Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

* NHỮNG LỜI DẠY CAO THƯỢNG


Ahimsa hay không gây tổn thương cho tất cả mọi chúng sanh, và càng không gây tổn thương cho đồng loại bằng tư tưởng, lời nói và hành động...

Thầy muốn đặc biệt nhấn mạnh với quý vị là phải từ bỏ thói nghĩ xấu về kẻ khác. Cho đến khi quý vị biến kẻ thù thành bạn mình, thì quý vị mới có sự bình an nội tâm... Nếu một con sóng va vào một bề mặt cứng, nó sẽ dội ngược trở lại, nhưng nếu nó đập vào một vật đàn hồi, nó sẽ bị hút vào vật đó, giống như tác dụng của miếng bọt biển, và sẽ không có phản ứng dữ dội nào. Một lời nguyền rủa buông ra, nó trở thành số nhiều nếu đáp lại...

(Giáo huấn của Kirpal Singh)

PHẬT DẠY:
 Lấy ân báo oán, oán ấy mới tiêu tan, lấy oán báo oán, oán càng thêm chất chồng.

Hầu hết, các Thánh nhân đều khuyên nhủ lấy tình thương xóa bỏ hận thù. Không chỉ Phật giáo dạy về nghiệp trải qua ba lãnh vực: Thân-khẩu và ý, mà hầu như các tín ngưỡng Tôn giáo cổ xưa, nhất là Tôn giáo chủ trương về lòng Từ Bi. Tình thương và Bác ái đều như vậy.

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA nói:
 Nếu bạn muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu bạn muốn được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.

 Chúng ta có thể sống thiếu tôn giáo và thiền định, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu không có tình người.

 Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời, bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.

 Đây là tôn giáo đơn giản của tôi. Không cần tu viện; không cần triết học phức tạp. Bộ não và trái tim của chúng ta là chùa chiền của chúng ta; triết học là lòng tử tế.

Những lời vàng ngọc trong kinh điển thuộc về quá khứ, nhưng hiện tại, các Thánh nhân sống vẫn tiếp tục truyền đạt Tình người qua ngôn ngữ bình dân, thực dụng. Đức Đạt Lai Lạt Ma, được nhân lọai xem là Thánh sống, đã nói: Nếu bạn muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu bạn muốn được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.

Từ bi không phải là Tôn giáo, không phải là giáo quy hay tín điều, đó là một kỹ năng tiềm ẩn trong mỗi con người; ngay cả súc vật đôi khi có thể thể hiện đức Từ Bi, không chỉ đồng loại mà ngay cả chủng loại khác.

Một con cọp cho bầy chó con bú.

Một con sư tử không ăn thịt con mồi khi con mồi được thả vào chuồng. Từ đó, sư tử và con chó mồi trở thành bạn thân.

Một con bò tót mặt đầy máu, mũi tên vẫn còn cắm trên người, đứng nhìn đối thủ ngồi gục mặt hối hận đã gây thương tích cho bò trong cuộc đấu bò hàng năm, người và bò - hai đấu thủ cùng lặng lẽ nhìn nhau bằng lòng cảm thương sâu xa.

Bao con vật được cứu nạn, sau nhiều năm vẫn còn nhớ đến chủ, tỏ ra trìu mến khi gặp lại.

Bầy cá con bu lại tìm cách gỡ lưỡi câu cho mẹ đang bị mắc.

Phải chăng tình thương đã đem lại cho người và vật thông cảm nhau, hiểu nhau hơn? Tuy ngôn ngữ không đồng, người và vật đều có tình thương như nhau, ai bảo rằng thú vật không có linh hồn, chúng xử sự theo bản năng, chính người đó chưa phát triển được hạt giống Tình thương của mình. Một khi hạt giống Tình thương chưa được phát triển, con người có thể gây đau khổ cho kẻ khác. Kẻ khác bị đau khổ thì chính người tạo ra khổ đau đó chắc gì đã hạnh phúc? Thỏa mãn lòng căm thù hay vì thú vui trong giây lát trên sự đau khổ của kẻ khác, từ tiềm thức họ đã gieo hạt giống khổ đau cho chính mình. Và vì thiếu sự cảm thông với tha nhân, với loài vật, con người thỏa thê khẩu vị trên mâm cơm, trong tiệc nhậu cho dù con vật đang bị nhúng nước sôi, đang giãy giụa trong lửa đỏ, đang cắt đầu khi còn sống...

Khẩu vị thích ăn thịt không biết từ lúc nào, nhưng lòng Từ Bi của đạo Phật không nỡ lấy mạng sống của sinh vật nuôi cơ thể mình. Trong Thánh kinh cổ có nói:

Trong sách Phúc Âm của Thánh John (bản dịch trực tiếp nguyên văn lời chúa Giê su bằng tiếng Aramatic:
... Và điều răn kế tiếp của Ngài là: "Các con không được sát sinh, bởi vì sự sống được Thượng Đế ban cho tất cả muôn loài, và những gì Thượng Đế đã ban cho thì con người không được lấy đi. Bởi vì ta nói thật cho các con biết, tất cả chúng sanh trên trái đất nầy đều cùng một mẹ sinh ra. Do đó, kẻ nào sát sanh tức là giết chính anh em mình. Mẹ đất sẽ quay lưng lại với y và sẽ dứt y ra khỏi bầu vú căng sữa của bà... Thiên thần sẽ xa lánh y, và quỷ Sa Tăng sẽ chiếm ngự thân thể y. Và thịt của thú vật bị giết ở trong thân thể y sẽ trở thành ngôi mộ của chính y. Bởi vì ta nói thật với các con, kẻ nào sát sanh là giết chết chính mình, và bất cứ ai ăn thịt thú vật bị giết là ăn cái xác chết. Và cái chết của những con thú đó sẽ trở thành cái chết của chính họ. Bởi vì hậu quả của tội lỗi là cái chết. Đừng sát sanh, cũng đừng ăn thịt của những con mồi vô tội, nếu không, các con sẽ trở thành nô lệ của quỷ Sa Tăng. Bởi vì đó là con đường đau khổ, và nó dẫn đến cái chết. Nhưng hãy thực hành Thiên ý để các Thiên thần của Ngài có thể phục vụ các con trên con đường sự sống...

Vì vậy, hãy vâng lời Thượng Đế: Xem nầy, Ta đã cho các con đủ loại rau sinh hạt ở khắp nơi trên mặt đất và đủ thứ cây mà trái của chúng có hạt, đấy là thức ăn cho các con. Và với mọi loài thú trên trái đất, mọi loài chim trên không, mọi loài bò sát dưới đất mà trong chúng có hơi thở của sự sống. Ta đã cho chúng đầy đủ rau cỏ xanh tươi để làm thức ăn. Ngoài ra, sữa của những con vật biết đi và sống nhờ vú mẹ, cũng là thức ăn cho các con, vì Ta đã cho chúng rau xanh, nên ta cho các con sữa của chúng. Nhưng thịt và máu cho chúng sự sống thì các con không được ăn."

Và Chúa Giê-su tiếp tục nói:
"Thượng đế phán cho tổ tiên các con không được sát sanh. Nhưng họ nhẫn tâm và họ vẫn sát sanh. Rồi Thánh Moises muốn rằng ít nhất họ đừng giết người, và ngài đành chịu cảnh họ giết thú vật. Và rồi tổ tiên các con lại càng tàn nhẫn hơn, và họ giết cả người cũng như thú. Nhưng Ta nói cho các con biết: "đừng giết người, cũng đừng giết thú vật hay ngay cả thức ăn đi vào cửa miệng các con. Vì nếu các con ăn thức ăn tươi sống, thì thức ăn ấy sẽ làm cho các con sinh động, nhưng nếu các con giết thức ăn của con thì thức ăn chết đó cũng sẽ giết con. Bởi vì đời sống đến từ sự sống, và cái chết luôn luôn đế từ sự chết. Bởi vì tất cả những gì giết đi thức ăn của các con thì cũng sẽ giết chết thân thể các con. Và tất cả những gì giết chết thân thể các con thì cũng giết luôn linh hồn các con... Và thức ăn của các con thế nào thì thân thể các con trở thành thế ấy, tương tự như vậy, tư tưởng các con thế nào thì linh hồn các con cũng trở thành thế ấy."

Hồi giáo, Kinh Koran, Su 2. Al-Baqarah đoạn 2- 11: "Chớ làm các điều ác trên trái đất".

đoạn 3 - 22: "đấng đã tạo trái đất như như một tấm thảm và bầu trời như một lọng che cho các người và ban nước mưa từ trời xuống mà Ngài dùng để làm mọc ra cây trái thành thực phẩm cho các người..."

Như vậy, tình thương và lòng Từ Bi không chỉ giới hạn ở con người, các đấng giáo chủ, các nhà tâm linh đều có một năng lượng như nhau. Từ Bi là một từ trường của vũ trụ, từ trường đó đã cuốn hút và giữ cân bằng cho mọi hiện hữu tồn tại. Một từ trường ngỡ chừng vô cơ, thực sự vẫn là hữu cơ. Từ trường tiềm ẩn trong mọi sinh động vật ngỡ chừng hữu cơ, thật sự là vô cơ, đó là tiềm năng bản sinh, nhưng vô cơ đó được đánh thức trỗi dậy từ ý thức, trở thành hữu cơ. Hữu hay vô cơ chỉ là tạm nói ở một trạng thái tiểm ẩn hay phục hoạt. Nôm na dễ hiểu, cổ nhân đã bảo: -"Nhân chi sơ thánh bổn thiện" do hoàn cảnh xã hội, do tập nhiễm lâu đời với cái xấu ác, tánh thiện đã chìm lắng. Vì thế, Đức Phật bảo: "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh", do vô mình dầy đặc mà Phật tánh bị lu mờ.

Tôn giáo và các Thánh nhân có nhiệm vụ khích lệ sự trỗi dậy của tính thiện. Từ tính thiện đó phát triển lòng Bác Ái và đức Từ Bi. Một người giàu lòng Từ Bi thì dễ tiếp cận biên giới giữa tâm linh và vật thể, đời sống và bản năng sẽ chuyển đổi không ngừng. Người có khuynh hướng siêu thoát, nhìn mọi vật đều đáng trân trọng, mọi sinh động vật đều đáng thương, không nỡ sống trên sự sống của muôn thú, ngắt ngọn rau đọt cỏ cũng cảm thấy có lỗi vì đức hiếu sinh, nhưng do sự sống đành chọn sự xâm phạm nhẹ nhất để bồi dưỡng cuộc sống chân thiện mỹ làm lợi cho cuộc đời. Vả lại, rau, cải, cỏ khi cắt tỉa sẽ tiếp tục mọc thêm, càng xanh tươi tốt; chứ không vì bị cắt mà héo úa hoặc chết đi như là loài vật.

Do vậy, không lạ khi thấy con người biết hy sinh cho nhau, chia sẻ lợi ích cho nhau dù là không dư dã. Ngược lại tính ích kỷ chỉ biết lo cho cá nhân, dù sống trên núi vàng biển bạc, vì tính thiện lành của họ chưa được phát triển.

Từ đó, khi thấy ai làm thiện, hãy vui mừng, ai phóng sanh thì hãy khuyến khích. Đừng lý luận theo kiểu một chiều mà cản trở việc thiện họ đang làm. Nếu bảo người nghèo do kiếp trước thiếu bố thí, giờ hãy để họ trả quả mới có được bài học về sau. Nếu bảo phóng sanh là tạo cơ hội cho kẻ ác tiếp tục bắt nhốt, xoay vần trong mâu thuẫn thì lòng Từ Bi áp dụng vào đâu? Chỉ khác là khi hành thiện, không chỉ làm theo thói quen, cần kèm theo lời khuyên đến với người hoặc vật được nhận. Hành động, lời nói và ý thiện mới đủ ý nghĩa cho việc hành thiện.

PHẬT DẠY: "Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà cứ ra tay".
Tình thương, lòng Từ Bi không kể việc lớn nhỏ. Kinh Pháp cú phẩm Ác dạy:

116. Hãy gấp làm điều lành - ngăn tâm làm điều ác - ai chậm làm việc lành - Ý ưa thích việc ác.

117. Nếu người làm điều ác - chớ tiếp tục làm thêm - chớ ước muốn điều ác - chứa ác, tất chịu khổ.

118. Nếu người làm điều thiện - nên tiếp tục làm thêm - hãy ước muốn điều thiện - chứa thiện, được an lạc.

119. Người ác thấy là hiền - khi ác chưa chín muồi - khi ác nghiệp chín muồi - người ác mới thấy ác.

120. Người hiền thấy là ác - khi thiện chưa chín muồi - khi thiện nghiệp chín muồi -người hiền thấy là thiện.

121. Chớ chê khinh điều ác - cho rằng "chưa đến mình" - như nước nhỏ từng giọt - rồi bình cũng đầy tràn - người ngu chứa đầy ác - do chất chứa dần dần.

127.- Không trên trời, giữa biển - không lánh vào động núi - không chỗ nào trên đời - trốn được quả ác nghiệp.


Kinh điển đều dạy việc hành thiện, dạy cách phát triển lòng Từ, vì cuộc sống tràn đầy sự bất thiện.

"NƠI LẠNH NHẤT KHÔNG PHẢI LÀ BẮC CỰC MÀ LÀ NƠI KHÔNG CÓ TÌNH NGƯỜI".

BẠN SẼ NGHĨ SAO???

MINH MẪN
13/7/2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét