Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2009

MÙA TRĂNG


Lại thêm một mùa trăng cho Tết Nhi Đồng; Dù là trong thời chiến hay lúc hoà bình, Thiếu nhi vùng Châu Á đều được vui hưởng ngắm mùa trăng vào rằm tháng tám, còn gọi là Tết Trung Thu. Vì rằm ở giữa tháng Tám, tháng Tám là giữa mùa Thu.

Những quốc gia ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc, nhất là Việt Nam, một năm có ba cái tết, Tết Nguyên Đán, tết Đoan Ngọ và tết Trung Thu. Riêng Nhật Bản, họ lấy Tết dương lịch làm tết của toàn quốc. Hàn Quốc, Mông cổ, Bhutan, Nepal, Singapore, Malaysia, Hongkong Tết âm lịch đều trùng hoặc gần trùng với Tết Trung Quốc, do múi giờ sai biệt. Hiện nay, nước ta cũng như Hàn quốc, và một vài nước Châu Á, đón thêm cái tết Dương lịch.

Theo truyền thuyết, Tết Trung Thu có từ thời Đường Minh Hoàng, bên Trung quốc; Nhưng cũng có quan điểm bảo rằng Việt Nam ta đã có tết Trung Thu trước Trung Hoa, chưa chứng minh được bằng lịch sử, nhưng tập quán đã chan hoà mừng Trung Thu phổ biến trong nhiều nước tại Châu Á, lưu truyền trong nhân gian, biến thành một lễ hội mang tính văn hoá dành cho thiếu nhi, từ đó, hàng năm, từ gia đình đến xã hội, cộng đồng, đều tổ chức bánh trái, múa lân, hoa đèn và nhiều trò chơi nhân gian để con em được giải trí; từ đêm rước đèn, nhận quà và vui chơi đó, các cháu được xem như thêm một tuổi. Cứ thế, mỗi năm các cháu đều có dịp ghi dấu tuổi thơ bằng đêm trăng tròn tháng tám âm lịch, cho đến khi trưởng thành, tuổi được tính tiếp từ đầu năm âm lịch theo tết cổ truyền. Mỗi quốc gia có một cách tổ chức Tết Trung Thu khác nhau. Hàn quốc không chỉ xem Trung thu là tết nhi đồng, mà còn là ngày lễ trọng đại trong năm, các trường học, cơ quan, cửa hàng đều đóng cửa để về quê tảo mộ, thăm viếng ông bà, thân tộc, ghi nhớ công ơn Tiền nhân.HồngKông, Singapore cũng nhộn nhịp không kém Tết cổ truyền. Những quốc gia nầy không xem Trung Thu là Tết chỉ dành riêng cho nhi đồng mà cả xã hội đều hưởng ứng vui chơi giải trí.

Việt Nam duy trì tập quán Tết trung Thu mãi đến nay, bài ca lưu truyền lâu nhất và nhiều người biết nhiều nhất là:

Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bướm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lam với đèn trắng trắng
Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu

Nghiễm nhiên Trung Thu trở thành tết Nhi đồng từ lâu lắm, một cái tết đậm nét văn hoá và thơ mộng, nhưng vẫn chỉ là cái tết của Nhi đồng còn hạn chế trong một vài quốc gia châu Á. Trong khi đó, 1-6 là ngày Quốc tế thiếu nhi, được hình thành từ một biến cố đen tối, đau thương của nhân loại: 1/6/1942 Phát xít Đức bắt 173 đàn ông, 196 phụ nữ và trẻ em tại Tiệp Khắc sát hại. Cũng tháng 6 năm 1944, chúng lại thiêu sống 400 người, trong đó 100 trẻ em, trong nhà thờ tại Pháp.
Từ thảm hoạ đó, quốc tế đã chọn ngày 1-6 làm ngày Tết Thiếu nhi, các em được vui chơi, có quà cáp bánh trái và được đi du lịch…Ngày Quốc tế Thiếu nhi này tuy phát khởi từ một loại văn hoá hủy diệt, ngược hẳn với Tết Nhi đồng Trung Thu nhân bản, thi vị, nhưng nó đã được phát triển trên quy mô toàn cầu, được thế giới đón nhận.
Cho dù 1/6 hay Tết Trung Thu, đều đáng được trân trọng vì một hạnh phúc tuổi thơ và một tương lai nhân loại, các cháu có quyền được tận hưởng. Một số trẻ em vùng sâu vùng cao, lang thang bụi đời, liệu có được quan tâm đúng mức để hưởng cái tết Nhi Đồng?

Điều mà những năm sau khi thống nhất nước nhà, đã xuất hiện trong xã hội ta rõ nét, Tết trung Thu của trẻ thơ biến thành Tết quà của người lớn, của những người có vị thế trong xã hội, những doanh nghiệp, những ân nghĩa thầy cô và quan hệ kinh tế. Con cháu cũng biếu quà cho ông bà cha mẹ trong dịp nầy, đã làm mờ nhạt ý nghĩa Tết Nhi Đồng. Biến chúng thành loại văn hoá biết điều. Trong một năm có quá nhiều dịp thể hiện sự trao đổi ơn nghĩa trong những lễ lớn, thì Trung Thu nên giữ sự trong sáng cho trẻ thơ.
Trung Thu chỉ có giá trị tại một số quốc gia trong vùng, âm lịch không thể thống nhất cho thế giới, vì thế khó phát triển tầm rộng như 1/6, nhưng dẫu sao vẫn là nét văn hoá đẹp của dân tộc, chúng ta nên trân trọng, bảo tồn và phát huy ý nghĩa của nó để trẻ thơ có một ngày Tết trọn vẹn.


MINH MẪN
18/9/09

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét