Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

MỜI ĐỌC & SUY GẪM:

LÚC TRẺ & BÂY GIỜ

  
 1- Lúc trẻ tưởng khóc là buồn, bây giờ phát hiện buồn nhất là không thể khóc được, cứ trống rỗng, tỉnh táo và vô hồn.

 2- Lúc trẻ tưởng, cười là vui, bây giờ nghĩ lại, có những giọt nước mắt còn vui hơn cả một trận cười.

 3- Lúc trẻ tưởng, đông bạn là hay, bây giờ mới biết chỉ cần 1 người hiểu mình là hạnh phúc lắm rồi.

 4-  Lúc trẻ, tưởng cô đơn ở đâu xa lắm, ở những chỗ không người, đến giờ  mới hiểu, lúc bên nhau, sự ấm áp mới thật mong manh, mà nỗi cô đơn sao lại gần gũi thế.

 5- Lúc trẻ, tưởng yêu là tất cả, là mọi thứ, lớn rồi mới biết không có gì là tồn tại mãi mãi cả.

6-  Lúc trẻ, tưởng thành người lớn là lớn, bây giờ đã thấy có nhiều người đã lớn mà vẫn chưa thành người lớn, và đến khi thật sự thành người lớn thì người ta sẽ biết không bao giờ bé trở lại được.

7- Lúc trẻ, tưởng đóng đinh thì đóng đinh, không thích thì là có thể nhổ, bây giờ cảm  nhận được đinh có thể nhổ nhưng vết lõm vẫn còn.

 8- Lúc trẻ, tưởng  mình có thể thay đổi cả thế giới, giờ thấy được ngay cả 1 người còn  chẳng có khả năng thay đổi.  Có chăng, vẫn chỉ là tự thay đổi mình.

9-  Lúc trẻ, tưởng yêu một người thì dễ, quên một người mới khó. Giờ thấy  mình quên đi nhiều người cũng dễ dàng, nhưng để yêu, mới khó làm sao.

10- Lúc trẻ, tưởng chỉ có kẹo là ngọt, giờ lớn lên còn biết có những thứ còn ngọt ngào hơn cả kẹo.

11- Lúc trẻ rất sợ phải chết, nhưng bây giờ khi tôi lớn lên mới biết sự lãng quên còn đáng sợ hơn cái chết rất nhiều.

12- Lúc trẻ, tưởng tượng rất nhiếu, và giờ đây khi lớn lên mới nhận ra chuyện cổ tích không bao giờ có thật. Sao mong mình bé lại quá chừng.

13- Lúc trẻ, mong mình lớn, giờ đây lớn rồi sao mong mình bé lại quá chừng.

14- Lúc trẻ, tưởng sự sống và cái chết ở cách xa nhau lắm, giờ mới biết nó chỉ cách nhau một lằn chỉ mong manh.

15- Lúc trẻ, tưởng nói dối là xấu, giờ mới biết có những lời nói thật đau đớn làm sao.

16-  Lúc trẻ, tưởng hạnh phúc là điều gì đó xa xôi lắm, giờ mới biết hạnh  phúc chỉ đơn giản là những thứ bình dị xung quanh ta,có chăng là mình đã không nhận thấy.

17- Lúc trẻ tưởng nói quên là có thể quên được, giờ mới biết có những chuyện càng muốn quên thì nó lại càng ở mãi trong  lòng.

18-  Lúc trẻ, cứ mơ ước lớn lên sẽ trở thành người này người kia. Về già mới biết: "Được trở thành chính mình mới là hạnh phúc nhất!"

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

* CHÙA LINH LONG - MŨI NÉ



Ngày 27 - 28/10 năm Bính Thân (nhằm 26-27/11/2016), chùa Linh Long tổ chức Lạc thành chính điện và an vị báu tượng Quán Thế Âm; đồng thời là  ngày chung thất của cố Ni sư T.N Diệu Hạnh.

Linh Long là ngôi chùa cổ có trên 200 năm, từ thế kỷ 18, vào niên đại thứ 10 của vua Gia Long, được khai sơn vào tháng 2 năm Tân Mùi (1811) bởi chư vị tiền bối từ miền Trung trên bước đường hành đạo vào Nam. Chùa cách thành phố Phan Thiết 22km, trên vùng đất được xem là bán đảo nằm giữa ba mặt Đông-Tây-Nam giáp biển Đông. Chùa nằm trên dốc đá Thương Chánh, khu phố 9, phường Mũi Né ngày nay. Thiền sư Đăng Đệ, nguyên quán Phú Yên, trụ trì từ năm 1811 đến 1851.
    Đến đời vua Tự Đức thứ hai, chùa xuống cấp nên di dời về đồi dốc Nghĩa Trũng, giếng ông Hổ hiện nay. Tương truyền, nơi giếng nầy, ông Hổ thường đến uống nước, lưu lại nhiều dấu vết. Chùa xây dựng vách bằng đá, lợp ngói âm dương, do ngài Giang đạo sĩ Thích Hoằng Quý, nguyên quán Phú Yên, thuộc giòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41 làm tọa chủ từ năm 1851, viên tịch năm 1888.
                                                              Năm Nhâm Tý 1888, Yết Ma Thích Hoằng Phúc, nguyên quán Phú Yên, thuộc dòng Lâm Tế chúc Thánh đời 41 kế thế trụ trì đến 1941.
                                                       
Kế tục Bổn sư viên tịch năm 1941, Sa môn Thích Diệu Quả, nguyên quán Bình Thuận thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 42, trụ trì đến năm 1968, chùa bị gió biển thổi cát lấp chìm và hư hoại nhiều, được sự cộng tác và hỗ trợ bởi các mạnh thường quân và cư sĩ hộ trì Tam Bảo tái thiết vào ngày 16/4 năm Mậu Thân (1968) mãi đến ngày 02/6/ Kỷ Dậu (1969) mới hoàn thành.

Năm 1948, chiến tranh bùng nổ, quân đội Pháp cũng chiếm chùa làm kho hậu cần. Trong buổi giao thời của đất nước năm 1977, Sa môn Diệu Quả đã bị lâm nạn lao lý. Nhờ quần chúng phản đối khi ngài bị đem ra đấu tố, vì vậy bị giam giữ mà không ra tòa. Bốn năm sau, do sức khỏe suy kiệt, thân nhân xin đem về và viên tịch vào ngày 12/6/1982. Từ đó, chùa bị tịch thu, làm đồn Biên phòng, các tôn tượng đều di dời hoặc phá hủy, chốn thiền môn trở thành nơi ô tạp bất tịnh. Sau đó, suốt thời gian 13 năm chùa bị quản lý, năm 2001, được giao lại cho Đại Đức T. Pháp Minh, nguyên quán Quảng Nam-Đà Nẵng thuộc dòng Liễu Quán đời thứ 45 tiếp tục trụ trì.

Từ lúc về tiếp nhận và trụ trì chùa Linh Long, ĐĐ Pháp Minh, tuy tuổi đã 75,  từng bước cố gắng xây dựng từng hạng mục như tháp Phổ Đồng, vườn Lâm Tỳ Ni, vườn Lộc Uyển, tháp chư vị tiền hiền liệt tổ khai sơn, tái thiết chính điện, Đông lang Tây lang, và tôn tượng Quán Thế Âm.

Lễ Lạc thành chùa Linh Long và an vị Tôn tượng Quán Thế Âm cùng chung thất cố Ni sư T.N. Diệu Hạnh, được chư Tôn đức giáo phẩm, chức sắc giáo hội trong và ngoài Tỉnh đến chứng minh, hiệp tâm chú nguyện. Chính quyền địa phương cũng có mặt.

Ứng phú đạo tràng, bạt độ chẩn tế do ban kinh sư Tuy Phong đảm nhiệm.

Để kết thúc, buổi lễ trọng đại, trai Tăng trên 50 vị cũng được thực hiện hầu tạo phước duyên cho quần chúng địa phương quanh năm sống với gió biển mưa nguồn mà con tôm con cá không đủ tạo cho cuộc sống nơi đây sung túc hơn.

Linh Long tuy sống giữa sự nghèo khó nhưng người dân luôn giàu đạo tâm. Linh Long tuy gian truân qua bao thời kỳ suốt 200 năm, nhưng nơi đây đã có những bậc tôn sư chân chánh đắc pháp. Kế thế trùng hưng ngôi chùa hiện nay của ĐĐ Pháp Minh và ban hộ tự là một thuận duyên để tiếp nối sự tồn tại và hưng phát cho Phật pháp tại vùng biển Mũi Né. Lễ lạc thành và an vị đã chứng minh điều đó.


MINH MẪN
28/11/2016


https://youtu.be/jjxr7UzAPzE
https://youtu.be/80KPq6AjaFQ
































Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

* NGÀY AN TOÀN GIAO THÔNG





Việt Nam đã hưởng ứng ngày "
AN TOÀN GIAO THÔNG" hàng năm. Lần đầu tiên tổ chức vào năm 2012, tại TTVH huyện Bình Chánh. Nay là năm thứ 5 tại Sài gòn, Tổ đình Vĩnh Nghiêm là điểm Thành phố phối hợp với Tổ đình Vĩnh Nghiêm và các ban ngành, tổ chức cầu siêu - cầu an, nhân kỷ niệm ngày "An toàn Giao thông" trong năm 2016, được sự hiệp tâm cầu nguyện bởi chư tôn túc trong Thành phố.

Ngày 27/10/2005, đại Hội đồng Liên hiệp quốc chính thức chọn Chủ Nhật, tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm để tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ. Theo báo cáo của Tổ chức an toàn giao thông đường bộ, trên thế giới, các quốc gia nghèo, hàng năm có khoảng 10 triệu người chết vì tai nạn giao thông.

"Theo WHO, TNGT đang ngày càng gia tăng trên bình diện thế giới, và ngoài tổn hại nhân mạng, tác động của TNGT đối với kinh tế xã hội vô cùng lớn với mức thiệt hại ước tính 518 tỉ USD/năm. WHO cảnh báo nếu tình hình không được cải thiện, số người chết vì TNGT ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng 80% từ nay đến năm 2020. Hiện tại, khu vực này chiếm 60% số tử vong vì TNGT trên thế giới, trong khi số xe con và xe máy lưu thông chỉ chiếm 16%.

Từ 1987 - 1995, số tử vong vì TNGT ở châu Á tăng 40%, trong khi các nước phát triển giảm đi 10%. Bảng thống kê của WHO cho thấy 9/10 vụ TNGT xuất phát từ các nước nghèo và ở người đi bộ, đi xe hai bánh. WHO cho rằng nguyên nhân khiến các nước châu Phi và châu Á đứng đầu bảng "phong thần" về TNGT là do đại đa số người dân tại đây không ý thức dẫn đến việc không tuân thủ về luật an toàn giao thông. Đại đa số không đội mũ bảo hộ khi đi xe hai bánh (đây là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tử vong). Trong khi đó, tiến sĩ Shigeru Omi, phụ trách khu vực châu Á của WHO cho biết ngày càng nhiều người sử dụng xe ô tô hơn nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng, các biện pháp an toàn... lại không phát triển đồng bộ bên cạnh việc rất nhiều xe ô tô không bảo đảm an toàn vẫn được phép lưu hành. Để hạn chế vấn nạn này, WHO đã đề nghị các nước cần áp dụng ngay một loạt các biện pháp như: giới hạn tốc độ xe hai bánh, nâng tuổi được phép điều khiển xe hai bánh, nghiêm khắc hơn trong luật bắt buộc đội mũ bảo hộ, tăng cường các thiết bị kiểm soát nồng độ rượu đối với tài xế, biển báo giao thông, nâng cấp cơ sở hạ tầng đường bộ, phát động rộng rãi các chiến dịch giáo dục an toàn giao thông cho công chúng... WHO nhận định nhờ làm tốt các biện pháp trên, TNGT tại các nước phát triển đã giảm rõ rệt ...".

Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia vừa có Báo cáo về tình hình trật tự ATGT tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016, theo đó, tháng 5 năm 2016 (tính từ ngày 16/4/2016 đến 15/5/2016), toàn quốc xảy ra 1.748 vụ, làm chết 726 người, làm bị thương 1.491 người. So với cùng kỳ năm 2015 tăng 14 vụ (0,81%), tăng 18 người chết (2,54%), tăng 7 người bị thương (0,47%).

Tại TP HCM, 10 tháng đầu năm, trên địa bàn TP đã xẩy ra 3.236 vụ TNGT, chết 664 người và bị thương 2.627 người. Như vậy trung bình mỗi ngày, trên thế giới có hơn 3.000 người tử vong và 100.000 người bị thương tật do TNGT. Và tại VN, mỗi ngày cướp đi sinh mạng 24 người và gần 60 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời vì TNGT.

Theo kế họach 393/KH-BATGT ban hành ngày 25/10/2016 - hoạt động tuyên truyền bằng mọi phương tiện, kể cả trong các trường học. - Thăm hỏi động viên và tặng quà các gia đình nạn nhân TNGT có gia cảnh khó khăn, - tặng nhà tình thương cho nạn nhân TNGT thương tật 69% tại huyện Bình Chánh vẫn quyết tâm vượt khó nâng cao trình độ, đang theo Đại học Luật.

Buổi lễ hôm nay tại tổ đình Vĩnh Nghiêm được chứng minh bởi HT trưởng BTC kiêm trưởng BTS PG TP, Viện trưởng Học viện PG TP HCM, HT phó pháp chủ, HT Tịnh độ tông Nhật Bản, chư tôn đức Tăng, Ni 24 quận huyện các quan chức TP và quần chúng tham dự với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP, cơ sở sản xuất MBH Đức Huy, tập đoàn taxi Mai Linh...

Một thông điệp: "TƯỞNG NHỚ NGƯỜI ĐI - VÌ NGƯỜI Ở LẠI", nhằm mục tiêu "TÍNH MẠNG CON NGƯỜI LÀ TRÊN HẾT".

Cũng tại Vĩnh Nghiêm, chiều cùng ngày là trai đàn chẩn tế được Ban kinh sư của TT T. Lệ Trang đảm trách.

MINH MẪN
19/11/2016