Thiền-trong-Chúa,
đó là ý hướng của một số L.M đang cố tìm hiểu về Thiền của Phật Giáo để áp dụng
vào đời sống tín ngưỡng tâm linh cho các tu sĩ và tín hữu Kito giáo hiện nay.
Người ta tự hỏi –
tại sao Phật giáo thâm nhập vào mọi xã hội một cách dễ dàng mà không cần dùng
bạo lực, cưỡng bức như Giáo hội La Mã vào thời Trung cổ và một số Hồi giáo cực
đoan hiện nay. Khi mà Lão và Khổng đã có một căn bản vững chắc xây dựng xã hội
Trung Hoa trước kia, thế mà Phật giáo đã hữu hảo một cách tinh tế để xã hội
Trung Hoa có đỉnh ba chân phục vụ đạo đức tâm linh xã hội.
Khổng - ổn định trật tự xã hội bằng Tam cang ngũ thường.
Lão
- tìm chốn bình an cho những ai có khuynh hướng siêu thực, vô vi.
Phật
– dung hợp cả nhập thế và xuất thế: -Thế gian pháp tức Phật Pháp. Tam giáo đồng
hành không hề có ở bất cứ quốc gia nào như thế. Phật giáo cũng dung hợp với
Thần Đạo ở Nhật, tại Việt Nam cũng dung hóa các tín ngưỡng nhân gian, thoạt
nhìn như là mê tín, nhưng chẳng vì thế mà đánh mất giá trị thật của nhà Phật.
I- Quá trình truyền nhập:
Kito giáo đến Việt
Nam
vào thế kỷ thứ 16 do các tu sĩ dòng Phanxico khai lập, nhưng có công phát triển
là các linh mục dòng Tên. Nếu không có điều kiện giúp đỡ của những thể chế
quyền lực trước kia thì Kito giáo Việt Nam cũng khó phát triển nhanh. Điều
ràng buộc trong hôn nhân; các mặt khác như Từ thiện, giáo dục... cũng giúp Công
giáo La Mã có thêm tín đồ. Tuy nhiên, thời gian gần 6 thế kỷ, với số tín đồ 7%
dân số tại Việt Nam như thế cũng chưa thể gọi là phát triển nhanh, do một số
rào cản bởi giáo điều từ hội Thánh. Rút kinh nghiệm sự khó khăn từ các quốc gia
Châu Á, do không cùng văn hóa, tập quán khu vực, cộng đồng Vano II đã cải sửa
một số điều để thích nghi và giảm bớt khó khăn cho số tín hữu bản địa. Hệ thống
chặt chẻ, nhất quán đôi khi cũng thiếu linh hoạt và bất tiện. Trong khi đó, Tin
Lành, các hệ phái đã sanh sôi nẩy nở khá nhanh, tuy chính thức có mặt tại Việt
Nam vào thế kỷ 19, mặc dù cuối thế kỷ thứ 10 – hệ phái Cảnh giáo cũng đã đến
nhưng chưa có hoạt động rõ ràng. Sau 1975, nhất là từ năm 1990, các vùng cao
nguyên và Tây Bắc, số tín hữu Tin Lành phát triển như trăm hoa đua nở, lan
truyền phổ biến trong cộng đồng sắc tộc thiểu số, kể cả đồng bằng Nam bộ. Sở dĩ được như thế do tính
tự lập, không thuộc một tổ chức thống nhất như công giáo La Mã, họ tự trị và
linh động truyền bá. Hệ phái Tin Lành có trên hai trăm tổ chức, 10 hệ phái
chính thức được công nhận hiện nay tại Việt Nam. Trong số các hội Thánh, có hội
Thánh tại gia, đi sâu vào quần chúng mà không cần nhà nguyện hay hình thức tổ
chức của một tôn giáo. Mỗi hệ phái có một đường lối sinh hoạt riêng, mạnh nhất
hiện nay là hệ phái phát xuất từ Nam Hàn, thông qua các công nhân hợp tác lao
động và một số sinh viên hồi hương, thâm nhập vào các tầng lớp lao động nghèo
và cư dân vùng quê; bước đầu họ được sự giúp đỡ tài chánh.
Về phương diện truyền đạo, các Linh Mục rao giảng trích đoạn từ kinh Thánh, có
lúc dùng hiện trạng xã hội làm chủ đề để nói chuyện, nặng về đức tin và tín lý,
tùy mỗi mùa lễ như lễ “lá”, mùa chay, mùa “phục sinh”, mùa Giáng Sinh... lối
truyền giảng như thế trở thành lối mòn quen thuộc. Tuổi trẻ không còn hứng thú
tiếp thu. Vì thế, Trung Tâm Mục Vụ tại Sài Gòn đã mời Sư Cô Hương Nhũ và những
giảng sư trẻ có tiếng, thường xuyên đến nói chuyện với các tu sĩ và giáo dân để
tiếp thu kinh nghiệm truyền bá. Các giảng sư Phật giáo ít khi nào dùng từ
chuyên môn hoặc đi sát chuyên đề một cách khô khan; phần lớn chuyển chủ đề qua
lãnh vực tâm lý đạo đức xã hội, gần với thực tế đời thường, đã cuốn hút thính
giả vào đạo đức nhà Phật một cách nhẹ nhàng.
II - Hành trì:
Về phương diện tu
tập, tu sĩ và giáo dân chiêm niệm - tĩnh tâm là phương cách đến gần với Chúa.
Chúa là đối tượng, là khách thể, tín hữu và tu sĩ là chủ thể, chủ thể hướng đến
khách thể mong hiệp cùng Chúa, theo nhà Phật, làm như thế vẫn còn ranh giới
giữa “khách” và “chủ” thể. Chiêm niệm và tĩnh tâm với cường độ miên mật, đôi
khi cũng giúp cho chủ thể đạt đến trình độ tâm linh mà danh từ chuyên môn Phật
giáo gọi là: Niệm- Định đưa đến Tuệ. Tức là chủ thể hòa nhập cùng khách thể. Đó
là trạng thái thường có đối với một số vị tự tu trong Phật giáo, không thông
qua pháp do thầy truyền đạt; do thành tâm nhiệt huyết và an định đưa đến phát
sanh Huệ (nhưng chưa đạt đến Tuệ giác).
Thời xa xưa, Kito
giáo La Mã cũng có một số ít L.M ẩn tu để tĩnh tâm, chiêm niệm Thượng đế, đến
một lúc tâm an định, trí phát sanh (minh sư tự tánh hay còn gọi là hội nhập với
Thượng đế) tự biết được con đường tâm linh phải chọn. Giai đoạn nầy không còn
thuộc về tín ngưỡng tôn giáo mà chỉ còn trạng thái tâm linh, bất cứ ai, dù
không tôn giáo ở vào trạng thái nhập định đều phát sanh ánh sáng trí huệ, hoặc
đôi khi xuất thần, (chưa phải giác ngộ toàn triệt); nếu tà pháp cũng phát sanh
trí của tà pháp. “thánh Phao-lô có lẽ là nhân-vật
thực-hành tuyệt-hào lối sống chiêm-niệm kiểu ‘Thiền trong đạo Chúa’ đầu tiên,
trong thời-gian ngài vào sa-mạc để ‘tĩnh-tâm’ 3 năm liền.”
Tuy nhiên, vì chưa
có một pháp hành đúng đắn và chưa có minh sư (vị thầy có kinh nghiệm và khả
năng tâm linh cao) hướng dẫn, nên số thành tựu quá ít, những vị thành tựu bước
đầu như thế hoặc do túc duyên tiền kiếp đã tích lũy công đức tu tập hoặc may
mắn do phúc báu mà tâm an định nhập luồng huệ trí do tuyến Tùng hé mở. Hầu hết,
tu sĩ và tín hữu tĩnh tâm chiêm niệm như một thành tâm hướng đến một đối tượng
(Thượng đế) theo nghi thức của Tôn giáo.
Trước năm 1970,
một số Linh mục Pháp được một L.M Việt Nam hướng dẫn đến tham bái và nghe
Hòa Thượng Thanh Từ giảng tại thiền viện Chân Không – Vũng Tàu. Riêng L.M người
Việt vẫn thường xuyên nhập chúng để học Thiền với Hòa Thượng. Trên thế giới,
rất nhiều tu sĩ Thiên Chúa Giáo tìm hiểu, nghiên cứu về Thiền, nhưng ít ai thâm
nhập vào cốt tủy của Thiền, vì còn vướng vào định kiến tôn giáo. Rất nhiều L.M
người Việt trong đó có cha Hoàng Sĩ Quý cũng uyên áo về Phật giáo, nhưng vẫn
chưa là một Thiền sư đúng nghĩa. Một L.M người Anh – Thomas Merton cũng ái mộ
và hành Thiền, từng viết sách về Thiền, nhưng vẫn chưa vượt qua rào cản tín
ngưỡng, vẫn phân biệt sự sai khác giữa Kito giáo và Phật giáo về đấng sáng tạo,
đấng hằng hữu và ơn Thần Thánh. Hiện nay có một số Mục sư tin Lành cũng đang
say mê về Thiền. Tu sĩ các tôn giáo, các học giả trí thức, khoa học... đều đang
hướng vào Thiền như một trào lưu thời trang, chỉ có những ai can đảm bỏ tất cả
kiến thức, tín ngưỡng để nhập vào một dòng tu chuyên biệt của Phật giáo mới hy
vọng thâm đạt được một phần của Huệ
giác hầu tiến đến Tuệ giác trọn vẹn.
Sau khi nghiên cứu
Thiền của Phật giáo, một số nhà tu đức
của Kito đã thành lập dòng khổ tu chuyên Thiền theo Đông phương – đó là dòng
Trappist, vì các ngài học được tính đơn giản của một hành giả, đơn giản từ cuộc
sống vật chất đến tâm tưởng và đức khiêm cung, đó là đức nghèo khó, nhưng hầu
hết hiện nay các L.M Triều có cuộc sống khó mà nghèo. Cũng từng có những tu sĩ
lập đoàn khổ tu chuyên đi khất thực như giáo phái Khất sĩ của Việt Nam. Kito giáo
vẫn có những mẫu người thánh thiện, nhưng thánh thiện đó chưa hẳn đã chứng
Thánh như L.M Thư nói: Theo ngôn-ngữ
Thiền thì Phao-lô đã thành Phật vì
ngài đã đồng-hoá mình hòan-toàn với cái mẫu-mực tối-thượng mình đang tìm về.
III – Nghiên cứu:
Hiện nay, các tu
sĩ Kito giáo nói chung nghiên cứu Phật giáo và Thiền khá công phu, nhưng cũng
chỉ là học giả chứ chưa là hành giả đúng nghĩa. Vẫn có hành trì thực tập, nhưng
mang theo trong tâm tưởng những tín lý mà theo nhà Phật gọi là sở tri chướng.
Còn sở tri chướng là còn trong vòng nhị đế, cho dù nhị đế thánh thiện vẫn là sở
tri chướng. Thánh Phanxico sáng tác nhạc phẩm nổi tiếng mà từ giáo dân đến hàng
giáo phẩm đều xem là tuyệt thánh: “Lạy Chúa
từ tôn, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa,
xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán
thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem ánh sáng
vào nơi tối tăm, đem chân lý vào chốn lỗi lầm....”
Vâng, xét về đạo
đức thế gian thì đó là lời chí Thánh của tôn giáo, nhưng để đạt đến đẳng cấp
tâm linh thì không thể dính dấp đến tôn giáo, phải vượt thoát mọi tín lý, thần
tượng, ngôn ngữ. Chính vì thế, mặc dù cha Thomas Merton đã sử dụng Thiền cho
việc tĩnh tâm chiêm niệm, ngài vẫn biết Thiền không nằm trong bất cứ khuôn khổ
nào, nên ngài xem Thiền là chất dầu và giáo lý Kito là nước – không thể hòa
chung, nếu thế, cho dù việc khổ tu của ngài để tĩnh tâm chiêm niệm cũng chỉ
thăng hoa tín ngưỡng mà khó thoát khỏi nhị đế để đạt đến đỉnh Tuệ giác. Lời ca
của Thánh Phanxico còn nằm trong đối đãi của hai mặt một cuộc sống. Đã là đối
đãi luôn là đối đãi, không thể nhị đế dung thông làm sao vượt thoát theo tinh
thần Thiền? Thế mà, có người bênh vực trong Kito giáo vẫn có Thiền. Thực ra sự
tĩnh tâm chiêm niệm do Thánh An Tôn khai sáng sau nguồn Thiền Phật giáo khá
lâu, mà tĩnh tâm theo Phật giáo là chỉ,
nếu chỉ mà thiếu quán thì chưa đủ tầm
của Thiền. Một số nhà Tu Đức của Kito sau khi nghiên cứu Thiền, đem cặp
kính Thiền soi rọi vào giáo lý Thần học thì mới thấy được khía cạnh triết lý
mang tính Thiền vị mà họ gọi là Thiền đã có trong Kito giáo từ lâu. Cha Merton còn dùng tư-tưởng của thánh Phao-lô diễn-tả Đức Ky-tô
đã “tự hủy mình đi’ để xuống trần cứu chuộc loài người. Nó có thể là mẫu-mực để
trưng-dẫn hình-ảnh người tu Thiền lúc làm mình tan-biến vào vũ-trụ”; so dẫn như thế có vẻ miễn cưỡng, đúng về
biểu tượng nhưng khác xa về thực chất. Nếu “hủy mình để xuống trần cứu chuộc
loài người” tạm xem là xả kỷ (bản ngã) nhập thế, thì hình ảnh “người tu Thiền
tan biến vào vũ trụ” tạm gọi là thoát ly ngã chấp (vô ngã). Hủy mình chưa hẳn
là vô ngã, đức hy sinh tạm thời quên cái ngã vì tha nhân khác với chuyển hóa
phàm ngã để hiển lộ Phật tánh (tánh giác).
TÌM THIỀN TRONG ĐẠO CHÚA -Lm. Giuse
Nguyễn văn Thư trong sách đã có cái hiểu chưa đúng với tinh túy Phật giáo,
tuy đúng trên văn nghĩa. Ví dụ, L.m viết:
“Giáo-lý Phật dạy đường tìm
đến hạnh-phúc và giải-thóat - bởi vì tất cả đời người chỉ tòan là khổ-đau. Qua
Tứ Diệu Đế (4 chân-lý nhiệm-màu), ta
được yêu-cầu phải triền-miên đi tìm tiêu-diệt lòng Dục để mong hết khổ.”
Dục làm sao mà
tiêu diệt được, mong cầu tiêu diệt cũng là một loại dục, dù dục thiện hay bất
thiện đều là dục thì làm sao thoát khổ??? Chưa nói tới “triền miên” đi tìm tiêu
diệt lòng dục, cứ như hăng say truy lùng diệt địch, còn hăng say là còn vọng
động, còn vọng động thì sao Thiền được? Theo tinh thần nhà Phật thì chuyển hóa
chứ không tiêu diệt thì làm gì có chuyện triền miên đi tìm để tiêu diệt lòng
dục!
L.m Giuse Nguyễn
văn Thư lại viết: “Bình thường,
người ta hiểu Tọa-thiền là ngồi nhắm mắt, tập-trung đầu óc để hết còn dính mắc
vào bất cứ chuỵên gì. Từ bậc Sơ Thìền giúp ta hết lo lắng, đưa tới bậc Nhị
Thiền khiến tâm-trí không còn bóng-dáng khổ-não, rồi vào bậc Tam Thiền để khơi
được lên niềm sướng vui nội tại, và cuối cùng là bậc Tứ Thiền cho phép mình từ
từ thoát ra khỏi cái vòng Luân-hồi giăng lưới tứ bề.
Bốn nấc thang đó lần lượt
giúp chúng-sinh tìm thấy cõi Hư-Vô, tạo nên thế-giới Cực-lạc. Sẽ chẳng còn cảnh
Đầu-thai phiền-phức và cũng chẳng còn câu-chuyện u-mê gây khổ-lụy nữa.”
Cách Thiền và Tứ
Thiền mà Giuse Thư dẫn giải có vẻ xa lạ với Phật giáo. Quả vị tứ Thánh quả
không đơn giản như L.m nghĩ, dễ như thế thì đã thành Phật hết trơn. Lên khỏi 4
nấc thang để tìm thấy cõi Hư vô như
L.m nói thì bỏ công một đời tìm đến chốn hư
vô để làm gì?
L.m Thư lại quan
niệm Thiền là: “Sau đó đi vào thói quen
tham thiền thường-xuyên, tạo tâm-tư trống-rỗng, đem tới tình-trạng hòa mình
cùng chân-Phật, hưởng phút giây an-nhiên tự-tại.”
Cái Hư vô và trống
rỗng của L.m Thư chỉ là Thiền của L.m Thư chứ không là Thiền của nhà Phật; hoặc
là: “Đầu óc ta, tuy-nhiên,
không mãi chỉ trống-rỗng và tiêu-cực như khi Thiền Phật, nhưng dần dà được đổ
đầy bằng tình yêu-thuơng vô bờ của Chúa”.
Về nhân quả, L.m
cũng hiểu không đúng: “mọi người đều có thể vươn lên để xóa sổ đen từ nhiều kiếp
trước, qua phương-thức Thiền”.
Kinh sách không
nơi nào cho thấy Thiền có thể xóa nghiệp. Hành giả thành tựu chỉ có thể chuyển
nghiệp nặng thành nhẹ, Đức Bổn sư vẫn có thân bệnh, đau đầu, thì Thiền làm sao
xóa sổ đen của chính mình?
L.m cũng hiểu sai
về lịch sử truyền thừa Phật giáo: “Nói tổng-quát, vì Phật-giáo được truyền qua Việt-nam nhờ
ngả Trung-hoa, nên chúng ta theo dõi và hiểu Thiền theo cái nhìn Đại-thừa gọi
là Bắc tông hay Đại-chúng”.
Theo giáo sử của
lê Mạnh Thát và một số sử gia thì Phật giáo truyền vào Việt Nam trước Trung
Hoa, ngay cả Luy Lâu, trung tâm văn hóa Phật giáo Việt Nam cũng xuất hiện sớm
hơn Bành Thành – Lạc Dương Trung Quốc. Sở dĩ Đại thừa ảnh hưởng sâu đậm tại
Việt Nam,
vì Phật giáo được truyền từ Phương Bắc, giao lưu văn hóa giữa hai khu vực lân
cận ảnh hưởng nhau là chuyện bình thường. Campuchea, Lào, Myanmar, Srilanka,
Thái... là những quốc gia chịu ảnh hưởng Phật giáo truyền từ phương Nam, tuy
Campuchea cận kề Việt Nam, nhưng thuở xa xưa, biên giới hai nước vẫn còn xa
tít.
L.M Nguyễn văn Thư
cũng có nhiều so sánh giữa trạng thái Thiền Phật giáo và tín lý công giáo không
được chính xác: “Được thành một phần-tử của gia-đình Chúa Ba Ngôi, sau khi được ban
quyền làm nghĩa-tử, được nên giống như Ngài. Bên Thiền-học gọi là thành Phật.
Trở về nguồn gốc của câu
truyện sáng-thế và việc ông bà nguyên-tổ phạm tội, ta có thể hình-dung
trường-hợp A-dong và E-và chưa mất ân-sủng với Chúa, lúc đó họ chính là một thứ
thần thánh, hòan-tòan tỉnh-thức và giác-ngộ. Việc này cho phép ta đôi chút về
cái mục ‘thành Phật’ của câu chuyện
Thiền”. Hoặc là: “Chính sự chênh-lệch này đòi ta có thái-độ hoàn-tòan cởi-mở,
buông-lỏng và mang tính-cách thụ-động
gần như bên nhà Thiền”.
Việc nghiên cứu so
sánh Thiền với điển tích trong Thánh kinh là việc làm khiêng cưỡng của các học
giả, mục đích chứng minh triết Thần học cũng mang hình ảnh Thiền - là người đã
được trang bị triết học Phật giáo chiếu rọi vào giáo lý Cơ đốc giáo để thăng
hoa tính triết lý. Tuy nhiên, các ngài Thần học cũng phải xắn tay nhập cuộc vào
không gian Thiền mới rút tỉa được tính uyên áo và kỷ thuật siêu tuyệt từ Phật
giáo.
L.m Hoàng Sĩ Quý
cũng như các nhà tu đức của Kito giáo từng bảo: “Nhờ
học hỏi nơi Thiền, tôi đã thấy việc cầu-nguyện cũng như suy-niệm của tôi mỗi
ngày mỗi đơn-giản, dễ dàng và kết-quả hơn. Dĩ nhiên tôi chỉ muốn đề cập tới
phần phương-pháp và hình-thức. Người theo Phật khi thiền sẽ tìm thấy những điều
linh-thiêng khác hẳn với tôi.”
Như vậy, từ kỹ
thuật Thiền của nhà Phật, các tu sĩ Thiên Chúa giáo áp dụng để thăng hoa cùng
Chúa trong việc chiêm niệm chứ không có mục đích giải thoát, vì dưới nhãn quan
Thần học – giải thoát đồng nghĩa chối bỏ Chúa.
Tóm lại, L.m Thư
chỉ hiểu đạo Phật trên sách vở, hiểu Phật giáo qua lăng kính Thần học, nên còn
quá nhiều sai sót về Thiền nói riêng và về Phật giáo nói chung.
KẾT: Các nhà
nghiên cứu Kito giáo đã từng học Thiền, đem áp dụng vào đức tin Thần học mà hai
ngàn năm qua, với tín điều và tín lý không giúp cho tập thể tu sĩ, tín hữu có
một đời sống tâm linh thâm diệu, vì thế sinh khí nghèo nàn trong đời sống tâm
linh đã không giúp cho xã hội phương Tây và thế giới trí thức ngày nay giải
quyết những vấn nạn của cuộc sống nhị nguyên. Họ đã rời xa nhà thờ khá nhiều,
để tạo lại sức sống tâm linh và mảnh đất Thần học được màu mỡ, buộc lòng các
nhà truyền giáo, các dòng chuyên tu phải quay về phương Đông để tìm ra bí quyết
thành tựu đã tồn tại hàng ngàn năm qua và đang phát triển trên mảnh đất một
thời từng là cái nôi của Kito giáo – đó là Thiền học. Đường Thiền vào lối Chúa
là cách nói của các Linh mục áp dụng kỹ thuật Thiền để tín hữu và tu sĩ có sinh
khí mới hữu hiệu hơn trong đức tin và thăng hoa tâm linh mà không đánh mất Chúa
hay chối bỏ Chúa như Thiền chính thống.
Có điều mâu thuẫn
chăng với 10 điều răn khi cha Hoàng Sĩ Quý đề nghị:
“Cha Sỹ-Qúy có nêu lên
một cách Thiền bắt chước các anh chị em Phật tử khi liên-tục niệm lời ‘Nam mô A di đà
Phật’: Sau khi ngồi thanh-thản và thở cho đều-đặn nhẹ-nhàng, ta bắt đầu đọc nhẹ
tên Giê-su, hoặc chỉ nhẩm thầm trong trí, bằng tất cả lòng thành-kính và
phó-thác.” Một trong 10
điều răn là “không kêu tên đức Chúa Trời vô cớ”
Kito giáo áp dụng
Thiền của nhà Phật cũng tốt, giúp cho các hành giả của Thần học hoàn thiện hơn
về Tam độc và lòng từ ái, sống đúng nghĩa của một hành giả tâm linh, cho dù nhờ
Thiền mà đến với Chúa một cách trọn vẹn. Lấy cái hay của người bù đắp cái thiếu
của mình cũng là một việc làm hữu ích. Phật giáo đã giúp cho tôn giáo bạn một
lối sống mới, một sinh khí mới cả về hành trì lẫn thuyết giảng mới thích nghi
với mảnh đất phương Đông mà không cần thêm một công đồng Vatican III.
Linh mục Hoàng sĩ
Quý đã chân thật xác nhận:
Thế là, trong cái
khung-cảnh của xã-hội ồn-ào náo-nhiệt ngày nay, chúng ta cùng nhau ‘mạo-muội’
(hay táo-bạo) đi tìm một lối đi ‘đại-kết tân-thời’: Mượn cái ‘bao’
(vỏ) của Thiền, với những kinh-nghiệm về phương-pháp và kỹ-thuật dồi-dào, rồi
thay vào bên trong (cái ruột) bằng những nội-dung, những giáo-lý, những
tâm-tình đạo Chúa.
Nói khác đi, ta dùng
toàn chất-liệu căn-bản Ky-tô giáo được lồng trong cái hình-thức Thiển theo nhà
Phật. Tất cả chỉ là mượn cách tập-trung hơi thở, định-hướng nội-tâm, học thế
đứng ngồi… để tiến tới trạng-thái ‘tâm an thần định’. Nó còn kèm theo cách-thức
làm chủ trí tưởng-tượng và mọi cảm-quan, trước khi tìm về bậc thuần-nhất và
đơn-giản-hoá cái đối-tượng ta suy-niệm, và cuối cùng siêu-thoát, không còn thấy
cái ta lẻ-loi nữa: Sẽ biến tan làm một với Chúa và trở thành hư không trước
thánh nhan Chúa (bên Phật gọi là tới chỗ ‘định hư’).
Nói một cách hình
tượng: bình mới, rượu cũ; hay dí dõm hơn: Hồn Trương Ba, da hàng thịt! Rất may,
các Linh mục học và áp dụng Thiền trong lòng Chúa vào thời đại khoa học tiến
bộ, nếu trước đây, thời Trung cổ sẽ bị buộc tội các cha theo phù thủy, tà pháp,
tức khắc giàn hỏa sẵn sàng đón các cha.
Tuy nhiên, Linh
mục Giuse Nguyễn văn Thư cũng xác nhận giá trị của Thiền: “Cái tin vui là truyền-thống Thiền đã gây ấn-tượng và ảnh-hưởng
tích-cực không nhỏ qua bao thế-hệ. Nó đã từng là động-cơ phát-triển cho bao
tổ-chức và cơ-sở Phật-giáo, nhất là tại Việt-Nam
(tìm lên nương-náu cửa
Thiền!). Phương-thức và kỹ-thuật của Thiền quả thật cao siêu, không mấy ai
tranh-biện hay chối cãi.”
Chính vì chỉ cần
mượn kỹ thuật Thiền để làm vỏ bọc, nên L.m Giuse Nguyễn văn Thư phạm phải nhiều
sai sót về cốt tủy giáo lý, tinh túy Thiền hay học lý nhà Phật.
MINH MẪN
11/02/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét