Đại hội Đại biểu Pg tỉnh Đaklak (nhiệm
kỳ 2022-2027)
NAM MÔ BỔN SƯ ….
Kính bạch…..
Kính thưa….
Chu kỳ sinh hóa của vạn
vật luôn biến dịch, từ tồn tại đến hủy diệt, từ suy thoái đến hình thành, nhờ
thế, cuộc sống luôn đổi mới, làm nền tảng cho tiến hóa.Vùng đất đỏ miền cao của
chúng ta cũng được hình thành từ cơ bản đó.
***
Rừng núi bạt ngàn,
sương giăng tứ phía, khí lạnh ấp ủ nuôi dưỡng những sinh mệnh có đời sống kết
quyện với thiên nhiên xa xưa; vô số sắc dân chưa từng biết đến văn minh cơ giới,
vùng đất được xã hội khai phá, tự nhận là “Hoàng triều cương thổ”, đã đẩy lùi
những chủng tộc đơn thuần đó lùi sâu vào âm u
núi rừng một thời, để rồi, người dân du cư chọn nơi đây làm mầm sống mới,
và ngày nay, sắc dân bản địa đã kết chặt với chúng ta, không những kinh tế,
sinh hoạt xã hội mà còn quan hệ đến đức tin Tôn giáo.
Chưa biết dân ta có mặt
trên vùng đất Ba zan tự bao giờ, nhưng chỉ biêt đa phần người miền Trung đã lập
nghiệp nhiều đời, từ đó thế hệ trẻ chỉ biết
Đaklak là nơi sinh quán trong cái lý lịch nguyên quán mơ hồ như cái mơ hồ
của núi thẳm rừng sâu.Điều hãnh diện của cư dân Trung Việt, đi đến đâu lập chùa
tới đó, chính vì thế, đầu thế kỷ hai mươi, ngôi chùa đầu tiên mang tên Khải
Đoan được bà Từ cung hiến cúng hơn bảy mẫu
đất để hình thành. Đây là cơ sở đầu tiên để Phật giáo Tây nguyên đi vào lịch sử
truyền thừa trong sự truyền thừa ba miền trên đất Việt.Và cũng từ đây làm nền tảng cho
Phật giáo Đaklak lan tỏa.
***
Đức tin đơn thuần vào
Tam bảo của cư dân Tây nguyên qua nén nhang thường nhật trên trang thờ sau một
ngày lao tác trên đồng áng; mùa sóc vọng Tam nguơn tranh thủ đi lễ chùa, hàng
chục cây số, trai tịnh cố lắm cũng chỉ mươi ngày. Sau khi các khuôn hội, chi hội
được thành lập, dân chúng tin Phật được chư
Tăng quy y, bứớc đầu sinh hoạt nề nếp, ma chay đám tiệc gắn liền với Phật giáo,
dần dà nhu cầu tín ngưỡng phát triển, chùa xuất hiện thêm các vùng sâu vùng xa
để cư dân không còn khó nhọc đến chùa.
GHPGVN tỉnh Daklak cũng
dần chỉnh đốn sau nhiều nhiệm kỳ rút kinh nghiệm.Điều
đáng nói là Phật giáo đã quan tâm đến đồng bào thiểu số,
vì thế vị sư khất sĩ đầu tiên đã soạn giáo lý cho người Ê đê, để rồi, vùng cao là nơi có đồng bào sắc tộc Tây nguyên đến với
Phật giáo sớm nhất.
Những năm gần đây,
chư Tăng quan tâm với đồng bào sắc tộc nhiều hơn, nên những lễ hội lớn như Vu
Lan, Phật đản không thiếu bàn tay đóng góp của những anh chị em mang sắc màu bản
địa. Nơi xa phố thị như Cư’M gar, mùa đản sanh, tư gia sắc tộc cũng làm lễ đài,
cũng treo cờ giăng đèn...cũng tụng kinh, tắm Phật.
Sắc thái rộ nở Phật giáo vào vùng sắc tộc, đã
xuất hiện đàn voi rước Phật đản sanh tại huyện Lăk, chư Tăng đi bên cạnh đàn voi
với sắc vàng tỏa rạng thêm chiếc nón truyền thống tạo dấu ấn đồng hành qua mọi
thời đại.
Hiện tượng là thế,
nhưng để bảo tồn niềm tin lâu dài và kiên cố cho đồng bào sắc tộc, chư Tăng cần
dấn thân để cảm nhận nhu cầu thường nhật của họ cùng chia xẻ như từng chia xẻ với
đồng bào kinh của chúng ta những gì có thể.Dĩ nhiên nhu cầu tâm linh hay vật chất
của họ đơn thuần hơn người kinh chúng ta, chúng ta cần lập nhóm, hội cho họ
sinh họat mỗi tuần ở chùa hoặc tại nhà rông để học thêm giáo lý và nghi lễ, tạo
cho họ có ý thức trách nhiệm với nhau, có như thế mới gắn kết lâu dài và bền vững.
Việc xây dựng đã khó mà bảo tồn càng khó hơn.
Những bước đi của
Phật giáo khất sĩ nói riêng và Giáo hội nói chung đến với đồng bào dân tộc Tây
nguyên, sắc tộc Ê đê là một dấu ấn hiện thực; chính vì thế bản Xác lập Kỷ lục
cho TX Ngọc Quang khi quy y cho đồng bào Ê Đê là việc cần có.
Hy vọng chúng ta cần
có lớp giáo lý thường xuyên giúp cho những tín đồ sắc tộc hiểu thêm về niềm tin
Tam bảo, huy động anh chị Phật tử có tâm hỗ trợ công việc đến với họ, có như thế,
tiêu chí : “ Phật giáo đồng hành và hòa mình cùng đồng bào Tây nguyên nói chung
và Đaklak nói riêng” đúng là hạnh nguyện hoằng dương chánh pháp hiện nay.
NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM
BỒ TÁT MA HA TÁT
Trang trọng kính chào liệt quý vị