Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Bài hay quá các cụ ơi...


 

Vài năm gần đây tôi phát giác ra rằng mình mắc bệnh "ghiền". Xin thưa ngay, ghiền đây không phải là xì ke ma túy, cũng không phải cờ bạc, rượu chè, mà là căn bệnh ghiền của thế kỷ 21: Ghiền Internet. Chẳng biết tự bao giờ mà ngày nào cũng vậy, ăn sáng xong cứ theo thói quen là tôi phải bật máy vi tính, check meo, chuyển meo, gửi meo, xong hết rồi mới yên tâm mà làm việc khác. Có bữa bận quá, gần chiều tối vẫn chưa đụng tới cái laptop được thì người tôi cứ bứt rứt làm sao ấy. Tháng rồi, gặp gia đình cậu em, tôi hết hồn khi nhìn thằng cháu mới 6 tuổi đầu khi hai bàn tay nó cứ bấm thoăn thoắt trên bàn phím mà mắt thì vẫn không rời màn ảnh computer. Thì ra cu cậu đang chơi game. Tôi cà rà lại xem, hỏi sao con giỏi vậy? Thằng bé vẫn chăm chú vào trò game, trả lời một câu ngọt xớt: “Mấy cái này dễ òm hà, ai mà hổng biết”. Thằng anh 10 tuổi đứng kề bên xen vào: “Mai bố dẫn con đi mua cái iPad mới nè. Cái cũ out of date rồi. Tụi bạn con chơi đồ top of the line không hà”. Úi trời ơi, thiệt là hậu sinh khả úy. Còn cô cháu gái 14 tuổi thì miễn bàn. iPod đeo dính hai lỗ tai suốt ngày, có lúc đi đường mà cô cứ nhún nha nhún nhảy theo điệu nhạc đang nghe. Lại còn màn gửi text nữa chứ. Hôm nọ anh bạn đồng nghiệp biểu diễn cho chúng tôi xem màn “ảo thuật một ngón”, tức là một bàn tay anh cầm cái cell phone trong khi ngón cái cứ múa may liên hồi để chọn cái chữ cái mà ráp thành câu rồi “click” - send. Ai nấy phục lăn. Chưa hết, gần đây thiên hạ còn có thêm màn facebook. Chẳng hiểu có cái gì mà người ta mê đến vậy. Mỗi ngày tôi nhận ít nhất cũng dăm ba cái meo mời click vào xem “my facebook”. Thiên hạ thi nhau mở account, rồi post hình mình lên, xong lại mời free mọi người thi nhau mà vào xem và ngắm. Tôi đã có lần click xem facebook của cậu em. Ối dào, chuyện gì cậu cũng khai tuốt tuồn tuột. Nào là sáng nay mình thức dậy lúc mấy giờ, hôm nay đi đâu, tắm mấy lần, ăn cơm mấy bữa, vân vân và vân vân. Lạ cái là bạn bè cậu em cứ thi nhau gửi facebook qua lại cho nhau đọc, xem và... phê bình góp ý. Riết rồi loạn. Nhức cái đầu. Nên tôi chỉ thu hẹp mình trong phạm vi "meo". Đọc và chuyển meo, vậy cũng đã chiếm bao nhiêu thời giờ trong ngày. Thế cho nên thường xuyên bị ba đứa cháu chê là "quê một cục"...
Tuần rồi như thường lệ, ăn sáng xong tôi bật máy check meo và click vào một đọc một lá thơ mà cô em chuyển đến. Anh chàng nha sĩ nào đó đã viết gửi cho bạn bè về chuyến đi của anh về một xứ sở xa xôi mà, như anh kể, nơi đó hoàn toàn không có điện thoại, không máy vi tính, không xe, không radio, tivi, nói chung là không có thứ gì mà thế kỷ 21 này gọi là high tech. Không tin, tôi email xin một cuộc hẹn trò chuyện với anh...


Hội Từ Thiện Arpan

- Chào anh Nguyễn Bình. Nhận email của anh, tôi ngạc nhiên lắm. Có thật là anh đã đến một vùng đất mà nơi đó không hề có dấu tích của các phương tiện tối thiểu của cuộc sống, mà theo như anh viết, anh đã sống những chuỗi ngày thật bình yên nơi ấy?
 - Mình hiện là nha sĩ tại Orange County. Năm nay là lần đầu tiên mình tham gia làm công tác thiện nguyện với hội Arpan. Mấy năm trước thì mình thường đi với SAPVN. Nhờ vậy mà mình có dịp đi qua nhiều nước lắm, thấy và học được nhiều điều hay, cũng như tích lũy cho mình rất nhiều kinh nghiệm sống...
- Anh có thể nói sơ về hội Arpan?
- Arpan Global Charity là một tổ chức y tế từ thiện quốc tế được thành lập năm 2005. Theo tiếng Ấn Độ thì Arpan có nghĩa là “cho tặng”. Đây là một tổ chức thiện nguyện gồm các bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, y tá cùng các thiện nguyện viên. Hằng năm Arpan đều được các nước kém hay đang phát triển mời đến để giúp đỡ các ca chẩn đoán và khám bệnh, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với các giới chuyên môn tại nước ấy. Mọi thành viên, nhưmình chẳng hạn, phải tự túc vé máy bay. Nước "mời" mình đến chỉ lo về vấn đề ăn ở. 
- Nếu ai muốn tham gia cộng tác với Hội Arpan thì liên lạc ở đâu?
Bạn có thể vào website:
http://www.arpanglobal.org/. Các chuyến đi sắp tới của hội sẽ là chuyến đi Lagos tại nước Nigeria vào tháng 10-2012 hay đi Ecuador vào năm tới 2013.
- Thế trong email anh có nói về vùng đất nào đó với cái tên lạ lắm. Anh Bình có thể nói rõ hơn được không ?
- À, mình vừa đi Ấn Độ về. Chuyến đi của mình dài 2 tuần. Tuần đầu mình đi theo hội Arpan đến thành phố Deesa thuộc miền Đông Ấn Độ. Năm nay thì hội đến đây theo lời mời của bệnh viện Mahadma Gandhi Lincoln Memorial. Tuần lễ thứ nhì thì mình tự mua vé bay qua Calcutta, một thành phố rất nhỏ ở miền Tây Ấn Độ.
- Anh Bình kể cho mọi người về hai tuần "du lịch" kỳ thú này được không anh?

Tình nguyện viên làm gì?

- Tuần lễ đầu tiên tụi mình chia xẻ kinh nghiệm với các nha sĩ Ấn Độ, trả lời các câu hỏi nếu có, và giúp khám, chẩn đoán những trường hợp phức tạp. Các bác sĩ trong đoàn thì thực hiện các ca mổ xương cho các trẻ em bị ung thư xương. Các dược sĩ thì hướng dẫn cách tổ chức một hiệu thuốc như thế nào để phân phát thuốc mau lẹ và hiệu quả nhất. Sau đó cả đoàn đi thăm cô nhi viện các trẻ em bị bệnh AIDS, thăm nơi nuôi dưỡng trẻ em tàn tật, bại liệt và đến thăm các trung tâm chăm sóc người già bị bỏ rơi cùng các trẻ mồ côi.
 - Thế anh có nhận xét gì về những người chuyên môn (bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, y tá) tại Deesa?
- Họ rất giỏi. Không phải mình cứ nghĩ rằng Ấn Độ là nước nghèo mà thành phần “professional” của họ có trình độ thấp đâu. Họ luôn luôn trau dồi học hỏi thêm qua internet nên trình độ họ khá lắm. Chỉ có điều là họ còn thiếu dụng cụ và tỉ lệ thành phần này, so với số lượng dân, còn quá ít.
- Thành phố Deesa thì sao?
- Deesa là một thành phố nhỏ ở miền Đông Ấn Độ. Cứ tưởng tượng như một thị xã ở miền Tây Việt Nam mình vậy. Nhưng họ được trang bị một số dụng cụ khá đầy đủ hơn Việt Nam. Năm 2009, mình có về Việt Nam khám, chẩn đoán và điều trị cho đồng bào miền Tây ở mấy trạm xá nhà quê. Mình còn nhớ, mới chạng vạng 4 giờ chiều là không còn thấy gì cả, vì trời tối, mà không điện nước, cả lửa cũng không, thử hỏi làm sao tiệt trùng dụng cụ? Nên đành đi về vậy. Còn ở Deesa thì khá hơn, có các phương tiện đó.
- Ngoài đường phố thì thế nào?
- Đường nào cũng có 2 lối (lane) cho xe chạy. Thành phố có một bệnh viện lớn với một bác sĩ gia đình thường trực. Mỗi tuần thì có vài bác sĩ chuyên môn từ các thành phố lớn về đây khám và chữa trị các trường hợp đặc biệt.
- Thế còn tuần lễ thứ hai tại Calculta?

Giấc mơ của Mẹ...

- Đúng ra thì mình chỉ tháp tùng theo hội Arpan có một tuần mà thôi. Nhưng chuyện là thế này, ông anh mình bị bệnh. Mình nghe nói nhiều về thành phốCalcutta - nơi có ngôi mộ Mẹ Teresa, nên mới mua vé bay qua đó, mục đích là đến viếng mộ Mẹ và cầu nguyện cho anh. Thật sự mà nói, tuần lễ thứ hai đã để lại rất nhiều ấn tượng trong lòng mình. Nhắc đến Ấn Độ thì phải nói tới hai ngôi mộ lớn. Thứ nhất là ngôi mộ Taj Mahal để tưởng niệm một bà hoàng hậu rất được đức vua sủng ái từ ngàn năm trước của đất nước này. Đây được xếp loại là một trong các kỳ quan của thế giới. Thứ hai là mộ của Mẹ Teresa ở thành phố Calcutta thuộc miền Tây Ấn Độ. Mình theo đạo Công giáo, và có được nghe câu chuyện về giấc mơ của Mẹ. Có một đêm Mẹ Teresa nằm mơ. Mẹ thấy Đức Chúa Trời hiện đến và giao cho Mẹ một trọng trách là tìm đến và giúp đỡ những kẻ nghèo nhất trong những người cùng khổ (The poorest of the poor). Thức dậy Mẹ đã suy nghĩ rất nhiều và sau cùng đã chọn thành phố Calcutta vì nơi đây là miền đất của những người nghèo khổ nhất, bất hạnh nhất và bị bỏ rơi nhất tại Ấn Độ. Mẹ Teresa đã sáng lập ra hội từ thiện Missionary Sisters of Charity. Ban đầu thì hội chỉ gồm các nữ tu, nhưng sau này thì đã có thêm sự đóng góp của các thiện nguyện viên trên toàn thế giới. Mình đến đây ban đầu chỉ có ý định cầu nguyện cho người anh, nhưng ngay hôm đầu tiên mình lại quyết định tham gia công tác thiện nguyện một tuần - thử xem sao. Thật buồn cười, khi mới đến, mình tự giới thiệu ngay, ra vẻ oai vệ lắm: "Tôi tên Bình Nguyễn. Nha sĩ, tôi đến từ Mỹ". Mình cứ tưởng các nữ tu và mọi người sẽ xuýt xoa khi nghe mình đến từ Mỹ, lại là nha sĩ nữa chứ. Ai dè. Không một ai quan tâm điều đó. Họ nhỏ nhẹ hỏi rằng mình dự định sẽ ở đây bao lâu, để họ tiện phân công việc...
 - Tại sao thời gian lưu lại là cần thiết khi sắp xếp công việc hở anh?
- Mình được giải thích như thế này. Có những bé gái nhỏ bị hiếp dâm chẳng hạn, chắc chắn là tâm hồn các bé bị hoảng loạn và lo sợ cùng cực. Cho nên những người giúp chăm sóc cho bé phải là người nữ, và phải ở đó từ một tháng trở lên, chứ cứ vài ba ngày mà lại thay đổi người thì ảnh hưởng đến tâm thần các cháu bé lắm. Có tiếp xúc một thời gian đủ dài với cùng một bệnh nhân thì mới tạo được sự ổn định thần kinh và giúp gây tình thân trong lòng các em, như thế việc điều trị mới dễ có kết quả.
- Thế anh Bình ở một tuần thì công việc của anh là gì?
- Mỗi sáng thức dậy thì ai ai cũng được phát một lát bánh mì, một trái chuối nhỏ và một ly nước. Rồi ai nấy đều được giao công việc giặt đồ. "Đồ" ở đây bao gồm quần áo dơ, tã dính cứt của các người bệnh. Khi đó mình bị “shock” lắm, vì không ngờ nha sĩ ở Mỹ qua mà lại bị giao đi giặt tã cứt. Nhưng sau đó mình hiểu ra rằng với các nữ tu thì trước mặt Thượng Đế, mọi người đều bình đẳng như nhau.

Những người cùng khổ...

Người nghèo nơi đây nhiều lắm, đa số là các trẻ cô nhi, tật nguyền, bại liệt, mắc bệnh Down, nói chung là thành phần bị gia đình, xã hội ruồng rẫy, bỏ rơi và các “sơ” (soeurs - theo tiếng Pháp) lượm về chăm sóc. Bên đây người ta gọi thành phần này là “untouchable”, có nghĩa là “không ma nào thèm đụng tới nữa”, là thành phần “vứt đi”, tức là họ đã hoàn toàn sống bên lề rìa của xã hội. Mình còn nhớ ngày đầu tiên "bị" phải giặt đồ, lại không hề có máy giặt, mà phải giặt hoàn toàn bằng tay, mình gớm quá, kinh hãi quá đi. Mình xắn ống quần lên, giậm hai bàn chân lên đống đồ dơ bẩn trong thau, mà miệng thì cứ ợ lên ợ xuống vì... nhợn. Mới vừa giậm mấy cái thôi thì nước trong thau đã đen thùi lùi như... nước cống. Mình hãi quá, nhảy ra khỏi thau, lật đật đổ nước ra,múc nước mới vô, giậm giậm vài cái nữa thì hỡi ôi... lại đen ngòm và hôi rình. Chính vào giây phút đó, mình muốn khóc. Thượng Đế ơi, tại sao có những miền đất mà con người ta nghèo đến vậy và cơ cực đến vậy? Nơi đây, các sơ ai cũng chỉ có hai bộ đồ luân phiên để mặc, một đôi dép, vậy thôi. Không nhà, không tiền, không điện thoại, không cell, không computer, không laptop, không son phấn, không cả cái bàn, cái ghế để ngồi. Họ giống nhau ở một điểm duy nhất là "không có gì để lo, để nắm, để giữ, hay để sợ mất". Các nữ tu cũng như mình vậy, họ cũng phải giặt mấy thau tả dính đầy cứt đái, nhưng họ khác mình, vì họ làm điều "dơ bẩn" đó từ năm này qua năm khác, mà họ không ợ lên ợ xuống, họ không giậm bằng chân mà thản nhiên ngồi xuống dịu dàng dùng hai bàn tay vò giặt. Mỗi sáng ai cũng đều làm công việc đó trong vòng 2 tiếng đồng hồ.
 Mất khả năng tự lo...
Sau đó mình được phân công đút các em ăn sáng. Hàng ngàn trẻ tật nguyền bại liệt được các thiện nguyện viện dìu hay bế ra một chỗ trống rất rộng, giúp các em ngồi trên dãy ghế gỗ thật dài và mớm thức ăn cho các em.Riêng khu vực mình làm thì có hơn 40 em, gái trai đều có, mù, câm điếc, tàn tật, nói chung những gì bất hạnh nhất mà chúng ta có thể nghĩ ra thì nơi đây mình đều thấy tận mắt. Hầu hết các em đều không còn tự lo cho mình được. Công việc nghe qua thì đơn giản, nhưng thật ra lại không dễ chút nào. Có khi cần hơn một tiếng đồng hồ để đút cho các em ăn xong một bát cháo nhỏ xíu. Nơi đây nghèo lắm, đồ ăn của các em không gì ngoài khoai và rau nấu nát nhừ ra như cháo. Nhiều em trông thật tội, đầu cổ cứ ngoẹo sang một bên, có em bại liệt cả cột sống, cả người nhũn hết ra, và không còn điều khiển nổi một cơ phận nào trên cơ thể. Một tay mình vịn nâng đầu em lên, tay kia thì mình vừa nhấp nhấp đụng vào cằm, vào miệng, thậm chí có khi đụng nhẹ vào lưỡi để khích thích các em nuốt. Nhiều trẻ không còn khả năng nuốt, mình phải vừa đút, vừa xoa cổ lên xuống, rồi vuốt ngực cho thức ăn dễ trôi xuống, và cuối cùng xoa bụng để giúp tiêu hóa. Có lần, một em bé ọe ra trên tay mình, nhão nhoẹt. Nhưng lúc ấy mình không cảm thấy ghê nữa, mà trong thâm tâm, mình lại cám ơn Thượng Đế là mình còn biết nuốt, biết nhai, biết ăn và còn cái hạnh phúc cảm nhận được thế nào là món ăn ngon hay dở.

Tâm tư thay đổi...

Ngày một, ngày hai trôi qua, mình bắt đầu nhận ra nhiều điều thay đổi trong tâm mình. Mỗi sáng, mình đứng nhìn dòng người dài ngoằn đang xếp hàng để được phân chia công tác. Có một hôm mình tò mò đứng đếm, trên 200 người mỗi ngày. Họ từ khắp nơi đổ về đây để làm từ thiện. Mình hỏi thăm, thì có người đến từ Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Chile, Brazil, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật, vân vân... và họ thuộc đủ mọi tôn giáo khác nhau. Ai ai cũng đều tự móc tiền túi ra để mua vé đến nơi này làm việc thiện. Mình đã tự hỏi rằng: "Tại sao? Công việc của các nữ tu trong Hội của Mẹ Teresa có gì mà hấp dẫn đến vậy? Hội chưa hề bao giờ quảng cáo, kêu gọi đóng góp, xin tiền... hay gì gì cả. Thế mà mọi người vẫn biết đến và tìm về". 
Mỗi Thứ tư đều có ngày “hướng nghiệp” (orientation day). Thành phố Calcutta có 7 cơ sở, nói cho oai chứ thật ra là 7 căn nhà được phân loại ra theo thành phần cần giúp đỡ: những bệnh nhân sắp chết, những người mắc bệnh AIDS, những trẻ em không có khả năng tự lo, những trẻ tật nguyền nhưng còn biết chút chút, vân vân...

Bí quyết sống vui?

Tối về mình không ngủ được, cứ tự hỏi tại sao trên đời có nhiều người bất hạnh đến thế và lại có nhiều người hy sinh đến vậy? Động lực nào đã giúp các sơ luôn luôn mỉm cười mỗi ngày và vui sống? Tò mò lắm, nên mình đã sống và làm theo y hệt công việc của một nữ tu hằng ngày. Bảy ngày trôi qua đã giúp mình tìm ra đáp số. Có những đến 3 phần tạo nên câu trả lời đầy đủ nhất:

1. Nguyện cầu trong cuộc sống: Mỗi sáng sớm, các sơ đều tập trung tại nhà chính để đọc kinh và cầu nguyện. Các thiện nguyện viên đều vậy. Họ đến, không phân biệt tôn giáo, im lặng, ngồi bệt dưới đất và cùng nhau cầu nguyện. Họ cầu nguyện hết sức chân thành và liên tục trong 2 tiếng đồng hồ. Mỗi chiều sau khi xong công việc, các sơ lại họp nhau nơi đây và tiếp tục cầu nguyện trong một tiếng rưỡi đồng hồ, rồi mới đi ngủ. Mình đã tham dự những buổi cầu nguyện như vậy, và lần nào mình cũng đều xúc động. Mình biết là ở trên cao, Mẹ Teresa luôn mỉm cười khi các con của Mẹ đã và đang tiếp tục làm tròn nhiệm vụ Mẹ giao. Và mình hiểu ra rằng nhờ có sự che chở ban phước lành của Ơn Trên, các sơ mới làm được những điều vĩ đại ấy.
2. Sự đơn giản: Bạn cứ thử hình dung ra một buổi hội họp với hơn 200 người trong vòng 2 tiếng đồng hồ mà không hề có một tiếng phone reo? Con người ở đây sống với sự đơn giản tuyệt đối. Không cell phone, không máy fax, không wifi, không computer, không laptop, không internet, cũng không cần texting hay iPod. Họ không có cả cái ghế để ngồi. Ghế của họ là sàn đất, không xi măng, không gỗ, không thảm.Bởi thế suy nghĩ của họ đơn giản hơn chúng ta nhiều lắm. Không tính toán, không lo toan, không ích kỷ, không ganh tỵ hẹp hòi, không thù hằn đố kỵ. Và vì vậy đầu óc họ cũng thảnh thơi hơn chúng ta nhiều lắm. Không sợ mất nhà, mất tiền, mất job, không sợ tai tiếng thị phi, không sợ cả cái chết dù ngày mai có đến.
3. Niềm vui tự có: Lúc mới tới đây mình gớm công việc giặt đồ quá đi. Đã có lúc muốn bỏ về. Nhưng khi tiếp xúc với các em, mình mới nhận ra là mình hạnh phúc hơn nhiều người lắm. Mình không phải nghèo (the poor), còn họ lại là những người nghèo khổ nhất (the poorest). Họ không ăn được, không tự đái ỉa được, không tự lo được, thì còn gì là cuộc sống. Vậy mà đã có em bé nhìn mình cười. Nụ cười vô tư và dễ thương làm sao. Mình cười, nhưng tim mình thắt lại, và lòng mình chùng hẳn đi. Liệu em có hiểu biết gì không, có cảm nhận được gì không khi tặng mình nụ cười vô tư ấy? Có một buổi chiều khi làm xong hết việc, sắp đi về ngủ thì tình cờ mình trông thấy một bông hoa nở bên một khe lạch. Mình chạy lại xem ngay, và mừng rỡ đứng ngắm thật lâu bông hoa lạ kia.Hạnh phúc và niềm vui tự đâu cứ tràn về. Mình happy quá, vì mình còn đôi mắt để nhìn, để ngắm, còn đôi chân để chạy lại xem, còn hai tai để nghe tiếng nước chảy tí tách. Và mình chợt hiểu ra rằng niềm vui không phải là những trò game trên máy tính, không phải là những bữa ăn buffet anh ách cả bụng, cũng không phải là những text message cứ trao đổi nhau mỗi ngày xoành xoạch. Đừng tính toán cho cái tôi của mình nhiều quá. Khi không tìm thì niềm vui sẽ tự đến. Bảy ngày đã mang đến cho mình biết bao là niềm vui nho nhỏ...

Vui cứ đến mỗi ngày nho nhỏ
Như từng nụ hoa đỏ mọc bên hồ
Vui cứ đến tự bao giờ chẳng rõ
Như suối nguồn trăm ngách chảy trăm nơi...


Không xin - Không từ chối...

Mình xin kể một kỷ niệm gây “shock” nữa đây. Hôm cuối cùng sắp sửa về, vì quá xúc động trước những điều tai nghe mắt thấy, mình và người bạn tìm đến gặp một nữ tu, nói lời từ biệt rồi ngỏ ý muốn đóng góp chút tiền cho hội. Sơ chỉ tay về phía mộ Mẹ Teresa và bảo tụi mình đến bỏ tiền vào thùng đó (nơi mộ Mẹ có một thùng nhỏ bằng gỗ, không hề khóa, để mọi người tùy hỉ đóng góp). Mình nói to: "Con giúp một ngàn đô!" (mà trong lòng đinh ninh rằng sơ tưởng mình tặng món tiền nhỏ nên mới bảo bỏ vào cái thùng ấy, chứ cả ngàn đô thì... lỡ ai rinh thùng đó đi luôn thì sao?). Sơ gật đầu và vẫn chỉ tay về hướng ấy. Mình lập lại lần nữa to hơn: “One thousand dollars!”. Sơ gật đầu, mỉm cười cúi chào rồi... tiếp tục rảo bước. Mình ngạc nhiên cùng cực, không lẽ nơi đây không ai tham và ăn cắp? Sau đó trên chuyến bay về lại Mỹ, mình có dịp trò chuyện với một thiện nguyện viên người Nga. Cô cho biết cô đã đến Calcutta đây là lần thứ ba. Khi mình kể lại món quà “một ngàn đô”, cô cười và giải thích: “Hội Missionary Sisters of Charity do Mẹ Teresa sáng lập có một câu phương châm, đó là: Không xin. Không từ chối (Ask for nothing. Refuse nothing). Nghĩa là: Chúng tôi không quảng cáo, không kêu gọi đóng góp. Nhưng nếu bạn có lòng, thì chúng tôi nhận tất cả những gì bạn tặng: tiền bạc, thời gian, công sức, một lời cầu nguyện, hay ngay cả một nụ cười”. Giờ nhớ lại, mình vẫn còn thấy ngượng cho danh tự xưng “nha sĩ từ Mỹ” mà mình tự khoe với mọi người, cũng như về món quà “to tát một ngàn đô” mà mình “sợ mất giùm cho các nữ tu”.
Có dịp trò chuyện với các thiện nguyện viên đến từ khắp nơi, mình đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Một cô bé đến từ Trung Quốc, chừng hơn hai mươi tuổi, nói rằng cô đến đây là lần thứ hai.Mình tò mò hỏi lại: "Cô sống tại một nước cộng sản chưa đủ khổ hay sao mà còn tìm đến đây giúp đỡ?". Cô cười: “Có đến nơi này, tôi mới biết là không nơi đâu nghèo khó và cùng cực như ở Calcutta và cũng không nơi đâu có thể tìm thấy những con người hơn cả vĩ đại như các nữ tu nơi này”. 

Việt Nam- Ấn Độ: Giống và khác?
- Câu chuyện quá hay. Nếu như so sánh giữa Việt Nam và Ấn Độ, thì anh Bình có thấy điểm gì giống và khác nhau không?
- Nhiều lắm. Cho phép mình nói về điều hay lẫn điều chưa hay nhé. Mình đã về Việt Nam, rồi lại qua Ấn Độ, nên mình chỉ có sự so sánh rất cá nhân như thế này. Tại Ấn Độ, giới chuyên môn như bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ rất thiếu, vì dân số đông quá, nhưng phải nói rằng họ rất giỏi vì họ ham tìm tòi, học hỏi trên mạng, tham dự các khóa huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm với các giới chuyên môn từ các nước tiên tiến như Mỹ, Canada... hằng năm đều qua Ấn. Việt Nam mình thì thành phần professional tràn đầy, nhưng phẩm chất thì chưa được như Ấn. Ở xứ sở này, dường như không có nạn ăn cắp, móc túi, cò mồi, hay ép giá.Người Ấn Độ có vẻ hiền lành hơn, không thừa nước đục thả câu mà bắt nạt du khách. Mình đã về miền Tây Việt Nam, rồi nay đi thăm miền Tây lẫn miền Đông Ấn Độ, nói thật, đi ngoài đường tại thành phố Deesa hay Calcutta cho mình cái cảm giác bình an hơn ở Việt Nam nhiều lắm, mặc dầu mình rành tiếng Việt, trong khi không biết một chữ tiếng Ấn và người dân Ấn thì hầu như chỉ có một thiểu số rất ít biết bập bẹ tiếng Anh. Xứ Ấn rất nóng, nhưng mình không thấy ai ở trần hay mặc quần đùi ra đường, trong khi ở Việt Nam thì... (cười) đầy ra đấy. Phụ nữ tuy không che mặt như ở các nước Hồi giáo nhưng ăn mặc rất cổ điển và hết sức kín đáo.
Còn điều chưa hay, bạn cứ tưởng tượng xem các đường phố Việt Nam bây giờ chen chúc và kẹt xe như thế nào, thì ở Ấn Độ, mình hãy nhân lên gấp 10 lần như vậy. Người đâu mà đông khủng khiếp. Nếu ai có than phiền rằng dân Việt Nam chạy ẩu, bất chấp luật giao thông, đậu xe bừa bãi bất kể nơi nào, thì dân Ấn tệ gấp 10 lần hơn thế. Ai cằn nhằn rằng sao bây giờ ở Việt Nam rác rến đầy đường thì xin thưa, Ấn Độ dơ gấp 10 lần hơn vậy. 
Còn hai điểm nổi bật nhất mà ai đến Ấn Độ dù không cần để ý cũng nhận ra ngay. Thứ nhất phải nhắc tới Bò. Bò đâu mà đầy đường đầy sá. Quay tới quay lui bốn hướng nơi đâu cũng thấy bò. Chúng đi nhan nhản khắp nơi, và xe cộ, người đi đường phải tránh chúng. Nghe nói bò là loài thú được người dân Ấn tôn thờ. Thứ hai phải nhắc tới Người. Dường như bên này "Nam nữ thọ thọ bất tương thân", nên không bao giờ nhìn thấy một người nam đi sát một người nữ,dù là vợ chồng hay cha con, thì nói chi đến chuyện nắm tay hay hôn hít. Ngược lại ở Việt Nam thì đầy những cảnh các cô nắm tay dung dăng dung dẻ, hay các cậu bá vai, ôm eo cười giỡn, Chính mắt mình thấy hai người đàn ông nằm sát rạt trên một chiếc xe lam, đắp chung cái mền và họ ngủ khò sung sướng. Có lẽ đó là do phong tục tập quán khác nhau ở hai nước.
Còn về vật giá thì trung bình một người dân lao động đi làm cả ngày quần quật cũng chưa kiếm nổi 5 Mỹ kim, trong khi một nhà trọ cho các du khách thì giá khoảng 15 Mỹ kim một ngày? Một Mỹ kim bằng 53 rupee.

Hạnh phúc xả ly...

- Thế chuyến đi Ấn Độ vừa qua đã giúp anh Bình điều gì?
- Hai tuần ở hai thành phố nhỏ nơi miền Tây và miền Đông Ấn Độ đã tặng cho mình một kinh nghiệm sống tuyệt vời. Lúc rời Mỹ, tôi cứ tưởng mình tới đó để "dạy cho người ta, ban phước cho người ra, bố thí cho người ta". Hai tuần trôi qua,mình mới nhận ra là mình may mắn đã "học được rất nhiều từ người ta, được người ta ban phước và được người ta bố thí". Các nữ tu và những con người cùng khổ nhất trong những người nghèo khổ đã tặng cho mình một món quà vô giá: giúp mình hiểu thế nào là Hạnh Phúc Xả Ly.Con người ta thường cho rằng hạnh phúc là "Có": có tài sản, có quyền lực, có danh vọng, có địa vị...Khi chưa có thì muốn có, và làm đủ mọi cách để mà có. Khi có rồi thì sợ mất hay lại muốn đòi có cái khác cao hơn, mắc hơn, xịn hơn. Nếu không có thì buồn phiền, bất mãn, khổ sở.

Hạnh phúc: Có và Không!

Nhưng với các nữ tu nơi đây thì "không có" là một hạnh phúc. Họ nghèo hơn chúng ta nhiều lắm, vì tài sản của họ chỉ là hai bộ đồ và hai bàn tay trắng. Nhưng họ giàu hơn chúng ta biết bao, bởi họ thật sự có trái tim và tấm lòng.Và những người bất hạnh cũng vậy. Với họ, sống được thêm một ngày đã là một niềm vui. Có những em bé mồ côi khi mình tắm cho, em ôm lấy mình bi bô câu gì đó, rồi em cười hạnh phúc. Có những ông cụ gầy giơ xương khi được phát trái chuối thì bẻ ngay một mẫu cho vào miệng móm mém nhai một cách ngon lành. Có những bà cụ già bị bỏ rơi, khi mình kéo tấm chăn lên ngực thì bà nhắm mắt ngủ ngay một giấc thật ngon. Ở quốc gia này, chẳng thấy ai cần đến thuốc an thần hay thuốc trị trầm cảm. Phải chăng sự đơn giản đã giúp tâm hồn người dân nơi đây thanh thản hơn chúng ta?
Đi hai tuần trở về, mình nghiệm ra một điều rằng: Trong cuộc sống, có những thứ “Cho đi” là “Đón nhận”.Phải chăng hạnh phúc khi “Không” chính là “Có”? Nắm giữ cho nhiều rồi khi nhắm mắt thì Có cũng thành Không...

Quà tặng cuộc sống...

- Cuối cùng thì anh Bình còn điều gì muốn chia sẻ?
- Về lại Mỹ, mình có suy nghĩ khác đi. Mình sắp xếp lại thời khóa biểu cho công việc, gia đình và cho chính bản thân. Dành thêm thời gian quan tâm đến người khác, và tự cho phép mình có những giây phút thảnh thơi - một mình, với thiên nhiên, hay... chẳng làm gì cả. Mình tập bỏ bớt các sự ham muốn, sự bám víu vật chất bên ngoài. Bớt ngồi chít chát meo, bớt đổi iPad, iPhone mỗi lúc ra mặt hàng mới. Mình cũng bớt cưng chiều các con quá đáng như xưa, dành thời gian dạy dỗ các con về giá trị thật của hạnh phúc và con người. Mình kể về hai chuyến đi này chỉ mong mọi người hiểu rằng: Ở một nơi thật xa -những góc rất khuất của cuộc đời, vẫn có những con người - tuy bất hạnh nhưng thảnh thơi hơn chúng ta nhiều lắm,tuy tay trắng nhưng lại giàu có hơn chúng ta biết bao.Nếu có thể, hãy tự thưởng cho mình hay cho con cháu một vé đi Ấn Độ, thay vì tự mua một chiếc xe mới, hay tặng cho con một cái laptop đắt tiền. Chỉ một tuần thôi, chắc chắn sẽ thay đổi hoàn toàn cái nhìn của chúng ta về cuộc sống và hạnh phúc trong đời. Chắc chắn đây là món quà mà mình sẽ tặng cho các con khi chúng 18 tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét