Sau ngày 05/11/2016 được tổ chức meeting tại Việt Nam Quốc Tự - Sài gòn, sáng ngày 07/11/2016 (08/10/Bính Thân), tại bảo tàng Học viện Phật giáo Việt Nam (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) T.Ư GHPGVN đã trang nghiêm tổ chức Kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN (07/11/1981 - 07/11/2016).
Với sự chứng minh của Đức Đại lão HT. Pháp chủ- T. Phổ Tuệ, chư Tôn đức 63 Tỉnh thành và các quan chức nhà nước đến tham dự. HT T.Trí Quảng, phó pháp chủ, tuyên đọc Thông điệp của đức Pháp chủ kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN.
Không thể phủ nhận qua hơn ba thập kỷ, Phật giáo có nhiều biến chuyển về tổ chức cũng như kiến trúc và lượng số tu sĩ, tuy nhiên cũng không tránh khỏi nhiều bất cập ngoài tầm kiểm soát của Ban Tăng sự và Ban Pháp chế. Điều đáng mừng là trình độ tu sĩ trẻ ngày càng được tăng tiến, tuy tăng tiến về học vị nhưng kiến thức vẫn chưa đồng bộ. Với số lượng tốt nghiệp trường lớp của Tăng Ni sinh, vẫn chưa có chỗ hoạt dụng trong ngành hoằng pháp. Ngược lại, một số theo học các khóa đào tạo giảng sư lại yếu về trình độ học vấn và kiến thức chuyên ngành. Đây là những vấn đề mà ngành giáo dục Phật giáo cần điều chỉnh.
Ngoài những đóng góp mang tính từ thiện và đáp lại lời kêu gọi của nhà nước qua chủ trương "nhà nước và nhân dân cùng làm", Phật giáo chưa có một đóng góp nổi bậc trên những phương diện khác của cuộc sống. Tuy nhiên, Phật giáo tổ chức quá nhiều cuộc hội thảo khá tốn kém để rồi đâu lại vào đấy, cuộc diện và nội dung không thay đổi là bao. Nghĩa là về mặt nổi, Phật giáo xác định sự hiện hữu của mình giữa lòng xã hội.
Trong bản báo cáo Phật sự, TT Tổng thư ký nêu lên những ưu điểm, những thành tích mà Giáo Hội trong 35 năm đạt được, còn những cái chưa đạt được của một số thuộc 13 ban ngành vẫn còn ẩn tàng đâu đó, có lẽ các ban ngành chưa báo cáo cập nhật.
Cái đáng nói là Phật giáo can đảm đưa vấn đề "nóng" đang đối mặt là hải đảo lãnh thổ của đất nước đang bị xâm lấn. Tuy vậy, cái "nóng" không kém tại quốc nội là Formosa ảnh hưởng môi trường sống của người dân Hà Tĩnh cũng như thực phẩm độc hại tràn lan cả nước hình như đã bỏ quên....
Thông điệp viết: “... đặc biệt là sự tranh chấp chủ quyền biển đảo ngày càng gia tăng ở biển Đông đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta. Giáo Hội chúng ta cần phải phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam... nhằm xây dựng và phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.”
Giáo Hội Hộ quốc An dân để đồng hành cùng dân tộc như thế nào cho tương thích với tình hình của xã hội hiện nay, là vấn đề cần làm rõ. Hàng ngày chúng ta chưa đại diện cho tiếng nói người dân đối trước những vấn nạn của cuộc sống, chúng ta vẫn đứng bên lề xã hội, thì việc hai ngàn năm từng đồng hành cùng dân tộc đánh đuổi quân xâm lăng cũng chỉ thuộc quá khứ. Cái hào quang quá khứ đó, ai cũng biết, không ai phủ nhận, nhưng không thể là mạch sống của hiện tại, đó chỉ là nền tảng và nhiệt huyết để Phật giáo can đảm bước tiếp theo truyền thống cha ông chứ không đứng tại chỗ hô hào và tự mãn.
Mỗi thời kỳ, Phật giáo có một lối hành xử khác nhau, đóng góp khác nhau trong cuộc sống. Phật giáo ngày nay lan truyền trên thế giới, không dùng nhãn hiệu đồng hành cùng nhân loại mà trở thành Phật giáo ứng dụng vào cuộc sống, giải quyết những căn bản stress trong những xã hội công nghiệp. Đó là hình thức biến hóa linh động của Phật giáo mà không hề hô hào cho thế giới thấy công trạng của Phật giáo. Thế mà Mỹ và một số nước đã truy tặng, làm tượng tôn vinh Thiền sư Nhất Hạnh, một tu sĩ Phật giáo Việt Nam thiếu đất dụng võ tại quê nhà, đã đóng góp không nhỏ cho nền văn minh và hòa bình thế giới.
Việc đóng góp cho xã hội công nghiệp chưa được nửa thế kỷ mà đã được tôn vinh như thế, thì Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc suốt 2000 năm đã nhận được bảng tuyên dương "Anh Hùng Lao Động hạng Nhất" không do chủ tịch nước mà do bà phó chủ tịch nước ký tặng. Như thế giá trị đồng hành cùng dân tộc, hộ quốc an dân của GHPGVN chỉ có giá trị huân chương lao động như bao nhiêu tổ chức lao động trong xã hội mà thôi. Kèm theo lời tán dương ngoại giao của ông phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, xem như một lời khuyến mãi cho buổi lễ thêm hương vị đâm đà.
Tuy nhiên, GHPGVN đã hai lần tổ chức Vesak, một lần tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Asean và nhiều hoạt động Phật giáo thế giới cũng đã góp phần đẹp mặt nước nhà trong thời hội nhập.
Trước xáo trộn hiện nay trên thế giới về chính trị, bạo động, GHPGVN đã có những dự án gì góp phần chung tay để ổn định hoặc giảm thiểu những nguy cơ bùng phát? Và tệ nạn xã hội giới trẻ trong nước đang gia tăng, GHPGVN đã có dự án nào góp phần giải quyết khi mà cơ sở và lượng số tu sĩ đang trên đà lạm phát?
Tóm lại, Phật giáo nói chung và GHPGVN là tổ chức kế thừa, là cây đại cổ thụ, cành lá sum suê nhưng một phần cơ thể bị sâu mọt đục ruỗng, vẫn cố vươn lên tỏa bóng râm cho cuộc sống. Nếu sức sống của Phật giáo nước nhà có nhiều cải tổ, chắc chắc Phật giáo sẽ là chất liệu quý cho đất nước hiện tại và mai sau. Những hiện tượng tiêu cực hàng ngày chỉ là bọt bèo tất yếu trong quá trình đi lên của xã hội và của Phật giáo.
MINH MẪN
11/11/2016
11/11/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét