Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

TT. Thích Thanh Huân: Nói sinh con là sự vô minh của loài người là cách suy nghĩ cực đoan


Chuyện hiện nay có người trong giới trẻ cho rằng có con, "sinh con là sự vô minh của loài người". Về vấn đề này, Thượng tọa Thích Thanh Huân (ảnh) – Phó Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận định "đó là cách suy nghĩ cực đoan, không đúng đắn".

PV: - Bạch thầy, giới trẻ hiện nay nhiều người tự nhận rằng họ mất phương hướng, không tìm thấy ý nghĩa thực của đời sống này. Họ cho rằng: có con là sự vô minh của loài người, thầy có thể nói rõ đây là quan điểm của nhà Phật hay chỉ là sự ngộ nhận hiểu sai khái niệm Vô minh?
Thượng tọa Thích Thanh Huân: - “Vô minh” có nghĩa là không sáng suốt, không hiểu biết, kém trí tuệ, si mê, tâm trí tăm tối, nhận thức sai lầm, còn có thể gọi là “tà kiến”.
Chuyện các bạn trẻ có quan điểm “có con là sự vô minh ” chỉ là cách dùng chung một từ ngữ “vô minh”, vì từ vô minh ít khi được sử dụng rộng rãi, nên có người lầm tưởng là cứ vô minh là phật giáo sử dụng.
Nói có con là vô minh của loài người có liên quan đến phật giáo điều đó hoàn toàn không đúng. Về nhận thức của giới trẻ thời nào cũng thế, có những người hiểu biết đúng đắn, nhưng cũng có những người nhận thức, hiểu biết sai lầm, lệch lạc.
Điều đó là do cách nhìn nhận của họ, và cách nhìn ấy phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, yếu tố bẩm sinh, yếu tố môi trường, giáo dục, điều kiện sống.
Chuyện hiện nay có những người trong giới trẻ cho rằng có con, sinh con là sự vô minh của loài người điều này theo tôi là không nên, đó là cách suy nghĩ cực đoan,  không đúng đắn.
Quan niệm của phật giáo thì được sinh làm người là khó, phải có nhiều phúc lành mới được sinh làm người. Thực hiện nếp sống đạo đức, không sát sinh hại vật, không trộm cắp, ăn gian nói dối, sát sinh hại vật, không tà dâm… phải chăm làm việc phúc thiện, sống cuộc đời trong sáng hiền thiện mới được làm người.
Nếu đưa ra nhận định một con người được sinh ra là vô minh thì tôi hoàn toàn không đồng ý. Con người là chân quý, con người có thể thăng hoa và tỏa sáng hơn bất kỳ một sinh mệnh nào, từ địa vị làm người có thể trở thành vĩ nhân, những người đem lại hạnh phúc an bình cho muôn loài.
Còn quan điểm có con là vô minh, đó chỉ là những nhận định cực đoan, không phát huy được giá trị sống của con người, chúng ta phải trân trọng giá trị sống của mình, con người nếu tìm được giá trị sống thì dù có lầm lỗi phải ngồi tù, họ vẫn có thể chuyển hóa thành người tốt; những người khuyết tật, họ vẫn có thể cống hiến cho xã hội.
Chúng ta phải chân quý sự sống của mình, của đồng loại và của muôn loài khác nữa, như sự sống  thiên nhiên môi trường, cho đến những con côn trùng nhỏ bé.
PV: - Đạo Phật hay bất cứ một tôn giáo nào khác cũng đều hướng tới sự sống, vì sự sống, vì đức hiếu sinh....vậy sinh đẻ có được coi là thiên chức cao quý của con người không? Vì sao?
Thượng tọa Thích Thanh Huân: - Gia đình là cái tự nhiên của con người, bậc làm cha làm mẹ có thiên chức được sinh con, nuôi con và chăm sóc cho con cái. Việc con người tồn tại, sinh ra từ thế hệ này đến thế hệ kia nối tiếp là sự tự nhiên của con người.
Cho nên đạo Phật và các tôn giáo khác rất coi trọng sự sống của muôn loài, đó là sự sống được nối tiếp từ thế hệ này đến thế hệ sau.
Do vậy, đức hiếu sinh cũng là cái tự nhiên của con người, con người có đạo đức thì đều tôn trọng sự sống. Việc nối tiếp là tự nhiên của muôn loài, đạo Phật trân trọng sự sống và bảo vệ sự sống đó.
Dòng nối tiếp trong cuộc sống con người, từ tổ tiên đến ông bà, cha mẹ đó là tự nhiên. Giáo lý của đạo Phật dạy cho con người ta hiểu biết được sự thật bản chất của cuộc đời, có một cái nhìn đúng đắn, thấy biết quy luật sự vận hành của nhân sinh vũ trụ này.
Ví dụ, con người chúng ta sinh ra lớn lên, bị các yếu tố già yếu bệnh tật và chết chi phối. Vạn vật, muôn loài cũng trải qua vòng như vậy hình thành, phát triển và mất đi, đó là quy luật tất yếu của cuộc sống.
Đạo Phật không phê phán sự có mặt của một sinh linh trên cõi đời. Đạo Phật chỉ đề cập đến một cảnh giới hạnh phúc, thánh thiện hơn, không phải mong cầu ở kiếp sau ( chết đi mới có) .
Nếu chúng ta biết chuyển hóa khổ đau, lầm lỗi, luôn có ý thức tích cực vươn lên trong cuộc sống thì hạnh phúc an lành có ngay trong cuộc sống hiện tại,Nhiều người lầm tưởng đạo Phật coi thường sự sống, sự có mặt của con người, điều đó hoàn toàn không đúng.
PV: - Sự ra đời của bất cứ một con người nào cũng đều là một sự kiện vui mừng, là tin lành của cõi người, nhưng để mỗi hài nhi ấy sau này trở thành hạt giống tốt lành trong xã hội thì rất khó khăn? Có lẽ chính vì thế mà có người trong giới trẻ ngần ngại thiên chức sinh đẻ. Thầy lý giải hiện tượng này ra sao?
Thượng tọa Thích Thanh Huân: - Điều này nó phụ thuộc môi trường sống, môi trường giáo dục, hoàn cảnh gia đình, bạn bè, tiếp xúc của mỗi con người dẫn tới những quan niệm sống khác nhau.
Không ít người ở những nước phát triển họ không muốn có gia đình, cho rằng gia đình là một sự ràng buộc, không nên sinh con, bởi vì có con sẽ mất tự do.
Nhiều phụ nữ Nhật Bản họ không muốn lập gia đình, không muốn có con, nhưng theo sinh học thì có con càng muộn thì đứa con sinh ra sẽ không được khỏe mạnh, chỉ số thông minh cũng ít hơn so với những đứa con được sinh ra khi người mẹ còn trẻ.
Chúng tôi cũng đã từng nghe nhiều bạn trẻ lo ngại không biết có nên lập gia đình, có nên sinh con hay không vì sợ những đứa con hư. Một thành viên mới sinh ra đã là một thử thách dành cho gia đình, có đứa trẻ sinh ra đã dễ nuôi nhưng cũng có những đứa con khó nuôi.
Chúng phát triển và lớn lên phụ thuộc vào môi trường giáo dục, dạy dỗ của gia đình, xã hội. Việc đứa con thông minh hay không thông minh, có hiếu hay bất hiếu nó không báo trước cho chúng ta biết khi nó chưa được sinh ra.
Không thể lấy số ít cái hay, cái dở đánh giá, hoặc định kiến cho cả một sự việc chung, thầy không đồng tình với quan điểm như vậy, nó rất phiến diện một chiều. Những quan điểm như vậy khiến cho họ có sự sợ hãi.
Trong cuộc sống chúng ta luôn đối mặt với nhiều rủi ro và thử thách đòi hỏi mỗi người phải suy xét cẩn trọng và thấy rõ trách nhiệm của mình với cuộc sống để vững lòng và có những quyết định hợp lý.
PV: - “Phật pháp bất ly thế gian pháp”, trước những băn khoăn của giới trẻ hiện nay, tinh thần "bất ly thế gian" ấy được thể hiện như thế nào?
Thượng tọa Thích Thanh Huân: - Phật pháp bất ly thế gian pháp, nghĩa là phật pháp không xa lìa thế gian, và cũng từ nơi cuộc sống nhân sinh diễn ra hàng ngày của mọi sự vật hiện tượng mà chúng ta có thể chiêm nghiệm, hiểu biết.
Phật pháp không lìa thế gian này để hiểu, để giác ngộ, giác có nghĩa là hiểu biết, phật giáo sinh ra trên cõi đời này, sinh ra ở nơi con người chứ không phải ở một loài nào khác.
Đức Phật cũng nhìn nhận sự sống của con người, các mối quan hệ của con người, nỗi khổ đau của con người, mà Ngài tìm cách cứu giúp con người thực hiện thoát khỏi khổ đau đó, có thể nói nguồn gốc của khổ đau xuất phát từ nhận thức sai lầm về cõi đời, con người.
Từ nếp sống tỉnh thức, không tránh né, không quay lưng với trần thế, mà các tu sĩ phật giáo có thể tìm thấy được mình, xây dựng một cuộc sống an lành .
Từ hiểu biết cuộc đời nhiều hơn thì mình càng trân quý cuộc đời, tình thương, trách nhiệm với mọi người trong xã hội. Mỗi cá nhân trong cuộc sống có mối liên hệ gắn bó tương nhân tương duyên chứ không xa rời nhau, đến như hạt cát cũng cần có nhau.
Người theo đạo phật là trở về với chính mình để thấy rõ được mình, và cũng thấy được mối liên hệ giữa mình với thế giới xung quanh. Vì thế mà Phật giáo có những vị đã thực hành hạnh Bồ Tát, hạnh vị tha, đem an vui, hạnh phúc đến mọi người, mọi loài.
Thực hành theo Đạo phật là một phương pháp trau dồi giúp con người tiến bộ về nhận thức, có trí tuệ, đạo đức, tình thương yêu, giúp mọi người thoát khỏi khổ đau, phiền muộn, đó là một đóng góp rất nhân văn cho xã hội.
Thanh Huyền (thực hiện) - theo Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét