Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

VẤN ĐỀ BANG GIAO:- VIỆT NAM – VATICAN


Gần đây, trên cộng đồng mạng xôn xao trong việc Bang giao giữa Việt Nam và Vatican do ông Võ Văn Thưởng qua gặp Giáo Hoàng đương nhiệm Phanxico ngày 27/7/ 2023.

Những năm trước đây, báo Giao Điểm cũng đã từng đặt vấn đề “bang giao với Vatican”, phân tích lợi hại cho một đất nước vừa mới thống nhất lúc bấy giờ. Một thời gian rộ tin phản đối khi có hiện tượng Việt Nam bang giao với Vatican. Có lẽ đó là những bước thăm dò dư luận và cũng chưa phải lúc quá cần thiết để chánh quyền chọn con đường dứt khoác.

Thực ra, sau khi hai miền Nam Bắc phân ranh, quan điểm của Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đối với Thiên Chúa Giáo, Hồ chủ tịch quan niệm đó là việc nội bộ Tôn giáo: Sắc lệnh của Hồ chủ tịch 1955 - 234/sl: “quan hệ giữa người Công giáo và Vatican là nội bộ tôn giáo không liên hệ đến chính quyền”.Có nghĩa xem Vatican chỉ là một hệ thống Tôn giáo.

Năm 1973 Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy gặp đức Giáo Hoàng Phao lồ đệ VI là bước ngoại giao đầu tiên và chính thức của nước VNDCCH lúc bấy giờ. Nhưng đến năm 1975 các chức sắc Công giáo người nước ngoài rời khỏi Việt Nam. Suốt thời gian vừa thống nhất hai miền, ổn định tình hình nội chính, Việt Nam bắt đầu quan tâm đến ngoại giao.

1989 đại diện tòa Thánh đến thăm Việt Nam và các giáo đồ Thiên Chúa giáo thông qua các cơ sở đại diện, do chưa có bang giao chính thức, chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, nên chỉ cấp thứ trưởng lúc bấy giờ tiếp đón.

Việt Nam hội nhập thế giới nên đã quan hệ 193 nước trong số 195 quốc gia là thành viên của Liên Hiệp quốc.Việt Nam thành công trong mối tương quan với bạn bè thế giới, vì thế đã được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp quốc mời tham gia 2 lần.Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc 2 kỳ.

Chứng tỏ Việt Nam đã có vị thế khá vững trên diễn đàn Quốc tế. Tuy nhiên, một vấn đề hiển nhiên làm bạn với năm Châu mà không bắt tay với Vatican là điều không thể.Mặc dù Vatican là một quốc gia nhỏ nhất,diện tích chỉ 44 hecta, dân số chưa đến một triệu. Tường rào bao kín nằm trong thành phố Roma. Thế nhưng, Vatican có uy thế quốc tế không phải do kinh tế, quân sự, tài chánh…mà do thế lực ngoại giao từ một hệ thống chính quyền pha lẫn tôn giáo có trên một tỷ tín hữu.Như vậy một quốc gia không biên giới nếu hiểu tín đồ cũng là công dân của một nước như Vatican.

Trong chuyến thăm viếng của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, chắc chắn phải có tầm quan trọng về lâu về dài đối với quyền lợi giữa hai nước mà Bộ chính trị phải cân nhắc.Nhìn lại quá khứ kể từ khi thống nhất hai miền, chính quyền Việt Nam đã hơn bảy lần thăm viếng Vatican, nhưng do một vài quan điểm nào đó đã chưa đưa đến thiết lập bang giao chính thức cấp nhà nước.Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 2 lần đến tòa Thánh,gặp Giáo Hoàng Benedicto còn gọi là Giáo Hoàng Biển Đức XVI năm 2007.Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Vatican năm 2009.Ông Nguyễn Phú Trọng 2013, Nguyễn Sinh Hùng 2014,Trần Đại Quang 2016, ông Trương Hòa Bình phó Thủ tướng thường trực 2018, giờ là ông Võ Văn Thưởng.

Dĩ nhiên vẫn có “khâm sứ” không thường trực qua lại Việt Nam; Sau chuyến viếng thăm chiều 27/7/2023 tại Vatican về, ông Võ Văn Thưởng đến thăm Hội Đồng Giám mục tại TP Hồ Chí Minh được Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng và các Linh Mục tiếp đón.Ông Võ văn Thưởng thống nhất chủ trương của tòa Thánh là:”Hiệp thông và cầu nguyện”. Cũng thống nhất quy chế giữa hai bên.

Chuyện về lâu về dài đương nhiên tòa Thánh phải có Đại diện thường trú tại Việt Nam. Trở lại việc phản đối của một số người Việt Nam trong và ngoài nước, có thể cha làm 4 nhóm:

- Chống một cách cực đoan do lịch sử quá khứ thời Trung cổ xảy ra Thập tự chinh giữa Thiên Chúa giáo và Hồi Giáo, cũng như những người ngoại giáo bị bức hại.Cũng từng có những văn hóa, tín ngưỡng của nhiều quốc gia bị xóa sạch khi Thiên Chúa giáo truyền đến, đó là lý do chống đối khi họ đọc qua sử sách đâm ra lo ngại cho đất nước.

- Chống vì vết thương dân tộc khi bị quân Pháp và Tây Ban Nha dùng Thiên Chúa Giáo để mở đường xâm lược Việt Nam vẫn chưa nhạt nhòa.Một số đình chùa biến thành nhà thờ…Nho-Thích-Lão bị chèn ép trước sự phát triển của Thiên Chúa giáo được ngoại bang yểm trợ.

- Chống vì đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam 2 đời Tổng Thống đều là người Thiên Chúa giáo, nhất là đời nhà Ngô, Phật tử miền Trung bị bức hại và thảm sát; các huynh trưởng GĐPT, các khuôn hội và những tín đồ thuần thành năng động tại địa phương là những nạn nhân trực tiếp.Gần nhất là thời đệ nhị Cộng Hòa đã xảy ra đẫm máu giữa Tín đồ Thiên Chúa giáo Hố Nai sát phạt người biểu tình tại Phú Nhuận,Sài gòn.

- Từ những tấm gương trong quá khứ trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã làm cho sự e ngại nếu Thiên Chúa giáo biến đất nước này trở thành nước Chúa, mặc dù hiện nay chỉ bảy triệu tín đồ trong một trăm triệu dân.Đó là hiện tượng gần nhất để cho họ chống bang giao.

TP HCM đã giao 7.500 m2 đất cho tòa Tổng Giám mục xây dựng Trung tâm Mục vụ và Tổng Liên hội Hội Thánh Tin lành Việt Nam. Trên Buôn ma Thuộc tòa Giám mục được cấp 11.000 m2 đất.Tòa Giam mục Đà Nẵng được cấp hơn 9.000m2. Giáo xứ La Vang Quảng Trị cấp thêm15.000 m2 để xây dựng Trung tâm hành hương. Hội truyền giáo Cơ Đốc Việt Nam được cấp thêm 6.000m2…ngoài ra nhà nước còn hỗ trợ in ấn kinh Thánh bằng tiếng sắc tộc thiểu số, xuất bản hơn 3.000 cuốn kinh Thánh bằng tiếng Bana, Ede, Gia rai…(sách trắng Nhân quyền 2018 mang tựa đề : “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở VN” Bộ ngoại giao trang 19 – 23).

Như vậy chứng tỏ Việt Nam đã thể hiện chính sách ưu đãi đối với Thiên Chúa giáo như thế, trong khi trên thế giới, ( theo luật mới của Scotland kinh Thánh và giáo lý Cơ đốc bị kết án là kích động và hận thù.Đây là bản tin từ Vatican).

Lo sợ là lo sợ không thể tránh được bánh xe lịch sử khi mà đất nươc hội nhập toàn cầu.Điều mà người dân thắc mắc, Chủ tịch nước ngoại giao với Vatican trên cương vị lãnh đạo một đất nước đối với một đất nước, nhưng tòa Tổng giám mục là một hệ thống hành chánh Tôn giáo, nếu không là Vụ trưởng vụ Công giáo thì chỉ cần Ban Tôn giáo chính phủ đến thăm xã giao là đúng nghi thức, đâu cần phải Chủ tịch nước vừa thăm Vatican rồi đến thăm con cái của Vatican.

Dư luận là tiếng nói góp phần hoàn chỉnh chính sách ngoại giao và bang giao. Dĩ nhiên dư luận có đúng có sai, nhà nước cần lắng nghe để đưa ra một quyết sách.Quá khứ lịch sử dân tộc cũng từng có những sai lầm đưa đất nước vào chỗ đau thương. Từ thế kỷ 19 các đời vua chúa lúc bấy giờ chưa có phương tiện truyền thông nên chính sách giải quyết với ngoại giáo và ngoại bang chưa đúng mực. Hy vọng Việt Nam đang có nhiều cơ hội đủ uy tín trên chính trường quốc tế, đừng vội khi đặt bút ký bất cứ văn bản nào chỉ có lợi trước mắt. Ngoại giao và Bang giao là hai lĩnh vực không thể lầm lẫn.

MINH MẪN

06/9/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét