Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

NƯỚC MẮT CỦA LŨ

 

                  

 

Được tin lũ chồng lũ, bão số 8, bão thế kỷ sắp tràn về miền Trung khốn khổ, tốc độ trên 80/km, hơn vận tốc của xe trên đường trường, nghĩa là nơi nào bão qua là nơi đó để lại dấu vết tan thương, ôi thương đau khủng khiếp.

Miền Nam, các phong trào trăm hoa đua nở, vận động cứu trợ rầm rộ, ngoài các ca sĩ nghệ sĩ như Thủy Tiên, Trấn Thành, còn vô số anh chị em nghệ sĩ, vận động viên thầm lặng, hoặc đóng góp, hoặc đích thân tham gia đoàn từ thện để tận mắt chứng kiến niềm đau không lời của cư dân đầy bất hạnh.

Nói đến miền Trung nước ta phải nói một vùng giàu về nắng cháy mùa Hè, phong phú nước ngập Thu Đông; quanh năm chỉ thấy toàn khổ. Gom góp ít sắn khoai, gia cầm chỉ đợi mùa nước đến giao cho lũ mang ra sông ra biển hiến tế cho thủy tề. Có lẽ xưa kia Thủy tinh đã hẹn ước với dân mình, lấy miền Trung làm điểm tỷ thí với Sơn tinh, vì thế, núi đã tràn ngập bùn máu chôn vùi cư dân như chôn vùi rác rến một cách không thương tiếc. Chỉ có con người với con người, đồng bào với đồng bào mới tìm cách bảo bọc nhau trên từng nóc nhà chênh vênh trên từng gò đất bao bọc ngập nước. Chư Tăng và Phật tử tắm mình trong mưa, ngâm thân dưới nước lạnh để bảo vệ gạo, mì đến tận tay nạn nhân như của quý hồi môn cần phải bảo vệ. Ánh sáng nhân hậu đó đủ sưởi ấm niềm bất hạnh mà sinh mạng con người chỉ là cỏ rác của trò chơi nghiệp quả.

Không oán trách Trời, không than vãn phận số, mong cố gắng vượt qua khổ nạn như một vận động viên marathon chỉ cần vượt đích, đó là cách sống an lạc của người có trách nhiệm với chính mình. Cũng thế, người lâm nạn thiên tai hay người chia sẻ thiên tai đều cân bằng phước nghiệp lẫn nhau để chờ cuộc sống nở hoa.

Không chỉ người Miền Nam ngày đêm trông tin bão lũ, cho dù có thân nhân nơi đó hay không, họ vẫn chung tay đóng góp mong vơi bớt khổ đau đồng bào ruột thịt, ngay cả khúc ruột vạn dặm từ nửa vòng cầu, chắc ai an lòng hưởng thụ cuộc sống chăn êm nệm ấm? Đã có những tu sĩ như thầy Nguyên Nguyện ở Oklahoma, hết nằm lại ngồi, suốt đêm ngóng tin quê mẹ từng giờ, còn bao tu sĩ như thế,Việt kiều sướng gì trên những phương tiện vật chất khi tâm can đau xé được tin em bé 8 tuổi bị lũ cuốn trôi khi mẹ đi nhận hàng cứu trợ; món hàng vài trăm phải mất nắm ruột cưu mang, thương đau nào hơn, hàng vạn cái khổ là hàng vạn thương đau ngập tràn kiếp người. Thế mà vẫn có không ít người vô tâm bỏ hàng triệu bạc cho cuộc nhậu thâu đêm, trong lúc đó, chị Hoài Tố Hạnhtự nguyện hạn chế món ăn hàng ngày , hai mẹ con hùn phước và kêu gọi chung tay hướng về miền Trung tình nghĩa!

Vâng, dân ta đã mạnh tay, tuy nghèo, vẫn ủng hộ các đoàn từ thiện tự nguyện của dân; họ tin tưởng giao trọn những đồng tiền khó khăn như sự khó khăn của các anh chị đi bán vé số đã hưởng ứng. Ngay cả nước ngoài ủng hộ cũng chỉ qua các đơn vị từ thiện. Có người thầm mong đồ cứu trợ sẽ đến tận tay người dân mà sẽ không bị khó dễ như trước đây ở một số địa phương buộc đưa vào kho của xã để họ tự phân phối; cũng có nơi, sau khi đoàn từ thiện ra về, số tiền và quà nhận được, người dân phải đưa lại cho chính quyền.Bão chồng bão, lũ chồng lũ, khổ chồng khổ, người dân sống nơi thị thành làm sao hiểu được bao nỗi khổ của lương dân vốn nhiều bất hạnh.

Nước lũ tuy làm khổ dân nhưng rồi cũng phải qua đi, nhưng cái khổ triền miên của cư dân sống trong một số vùng của địa phương thiếu kiến thức quản lý cộng thêm tham tàn, bảo sao dân vẫn nghèo, địa phương khó phát triển. Giữa bão lũ còn thế huống thay lúc an bình, có cái ăn cái mặc sao được bình yên???

Trong kinh Phật có nói đến cái nghiệp phải sống nơi biên địa, nơi khốn khó, cũng do cái nhân quá khứ, đó là bài học để cải thiện nhân lành hiện tại. Cho dù nhân thuận hay nghich, quả nghịch hay thuận đều là bài học để tiến hóa nhân cách, thế thì lũ hay nước mắt thương đau mà nhà Phật thường nói nước mắt chúng sanh nhiều hơn biển cả, tất cả cũng chỉ là lũ của hiện tượng  tương phản lũ của nghiệp thức; lũ chồng lũ, nghiệp chồng nghiệp muôn đời là niềm đau trầm thống, tiếng thét vô thanh của chúng sanh trong tam giới. Tam giới bất an do ba nạn: lửa, nước và binh đao, vậy ai vô tâm để sống mà hưởng thụ?

 Minh Mẫn

21/10/2020

MINH MẪN                                                                                                         21/10/2020                                                           

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

CÓ LẼ VẬY

 

Năm 1997, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho xuất bản cuốn sách “Going Home. Buddha and Jesus as Brother”, bán rất chạy ở Mỹ và Canada. Có người dịch tựa cuốn sách này sang tiếng Việt là “Về nhà đi thôi. Bụt và Chúa đều là anh em cả”.

Nay, nếu thiền sư còn khỏe và xem những bức ảnh này, hẳn thầy sẽ viết cuốn sách mới “Going Where? Buddha and People as Victim” (Về đâu bây giờ? Bụt và Người đều là nạn nhân cả).

Một tiếng thở dài ngao ngán.

À không...! Một tiếng thét câm lặng mới đúng.

Trên đây là đoạn văn của Trần Đức Anh Sơn trên Facebook cá nhân đã viết.

TIÊNG THÉT THẦM LẶNG.

          Vâng, đó là tiếng thét thầm lặng của người không hiểu chính mình, không hiểu nghiệp quả do mình đã tạo, lại cứ ngỡ Thiền sư T.Nhát Hạnh sẽ ngao ngán thở dài khi nhìn quê hương ngập tràn  nước mắt trong bão lũ thương đau.

Trần Đức Anh Sơn là con dân xứ Huế, là một học sĩ từng tốt nghiệp đại học, thế tại sao tự mình không dịch nỗi câu “Going Home. Buddha and Jesus as Brother” mà phải dựa vào người dịch tựa cuốn sách này sang tiếng Việt là “Về nhà đi thôi. Bụt và Chúa đều là anh em cả”.

Chính dựa vào nguồn dịch đó mà Trần Đức Anh Sơn chỉ hiểu chữ về nhà đi thôi,như về lại ngôi nhà hiện thể của tục đế, để rồi,  phần bình luận, Nhan Tran Viet: Nhà không còn , lấy đâu mà về thưa ông thiền sư ! cũng từ dó, bằng chứng với lời thách thức: Nay, nếu thiền sư còn khỏe và xem những bức ảnh này, hẳn thầy sẽ viết cuốn sách mới “Going Where? Buddha and People as Victim” (Về đâu bây giờ? Bụt và Người đều là nạn nhân cả).

Hình ảnh mà Trần Đức Anh Sơn đưa lên để minh họa cho sự hiểu biết về chữ “Going Home”là những ngôi nhà tang thương chìm trong  bão lũ,do nghiệp quả tác thành, do cộng nghiệp của một phần nhân loại nói chung và một phần cá biệt của sinh loại trên tinh cầu này khó ai tránh khỏi.

Với trình độ tương đối mang tính triết học, lẽ nào Trần Đức Anh Sơn không hiểu nõi chữ “Going Home” do Thiền sư đề cập? Theo Trần Đức Anh Sơn cho biết cuốn sách mang tựa đề trên đây“Going Home. Buddha and Jesus as Brother”bán rất chạy ở Mỹ và Canada, chả lẽ độc giả những nơi đó không hiểu nỗi chữ “Going Home” như Trần Đức Anh Sơn hiểu?

Nếu thực sự Trần Đức Anh Sơn hiểu chữ “Home” của Thiền sư thì không bao giờ mang tính thách thức khá tế nhị của người có học, bảo rằng: Nay, nếu thiền sư còn khỏe và xem những bức ảnh này, hẳn thầy sẽ viết cuốn sách mới “Going Where? Buddha and People as Victim” (Về đâu bây giờ? Bụt và Người đều là nạn nhân cả).

Hình ảnh bão lũ, dân chìm trong nước không liên quan gì đến mệnh đề “going home” để Trần Đức Anh Sơn đặt vấn đề “Going Where”khích động cho kẻ chống phá Thiền sư!

Đây là một ý tưởng méo mó muốn biến tư tưởng triết học xuống hàng tục đế.Hình ảnh đức Phật trong bão lũ, nhà cửa, dân chúng chìm ngập bùn đất chả liên quan gì đến Thiền sư hay của Phật, Mọi ban phước giáng họa thuộc quyền Thượng Đế. Bởi  có câu – Cọng lông sợi tóc rơi xuống không ngoài ý muốn của Thượng Đế, thế thì đặt vấn đề“Going Where? Buddha and People as Victim” (Về đâu bây giờ? Bụt và Người đều là nạn nhân cả).với mục đích gì???

Một khi bước chân ra đi, mình phải biết về đâu;Nếu đặt vấn đề“Going Where? Là một mệnh đề vong bản, kẻ đánh mất bản thể để không còn biết lối về tự thân, trách nhiệm do chính ta chứ không phải của Thiền sư, của Đức Phật hay của bất cứ ai khác. Mình không ý thức trách nhiệm nghiệp quả tự thân mà đặt vấn đề hay đổ lỗi kẻ khắc như trẻ con té, khóc, đổ lỗi cục đá, cục gạch.là chuyện ấu trĩ.

Dĩ nhiên Trần Đức Anh Sơn đủ trình độ để hiểu mệnh đề “Going home” của Thiền sư vạch ra, bởi vì theo Thiền sư thì “Buddha and Jesus as Brother” chả lẽ cả hai Ngài đều nương vào căn nhà thế tục, để rồi ngẫn ngơ trước bão lũ? Nhưng không, Trần Đức Anh Sơn không để Thượng đế lâm nạn mà chỉ để “Buddha and People as Victim” (Bụt và Người đều là nạn nhân cả). mới  đặt vấn đề “Going Where? Về đâu bây giờ? Thật là thâm hiểm. Phật nào lâm nạn trong bão lũ, chỉ có Phật đá, cement toàn đồ giả chứ Phật nào lâm nạn, cũng như chỉ có kẻ đấnh mất chính kiến tự thân mới không biết mình là ai, đi về đâu, kẻ có trí tuệ làm sao mê mờ trước nhiêu khê nghiệp quả?

Trong nghiệp quả, người ý thức nhận chân nguyên gốc, chấp nhận, sửa đổi ý tưởng,việc làm lời nói  để vượt qua, vì không ai gánh vác thế ta, chỉ có kẻ trốn trách nhiệm mới thở dài ngao ngán, hay có một tiếng thét câm lặng khổ đau như Trần Đức Anh Sơn đã nêu .

MINH MẪN                                                                                                            19/10/2020

 

 





 

 

 

 

 

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

Phật giáo Daklak với môi trường

 

                THAMLUẬN VỀ MÔI TRƯỜNG


Theo tinh thần Tập huấn về biến đổi khí hậu và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu tại Tỉnh Khánh Hòa, thay mặt Phật giáo tỉnh Daklak, tôi xin gửi đến Hội nghị vài ý tưởng góp phần ứng phó biến đổi khí hậu sau đây:

Kính thưa quý vị,

Tình hình biến đổi khí hậu hiện nay là một báo động đỏ trên toàn thế giới; những nước công nghiệp xả thải khí nhà kính đã làm thủng tầng ozone, cùng với một số sinh hoạt công ngiệp như máy lạnh,cơ giới, các khí CFC đều được sản xuất nhân tạo, tạo điều kiện cho các bức xạ cực tím đến mặt đất dễ dàng hơn.Đưa đến những bệnh nan y mà tia cực tím xuyên qua tầng Ozone bị thủng; dĩ nhiên đó là một trong những nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lương thực, thực phẩm cũng góp phần không nhỏ.

Khối u ác tính vừa là hậu quả thực phẩm, vừa là nguyên nhân của tia cực tím tác hưởng; Ngay cả ung thư và một số bệnh nan y ngày càng phát tác, do thực vật và các sinh vật biến đổi gen, ảnh hưởng môi sinh; các hệ thực vật, sinh vật bị tia cực tím tác động chuyển thể  dần dần.Dưới biển cũng như trên mặt đất đều ảnh hưởng không nhỏ khi tầng khí ôzone bị thủng.Ung thư da cũng do tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím thường xuyên.

Ozon là một lớp sâu trong tầng bình lưu, bao quanh trái đất. Lớp này che chắn toàn bộ Trái đất khỏi các bức xạ cực tím đến từ mặt trời. Khi tầng Ozone bị thủng, động vật ảnh hưởng sức khỏe, phát sanh nhiều bệnh nan y, ngay cả hệ thực vật cũng ảnh hưởng đến sự phát triển, thành phần dưỡng chất, cây rừng không tránh khỏi khô cháy hay biển cả cá, tôm, cua, lưỡng cư và các động vật khác tùy thuộc không nhỏ vào thảm thực vật trong biển cả mà tia bức xạ cực tím là tác nhân gây ra.

                                                       ***

Trước những vấn nạn nguy hại đó, các nhà khoa học thường xuyên báo động, hình như các quốc gia phát triền và đang phát triển cải thiện không kịp đáp ứng với mối nguy hại đó. Mỗi quốc gia có một cách thức ngăn ngừa riêng, Việt Nam ta cũng từng có những cuộc hội thảo khoa học về biến đổi khí hậu, thay đổi những vật dụng có hại môi sinh, nhưng do kinh tế yếu kém, nhân dân ta cũng thay đổi những thói quen có hại rất chậm chạp.

Riêng lành vực Phật giáo, tín ngưỡng và những tập tục lâu đời dần được cải tiến cho phù hợp với sinh hoạt trong thời đại tiến bộ. Một tập quán về hiếu dưỡng đối với thân bằng quyến thuộc quá cố, ma chay chôn cất, ngày nay cũng có khynh hướng hỏa táng, vừa hợp vệ sinh môi trường, vừa không chiếm dụng đất đai kéo theo nhiều tập tục rườm rà như tảo mộ, cải táng…

Hỏa táng đã có từ lâu trong một số quốc gia Phật giáo, nhất là Ân độ; nhưng những nơi đó vẫn chưa có hệ thống hỏa thiêu hiện đại. Ngày nay, miền Nam đã có nhiều lò hỏa táng góp phần hạn chế khó khăn về đất đai và vệ sinh môi trường.Sau khi hóa cốt, người dân hay tín đồ Phật giáo vẫn còn lưu giữ tro cốt, hoặc thờ tại nhà, hoặc ký gửi cho chùa. Tuy nhiên, gần đây, việc ký gửi tro cốt cũng gặp một vài khó khăn, vài gia đình đã rãi xuống biển. Tại Đaklak, có sáng kiến biến tro cốt thành “ngọc linh”, nghĩa là nén tro cốt ở một nhiệt độ cao, trở thành những viên ngọc, vừa sạch, vừa thẩm mỹ, có thể lưu giữ tại nhà nếu không muốn ký gửi vào chùa, dẫu sao, vẫn tạo được ấn tượng vừa sạch đẹp cùng với sự thân thương gần gũi hơn tro cốt. Đây là một sáng kiến cần nhân rộng, vừa bảo vệ môi sinh, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng trong thời đại 4.0.

                                                   ***

Thiển nghĩ, trong tầm tay nhỏ hẹp, trong phạm vi kinh tế khiêm tốn, việc hóa tro cốt thành những viên “ngọc linh” sẽ là một trong những phương cách phù hợp với việc bảo vệ môi trường góp phần ứng phó biến đổi khí hậu hiện nay mà Phật giáo cần phải góp phần. Dĩ nhiên, đây chỉ là một phần rất nhỏ, GHPGVN sẽ có những sáng kiến to lớn hơn để cùng nhà nước hưởng ứng ngày biến đổi khí hậu toàn cầu mà Việt Nam ta đã ký kết hưởng ứng.

Kính chức cuộc hôi nghị tập huấn thành công tốt đẹp.

                                                             

 



 






Top of Form

 

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

MỘT MÙA THƯƠNG YÊU

Quê hương miền Trung, ngàn đời vẫn vậy, bão lũ luôn rập rình xua tan mọi công sức bòn góp từ mồ hôi nước mắt của người dân; cứ vài năm một lần lũ lụt về thăm viếng như ân oán ngàn đời theo lời thệ ước.

Thế gian có bao nhiêu loại kỳ hoa dị thảo, con người có bấy nhiêu nỗi sầu lấp lánh chập chờn trên sóng nước bể dâu; nước mắt đau thương nhiều hơn biển cả, phải chăng kiếp sầu là kết quả từ vô thủy tham si. Cung bậc âm thanh kinh qua bảy tầng rung cảm là thất tình cảm xúc khuyếch tán từ vọng tưởng vô minh, đôi khi thấm thía sợi buồn như nhấm nháp vị ngọt trong mơ.Có thế con người mới thấy cái đắng của rượu là vị ngon của lưỡi, mức tàn phá sức khỏe lại là bạn thân của kẻ túy lúy cần sa. Ôi thương đau lũ trẻ ngủ bờ sống bụi, còn đâu nhà khi cờ bạc say đắm mẹ cha. Phải chăng tám vạn bốn ngàn pháp môn là tám vạn bốn ngàn con đường soi lối cho lữ thứ trong đêm, cũng là tám vạn bốn ngàn ly sầu cách biệt.

Thác lũ cuốn trôi khi thuyền đưa người đi sinh nở. Đất đá, bùn cát vùi chôn đoàn người đến với những thân phận nơi chốn cheo leo. Đau thương chồng chất thương đau; Từ miền Nam xa xôi, hàng vạn con tim quặn thẳt hướng về đồng bào ruột thịt; Nơi góc trời xa nửa vòng quả cầu nào khỏi dõi mắt trông tin. Những thùng mỳ, từng lon gạo góp nên quà tình nghĩa. Một Thủy Tiên mời gọi có hàng vạn chung tay góp sức.Lòng hào hiệp dân ta thừa có, miền Nam giàu lòng nhân chớm nở từ nghèo khó;Nếu tất cả đại gia rũ lòng trích phần hỗ trợ, có lẽ ấm lòng giữa chốn tai ương.Dĩ nhiên vẫn có những tác động thầm lặng tạo nên nhiều chuyến cứu trợ, họ không cần đánh trống khoa chiêng, nghĩa cử ấy nở hoa giữa bão tuyết. Một Hoài Tố Hạnh - Nghệ An lưu lạc, cũng từng thấm nỗi đau kiếp sống đọa đày, lên tiếng đánh động bao tấm lòng hào hiệp, một vài triệu, năm ba trăm, của ít lòng nhiều; ngay cả thùng mỳ đơn chiếc của một Linh mục quản xứ cũng đáp ứng khiêm tốn, vì họ tin rằng chuyện cứu trợ thiên tai là nhiệm vụ của Đảng và nhà nước. Nhìn thùng mỳ mà xót xa lòng nhân ái. Vì thế,trên trang mạng đừng ai thắc mắc tại sao vắng bóng các cha cố; giữa dòng nước lạnh,những tấm áo vàng, các sư chìm trong lũ, đưa quà về tìm bến yêu thương, sao không nghe báo chí ca ngợi mà chỉ đưa toàn tin tiêu cực cho Phật giáo?

Đất nước ta hào hiệp nghĩa tình, đồng bào ta giàu lòng nhân ái; nhường cơm xẻ áo là đạo nghĩa nghìn đời ông cha ta truyền lưu hậu thế, nhưng không vì thế mà chịu bị đè đầu cởi cổ. Tam giáo đồng nguyên là ánh sáng rọi sáng con đường sống để cháu con Rồng Tiên tồn tại muôn đời. Văn hóa đó thấm sâu từng thớ thịt; cho dù một văn hóa xa lạ luồn sâu vào mạch sống xã hội, cũng dần bị biến dạng dưới sức mạnh tâm linh của một vùng đất kỳ bí ngàn đời. Sống bên chàng khổng lồ tham tàn, dân ta vẫn vững tin sức mạnh ngàn đời của hồn thiêng sông núi ươm từng hơi thở của Tổ tiên.

Trong cơn hoạn nạn mới biết tình làng nghĩa xóm , đất nước lâm nguy mới thấy sự hy sinh máu xương của những anh hùng liệt sĩ tẩm tưới mạch sống cha ông. Giông bão, lũ lụt. mưa lạnh,trú trên nóc nhà, đu bám cành cây làm sao dám nghĩ đến chén cơm nóng trong căn nhà ấm cúng, thế thì ai nỡ hưởng thụ xa hoa  trong chăn êm nệm ấm khi ngoài trời kia lắm kẻ không nhà. Đêm nay họ ngủ đâu, ăn đâu, áo đâu phủ ấm, bao xác vùi sâu trong đất đá, trôi giạt trong nước cuốn… Không khổ nào giống khổ nào, mỗi cây trổ ra một loại quả, nghiệp chúng sanh trong tổng thể vẫn cố sai biệt của mỗi cá thể, dù muôn ngàn sai biệt, vẫn chung một niềm đau thương mất mát. Chư Tăng ni, bao người con Phật sao khỏi cám cảnh lòng đau. Cứ mỗi lần thiên tai, hàng vạn chuyến cứu trợ miền Nam ra thăm quê nghèo sỏi đá, thế mà dân ta vẫn bám trụ  không muốn xa quê. Trời buông bao nhiêu lượng nước, gió thổi bao lạnh giá âm u, bão tố tha hồ đày đọa nghiệp quả con người, nhưng lòng người vẫn đủ lòng bao dung trang trãi tình thương yêu cho nhau, thể hiện tâm từ bi của người con Phật. Đạo Phật không cần là một Tôn giáo vĩ đại, cái vĩ đại của Phật giáo là tình thương vô điều kiện đối với mọi loài.

Miền Trung ơi, hãy can đảm vượt qua bao chướng duyên khổ nạn, bên cạnh vẫn còn bao trái tim sưởi ấm đồng bào!Cái gì rồi cũng phải qua, nhưng đừng bỏ qua tình nghĩa đồng bào, nhân loại!

MINH MẪN                                                                                                            15/10/2020

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

TRỌN ĐỜI CỐNG HIẾN


Thời tiết tháng Tám sụt sùi rơi lệ, miền Trung hàng năm gánh chịu lắm thiên tai; Huế vừa trãi qua cơn bão, Hội An bị ngâp lụt, một số Tỉnh thành thấm đẫm mưa dầm!

Đâu đó, một góc xứ Huế thân thương, đồi thông rũ bóng che chắn các ngôi cổ tự rêu bám như lớp da xù xì lão hóa của người dân tẩm ướp nắng mưa qua bao thế hệ, cam chịu và sống chung với bao nghiệt ngã. Giữa mùa mưa bão, tiếng chuông chiều rên rĩ lãng đãng chìm trong không gian lạnh lẽo cô đơn; nhà nhà ủ kín then cài trốn cái lạnh thấu xương khi Đông chưa đến.

Thế mà, một trong những quê nghèo xơ xác của quê hương, ai ra đi cũng không khỏi chạnh lòng nhớ về chốn ấy; Nắng cháy da, lũy tre bờ sông không đủ che tàn bóng mát, lũ tràn về, ruộng đồng, sông rạch mênh mông biển nước, chuột, rắn, gia cầm giạt trôi ra biển đợi mỗi năm.

                                              ***

Con đường Nam Giao hiu hắc dẫn về Tổ đình danh tiếng. Cổng Tam quan vẫn im ỉm như chưa bao giơ mở rộng vòng tay đón nhận bao phiền muộn đời thường; Nơi ấy, sau cánh cổng, ngôi chánh điện uy nghi trầm lắng. “Sắc tứ Từ Hiếu tự” là một vinh dự được vua Tự Đức ái mộ đức Hiếu của cố Hòa Thượng Nhất Định tổ khai sơn, đối với mẹ, nguyên là một thảo am ẩn tu cùng mẹ. Năm 1848, HT viên tịch, vua cho trùng tu mở mang thành ngôi già lam. Từ Hiếu mang tính Đức Hiếu của người con Phật. Từ đó, trãi qua bao đời kế thế trụ Pháp vương gia, các bậc chân tu khả kính. Từ năm 1848 đến nay, các đời trụ trì tiếp tục tái thiết, trùng tu trở thành ngôi phạm vũ uy danh nơi chốn Sông Hương, núi Ngự.

Trong mãnh đất khô khốc, chớm nở một chồi hoa; Ngôi cổ tự bao sinh hoạt buồn vui đời Tăng lữ, trong đó, có những chú điệu được giáo dục nghiêm minh, từng lót dạ sắn khoai độn cơm hằng bữa, trái vả chấm chao  làm món ăn thường ngày, thế mà vẫn ê a trên lưng trâu, dưới cội thông ngấu nghiến các bộ luật, Tỳ ni Nhật dụng đợi ngày phủi chóp. Mưa vẫn mưa, nắng vẫn nắng bao mùa  lá rụng, các điệu lớn dần với thời gian, trôi giạt khắp bốn phương, người làm trụ trì, kẻ đi hoằng pháp, chú điệu Nguyễn Xuân Bảo năm xưa, rời khỏi quê nghèo, biến thành cánh chim bạt gió với đạo danh T.Nhất Hạnh. 16 tuổi khi thọ Sa di, những năm 1950 người đã có nhiều dự kiến đưa đạo Phật thoát khỏi sinh hoạt lối mòn. Miền Nam Việt Nam là đất dụng võ cho những tầm nhìn vượt thời gian, từ đây, thầy đóng góp cho PGVN không ít những công sức về giáo dục, văn hóa, xã hội, sáng tác hàng trăm tác phẩm nổi tiếng, trong đó, Hoa sen Trong biển lửa lúc vận động hòa bình cho Việt Nam.Chẳng những thế, Người còn khuyến cáo bảo vệ môi trường, Người nói:  

“Ta và Đất Mẹ không phải là hai thực tại riêng biệt. Đất Mẹ chính là ta, ta là đất Mẹ.Đất Mẹ không phải chỉ là môi trường.

Con đã được biểu hiện từ đất mẹ, con sẽ trở về đất mẹ để tiếp tục được biểu hiện hàng triệu lần nữa, để cùng với tăng thân con làm công việc chuyển rác thành hoa,
bảo hộ sự sống và xây dựng một tịnh độ ngay trên mặt đất này.”

Đầu những năm 1960, trường Thanh niên Phụng sự Xã hội là một tổ chức mang nhiều tham vọng giúp đỡ người dân trong các vùng đạn bom xây dựng lại cuộc sống trước bao đổ nát, nhưng, chiến tranh khó bao dung lòng nhân đạo, xương máu nam nữ, tu sĩ đổ xuống, không làm cho đất mẹ xanh tươi hơn, chôn vùi lý tưởng đi trước thời cuộc của một tu sĩ nung bầu nhiệt huyết với quê hương và đạo pháp. Thầy đành rũ áo xa quê biền biệt hơn 40 năm xuôi ngược trên đất khách quê người. Thiền sư Nhất Hạnh đã được thế giới biết đến từ đó, từ độ kết hợp với mục sư Martin Luther King Jr, vận động hòa bình, năm 1967 được Mục sư đề nghị giải Nobel hòa bình, vô thường rẽ chia đôi bạn cùng lý tưởng, để rồi, một thân một bóng, Thiền sư  đưa Phật giáo vào đời với danh xưng “nhập thế”; chính vì thế, nhiều thành phần trong xã hội, các Tôn giáo đều có người tham gia nếp sống “chánh niệm”, “hiện pháp lạc trú”, “Thực tập 5 chánh niệm”. giúp giải quyết mọi áp lực căng thẳng  trong đời sống xã hội công nghiệp.

Ngoài trung tâm tu học chính Làng Mai tại Pháp, nhiều Tu viện đã được thành lập như: Tu viện Lộc Uyển, tu viện Bích Nham, tu viện Rừng Phong, trung tâm tu tập Thanh Sơn, tu viện Từ Hiếu – Diệu Trạm, Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu, chùa Đại Bi. trung tâm tại Úc,Trung tâm Làng Mai Quốc tế Thái Lan. Tu viện Mộc Lan, Thiền đường Hơi thở nhẹ, Viện Phật học ứng dụng Châu Á… và một số cơ sở cá nhân tu tập theo pháp “chánh niệm” của Thiền sư T. Nhất Hạnh.

Ngoài những trung tâm chính thức , Thiền sư còn hướng dẫn Thiền tập chánh niệm cho Google, Ngân hàng Thế giới và Trường Y đại học Harvard, các sinh viên đại học, sĩ quan cảnh sát, các nghị sĩ dân biểu...

                                                            ***

Đơn giản hóa pháp hành Phật giáo đi vào xã hội công nghiệp là một cải tiến thành công, đem lại sinh khí mới cho các thế hệ hiện đại; Theo Người,An trú trong giây phút hiện tại là trở về quê hương đích thực của mình,quê hương đích thực không hề bị giới hạn bởi thời gian, không gian, quốc tịch hay chủng tộc. Hiểu biết và thương yêu là chất liệu làm nên hạnh phúc. Chúng ta thực tập yêu thương, thực tập từ bi và biết rằng yêu thương đem đến hạnh phúc. Không có yêu thương thì không có hạnh phúc. Tất cả những bậc đạo sư xưa nay đều dạy ta yêu thương và cách yêu thương cụ thể nhất là tránh gây đau khổ và hiến tặng niềm vui.”

Người nói:  “Tâm trí có thể đi theo hàng ngàn hướng, nhưng trên con đường tuyệt đẹp này, tôi bước đi trong hòa bình. Với mỗi bước, hoa nở. “

                                                        ***

Những năm gần đây, tuy bị đột quỵ, nhưng thần thái vẫn an lạc, làm điểm tựa cho hàng vạn đệ tử khắp nơi. Tung hoành khắp thế giới, lá vẫn muốn rụng về cội; cuối đời người, Ngài mong được trở lại chốn ban đầu mà chú tiểu Nguyễn Xuân Bảo năm xưa chôn chặt bao kỷ niệm và nuôi dưỡng lắm ước mơ, để trở thành một tu sĩ Phật giáo Việt Nam lừng danh thế giới; chiếc bóng hào quang nhập lại quê hương, ai ra đi cũng không khỏi chạnh lòng nhớ về chốn ấy. Hào quang đó, danh vọng đó không chỉ thuần dãy lụa che thân có thể tránh được bao chông gai chống phá. Cũng chả lạ, Đức Phật và chúa Jesus cùng các Thánh nhân đều không tránh khỏi chướng duyên nơi cỏi tục –“ Nếu đường đời bằng phẳng cả thì anh hùng hào kiệt có hơn ai”, Do có tầm nhìn quá xa thời đại nên phải trôi giạt nơi đất khách, do sinh hoạt tâm linh vượt truyền thống, can đảm đổi mới nên bao chướng ngại phải đeo mang. Nhìn chung, sự thành công đóng góp không nhỏ cho Phật giáo và xã hội, vẫn là nét son cho PGVN và dân tộc VN khi Người được dựng tượng đài, vinh danh một trong 25 nhân vật quốc tế tại Fox Square Park ở thành phố Oakland, California.

Như lời của Melvin McLeod đã viết: “Tôi đã gặp một vị Thầy đúng nghĩa trên nhiều phương diện, thâm sâu và chứng đạt, chú trọng cả tu tập lẫn xây dựng tăng thân, thấm nhuần vừa giáo pháp truyền thống vừa biết rõ hướng đi của thế giới ngày nay”. Hay, nhận xét của Malte Conradi và Sarah Raich: “Nếu nhân vật Yoda – nhà hiền triết trong phim Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars) – được xây dựng dựa trên một người có thật trong cuộc đời thì ắt hẳn phải là vị thầy này”. 

                                                 ***

Huế rét mướt, bão tố lung lay quê hương nghèo khó, nhưng vẫn khó mà làm nghèo sức khỏe Thiền sư đang cán mốc ngày “tiếp nối” tuổi 94, hàng vạn tín đồ đang hướng về Tổ đình Từ Hiếu, nơi từng rạng danh Tổ Nhất Định về đức Hiếu, gần hai thế kỷ sau, ngôi cổ tự trầm lắng một lần nữa sẽ tiếp đón một danh Tăng đem Phật giáo vào đời bằng con đường nhập thế - chờ đợi ngày 11/10 được long trọng đón mừng.

MINH MẪN                                                                                                                09/10/2020

(kỷ niêm sinh nhật sư ông 11/10/2020)

 

 


.

 

 

 

 



.

 

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

Nhà báo Phật giáo - Cư sĩ Minh Mẫn đang trong hoàn cảnh bế tắc

Hiếm có một nhà báo chuyên viết về Phật Pháp nào lại miệt mài ngòi bút bảo vệ Chánh Pháp không biết mệt mỏi như cư sĩ Minh Mẫn. Tôi biết ông không lâu, so với cuộc đời 70 tuổi của ông thì tôi chỉ quen biết ông khoảng hơn 10 năm tại chùa Hoằng Pháp trong Lễ hội đón rước Phật Ngọc Hòa bình. Hơn một thập kỷ qua, điều dễ nhận thấy ở ông là… chưa bao giờ thấy cư sĩ Minh Mẫn cười.

Cũng là đồng nghiệp nên tôi quen cư sĩ Minh Mẫn rất nhanh. Qua những lần tiếp xúc và nhiều lần trao đổi qua điện thoại và qua email, tôi có thể khẳng định cư sĩ Minh Mẫn là một Cư sĩ tuyệt vời. Tuyệt vời không phải tốt với tôi, mà ông lăn xả vào bất cứ việc gì liên quan đến Phật Pháp. Dù là ở các tỉnh miền Tây, miền Trung, miền Đông, Quảng Trị, Hà Nội… ở đâu có Pháp hội, có tổ chức làm từ thiện là anh hoan hỷ lên đường cùng máy ảnh và cây bút, sau khi trở về nhanh chóng có bài viết tường thuật ngay trên blog của mình và gửi cho các trang web Phật giáo.

Bất cứ ai cần giúp đỡ gì tùy theo khả năng của mình là cư sĩ Minh Mẫn không quản thời gian nhiệt tình giúp đỡ. Cho dù nhà ông ở ngoại thành, trên đường Lê Lợi huyện Hóc Môn, mỗi lần đi lại từ nhà vào thành phố là phơi da thịt dưới nắng gần 20 km, vừa đi vừa về là 40 km, chưa kể tùy theo tính chất công việc còn phải đi lòng vòng thêm.


Cư sỹ Minh Mẫn giao lưu với các Phật tử tại chùa Giác Ngộ

Tất cả thời gian, sức lực, trí tuệ của cư sĩ Minh Mẫn bỏ ra đi và viết năng xuất cao như vậy, nếu tính lương phóng viên chuyên nghiệp thì ông sẽ có một cuộc sống rất đàng hoàng.

Thế nhưng, ông hoạt động phi lợi nhuận. Hàng tháng nhận 10 kí gạo từ thiện cùng bà vợ sống qua ngày. Hình hài của Minh Mẫn vốn đã nhỏ bé càng thêm khắc khổ, tiều tụy. Ông chưa bao giờ than mình… khổ, mà ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm ầm thầm với ngòi bút và lặng lẽ sống, như “áo gấm đi đêm”. Chỉ có ai biết ông thì mới nhận thấy hào quang Phật tỏa sáng trong tâm ông.

Chưa hết, gần đây vợ ông bị liệt. Sức nặng hoàn cảnh khó khăn nặng chĩu hai vai gầy như thử thách ông thêm. Bản lãnh của ông chỉ biết dựa vào Tam bảo trong tịnh thất của ông.

Tôi nói sẽ viết bài về khó khăn của ông xem có mạnh thường quân nào giúp vợ ông không. Ông nói: “Thôi, có người không hiểu người ta lại chê mình lợi dụng hoàn cảnh để xin xỏ”. Tim tôi như thắt lại, tôi không biết ông sẽ phải khắc phục nỗi bế tắc này bằng cách nào. Chỉ biết niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Hy vọng là ánh sáng huyền diệu của các Chư Phật soi xét tới gia đình cư sĩ Minh Mẫn để ông có thêm niềm tin và sức mạnh từ bi của con người trong cộng đồng Phật tử quan tâm tới hoàn cảnh của cư sĩ Minh Mẫn lúc này.

Nguyễn Thị Ngọc Trâm

NGƯỢC DÒNG NƯỚC NGỌT

 Trong cuộc sống, tuy có những trái ngang từ tâm hồn ngang trái, có những lạnh lùng trước cảnh thương tâm, nhưng không phải tất cả đều như thế. Tình người luôn ấp ủ dòng máu nóng, bùng vỡ lúc đủ duyên.

Gần đây, nhà báo Nguyễn thị Ngọc Trâm đưa tin: “ Nhà báo Phật giáo – cư sĩ Minh Mẫn đang trong hoàn cảnh bế tắc” làm bao trái tim nhân hậu xôn xao , tình nguyện hỗ trợ thông qua trang mạng, nhất là em Nguyễn Thành Trung, phó  thư ký thường trực BBT trang “Phật tử Việt Nam.net” xin số Tài khoản và thông báo có một người tình nguyện tài trợ mỗi tháng. MM vội từ chối. Liên tiếp sau đó, ngày nào cũng có dòng nước ngọt thẩm thấu qua tin nhắn, điện thoại mong gửi chút duyên lành tình pháp lữ trong cơn đột biến, dĩ nhiên lời từ chối sẽ không làm đẹp lòng những nhà hảo tâm, đành van xin không thể nhận những quả lành mà không có công  để hưởng.

Trong cuộc sống còn biết bao cơ khổ của những người bất hạnh, không nhà ở, không cơm ăn, không tiền chữa bệnh, so như thế, mình chưa phải là dạng đáng ưu tiên để nhận bao tấm lòng hào hiệp. Bạn bè thân thương, hay bỏ công làm gì đó có ích cho mọi người để nhận những đồng tiền tượng trưng  thì có thể, nhưng đâu đó dù ngọn gió lành từ phương trời xa lạ đưa đến, sao can đảm vô tư chấp nhận cho lương tâm phải áy náy. “Thọ tài như thọ tiễn”, cuộc sống có thân người là đã thọ ân quá nhiều trên đời, không nên lạm dụng tổn phước. Ông cha ta từng nói – không có công mà hưởng bổng lộc là  đại họa; Chình vì thế, bao ngày qua mãi phân vân làm sao cho khỏi phiền muộn của những tấm lòng vị tha của bao độc giả khi đọc bài báo. Trước nhất, thành thật tri ân nhà báo Nguyễn thị Ngọc Trâm, mặc dù trước đó tôi không muốn đưa tin khi nhà báo hỏi ý, nhưng có lẽ biết tình cảnh đồng nghiệp nên một phen bá tánh xôn xao thật quá ngại. Làm sao đáp đền bao tấm lòng vị tha của những người con Phật ngõ lời giúp mà không nhận, nơi đây, xin mượn trang báo, vài dòng thành thật cảm niệm ân đức của quý liệt vị đã thương tưởng khi đọc bài báo trên của chị Ngọc Trâm thông qua “phật tử Việt Nam.net”. Cũng cám ơn BBT và em Nguyễn Thành Trung đã tung gió bốn phương cho hoa tâm rộ nở.

Lần cuối, xin kính đến tất cả những tấm lòng vị tha của những người con Phật sự biết ân sâu sắc, cuộc đời còn lại, nguyện đóng góp công sức tô bồi vẽ đẹp cho Phật pháp và cuộc sống để xứng với lòng ưu ái của mọi người.

Kính chúc liệt vị thân an, tâm lạc, tinh tấn trên đạo lộ giải thoát.

MINH MẪN

04/10/202