Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

XUÂN NÀY KHÔNG CÒN MẸ

 Như thường lệ, mồng một tết cha con chở nhau về Sài Gòn đi lễ chùa nhưng năm nay, con ở xa quê trên tám năm, mẹ không còn, ba lủi thủi một mình về Thành phố như thói quen, chỉ viếng một vài cảnh chùa rồi, nằm chèo queo trong căn nhà trống trải gặm nhấm nỗi cô đơn.

 

                                                           ***

Nhà bên phố, nhạc bản “Xuân này con không về”  vang vọng, như mũi khoan xoáy sâu vào lòng đất khô cứng, cũng thế, nó xoáy vào lòng ba bao quá khứ đã chôn sâu từ lâu. Những cái Tết mà xã hội chưa ổn định cuộc sống,đàn ông, thanh niên phần lớn vào tù vì nhiều lý do, cũng có những lý do không chính đáng, ba là một trường hợp đó, phải nằm chung số phận của một miền Nam trong buổi giao thời.

Từ xóm làng xa xôi nào đó, cách trại giam vài cây số, nửa khuya văng vẳng nhạc Xuân,như từ không gian vô tận lan tỏa, trong đó,”Xuân này con không về”, lại làm giọt nước tràn ly, hai khóe mắt thấm mặn từ dòng lệ vô tình ẩn chứa từ lâu chưa có dịp trào dâng.Bạn tù từng nhóm tụ tập chung vui món quà Tết được gia đình thăm gửi, ba nằm xoay vào vách rấm rức nghe niềm cô đơn thấm từng mạch máu. Đã nhiều năm quen làm con “bà phước”, những cái Tết cô đơn là chuyện thường như những bữa ăn bình thường bằng rau rừng, lá non mọc hoang giữa những phần cơm bạn tù được gia đình chắt mót thăm nuôi mỗi tháng.

Bao năm tháng lao lý chả biết mình tội gì khi cả đời làm thân tu sĩ trẻ, không được giải thích, không biết phân trần cùng ai, đành chấp nhận như một hệ quả do nhân tiền kiếp đã tạo, như vòng kim cô vô tình rơi vào bạc số. An phận kiếp đọa đày, bao kỷ niệm, bao thân quen, bao ước vọng tương lai đều bỏ lại sau lưng, đều chôn sâu dưới từng luống đất xới cày giữa rừng hoang.Những nghĩ, vài tháng mình sẽ được thả thôi, nhưng , mỗi lần danh sách tù được tha, cứ hy vọng đến người cuối cùng, rồi cuối cùng lặng lẽ sắp hàng tiến ra chốn rừng hoang quen thuộc. Tù chung thân, được giảm án, vẫn là người về trước kẻ giam giữ không án lệnh.Chờ đợi mòn mỏi rồi mòn mỏi chờ đợi đến độ chai lì như vết chai lì trên hai bàn tay cầm cuốc. Năm năm trôi qua không còn hy vọng, tiếp tục làm quen với những bạn tù mới. cố làm mới tâm tưởng để quên những hy vọng hảo huyền, cứ nghĩ rằng nơi đây là mộ phần cho bạc phận cô đơn. Ngày nắng chói khô khốc trên khu rừng khai hoang, đêm về làm quen với gió rừng buốt lạnh, không chăn màn, không áo ấm.Giấc ngủ mộng mị chắp cánh mơ Tiên để sáng hôm sau, thực tại vẫn là vòng rào giam hãm kiếp tù cô độc.

Sau mười năm chim lồng cá chậu, đời bế tắt vẫn có lối thoát trên vùng “đất thép thành đồng”.Người phụ nữ “hữu sắc vô hương” lại là móc xích vô hình con tạo thương tình móc nối như lưỡi câu móc phải con cá đói cô liêu.Một đám cưới không ai thừa nhận, không họ hàng giao kết. Cha mẹ vị tình bầy con, đến tham dự với cặp nước ngọt xá xị xem như đến tham dự đám giỗ.Con dâu không được thừa nhận, vẫn lặng lẽ bên chồng chung tay bươn chải cuộc sống.

Những tưởng hai cuộc đời hẩm hiu dưới mái nhà thừa kế, cuối đường hầm vẫn lóe ánh sáng một chồi non khi tuổi đời đã hơn bốn mươi, tương lai tuổi trẻ vốn đã chôn chặt chốn rừng xanh.Con biết đi, theo ba mỗi ngày ngồi vỉa hè đón khách bơm ga quẹt; thấm thoát thời gian khôn lớn, mỗi độ Xuân về, cha con thong dong trên chiếc xe đạp hòa cùng phố phường nhộn nhịp. Sắc Xuân phấp phới từng lá cờ ngũ sắc; khói nhang nghi ngút lan tỏa tận cổng chùa. Con trẻ vui thật vui, tuổi chập chững những bước chân chưa vững, cố tiến lại đưa cho ba miếng mức thầy vừa trao, ba không lấy, con mới đút cả mấy ngón tay vô miệng tỏ ra sung sướng.Trên đường về, con nhìn chăm chú vào xe bán dưa hấu, tiếng còi xe cấp cứu oang oang, con nói – pa, chiếc xe nó kêu dưa hấu dưa hấu kìa pa.Biết là con muốn ăn,nhưng…

Mẹ ở nhà trông cha con về để nhận bao lì xì đỏ của con mừng tuổi mẹ.Con bi bô muốn diễn đạt hương vị Tết trên phố, trong chùa, nhưng cách nói ngọng nghịu vu vơ, mẹ cũng cảm nhận được, kéo con vào lòng đặt những nụ hôn lên má còn thơm mùi sữa.

                                                        ***

Từ nước ngoài, con điện về chúc Têt ba, suốt hàng giờ con chỉ nói về mẹ, nhắc lại bao kỷ niệm ấu thơ vào mùa Xuân có mẹ, thỉnh thoảng cứ hỏi vu vơ – giờ này mẹ ở đâu hở ba? Tuy là vu vơ nhưng chứa đựng một tình thương sâu đậm suốt hai mươi năm bên mẹ. Trên đất khách quê người, cuộc sống không đầy đủ,với bằng kỷ sư không gian,làm nghề tay trái ngành kiến trúc, phải chấp nhận làm suốt từ  mười hai đến mười bốn giờ mỗi ngày mà không được nhận lương phụ trội, chỉ được hưởng lương ngày tám tiếng với mức thù lao dưới quy định của đất nước văn minh, chủ hãng người Mỹ gốc Trung Quốc vốn quen bóc lột sức lao động khi biết công nhân chưa có giấy quốc tịch.

                                                             ***

Cô đơn nơi đất lạ, thương cha nhớ mẹ ở quê nhà, thường ngày điện về thăm hỏi, để cảm nhận mối dây ruột thịt vẫn còn gắn bó giữa không gian dịu vợi. Tám năm không có Tết quê nhà, tám năm xa cha nhớ mẹ. Giao thừa, sau lời chúc Xuân, con thở dài – buồn quá, Xuân nay không còn mẹ phải không ba!

 

MINH MẪN

 MỒNG 6 TẾT TÂN SỬU (17/02/2021)

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2021

TỊNH XÁ NGỌC XUÂN.

 


Long Khánh là một thị xã ven Đô, Phật giáo tuy không sung túc như các Tỉnh miền Trung Nam bộ, nhưng sớm có những ngôi chùa khang trang trước 1975, do một số chư Tăng miền Trung khai sơn lập địa. Hiện nay Long Khánh có những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Hiển Mật hay còn gọi là chùa Ruộng Lớn tọa lạc tại Thị xã Long Khánh, chùa Huyền Trang, tọa lạc tại ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang,.…Nhưng điều đáng nói là một ngôi Tam Bảo hình thành trong vòng 5 năm,khá bề thế. Qua tổng thể kiến trúc và xây dựng, không ai ngờ hoàn hảo trong thời gian cực ngắn, đó là Tịnh xá Ngọc Xuân, do sư Giác Đăng,đệ tử HT Giác Hà, hệ phái Khất sĩ, thuộc giáo đoàn 5 của Đức thầy Lý.

Sư cho biết, trước kia, do chỉ định của giáo đoàn, sư về chăm sóc sư Gác Mãnh, không lâu sau đó, sư Gác Mãnh viên tịch, sư Giác Đăng kế thế trụ trì; có lẽ duyên chớm phát như loài cây hạp thổ nhưỡng, mọi Phật sự hanh thông chẳng khác hạt giống vừa gieo, mầm vội đâm chồi xanh tươi. Sư nghĩ, có lẽ được Phật bổ xứ, không bao lâu, vị tu sĩ vừa ra trường trung cấp Phật học,như một thư sinh chập chững vào đời với đôi chân bỡ ngỡ, đôi tay mềm yếu, và đầu óc còn tươi rói như mãnh lụa vừa xuất xưởng, thế mà, ai ngờ…chỉ một năm sau, sư Giác Đăng đã tạo được khu đất rộng thoáng, không như ngôi tịnh xá cũ, mỗi lần lễ lộc, cúng hội mỗi nửa tháng, phải che rạp ngoài sân cho bá tánh tham dự sớt bát hoặc hành lễ kinh cầu.

Năm 2015 về trú xứ mới, chả hiểu thế nào sư  “hô phong hoán vũ” mà chỉ 5 năm, vuông đất trở thành cơ ngơi bề thế; ba bề bốn phía phòng ốc, am cốc,bày biện như trận quái đồ, tuy không lầu cao gác tía, đủ để du khách lạc vào khu các cụ già dường lão khi tìm đến nhà vệ sinh. Thế mới biết không phái gót son, tay trắng mà  óc đầu đơn điệu. Mỗi chùa có một kiến trúc, dàn cảnh khác nhau. Chùa Huyền Trang thu hút du khách do nhiều tiểu cảnh, tôn tượng và hoa lá, Ngọc Xuân không như thế, nhưng cái giống cốt lõi của các ngôi Tam bảo và hảnh xử của một tu sĩ là tấm lòng hào hiệp, nghĩa cử từ bi, sẵn lòng cưu mang bao cuộc đời bất hạnh, đó là nét chung của một số chùa nuôi các cụ già và trẻ con. Huyền Trang có trên 50 trẻ nhỏ thì Tịnh xá Ngọc Xuân cưu mang các cụ và trẻ con gần trăm mạng.

Tiền đâu vừa xây dựng lại vừa nuôi ăn, tính chung nhân khẩu trong Tịnh xá, thợ thầy và khách vãng lai gần 150 vị? Cứ đổ cho lý sự nhà Phật thì do Phước báu là xong, khỏi phải thắc mắc. Thế nhưng, hàng ngày nuôi các cụ già và trẻ con không thể tương chao rau muống khổ hạnh như các sư thì, nội tự trở thành một bệnh viện bỏ túi, lại tiền thuốc, tiền người chăm sóc phục vụ…tiêu tốn hơn cả tiền ăn.Khỏi lo, sau lưng sư đã có một hộ pháp hào hiệp mang nhãn hiệu con chiên ngoan đạo,được tặng danh “nữ hoàng thiện nguyện” hàng ngày hỗ trợ hàng trăm suất cơm có đủ thịt cá và nhiều loại bổ dưỡng, đã làm vơi gánh nặng của một tu sĩ trắng tay làm việc thiện bằng hai bàn tay trắng; do vậy, các cụ và các cháu vẫn nỏn nà tươi khỏe, cụ ông toòng teng trên võng dưới bóng râm cây xoài bên hông nhà,phơ phất chòm râu tiên bạc hơn tuổi đời của cụ; cụ bà phe phẩy chiếc quạt mo trên sạp gỗ đăm chiêu hướng về một thời son sắc thuở nào!

Như vậy đủ hiểu làm sao một nhà sư  đã làm được lắm việc trong một thời gian thật ngắn. Sư Giác Đăng đã ngầm hiểu là ngọn đèn giác ngộ thì gặp bao cảnh ngộ đau thương phải đưa tay gánh vác. Thời may ông Trời đã sắp xếp cho sư và “nữ hoàng thiện nguyện”gặp nhau điểm chung của lòng nghĩa hiệp, chung tay thực hiện bao chuyến từ thiện khắp ba miền, san lấp bao nghiệt ngã đời người trong khả năng sẵn có. Cũng từ đó, các mạnh thường quân, các đại gia đã phải chạnh lòng giữa biển đời  còn có bềnh bồng vài tấm ván cứu sinh! Họ đã rót dầu cho đèn thêm sáng, tiếp nhiên liệu cho các Bồ Tát tròn hạnh nguyện độ sinh. Thế mới biết, tu không phải nhắm mắt cho đời mãi khổ, đại gia không thể hưởng thụ cá nhân; Ôi, một nhà sư và một nữ hoàng đủ thắp sáng nghĩa cử làm rạng danh một thị xã không mấy sung túc như  Long Khánh.

Tương lai Tịnh xá Ngọc Xuân về đâu, sư về đâu? Công việc hiện tại đủ  là đáp án. Bếp cơm tình thương và nữ hoàng ra sao? Vẫn là hạt giống nhân đức của quý vị gieo trong hiện tại. Nhà Phật có câu:”dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị, dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị” nghĩa là muốn biết nhân đời trước, hãy xem thọ báo hiện tại, muốn biết quả kiếp sau, hãy xem việc làm hiện tại

MINH MẪN                                                                                                                 09/02/2021



















Thứ Ba, 2 tháng 2, 2021

NỮ HOÀNG THIỆN NGUYỆN

 


Người xưa có câu: “gia bần tri hiếu tử - quốc loạn thức tôi trung”.Trong cơn hoạn nạn, cho dù toàn nhân loại, một quốc gia hay một cá nhân, luôn xuât hiện vị cứu tinh giàu lòng nghĩa hiệp.

Việt Nam năm 2020 trãi qua đại nạn bão lũ, rất nhiều mạnh thường quân, nhiều chư Tăng ni, nhiều cư sĩ lăn xã vào giúp đỡ bao gia cảnh ngặt nghèo khốn khó;Thủy Tiên là hiện tượng nổi bậc trong cơn thiên tai đại nạn vừa rồi. Dĩ nhiên còn nhiều bàn tay nhân ái thầm lặng. Sau những thời kỳ đại nạn qua đi thì sao? Đó là vấn đề lâu dài theo suốt cuộc sống dài lâu đói nghèo của một bộ phận dân ta nơi vùng cao, vùng sâu,miền Trung của đất nước, trên những mãnh đất được gọi là “chó ăn đá gà ăn muối” nhiều đời kế tục từ xa xưa cho đến mãi về sau nếu cuộc sống chỉ trông cậy vào đất vườn khô khốc mà quanh năm hứng chịu gió nắng từ Lào tràn sang hoặc “trời hành cơn lụt mỗi năm”. Nắng nóng và bão lụt đủ làm hao mòn khí lực cuộc sống con người, thì cây lúa, ruộng đồng làm sao vực dậy mầm sống mềm yếu từ thiên nhiên trao tặng? Một số dân nghèo xen lẫn trong mọi Tỉnh thành, ngay cả những quốc gia phồn thịnh vẫn có những người vô gia cư thì đât nước nghèo của ta sao tránh khỏi lẵm mảnh đời cơ nhỡ.

Tuy nhiên, hai đầu tổ quốc vẫn là đôi bầu sữ mẹ tiếp sức cho đòn gánh trung du vững sức chịu đựng.Truyền thống Miền Nam, con người có đặc tính kỳ lạ, luôn buông xả, luôn nghĩ đến người hơn lo cho bản thân, vì vậy, dựng nhà, đóng giếng, lập trường học, xây cầu, mở bếp ăn tình thương trong các bệnh viện, quán cơm xã hội giá bình dân…không ai bảo ai –“nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” Những tấm gương thiện nguyện đã xuất hiện khắp miền Nam,  và các Tỉnh lân cận; trong đó, Long Khánh cách Sài Gòn 80km,.quán cơm tình thương do chị Loan chủ xướng với sự cộng tác của các chị em nhiệt tình, khai trương từ Trưa 4/6, 2018, không lâu sau đó đã có những mạnh thường quân góp phần chia xẻ.Nhờ thế, quán cơm tình thương tồn tại mãi đến hôm nay.

Một đôi nét về cô chủ quán cà phê 616 mang tên Nguyễn thị Loan, một tên nghe rất bình thường nhưng tâm hồn, việc làm không tầm thường.Được mệnh danh “nữ hoàng thiện nguyện” quả không ngoa khi xuất hiện như một ngôi sao lộng lẫy giữa màn đêm Tất niên năm 2021.

Khách từ phương xa đến, tưởng chừng lọt vào thế giới mộng ảo trong khuôn viên dường như đơn giản, thật ra toát hiện một chiều sâu lắng đọng thi vị, có hồ cá, có đồi cỏ, có biệt thự, có cây cảnh chăm  sóc rất ư tỉ mĩ.

Tất niên để tri ân các mạnh thường quân chung tay duy trì và phát triển bếp cơm tình thương. Chương trình có văn nghệ  ”miệt vườn”, có cảm tưởng đại diện mạnh thường quân, có cả xổ số “nghìn tỷ”. Dĩ nhiên thực khách được dịp trình diễn những bộ cánh đắc tiền bắt mắt; nhưng, tất cả bị chìm hẳn trước dung nhan, trang phục của “nữ hòang thiện nguyện” Loan nguyễn.

Với bộ váy sặc sỡ đỏ chói, áo cánh dơi không tay, lồ lộ bờ vai trắng nuột, tròn trịa,thân hình đẫy đà,không che được tấm thân phốp pháp nhưng mềm mại, uyển chuyển, gương mặt rạng ngời, phúc hậu dễ thân thiện. trông như vị chủ chiên đang hành lễ hiến tế; cũng phải thôi, “nữ hoàng” là con chiên ngoan đạo nhưng luôn bắt tay với ngoại đạo để làm công tác từ thiện khi tuổi ngoài bốn mươi.Giữa chương trình, nàng thay bộ váy màu tím sẫm làm nổi hẳn làn da trắng mịn dưới ánh đèn sân khấu.

Bếp cơm từ thiện không phân biệt tôn giáo, nhưng phân biệt thành phần xã hội, chỉ ưu ái cho những mảnh đời cơ nhỡ, sinh viên học sinh nghèo, vì tài chánh có hạn. Ngày đầu mở quán, nhân viên đi tìm đối tượng để phát phiếu lãnh cơm. Tuy là cơm 2.000$ nhưng ai muốn bỏ bao nhiêu cũng được, không có cũng chả sao. Trong số các mạnh thường quân, đáng chứ ý có anh xe lăn bán vé số,tên Hùng, vừa là thực khách của bếp cơm tình thương, vừa là mạnh thường quân kêu gọi  anh em bán vé số chung tay với số tiền ít ỏi tượng trưng nhưng nói lên ý thức cộng đồng làm việc thiện. Ngoài ra, Loan Nguyễn còn hợp tác với các sư tham gia nhiều đợt ủy lạo các vùng miền“

 

Do tánh hài hòa giản dị, Loan Nguyễn đã chiếm được cảm tình mọi thành phần  trong xã hội.Đó chính là điểm để mọi người có điều kiện chung tay qua địa chỉ liên hệ với Chị Loan – SĐT: 0908666616 Cơm tình thương Long Khánh”, địa chỉ tại 143/3 đường Hùng Vương (Cư xá 60 căn cũ), thị xã Long Khánh.

Cuộc sống do dịch bệnh hiện nay, có những tâm hồn tiếp sức với xã hội nhằm chia phần khó khăn cho bà con, chỉ có những tấm lòng vị tha mới đủ can đảm làm việc như thế.Mong rằng năm mới, Loan Nguyễn sẽ phát triển thêm những gì có thể giúp những hoàn cảnh đáng thương hiện nay.

MINH MẪN                                                                                                                 

03/02/2021