Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2009

THÂN PHẬN CON NGƯỜI


Xuân qua, Hạ đến, Thu về, Đông tàn, cứ thế bốn mùa trôi một cách vô tình và con người cũng vô tình buông trôi đời mình theo giòng sống nghiệp định.

Cuộc sống xã hội đã lôi cuốn nhân sinh, nhưng nhân sinh cũng bị tạp niệm, sở dục lôi cuốn như hình với bóng. Chỉ có bậc Tỉnh giác mới biết dừng chân và làm chủ hành nghiệp. Bậc Tỉnh giác cũng ăn cũng uống, cũng ngủ nghỉ, mọi sinh hoạt bình thường như mọi người, và đặc biệt tâm của hành giả rất bình thường mà mọi người đời thường cứ ngỡ là mình bình thường trong khi bị lôi kéo những cái không bìmh thường.

Nhân sinh bị nghiệp quả chi phối quá bình thường, cọng thêm hành nghiệp sở dục hiện tiền lôi kéo, đời người như xe theo vết chân trâu, cứ năm tháng như thế chúng ta có cảm tưởng bình thường, nhưng dưới nhãn quan của các bậc Đại giác, chuyện đó, tâm hành đó không bình thường!

Từ những tâm không bình thường, cọng theo quyền lực, địa vị cỏi vô thường, tác động đời sống chung quanh như cơn sóng nhồi, tham vọng. sân hận khởi lên, cuốn trôi, xô đẩy xã hội vào cơn đại loạn. Pháp luật, nội quy, luật định chỉ là hàng hàng rào ngăn chận sự quá đà của tâm hành tư dục. Cá nhân bị cản bởi rào chắn đó, giảm bớt tệ nạn làm hại xã hội; quan chức nhờ rào chắn đó, giảm được tầm nhũng hại lương dân; Tuy nhiên, tâm người không đơn giản, như lươn rắn luồn lách thiên hình vạn trạng, rồi con người lại cũng làm khổ mình, khổ người bởi thất tình lục dục vốn tiềm ẩn trong ta.

Vợ làm khổ chồng, chồng sát hại vợ, dân phạm pháp quy, quan chức lạm quyền cậy thế bức hiếp dân đen; chức sắc tôn giáo vượt qua giới luật…Những cái bình thường đó, đều là những đợt sóng xô đẩy cuộc sống vào chỗ không bình thường, nên gọi là vô thường, cũng bởi xuất phát từ tâm không bình thường. Các bậc Đại giác, các Thánh nhân, do tâm Bình thường mà cuộc sống các ngài rất an lạc, nguồn an lạc toả sáng cho cuộc sống chung quanh; chúng sanh nơi trụ xứ của các ngài cũng hưởng được nhiều phúc lạc. Do tâm không bình thường mà nhân sinh cảm thấy khổ đau chồng chất, người tỉnh ngộ tìm đến tín ngưỡng, tôn giáo mong có lối thoát; mỗi tôn giáo có một phương cách, ngắn hạn, dài hạn đều là phương tiện vượt qua khổ ải. Vượt qua khổ ải mà vẫn không trốn chạy chối bỏ hiện thực, nghĩa là chuyển hoá hiện thực, cho dù khổ đau, thành an lạc. Bồ Tát vào đời cũng từ hạnh nguyện chuyển hoá khổ đau, bất toàn của cuộc sống, thay vì các ngài an hưởng thành quả đạo giác nơi Cực lạc. Dù Bồ Tát quả hay Bồ Tát hạnh, đều mang tâm nguyện lợi ích cho nhân sinh; Xây cầu, làm đường, mổ mắt từ thiện, bố thí phần ăn, giúp kẻ cơ nhỡ, cứu tế xã hội, trợ giúp thiên tai…đều là việc làm từ tâm nguyện Bồ Tát, hà huống đấu tranh cho công bằng, bình đẳng, hy sinh thân mình làm ngọn đuốc để cảnh tỉnh một chế độ mà gọi là sân si như lời giảng của một bậc Tôn túc chức sắc trong Phật giáo hiện tại! ( giác ngộ số 502, ngày 12/9/09)

Vả lại, hạnh nguyện là một lẽ, diệt trừ vô mình là một chuyện. Hạnh nguyện từ bi trợ giúp cuộc sống là nền tảng phước báu, diệt trừ vô minh là công hạnh đưa đến Tuệ giác. Đức Phật thường bảo một hành giả cần đủ Phước Huệ song tu như chim có đôi cánh; Nếu chỉ tu Huệ mà không tu phước như cây mọc trên nền đá, thiếu duyên hoá độ chúng sanh; nếu tu phước mà bỏ huệ thì phước báu hữu lậu càng chìm đắm trong vô minh, tiếp tục trôi lăn vào sanh tử. Trên đạo lộ chuyển hoá vô mình cũng gian nan không kém, vô minh chập chùng ngàn đời thì diệt trừ cũng phải có thứ lớp công phu. Diệt phần nào vô mình thì trí tuệ và an lạc phát sanh ngay phần đó. Nhưng người phá được một phần vô minh không hẳn đã trở thành La Hán, vì quả vị La Hán không còn trở lại luân hồi tử sanh, thì những phần vô minh còn lại chưa phá sạch đem theo vào cỏi Tịnh ư? “…Người phá được một phần vô minh là La Hán,phá được hai phần vô minh là Bích Chi Phật, phá được nhiều hơn nữa là Bồ Tát và phá được hoàn toàn vô minh là Phật…”( G.N 502 tr.13)
Vô minh trùng điệp hơn dãy Trường sơn, biết thế nào diệt được một phần để trở thành La Hán?

Quả vị của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng chỉ là tạm phân định như Hoá Thành Dụ của Pháp Hoa, biểu hiện từng công đoạn trong tâm thức chuyển hoá, chung cuộc chỉ là Phật tánh viên dung của mọi chúng sanh. Chính vì lý tưởng đó mà cho phép chúng ta vững tin vào thân phận làm người có đủ khả năng thăng hoa, khi được thăng hoa, hành giả phải hỗ trợ cho cuộc sống chung quanh cùng tiến hoá bằng nhiều phương cách, thuận duyên, nghịch duyên, mềm mỏng, cứng rắn, từ cá nhân đến gia đình, xã hội, quốc độ.

Như vậy thân phận con người không chỉ là sanh ra lớn lên để bị lôi cuốn vào giòng đời rồi tự mình đeo mang sầu khổ, tạo thêm nhân xấu tiếp tục trôi nổi theo vô thường, mà con người là một thân phận ưu việt trong cỏi ngũ thú đồng cư, có đủ năng lực tự chuyển hoá và chuyển hoá ngoại cảnh, biến cỏi tạp thành cỏi Tịnh, cuộc sống cho dù xã hội thế nào vẫn là cuộc sống nhiều diễm tuyệt đang có trong ta. Một Thánh nhân từng nói: Thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội phạm nào cũng có tương lai , đó là mấu chốt cho thân phận con người hy vọng vững tiến. Đừng nên mặc cảm vì một giai đoạn hy sinh để cảnh tỉnh giúp đời mà nghĩ là sân si, vâng, cùng một hành động, nhưng phàm tục vì quyền lợi cá nhân mà sân si thịnh nộ, nhưng hành giả mang tâm hạnh Bồ Tát cho dù bỏ xác để lợi ích cho nhân quần, không thể xem đó là hành động sân si như kẻ phàm tục.

Cho dù đất nước văn minh tiến bộ hay quốc gia nghèo đói, hình thức có khác nhau, nhưng tâm hồn và khả năng chuyển hoá giống nhau. Có cảm nhận vui buồn sướng khổ là đều có khả năng chuyển hoá như nhau. Đẳng cấp, thân phận, địa vị trong xã hội thể hiện nghiệp duyên, phước báu, y báu của mỗi cá nhân, nhưng không vì thế những cá thể đó không có tính đồng đẳng. Đức Phật từng nói: không có giai cấp trong giòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn. Do tính đồng đẳng đó mà con người đều có giá trị tuyệt đối ngang nhau.

Thân phận con người chỉ là thể hiện mặt nổi trong xã hội khi phước báu bất đồng đẳng, nhưng giá trị tâm linh và khã năng chuyển hoá đã cho con người một hy vọng trong tầm tay. Hãy bắt đầu với hiện tại, đừng phủ nhận mọi quá khứ, cho dù tốt hay xấu, đó chỉ là vết chân loang lổ của cuộc hành trình giữa bóng hoàng hôn, mà bên kia là ánh dương Bình minh đang chờ đợi. Như vậy thân phận con người không phải là một cái gì bất toàn kinh tởm mà là một báu vật đáng trân quý, đừng phí phạm một kiếp người để phải than vãn bi thương.

Địa vị, chức sắc, danh vọng…chỉ là chiếc bóng chập chờn trên mặt nước cho cá đớp mồi sớm vào lưới thương đau. Ai cũng hơn một lần sai phạm trong cuộc sống, nhưng không vì thế mà bi quan. Thân phận con người không phải là cá, không phải bất cứ cái gì mà cuộc sống cho là khổ đau tệ hại, nó là nhánh hoa hé nụ nếu ai đó biết tự mình trở lại với khả năng chuyển hoá của chính ta, lúc đó, hoa cười giữa bảo tố, nhạc reo giữa cỏi không.

Ôi vinh hạnh được làm thân phận con người!!!


MINH MẪN
25/9/09

cơ sở phật giáo quận 12


Đến thời điểm nầy, quận 12 có 40 cơ sở thờ tự như chùa, tịnh xá, am thất đã vào danh mục, chưa kể một số phát sanh sau ngày kê khai, trong đó, có ngôi chùa được dự trù xây dựng hơn ba năm, trên một diện tích rất rộng.

Quận 12 là phần đất của Huyện Hốc Môn trước đây được tách ra. Hốc Môn nổi tiếng 18 thôn vườn trầu thì quận 12 cũng đã có một lịch sử oai hùng từ thời chống Pháp, Nhật, đó là An Phú Đông. An Phú Đông nằm phía Đông Bắc TP Hồ Chí Minh, xưa kia là thôn Bình Trị Thượng, quận Gò Vấp, Gia Định, sau 1975 nhập vào huyện Hốc Môn, giờ lại tách ra thành một phường của quận 12, nằm gần sông Sài gòn.

Trước 1945 khi Việt Minh dùng An Phú Đông làm cơ sở cho các đơn vị vũ trang ẩn náu cùng với bộ chỉ huy chính đảng, hoạt động liên kết với Thạnh Lộc, làm cơ sở chỉ huy mặt trận miền Đông, mở rộng địa bàn sang Tân Thới Hiệp, Nhị Bình, Đông Thạnh, Tân Mỹ, An Phú Đông được chọn làm chiến khu phát xuất trận đánh thắng lợi đầu tiên với quân Pháp; thì An Phú Đông thế kỷ 19 cũng đã là cứ địa của Thiên Địa Hội. Không những An Phú Đông đi vào chiến sử, ngay cả người dân cũng có bản chất hiếu khách, chân tình và nhẫn nại. Một việc mà hầu như người dân địa phương ai cũng biết, đó là ông Tám Hoà, một thầy giáo về hưu, cầm cố ruộng vườn để đấu thầu bến phà với mục đích giúp cho học sinh, cụ già qua sống miễn phí và an toàn mà trước kia những mãnh đò ngang từng bị tai nạn lật chìm. Bến phà của ông được xem là bến phà có tiêu chuẩn tốt nhất hiện nay. Còn rất nhiều huyền thoại trên mãnh đất phèn chua, giáp ranh Thủ Đức. An Phú Đông cũng là vùng đất chiếm nhiều di tích lịch sử nhất trong 10 di tích của TP HCM: 1/ chùa Khánh An, cơ sở hoạt động Cách Mạng trong thời kỳ chống Pháp. 2/ Đình Hạnh Phú, kho lương thực của Ban Tiếp Tế tỉnh Gia Định. 3/ chùa Tường Quang, trụ sở hội Phật Giáo cứu quốc tỉnh Gia Định, cơ sở tỉnh uỷ và chi bộ xã.
Trên vùng đất nầy, cũng có một cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật nổi tiếng trong Thành Phố, do thầy Quang Hạnh, chùa Kỳ Quang quản lý; hoa lan hoa kiểng cũng tạo được mối quan tâm của khách thưởng ngoạn.

Tuy quận được tách từ huyện Hốc Môn, nhưng Phật giáo quận 12 cũng đi vào nề nếp ổn định như huyện Hốc Môn. Từ ngày tách huyện, Hốc môn phát triển được hai ngôi chùa và một vài tịnh thất cá nhân, với tầm cở bình thường, thì quận 12 hiện nay, có những ngôi chùa đang tiến hành xây dựng với tầm vóc khá quy mô, nằm gần trục lộ chính liên tỉnh: Chùa Khánh An, Tu viện Vĩnh Nghiêm và chùa Bửu Tạng.

Chùa Khánh An đã được công nhận di tích lịch sử, vì từng là căn cứ cách mạng và tiền cách mạng. Khánh An được hình thành do chủ đất tên Biện Lục hiến cúng trên 2 mẫu Tây vào lúc phong trào Văn Thân rút vào bưng chống Nhật và Pháp. Khi chùa hình thành, thầy Năm Phận tức là HT Trí Hiền, người đầu tiên trông nom Tam Bảo, tham gia phong trào cứu nước, bị bắt năm 1942 và qua đời sau khi bị tra tấn, kế thế trụ trì là HT Hồng Lạc đến 1947, HT viên tịch 1998, kể từ đây, Hai ngôi một tháp vẫn còn được duy trì trên đất chùa. TT Trí Chơn tiếp nhận, xây dựng với đồ án ba tầng lầu, dự tính ba năm thi công, chi phí độ 20 tỷ đồng VN. Khu đất bị trưng dụng làm trường học, còn lại 7.000m2. Công trình quy mô cho một chương trình tu học Thiền Tịnh song hành sau khi hoàn chỉnh xây dựng. Đây là lần trùng tu thứ tư, lớn nhất sau năm 1981, 1985, 1993.

Chùa Bửu Tạng không được lợi thế về vị trí như Khánh An, nhưng Bửu Tạng cũng đã hình thành từ năm 1962, đang tiến hành xây móng đổ đà tái thiết trên vuông đất hẹp.

Tu viện Vĩnh Nghiêm là cơ sở lớn nhất, có diện tích rộng nhất và nằm trên vị trí đẹp nhất trong các cơ sở Phật giáo quận 12. Cạnh ngôi mộ của cố HT T. Tâm Giác. Xưa kia chu vi đất trên 15 hecta, do cố HT Tâm Giác và cố HT Thanh Kiểm tạo mãi, mục đích làm chốn Già Lam đào tạo Tăng tài; Do chiến tranh chưa đủ duyên để thực hiện hoài bảo, sau ngày hoà bình tái lập, TT Thanh Phong, kế thế tọa chủ đời thứ ba của tổ đình, đáp đền ân sư tiền bối, nhiều năm vận động thủ tục và tài chánh, đã được các cấp hữu quan chấp thuận và hổ trợ, Ngày 26/9/09 đã khởi công xây dựng dưới sự chứng minh của chư tôn giáo phẩm Trung ương, Thành hội và các ban ngành tại TP lẫn địa phương, chư Tăng Ni, Phật tử một số quận huyện tỉnh thành từ xa cũng về tham dự, đặc biệt một số Phật tử các tỉnh phía Bắc vào và đại diện Phật giáo từ Cọng Hoà Sec cũng có mặt, và có cả bà cụ thân sinh của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, trên 500 người. Đồ án mặt tiền gần giống chùa Vĩnh Nghiêm, nhưng gồm ba hồi kế tiếp. Đông lang, Tây lang và hậu đường đều xây ba tầng. Cổng vào là kiểu dáng miền Bắc. Chi phí dự trù trên 50 tỷ đồng VN với 13 hạng mục khác nhau trên một diện tích 1,5 hecta. Tương lai là tu viện với chức năng “truyền đăng tục diệm”, thực hiện tâm nguyện của nhị vị tiền bối.

Khởi đầu xây dựng nền móng, Ngân Hàng TMCP SG tài trợ trước khi các công ty xí nghiệp tiếp tục cho những công đoạn kế tục.

Một ngôi chùa có tầm cở về kiến trúc, diện tích cũng như tu học khác thuộc quận 12, nằm trrên trục lộ Xuyên Á, quốc lộ 22, đó là Vĩnh Phước, thành lập năm 1976 do Ni sư Huyền Học sáng lập, hiện tại trụ trì là ni sư Như Hoa. Một chùa Ni khác, tuy không rộng lớn như Vĩnh Phước, cũng đã có mặt rất sớm tại Thạnh Lộc, vào năm 1800 do HT Như Thế khai sơn, và Ni sư Tịnh Mẫn đương là toạ chủ.

Do nằm vùng ngoại ô, một số chùa có diện tích tương đối rộng thoáng hơn ở phố thị, nhưng chùa quá nhiều mà chư tăng thì quá ít, không tương xứng với tầm vóc đang có, tại Hốc Môn, có chùa không sư, thế mà am thất chùa miễu cá nhân vẫn tiếp tục mọc ra. Tình trạng chung như thế, nơi nào cũng có, nhưng ít có nơi nào những cơ sở đang kiến tạo vừa quy mô về tầm vóc, vừa mang phong cách văn hoá Phật giáo, vừa cưu mang một dự án giáo dục đào tạo như Khánh An và Vĩnh Nghiêm lại được thuận duyện như hiện nay.

Cơ sở không nói lên được sự phát triển của Đạo Phật, nhưng Đạo Phật phát triển được đánh giá qua các cơ sở và chương trình giáo dục, thực tu, thực học. Hy vọng, các tu sĩ trẻ có năng lực, có uy tín, có tài chánh và có kiến thức sẽ khởi công trùng hưng chánh Pháp để đáp đền công lao chư Tổ truyền thừa hầu xã hội Việt Nam được tiếp tục thấm nhuần Từ Đức, Trí đức và Dũng đức của Đạo Phật, có như thế, non sông mới toàn vẹn, dân tộc mới trường lưu và an lạc.


MINH MẪN
26/9/09

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2009

MÙA TRĂNG


Lại thêm một mùa trăng cho Tết Nhi Đồng; Dù là trong thời chiến hay lúc hoà bình, Thiếu nhi vùng Châu Á đều được vui hưởng ngắm mùa trăng vào rằm tháng tám, còn gọi là Tết Trung Thu. Vì rằm ở giữa tháng Tám, tháng Tám là giữa mùa Thu.

Những quốc gia ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc, nhất là Việt Nam, một năm có ba cái tết, Tết Nguyên Đán, tết Đoan Ngọ và tết Trung Thu. Riêng Nhật Bản, họ lấy Tết dương lịch làm tết của toàn quốc. Hàn Quốc, Mông cổ, Bhutan, Nepal, Singapore, Malaysia, Hongkong Tết âm lịch đều trùng hoặc gần trùng với Tết Trung Quốc, do múi giờ sai biệt. Hiện nay, nước ta cũng như Hàn quốc, và một vài nước Châu Á, đón thêm cái tết Dương lịch.

Theo truyền thuyết, Tết Trung Thu có từ thời Đường Minh Hoàng, bên Trung quốc; Nhưng cũng có quan điểm bảo rằng Việt Nam ta đã có tết Trung Thu trước Trung Hoa, chưa chứng minh được bằng lịch sử, nhưng tập quán đã chan hoà mừng Trung Thu phổ biến trong nhiều nước tại Châu Á, lưu truyền trong nhân gian, biến thành một lễ hội mang tính văn hoá dành cho thiếu nhi, từ đó, hàng năm, từ gia đình đến xã hội, cộng đồng, đều tổ chức bánh trái, múa lân, hoa đèn và nhiều trò chơi nhân gian để con em được giải trí; từ đêm rước đèn, nhận quà và vui chơi đó, các cháu được xem như thêm một tuổi. Cứ thế, mỗi năm các cháu đều có dịp ghi dấu tuổi thơ bằng đêm trăng tròn tháng tám âm lịch, cho đến khi trưởng thành, tuổi được tính tiếp từ đầu năm âm lịch theo tết cổ truyền. Mỗi quốc gia có một cách tổ chức Tết Trung Thu khác nhau. Hàn quốc không chỉ xem Trung thu là tết nhi đồng, mà còn là ngày lễ trọng đại trong năm, các trường học, cơ quan, cửa hàng đều đóng cửa để về quê tảo mộ, thăm viếng ông bà, thân tộc, ghi nhớ công ơn Tiền nhân.HồngKông, Singapore cũng nhộn nhịp không kém Tết cổ truyền. Những quốc gia nầy không xem Trung Thu là Tết chỉ dành riêng cho nhi đồng mà cả xã hội đều hưởng ứng vui chơi giải trí.

Việt Nam duy trì tập quán Tết trung Thu mãi đến nay, bài ca lưu truyền lâu nhất và nhiều người biết nhiều nhất là:

Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bướm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lam với đèn trắng trắng
Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu

Nghiễm nhiên Trung Thu trở thành tết Nhi đồng từ lâu lắm, một cái tết đậm nét văn hoá và thơ mộng, nhưng vẫn chỉ là cái tết của Nhi đồng còn hạn chế trong một vài quốc gia châu Á. Trong khi đó, 1-6 là ngày Quốc tế thiếu nhi, được hình thành từ một biến cố đen tối, đau thương của nhân loại: 1/6/1942 Phát xít Đức bắt 173 đàn ông, 196 phụ nữ và trẻ em tại Tiệp Khắc sát hại. Cũng tháng 6 năm 1944, chúng lại thiêu sống 400 người, trong đó 100 trẻ em, trong nhà thờ tại Pháp.
Từ thảm hoạ đó, quốc tế đã chọn ngày 1-6 làm ngày Tết Thiếu nhi, các em được vui chơi, có quà cáp bánh trái và được đi du lịch…Ngày Quốc tế Thiếu nhi này tuy phát khởi từ một loại văn hoá hủy diệt, ngược hẳn với Tết Nhi đồng Trung Thu nhân bản, thi vị, nhưng nó đã được phát triển trên quy mô toàn cầu, được thế giới đón nhận.
Cho dù 1/6 hay Tết Trung Thu, đều đáng được trân trọng vì một hạnh phúc tuổi thơ và một tương lai nhân loại, các cháu có quyền được tận hưởng. Một số trẻ em vùng sâu vùng cao, lang thang bụi đời, liệu có được quan tâm đúng mức để hưởng cái tết Nhi Đồng?

Điều mà những năm sau khi thống nhất nước nhà, đã xuất hiện trong xã hội ta rõ nét, Tết trung Thu của trẻ thơ biến thành Tết quà của người lớn, của những người có vị thế trong xã hội, những doanh nghiệp, những ân nghĩa thầy cô và quan hệ kinh tế. Con cháu cũng biếu quà cho ông bà cha mẹ trong dịp nầy, đã làm mờ nhạt ý nghĩa Tết Nhi Đồng. Biến chúng thành loại văn hoá biết điều. Trong một năm có quá nhiều dịp thể hiện sự trao đổi ơn nghĩa trong những lễ lớn, thì Trung Thu nên giữ sự trong sáng cho trẻ thơ.
Trung Thu chỉ có giá trị tại một số quốc gia trong vùng, âm lịch không thể thống nhất cho thế giới, vì thế khó phát triển tầm rộng như 1/6, nhưng dẫu sao vẫn là nét văn hoá đẹp của dân tộc, chúng ta nên trân trọng, bảo tồn và phát huy ý nghĩa của nó để trẻ thơ có một ngày Tết trọn vẹn.


MINH MẪN
18/9/09