Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2009
cơ sở phật giáo quận 12
Đến thời điểm nầy, quận 12 có 40 cơ sở thờ tự như chùa, tịnh xá, am thất đã vào danh mục, chưa kể một số phát sanh sau ngày kê khai, trong đó, có ngôi chùa được dự trù xây dựng hơn ba năm, trên một diện tích rất rộng.
Quận 12 là phần đất của Huyện Hốc Môn trước đây được tách ra. Hốc Môn nổi tiếng 18 thôn vườn trầu thì quận 12 cũng đã có một lịch sử oai hùng từ thời chống Pháp, Nhật, đó là An Phú Đông. An Phú Đông nằm phía Đông Bắc TP Hồ Chí Minh, xưa kia là thôn Bình Trị Thượng, quận Gò Vấp, Gia Định, sau 1975 nhập vào huyện Hốc Môn, giờ lại tách ra thành một phường của quận 12, nằm gần sông Sài gòn.
Trước 1945 khi Việt Minh dùng An Phú Đông làm cơ sở cho các đơn vị vũ trang ẩn náu cùng với bộ chỉ huy chính đảng, hoạt động liên kết với Thạnh Lộc, làm cơ sở chỉ huy mặt trận miền Đông, mở rộng địa bàn sang Tân Thới Hiệp, Nhị Bình, Đông Thạnh, Tân Mỹ, An Phú Đông được chọn làm chiến khu phát xuất trận đánh thắng lợi đầu tiên với quân Pháp; thì An Phú Đông thế kỷ 19 cũng đã là cứ địa của Thiên Địa Hội. Không những An Phú Đông đi vào chiến sử, ngay cả người dân cũng có bản chất hiếu khách, chân tình và nhẫn nại. Một việc mà hầu như người dân địa phương ai cũng biết, đó là ông Tám Hoà, một thầy giáo về hưu, cầm cố ruộng vườn để đấu thầu bến phà với mục đích giúp cho học sinh, cụ già qua sống miễn phí và an toàn mà trước kia những mãnh đò ngang từng bị tai nạn lật chìm. Bến phà của ông được xem là bến phà có tiêu chuẩn tốt nhất hiện nay. Còn rất nhiều huyền thoại trên mãnh đất phèn chua, giáp ranh Thủ Đức. An Phú Đông cũng là vùng đất chiếm nhiều di tích lịch sử nhất trong 10 di tích của TP HCM: 1/ chùa Khánh An, cơ sở hoạt động Cách Mạng trong thời kỳ chống Pháp. 2/ Đình Hạnh Phú, kho lương thực của Ban Tiếp Tế tỉnh Gia Định. 3/ chùa Tường Quang, trụ sở hội Phật Giáo cứu quốc tỉnh Gia Định, cơ sở tỉnh uỷ và chi bộ xã.
Trên vùng đất nầy, cũng có một cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật nổi tiếng trong Thành Phố, do thầy Quang Hạnh, chùa Kỳ Quang quản lý; hoa lan hoa kiểng cũng tạo được mối quan tâm của khách thưởng ngoạn.
Tuy quận được tách từ huyện Hốc Môn, nhưng Phật giáo quận 12 cũng đi vào nề nếp ổn định như huyện Hốc Môn. Từ ngày tách huyện, Hốc môn phát triển được hai ngôi chùa và một vài tịnh thất cá nhân, với tầm cở bình thường, thì quận 12 hiện nay, có những ngôi chùa đang tiến hành xây dựng với tầm vóc khá quy mô, nằm gần trục lộ chính liên tỉnh: Chùa Khánh An, Tu viện Vĩnh Nghiêm và chùa Bửu Tạng.
Chùa Khánh An đã được công nhận di tích lịch sử, vì từng là căn cứ cách mạng và tiền cách mạng. Khánh An được hình thành do chủ đất tên Biện Lục hiến cúng trên 2 mẫu Tây vào lúc phong trào Văn Thân rút vào bưng chống Nhật và Pháp. Khi chùa hình thành, thầy Năm Phận tức là HT Trí Hiền, người đầu tiên trông nom Tam Bảo, tham gia phong trào cứu nước, bị bắt năm 1942 và qua đời sau khi bị tra tấn, kế thế trụ trì là HT Hồng Lạc đến 1947, HT viên tịch 1998, kể từ đây, Hai ngôi một tháp vẫn còn được duy trì trên đất chùa. TT Trí Chơn tiếp nhận, xây dựng với đồ án ba tầng lầu, dự tính ba năm thi công, chi phí độ 20 tỷ đồng VN. Khu đất bị trưng dụng làm trường học, còn lại 7.000m2. Công trình quy mô cho một chương trình tu học Thiền Tịnh song hành sau khi hoàn chỉnh xây dựng. Đây là lần trùng tu thứ tư, lớn nhất sau năm 1981, 1985, 1993.
Chùa Bửu Tạng không được lợi thế về vị trí như Khánh An, nhưng Bửu Tạng cũng đã hình thành từ năm 1962, đang tiến hành xây móng đổ đà tái thiết trên vuông đất hẹp.
Tu viện Vĩnh Nghiêm là cơ sở lớn nhất, có diện tích rộng nhất và nằm trên vị trí đẹp nhất trong các cơ sở Phật giáo quận 12. Cạnh ngôi mộ của cố HT T. Tâm Giác. Xưa kia chu vi đất trên 15 hecta, do cố HT Tâm Giác và cố HT Thanh Kiểm tạo mãi, mục đích làm chốn Già Lam đào tạo Tăng tài; Do chiến tranh chưa đủ duyên để thực hiện hoài bảo, sau ngày hoà bình tái lập, TT Thanh Phong, kế thế tọa chủ đời thứ ba của tổ đình, đáp đền ân sư tiền bối, nhiều năm vận động thủ tục và tài chánh, đã được các cấp hữu quan chấp thuận và hổ trợ, Ngày 26/9/09 đã khởi công xây dựng dưới sự chứng minh của chư tôn giáo phẩm Trung ương, Thành hội và các ban ngành tại TP lẫn địa phương, chư Tăng Ni, Phật tử một số quận huyện tỉnh thành từ xa cũng về tham dự, đặc biệt một số Phật tử các tỉnh phía Bắc vào và đại diện Phật giáo từ Cọng Hoà Sec cũng có mặt, và có cả bà cụ thân sinh của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, trên 500 người. Đồ án mặt tiền gần giống chùa Vĩnh Nghiêm, nhưng gồm ba hồi kế tiếp. Đông lang, Tây lang và hậu đường đều xây ba tầng. Cổng vào là kiểu dáng miền Bắc. Chi phí dự trù trên 50 tỷ đồng VN với 13 hạng mục khác nhau trên một diện tích 1,5 hecta. Tương lai là tu viện với chức năng “truyền đăng tục diệm”, thực hiện tâm nguyện của nhị vị tiền bối.
Khởi đầu xây dựng nền móng, Ngân Hàng TMCP SG tài trợ trước khi các công ty xí nghiệp tiếp tục cho những công đoạn kế tục.
Một ngôi chùa có tầm cở về kiến trúc, diện tích cũng như tu học khác thuộc quận 12, nằm trrên trục lộ Xuyên Á, quốc lộ 22, đó là Vĩnh Phước, thành lập năm 1976 do Ni sư Huyền Học sáng lập, hiện tại trụ trì là ni sư Như Hoa. Một chùa Ni khác, tuy không rộng lớn như Vĩnh Phước, cũng đã có mặt rất sớm tại Thạnh Lộc, vào năm 1800 do HT Như Thế khai sơn, và Ni sư Tịnh Mẫn đương là toạ chủ.
Do nằm vùng ngoại ô, một số chùa có diện tích tương đối rộng thoáng hơn ở phố thị, nhưng chùa quá nhiều mà chư tăng thì quá ít, không tương xứng với tầm vóc đang có, tại Hốc Môn, có chùa không sư, thế mà am thất chùa miễu cá nhân vẫn tiếp tục mọc ra. Tình trạng chung như thế, nơi nào cũng có, nhưng ít có nơi nào những cơ sở đang kiến tạo vừa quy mô về tầm vóc, vừa mang phong cách văn hoá Phật giáo, vừa cưu mang một dự án giáo dục đào tạo như Khánh An và Vĩnh Nghiêm lại được thuận duyện như hiện nay.
Cơ sở không nói lên được sự phát triển của Đạo Phật, nhưng Đạo Phật phát triển được đánh giá qua các cơ sở và chương trình giáo dục, thực tu, thực học. Hy vọng, các tu sĩ trẻ có năng lực, có uy tín, có tài chánh và có kiến thức sẽ khởi công trùng hưng chánh Pháp để đáp đền công lao chư Tổ truyền thừa hầu xã hội Việt Nam được tiếp tục thấm nhuần Từ Đức, Trí đức và Dũng đức của Đạo Phật, có như thế, non sông mới toàn vẹn, dân tộc mới trường lưu và an lạc.
MINH MẪN
26/9/09
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét