Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

* VU LAN VÀ GIỚI TRẺ




Vu Lan năm nay, suốt ba miền, lượng người đến chùa và giới trẻ tham gia, hưởng ứng chương trình Vu Lan khá đông. Những nơi nổi tiếng như chùa Hoằng Pháp, vào ngày 14 –rằm thì không thể chen chân vào chùa cũng như ra về mất đến vài giờ trên đoạn đường chưa đến 1km.
Sáng 17/8/2014, nhằm 22 tháng bảy âm, chùa Thiên Quang của sư cô Hương Nhũ tổ chức Vu Lan cho giới trẻ và người khuyết tật, trong đó có học sinh và sinh viên trên 500 người. Sư cô Hương Nhũ là Giảng Sư thu hút giới trẻ hiện nay. Tại chùa hàng tháng có khóa tu cho sinh viên và người khiếm thị. Trong lễ Vu Lan 2014, có cả các em khuyết tật câm-điếc biểu diễn múa quạt, các em khiếm thị tại Biên Hòa và hàng trăm khiếm thị tại các quận huyện trong ngoài Thành phố HCM. Ngoài những học sinh, sinh viên tham dự, còn có Câu Lạc Bộ Thiện Tâm do giới trẻ thành lập làm tình nguyện viên phụ giúp sinh hoạt trong buổi lễ.
Yểm trợ quà cáp cho các thành viên tham dự do Đại Gia Kim Loan tài trợ, cơm hộp do tiệm chay Tâm Sen cúng dường, những lần trước phần nầy do nhà hàng chay Lá Tía Tô đảm trách. Đây là buổi lễ đông nhất từ trước tới nay và chương trình cũng dài nhất gồm nhiều tiết mục: Buổi sáng làm lễ Vu Lan, cài hoa và tặng quà tri ân cha mẹ, quà cho người khuyết tật. Chiều là thảo luận về Vu Lan. Hoàng hôn xuống đốt nến về đêm. Nhờ không gian thoáng mát, diện tích rộng rãi nên việc tổ chức dung chứa luợng người khá thuận lợi.
Các đại gia cũng phát tâm yểm trợ cho sư cô khá nhiệt tình, mặc dù Kim Loan cũng như cơm chay Tâm Sen là những tín tâm hồi đầu quá mới, nhưng sự hiểu biết Phật Pháp cũng không yếu. Riêng cơm chay Tâm Sen, cách chùa Thiên Quang độ 3km, hai vợ chồng ngoài 40 tuổi đều phát tâm hộ trì Tam Bảo khá mạnh. Là chủ một cơ sở kinh doanh sắt xây dựng, cuộc sống đang lên, thế nhưng tự động chấm dứt kinh doanh, xoay sang làm nhà hàng chay với giá mỗi phần 10.000đ để giúp bà con công nhân tại địa phương ăn chay. Ngoài những cơ ngơi khắp nơi, tại chỗ ở  trên 6.000m2, xây dựng 2.000m cho nhà hàng nhiều tầng bán cơm chay và thực phẩm chay (Người ta nói đùa nhà hàng 5 sao bán chay không có sao nào). Mặc dù chưa hoàn thiện việc xây dựng, nhưng cơm chay vẫn bán mỗi ngày. Chẳng những bán tại chỗ mà còn phục vụ tận nơi nếu khách có nhu cầu điện đến. Khi nhân viên đưa cơm không về kịp, người con ngoan của ông bà dùng xe du lịch (trị giá 100 ngàn Mỹ kim) để đem những hộp cơm 10.000đ đến tận chỗ khách gọi. Chuyện nghe như đùa mà vẫn có thật. Từ chủ đến nhân viên và con cái đều mặc đồ nâu với huy hiệu cơm chay Tâm Sen, nhiệt tình, vui vẻ, nhã nhặn. Căn nhà riêng trang nhã, cây bồ đề tươi tốt che phủ tượng Bổn Sư đá trắng với nét mềm mại thanh thoát. Hai ông bà tâm sự: Xưa kia là tài xế chạy mướn, lao động vất vả nghèo khổ, thời vận chỉ phất lên độ 10 năm nay, khi cơ ngơi vững, tự động quay về Phật Pháp, không bon chen kinh tế mà dành thời gian làm từ thiện và lo tu tập.
Bình Dương có Dũng lò vôi, có Kim Loan, có vợ chồng Tâm Sen, có Trần Thanh Liêm với ba bếp ăn từ thiện và rồi sẽ còn nhiều đại gia đang hướng đến Tam Bảo và từ thiện.
Vu Lan là dịp để các đại gia phát tâm yểm trợ đến với người nghèo, kẻ khuyết tật thông qua các chùa. Vu Lan cũng là dịp giúp giới trẻ đến chùa để cảm nhận ân đức của cha mẹ và bao ân nhân. Vu Lan cũng là lúc thân bằng quyến thuộc nghĩ đến người quá cố dù thân hay sơ, tỏ chút lòng thành qua nghi lễ chẩn tế, cầu siêu.
Truyền thống người có tuổi đi chùa xưa kia, nay thay vào đó là giới trẻ đến với Tam Bảo hôm nay, phần lớn chưa hiểu nhiều về giáo lý, nhưng biết đến chùa, biết ăn chay, biết giúp kẻ nghèo khó là tín hiệu tốt để tin rằng xã hội sẽ thoát khỏi những tha hóa đạo đức hiện nay.
VU LAN VÀ TUỔI TRẺ, không những là chủ đề của chùa Thiên Quang năm nay mà còn là hiện tượng năm nay trong mùa Vu Lan khắp ba miền đang nhận chìm những rêu rao tiêu cực của một số truyền thông không tốt cho Phật giáo. Tín ngưỡng luôn là nhu cầu tâm linh của con người trong mọi thời đại.                                           
MINH MẪN
18/8/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét