức có mặt trong cuộc hội thảo đều xác nhận tầm quan trọng trong việc thống nhất qua bốn chủ đề được nêu. Tuy thống nhất trên tổng thể nhưng vẫn giữ nét đặc trưng của mỗi hệ phái. Hòa Thượng Thích Gia Quang, Trưởng Ban Thông Tin Truyền thông xác định:
... "Trong quá trình phát triển và thích nghi, văn hóa Phật giáo Việt Nam đã tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa dân tộc, và ngược lại văn hóa Phật giáo đã bổ sung làm phong phú kho tàng văn hóa dân tộc. Phật giáo Việt Nam đã có những nét văn hóa đặc trưng của riêng mình, không bị lẫn lộn với đặc trưng văn hóa của các nước, cũng như văn hóa Phật giáo của các nước khác..."
Trong nhận định về nét "DI SẢN VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỪ KHỞI THỦY ĐẾN THỜI LÝ DƯỚI GÓC NHÌN KHẢO CỔ HỌC", PGS, TS Tống Trung Tín - Viện Khảo cổ học nhận xét:
..."Tóm lại, các di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam phản ảnh nhiều nét văn hóa đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Trong giai đoạn đầu tiên, Phật giáo Việt Nam đã phát triển trên cơ sở giao thoa các tín ngưỡng bản địa với Phật giáo Ấn Độ sáng tạo nên một hệ thống Phật điện hoàn toàn Việt Nam. Giai đoạn tiếp theo cho đến trước thời kỳ độc lập tự chủ là thời kỳ giao thoa giữa Phật giáo Ấn- Hoa với văn hóa Việt Nam để từ thời Lý trở đi, Phật giáo Việt Nam ổn định và phát triển ngày càng mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam... Các kiến trúc Phật giáo theo thời gian, càng ngày càng hướng tới sự hoàn hảo mang tính thẩm mỹ rất cao mà mỗi tòa tháp Phật giáo thời Lý đều có thể xem như một kiệt tác của nghệ thuật dân tộc".
Dù tham luận hay phát biểu dưới chủ đề nào, tất cả đều xoay quanh nét văn hóa đặc trưng của Phật giáo giữa lòng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử cùng dân tộc. Nhưng, từ thập niên 20 - 30 của thế kỷ XX, mặc dù chư tôn đức cố gắng canh tân và kết hợp các hệ phái vào chung một ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, một thành tựu đáng nhớ để Phật giáo Việt Nam ngày nay có một diện mạo thời đại, một số đặc trưng về nghi lễ, pháp phục, kiến trúc của quá khứ vẫn chưa được cập nhật hóa mang tính thống nhất trong một tổ chức thống nhất hiện nay.
Trải qua từng thời đại, từng thể chế, Phật giáo luôn thích nghi để tồn tại, vì thế Phật giáo không thể đứng bên ngoài hoặc bên lề xã hội. Cái tổng thể chung của một tổ chức, không tránh khỏi một vài hiện tượng tiêu cực; có thể những tiêu cực ngược giòng hay tiêu cực nhập cuộc quá đà. Trong quá khứ, nét văn hóa nhân cách của Phật giáo luôn thể hiện một sự hỗ trợ xã hội, hỗ trợ một thể chế như các quốc sư vào thời Phật giáo thạnh hưng, nhưng Phật giáo chưa hề là trợ thủ dưới trướng đắc lực cho thế quyền mà phải đứng ngoài, đứng trên để góp ý đúng với tinh thần: - "bất bái quân vương, bất tham danh vọng".
Từng có những quốc sư, sau những giờ lâm triều hiến kế, trở về thảo am với cơm hẩm rau rừng nơi núi cao. Cũng có những danh sư từ chối kiệu - võng - lọng - ô do nhà vua cung rước; như thế đủ cho thấy nét văn hóa nhân cách của Phật giáo trước thế quyền và danh lợi. Nếu đặt vấn đề - Pháp phục - nghi lễ - văn ngôn - di sản mà không đặt vấn đề nhân cách xả ly của Phật giáo thì một tập thể như thế cũng chỉ là một tập thể mang tính thế tục. Hiện nay, có một vài chức sắc Phật giáo chỉ sử dụng xe công cộng hoặc nhờ xe của tín đồ mỗi khi đi lại, để khỏi bất tiện, cũng không ít chư Tăng dùng xe cá nhân như một phương tiện mà không cần phải sang đẹp đắc giá. Những hình ảnh như thế đã là nét văn hóa trong cuộc sống của nhà tu. Pháp phục chỉ thể hiện sự cá biệt của một tôn giáo, một hệ phái, pháp phục không thể là tấm chắn che đậy tâm ô trược. Pháp phục được trang bị thêm tâm hướng thượng và nhân cách cao thượng thì pháp phục trở thành hình thái cao quý của một tôn giáo, một hệ phái.
- THỐNG NHẤT SẮC MÀU CHO PHÁP PHỤC
Để bảo tồn đặc trưng cá biệt của một hệ phái là điều cần trong một tổ chức. Nam tông và Khất sĩ đều chung một pháp phục nhưng sắc phục không thể lẫn lộn. Sắc phục và pháp phục cho Tăng Ni miền Bắc trước kia rất đặc thù mà ngày nay, Làng Mai vẫn duy trì để nhìn vào, người ta không lẫn lộn một Ni cô với một Dì phước khi chít khăn trên đầu. Áo tràng, áo Nhật bình cũng là nét đặc trưng, thì màu sắc cần có để phân biệt giới phẩm, giới tính và chức sắc... Y ca sa của Bắc truyền cũng cần đơn giản, bớt lòe loẹt màu mè theo kiểu cung đình, vì tinh thần Phật giáo luôn thanh thoát nhẹ nhàng và đơn giản.
- KIẾN TRÚC
Cơ sở thờ tự của Khất sĩ (bát giác) không thể cùng mẫu với chùa viện của Phật giáo Bắc tông hay Phật giáo Nam truyền, như thế thống nhất kiến trúc cho từng hệ phái đặt trên cơ sở nào. Nếu nền tảng của mỗi hệ phái có nét đặc thù về kiến trúc thì không thể đặt vấn đề thống nhất kiến trúc trong đa dạng. Kiến trúc xa xưa khi đất rộng người thưa, như ở Huế, thì việc xây dựng trên một diện tích được bố cục theo các tiêu chuẩn như: chữ Tam, chữ Khẩu, chữ Đinh, chữ Công. Mái ngói âm-dương, trùng lương và điệp ốc. Trên nóc thường trang trí Tứ linh. Ảnh hưởng cung đình. Nội điện, nội thất trang trí hoa văn, hoành phi song đối. Nét đặc thù kiến trúc chùa Huế như thế, thống nhất thế nào cho ba miền, nếu mỗi miền duy trì nét cá biệt thì đâu cần đặt vấn đề thống nhất.
Ngày nay, trong các Thành phố thị tứ, cận kề, sát vách nhà dân, xây dựng cơ sở thờ tự khó mà mang nét cá biệt như xưa, nhất là tại Sài gòn, có những vùng nhiều chùa sát vách đâu lưng nhau, nếu không có tượng thờ bên trong thì khó mà biết đó là ngôi chùa, bởi ngoại vi, nhất là mặt tiền không thể kết cấu đường nét Tôn giáo trong một không gian chỉ vài mét ngang chen chúc giữa nhà dân.
Như vậy, thống nhất kiến trúc cho cơ sở tự viện tương đối dễ khi mà chỉ định cơ sở Tôn giáo không xen lẫn sát cánh nhà dân, không chung tụ nhiều chùa trong một phạm vi hẹp, phân bố hợp lý giữa cơ sở Tôn giáo đủ đáp ứng cho lượng số tín đồ nơi đó, họa chăng, lúc bấy giờ Ban Văn hóa Trung ương của Giáo Hội mới thiết kế mẫu thống nhất từng vùng miền cho từng tông phái, mới có khả năng quy hoạch "thống nhất trong đa dạng". Tuy dễ mà không dễ, đòi hỏi sự kiên trì, thời gian và sự đồng thuận trong nội tình.
- THỐNG NHẤT NGHI LỄ
Cho hệ Bắc tông của ba miền cũng đã là khó, vậy nghi lễ giữa Bắc tông, Nam tông kinh, Nam tông K'hmer và Phật giáo Khất sĩ sẽ thống nhất thế nào để mỗi tông phái đều giữ được nét riêng? Nên chăng chỉ cần lễ Tam Bảo rồi hồi hướng là xong? Vì Bát Nhã, Đại Bi Thập chú, kỳ an Phổ Môn, kỳ siêu Di Đà, Hồng Danh sám hối... thì Nam tông không có; tán tụng, chẩn tế không hiện hữu trong các hệ phái ngoài Bắc truyền? Nếu thống nhất nghi lễ cho bốn hệ phái như thế quả là đơn điệu và không nói lên được tính thống nhất giàu sắc màu cá biệt.
- DI SẢN
Đặt vấn đề thống nhất Di sản thì thống nhất thế nào? Di sản là một nền tảng đã hiện hữu mang nét văn hóa đương thời, nó có một vị trí nhất định và cố định. Di sản Phật giáo trong ba miền mang dấu ấn cá biệt, không đồng nhất và không thể thống nhất; chỉ có thể thống nhất trong việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể để không bị đánh mất giá trị lịch sử.
Ai cũng từng biết chùa Tường Vân ở Huế, hiện do HT Chơn Thiện trụ trì, cũng là đại biểu Quốc Hội, đã triệt hạ toàn bộ di tích cổ tự vô cùng quý giá, để thay vào bê tông cốt thép hiện đại với nhà ngang lầu dọc, một cách đáng buồn. Việc xây dựng nầy trong tay người thiếu hiểu biết thì không đáng trách. Đây là việc khó của Ban Văn Hóa phải đối diện. Vì thế, để bảo tồn di tích di sản Phật giáo, Ban Văn hóa cần kết hợp với viện Bảo tồn Di tích, quy định và cố vấn mỗi khi duy tu. Tuy nhiên, vẫn có vài địa phương bảo tồn di tích cổ của Phật giáo như bảo tồn một vật vô hồn, như che đậy gói kín một bảo vật sợ bị đánh mất, khiến cơ sở xuống cấp mà không được phép sửa chữa, hoặc không được phép sử dụng cho Tôn giáo, biến di tích đó trở thành khối vật chất vô nghĩa.
Việc bảo tồn Di tích như thế cần phối hợp giữa Tôn giáo với Viện Bảo tồn (đừng tự cho mình là cơ quan chủ quản). Tuy đó là di tích, cũng cần "hòa mạng" trong sinh hoạt hiện thời để nâng cao giá trị di tích với hiện thực.
Di sản văn hóa vật thể có thể nhận dạng rõ và dễ, văn hóa phi vật thể tuy không tồn tại trong một hình khối, nhưng mang tầm quan trọng và giá trị tinh thần bất biến. Di sản phi vật thể của Phật giáo rất đa dạng, từ ngôn phong và đạo đức ứng xử, giới luật tạo nên thân giáo, truyền đạt hạnh đức, đạo ca, thi kệ tâm chứng, cuộc sống thanh bần theo luật "tam thường bất túc", "truyền đăng tục diệm", tứ y pháp... và giáo điển nhà Phật là một di sản cao quý nhất đối với Tăng tín đồ Phật giáo.
Chính vì thế, việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Phật giáo cũng là vấn đề nhiêu khê. Bảo tồn di sản nầy duy nhất chỉ có Tăng tín đồ nhà Phật mới có thẩm quyền và có nhiệm vụ. Từ di sản chung, có những di sản văn hóa riêng của từng hệ phái. Bảo tồn di sản vật thể là bảo tồn một vật khối tự thể không sinh lợi, thì di sản phi vật thể của nhà Phật, nếu việc bảo tồn linh hoạt và tùy biến thì di sản đó sẽ phát sanh đa dạng, phong phú nhiều mặt.
Phật giáo Bắc tông, từ nguồn gốc nguyên thủy, chư Tổ đã triển khai nhiều hệ phái và luận giải, để ngày nay, không những Tam Tạng đồ sộ mà còn truyền bá trên nhiều Châu lục. Phật giáo Nguyên thủy duy trì và bảo tồn được di sản văn hóa cội nguồn qua văn tạng Pali. Không ai có quyền triển khai lệch lạc con đường nguyên thủy, giữ được tinh chất khởi nguyên trong lúc cuộc sống luôn tùy duyên biến hóa. Đây cũng là nét đặc thù của một bộ phận trong ngôi nhà Chánh pháp Như Lai.
Tuy nhiên năm 1944, Tổ sư Minh Đăng Quang đã kết hợp được tính chất Nguyên thủy và tính chất Phát triển để có một di sản văn hóa phi vật thể của Phật giáo tại miền Tây Nam bộ. Giữ đúng tinh thần :"Xin vạn vật để nuôi thân, xin các pháp để nuôi trí" (Chơn lý Khất sĩ), tạo một nét cá biệt cho một đạo Phật nội sinh mà không đánh mất tinh chất cội nguồn. Gần một thế kỷ lưu truyền Chánh pháp Thích Ca, di sản văn hóa phi vật thể của đạo Phật Khất sĩ vẫn còn duy trì chuẩn mực, cho dù di sản văn hóa vật thể có tiếp biến ngoại hình.
- NGÔN NGỮ
Trong Phật giáo hiện nay, ai cũng biết, hết 80% sử dụng âm Hán và 50% sử dụng chữ Hán trong nghi lễ, hoành phi song đối. Kinh sách hiện nay chúng ta vẫn chưa có bộ Tam Tạng bằng Việt ngữ khi mà Myanmar, Lào, Campuchea, Nam Hàn, Nhật, Đài Loan... đều có bộ quốc ngữ của bản địa. Nam tông kinh và Nam tông K'hmer bảo lưu tiếng Pali, Phật giáo Bắc truyền Việt Nam sử dụng chữ Hán. Riêng Phật giáo nội sinh Khất sĩ đã dùng thi kệ thuần Việt trong các buổi lễ; thậm chí ngôn từ giao tế cũng mang nét đặc thù khiêm cung. Chứng tỏ chúng ta không thiếu khả năng và không nghèo văn ngữ.
Chủ trương của Ban Văn hóa Trung ương thống nhất ngôn ngữ là việc tối cần. Thiết nghĩ, ngôn ngữ Phật giáo thuần Việt được thống nhất cho bốn hệ phái trong ngôi nhà Phật giáo hiện nay sẽ không gặp nhiều chướng duyên như các mãng văn hóa khác. Một số ít quan niệm chữ Hán là ngôn ngữ của Thánh hiền, rất linh thiêng. Thật ra chữ nào cũng là chữ do con người tạo ra, được dán nhãn Thánh hiền nếu ta quý trọng, nhưng chữ Thánh hiền không thể đồng hóa tất cả mọi sắc tộc, Tôn giáo khi mà người đọc không hiểu, người nghe không biết chữ Thánh hiền đó nói cái gì, dạy cái gì. Thời Phật còn tại thế, chư Tăng đi truyền pháp đều sử dụng âm ngữ tại địa phương đó; một đất nước Ấn rộng lớn, gồm nhiều chủng tộc, không thể bắt mọi chủng tộc đều phải nghe một ngôn ngữ duy nhất. Thế thì tại sao chúng ta, hơn hai nghìn năm tồn tại Phật giáo trong lòng dân tộc mà phải sử dụng chữ Tàu một cách máy móc?
Ban Văn Hóa và Ban Nghi Lễ làm được công tác Việt hóa toàn bộ ngôn ngữ Phật giáo bằng quốc âm, đây là điểm son trong giáo sử cũng như trong lịch sử nước nhà.
Tóm lại, ý thức tùy biến tương thích với hiện trạng xã hội, Ban Văn Hóa và Ban Nghi Lễ Trung ương phát động phong trào "Thống nhất trong đa dạng" hy vọng tạo được nét đặc thù của Phật giáo Việt Nam mà quá khứ chư Tổ đã làm. Hiện tại, chư Tăng phải làm để tương lai đàn hậu học thể hiện được cái mà Phật giáo Việt Nam sẽ khác biệt với một số dường như lẫn lộn giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Trung Hoa qua cái nhìn của thế giới.
(còn
tiếp)
MINH MẪN
05/7/2016
05/7/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét