Mùa Vu Lan sắp qua, cứ thế, thời gian chuyển vần theo
chu kỳ “sanh-trụ-dị-diệt” của vũ trụ thì đời người cũng trãi qua “sanh-lão-bệnh-tử”
như một mắc xích vô tình, dù muốn hay không, ai cũng phải bước qua cửa ải kết
thúc mạng sống!
***
Để cuộc sống thêm đậm hương vị, con người lập nhiều lễ
hội quy định theo cột mốc thời gian, như là trốn chạy khổ đau thực tại, vui
theo hưởng thụ, vui theo quy ước xã hội, con người cũng tìm nguồn vui cho cá nhân
qua chén tạc chén thù, hoặc cao cả hơn, vui trong đạo lý nhân sinh, vui theo pháp
hành nâng cao tâm thức.
Mùa “hiếu hạnh” cùng nhau chìm sâu trong nghệ thuật tán
dương đức hiếu sanh, đức tri ân,gợi nhớ bốn ân sâu bằng lời tán tụng, âm điệu
cho những cánh hoa biểu tượng lòng người đối với đấng sanh thành. Cứ như thể đã
xong hạnh báo ân, mãn lòng với niềm hiếu
hạnh. Có một kẽ hở tuy không lớn nhưng rất quan trọng mà mùa Vu Lan không
hề nhắc tới. Đúng là vậy, tuy không dính dáng đến đức hiếu hạnh nhưng vẫn là đức
hiếu sinh trong cuộc sống. Kinh “Thiện Sanh” nhắc nhở bổn phận cha mẹ đối với
con cái. Ngoài cái ăn cái mặc, chu cấp vật chất cho con nên người, vấn đề tình
thương còn là nồng cốt để con nuôi dưỡng đức hiếu thảo. Tình thương không đồng đều
trong một bầy con, là tác nhân để những đứa con bất hạnh sanh mặc cảm.
***
“ Bầy em được cha mẹ cưng chiều, người anh hẩm hiu
trong một góc lạnh lẽo, không được hòa nhập niềm vui với gia đình; luôn gánh chịu
những trận đòn vô cớ khi em làm lỗi,gánh vác mọi chuyện trong gia đình không được
ăn học tử tế.Những đêm Đông lạnh giá, vết roi nứt thịt trên thân, trong căn chòi,
trên chiếc giường tre người con cả khẻ rên, mắt hướng về nhà trên có tường xây ấm
cúng, nơi ấy, cha mẹ và bầy em đang được ấp ủ chăn êm nệm ấm.Anh cả thèm được bữa
ăn no khi mà mâm cơm cả nhà còn lại.Đôi khi con cả lén nhìn người mẹ nghiêm khắc
như lén nhìn một người xa lạ, và người cha, cho dù có thương con cả, vẫn không
dám bộc lộ, can thiệp cho con được hưởng tình cảm chan hòa trong mái ấm thường
nhật…Bao bất hạnh đẩy người con cả hòa nhập vào xã hội; có lúc sống trong cô
nhi viện bà phước, có khi tá túc dưới gầm cầu. Xã hội mạnh được yếu thua cũng từng
giành nhiêu áp bức cho số phận người con lạc loài vô định.
Phước báo nào có sẵn đã bù đắp cho cậu cả không rơi vào
thế giới tội lỗi. Tuy ba chìm bảy nổi, vào tù mà không hề có tội, nhập vào xã hội
không vốn liếng, không học vị mà vẫn đủ nhân cách làm người…”
***
Trong cuộc sống không thiếu những tình cảnh như thế;
oan gia trái chủ tìm đến nhau trong một gia đình, cha mẹ cũng phải hiểu được tâm
trạng của một con trẻ. Một nắm ruột sanh ra sao lại nỡ bất công với bầy con của
mình; dùng tình thương xóa nhòa ác nghiệp cho nhau thì làm sao có con bất hiếu.
Kinh “Thiện sanh” Phật dạy về trách nhiệm, bổn phận
cho nhau từ gia đình đến xã hội, xây dựng một xã hội lý tưởng, như thế, nếu mùa
Vu Lan không đánh động tình cảm gia đình, tình cảm mẹ cha đối với con cái, phải
chăng là một kẽ hở thiếu sót trầm trọng. Đừng thắc mắc tại sao có những người
con bất hiếu mà không hỏi tại sao có những cha mẹ thiếu trách nhiệm, thiếu tình
thương đối với con cái do mình sanh ra!
***
Nếu những người con bất hạnh trong gia môn, được giáo
hóa bởi đạo đức Tôn giáo, bởi giáo dục học đường, trở thành người có nhân cách,
biết tri ân, hiếu nghĩa thì cha mẹ được thấm nhuần đạo đức Tôn giáo không lẽ nào
vô trách nhiệm với con mình đã sanh ra?
MINH MẪN
17/8/2022
Mùa Vu Lan 2566
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét