Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

* ĐOÀN CỨU TRỢ TÂY NGUYÊN


Sáng 01/11/2013, sư cô Quang Duyên, hệ phái Nam Tông, Ni chúng chùa Bửu Quang, Thủ Đức đã hướng dẫn đoàn gồm 15 người tiến về vùng Tây Nguyên để cứu trợ cho đồng bào tại ba thôn: Sedan - Eauy của huyện Cu M'gar và hai thôn thuộc xã cư M'bang - huyện Easup.
Đắk Lắk, Darlac hay Đắc Lắc (theo tiếng M'Nông: Đăk = nước; Lăk = hồ) là một tỉnh nằm ở trung tâm Tây Nguyên, Việt Nam. Tỉnh lỵ của Đắk Lắk là thành phố Buôn Ma Thuột, nằm cách Hà Nội 1.410 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km.

Tỉnh Đắk Lắk được tái lập vào ngày 26 tháng 11 năm 2003, trên cơ sở tách tỉnh Đăk Lăk thành hai tỉnh mới là Đăk Lăk và Đăk Nông. Đắk Lắk được xem là một trong những cái nôi nuôi dưỡng không gian Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại (Wikipedia).

Có về Tây Nguyên, mới thấy cuộc sống cơ cực của những sắc tộc bản địa. Càng vào sâu các bản làng mới hiểu được giá trị của những chuyến cứu trợ. Có những vùng sâu đến nay điện nước chưa được đến với dân. Tuy nhiên, những cư dân ven thị, họ vẫn được nhiều tiện nghi hơn, cuộc sống tương đối khá giả hơn. Do vị thế địa lý mà cư dân chịu ảnh hưởng nhất định về kinh tế và mức sinh hoạt khác nhau.

Krông Pắk là một huyện của tỉnh Đắk Lắk. Trung tâm huyện là thị trấn Phước An. Phía Tây giáp Buôn Ma Thuột, phía Tây-Bắc Giáp huyện Cư Mgar, phía Bắc giáp Huyện Buôn Hồ, phía Đông giáp Huyện EaKar, phía Đông Nam giáp huyện Krông Bông. Dân số độ 200.000 với nhiều sắc tộc khác nhau như: Êđê, Tày, Nùng, M'nông, Vân Kiều, Thái trắng... Sedang và Eauy là một trong những thôn nằm sâu trong biên địa của huyện Cu M'gar. Vào Sedang, cách Buôn Mê Thuột 50km, trên vùng đất khô, đồi trọc, nắng chảy mỡ, căn nhà tole vách ván trống trơn, không cửa, là một ngôi trường của các học sinh bản xứ. Toàn bộ phơi trần giữa cái khô khốc chói chan của vùng đồi núi Tây Nguyên, ban tổ chức tiếp nhận cứu trợ không tạo được tấm che cho mọi người. Thế mà những người trong đoàn, từng sống với nhiều tiện nghi ở Sài Gòn, can đảm hăng say hòa nhập với công việc nhọc nhằn nơi đây. 100 phần quà dành cho vùng đất hiu quạnh nầy chỉ là hạt muối bỏ biển, đành chịu vậy. Khả năng sư cô Quang Duyên có hạn, cá nhân huy động tại Sài gòn để có những chuyến cứu trợ như thế, rất khó hơn là các chùa hay cơ quan tổ chức huy động, thế mà sư cô vẫn nỗ lực để thường xuyên có những chuyến đi vùng sâu vùng xa như thế. Chiều ngày 02, đoàn lại vào thôn Eauy. Đường khá xa, cách thành phố Buôn Mê gần 50km đường đất đỏ không bằng phẳng, cũng vẫn gạo, muối, nước mắm, mền, mì gói... tuy chả là bao, nhưng đem đến niềm vui cho đồng bào sở tại.


Sau một ngày chẩn bần cho hai thôn, đoàn về chùa cũng đã hơn 19g. Ăn uống, vệ sinh cá nhân xong cũng gần 20g, còn chuẩn bị cho ngày thứ ba vào vùng cận biên Campuchea –Ea Sup.

Ea Sup là một huyện thuộc tỉnh Daklak, có xã là Cu Kbang. Ea sup có diện tích 32, 31 km², dân số trên 5.000 người, phần lớn là người Tầy và H'mong. Tổ 13 và 14, mỗi tổ ngoài trăm hộ, được chọn tiêu biểu một số hộ nghèo để lãnh 200 phần quà cho người lớn và 400 cho trẻ em, học sinh. Quà người lớn có gạo, muối, nước mắm, thùng mì, áo quần, mền, bánh kẹo, bột ngọt... Sau những người có phiếu do địa phương chọn phát, một số người dân phát sinh vẫn được những phần quà hạn chế mà sư cô đã chuẩn bị.
10g trưa, chỉ lèo tèo một vài chục học sinh có mặt, do anh Đạt chủ tịch hội Chữ Thập Đỏ không hợp đồng chặt chẻ với cô hiệu trưởng trường, vì thế cô giáo và học sinh cứ phải ngồi chờ ở trường cách xã 5km. Cuối cùng dùng xe của đoàn vào tận ven rừng để đón các em. Nhìn trẻ con vùng sâu Tây nguyên, người ta không thể nghĩ rằng các em là những học sinh. Và có em 10 tuổi thân hình nhỏ bé hơn cả trẻ 5 tuổi của thành phố, lại là học sinh xuất sắc của lớp 4 và cũng là trẻ mồ côi mẹ, sống với cha. Ngoài giờ học, vào rừng mót củi nấu ăn giúp cha, đó là em Voòng Minh Phòng, gốc Tầy. Các em được dép nhựa mà sư cô Quang Duyên vất vả để xin cho các em, áo ấm, bánh kẹo, thú nhồi bông... những món quà đơn giản đã đem lại cho các em niềm vui hiếm hoi, mà hàng ngày, trò chơi giải trí chỉ là công việc phụ giúp gia đình tìm cái sống giữa rừng núi bạt ngàn

Tất cả các em đều bẩn thỉu, vì thiếu nước sạch và phải lao động cùng với gia đình. Cái khét của da thịt vì cháy nắng vùng cao, bản thân không đủ vệ sinh tối thiểu, và cái mùi cá biệt của một sắc tộc tạo thành cái gì đặc biệt mà người trong đoàn cảm nhận khó quên. Đồng bào mỗi sắc tộc có cách trang phục khác nhau, nhưng cái giống nhau là áo quần tự tạo, gồm nhiều sắc màu trên tấm vải dầy đủ ấm mùa Đông, đủ nóng mùa Hè trên cơ thể rắn chắc mà hàng ngày họ lội bộ qua rừng, xuyên núi vài chục cây số là chuyện thường. Có lẽ vì thế mà cư dân vùng sâu ít bệnh về tim mạch, tiểu đường và béo phì...

So với hai điểm cấp phát ngày trước, nơi đây, địa phương khá chu đáo và cho người phụ với đoàn để khuân vác quà cáp cũng như giữ trật tự lúc phân phối.

Xong công việc tại Easup cũng đã hơn 13g, xã đãi cơm cho đoàn. Sau những lời tri ân với nhau, đoàn về đến TP Buôn Mê đã 18g, phố bắt đầu lên đèn, chợ búa nhộn nhịp khác hẳn nếp sống cách 80km vừa qua. Đoàn mệt lã sau ba ngày phấn đấu với công tác từ thiện tự nguyện


Ngày đầu tiên với sự phấn chấn, sư cô trưởng đoàn năng động nên biến cả xe thành một diễn trường sôi nổi; nhất là Saly, "giám đốc công ty sự kiện" gặp đúng sở trường nên biến xe của đoàn thành sân khấu "lắc lư", vừa hát, vừa đưa ra câu đố mà hầu hết ai cũng phải bỏ tiền ra để đầu hàng những câu đố cắc cớ và ý nhị. Thêm vào đó là anh Khanh, bạn của Saly, tự đặt là Sở Khanh, sẵn sàng cầm nón để thu những đồng bạc "đầu hàng" mà mệnh giá một ngàn Việt Nam gọi là một tỷ của Dimbabue. Tham gia hát hò có Bích Nga, cô Kiều, sư cô Quang Duyên và một vài ca sĩ bất đắc dĩ. Hai bác tài xế cũng vui vẻ kết hợp với đoàn tạo thành một gia đình đầm ấm đoàn kết suốt chuyến đi.

Những ngày cuối, trên đường về 350km với con đường tệ hơn thời chiến, xe bò đến 10 tiếng đồng hồ. Lúc khởi hành 14g mãi 24.30g mới đến Tịnh xá Ngọc Bang. Về đến Saigon 4.30 sáng, tất cả im thin thít. Saly, người tổ chức sự kiện năng động cho chuyến đi thì đã bay bổng vào cảnh mộng thần tiên vì mệt mỏi. Và hầu hết tìm giấc bình an giữa đêm trường đầy bụi mù mịt trên chuyến xe lắc lư. Riêng Bích Nga và Huấn đã cao bay xa chạy do công việc, bằng "chuyên cơ" trên không gian trong lành và thời gian nháy mắt đã yên giấc tại Thành Phố.

Có đi mới hiểu được cái vất vả của sư cô có một tấm lòng đối với dân nghèo. Không những khó khăn khi xin đồ, vật dụng, gạo cơm, tiền bạc, còn khó khăn sắp xếp chỗ gửi hàng chờ đủ cho chuyến đi, rồi gửi hàng đi trước đến Cao nguyên, từ Tịnh Xá lại huy động đưa hàng về các buôn làng xa xôi. Tại SG mà liên lạc kết hợp với những người địa phương để huy động sắp xếp khi đoàn đến là cả một vất vả, có hiểu mới cảm thông. Chính vì thế mà sư cô hay lẫn lộn một số vấn đề, nếu có ai đó tình nguyện phụ giúp với sư cô, có lẽ sư cô ít vất vả hơn.


Dẫu sao, chuyến đi có ba ngày mà giúp ba thôn, mỗi thôn cách nhau từ 50 đến 80km từ TP Buôn Mê cũng là điều đáng quý. Anh chị em trong đoàn có một ấn tượng, không những đối với đồng bào các sắc tộc đói nghèo, mà ấn tượng tính năng động hoạt bát của sư cô. Không bù lại sư cô Quang Định, người từ Myanmar về, tháp tùng chuyến đi, luôn thầm lặng nhưng toát hiện sự tươi tỉnh của một bậc xuất gia đang hướng nội. Trong chuyến cứu trợ nầy, nhóm Khiếm Thị Thiện Nguyện Hốc Môn cùng góp tay với sư cô bảy triệu đồng tiền mặt và 350k gạo để thể hiện tinh thần "lá lành đùm lá rách" hiện nay.


Tất cả là tinh thần của người con Phật qua công hạnh lợi tha, vô cầu. Kính chúc sư cô và anh chị em Phật tử luôn có lòng từ với sức khỏe sung mãn, để hướng đến đồng bào nghèo khổ hiện nay.

MINH MẪN

03/11/201

                                           
                                                       

3 nhận xét:

  1. THẬT LÀ CÔNG ĐỨC VÔ LƯỢNG! THƯƠNG CHO NHỮNG NGƯỜI DÂN Ở NƠI XA XÔI LÀM SAO.

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết hay, đã cung cấp thông tin đến mọi người. Thật tội nghiệp cho trẻ em miền núi rừng. Quí vị đã làm được những việc thật đẹp. Thưa cư sĩ, những nơi làm từ thiện như sư cô Quang Duyên, có thể ghi địa chỉ chùa và số điện thoại để mọi người có thể tiếp tay với cô.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. VÂNG Ạ, TUY SƯ CÔ Ở CHÙA BỬU QUANG THUỘC HỆ PHÁI NAM TÔNG - THỦ ĐỨC, NHƯNG SƯ CÔ THỰC HIỆN HẠNH BẮC TÔNG, TRONG ĐÓ CÓ VIỆC ĂN CHAY TRƯỜNG GIỮA 300 VỊ ĂN MẠNG VÀ LUÔN LÀM TỪ THIỆN MÀ CÁC SƯ NAM TÔNG CHƯA TỪNG THỰC HIỆN. BA NĂM TRƯỚC, SC LÀ NHÂN VIÊN ĐÀI TRUYỀN HÌNH VTV.
      MUỐN LIÊN LẠC XIN VÀO CELL PHONE SỐ 0902708505 SƯ CÔ QUANG DUYÊN

      Xóa