Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

ĐẠO PHẬT NGÀY NAY KHÁC VỚI

 ĐẠO PHẬT NGÀY XƯA NHƯ THẾ NÀO?  


(Bài 2)

VỀ KHÍA CẠNH GIÁO DỤC
Truyền thống Tông môn có một nét đặc thù đã được hình thành, tồn tại từ phía Bắc và miền Trung Nam bộ. Chính việc duy trì Tông môn mà nề nếp gia phong của Tông môn có được sắc thái đặc thù.

THIỀN PHÁI
Thế gian gọi là Tông môn, là truyền thống gia tộc, nhưng với nhà Phật thì gọi là Tông phong. Từ ngày Phật giáo truyền vào Việt Nam, tuy xứ Việt là bước chân đầu tiên tiếp nhận Phật giáo trước Trung Hoa, nhưng qua giao thoa văn hóa, Phật giáo Việt Nam ít nhiều ảnh hưởng một số nét của Phật giáo Trung Hoa lúc bấy giờ. 

Các Tông phái có Tào Động, Liễu Quán, Lâm Tế, Thảo Đường, Trúc Lâm, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông... thuộc Thiền phái, mỗi Thiền phái chủ trương một pháp hành. Theo truyền thuyết thì khởi xuất từ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, đời thứ 28 truyền thừa từ sơ Tổ Ca Diếp. Qua tôn chỉ và quy củ pháp hành, hành giả luôn tuân thủ nghiêm mật hành trì. Duy nhất là hành trì mà không hướng ngoại sưu tầm học hỏi nghiên cứu  vấn đề nào khác.

TỊNH ĐỘ TÔNG
 Tịnh độ do Ngài Tuệ Viễn (334-416) là đệ nhất Tổ Tịnh Độ Tông Trung Hoa, được truyền  thừa qua các đời Tổ Tịnh Độ Tông Trung Hoa như sau: 1) Tuệ Viễn, 2) Thiện Đạo, 3) Thừa Viễn, 4) Phát Chiếu, 5) Thiếu Khương, 6) Diên Thọ, 7) Tỉnh Thường, 8) Châu Hoằng, 9) Ngẩu Ích, 10) Hành Sách, 11) Tỉnh Am, 12) Triệt Ngộ, 13) Ấn Quang.

Đương đại ở Miền Nam Việt Nam có ông Đoàn Trung Còn, có cư sĩ Minh-Trí thành lập "Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam", tổ đình đặt tại Minh Hưng Tự, số 101 đường Lý Chiêu Hoàng, quận 6, thành phố Sài gòn. Ngài Minh Trí được tôn xưng là Giáo chủ Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam. Hòa Thượng Chơn Mỹ trụ trì chùa Giác Hải Phú Lâm Chợ Lớn. Hòa Thượng Chơn Minh, trụ trì chùa Giác Chơn, Chợ Lớn cùng ông Lý Trung Hiếu, Đốc công, Sở Công Chánh Sàigòn đã thành lập Giáo Hội Tịnh Độ Tông Việt Nam, trụ sở đặt tại chùa Giác Hải. Sau dời về Liên Tông Tự, 145 đường Đề Thám, quận I, thành phố Sàigòn. 

Ngoài ra còn có Hòa Thượng T. Thiện Phước ở tổ đình Linh Sơn Cổ Tự trên núi Dinh, gần Thị xã Bà Rịa, tục gọi là "Mẫu trầu" cũng thuộc giáo hội Tịnh Độ Tôn, ngài viên tịch vào năm 1986, kế thế truyền thừa bởi Ni sư Huệ Giác (tục gọi là ông Sáu), tổng quản gần 50 cơ sở tu tập, thuộc hệ phái Tịnh độ Non Bồng. Chuyên tâm trì danh hiệu Phật, không qua những nghi thức rườm rà. Chùa Hoằng Pháp Hốc Môn cũng đang hướng dẫn quần chúng hành trì Tịnh độ cho nhiều thành phần trong xã hội. Tuy Hoằng Pháp không rõ nét là một Tông phong nhưng được truyền thừa bởi cố Đại lão Hòa Thượng Ngộ Chân Tử. Chủ trương chung của Tịnh Độ vẫn là Tín-Hạnh-Nguyện.

MẬT TÔNG
 Do ba vị đại học giả của Mật giáo là Thiện Vô Úy, Kim Cương Trí, và Bất Không đem Mật giáo từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa gọi là Mật Tông, y vào giáo lý bí mật của Kinh Đại Nhật, Kinh Kim Cương Đính gọi là Mật Tông hay Chơn Ngôn Tông. Sau đó được truyền qua Nhật gọi là Đông Mật để phân biệt Tây Mật của Trung quốc. 

Một người Việt Nam là Hòa Thượng Nhẫn Tế, sau thời gian tham vấn cầu pháp tại Ấn, Ngài đắc pháp rồi trở về lại Việt Nam trụ tại chùa Tây Tạng, Bình Dương, nhưng Mật tông vẫn khó phát triển. Hòa thượng Nhẫn Tế viên tịch ngày 17-5-1951, thọ 63 tuổi đời, đắc 25 hạ lạp, là một Lama Việt Nam đầu tiên, được chính Nhiếp Chánh quốc vương Tây Tạng ấn chứng. 

Trước 1975, có thầy Viên Đức ở Thủ Thiêm cũng hành trì Mật tông, dịch nhiều bộ Mật chú như: Hiển Mật Viên Thông Thành Phật Tâm yếu, Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương, Kinh Chuẩn Đề Đà La Ni Hội Thích (hay Kinh Thất Cu Chi Phật Mẫu Sở Thuyết), Kinh Mạt Pháp Nhất Tự Đà La Ni.

Hiện nay, tại Việt Nam, Mật tông đang muốn phát triển, do đoàn truyền thừa Drukpa của Pháp Vương Gyalwang Drukpa  điều hành, nhưng hình như vẫn chưa cắm rễ sâu trong nền tín ngưỡng Việt Nam hiện nay; trong khi Tịnh Độ Tông vẫn là nền tảng thấm sâu trong đức tin quần chúng. Dù Mật tông của Kim Cang Thừa có nhiều dòng phái, điều tiên quyết cho một hành giả trì tụng vẫn là Tam mật, nêu về ý thú thực tiễn tu hành, khi tu tới Tam Mật Tương Ứng với nhau, tức là "TỨC THÂN THÀNH PHẬT". Nghĩa là tay thì kiết ấn "THÂN MẬT", miệng đọc chú "KHẨU MẬT", ý trụ Tam ma địa "Ý MẬT", hành giả đi được một đoạn đường vững chắc để tiến vào Tam Ma địa.

Những sắc thái đặc thù của từng Tông phong đều giúp hành giả chuyên sâu vào pháp hành đi đến đắc pháp. Những Thiền môn của Việt Nam vào những thập niên 1960 về trước, hầu như không có một nét cá biệt của Tông phái mà hầu như tổng hợp Thiền Tịnh Mật dung thông trong các thời khóa. Công phu khuya, công phu chiều, thời Tịnh độ buổi tối, luôn kết hợp Mật chú, kinh giáo để trở thành một nếp hành trì Thiền môn lúc bấy giờ. Cũng từ nề nếp nầy, các điệu chúng được đào tạo oai nghi tế hạnh, kinh luật, khi thọ Tỳ Kheo sẽ học thêm các bộ luận mà thầy hướng dẫn trực tiếp vẫn là Hòa Thượng Bổn sư. Sau khi Phật giáo tổ chức các trường lớp giáo dục hẳn hòi thì thông qua các lớp giáo lý sơ-trung-cao đẳng, điệu chúng đến trường với một nền giáo dục sư phạm; truyền thống "TAM THIÊN TỰ", gia giáo dưới mái chùa "thầy trò" không còn bị bó hẹp. Cũng từ đó, việc giáo dục rèn luyện nhân cách cho một điệu chúng cũng bị lơi dần, nhưng dẫu sao nề nếp gia phong vẫn còn dấu ấn đặc biệt.

Để phân biệt dòng truyền thừa và đời kế thừa, đã có những giòng kệ phái Chúc Thánh còn lưu truyền đến nay. Những giòng kệ đó chỉ tồn tại ở miền Trung trung bộ. Phía Nam, hầu như không quan tâm đến kệ truyền thừa. Sau nầy, hệ phái Khất sĩ của Tổ Minh Đăng Quang cũng sử dụng chữ "Minh" kế sau chữ "Giác".

Vấn đề giáo dục của từng hệ phái, Tông phong như một Thanh quy chung cho một tập thể đại chúng. Ngày nay ít có sự giáo dưỡng trực tiếp giữa thầy và trò như một gia phong. Theo trào lưu xã hội, Ban Tăng sự, Ban giáo dục Tăng Ni cũng chỉ quản lý về mặt hành chánh mà không chuyên sâu như xưa. Các học viện, cao đẳng, trung, sơ cấp cũng mang tính sư phạm cho kiến thức hơn là truyền thừa tông chỉ Tông phong.

Sau 1975 đến nay, việc giáo dục Tăng Ni khác với thập niên 1960 về trước cả về hình thái lẫn nội dung. Trước 1930 việc giáo dục mang tính truyền thừa tông phong và đắc pháp. Sau 1960 giáo dục nặng về hình thái tổ chức và đào tạo Tăng tài. Dần dà về sau việc giáo dục tu sĩ chuộng về khoa bản học vị, vì thế nội chất hành trì đã phai nhạt. Một tu sĩ thiếu nội lực hành trì đồng nghĩa chỉ là một cán bộ hành sự tôn giáo mà không còn là hành giả tâm linh.

MINH MẪN 
24/12/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét