“Thử tại tâm trung xuất hình ư ngoại” Đó là câu nói
của cổ nhân, cũng có thể nói: “ Tâm sanh tướng”.
Vì sao Tâm có
thể tác động đến Tướng? Ngược lại, tướng cũng ảnh hưởng đến tâm không ít.
Do huân tập nhiều hạt giống tốt hoặc xấu lâu ngày
trong tâm tưởng mà lộ diện; ví dụ, người nhiều sân hận sẽ lộ tướng hung dữ, khó
chịu, thậm chí hiểm ác.Người xưa thường nói, nhìn mặt mà bắt hình vong. Người
có gương mặt hiền từ, chắc chắn tâm địa không thể ác độc.
Đối với người bình thường là thế, không làm chủ tâm
tưởng dễ bị tập khí dẫn dắt.Một hành giả,
bất cứ tu pháp nào, từ “năng lượng sinh học”, “Thủy hỏa ký tế”, “tiểu châu
Thiên, đại châu Thiên” “Mật tạng” “kỳ
môn độn giáp”,“nam nữ song tu”, “khí công đan đạo”, “Đan kinh, Đạo tạng, Tính mệnh
khuê chỉ, luyện đan…” “Thiền công án, thoại đầu, chỉ quán…” “ Độn giáp, tiểu
ngã, đại ngã…” , “tứ niệm xứ”, “từ bi quán”,An ban thủ ý”, “minh sát tuệ”, “nhỉ
căn viên thông”, “quán âm”, “thiền Đông độ”, “tiểu thừa, đại thừa thiền”… vô số
pháp hành từ tà pháp đến chánh pháp tùy căn cơ chúng sanh mà xuất hiện.
Nơi đây, chỉ đề cập đến chánh pháp, nghĩa là pháp
hành không thiên về lợi dưỡng, không mong cầu hiệu quả kinh tế, không xét đoán
số mạng, không tiên tri vận hạn…hay không trị bệnh, cầu may, chỉ hướng đến giải
thoát.
Hành giả đã chọn cho mình một pháp hành thích hợp với
căn cơ, hành trì miên mật, đương nhiên kết quả sẽ đến. Thế nào gọi là kết quả?
Trải qua thời gian hành trì nghiêm túc và miên mật,
không bị cuộc sống và ngoại cảnh chen vào ( không kể hành trì theo thời khóa lấy
lệ), tâm định đưa đến an tĩnh, dứt được vọng tưởng (thất niệm), nhưng hạt giống
kết tập nhiều đời trong tạng thức, khó mà hủy diệt. Chính những hạt giống này
quấy nhiễu hành giả, hạt giống nào mạnh nhất sẽ xuất hiện trong cơn thiền định,
kết hợp với định lực, chúng biến tướng đủ loại, hành giả dễ bị chúng đánh lừa.Nếu
là tâm từ, chúng làm cho hành giả khởi ý thương tưởng chúng sanh, tạo năng lực
trị bệnh, xem tướng, thậm chí quá độ ủy mị xót xa trước sự khổ đau của sanh
chúng qua nhiều hình thức. Cũng đã có những hành giả trong lúc thiền định,mỗi lần
nghĩ đến chúng sanh đều khóc ròng.
Cũng thế, tâm dục quá nặng, lúc thiền bị những hiện
tướng cám dỗ đam mê xuất hiện, hành giả không ý thức để vượt qua sẽ bị dắt dẫn,
nhẹ thì phạm giới, nặng sẽ tẩu hỏa đa dâm. Những tà pháp luyện ma thuật thường
sa vào lối này.
Hành giả dẹp bản ngã, thập kiết sử, tưởng là vô ngã,
an toàn, nhưng khi thiền định sâu, tàng thức sẽ xuất hiện vi tế ngã, nghĩa là
ngã thô đã sạch nhưng ngã tế chưa tiêu. Nếu hành giả còn mơ tưởng đến cảnh giới
thanh cao hay hy vọng sẽ đạt đến cảnh giới nào đó, đều lọt vào ma tưởng. Có những
hành giả do công đức hành trì nhiều đời, đã đắc pháp đạt đến cảnh giới của pháp
hành, tưởng là đắc đạo, trụ vào tướng đó, sẽ khó tiến đến cứu cánh.Chưa nói trường
hợp hành giả nhập vào trạng thái mơ mơ màng màng của vô thức, vọng thức lạc dẫn
đến cảnh giới ma huyễn.
Đường vào tâm linh đến một lúc như đứng trước ngã ba
đường, không biết hướng tiến; cũng có lúc cứ như bị “treo máy”
Trong quá trình
hành trì, càng định sâu, năm mươi ngũ ấm ma xuất hiện, chỉ cần khởi ý
thích thú, mãn ý, hoan hỷ hoặc sợ hải đều vấp ngay, nhẹ thì khó tiến, nặng thì
tẩu hỏa.
Cái sai lầm người tu thiền mà không đọc kỷ Kinh Lăng
nghiêm để thấy dạng tướng của ngũ ấm ma, dễ lạc vào tà pháp. Cái gọi là thể
nghiệm qua cảnh giới tâm tưởng, có thể thật, có thể vọng.Nếu pháp hành được
chân sư ấn chứng bảo hộ thì ngoại ma khó xâm nhập.Thể nghiệm được tái diễn nhiều
lần giống nhau thì không thể là vọng, nhưng cũng không là tiêu chí đến đích.Dù
có đắc pháp, có thể nghiệm, thậm chí sở hữu một năng lực tâm linh mà các hạt giống
trần tục chưa sạch thì vẫn bị các nội ấm ngoại ma làm cho sa ngã.Có vị tuy khai
tuệ nhãn, nhìn biết ý nghĩ của đối tượng, biết việc vừa xảy ra cho đối tượng,
nhưng vẫn còn nóng tính, còn chấp nê…do tu pháp mà không tu tâm tính, cũng chỉ
dừng lại công năng của pháp hành, gọi là đắc pháp chứ chưa đắc đạo.Người đắc đạo
là không còn kiết sử, không còn vi tế phiền trược, tâm thức vắng lặng trong
sáng, đạt được Niết bàn tại tâm.
Những trạng thái tâm xuất hiện qua những quả vị như
Hoan hỷ địa, Ly cấu địa …đều là công hạnh
của một hành giả đạt đến tâm giới trong thập địa Bồ Tát.
Nguyên tắc cơ bản của một hành giả là không nên tìm
cách triệt tiêu các tâm sở, không khống chế vọng tưởng, không để thất niệm
trong lúc hành trì.
Dù hành pháp nào (ngoại trừ tà pháp), thường nhật phải
chuyển hóa những tập khí tiêu cực do những hạt giống tiềm ẩn.Mỗi người có một hạt
giống tiêu cực mạnh nhất, không thể kềm chế, vì kềm chế thì hạt giống đó không
thể hết mà chỉ ẩn tàng, có dịp sẽ trỗi dậy; ví dụ người thường sân hận, trước
nghịch cảnh thay vì bộc lộ rõ bản chất, họ kềm chế vì lý do nào đó, lúc khác có
dịp nó sẽ trỗi dậy. Hành giả còn tồn trữ những hạt giống tiêu cực đó, là một
chướng ngại trên con đường tiến hóa tâm linh.
Những kiết sử dù thô dù tế đều là năng lượng xấu làm
trì trệ công năng của hành giả.Trong Phật giáo phân tích rất cặn kẽ các loại
tâm sở mà Duy thức học đã trình bày, nó như một phân tâm học sâu sắc hơn cả
phân tâm học của Sigmund Freud.
Một số pháp hành chuyên chú vào hành pháp, cho dù có
đắc pháp, có sở hữu năng lực nào đó do định lực mạnh, nhưng các hạt giống của
tâm sở (kiết sử) vẫn bị dậm chân tại chỗ khó tiến đến giải thoát. Trong pháp
môn Tịnh độ, đới nghiệp vãng sanh,quan điểm hành giả chưa dứt sạch mọi phiền
trược, mọi tập khí, vẫn có thể về cảnh giới Tịnh độ của đức Phật A Di Đà,trên
đó tiếp tục chuyển hóa.
Từ những sai lầm của một ít người được gọi là đắc
pháp, đời sống vẫn còn mang nợ máu chúng sanh, vẫn còn say sưa ăn nhậu, cái cảnh
giới được đắc đó, có thể là một dạng tâm thức ở tầng song hành của thế giới vật
chất, tức vẫn chưa sạch vô minh vi tế, chưa thoát vĩnh viễn sanh tử luân hồi.Tâm
thức họ có thể thanh nhẹ ít nghiệp lực hơn.Tuy còn mang thân vật lý mà tâm thức
đã kết duyên với cảnh giới vô hình trong tiền kiếp.
Để chuẩn bị cho con đường tiến hóa tâm linh, hành giả
phải thanh lọc các chủng tử tiêu cực hàng ngày, càng thanh cao trong sáng càng
tốt.Không dùng năng lực thiền định để chữa bệnh, can thiệp vào nghiệp quả của
chúng sanh, mục đích tu thiền để thoát ly sanh tử chứ không phải can thiệp vào
nghiệp quả của người khác.
Bản thân không tạo thêm nghiệp mới, không can thiệp
vào nghiệp xấu của người, không phô bày năng lực do công phu thiền định có được,
và thường xuyên kiểm soát tâm hành, hành giả ít gặp ma chướng.
Hiện tướng con người nói chung và hành giả tâm linh
nói riêng luôn “tùy tâm sanh tướng” đó là pháp hành của một hiện tượng.
MINH MẪN
21/10/2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét