Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

ĐƯỜNG TAM TẠNG THỈNH KINH



Võ Đình Cường
(In lần thứ ba, năm 2000 TP. Hồ Chí Minh)
huyentrang

LỜI GIỚI THIỆU 
(Lần tái bản năm 2000)
Quyển sách này được tác giả VÕ ĐÌNH CƯỜNG biên soạn, nhà Xuất bản HƯƠNG ĐẠO ấn hành lần thứ nhất vào năm 1960 với tựa đề là HUYỀN TRANG.
Mục đích của quyển sách nhằm giới thiệu cuộc hành hương thỉnh Kinh đơn thân độc mã đầy uy dũng của vị cao tăng HUYỀN TRANG. Ngài phải đi qua một lộ trình thăm thẳm diệu vợi vượt qua địa hình hiểm trở, bao vùng khí hậu khắc nghiệt, độc hại cũng như bao thử thách do con người, ma chướng gây nên. Nhờ niềm tin dũng mãnh, tài năng siêu việt và ý chí kiên cường, Ngài đã vượt thắng tất cả.
Đất nước Trung Quốc tự hào về vị cao tăng sự nghiệp thỉnh kinh của Ngài là một sự kiện lịch sử hiển nhiên. Các vị học giả, các nhà nghiên cứu trên thế giới đều nhất trí đánh giá Ngài không những là một trong các nhà thám hiểm bậc nhất mà còn là một nhà ngôn ngữ học thiên tài. Trước đây, nhà văn Ngô Thừa Ân của Trung Quốc đã đưa những nhân vật tưởng tượng, hư cấu như TÔN HÀNH GIẢ, SA TĂNG, BÁT GIỚI vào truyện TÂY DU KÝ với dụng ý tạo sự hấp dẫn nhằm dễ dàng phổ biến sâu rộng trong quần chúng. Tuy nhiên, ý niệm tốt đẹp này cũng có mặt phản tác dụng vì đã tạo ra sự ngộ nhận trong quần chúng về Ngài HUYỀN TRANG. Sự ngộ nhận được nhân lên khi khán giả màn ảnh nhỏ truyền hình được xem bộ phim truyện TÂY DU KÝ nhiều tập do các nhà làm phim Trung Quốc thực hiện - bà DƯƠNG KHIẾT - đạo diễn. Bộ phim này đã đạt đỉnh cao nghệ thuật, làm nổi bật một TỀ THIÊN ĐẠI THÁNH có nhiều thần thông quán thế, trí tuệ siêu phàm; còn ĐƯỜNG TAM TẠNG, một nhân vật lớn của lịch sử, lại trở thành hình tượng thứ yếu, thu động và có lúc phạm sai lầm.
Nhân lần tái bản này, chúng tôi đã đề nghị và được tác giả chấp nhận đổi tựa đề quyển sách là ĐƯỜNG TAM TẠNG THỈNH KINH cho phù hợp với từ thường dùng của quần chúng về Ngài HUYỀN TRANG, một nhân vật vĩ đại của giới Phật giáo cũng như giới học giả thế giới. 
 Trân trọng xin giới thiệu cùng chư độc giả.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 01 năm 2000
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM.
LỜI CẢM TẠ CỦA SOẠN GIẢ 
(Nhân lần xuất bản thứ nhất, năm 1960)
Trong khi cuốn Huyền Trang này sắp lên khuôn thì chúng tôi được Thượng tọa Thích Thiện Siêu (1) từ Nha Trang gởi vào cho chúng tôi một tập tài liệu rất đầy đủ về Ngài Huyền Trang mà ông Lương Khải Siêu, một học giả trứ danh của Trung Hoa, đã sưu tầm và đã được Thượng tọa Thiện Siêu dịch ra Việt văn. Trong tập tài liệu có ghi rõ năm tháng sinh, mất và những biến chuyển lớn nhỏ trong đời Ngài, những tên nước, dặm đường mà Ngài đã đi qua, những kinh luận mà Ngài đã học và đã dịch những tài liệu này giúp cho chúng tôi đỡ băn khoăn bối rối trước những năm tháng, niên hiệu, địa danh, dặm đường mà mỗi sách nói một khác. Chẳng hạn như về tuổi thọ của Ngài, có sách bảo là Ngài tịch năm 56 tuổi, có sách là 65 tuổi, có sách là 61 tuổi, có sách 69 tuổi ... Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy những niên kỷ, địa danh, những biến chuyển của đời Ngài trong tập Huyền Trang của chúng tôi đem so với trong tập tài liệu nghiên cứu rất công phu của Lương Khải Siêu hầu hết đều đúng cả. Tuy thế chúng tôi không đồng ý hẳn với ông Lương Khải Siêu ở một vài điểm. Chẳng hạn như theo ông Lương Khải Siêu thì Ngài Huyền Trang khỏi hành Tây du vào năm Trinh Quán nguyên niên mới đúng. Nhưng theo chúng tôi thì Ngài khởi hành Tây du vào năm Trinh Quán thứ ba, và chúng tôi có một tài liệu quý báu để quyết chắc như thế; đó là tờ biểu chính tay Ngài Huyền Trang viết cho vua Đường Thái Tông, khi ở Vu Điền để báo tin Ngài về nước. Trong tờ biểu có câu: "Tôi đã lấy ngày tháng tư năm Trinh Quán thứ ba mạo phạm hiến chương, lẻn đi Thiên Trúc ..." (2) Không lẽ Ngài khởi hành đi từ năm Trinh Quán nguyên niên mà Ngài lại viết trong tờ biểu là năm thứ ba? Và như thế vì lý do gì?
Về địa danh ở Ấn Độ thì mỗi soạn giả Trung Hoa phiên âm một cách, có nhiều khi rất khó đọc, khó nhớ. Để độc giả có một ý niệm rõ ràng về địa thế những xứ ở Ấn Độ, chúng tôi đã lựa nhưng địa danh thông thường mà độc giả đã từng nghe, từng quen biết qua các kinh điển Phật giáo. Địa danh nào không có trong kinh điển, thì chúng tôi lựa các tên nào phiên âm sát với giọng đọc Ấn Độ nhất. Ngoài ra, những địa danh nào không cần thiết thì chúng tôi bỏ qua không nói đến để khỏi làm rối trí độc giả.
Kèm theo tập tài liệu quý báu của ông Lương Khải Siêu nói trên, Thượng tọa Thích Thiện Siêu lại còn gởi cho chúng ta một bản dịch bài Tựa "Đại Đường Tam Tạng Thánh Giáo" của Đường Thái Tông (3). Bài tựa này trước kia ông Đông Châu đã có dịch đăng trong Nam Phong số 143 tháng 10 năm 1929, nhưng chúng tôi thấy chưa vừa ý vì có nhiều chỗ không được sáng sủa. Nay bài tựa ấy được Thượng tọa Thích Thiện Siêu, hợp tác cùng Thượng tọa Thích Trí Thủ (4) gia công dịch lại, và gởi cho, chúng tôi vô cùng sưng sướng và cảm động. Chúng tôi cảm động và sung sướng vì nhận thấy công việc biên soạn của chúng tôi đã có được một tiếng dội nhanh chóng và quý báu; và vì cảm thông được, qua cử chỉ trao tặng tài liệu ấy, tất cả một đức tánh hoan hỷ trước những công tác có lợi ích chung, mà chỉ những vị tận tụy với Phật Pháp như quý Thượng tọa mới có được.
Chúng tôi rõ biết quý vị Thượng tọa không muốn được (hay bị) nhắc nhở đến nhiều, vì thế nên chúng tôi dừng bút ở đây. Nhưng trong lòng chúng tôi vẫn còn ân hận vì chưa nói hết được sự cảm tạ chân thành của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét