Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

VẦNG SÁNG SAO MAI.


Tại sao? Tại sao có sanh già, bệnh chết?

Tại sao nhân loại phải khổ đau?

Tại sao đế vương quyền uy cũng không tránh khỏi lìa xa vương vị?cha ta, vua một thị tộc tại Ca Tỳ La Vệ rồi cũng vậy sao?

Tại sao giai cấp Sát đế Lị quyền uy hơn Thủ Đa la?

Tại sao?....

                                                  ***

Chàng Đạo sĩ bỏ quên râu tóc sau nhiều năm nghiền ngẫm, chiêm nghiệm sự tuần hoàn, bất toàn trong cuộc sống.Một góc rừng kia, củi đang cháy, khói bốc lên thịt người khét mùi lợm giọng; thân ta đây, xác chết kia, khác nhau cái gì, toàn mùi xú uế. Phải chăng phấn son trong hoàng cung che đậy sự bất tịnh.Cung phi mỹ nữ, đàn ca hát xướng che đậy sự than khóc thống thiết của kiếp nhân sinh? Cuộc sống và kiếp người chỉ toàn ảo vọng được trang trí sắc hương đánh lừa cảm giác.Giàu nghèo là vỏ bọc để phân chia giai cấp, vị thế trong xã hội,khi mà nước mắt cùng mặn,máu cùng đỏ, khổ đau như nhau, về với cát bụi, ai cũng như ai, giàu sang mà chi, nghèo hèn là chi???

 Bềnh bồng trước gió xuyên qua rừng khổ hạnh;chàng vén lọn tóc dợn sóng, xỏa qua hai vai, từ tốn nhìn quanh khắp núi xanh, các lão tu bá nạp, y áo không đủ lành lặn, vẫn an nhiên nhắm  mắt, thần thức lạc vào chốn hư vô tĩnh mịch.Các vị thầy vẫn nghiền ngẫm theo dõi hơi thở, luyện tập hatha  yoga, có vị tập Karma Yoga, Mantra Yoga, Jnana Yoga, Bhakti Yoga, Tantra Yoga, Raja Yoga .. đều đạt đến một kết quả nhất định. Siddhārtha, nhìn lại mình, những thành quả đạt, không tìm được con đường tiến cao hơn; các vị thầy ngồi đó vẫn an trú, cảm thọ hỷ lạc pháp hành, trạng thái cảnh giới vô sắc của chư Thiên, xa lìa thế giới mộng tưởng trần gian. Nhìn lên bầu trời bao la, nhìn xuống cảnh vật mênh mông, chúng sanh sống trên sinh mạng lẫn nhau, cảm thấy vui sướng khi gây đau khổ cho nhau. Kiếp sống thật vô nghĩa!

 Động vật ăn đêm, nhẹ bước trên thảm lá khô, sợ làm giao động không gian đang  đặc quánh ngột ngạt.Bầu trời trong xanh u tịch, lắm khi đổ vài cơn mưa trái mùa, không đủ xua tan muỗi mòng. Côn trùng trổi nhạc thê lương nhấn chìm cảnh vật sâu vào tăm tối. Đường mòn xuôi về thôn xóm phủ nhiều lớp lá mục bốc mùi ẩm thấp.Cuối bìa rừng, chân trời lấp lánh vài nụ sao lẻ loi buồn bã, cô đơn.

Chàng Đạo sĩ trẻ đã nhiều năm tự chôn mình cách ly xã hội.Có lẽ khổ hạnh là cách tốt nhất để đổi lấy sự khổ đau của kiếp người; Khổ hạnh là con đường đưa đến an lạc hạnh phúc.Đã bao đời,không chỉ Đạo sĩ Bà La Môn, còn có Kỳ Na giáo, và nhiều hệ phái chọn con đường khổ tu để có được kiếp sống an lạc trong cõi vĩnh hằng sau khi xả bỏ báo thân. Những bậc thầy A-la-la Ca-lam, Ưu-đà-la La-ma tử ...đã giúp chàng Đạo sĩ đạt đến Vô sở hữu xứ định, Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Nhưng, những trạng thái định đó không giải quyết được giải thoát luân hồi; sau khi chìm sâu vào định lực, chàng quán chiếu tận tường mọi cảm thọ. Thầy ta đó, huynh đệ ta đó, năm vị Tỳ kheo khổ tu kia, đều nhập và an trú các bậc Thiền hỷ lạc, như xưa kia, thân phụ làm lễ hạ điền, dưới bóng mát táng cây jambu (diêm-phù-đề), Ta li dục, li pháp bất thiện chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỉ lạc do li dục sinh, có tầm, có tứ." Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: "Đạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng?" Và này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: "Đây là đạo lộ đưa đến giác ngộ."

 chàng từng nhập định cảm lạc thọ, một lạc thọ li dục, li pháp bất thiện, phải chăng, đó chỉ là trạng thái khởi đầu cho tiến trình đi sâu vào giải thể mọi cảm thọ, diệt trừ mọi vi tế ngã chấp!

                                                          ***

Mảnh y năm xưa, chàng trao đổi Hoàng bào cho tên thợ săn khi vượt qua dòng sông Anoma, tiến sâu vào rừng khổ hạnh, bao mùa mưa nắng, vài nơi mục nát, vài chỗ sút chỉ, chàng khâu túm lại bằng những sợi dây leo rừng.Móng tay dài cong không co lại được.Sau những năm tháng khổ hạnh, chàng Đạo sĩ nhận ra rằng, khổ tu không phải con đường đưa đến giải thoát, chàng Đạo sĩ kể lại:

Này Aggivessana, rồi Ta tự suy nghĩ như sau: "Ta hãy giảm thiểu tối đa ăn uống, ăn ít từng giọt một, như súp đậu xanh, súp đậu đen hay súp đậu hạt hay súp đậu nhỏ." Và này Aggivessana, trong khi Ta giảm thiểu tối đa sự ăn uống, ăn từng giọt một, như súp đậu xanh, súp đậu đen hay súp đậu hột hay súp đậu nhỏ, thân của Ta trở thành hết sức gầy yếu. Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo; vì Ta ăn quá ít, bàn chân của Ta trở thành như móng chân con lạc đà; vì Ta ăn quá ít, xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh; vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột một nhà sàn hư nát; vì Ta ăn quá ít, nên con ngươi long lanh của Ta nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu; vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nhiu khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nhíu khô cằn. Này Aggivessana, nếu Ta nghĩ: "Ta hãy rờ da bụng", thì chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: "Ta hãy rờ xương sống", thì chính da bụng bị Ta nắm lấy. Vì Ta ăn quá ít, nên này Aggivessana, da bụng của Ta đến bám chặt xương sống. Này Aggivessana, nếu Ta nghĩ: "Ta đi đại tiện, hay đi tiểu tiện" thì Ta ngã quỵ, úp mặt xuống đất, vì Ta ăn quá ít. Này Aggivessana, nếu Ta muốn xoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thì này Aggivessana, trong khi Ta xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta, vì Ta ăn quá ít. Lại nữa, này Aggivessana, có người thấy vậy nói như sau: "Sa-môn Gautama có da đen." Một số người nói như sau: "Sa-môn Gautama, da không đen, Sa-môn Gautama có da màu xám." Một số người nói như sau: "Sa-môn Gautama da không đen, da không xám." Một số người nói như sau: "Sa-môn Gautama da không đen, da không xám, Sa-môn Gautama có da màu vàng sẫm." Cho đến mức độ như vậy, này Aggivessana, da của Ta vốn thanh tịnh, trong sáng bị hư hoại vì Ta ăn quá ít."

                                               ***

Những hành giả khổ hạnh vẫn miên mật hành trì thiện pháp, tiếc nuối nhìn theo dáng đi của chàng Đạo sĩ trẻ dần tiến về cuối dốc. Năm anh em Kiều Trần Như trách móc – chàng đạo sĩ kia đã đi theo tham dục, không kham nỗi khổ hạnh.

Trong thôn xóm an bình lạ thường, lâu lắm, hình như chàng không nhìn thấy nếp sinh hoạt của cư dân; tiếng trẻ con nô đùa, tiếng chó sủa, đàn bò nhởn nha trên đồng cỏ.Xa kia,mặt trời gác tia nắng trên đọt cây, vài sợi khói lượn lờ trên nóc  lá thôn xóm.Một ngày mới bắt đầu.Chàng chậm rãi dừng chân, mở nắp bát, ngườidân trong thôn, kính cẩn dâng lên chiếc bánh chapati khô khốc đầy phấn bột.

Trên bãi cát nóng, che bởi táng cổ thụ Ni-câu-đà, chàng điềm tĩnh, mắt nhắm mật  định; đường dốc xuống sông, hai cô bé Nanda và Bala đang dắt bò, thấy Siddhārtha đang ngồi thiền định, họ sanh lòng kính mến liền vắt lấy sữa bò, nấu chín rồi dâng lên. Bát sữa đầu tiên sau nhiều năm kham khổ, Siddhārtha ăn xong cảm thấy thân thể khoẻ mạnh,tuy chưa bình phục hẳn, nhưng tinh thần phấn chấn lạ thường.

Gió hiu hiu từ sông thổi lên, Siddhārtha tựa lưng vào gốc cây, định thần dưỡng khí; đã nhiều năm, chàng đạo sĩ trẻ chưa từng được nằm, các vị thầy dạy rằng, ngủ ngồi vần tỉnh táo dễ kiểm soát thân tâm hơn ngã lưng.Nắng phả từng luồng khí nóng làm khô cả lá rừng; y bá nạp thấm đẫm mồ hôi, cũng chóng khô dưới sức nóng 50 độ. Cái rét Đông về cũng không làm cho bao hành giả rừng già trú trong hang động chùn bước. Hạ qua, Đông đến luân chuyển suốt kiếp người, có những hành giả như con dã tràng vật vã phấn đấu với nội tâm trước những hạt giống nhiễm ô bất trị.Cũng có những hành giả buông xuôi khi cố vượt qua những trạng thái tâm thức bị lạc dẫn vào thể nghiệm; không thiếu những thất bại não nề của nhiều hành giả tràn ngập chướng duyên như cơn thác lũ cuốn trôi bao công lao hành trì.

                                                         ***

Chàng lần mò xuống sông tắm, kiệt sức lâu ngày, ngất xỉu bất tỉnh, nàng mục nữ Sujàta chăn cừu đi ngang thấy thế, liền mở túi da đựng sữa đề hồ rót vào miệng cứu sống Người. Nửa tỉnh nữa mê,thần thức như lạc vào không trung dịu vợi; tiếng đàn du dương đâu đó văng vẳng bên tai, hồi tỉnh, Ngài biết đó là âm điệu của lão mù đàn dạo kiếm sống độ nhật.

-         Ông, làm sao mà tạo được âm thanh du dương như thế?

-          dây đàn quá căng sẽ đứt, quá dùn sẽ lạc điệu, đó là quy luật trung hòa mới tạo được những gì mình muốn, âm điệu cũng thế, du dương, khoan nhặt do ta biết điều độ – ông lão đáp.

 Từ bỏ kiếp khổ hạnh, đạo sĩ trẻ tươi khỏe với dưỡng chất bình thường, Người đến gốc cây Bồ Đề Thiền định; chị em nàng Sujata dâng cúng bát cháo sữa.Dưới cái nhìn thẩm thấu vạn vật, mọi sự khoác sắc màu tươi tắn; Người thả nhẹ gót sen trên bãi cát vàng, nước sông trong xanh, Siddhārtha ngâm chân vào dòng mát lạnh, cảm giác tươi mát dễ chịu.Một linh cảm thành tựu cho công phu tu tập, Đạo sĩ nâng nhẹ bình bát để trên mặt nước nguyện -: "Nếu ta được chứng quả thành Phật, thì nguyện cho cái bát nầy nổi trên mặt nước và trôi ngược lại dòng sông". Đúng như lời nguyện, chiếc bát trôi ngược về vùng nước xoáy cách đó không xa, nơi mà tương truyền trong Hiền kiếp, ba chiếc bát vàng của Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni và Phật Ca Diếp đắc đạo trước kia cũng tại nơi này.

Trở  lên bờ,về cội Bồ Đề ở Bodh Gaya, bèn xếp tréo chân, thẳng lưng trong tinh thần tỉnh táo sáng suốt. Em bé Sotthiya Svastika dâng cúng Người bó cỏ làm tọa cụ. Sau khi an trú thân tâm,mặt nhìn về hướng Đông, phía bờ sông Ni liên Thuyền, phát nguyện: "Dù cho da, thịt, xương, gân của ta có tan hoại và máu ta có khô cằn. Nếu không đạt quả vị Chánh Giác, ta sẽ không rời chỗ này"

                                                       ***

Đêm Đông, không như những cái lạnh thấu xương mọi năm, không gian tĩnh mịch, trong xanh màu ngọc bích,trùng dế vắng lặng, vạn vật trôi vào cõi xa xăm như ngàn tinh tú thăm thẳm cô đơn, như sự cô đơn của một hành giả từ bỏ mọi cám dỗ trần thế để chọn kiếp không nhà, không nơi an trú, lẻ loi, cô độc, hướng đến cảnh giới sâu thẳm nội thức.Mênh mông đất trời, vị Đạo sĩ trẻ vẫn miên man nhập định. Vẳng từ xa, tiếng gà lẻ loi rơi vào cô tịch. Bầu trời le lói mờ nhạt một vài sao khuya.

Từ vô thức xuất hiện ảo ảnh thịnh nộ, đe dọa hành giả, như những mũi tên bắn vào kính chắn, tự  rơi rụng từ xa, Đạo sĩ vẫn an nhiên bất động; Da du đà La, La Hầu La, xuất hiện réo gọi Thái tử trở về cuộc sống chăn êm nệm ấm, vị đạo sĩ trẻ vẫn bất định giữa đất trời giá lạnh; cung phi mỹ nữ ẻo lả nhún nhảy mời gọi, chàng vẫn bình thản nhìn những chiếc bóng vô hồn dần tan biến giữa màn đêm. Siddhārtha tiếp-tục nhập Diệt-Thọ-Tưởng định. Canh một vừa điểm, tuệ giác xuất hiện, Túc mạng minh, vô lượng kiếp quá khứ của Ngài biết rõ như lòng bàn tay.Vẫn điềm nhiên an trú đến canh hai, Thiên Nhãn Minh cũng xuất hiện, Ngài thấy rõ tương quan nhân quả của mọi chúng sanh. "Tại sao con người cứ phải sanh ra để chịu cảnh sanh, già, bệnh, chết". Câu trả lời: "Nguyên do chính là Lậu hoặc".Canh ba Ngài đạt được Lậu Tận Minh, một minh triết nhìn thấy nguyên nhân mọi sự trong tam giới.

                                                       ***

4 tuần thiền định dưới cội Pipphala (Bồ Đề), đạt được Tam minh, giải đáp được bài toán giải thoát luân hồi, Đức Phật nói: "Ta biết như thật 'Đây là khổ '. 'Đây là nguyên nhân của khổ '. 'Đây là sự diệt khổ '. 'Đây là con đường đưa đến diệt khổ )' ".

Vào tuần lễ thứ 7, Ngài chứng ngộ: Chân Như tánh, Bất Ly Như tánh, Bất Dị Như tánh, Y Duyên tánh , tức Lý Duyên Khởi, Không tánh, Huyễn tánh và Bình đẳng tánh của thế giới hiện tượng. Qua tiến trình thực nghiệm tâm linh, Ngài đã chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác,  trở thành một vị Phật Shakyamuni (Thích-ca Mâu-ni) — "Trí giả của dòng dõi Thích-ca".

Trăng thượng tuần như vành móng tay tiếp sáng cho ngôi sao Mai lạc dần hướng Đông, gió từ dòng sông Ni Liên Thuyền vuốt ve cội Bồ Đề,lá tung bay như chư Thiên rải hoa chúc tụng đấng đại giác. Ánh rạng Đông làm mờ nhạt sao Mai, Trí tuệ giác ngộ làm nhạt nhòa vô minh vô lượng kiếp; thân  màu hoàng kim của Shakyamuni  thắp sáng cả tam giới như giáo lý thắp sáng con đường giải thoát.

 

MINH MẪN                                                                                                             12/11/2020

 kỷ niêm mùa Thành Đạo

    

 

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2020

NHỮNG VÍ SAO ĐÊM.

Tháng chín âm lịch có nhiều sự kiện như cành mít Tố nữ trĩu quả, lớn có, nhỏ có, trái mũm mĩm tròn trịa nằm cạnh trái hiu hắt phiền muộn; kiến vàng bận rộn chạy khắp thân cây để báo cho đồng loại tiếp nhận tin vui được mùa bội thu sữa ngọt.

Bão lũ dồn dập hành hạ quê hương; cứ vài năm thiên tai mang lại cơn phẫn nộ thử thách sức chịu đựng của người miền Trung. Nước dâng cao bao nhiêu thì tình nghĩa đồng bào ruột thịt miền xa trào dâng bấy nhiêu, lấp đầy nỗi cơ cực kiếp sống lênh đênh. Cái buồn hoạn nạn lại là niềm vui tình nghĩa khi toàn xã hội đủ mọi thành phần chung tay cứu vớt.

Dòng máu sản sanh từ sỏi đá, trôi giạt muôn phương, thấu hiểu niềm đau khi mẹ thiên nhiên phẫn nộ,đã đành, lạ thay, con người được thiên nhiên ưu đãi tận vùng lúa gạo dồi dào, cá tôm lúc nhúc trong sông rạch, từ vùng đồng bằng Cửu Long, chưa từng biết thế nào là bão lũ, thế mà gom góp mọi thứ có thể, gửi ra miền Trung, những người họ chưa từng quen biết, vùng đất chưa từng đặt chân, bằng cả tâm tình ưu mẫn.

                                            ***

Mỗi lần bão về tận miền Trung xa xôi, trong Nam, cũng cảm nhận chút hương vị gió lạnh mưa rào, thế nhưng, đêm tháng chín, bầu trời đón hàng trăm ngọn nến sáng một góc tháp, có lẽ đất trời chung vui nhân kỷ niệm 5 năm ngày viên tịch cố Hòa Thượng viện chủ tu viên Phước Lạc- Phước Hoa, mưa gió được giấu kín đâu đâu đó, nhường lại nền xanh ngọc bích cho bầu trời trong hơn. Tăng ni, Phật tử, anh chị em văn nghệ sĩ đối diện trước tháp, lắng nghe lời ca, tiếng nhạc cảm niệm về ân sư.Lời dạo đầu truyền cảm của nhà thơ Huyền Lan, kiêm trưởng ban tổ chức lễ húy kỵ ân sư, kỷ niệm 5 năm vắng bóng khói hương vô thường, thầy Chánh Tài điều phối chương trình như cánh diều bềnh bồng trên mây, nhẹ mà lướt. Trời sinh ra con người có tầm quán xuyến, có tâm chiêu mộ, khả năng điều động nhân sự, nắm bắt tâm tánh từng người như thủ môn biết rõ đôi chân từng nhân vật trên sân cỏ. Người lãnh đạo có sức thu hút đối phương, nhưng đối phương là giới văn nghệ sĩ không dễ cảm hóa, cái tâm, cái tình chỉ là sợi dây xâu kết, cái đồng cảm mới đủ sức hòa nhập, thu hút những con người cao ngạo bất trị từng thẩm sâu vào tế bào gốc vốn dĩ của giới nghệ thuật!Thật vậy, cho dù là Phật tử thuần thành, nghệ sĩ vốn cao ngạo, tự mãn là hạt giống vi tế xem trời bằng vung, cái ta là rốn vũ trụ. Cái ta này không giống cái ta của Thái tử Tất Đật Đa:”Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”.Cho dù cái ta vĩ đại, cũng lặng lẽ cúi đầu trước dung nhan tôn kính của Tổ thầy, thành kính trước chư Phật, lắng nghe lời thầy dạy.Uy đức của bậc chân tu khuất phục tâm chúng sanh như cơn gió thoảng đủ ngã rạp cỏ hoa.

Cái ta con của Phật chịu khép mình ca ngợi Thế Tôn, tưởng nhớ ân sư.Hiếu Ngọc đong đưa từng nốt nhạc bay bổng tầng xanh, du dương âm điệu của nhạc sĩ Giác An trôi dần vào cõi mộng miên trường; nhưng Trần Huệ Hiền chợt kéo thính giả trở về thực tại miên man ấm cúng, từ tốn của âm điệu an lạc.Mỗi nhạc sĩ thủ đắc một cảnh giới rung cảm của tâm; tâm càng sâu lắng độ rung cảm càng cao, âm điệu ngút ngàn trôi vào mộng mị.Nghệ sĩ Hồng Vân lãng đãng điệu ngâm cho vùng trời đêm thêm giãn nở.

Anh chị em BBT tạp chí Vô Ưu cùng một số anh em Văn nghệ sĩ TP lắng lòng chìm theo âm điệu đất trời vô thanh. Chư Tăng ni cũng rời bản tâm thanh tịnh để lắng nghe sóng âm từ cõi không trung dội về những âm ba năm nào từ kim khẩu ân sư khuyến giáo.

Đêm trong mát thanh tịnh lạ thường, lồ lộ bửu tháp trắng nuột bao quanh hàng cây xanh ngắt, lung linh ánh nến chập chờn hàng trăm bóng người trong cõi hư vô.Chỉ có thế, chương trình kỷ niệm 5 năm ân sư vắng bóng, nhẹ nhàng, đơn giản như chất thấm giọng ngọt mãi, ngọt mãi,đưa từng bước chân vào cõi chân thường.

                                                               ***

Tu viện Phước Hoa – Phước Lạc thuộc Thiền phái Trúc Lâm, lễ giổ không nghi lễ rừng rậm, không sấm sét kèn trống; Lời tác bạch tri ân như cơn gió thoảng, tươi mát thắm đượm hoan lạc tưới tẩm hàng trăm Tăng ni và mọi người hiện diện trong buổi Trai Tăng. Nghệ thuật gắn liền Thiền vị là thế. Ít có nơi nào húy kỵ đơn giản, nhẹ như mây, sâu lắng trong suối nguồn hạnh phúc.

Tứ chúng câu hội về tu viện Phước Hoa, hân hoan được về chốn Tổ; năng lượng đại chúng cho hoa thêm sắc, cây thêm xanh,niềm vui tràn ngập tông môn.

Trùng duyên lạ lùng, 100 ngày nhà thơ, nhà văn, nhà giáo Mang Viên Long được TT T.Chánh Tài tổ chức 100 ngọn nến kỷ niệm với sự hiện diện của HT. T.Thiện Đạo, tọa chủ chùa Phi Lai Biên Hòa- Phú Yên. Phước đâu chi lạ.TT.Chánh Tài cũng trình bày sự ra đi đột ngột của một nữ Phật tử hạnh tài toàn vẹn, sớm lìa xác khi nghiệp phần hoàn mãn còn trẻ. Anh chị BBT tạp chí Vô Ưu, Tạ Nam Trân đại diện, Đặng công Ninh thay mặt Văn nghệ sĩ TP cùng niêm hương với HT Thiện Đạo trước hương án Mang Viên Long. Mỗi người một nén nhang, tâm niệm và khói hương chiêu mộ Mang Viên Long và nữ Phật tử hội ngộ đêm bất tuyệt; nhân duyên trùng trùng trên thân cây pháp sự ngày tưởng niệm như cành Tố nữ thơm mật ngọt,trĩu cành; chộn rộn bao bước chân kẻ đến người đi như đàn kiến được báo hỷ.

Lướt qua hai chồi non của Diêm Vương,Lê Tất Sĩ tưởng niệm Mang Viên Long, những vần thơ cứ như rong chơi giữa chốn chợ đời.nhà thơ Hạnh Phương, nhà thơ Lăng Già Tâm, nhà thơ T.Huyền Lan, nghệ sĩ Hồng Vân, ca sĩ Hiếu Ngọc, Nguyên Phương, Thụy Quang,góp thêm những cội hoa nghệ thuật điểm sáng đêm tưởng niệm đồng nghiệp thơ văn…đã tạo một đêm nhiều ấn tượng khắc sâu vào tâm cảm những người hiện diện, ai cũng ngầm khen Mang Viên Long đủ đầy duyên phước ẩn dưới bóng hào quang của cố HT ân sư.

Phước Hoa là mảnh đất âm dương hội tụ, vùng đắc địa phát triển môn phong, tố chất dưỡng nuôi nghệ thuật, dung chứa mọi sắc thái. Đón nhận tâm đạo bốn phương cho dù đó là chú cún Chiwawa xin cúng dường nhân ngày giổ Tổ. Vâng, cún cũng là một phẩm vật như hoa quả, tịnh tài. Xưa kia Phật vui vẻ nhận nắm đất của chú bé, có gì cúng đó bằng tâm thành. Hoa quả vài hôm tàn lụi, chú cún luôn là bạn đồng hành trong cuộc sống, nhưng lại tốn kém thực phẩm hàng ngày, thế mà, mèo chó được xem là phẩm vật giá trị cứ thường xuyên đem cúng dường các chùa mới lạ!

Vâng, trời đêm Phước Hoa long lanh những vì sao trên bảo tháp, hàng trăm ngọn nến long lanh quanh chân tháp; Tăng ni và quần chúng cùng anh chị em văn nghệ sĩ long lanh từng ánh mắt, những vì sao trí tuệ trong bầu trời tánh giác, làm nên một đêm bất tuyết nhiều ấn tượng với Mang Viêm Long, vẫn khát vọng chờ Phước Hoa một ngày hội tụ để những vì sao lấp lánh mãi cho Phước Hoa dáng đẹp Thiền môn và nghệ thuật.

MINH MẪN

08/11/2020    Kỷ niệm 5 năm ngày vắng bóng ân sư


Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

NƯỚC MÁT HƯƠNG SEN!

 


Trước màn hình computer, lướt qua hàng loạt hình ảnh ngập tràn cảm xúc giữa nạn nhân bão lũ, các đoàn từ thiện của chư Tăng ni và quần chúng tự phát. Với cái sống và chết đang đe dọa trong vùng thiên tai, thế mà bao tấm lòng phương xa miền Nam vẫn can đảm ngập lặng trong nước, chìm đắm trong mưa và gió lạnh, để đến trao tận tay những phần quà tình nghĩa. Ca sĩ Thủy Tiên quên cả ăn, uống vội hộp sữa cho qua cơn đói. Tô mì ăn liền nóng hổi cũng tranh thủ dưới vành nón che mưa, hình ảnh đẹp hơn cả khi bảnh bao dưới ánh đèn màu trên sân khấu; ôi, cái đẹp tuyệt trần tình người mà bao lâu Thủy Tiên đã thấm đượm tinh thần từ bi nơi cửa Phật.

                                                           ***

Cái khốn khó trong mùa bão lũ được hàng vạn người dân chung tay tiễn con thuyền nghiệp quả ra chốn bình yên, hình ảnh và việc làm đã tạo cơn sóng cảm xúc không nhỏ mà mỗi ngày người dân trong và ngoài nước vẫn xót xa theo dõi.Rồi thời tiết cũng trôi qua, cơn đau thương cũng phai nhạt, để sau đó, vài năm lại tái diễn cơn thịnh nộ của Thủy tinh và Sơn tinh trên thân xác ốm đói rách nát của vùng sỏi đà muôn đời.

Miền Trung là chiếc đòn gánh chịu sức nặng của hai đầu phì nhiêu Nam Bắc. Nhìn vị thế trên bản đồ, bề ngang có nơi trên dưới 50km, phần lớn là núi, đất cát sỏi đá, thế mà sự sống vẫn tồn tại như sự tồn tại của loài hoa dại nơi kẽ đá hoang vu.Vùng đất khô khốc sự sống đó, tạo sức ép vô hình để nở hoa bao danh nhân Tôn giáo, quân sự, chính trị, văn hóa, … lẫy lừng thế giới.Địa linh sanh nhân kiệt, nhưng nhân kiệt không bao giờ an phận tại chốn sinh ra. Xa quê tạo nên kỳ tích là truyền thống. Quê hương chỉ có bổn phận sản sinh như mẹ cho con hình hài, danh phận thuộc vùng đất màu mỡ cho nhựa sanh hoa kết trái.

Việt Nam không thiếu những nhân tài phát tiết nơi đất khách, rạng danh khắp năm châu, vì đất mẹ chỉ có bổn phận sản sanh, nuôi dưỡng, cung ứng kiến thức để phát tiết nội hàm là do vùng đất mới tương thích.Thiên tai, khốn khó là động cơ sản sanh lắm anh tài, tự thoát xác bằng sáng kiến, học hỏi, kiên trì như học trò nghèo thường thành đạt để phấn đấu thoát khỏi đời cơ cực.

Trên thế giới, người Việt làm rạng danh dân tộc qua nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó, có cả Tôn giáo. Trước và sau 1975, những năm tiếp theo, tu sĩ Phật giáo phát triển tại các quốc gia phương ngoại như loài hoa dại chớm nở về đêm; một số đem nghi thức Tôn giáo để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho đồng bào di dân phiêu bạt, một số Tăng ni trẻ cố gắng hòa nhập văn hóa sở tại bằng cách tiếp thu kiến thức, ngôn ngữ xứ người để thay đổi nhận thức, phát triển Phật giáo. Hiện nay số tu sĩ và cơ sở Phật giáo tại hải ngoại khá đông, có nhiều ngôi chùa vẫn duy trì nét văn hóa Phật giáo dân tộc trong kiến trúc; cũng như Tây Tạng, Trung Hoa, cộng đồng dân cư Việt Nam vẫn xem chùa là cơ sở văn hóa, tín ngưỡng dân tộc trên đất khách. Cuối tuần là thời gian thuận tiện để găp nhau, quây quần bên mâm cơm thanh đạm, an ủi nhau, trao nhau tin tức quê nhà. Tu sĩ trở thành biểu tượng nhân văn để cộng đồng Việt kiều nương náu tình cảm tha hương.

Ngoài nghi thức truyền thống ma chay, đám tiệc, một số tu sĩ trẻ còn tiếp thu và phát triển khoa học công nghệ truyền thông để phổ biến văn hóa,kinh điển,sinh hoạt, giáo lý trên cộng đồng mạng.Hiện nay Facebook,Twitter,email,youtube và nhiều hình thức trên truyền thông mạng, đã giúp nhân loại hiểu nhau, đồng bào không còn bị ngăn cách không gian địa lý. Chính nhờ thế, tin đau thương thiên tai, tin ánh sáng cuối đường hầm trên quê hương đã tiếp cận nhau như giữa các xóm làng trên mặt phẳng không gian.

Tu sĩ Phật giáo rải rác trên các quốc gia đều cố gắng sinh hoạt truyền thống như nhau, bảo lưu nét đặc thù tông phong môn phái, cùng phát triển văn hóa giải thoát qua mọi hình thức, như các loại ong, đều có chung đặc tính truy tầm phấn hoa sanh mật cho tổ ong Chúa. Chư Tăng ni cư trú các quốc gia khác,không những chia sẻ đau thương cho dân tộc trong thiên tai, còn tìm đến Khổ hạnh Lâm, nơi xa xưa Đức Cồ Đàm khổ tu, để chia sẻ thực phẩm cho đồng bào bản địa; chư Ni Hương Sen cũng thế, mặc dù chùa Hương Sen tại Cali, còn biết bao nhiêu khê để xây dựng trên vùng bán sa mạc; Thầy trò đều là chân yếu tay mềm, thế mà đâu thiếu tấm lòng đối với dân nghèo tại xứ Ấn. Chùa tuy chưa hoàn thành, ni sư cũng quan tâm thăm viếng quê hương Đức Phật, từng ủng hộ tịnh tài cho học sinh cấp 1 tại Câu Thi Na và dân nghèo bản xứ.

 

                                                   ***

Ni sư Thích nữ Giới Hương, vốn tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học tại Delhi năm 2003, trãi qua nhiều thời gian và không gian tu học tại trong và ngoài nước, sau khi rời khỏi Trụ Trì Chùa Phước Hậu, Wisconsin,về  Riverside Cali khai sơn ngôi Hương Sen trên mãnh đất nắng gió 10 mẫu. Đôi tay trắng với vùng bán sa mạc khô cằn, thế mà, dần dà tượng hình cảnh quan khá thơ mộng.Từng Tôn tượng chơi vơi giữa đất trời mênh mông, chòm cây không đủ phủ mát, trông như chỏm tóc còn lại trên đầu chú điệu năm nào.

Trong sinh hoạt vẫn giữ thời khóa hàng ngày của Thiền môn nhật tụng, vẫn lao tác, vẫn cập nhật thế học và nội điển, 10 cô đệ tử thong dong đẩy xe cút kít, chuyển tải đất đá, san phẳng mặt bằng cứ như con kiến nhởn nha tha từng hạt gạo về lấp tổ,làm mà chơi, chơi vẫn làm, đó là phong thái tự tại chớm nở thân hành của những chồi non Phật pháp.

Thân nữ nhi, Ni sư Giới Hương,tuổi tuy không còn trẻ, nhưng cũng chưa đủ độ già của trái chín bói, thế mà nội hàm phát tiết điều hành cơ ngơi, giáo thọ nhiều nơi, kể cả học viện Phật giáo trong nước, thuyết giảng tại một số cơ sở thờ tự tại hải ngoại, hướng dẫn dân ngoại bản địa đến với Phật pháp bằng ngôn ngữ bản xứ; ngoài hàng trăm pháp thoại, còn thành lập thư viện cả tiếng Anh  lẫn tiếng Việt. Lại còn sáng tác thơ để phổ nhạc; tâm hồn như thế để mọi Phật sự trôi chảy nhẹ nhàng thư thái.

Trong Phật giáo, giới nữ tu có học hàm học vị như sao thưa,nắm được tấm bằng Tiến sĩ cũng khá ít, ra làm pháp sự chuyên nghiệp thuận lợi cũng rất hiếm.Duy nhất có ni sư Trí Hải tài đức vẹn toàn nhưng tài hoa bạc mệnh,( cũng đã từng đóng góp cho PG trên lĩnh vực giáo dục, văn hóa, dịch thuật.) Giảng sư cũng chỉ trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, ni trẻ cũng cố phát huy sở trường để có mặt trên cộng đồng mạng không ít. Kể cả chư Tăng, thiết lập Website phổ biến giáo lý, trình làng sinh hoạt thường nhật, lưu trữ các sách báo tư liệu quý hiếm là một đóng góp đáng trân trọng. Các trang nhà trong Phật giáo hiện nay, có giá trị, chỉ Trang nhà Quảng Đức, Đạo Phật ngày nay, Thư viện Hoa sen, Sách Hiếm…nội dung phong phú, bài vở giá trị, cập nhật liên tục. Được như vậy, họ trãi qua thời gian khổ tập, cộng với kiến thức khoa học để có một kiến trúc nội dung chặt chẻ, đa dạng, phải có người phụ trách chuyên môn. Vừa xây dựng chùa, vừa đi giảng dạy,vừa hành hương, làm từ thiện xã hội, vừa huấn tập đệ tử, có ba đầu sàu tay cũng khó mà hoàn chỉnh.

Nói là vậy chỉ để lùa gió qua kẻ lá, nếu mọi sự quá nghiêm túc như những tổ chức thế tục thì Thiền môn không còn là an lạc từng chuyến xe cút kít dưới ánh nắng ban mai trên vùng đất cháy nắng. Hài hòa giữa tu tập và lao tác, giữa kiến trúc và thơ nhạc, giữa giáo thọ và hành giả….thì khó mà đòi hỏi tính chuyên nghiệp nơi duyên phận chân yếu tay mềm như ni sư Giới Hương vừa “ra ràng”!

                                                        ***

Miền Trung Việt Nam mưa thì mưa, bão thì bão, lũ cứ lũ, tính tương thân tương trợ vẫn tiếp tục lấp đầy tình nghĩa qua những chuyến hàng tràn ngập yêu thương.Phật giáo trong và ngoài nước tiếp tế cứ tiếp tế, tu vẫn tu, Phật sự vẫn hoạt động, từng bước chân  an lạc vẫn theo sau bánh xe cút kít của quý ni trẻ xây dựng chùa trên xứ khách. Đến xứ người với đôi tay trắng làm nên phật sự thì sá gì từ Bình Thuận trôi giạt vào Bà Điểm-Hốc Môn để kết duyên làm con gái đức Phật, làm đệ tử của Thánh ni Hải Triều Âm. Biết chừng đâu nơi vùng bán sa mạc kia sẽ xuất hiện  cội hoa Nguyệt quế giữa suối nguồn giáo Pháp đang từng ngày thấm đượm vào xã hội công nghiệp khô cằn tâm linh đã nhiều thế kỷ!

Chưa đến 20 năm mà chùa Hương Sen có mặt trên danh bạ xứ người đã là một vận động viên marathon khả ái, chỉ 5 năm vận động thiết lập chính điện trên khu đất 10 mẫu cũng là nằm mơ, thế mà mơ vẫn thành hiện thực.

Giữa bão lũ trên quê hương,giữa gió cát trên vùng bán sa mạc, giữa mùa Covid19 lay chuyển xã hội Âu Mỹ, giữa lòng người giao động trong thời đại Donald Trump, giữa cơn bão chính trị Mỹ-Trung…Hương Sen vẫn an nhiên tự tại tiến bước;phong thái đó biểu hiện cho nhân cách tươi sáng, vững vàng trong ngôi nhà Phật giáo tại hải ngoại, hy vọng ni sư Giới Hương sẽ tiếp nối con đường ni sư Trí Hải năm nào!

 

MINH MẪN                                                                                                        24/10/2020

 

 

 

 

SÁNG KIẾN HAY TÀ KIẾN?

 


Các Tôn giáo lớn như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, kể cả Tôn giáo nội sinh như Phật giáo Hòa Hảo, đều chủ trương không thiêng trọng hình tướng. Ngày xưa, khi Phật lên cung Trời Đao lợi giảng pháp, Đức Anan xin Phật cho tạo hình ảnh đức Phật để  người ở thế gian chiêm ngưỡng khi Phật vắng mặt, nhưng Đức Phật không đồng ý, bèn lấy cây Bồ Đề làm biểu tượng. Chính vì thế, kinh Kim Cang bảo: “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, cũng có câu “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thinh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo,bất năng kiến Như Lai”.

                                                          ***

Thế nhưng, thời gian càng xa nguồn gốc, tâm vọng ngoại càng phát sanh lắm tà kiến; do chuộng tướng nên xa rời tánh, gọi là tu tướng, thật ra tướng tu chả thấy mà chỉ thấy ngày càng phát kiến xa rời Phật pháp.Hành giả không trụ tâm hướng nội, sớm thì muộn cũng lạc vào rừng tà kiến.

Nghi lễ rườm rà thuộc về những Tôn giáo đa Thần xa xưa, tiến đến nhất Thần giáo thì nghi lễ cũng được hạn chế. Phật giáo vốn dĩ không phải là Tôn giáo để chúng sanh cúng kiến bái lạy, cầu khẩn. Đức Phật xuất hiện cõi đời mục đích hướng chúng  sanh giác ngộ trở về bản thể trí tuệ, giải thoát khỏi mọi ô trọc dẫn dắt vào sáu nẽo luân hồi. Thế nhưng, khi Phật giáo truyền vào mãnh đất màu mỡ lễ nghi của Khổng Mạnh, bắt đầu biến tướng về hình thức, ảnh hưởng lễ nhạc cung đình, cân đai áo mão lai tạo đến pháp phục Tăng sĩ mà xa xưa, giáo đoàn Đức Phật đơn giản chỉ tam y nhất bát.

Tượng thờ duy nhất đức Bổn sư, dần dà với thời gian,phát sanh  hình ảnh chư Tổ, thập bát La Hán, một số Thần tượng bản địa; có nơi thờ cả Quan Thánh,Thần tài Thổ địa, Địa mẫu. Tề Thiên là nhân vật hư cấu, nay cũng trở thành bậc Thánh chiếm một góc trên bàn thờ. Vàng mã cũng len sâu vào cửa Thiền. Chùa Viên Giác đường Bùi Thị Xuân, Tân Bình năm xưa cũng tạo tượng Phật giấy để đốt như đốt vàng mã; cứ thế mỗi ngày mỗi sáng tạo đưa quần chúng vào sâu mê tín;

Tướng là phương tiện để đi vào tánh, nhưng tà tâm đã tùy tiện lấy phương tiện làm cứu cánh trục lợi, chạy theo nhu cầu hướng ngoại của quần chúng để sáng tạo thêm những cái mới lạ không ngoài mục đích lợi dưỡng một cách tùy tiện. Gần đây, nghệ nhân tượng đá Huỳnh Trung đã chế tác 12 tượng mẹ Quan Âm với 12 con giáp(Tý,sửu,dần,mẹo, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi), mỗi tượng cao 2m80 giá 75.000.000 do ĐĐ T. Minh Phước chủ trương, trụ trì Niệm Phật đường Liên Hoa, ấp Tân Hòa,xã Xuân Đông,huyện  Chợ gạo, Tiền Giang.

Dưới chân hoặc bên cạnh mỗi tượng là một con vật, thế thì quần chúng lễ lạy cả con vật? Lạy Phật lạy luôn cả gia súc, có nghĩa kéo Phật xuống ngang tầm gia súc???

Các quán bar treo ảnh tượng Phật còn bị phản đối, nay cho quần chúng lạy Phật ngang với cầm thú, phải chăng là sự hủy nhục Phật giáo?

                                                     ***

Biết rằng, theo lý thì:: “Nhất thiết pháp không”, lại nói: “Dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thiết pháp đắc thành”. Nhất thiết pháp không là hết thảy các pháp vốn không có tự tánh. Chỉ có Bồ Tát mới vượt qua Tứ tướng (Nhân, ngã, chúng sanh, thọ giả) trong bốn loại (thai, noãn,thấp , hóa).

Chúng ta còn nhiều hạt giống chấp ngã, không vì thế mà không dùng trí để phân biệt đâu đúng đâu sai, cứ chạy theo lợi dưỡng, thị hiếu chúng sanh và tâm tham dục cá nhân dẫn dắt quần chúng vào chốn lầm lạc.

Có lẽ Giáo hội Tiền Giang cần quan tâm những sai phạm của tu sĩ Tỉnh nhà hầu tránh  đưa quần chúng lún sâu vào tà kiến mà cứ tưởng là sáng kiến.

MINH MẪN                                                                                                              02/11/2-020