Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2024

DƯ LUẬN

  

Dư luận là phản ảnh nhận định, là ý kiến một vấn đề trong một bộ phận của xã hội, dư luận có lúc đúng có khi chưa đúng.Ví dụ dư luận về vụ chùa Ba Vàng.

Ta thử đứng ngoài dư luận để thẩm định một hiện tượng tưởng chừng như hạt cát lại biến thành quả núi trong thời gian rất ngắn.Một nhà báo hoang mang chẳng hiểu “đầu tai đuôi nheo” thế nào vụ chùa Ba Vàng như một trận dịch truyền nhiễm khá nhanh.Ngay cả ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên  thứ trưởng Bộ ngoai giao, nguyên chủ nhiệm Ủy ban nhà nước Việt Nam ở nước ngoài cũng lấy làm lạ khi nghe việc trưng bày “xá lợi tóc” của Đức Phật tại chùa Ba Vàng trở thành vấn đề to tát, ảnh hưởng uy tín của Việt Nam đối với Myanmar về vấn đề thiếu tôn trọng bảo vật của Phật giáo Myanmar khi yêu cầu xác định bảo vật, trong khi cả đoàn Tăng lữ Miến Điện cung rước từ Myanmar qua Việt Nam; có nghĩa Tăng đoàn của Myanmar chưa đủ uy tín dưới tầm nhìn của Việt Nam? Tuy nhiên Tăng đoàn Myanmar do TT trụ trì tu viện Parami cũng khiêm tốn gửi văn bản xác nhận xá lợi tóc của Phật là từ Myanmar do Tăng đoàn Miến Điện cung rước đến VN (với lời lẽ than phiền)

 

Dư luận là quyền của dư luận, nhưng lạ là từ một điểm nhỏ do ai đó tung lên, trở thành một cao trào ăn theo. Thử hỏi những dư luận vừa qua, được mấy ai trực tiếp đến chùa Ba Vàng, trực tiếp gặp thầy Trúc Thai Minh, và trực tiếp chiêm bái “xá lợi tóc” của Đức Phật? chỉ nghe xuyên tạc là cỏ pili rồi theo đóm ăn tàn dùng lời tục tỉu xúc phạm bảo vật của Phật giáo!

 

Lạ thứ hai là thay vì tìm hiểu thực hư để xác định đúng sai, Lãnh đạo Giáo hội lại hướng theo dư luận vô căn cứ để xử phạt thầy Trúc Thái Minh.Thông tin truyền thông Giáo hội im lặng để tìm hiểu thực hư thì tổng thư ký Giáo hội lại vội ra văn bản dưới danh nghĩa: Kết luận của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN để xử lý ĐĐ Thích Trúc Thái Minh với những lời lẽ thiếu tôn trọng với một bậc trí có tầm vóc và là một đồng đạo; như thế người ngoài xem tập thể Phật giáo chỉ là “cá mè một lứa”!

Trong văn bản kết luận xử lý:”sự kiện tổ chức chiêm bái và truyền thông về “Xá lợi tóc Đức Phật”tại chùa Ba Vàng đã bị dư luận xã hội phê phán, tạo ra nhiều thông tin trái chiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của Phật giáo và uy tín của GHPGVN…” Phật giáo tồn tại hàng ngàn năm rồi làm sao dư luận nhất thời lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin Phật giáo? Chả lẽ vì dư luận mà ảnh hưởng niềm tin của Phật giáo về xá lợi tóc? Phải nói rằng ảnh hưởng đến niềm tin của Phật tử  hoặc là ảnh hưởng đến niềm tin vào Phật giáo.Một văn bản của một tổ chức Tôn giáo mà không phân biệt như thế thì làm sao nhận định đúng sai trước dư luận? chả trách tin dư luận hơn tin nội bộ, từ đó cho thấy chính đối phó dư luận của Phật giáo đã tự mình làm mất niềm tin của xã hội chứ không phải do chùa Ba Vàng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin Phật giáo và uy tín của GHPGVN.

Chưa nói đến nhiều vấn đề xử lý nội bộ những việc thường xuyên xảy ra,chỉ riêng chùa Ba Vàng trong thời gian qua rất nhiều vấn đề trong việc xử lý tùy hứng và mang tính chữa cháy thiếu tình lẫn lý. Một ví dụ nhỏ khi thầy Trúc Thái Minh xin chuyển hệ phái, nội quy Tăng sự và Hiến chương không có mục nào cấm, thế mà họ vẫn lạm quyền để ngăn chận, thế thì việc trưng bày xá lợi tóc của Đức Phật, cung thỉnh Tăng đoàn Myanmar hoàn toàn việc nội bộ, không theo quy định “thông báo danh mục hoạt động Tôn giáo hàng năm” theo điều 43 luật tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016, sao gọi là vi phạm. Việc cúng dường Tam bảo là việc làm tùy hỷ không kêu gọi sao gọi là trục lợi, chiếm đoạt tài sản…?

Bảo rằng thỉnh mời người nước ngoài về không thông báo. Theo điều 48 luật tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016 quy định, tổ chức Tôn giáo và tổ chức Tôn giáo trực thuộc ( có nghĩa là một tổ chức chi nhánh) trước khi mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào VN để thực hiện các hoạt động Tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về Tôn giáo mới có trách nhiệm gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3.Như vậy chùa Ba Vàng là cơ sở tư nhân chứ không phải là một tổ chức chi nhánh.Vừa rồi, lễ Thành Đạo, chùa Phật Quang núi Dinh, Bà Rịa Vũng Tàu cũng mời Tăng đoàn Campuchea, trong đó có Tăng Thống Phật giáo về VN tham dự, không thông qua Giáo hội và chính quyền địa phương thì sao?

Việc trưng bày xá lợi tóc cho quần chúng chiêm bái không phải là cuộc triển lãm, không thuộc quy định của nghị định số 23/2019 – CP ngày 26/02/2019 về mục bảo tàng, cổ vật của hệ thống bảo tàng.

Thầy Trúc Thái Minh xuất cảnh cũng thế, với tư cách cá nhân, không xưng danh tổ chức Tôn giáo hay tổ chức Tôn giáo trực thuộc ( tức một tổ chức chi nhánh)  quy định trước khi cử chức sắc, chức việc, nhà tu hành,tín đồ tham gia hoạt động Tôn giáo,đào tạo Tôn giáo ở nước ngoài theo điều 50 luật tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016, thầy cũng đã từng với tư cách cá nhân tham quan thăm viếng Phật giáo các nước trong những năm qua, thì quy chụp không thông qua Giáo hội và nhà nước không đúng trong lúc nầy. Hiện nay rất nhiều tu sĩ các Tôn giáo vẫn xuất cảnh với tư cách cá nhân, không cần phải thông qua tổ chức chứ không riêng thầy Trúc Thái Minh.Chùa Giác Ngộ quận 10 TP HCM thường xuyên hoạt động Tôn giáo ở nước ngoài, công khai mua đất xây chùa ở Ấn Độ cũng không thông báo giáo hội và chính quyền thì sao???

Một tu sỹ Tôn giáo, thậm chí người nước ngoài có visa du lịch, tại sao không có quyền tham gia lễ bái bất cứ cơ sở tín ngưỡng nào. Quy tội mời người nước ngoài vào VN có visa du lịch lại tham quan chùa Ba Vàng dịp lễ kỷ niệm 765 ngày sinh của vua Trần Nhân Tông là việc làm thiếu tình hữu hảo với quốc gia lân cận, và sái nguyên tắc tự do Tôn giáo.

Trong ngày lễ đầu tiên của chương trình, có cả quan chức chính quyền và chức sắc Giáo hội, sao gọi là không tổ chức chu đáo? Không chu đáo sao các ngài đến dự rồi nghe theo truyền thông lại kết tội chùa Ba Vàng? Truyền thông không được kiểm chứng…chả lẽ sinh hoạt tín ngưỡng cũng phải mời báo chí đến để kiểm chứng? (người đọc văn bản này không hiểu đây có phải là một tôn giáo hay một tổ chức chính trị!!!)

Văn bản số 22/TB-HĐTS ngày 16/01/2024 tại Hà Nội:toàn thể Ban thường trực HĐTS quyết định kỷ luật cảnh cáo ĐĐ Thích Trúc Thái Minh sám hối Ban Thường trực HĐTS và thông báo tới các BTS GHPGVN các tỉnh, thành phố; ĐĐ Thích Trúc Thái Minh phải cam kết hứa nếu tiếp tục để xảy ra những sai phạm tương tự…sẽ bị tẩn suất, tước quyền trụ trì; Chùa Ba Vàng sẽ không được tổ chức các sự kiện giao lưu quốc tế trong một năm.

Người đọc thấy gì những đoạn trong văn bản kỷ luật? Hăm dọa  tẩn suất, tước quyền trụ trì? Giả dụ với những áp lực vô lý, không xét đến bản chất sự việc do thầy Trúc Thái Minh muốn làm rạng danh Phật giáo, muốn cho thế giới thấy được nền tự do Tín ngưỡng, Tôn giáo tại VN mà chỉ nhìn hiện tượng truyền thông xã hội không hiểu gì về Phật giáo để áp đặt kỷ luật, với người trí có nhân cách họ kham nhẫn chấp nhận theo giáo lệnh, gặp người ngang bướng họ sẽ bất cần, xin ra khỏi GH thì sao? Bảo rằng hình thức là vậy,Giơ cao đánh sẻ cũng khó mà chấp nhận một văn bản như vậy.

Qua việc xử lý chùa Ba Vàng cho thấy GHPGVN quyết định vội vã, nhận thức vội vã mang tính chữa cháy đối với dư luận, chính cách đó càng làm dư luận bất tín nhiệm Giáo hội.

Đối với dư luận, một số người có thói quen “dậu đổ bìm leo” “theo đóm ăn tàn”, nên có nhiều lời lẽ thiếu đạo đức, xúc phạm niềm tin của những người tin vàoTôn giáo; họ có xu hướng theo số đông mà không tự tìm hiểu vấn đề. Những thành phần lạm dụng truyền thông xúc phạm danh dự và quyền lợi nhân , luật pháp xử lý thế nào? Xã hội hiện nay nghe và biết Ba Vàng qua báo chí, trang mạng, cũng cả tin vào báo chí, trang mạng. Nếu không căn cứ vào đó thì mấy ai tự hào là nhận xét độc lập. Do đó bị báo chí dẫn dắt theo hướng của họ vạch ra, nếu không bị lạc dẫn sao tin họ, hành xử theo họ, kể cả Giáo hội cũng theo sự xuyên tạc thiếu trung thực vội đưa đến kết luận xử lý thiếu công minh.Thử hỏi cả một Giáo hội có đủ khả năng quy tụ lượng người vào dịp lễ như tại chùa Ba Vàng chăng? Nếu thầy Trúc Thái Minh thiếu uy tín sao có thể tạo một cơ ngơi như thế; Bảo là toàn bộ hàng vạn “con nhang” u mê thì giới thanh thiếu niên, giới trí thức trong số đó không thấy được vấn đề đen tối nào sao? Đáng ra Phật giáo phải hãnh diện có một Tăng tài như thế có đâu muốn “dìm hàng”.

Hiện tượng chùa Ba Vàng qua những sự kiện nổi trội theo nghĩa đúng đắn, làm sao tránh khỏi những tâm đố kỵ từ trong nội bộ Phật giáo đến một số ngoài xã hội.Những ai hiểu chuyện về nhân cách của thầy Trúc Thái Minh, về đời sống tu tập, về kiến thức đạo đức,thì những hiện tượng bị quy chụp nếu không nói là vu khống ác cảm thì cũng là mưu đồ theo kế hoạc chủ trương nào đó, ít nữa trâu cột ghét trâu ăn!

Nhìn một hiện tượng mà không thấy bản chất thì sẽ nhận định sai lầm.Đồng ý thầy Trúc Thái Minh quá nhiều sơ hở, kể cả những bài giảng, có lẽ thầy tin rằng tâm mình không có ý sai quấy nên nói và làm một cách bộc toạc tự nhiên. Hy vọng ngoài ban Pháp chế, Tổng thư ký cần có cố vấn pháp luật và giáo luật để tránh những sai lầm vội vã vừa rồi. Trước khi phê phán,quyết định sự việc, cần xem bản chất chứ không chỉ nhìn hiện tượng mà đánh giá như việc vừa rồi; hy vọng người thay mặt Giáo hội ra văn bản cần phải cẩn trọng.

Đây là nhận định khách quan của một độc giả.

QUÁCH THƯỜNG NHIÊN (MINH MẪN)

26/01/2024 ( 16 CHẠP QUÝ MÃO )

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024

TIN TỪ THIỆN

 

“Lá lành đùm lá rách” là một truyền thống từ xưa của dân tộc ta; những năm gần đây, khi đất nước hội nhập và kinh tế phát triển,các nhân sỹ, nhà hảo tâm và Tôn giáo đã tạo một hiện tượng đẹp dưới danh nghĩa “từ thiện xã hội”đến các vùng cao phía Bắc và vùng xa các tỉnh phía Nam,miền Trung …

Ngoài các đoàn từ thiện tư nhân, hàng năm GHPGVN, Ban Từ Thiện, Ban Kinh tế Tài chánh cũng có chương trình ủy lạo, thăm viếng.Những lúc thiên tai,ôn dịch, Ban Tài Chánh chẳng những dang tay cứu giúp trong nước mà còn hỗ trợ một số nơi trong các quốc gia lân cận như Campuchea, Lào, Ấn…lúc thiên tai dịch bệnh.

Tết Giáp Thìn 2024,Phó chủ tịch HĐTS, trưởng Ban Kinh Tế Tài chánh TW, phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban TT xã hội TP. HCM, TT. T.Thanh Phong có chương trình đến với đồng bào sắc tộc Lào Cai, Lai Châu, một số tỉnh miền Trung và miền Đông Nam bộ với sự ủng hộ của các doanh nghiệp và chung tay với nhóm thiện nguyện chia sẻ yêu thương “Sharing” của bà Mai thị Hạnh, phu nhân nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang,Hội chữ Thập đỏ VN, các mạnh thường quân.Đi cùng đoàn còn có một số chư Tăng tháp tùng.

Chương trình lên hướng Tây Bắc như Hưng Yên, Hà Nam, Lào Cai, Lai châu, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh,Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định.

Các tinh Trung bộ như Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Tĩnh,Khánh Hòa.

Các tỉnh Nam bộ và Tây Nguyên như TP HCM, Bình Phước, Sóc Tăng, Gia Lai.

Trên 20 năm Ban kinh tế Tài chánh đã thực hiện nhiều lần thăm hỏi, yểm trợ những nơi khó khăn, thể hiện lòng từ bi, tương thân tương ái của người con Phật, đem lại một chút ấm áp vào dịp  Tết cổ truyền năm Giáp Thìn 2024. Đồng thời TT Thanh Phong cũng chia sẻ thông tin chương trình từ thiện và gửi lời thăm hỏi sức khỏe, chúc mừng năm mới của bà Mai Thị Hạnh phu nhân nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến với đồng bào cả nước.

Cùng lúc với đòan từ thiện khá quy mô và chương trình trãi rộng của Ban Kinh tế Tài chánh TW, ban TT XH PG Thành phố xứng với tầm vóc nổi trội một trong 13 ban ngành của Giáo hội hiện nay; một số đoàn thể tư nhân cũng quan tâm đến các vùng thiếu thốn để chan hòa tình thương và đoàn kết.

Mặc dù kinh tế hiện nay còn nhiều khó khăn, nhưng tính tương thân tương ái của truyền thống dân tộc, san sẻ cho nhau là điều không thể thiếu. Xin chúc mừng Ban Kinh tế Tài chánh TW, ban từ thiện Phật giáo Thành phố đã đóng góp không nhỏ cho xã hội mà còn là nguồn sinh lực cho guồng máy Giáo hội hiện nay.

Kính chức quý Ban vững tiến trên con đường phụng sự, chúc chư vị mạnh thường quân, các nhà hảo tâm tư nhân đã thường xuyên có mặt trên mọi nẻo đường thiện nguyện một năm mới có nhiều niềm vui và sức khỏe sung mãn..

   MINH MẪN

13/12 QUÝ MÃO

  23/01/2024

Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2024

GIA BẢO

 

Cu Tý hớn hở chạy về  nhà: - hý hửng như nhặt được bảo vật!

Gia cảnh không khá giả lắm,nhà cấp bốn khiêm tốn nằm một góc bìa làng, cạnh con sông cái; tuy vậy, anh em nhà nó cứ tỏ ra huênh hoang như một địa chủ. Bọn trang lứa trong làng tuy không ra mặt, vẫn cố cạnh tranh, bằng mọi cách cho xứng tầm vóc mà bọn chúng được trưởng làng ưu ái.

Dân làng ngấm ngầm không thích tánh khoe khoang của nhà nó, cũng không muốn mích lòng.Anh em nhà nó chơi với nhau, bày đủ trò trội hẳn, không thua các sự kiện thường niên do các trưởng tộc trong làng tổ chức.Thi thoảng mời bạn bè làng bên sông qua tổ chức trò vui.Tuy thế, các hội đoàn trong làng sinh hoạt vẫn cân bằng tạo nếp an ổn.

Một hôm, cu Tý nổi hứng thế nào vượt sông qua kết giao với cu Tèo làng bên kia sông.Tuy hai làng thân thiện nhưng cũng không gắn bó nhau lắm; đối xử và tôn trọng nhau vì cùng một niềm tin; gia đình cu Tý và gia đình cu Tèo thân nhau nhờ đi lễ chùa cuối năm từ dạo ấy.Hai gia đình sùng đạo, tin Phật, tuy có vài điểm không cùng một tín lý.

-         Nhà tao có một báu vật , truyền từ đời ông cố ông sơ-cu Tèo khoe

-         Có thể cho tao mượn về để ba mẹ tao xem? Cu Tý nhũn nhặn nói.

Một hồi lưỡng lự, cu Tèo vào trong buồng, mở tủ sắt, bê ra một hộp nhũ vàng, mấy lớp bó vải màu đỏ lộ ra một vật óng ánh như kim cương.Tèo bảo:

-         Cẩn thận, về để trên trang thờ, nhang khói đầy đủ.

Cu Tý hý hửng cho vào túi xách, tay ôm chặt như sợ bay mất, thỉnh thoảng mở ra nhìn chừng.

Cu Tý rủ bạn bè đến xem của lạ, không cho ba mẹ biết sợ…Vậy là không mấy chốc tiếng đồn râm rang cả làng.Bọn xấu miệng từ lâu có ác cảm với cu Tý thổi phồng tin giật gân, đôi khi sai sự thật, bảo rằng đồ giả, lừa gạt đám ngu để trục lợi…

Bổng nhiên trong làng xôn xao, dao động. Vì áp lực dư luận,ba mẹ cu Tý buộc không được giao lưu bên ngoài; cấm phạt như từng cấm phạt trước đây do tính năng động làm dậy sóng xóm làng. Cu Tý không hiểu bị phạt tội gì, không làm gì phạm pháp hoặc mất thanh danh gia tộc, cu Tý đành chấp hành và nhận lỗi.

Gia đình cu Tý cũng xin lỗi chòm xóm,tuy chẳng biết xin lỗi cái gì, cũng phải trấn an mọi người.Thế nhưng ông trưởng làng cho người qua yêu cầu làng bên xác minh đó là gia bảo.Làng bên sông phẩn nộ - quyền gì bắt chúng tôi xác minh, làng chúng tôi có quyền tự lập, không lệ thuộc làng các ông, các ông có biết luật lệ ? chuyện nội bộ của làng ông thì ông xử lý can gì chúng tôi! Thế là người của làng cu Tý tiu nghỉu ra về.

Từ trò chơi trẻ con lan sang các làng lân cận,trở thành dậy sóng như một hiện tượng lạ;tiếng đời đàm tiếu không ít, nghĩ xấu thì nhiều, người biết việc không ai muốn can thiệp; làn sóng dư luận trấn áp mọi lý trí, dân làng hoang mang, kẻ nhẹ dạ tin gia đình cu Tý làm quấy, người hiểu chuyện khó mà thanh minh sự thật.

Cụ già sống nhiều năm trong làng, chiếc chòi bên cạnh giòng sông, nằm vắt tay lên trán, miệng bập điếu thuốc rê than: ôi, đời khó nói, thật giả lẫn lộn; nghe chuyện trẻ con mà dậy sóng các làng, từ đầu làng đến cuối thôn, chuyện cơm cao gạo kém,mất mùa, thất thu, thị trường chao đảo chả quan tâm, hùa nhau một chuyện chẳng đâu vào đâu, đúng là tâm loạn nên xã hội loạn!

MINH MẪN

06/01/2024

Thứ Tư, 3 tháng 1, 2024

PHÚC ĐÁP


 XIN PHÚC ĐÁP NGHI VẤN CỦA MỘT ĐỘC GIẢ GỬI ĐẾN

 

Một vật thể quốc bảo của xứ Miến Điện mà đem ra khỏi nước tất nhiên phải có sự cam kết thỏa thuận gìn giữ bảo quản tốt giữa hai nước Viêt Nam và Miến Điện. Tất yếu là phải có sự trao đổi cấp nhà nước với nhau. Trường hợp này tối thiểu phải có sự nhận trách nhiệm của GHPG VN do Nhà nước chỉ đạo và trao trách nhiệm cho chùa Ba Vàng.  Chùa Ba Vàng mang quốc  bảo của một nước về  mà Ban Tôn Giáo Chính Phủ không biết, GH không hay thì là thế nào?.  Tự ý chùa  mang về khơi khơi như một đồ vật thường là thế nào? Đồ này có phải là đồ dỗm không? Lợi dụng lòng tin của tín đồ cho mục đích riêng tư làm ảnh hưởng đến thanh danh Phật. Xin tác giả Minh Mẫn giải thích giúp.

Trên nguyên tắc một vật được coi là quốc bảo, đem ra khỏi nước, phải có sự thỏa thuận của quốc gia sở hữu, phải có hợp đồng giữa hai bên,và của chuyên ngành; bảo vệ nghiêm ngặt theo nguyên tắc an ninh như một nguyên thủ.( ngoại trừ bảo vật lịch sử quốc gia vào thời chiến, thuộc địa bị chiếm hữu…)

Bảo vật như ngọc xá lợi, xá lợi tóc trên 2.600 năm của Đức Phật do các nước sở hữu như Trung quốc, Miến Điện, Ấn, Thái…không chỉ thuộc quyền bảo vệ của Phật giáo mà còn là quốc bảo, nhà nước sở tại phải có trách nhiệm bảo vệ cẩn mật. Trước đây, Phật giáo Đài Loan xin cung nghinh về đảo quốc cho Phật tử chiêm bái ngón tay Phật mà đoàn bảo vệ giữa hai nước và chư Tăng lãnh đạo cùng số lực lượng an ninh đặc biệt hộ tống; một chuyên cơ phải tháo dỡ kết cấu cho thích hợp kiệu hoa.

Năm 2010, do HT T. Huyền Diệu ngoại giao được HT phó chủ tịch Phật giáo thế giới người Miến cúng dường ba viên ngọc xá lợi Phật và 7 viên xá lợi Thánh Tăng. Mặc dù chỉ là cấp độ Giáo hội Phật giáo Việt Nam xin thỉnh, nhưng đại sứ quán Việt Nam tại Ấn vẫn thay mặt nhà nước  hỗ trợ, tiếp đón tại sân bay Gaya đến tận Bồ Đề đạo tràng và chùa Miến.Nghĩa là tuy thuộc chùa tư, vẫn tiếp đón khá trang trọng.

Nếu là quốc bảo thì phải là nhà nước với nhà nước làm việc, nếu sở hữu cá nhân hay ngang tầm hệ thống tôn giáo thì cá nhân đó, giáo hội đó chịu trách nhiệm thỏa thuận.

Nguyên tắc là vậy, nhưng trong xã hội, cuộc sống ngày nay luôn có những sự việc vượt ngoài nguyên tắc với lý do nào đó. Điều mà khoa học đưa ra, thời gian sau lại không còn giá trị. Toán học 1+1  là 2, nhưng cũng có thể 1+1= vô số. Số 9 cũng là số 6 tùy vào góc độ nhìn.  Muốn dẫn độ một nghi phạm, phải thông qua và có sự đồng ý của nước sở tại, nguyên tắc là vậy, nhưng vẫn có trường hợp,dẫn độ thành công mà không theo nguyên tắc.Như vậy không có gì tuyệt đối trong cuộc sống này,ngay cả quy luật vũ trụ còn có đổi thay; không nên quá tin tuyệt đối do chính con người quy định mà cho là tuyệt đối.

Nói chung, việc cung nghinh một bảo vật thuộc Tôn giáo, có thể chính thống hoặc không chính thống tùy trường hợp do quan hệ cá nhân. Chúng ta không đủ chứng cứ xác nhận được gọi là bảo vật đó có giá trị thật hay không, còn tùy vào niềm tin; đã không thể xác nhận thật giả thì cũng khó mà gọi là quốc bảo.Như vậy cá nhân chùa Ba Vàng cung thỉnh xá lợi tóc của đức Phật cũng chưa tuyên bố đó là quốc bảo của Myanmar.Gắn cho tên để minh chứng giá trị thật,niềm tin đó dành cho người có đức tin việc đó. Ai không tin thì cớ gì phải xét đoán phê phán? Những quảng cáo tràn lan trên cộng đồng mạng không đúng sự thật tại sao không lên tiếng???

Trong khi quần chúng dậy sóng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thay vì mời nạn nhân đến giải trình để giải tỏa “khủng hoảng thông tin truyền thông” trước báo chí, thì lại áp lực gỡ tất cả các clip, bài đăng về vụ chùa Ba Vàng  và Sợi tóc, xem như trấn áp dư luận chưa biết đúng sai, việc làm này không có trong tinh thần dân chủ của Phật giáo. Chuyện dập lửa khác với việc xử lý “khủng hoảng Thông tin Truyền thông” quyền lực áp dụng không đúng cách tạo thêm bất mãn ngấm ngầm trong quần chúng khi chưa được giải đáp thỏa mãn.

 Tóm lại chuyện Xá lợi tóc chùa Ba Vàng là của Ba Vàng, tin hay không tin là quyền mỗi người, tại sao bắt phải hợp và đúng với niềm tin của chúng ta trong khi việc đó không liên can gì đến đời tư của chúng ta!

 

MINH MẪN

03/01/2024