Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

* KẾ MẪU TUYỆT VỜI



Chiếc cổng hoa vừa dựng xong, bà con, anh em “nhà gái” sốt sắng năng động che bạt, dọn ghế bàn để chuẩn bị đón nhà Trai sang. Trâm tỏ ra mệt mỏi suốt nửa tháng chuẩn bị cho đám cưới cô con gái của chồng; đáng ra, Tài muốn cho hai cháu đến với nhau thật đơn giản, nhưng Trâm không muốn thế, tự động vay mượn, tổ chức thật chu đáo để Kim Duyên được hãnh diện với bạn bè bà con hai bên.
Kim Duyên là một trong ba người con riêng của Tài, đến tuổi kết hôn. Khi chàng bị thương tật đưa đến mù lòa sau trận đánh ở Campuchea, mẹ Kim Duyên chia tay chàng thanh niên thương binh một cách ngỡ ngàng. Tài như suy sụp tinh thần, vừa mất đôi mắt, vừa bị vợ bỏ, con đường duy nhất Tài chọn – tự tử. Anh em Kim Duyên chưa đủ trí khôn để giúp cha vượt qua đại nạn.
Hình như luật nhân quả thật công bình, không để ai mất tất cả hay được tất cả, cái mất và cái được bù đắp cho nhau một cách tương xứng. Tài tham gia trong hội “khiếm thị” để học hỏi và thích ứng mọi sinh hoạt của người khuyết tật trong cuộc sống. Từ thế giới người sáng chuyển qua thế giới tăm tối là một sự chuyển đổi quá sức tưởng tượng, thế nhưng, Tài sớm thích nghi và hòa nhập rất nhanh; Tài trở thành thành viên của hội khiếm thị. Mọi sinh hoạt của hội đều được hòa nhập đều đặn, chẳng những thế, Tài còn tham dự lớp giáo lý ở chùa mỗi tuần, gia công học hỏi kinh kệ và thường xuyên nghe quý sư diễn giảng. Nhờ thế, Tài lấy lại bình tĩnh, sống đúng tinh thần con Phật, chàng an lạc trong điều kiện sống hiện tại.
Một buổi diễn văn nghệ của hội, phần lớn anh chị em khiếm thị đều có khiếu âm nhạc, có người là nhạc công thủ đắc một số nhạc cụ, không ít người có giọng ca không thua ca sĩ chuyên nghiệp. Văn nghệ cuối năm, một giọng ca trầm ấm và truyền cảm đã lọt vào tai chàng thương binh khiếm thị; Tài bắt đầu làm quen Phương Trâm. Tuy là khiếm thị bẩm sinh, các anh chị em đều có một cuộc tình chớm dậy. Có người trở thành đôi bạn trăm năm, cũng có những cuộc tình đơn phương thầm lặng để rồi tự mình ấp ủ mối sầu cô độc. Phương Trâm cũng thế, từng quen chàng trai khiếm thị lớn hơn mình vài tuổi, cuộc tình đơn lẻ, khổ đau khi nghe tin chàng lập gia đình. Tài và Trâm đến với nhau thật đơn giản cũng nhờ con tim đôi bên một phần bị thương tổn.
Thế rồi, không bao lâu, gia đình hai bên vui vẻ giúp cho đôi uyên ương chắp cánh bay bổng vào chân trời hạnh phúc trọn vẹn.
- Ba của con và mẹ Trâm mời mẹ cùng ngoại tham dự đám cưới của con. –Kim Duyên đặt tấm thiệp hồng lên bàn
- Mầy bỏ Đạo, không đi xem lễ, không xưng tội, tao không nhìn nhận đám cưới đó là của con tao. Mầy có biết làm như thế sẽ bị cha xứ khiển trách, phạt vạ không? Mỹ Hạnh, mẹ đẻ của Kim Duyên có vẻ giận dữ thịnh nộ.
- Bổn phận con đi đưa thư mời, mẹ và ngoại tham dự hay không là quyền của mẹ, mẹ xử sự thế nào đừng trách con cháu ôm hận về sau... Kim Duyên trả treo.
Ra về, Kim Duyên ngồi sau xe Dream của Vinh mà nghe như chông chênh trên con thuyền. Bầu trời cuối năm ở Thủ Đức sao mà cảm thấy ngột ngạt. Đường xa lộ chiếu sáng xuôi ngược dòng xe mà ngỡ chừng hiu quạnh về đêm.
Điện thoại bàn reo, Tài bắt máy, đầu giây bên kia sừng sộ mắng mỏ Tài đã dụ con bỏ Đạo, thiệp mời “cậu mợ” cũng bị bắt bẻ theo lối xưng hô thâm tình gia tộc, hăm dọa sẽ phá đám. Tài đâm ra cáu bực – đám của con cháu mình không thể hiện trách nhiệm, lại bới lông tìm vết, gây khó cho nhau. Suốt thời gian chuẩn bị các khâu, kể cả vay mượn để lo đám, Trâm càng mệt mỏi lo âu. Thương con của Tài như con ruột mình, Trâm chu tất mọi việc mà đáng ra, đám tiệc như thế cần đến cả vợ chồng chung sức. Điều lạ là cả gia đình bên Trâm, từ bố đẻ đến chị em đều chung tay phụ giúp một cách nhiệt tình, kể cả tiền bạc.
Tiệc cưới nhà gái do Trâm chủ động, thiết đãi tại nhà hàng, hai bên nhà trai nhà gái đều có mặt, Phương Trâm và Tài hồi hộp đối phó nếu bên ngoại và mẹ Kim Duyên trở chứng. Có lẽ, với sự có mặt hàng trăm thực khách và sự sang trọng của buổi tiệc, Mỹ Hạnh- mẹ Kim Duyên và bên ngoại ngồi im như trời trồng. Nàng không ngờ hai vợ chồng mù mà lo một đám cưới con mình ra trò như thế! Mẹ Kim Duyên nắm tay Tài bước lên sân khấu một cách sượng sùng như kẻ thất thần, không dấu được vẻ đượm buồn ủ dột. Phương Trâm đi từng bàn chào đón khách. Từ lâu, mọi người cứ ngỡ Phương Trâm là mẹ đẻ của Kim Duyên. Các cháu cũng quý trọng nàng hơn mẹ ruột. Trâm lo cho các con từng bữa ăn, sắm sửa từng vật dụng cá nhân, tâm sự như bạn bè mỗi khi các cháu có chuyện vui buồn. Kim Duyên tan tầm, hai mẹ con thủ thỉ như đôi bạn khi làm bếp.                                                        Các cháu vẫn tham dự các khóa tu ở chùa theo bố mẹ. Tuy không ăn trường trai như bố mẹ, nhưng các cháu về nhà cũng chung mâm một cách bình thường.
Trâm đã chiếm được cảm tình của các con riêng nhà chồng. Tuy khuyết tật đôi mắt, Trâm tỏ ra tháo vác, quán xuyến mọi việc. Hát hay, nấu ăn ngon, chép dĩa giảng kinh, còn phải đi dạy cho trường khuyết tật trước kia. Tiếp xử xóm làng chân tình tế nhị. Nhà cửa gọn sạch, thứ lớp trật tự. Mọi vật dụng trong nhà Trâm đều nhớ rõ từng vị trí đặt để. Lương thương binh tuy ít ỏi, nhưng Trâm khéo sử dụng cho cuộc sống gia đình khá chu tất, còn chia sớt gạo cơm cho những gia cảnh ngặt nghèo. Bạn bè đến nhà, thường bảo – Tài có phước gặp người vợ bù đắp những mất mát thiệt thòi. Một gia đình Phật tử gương mẫu hạnh phúc giữa khu xóm lao động nhiều phức tạp.
Đúng 10 giờ sáng, nhà trai với hai hàng lễ vật phủ khăn điều, tiến vào con hẽm nhỏ. Trước bàn thờ Gia Tiên, cô dâu chú rể lạy ông bà. Đàng trai ngỏ lời rước dâu; thủ tục nhanh gọn. Họ hàng nhà gái tháp tùng đưa dâu. Suốt lễ đám, Trâm như chiếc bóng thầm lặng đứng phía sau hậu trường. Tài và mẹ của Kim Duyên là hai diễn viên lệch đũa xuất hiện theo thủ tục. Nhiều người ngạc nhiên trước sự hiện diện của người đi cạnh Tài mà từ lâu họ cứ ngỡ phải là Phương Trâm.
Trâm gói quà cho mẹ Kim Duyên mang về, không quên gửi thêm tiền xe. Chả biết nói gì cho phải lẽ trước cung cách lịch thiệp của Trâm, mẹ Kim Duyên thủ thỉ: - chị phải xin phép cha mới được đi dự đám cưới hôm nay. Câu nói lạc lõng, nhạc thếch như viên sỏi rơi vào mặt hồ tĩnh lặng. Trâm mỉm cười thầm nghĩ – sao lại phải được phép của cha khi tham dự đám cưới của đứa con lạc Đạo!


Trời chiều mát dịu như sinh khí mát dịu của tiệc cưới, xua tan nổi lo âu của vợ chồng Trâm Tài. Gánh nặng vô hình được bay bổng  như vầng mây tan loãng  giữa khung trời bảo tố. Tiệc cưới thành công xứng đáng với công lao của một kế mẫu tuyệt vời đã hy sinh trọn vẹn cho một hạnh phúc vừa tầm tay.
MINH MẪN
13/01/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét