Tôn giáo là một bộ phận không thể phủ nhận
trong cuộc sống của loài người. Tôn giáo là học thuyết giúp phục hưng đạo đức
xã hội và đưa nhân loại hướng đến tâm linh, khác với các học thuyết đưa xã hội
đến với sự phát triển vật chất hoặc xây dựng một mô hình quản lý cơ cấu sinh hoạt
xã hội lý tưởng nhưng chưa bao giờ đạt được mục đích để trở thành không tưởng.
Chứng cứ hiện thực trên toàn cầu cho ta thấy, khoa học càng tiến bộ, xã hội con
người càng trở thành nạn nhân cho bạo động, chiến tranh và bất mãn. Không thiếu trường hợp con người trở thành nạn nhân của
chính sự tiến bộ khoa học vật chất, bởi vì sự tiến bộ vật chất thiếu nền tảng đạo
đức tôn giáo, luôn tạo cơ hội nổi loạn bởi lòng tham và sự sân hận tiềm ẩn.
NHẬN XÉT: Có rất nhiều góc độ nhìn về
tôn giáo, đánh giá tôn giáo qua văn hóa và giáo điều.
Góc độ tiêu cực như:
C. Mác viết: “... tôn giáo là sự tự ý thức và sự tự cảm giác của con người chưa tìm
được bản thân mình hoặc đã để mất bản thân mình một lần nữa. Nhưng con người
không phải là một sinh vật trừu tượng, ẩn náu đâu đó ở ngoài thế giới. Con người
chính là thế giới con người, là nhà nước, là xã hội. Nhà nước ấy, xã hội ấy sản
sinh ra tôn giáo, tức thế giới quan lộn ngược”.
Ph. Ăngghen viết: “... tất cả tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo - vào trong đầu
óc của con người - của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày
của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức
những lực lượng siêu trần thế”.
Về triết học thì ở Âu châu có một vài
ông tổ sư thuyết hoài nghi (« maitres du soupçon », theo kiểu nói của Paul
Ricoeur) cho rằng có thể lột mặt nạ của cái ý thức tự cho mình là trong sáng và
đoan chính: họ chủ trương rằng những ý kiến và lý tưởng tôn giáo có vẻ nhân đạo
và cao quý, chẳng qua chỉ là cái bình phong để che đậy những ẩn ý không nói ra
được hay là không được nói ra.
Trong số đó dĩ nhiên là có Sigmund Freud, lấy môn phân-tâm-học mà
quan niệm tôn giáo theo phương hướng của Ludwig
Feuerbach (1804-1872): ông này lấy tâm lý học mà giải thích rằng con người
thấy mình nhỏ bé, hạn hẹp, cho nên tưởng tượng ra một vị Thiên Chúa toàn năng,
toàn trí, có thể che chở cho mình.
Lại có Karl Marx(1818-1883) cho rằng các hình thức xã hội, nhà nước và tôn
giáo chỉ là phản ảnh của tình trạng kinh tế. Sau cùng thì Friedrich Nietzsche (1844-1900) chủ trương rằng những lý tưởng tôn
giáo cao đẹp, như hành động bác ái, thái độ khiêm tốn, chẳng qua chỉ nảy ra nơi
những kẻ yếu hèn, không có khả năng đương đầu với kẻ khỏe, cho nên coi cái yếu
hèn của mình là nhân đức, và cái sức mạnh của người khác là tật xấu.
Tuy nhiên, cũng có những nhận định khách
quan như:
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: tôn giáo là sản phẩm sáng tạo của con người,
tôn giáo là một trong các lĩnh vực của văn hóa. Tôn giáo và văn hoá có mối quan
hệ hữu cơ từ cội nguồn lịch sử của chúng.
Các tác giả trong sách Tôn giáo lý luận
xưa và nay cho rằng: “Tôn giáo biểu hiện là một trong những lĩnh vực của văn hóa
tinh thần. Với quan niệm như vậy, thì tôn giáo và văn hóa không tách biệt và xa
lạ nhau, tôn giáo không vượt ra ngoài khuôn khổ của văn hóa, không bị mất đi những
đặc điểm vốn có của nó với tư cách là một hiện tượng văn hóa. Mặt khác, chỉnh
thể văn hóa không thể thiếu tôn giáo, không đánh mất nó, giữ lại nó trong mình,
không thu hẹp nội dung và không gian của nó”.
Một trong những người sáng lập ra tâm lý
học tôn giáo là nhà triết học theo chủ nghĩa thực dụng người Mỹ, V. Jemes (1842-1910) giải thích tôn giáo
nhờ xuất phát từ tâm lý cá thể: “Chúng ta
thỏa thuận gọi tôn giáo là tổng thể những tình cảm, hành vi và kinh nghiệm của
cá nhân riêng biệt vì nội dung của chúng quy định quan hệ với cái mà tôn giáo
tôn sùng - Thượng đế”.
Tác giả Trần Văn Toàn trong bài viết Văn
hoá và tôn giáo nhận xét vấn đề tôn giáo là một hiện tượng văn hoá, cho rằng: “Đó là một sự kiện văn hoá, và có lẽ là một
sự kiện văn hoá phổ biến và lâu dài bền bỉ nhất trong lịch sử nhân loại”. Tôn
giáo không phải là một sự kiện tự nhiên. Thực tại tôn giáo không phải là một vật
hữu hình mà khoa học tự nhiên có thể đo lường được. Tôn giáo là hiện tượng về
tâm linh mà chỉ thông qua ngôn ngữ làm cho tôn giáo nói lên được ý nghĩa của nó
và trở thành một thực tại khách quan ở bên ngoài tâm linh.
Tôn giáo là một hiện tượng, một bộ phận
của văn hoá. Tôn giáo là sự sáng tạo của con người, để lại giá trị về tinh thần
và vật chất trong đời sống con người. Tôn giáo có vai trò nhất định trong từng
thời kỳ lịch sử của con người, thậm chí có thời điểm tôn giáo ảnh hưởng sâu sắc
đến cuộc sống con người.Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ,
trình độ dân trí tăng cao nhưng tôn giáo vẫn là điều bí ẩn đối với các nhà khoa
học. Lý giải và tìm hiểu nguồn gốc tôn giáo vẫn mãi là đề tài chưa bao giờ kết
thúc của con người. Nếu tôn giáo là vật thể hữu hình thì việc giải mã có thể đi
đến phần cuối cùng nhưng tôn giáo là các giá trị tinh thần do con người sáng tạo
ra nên sẽ mãi là điều lý thú để tìm hiểu, suy ngẫm. Đồng thời tôn giáo mặc
nhiên trở thành một bộ phận, một hiện tượng của văn hoá loài ngoài.
Bronislaw
Kasper Malinowski cho rằng: “Phàm là có văn
hóa thì tất có tôn giáo... Mặc dù nhu cầu của văn hóa đối với tôn giáo hoàn
toàn là hình thức văn hóa phái sinh, gián tiếp, nhưng quy đến cùng, tôn giáo lại
cắm rễ sâu ở nhu cầu cơ bản của nhân loại, và thỏa mãn những nhu cầu ấy”.
Mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hoá là mối quan hệ bộ phận
không thể tách rời. Tôn giáo là một hiện tượng của văn hoá hay là một bộ phận của
văn hoá nên có mối quan hệ phổ biến, cơ bản và quan trọng trong từng giai đoạn
lịch sử. Văn hóa là toàn bộ những hoạt động của con người bao gồm hoạt động vật
chất và hoạt động tinh thần. Nên văn hoá bao trùm cả lĩnh vực tôn giáo./. ( Hoàng Minh Thiện)
Cũng không thiếu người đứng ngoài tôn
giáo để nhận xét theo cảm tính và suy diễn theo nhận thức về tôn giáo như:
Học giả Helmut von Glasenapp đã định nghĩa: “Tôn giáo là lòng tin tưởng vào những khí lực siêu nhiên, hữu ngã hay
vô ngã; đối với các khí lực ấy, con người có thể: hoặc là thấy mình tùy thuộc,
hoặc là muốn chiếm đoạt lấy cho mình, hoặc là nâng cao mình lên tới các khí lực
đó; lòng tin tưởng ấy xuất hiện trong tư tưởng, trong cảm nghiệm và trong ý chí
(hành động).
Cho dù nhận xét tôn giáo ở góc độ nào,
điều hiển nhiên sự tồn tại của tôn giáo chứng minh một nhu cầu cấp thiết của cuộc
sống cho một cộng đồng nhân loại song hành sự tồn tại của con người. Tôn giáo tự
thân vẫn là nét văn hóa của cuộc sống, đôi khi không thể tách biệt văn hóa và
tôn giáo, chính vì thế, sự cố gắng loại trừ tôn giáo ra khỏi cộng đồng xã hội
là một việc điên rồ. Về chính sách của Đảng Cộng sản đối với tôn giáo, Lenin luôn nhắc nhở rằng, không được đối xử với tôn giáo một cách thô bạo,
không được công khai tuyên chiến với tôn giáo, cần phải gắn việc phê phán tôn
giáo với vận động quần chúng, đưa họ tham gia vào các hoạt động thực tiễn nhằm
xây dựng “thiên đường trên trái đất”.
F.
Engels viết: “Tôn giáo do con người tạo ra, bản thân những người nảy cảm thấy được
nhu cầu cần phải có tôn giáo và họ hiểu được những nhu cầu cần có tôn giáo của
quần chúng”.
Như vậy tôn giáo vẫn là một hiện thực của
cuộc sống, không còn cần phải đặt vấn đề tôn giáo lên bàn mổ trong cuộc sống hiện
nay, hãy đặt vấn đề Tôn giáo đóng góp được gì cho xã hội về mặt văn hóa, đạo đức.
Theo cái nhìn văn hóa của một số người: Khái niệm văn hoá vì vậy có nhiều định
nghĩa khác nhau. Các nhà đạo đức học coi văn hoá là đạo đức, các nhà tôn giáo học
coi văn hóa là phong tục, tập quán, tín ngưỡng, các nhà dân tộc học coi văn hoá
là hình thức biểu hiện đời sống của các tộc người,... Tính đa nghĩa của khái niệm
văn hoá không chỉ có trong nhận thức lý luận mà còn là thực tiễn.Văn hoá là
khái niệm đang vận động, mang tính lịch sử, biến đổi cùng các thời đại trong lịch
sử. Hiện nay trên thế giới có hàng trăm định nghĩa về văn hoá, mỗi định nghĩa
đi vào một khía cạnh khác nhau của văn hoá.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra định nghĩa về
văn hóa, như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo
và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn
học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặt ăn, ở và các
phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa” (Hoàng
Minh Thiện)
J.Nehru
đã viết: “Rõ ràng là tôn giáo đã đáp ứng
một nhu cầu trong tính chất con người và đa số người trên thế giới đều không thể
không có một dạng tín ngưỡng nào đó... Tôn giáo đã đưa ra một loại giá trị cho
cuộc sống con người, mà dù một số chuẩn mực ngày nay không còn được áp dụng, thậm
chí còn tai hại, nhưng những chuẩn mực khác vẫn còn là cơ sở cho tinh thần và đạo
đức”.
Theo định nghĩa của giáo hội (thần học)
thì tôn giáo là mối liên hệ của con người với Thượng đế, với Thần linh, với cái
tuyệt đối, với một lực lượng nào đó, với sự siêu việt hóa,...
Nhà thần học và triết học Tin Lành giáo,
R. Otto (1869-1937) cho rằng tôn giáo là “sự thể nghiệm cái thần thánh”, nhưng,
với nhà Phật, mục đích là đưa con người trở về lại chính mình mà từ lâu vong bản
đánh mất tự tánh; khi mình làm chủ chính mình thì mọi ách tắc trong cuộc sống sẽ
được hóa giải theo chiều hướng trí tuệ, vì thế, nhà Phật đề cao: "Duy Tuệ Thị Nghiệp",tức là
trí tuệ tự thân mà không dựa dẫm cần cầu vào thế lực nào khác...
VĂN
HÓA LÀ GÌ?
Để hiểu được cương vị và vai trò của Tín
Ngưỡng và Tôn Giáo trong tổng thể Văn hóa, chúng ta cần tìm hiểu thêm Văn hóa
là gì.
Năm 2002, UNESCO đã đưa ra định nghĩa về văn hóa như sau:"Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc
trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người
trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương
thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin."
Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn
ngữ học, do NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2004 thì đưa ra một
loạt quan niệm về văn hóa:
- Văn
hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng
tạo ra trong quá trình lịch sử. - Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật
chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực
tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên xã hội.
(http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n_h%C3%B3a)
“Văn
hóa có ý nghĩa là văn minh và giáo hóa, phản ảnh những lề lối, tổ chức sinh hoạt
của một quốc gia dân tộc trong sự phát triển tinh thần, đạo đức, nghệ thuật sống
trong những hài hòa chung giữa con người và xã hội, những điều này hoàn toàn
phù hợp với chức năng của tôn giáo, vì thế văn hóa chính là nền tảng thực thi của
tôn giáo hướng đến chân trời văn minh nhân bản.”
(Phạm Thiên Thơ.sđd)
Cụ
Nguyễn Đặng Thục gắn liền văn hoá với tiến hoá.
Tiên sinh viết: Văn hoá có nghĩa là tiến
hoá, tiến từ trình độ thô sơ đến trình độ văn vẻ từ thấp đến cao, từ vật chất hữu
hình lên tinh thần vô hình.
Arnold
cho rằng: Văn hoá là sự cố gắng của con người để vươn lên tới mức độ cao siêu
hơn, hoặc là vươn lên cho tới hoàn thiện.
Phương tiện của sự siêu thăng này chính
là văn chương và nghệ thuật và sự học hỏi về những tư tưởng và hành động cao đẹp
của tiền nhân.
Vậy, có thể tóm tắt rằng: Văn Hóa là tài
sản, là di sản những thành tựu của lao động và tư duy, những tinh hoa của con
người thể hiện thành vật thể hay những giá trị tinh thần phi vật thể, tất cả
đem lại cái đẹp, cái thiện, cái chân lý phổ quát trong quá trình tiến hóa của
loài người. (NV)
Như thế, Tôn giáo là dạng văn hóa và văn
hóa là một tổng hợp trong đó tôn giáo phát sinh và tiếp biến. Văn hóa tôn giáo
thể hiện qua nhiều hình thức như: âm nhạc -kiến trúc --hội họa -thơ văn -nếp sống
-giáo dục... mà các tôn giáo có mặt tại Việt Nam đã cung ứng cho xã hội.
Những kiến trúc nổi tiếng như chùa Dâu,
chùa Phật Tích, nhà thờ đá Phát Diệm, các tháp Chàm của đạo Hồi... là một trong
25.000 văn hóa vật thể của tôn giáo rải rác hiện nay.
Một mùa lễ báo hiếu Vu Lan cũng đã thể
hiện nét văn hóa tri ân.
Từ thiện cứu trợ cũng là dạng văn hóa
nhân đạo mang tính tương thân, hiện nay các bếp ăn từ thiện trong các bệnh viện
cũng đã nói lên nét văn hóa đạo đức của tôn giáo mà có những cán bộ phía Bắc lần
đầu tiên sau 1975 ngỡ ngàng thắc mắc trước việc làm từ thiện không điều kiện của
Phật tử miền Nam khi hỗ trợ thiên tai cho phía Bắc.
Những năm tháng sau 1975 được ổn định,
thư pháp, hội họa, may thêu, ẩm thực chay đa dạng và kiến trúc tự viện với một
tầm vóc khá ấn tượng như chùa Bái Đính-Ninh Bình, chùa Khánh An-Q.12, TP HCM,
chùa Thiên Hưng, thị xã An Nhơn, Bình Định, chùa Ba Vàng-Quảng Ninh... Dĩ nhiên
còn nhiều nét văn hóa đa dạng mà ta không thể liệt kê hết.
Về phương diện Đạo đức: đạo đức nhân
thân của tín đồ Phật giáo phải thực hiện:-ngũ giới cấm, thập thiện, Bồ Tát giới...
tuy phát xuất từ nhà Phật nhưng là nền tảng cho một xã hội đạo đức, vì giới điều
không mang tính sùng kính Thần quyền, hướng đến Thần quyền mà chỉ phục vụ cho
nhân thân đem lại công ích cho xã hội.
Trí
Hải đã bảo: Muốn được nhìn một đạo Phật thật sự thì xin hãy nhìn qua lăng kính Văn
Hóa Phật Giáo. Nghĩa là dùng phương tiện đối thoại, phê phán, chia sẻ... công bằng,
xứng hợp với văn hóa tôn giáo. Đem phương tiện và nội dung phi tôn giáo để bàn
về tôn giáo là tự mình cố tình bịt mắt để đi sai đường chứ không phải tôn giáo
không có đường đúng để khách ghé đến thăm.(Trí Hải - Sách Hiếm)
Thế mà, bà Đặng Thị Lan đã viết: Về mặt
nào đó, đạo đức tôn giáo đã tạo cho con người thế giới quan và nhân sinh quan
sai lệch, làm hạn chế tính tích cực, chủ động và sáng tạo của con người. Đạo đức
tôn giáo hướng con người tới khát vọng hạnh phúc, song đó là thứ hạnh phúc hư ảo,
hão huyền. Tinh thần nhẫn nhục mà các tôn giáo đề ra thể hiện thái độ cực đoan,
thủ tiêu đấu tranh.Nó tạo cho các tín đồ thái độ bàng quan trước thế giới;
(Các ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của đạo đức tôn giáo ở Việt Nam).
Nếu đã tạo thái độ bàng quan thì cuộc đấu
tranh năm 1963 là gì? Bao nhiêu đoàn cứu trợ đến Nepal, Nhật Bản và một số nước,
một số địa phương bị thiên tai là gì? Thế mà gọi là bàng quan? Đấu tranh với cuộc
sống mà không đấu tranh với những tệ nạn của bản thân là một bất an cho xã hội.
Cái nhìn của bà Lan về quan điểm đấu
tranh dựa trên học thuyết đấu tranh giai cấp mà một thời đảng Cộng Sản quốc tế chủ trương "bạo lực
cách mạng", dùng bạo lực để lật đổ phong kiến, tư bản để tiến mạnh tiến
nhanh lên "xã hội chủ nghĩa". Dùng bạo lực không để san bằng giai cấp
mà chỉ tôn vinh giai cấp "công nông". Ta cũng đã biết, một xã hội
phát triển do sự góp sức của mọi giai cấp chứ không ưu tiên cho riêng một giai
cấp, triệt giai cấp nầy để nâng giai cấp khác thì vấn đề giai cấp vẫn tồn tại,
đối lập vẫn tồn tại, bất an vẫn tồn tại. Một xã hội an bình không thể tồn tại một
giai cấp ưu tiên, nâng xã hội lên một giai đoạn lý tưởng bằng bạo lực, hậu quả tiềm ẩn vẫn là bạo lực, làm sao có một xã hội
đạo đức nhân ái thực sự? Bạo lực luôn phát sanh bạo lực. Chưa có thời đại nào
xã hội Việt Nam giết người, cướp giựt, tham ô, tai nạn giao thông, lừa đảo, lạm
dụng ma túy nhiều như hiện nay; người dân luôn sống trong bất an, bất an mọi
lúc mọi nơi.
Đạo Phật không chủ trương đấu tranh giai
cấp, nếu có đấu tranh chăng thì đấu tranh bản thân trước cái xấu cái ác.Đức Phật
san bằng giai cấp, tạo một ý thức cách mạng tại xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ bị đè
nặng bởi 4 giai cấp. Theo Rg-Veda thì bốn đẳng cấp đều được sinh ra từ một nguồn,
từ trên cùng cơ thể của con người sơ thủy (Purusa): Bà La Môn được sinh ra từ
miệng; Sát Đế Lợi sinh ra từ tay; Phệ Xá sinh ra từ bắp vế; và Thủ Đà La sinh
ra từ chân (Rg-Veda, 10.90). Do tinh thần giai cấp mà Ấn Độ đã có sự cách biệt
rõ nét giữa giai cấp nầy với giai cấp khác, giai cấp cùng đinh là giai cấp chịu
nhiều thiệt thòi mọi mặt nhất. Đức Phật nói: "Không có giai cấp trong giòng
máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn", "Tất cả chúng sanh đều có Phật
tánh".
Một góc độ nào đó, cái nhìn về tôn giáo
như một loại tầm gởi, không sản xuất ra của cải mà "ngồi mát ăn bát
vàng", một loại lạm dụng và lừa đảo đức tin nhân dân...
Trong kinh Phật- Tương Ưng Bộ Kinh, chương 7: Tương ưng Bà-la-môn, Phẩm 2: Phẩm cư
sĩ, mục 1: Cày ruộng (S.i. 172). Bài kinh này cũng xuất hiện ở Kinh Tập, chương I, mục 4: Kinh
Bharadvada người cày ruộng (Sn.12) với nội dung dài hơn và hơi khác một tí ở phần
cuối kinh. Nội dung của bài kinh này được tóm lược như sau:
Kinh kể rằng, lúc bấy giờ Đức Phật trú tại Magadha.Một hôm,
trên đường đi khất thực, Đức Phật đi đến nông trường của bà-la-môn Kasi
Bharadvaja khi ấy đang chuẩn bị gieo mạ. Bà-la-môn này nói rằng, tôi cày, tôi
gieo mạ, sau đó, tôi thu hoạch, tôi ăn. Ông có cày và gieo mạ không mà sau khi
thu hoạch, ông ăn?
Đức Phật từ tốn trả lời rằng, Ta cũng có cày và gieo mạ,
sau khi cày và gieo mạ, Ta ăn. Khi người bà-la-môn thắc mắc về cày, lưỡi cày, gậy,
trâu... của Đức Phật, Ngài nói lên bài kệ giải thích rằng “Ta có niềm tin là hạt
giống, khổ hạnh là mưa, trí tuệ là cày và ách, tàm quý là cán cày, ý là dây cột,
chánh niệm là lưỡi cày, gậy đâm, tinh tấn là khả năng mang ách. Với thân hành
và khẩu hành được hộ trì, với chân lý sự thật, Ngài nhổ lên tà vạy. Sau khi
gieo mạ, Đức Phật thu hoạch được quả bất tử và mọi đau khổ đều không còn.
Chính nhìn tôn giáo qua tính tiêu cực
nên một thời tôn giáo bị đứng ngoài lề xã hội, đạo đức xã hội trống chân, hậu
quả tệ nạn tràn lan mà đất nước đang phải đối đầu vất vả và bất an suốt nhiều
thập kỷ. Trình độ dân trí đất nước ta
chưa cân bằng với giáo dục và tiến bộ khoa học, chính vì thế vấn đề ý thức như
người dân Nhật vẫn chưa cao, một đất nước văn minh cường tịnh như Nhật Bản, tôn
giáo vẫn còn cần có mặt để hỗ trợ song hành cho việc giáo dục ý thức tự trọng,
tự giác của người dân, thế thì những lủng đoạn xã hội, tệ nạn tràn lan hiện nay
là hậu quả tất yếu việc xem thường tôn giáo trong cộng đồng xã hội. Giờ đây,
nhà nước đã thấy tầm quan trọng của tôn giáo trong việc giáo dục đạo đức cho quần
chúng, nhiều cuộc hội thảo diễn ra để đúc kết, tìm một giải pháp.
GIÁO
DỤC:
1/
Giáo dục học đường, trước 1975 tại miền Nam Việt Nam,
Các tôn giáo lớn như Phật giáo, Thiên
Chúa giáo, Cao Đài, Hòa Hảo đều có trường tư thục, Phật giáo có một hệ thống Bồ
Đề trên các Tỉnh Thành, Giáo hội Phật
giáo Việt Nam Thống nhất có hệ thống các trường tiểu học và trung học Bồ Đề. Tính đến năm 1970 trên toàn quốc có 137 trường
BồĐề, trong đó có 65 trường trung học.
Về Đại học thì có: Viện Đại học Vạn Hạnh:
Thuộc khối Ấn Quang của Giáo hội Phật giáo Việt
Nam Thống nhất; thành lập ngày 17 tháng 10 năm 1964 ở số 222 đường
Trương Minh Giảng (sau 1975 là đường Lê Văn Sỹ), Quận 3, Sài Gòn-Gia Định Viện
Đại học Phương Nam: tọa lạc ở số 16 đường Trần Quốc Toản (sau năm 1975 là đường
3 Tháng Hai), Quận 10, Sài Gòn.
Viện đại học này thuộc khối Việt Nam Quốc Tự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống
nhất, (Wikipedia)
Trường Đại học thuộc các tôn giáo khác
như Viện Đại học Đà Lạt; Viện Đại học An Giang (Hòa Hảo): ở Long Xuyêntrực thuộc Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo. Viện Đại học Cao
Đài: ở Tây Ninhtrực thuộc Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh.
Viện Đại học Minh Đức- do
Giáo hội Công giáođiều hành.
(Wikipedia)
Ngoài chương trình được quy định của Bộ
giáo dục, tôn giáo có quyền bổ sung ngành học cá biệt của mỗi tôn giáo như Thần
học, Phật học với mục đích sản sanh một thế hệ ưu tú cả kiến thức thế học lẫn đạo
đức học tôn giáo. Chủ trương của Bộ giáo dục là triết lý Nhân bản-dân tộc và
khai phóng. Một số quốc gia tiên tiến hiện nay, chương trình giáo dục tôn giáo
học đường vẫn được áp dụng như khoa "Phật pháp ứng dụng"
2/
Ngoài vấn đề giáo dục học đường, các cơ sở tôn giáo.cũng là nơi đào tạo nhân
cách đạo đức tương thích với xã hội.
Những dạng thức hiện nay xuất hiện trong
các chùa như đồng bóng, kết hôn cho ma, chữa bệnh tà ma, đốt vàng mã, đốt cả Phật,
xin xăm bói toán... đều là tà giáo.
Kinh điển nhà Phật không hề khuyên dạy.
Hạnh phúc an lạc ngay hiện tại gọi là "hiện pháp lạc lạc trú" đủ chứng
minh cho thấy quan điểm và nhận định sai về Phật giáo như: Khi phân tích, đánh
giá vai trò xã hội của tôn giáo, các nhà sáng lập chủ nghĩa Marx – Lenin luôn
xuất phát từ lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch
sử, nhìn nhận vấn đề tôn giáo theo quan điểm lịch sử – cụ thể và gắn với thực tế
sinh động của cuộc sống. Lenin thường nói đến những tác động tiêu cực của tôn
giáo và giáo hội trong từng tình huống cụ thể, nhất là mưu toan lợi dụng tôn
giáo của các thế lực phản động hòng bảo vệ chế độ bóc lột và đầu độc quần chúng
bị áp bức.Chúng đã biến đạo đức tôn giáo thành bộ áo nguỵ trang cho lợi ích
giai cấp.
Muốn chứng được Niết Bàn (đạt đến giải thoát),
các tín đồ Phật tử phải từ bỏ mọi ham muốn dục vọng, diệt trừ tham, sân, si.Tất
cả những quan niệm, những triết lý sống đó cho thấy mặt tiêu cực của thế giới
quan tôn giáo.
Hạnh phúc trong đạo đức tôn giáo là hạnh
phúc hư ảo.Tôn giáo không đề cao cuộc sống trần gian.Mặt khác, nó khuyên con
người nhẫn nhục trước tình cảnh nô lệ, biết sợ hãi trước sức mạnh siêu
nhiên.Chính vì vậy, tôn giáo trở thành công cụ phục vụ đắc lực cho lợi ích của
giai cấp thống trị (dù rằng, lúc đầu tôn giáo không phải là của giai cấp thống
trị).Tôn giáo làm cho nhân dân đắm chìm vào đam mê, làm tê liệt ý chí đấu tranh
giai cấp. K. Marx gọi “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân là theo nghĩa đó và
cũng vì vậy, đạo đức tôn giáo đối lập với đạo đức chân chính.Với hiện thực, bằng
lòng với số phận. không tích cực đấu tranh chống lại những cái xấu, cái ác, an ủi
và ru ngủ con người trong niềm tin rằng kẻ gây tội ác sẽ phải chịu “quả báo” hoặc
bị trừng trị ở kiếp sau. Chính tâm lý đó
đã ngăn cản con người đi đến hạnh phúc thực sự của mình nơi trần thế.
Thật tế, một người tu theo Phật giáo,
luôn đấu tranh tư tưởng với chính mình, "không làm khổ mình, không làm khổ
người và không làm khổ chúng sanh" không có nghĩa là thụ động như nhận xét
nông cạn trên mà là hóa giải mọi bất công không bằng bạo lực, thông qua trí tuệ-từ
bi- lấy ân báo oán mới tránh mọi bạo lực trong cuộc sống. Nếu bảo rằng do thụ động,
không tích cực đấu tranh chống lại cái xấu cái ác... Chính tâm lý đó đã ngăn cản con người đi đến hạnh phúc thực sự của mình
nơi trần thế, vậy thử hỏi, nhà nước đã áp dụng bao biện pháp kể cả trấn áp,
tù giam, có giải quyết được vấn đề để đưa con người đến hạnh phúc thật sự nơi
trần thế chưa?
Trong Khoa học và tôn giáo, Bertrand
Russeli cho rằng, một tôn giáo lớn bao giờ cũng có hệ thống tín điều, hệ thống
đạo đức và giáo hội. Người theo tôn giáo không phải sống thế nào cũng được, mà
phải sống theo những khuôn phép đạo đức hợp với tín điều của tôn giáo mình,
hành động không phải chỉ là thực hành một số hình thức nghi lễ, mà còn phải sống
theo những quy tắc đạo đức nhất định. Vì vậy, đương nhiên, một số nội dung của
đạo đức trở thành bộ phận cấu thành nội đung của tôn giáo.
Do vậy, có thể khẳng định rằng, “trong hệ
thống những giá trị chuẩn mực tôn giáo, ngoài những điều khuyên răn cấm đoán tạo
nên nội dung riêng của đạo đức tôn giáo, còn có những điều khuyên răn cấm đoán
không hề có nội dung tôn giáo, mà là biểu hiện của các mối quan hệ thuần tuý trần
thế”.
3/
Giáo dục tương quan giao tế, giáo dục đạo đức nghiệp vụ...
Trong mọi tầng lớp ngõ ngách xã hội, nhà
nước không thể tiếp cận tất cả, hãy cởi trói để tôn giáo thực hiện thiên chức cải
hoán bản chất phàm tục mà vốn dĩ cuộc sống luôn tồn tại trong mỗi cá nhân; xây
dựng xã hội mà không xây dựng cá nhân thì chỉ là lâu đài hư ảo. Riêng Phật
giáo, lấy con người làm tâm điểm để giải quyết mọi hiện tượng bất toàn.Phật
giáo hiện thực chứ không hư ảo như một số nhận xét khiếm diện trên đây.Phật
giáo không những là nền tảng đạo đức xã hội mà còn là mối liên kết hữu hảo cho
mọi thành tố. Phật giáo không bạo lực, không dùng phương tiện bạo lực, không
quyền lực thế tục mà vẫn hiệu triệu vô số tín đồ quy phục, do đâu? Phải chăng
do đạo đức tự thân và nội lực từ ái?
4/
Giáo dục tôn giáo trong trại giam.
Hiện nay một số nước đã đem tôn giáo cảm
hóa phạm nhân một cách có hiệu quả; những năm trước, TT T. Nhật Từ cũng vào trại
giam Bến Tre để khuyến nhủ, cảm hóa một số tội phạm, được chuyển biến rõ rệt,
giám thị xác nhận bớt có cuộc ẩu đả, vi phạm nội quy buồng trại, thế thì tại
sao không áp dụng khi mà luật pháp không còn khả năng giáo dục? Như một định luật
tương phản, ném mạnh quả bóng vào tường tức có sự phản hồi tương đương lực ném,
cũng thế, trừng trị bằng bạo lực thì chính bạo lực tương phản ngấm ngầm phát
sinh.Đừng hỏi tại sao những năm tháng tù giam, kẻ phạm tội về đời càng manh động
hơn, kinh nghiệm hơn và tàn bạo hơn???
5/
Giáo dục đoàn thể thanh thiếu niên qua các tổ chức đoàn đội.
Thiên chúa Giáo có Thanh sinh công, Phật
giáo có Gia đình Phật tử, học sinh Phật tử. Trước 1975, Phật giáo có cả tráng
đoàn Asoka, doanh nghiệp phật tử, tiểu thương, thương gia phật tử, giáo chức phật
tử... những hội đoàn như thế được thâm nhập đạo lý Phật giáo thì những tệ nạn sẽ
giảm hẳn; một Phật tử chân chính sẽ là một công dân gương mẫu, bớt đi một tội
phạm xã hội.
Tóm lại, tôn giáo nói chung, Phật giáo
nói riêng là thành tố trong mặt trận văn hóa xã hội, là chất men xúc tác và
liên kết, cần tạo điều kiện thuận lợi cho tôn giáo sinh hoạt trên phương diện
văn hóa, giáo dục; có như thế mới giảm thiểu mọi tệ nạn, đem lại cho xã hội nhiều
sắc màu đa dạng. Tôn giáo không là hiện tượng nhất thời mà là quá trình xuyên
suốt và tồn tại song hành với loài người.Hãy để tôn giáo là bạn đồng hành của một
xã hội thăng hoa.
MINH MẪN
09/10/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét