Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

TÀM VÀ QUÝ (2)

Có người thắc mắc: - Làm phật sự không lương, sao nhiều thầy vẫn muốn chạy chọt, cho dù chức nhỏ nhất như phó thư ký cấp huyện, xã cho đến Thành phố hoặc Trung ương.?

                                                            ***

Dĩ nhiên trong chăn mới biết chăn có rận!

Có người làm trong Giáo hội nhiều nhiệm kỳ, chẳng đóng góp được gì ngoài cái danh phó BTS TP. Tay chân run rẩy, đứng đi không vững, ngoài bảy mươi, thế mà vẫn nài nỉ xin được tiếp tục phục vụ ( chả biết phục vụ cái gì )

Các vị ngoài 70 đều phải về vườn lo tu tập, chả hiểu thế nào, ngoài sự nài nỉ, vị này còn được chức sắc cao hơn do óc địa phương, bảo bọc, can thiệp cho được thêm nửa nhiệm kỳ, quả thật kỳ cục khi được luu nhiệm!

Không riêng tại Thành phố, một vài Tỉnh Thành  cũng khó thoát khỏi cảnh:”Cái vòng danh lợi cong cong, kẻ trông ra khỏi người mong bước vào”.

Một vị ngoài 80, còn ngoại giao lòn cúi thế tục để xin lưu nhiệm thêm nửa nhiệm kỳ quả là điều khó hiểu. Từng đảm nhiệm nhiều năm mà vẫn còn chưa thỏa mãn, chắc chắn đây không phải do nhiệt tình phụng sự phật pháp, vậy phục vụ cái gì???

Bất đắc dĩ do Phật bổ xứ hoặc Tăng sai mới đảm nhận, khi đảm nhận phật sự thì làm nhiệt tình; những vị như thế không bao giờ mong cầu chức danh hay lợi lộc. Ngược lại, một khi mong cầu chức vụ, chắc chắn tâm mong cầu đi kèm danh-lợi-tình của người thế tục.Cái tâm như thế làm sao chu toàn nhiệm vụ được giao phó?

Thế gian lo chu cấp cho vợ con nên phải tìm mọi cách để có tiền, người tu với tâm buông xả, vị tha, muốn nhiều tiền để làm gì? Vương vị như đức Phật còn bỏ tất cả vào rừng sống với thiên nhiên, một số đệ tử Phật ngày nay từ tay trắng, vào chùa một thời gian, trở thành phú Tăng. Tâm hướng ngoại tìm cầu lợi dưỡng thì làm gì còn thời gian hướng nội tầm cầu giải thoát! Theo tổng số Tăng Ni hiện nay thì số sai phạm như thế chưa đáng nói, nhưng so với số chức sắc trong tổ chức Giáo hội thì những thành phần suy thoái đáng báo động.

Người chân tu, tướng tự tâm sanh, tâm sung mãn năng lượng lộ tướng trong sáng,tâm an, thân nhẹ nhàng thanh thản, khác với thế gian là vậy.Người tu sử dung vật chất thế gian vừa đủ để tu cho mình vừa bù đắp cho sự ứng cúng của thế nhân; nếu quá thừa vừa phí phạm trong khi còn nhiều người đói, thêm nặng nợ trần gian,bao nhiêu công tu đủ trả nợ thí chủ, lấy đâu làm tư lương cho bản thân! sanh tâm tham đắm thì việc tu ắt phải suy giảm. Ngồi gần bậc chân tu cảm thấy an lạc, như thế mới đáng làm thầy thiên hạ. Tâm chỉ toan tính lợi hại, mong cầu chắc phải xa rời tánh Phật, làm sao giải thoát. Người chân tu không sợ thiếu thốn, lo gì phải bươn bả tích lũy. Kinh dạy:”thâm tín chư Phật giai sung mãn”

Tôn giáo nhất là đạo Phật luôn xa rời và ngược dòng tục đế, ngày nay hầu như đạo và đời chỉ khác nhau chiếc áo, cái đầu. Như thế làm sao xứng danh”Thiên nhân chi đạo sư”?

Cũng không thiếu những tu sỹ và cư sĩ, không cần chức danh mà vẫn đắc lực phục vụ xã hội, nuôi trẻ mồ côi, cưu mang người già, xây nhà tình thương, làm cầu, đắp đường, khoan giếng…một cách vô tư trong sáng mà không phải kêu gọi phô trương quảng cáo. ( từ thiện khó thoát khỏi những tâm xấu lợi dụng, điều này khỏi phải nói).

Phục vụ vô ngã là công hạnh Bồ tát, phục vụ vị ngã là tâm hành ma chướng. Trong xã hội, có Phật tất có ma, nhưng trong đạo ma Phật lẫn lộn như vàng và cát, Phật cao một thước, ma cao một trượng, khác nhau là tâm từ hạnh bi toát hiện qua việc làm. Những vị mang tâm Bồ tát phục vụ chúng sanh không có yêu cầu mà chỉ tùy duyên phụng sự, vì thế ít gặp chướng ngại, không bị ma tâm dẫn lạc sang lợi dưỡng tính toán. Sơ tâm xuất gia ai cũng đến với tâm trong sáng, nhưng do không kiểm soát tâm để ngoại duyên lạc dẫn vào chốn danh – lợi – tình.

  Người có căn cơ đạo đức, luôn nhìn lại chính mình, tránh xa lợi dưỡng thì quyền  cao chức trọng để làm gì? Bỏ gia thế vào chùa lại đị nhầm con đường đã từ bỏ, uổng thay một đời, Đạo không ra Đạo, Đời không ra Đời; dối Phật gạt đời, cửa nào sẽ đón chúng ta???

                                                         ***

Thế thì,đừng ai thắc mắc tại sao làm không lương mà nhiều vị vẫn muốn xin xỏ chạy chọt có một chức danh trong Giáo hội, hãy thương cho tâm vô minh không đợi tuổi tác, xin đừng thắc mắc làm gì! Thật đáng buồn khi nói đến, nhưng biết sao hơn cứ che đậy mụt ung mủ thì sẽ thành mạch lương ăn khắp cơ thể.

MINH MẪN

01/7/2022

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

ĐỌC BÁO HÀ NAM ONLINE

 Trong mục văn hóa của báo Hà Nam vào ngày 04/6/2022, tường thuật lễ khai pháp khóa an cư kiết hạ Phật lịch 2566 – Dương lịch 2022.

Tại TP Phủ Lý, BTS GHPG tỉnh đã tổ chức lễ khai pháp khóa an cư tại chùa Bầu. An cư là thông lệ hàng năm của Phật giáo có từ thời Đức Phật sanh tiền. Toàn quốc ba miền cũng đã tiếp tục duy trì pháp giáo, tùy mỗi nơi tổ chức.Đây là một nghi thức thuộc nội bộ, nó không phải nghi thức hành chánh, thế nhưng, ngoài Hà Nam,còn nơi nào có kiểu tổ chức phi lý khi mà mời đích danh, cung nghinh các quan chức tham gia,tiến vào đạo tràng, chính quyền đi song song với chư Tăng chức sắc và giáo phẩm giữa hai hàng phật tử cung kính chấp tay .

Ngoài HT Thanh Quyết, phó chủ tịch Hội Đồngng Trị sự Trung ương GHPGVN, Trưởng BTS Tỉnh còn có lãnh đạo UBMT Tổ quốc, đại diện sở nội vụ,, Công an tỉnh,ban Dân vận Thành ủy Phủ Lý, Công an các huyện, thị xã, thành phố, các sở ban ngành của tỉnh cùng Tăng ni và đồng bào phật tử.

Truyền thống, chư Tăng “bất bái quân vương”. Minh họa cho sự tôn kính, chùa Hòe Nhai hay còn gọi là Hồng Phúc tự, nằm ở số nhà 19 phố Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội) là ngôi chùa cổ, tương truyền có từ đời nhà Lý và là chốn tổ của phái Tào Động, một Thiền phái lớn của Phật giáo Việt Nam.Có tượng gỗ nhà vua mặc hoàng bào, cung kính khom mình cõng tượng Phật

Tu sĩ là bậc xuất ly Tam giới, không còn lệ thuộc những nghi tắc thế tục; ngoại trừ Thiền sư Vạn Hạnh đứng trước tình trạng quốc phá gia vong nên đích thân đảm nhiệm việc triều chính; sau đó vẫn trở lại am tranh thúc liễm thân tâm tiến đến giải thoát. Trong thời ly loạn bị giặc phương Bắc xâm lăng, chư Tăng cũng phải khoác chiến bào làm tròn nhiệm vụ người dân đối với Tổ quốc; nhiệm vụ thế gian hoàn tất, con đường tu hành vẫn cách ly danh chức thế tục, không để thế gian chi phối đời sống Thiền môn.

Như thế xuất gia là hạnh thoát tục nhưng vẫn không quên nhiệm vụ lúc đất nước cần, tuy vậy, không bị danh lợi quyền lực chi phối.Thể cách nhà sư buộc phật tử chắp tay nghinh đón thế quyền như nghinh đón chư Tăng rất khó coi. Quan chức vui gì khi có những nhà sư xu nịnh trắng trợn!Khi lễ, quần chúng không được đứng ngang chư Tăng, lẽ nào quan chức đi song hành chư Tăng để cho phật tử tiếp đón? Tình trạng này nếu trở thành thông lệ, rồi đây Bố Tát tụng giới, tác pháp yết ma…cũng mời nhà nước chứng minh?

 

Hình như một số thầy không nắm vững thế nào thuộc nghi thức hành chánh, thế nào là nghi lễ tôn giáo, chẳng những thế, ngay cả lễ Vésak, có nơi đem tượng Hồ chủ tịch tắm chung với tượng sơ sinh, cứ tưởng làm thế là lấy lòng nhà nước.Chắc chắn những cán bộ có nhân cách sẽ khó chịu. Để chỉnh đốn, thiết nghỉ Giáo hội nên minh định rõ cho một số Tăng biết thế nào thuộc lãnh vực hành chánh, thế nào là nghi thức tôn giáo để diện mạo Phật giáo Việt Nam dưới cái nhìn nước ngoài và các tôn giáo bạn có phần chính chắn hơn.

PGVN hiện nay còn nhiều vấn đề cần nói thẳng nói thật, một số Tăng còn cần chỉnh đốn khi mà giới hạnh, giáo luật chưa thông.!

Đọc báo hàng ngày thấy toàn tiêu cực trong một bộ phận của Phật giáo Việt Nam hiện nay thấy buồn!

MINH MẪN

23/6/022

 

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

BỤT CỦA BÉ


Mấy ngày sau khi ra mắt tập thơ “Bụt của Bé”, cố gắng lắm để hoàn thành lời hứa với tác giả - HẠNH PHƯƠNG – người bạn già, mỗi khi khó chịu thường nói bông đùa.

Từng đọc thơ của Lê sa Đà, Phan Cát Tường, tâm bay bổng đến “vô sở hữu xứ diệt”, có thể ba hoa bất tận, không cần biết có đúng ý thơ của tác giả chăng, chẳng để ý người đọc có hiểu lời của người bình. Cứ như kẻ mộng du suốt sáu nẽo luân hồi.

Chiều mưa xứ Hốc…Căn gác gỗ cà phê “Xưa và Nay”, lác đác chị em con cháu bê quà cáp, hoa quả mừng ngày sinh nhật cũng là dịp ra mắt tập “Bụt của Bé” mà tác giả chuẩn bị khá chu tất. Quay phim, chụp hình cứ như một phim trường cổ trang.

Đặc biệt, tuy xa và mưa, HT Thích Thiện Đạo tức nhà thơ Lăng Già Tâm từ Biên Hòa cũng có mặt như đã có mặt đầu tập thơ qua lời giới thiệu quá ư nghệ thuật của người!

Nhạc sĩ trẻ Phật giao Trần Huệ Hiền luôn gắn liền cuộc đời với chiếc guitar đệm đàn cho Ninh Giang Thu Cúc, một nữ sĩ tài  danh trên văn đàn Việt đọc thơ của Hạnh Phương..

Không gian ấm cúng, kéo tâm tưởng từ cảnh giới mênh mông xuống tận trang thơ của bé: “TRẺ CON” –“Thương con trẻ lên ba – bố rầy;ngoe nguẩy giận – nước mắt mưa một trận -Quay lại đã: Ba, Ba…Đó chỉ là cái dễ thương thường tình; cái mà tánh thể Bụt của bé, đã hiện đủ toàn thân thể Bụt:EM BÉ -Hồn nhiên em bé ơi/ Mũm mĩm nụ hoa cười/ Tâm hồn thơm lộ hé/ Tia nắng hồng tinh khôi/ Đôi môi ngon cười nói/Đôi mắt biếc trời trong/ Ngón tay trỏ thần thông/Gồm thâu mười phương cõi…Chỉ vài câu đã đủ toát hiện thực tánh rất người và chất Phật. Bé đã được thắm đượm nắng hồng từ thuở chào đời: “Sân chùa mở ngõ Pháp Hoa/Cho em thơ bước vào nhà Như Lai/ bước chân chánh niệm hòa hài/nụ cười thơ,ánh nắng mai tươi hồng (Trước sân chùa).”

Tập thơ có ba phần: “Bụt của bé” - “Công cha nghĩa mẹ” và “Nụ cười”, chỉ có phần ba, bé được thể hiện “nhân chi sơ tánh bổn thiện” sát với chủ thể “Bụt của Bé"

Thật khó khi tuổi thất thập cổ lai hy để diễn đạt chất Bụt nơi trẻ thơ, thế mà cụ Hạnh Phương khéo dùng ngôn ngữ đời thường để  cho Bụt và Bé là một.Tuy tập thơ không nói nhiều đến chất Bụt của Bé, nhưng bản chất trẻ thơ của bé đã đủ tố chất Bụt qua vài giòng giản dị!

Buổi ra mắt thơ BỤT CỦA BÉ tuy ngắn gọn trong không gian ấm áp được phủ kín hơi mưa bên ngoài, làm tăng nộj chất rất thơ buổi ra mắt thơ khi suốt đời tác giả sống trong thơ nhưng không hề mộng mơ!!!

MINH MẪN

22/6/2022

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

TÀM VÀ QUÝ


Theo thuật ngữ Phật giáo Tàm – Quý có nghĩa là biết hỗ thẹn, biết liêm sĩ.

Từ điển Phật Quang Luận Câu xá giải thích về Tàm và Quý như sau: “Tàm là lòng tôn kính các công đức và người có đức, Quý là lòng sợ tội lỗi” và “Tàm là khi mình phạm tội mặc dầu không có ai biết nhưng tự cảm thấy hổ thẹn, còn Quý là khi mình tạo tội mọi người đều biết mà mình xấu hổ.” Như vậy, Tàm và Quý đều là tâm hổ thẹn; nhưng có sự khác nhau trong đối tượng mình và người nên phân làm hai. Tâm hổ thẹn này có tác dụng nuôi dưỡng nhân cách con người rất lớn. Kinh Đại Bát Niết Bàn quyển 19 thì cho rằng: “Tàm là tự mình không tạo tội, Quý là không bảo người khác tạo tội; Tàm là tự trong lòng mình cảm thấy hổ thẹn, Quý là cảm thấy hổ thẹn khi bày tỏ tội lỗi của mình với người khác; Tàm là lòng hổ thẹn đối với người, Quý là lòng hổ thẹn đối với trời.” 

Như vậy, Tàm có nghĩa là cảm giác hổ thẹn trước những hành vi phi đạo đức, gọi cách khác chính là lương tâm. Quý là e ngại hay dè chừng, lo sợ hậu quả của hành vi sai trái. Với một người, nếu không có tâm biết xấu hổ thì họ sẽ làm những việc sai trái, ngông cuồng, lừa người dối bạn, xem thường người khác… mà không hề mảy may suy nghĩ nên hay không nên làm. Ngược lại, người có tâm tàm quý, họ sẽ suy nghĩ những việc của mình, luôn cân nhắc, chắc lọc ý tứ từ trong suy nghĩ cho đến hành động; mỗi một việc họ làm đều phản quang soi chiếu lương tâm của mình.

                                                    ***

Nhân cách làm người quân tử luôn biết hỗ thẹn những việc làm, lời nói và ý nghĩ sai trái với lương tâm. Thế thì nhân cách của một tú sĩ không thể khác hơn, luôn cảnh giác tâm ý và việc làm để thân được đoan chính, tâm được trong sáng ngay thẳng.Để bảo hộ đức TÀM-QUÝ, một bậc xuất gia thọ giới Đại thừa, thọ Bồ Tát giới luôn trang bị TAM TỤ TỊNH GIỚI: “Nhiếp luật nghi giới – nhiếp thiện pháp giới – nhiêu ích hữu tình giới”.

Các bậc chân tu thường ẩn cư để giữ tròn giới hạnh; trong xã hội ngày nay, chư Tăng phải nhập thế để hoằng truyền giáo pháp, hoặc hành sự cá thể hoặc gia nhập giáo đòan, giáo hội vì một nhiệm vụ cao cả chứ không vì lợi vì danh. Trước 1975 Giáo hội PGVNTN, được Tăng sai đảm nhiệm chức vụ mà quý thầy đôi lúc không muốn. Chính lòng khiêm cung đó mà một Giáo hội đối nội đoàn kết, đối ngoại vững mạnh, trong vòng 11 năm dầu sôi lửa bỏng vẫn đủ uy tín trên trường quốc tế. Trên 20 vị lãnh đạo các ban ngành lúc bấy giờ đã hoàn thành xuất sắc một cách một cách đồng bộ, do đức hy sinh, lòng trong sáng vô vị lợi và biết khiêm cung.

                                                 ***

Từ năm 1981, GHPGVN được thành lập, đến nay trên 40 năm, tuy hệ thống hành chánh đã hình thành chỉnh chu, nhưng tổ chức nhân sự chưa được hoàn chỉnh.Đúng người đúng việc chưa đủ, đòi hỏi giới hạnh, có trách nhiệm và lòng tự trọng, biết hy sinh. Mỗi lần đại hội là một lần lủng củng. Để chuẩn bị Đại hội Giáo hội toàn quốc, BTS PG TP HCM vừa hoàn tất 2 ngày đại hội, chỉnh đốn nhân sự. Theo Hiến chương, trên 70 tuổi buộc phải nghỉ hưu, để quý thầy trẻ đảm nhiệm phật sự với tinh thần sáng tạo; đó là điều đúng. Có điều trái nghịch, vị được đề cử thì luôn tìm cách từ chối, người quá tuổi quy định cứ nằng nặc xin tiếp tục được phục vụ GH. Dĩ nhiên người từ chối vì tự xét khả năng, uy tín của mình nên không dám đảm nhận. kẻ vô tài bất tướng chưa đóng góp được gì suốt những năm qua, trái lại còn nhiều miệng tiếng, thế mà cố xin được lưu nhiệm.Cái khó của những bậc lãnh đạo do lòng từ nặng hơn nghị lực, còn bị áp chế từ bề trên nên buộc lòng lưu nhiệm con sâu độc, vì thế, chả lạ gì cái gọi là GHPGVN ở một vài địa phương hiện nay là một tổ chức của sự lủng củng do nhiều thành phần bất tài tham quyền cố vị thao túng.

Ai cũng muốn PGVN trong sạch, vững mạnh mà không ai đủ năng lực trong sạch hóa nhân sự hiện tại. Thời gian dịch bệnh, GH chi ba ngàn tỷ cho việc đối trị Covid 19 Phật giáo trong nước lẫn PG nước ngoài,hỗ trợ y tế xã hội… dĩ nhiên người nắm giữ tài chánh phải là người có lòng, có uy tín và có khả năng. Không có con người như vậy, liệu GH có duy trì sinh hoạt quanh năm? Thế nhưng, vì đức Tàm-Quý, không hề vận động xin xỏ một vị thế xứng đáng với tầm vóc của mình, thì ngược lại cũng có con người thiếu đức Tàm Quý một cách khó hiểu giữa đại hội vừa qua của TH PG TP. Con người vô liêm sĩ thì ở vị trí nào cũng đều là mối nguy hại cho tổ chức; bảo sao PGVN hiện nay vẫn chưa đủ uy tín đối với quần chúng trong và ngoài nước.

Ban tổ chức nhân sự không những nắm vững nhân cách, trình độ, uy tín của từng tu sĩ để cơ cấu vào tổ chức, mà còn cần có bản lãnh, vô tư để loại trừ thành phần bất hảo trong nội bộ, có như thế mới lành mạnh hóa được Phật giáo hiện tại.

Qua năm lần bảy lượt vận động HT T Lệ Trang chấp nhận ngôi vị Trưởng BTS PG TP,nay Đại hội đã thành công, như thế vẫn chưa đủ nếu nhân sự bên dưới phụ trợ chưa đủ năng lực và uy tín. Đến nay, vẫn còn những ý tưởng phân biệt vùng miền để cản trở những tu sĩ có năng lực đảm nhiệm chức vụ còn lại trong Thành hội.Đây là tâm đố kỵ, cố chấp đáng ra không nên có của một tu sĩ trong đạo Vô ngã như Phật giáo.Cứ thế, PGVN khó mà đoàn kết tạo uy tín.

Dù vị thế nào, TÀM và QUÝ vẫn là tiêu chuẩn đo lường công hạnh của một hành giả độc cư hay một cán sự Phật giáo. Tín đồ cư sĩ cần trang bị cho mình sự liêm sĩ, lẽ nào tu sĩ thiếu đức khiêm cung???

 

MINH MẪN

20/6/2022

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

HẠT LỆ VU LAN


Tuấn đẩy cái thau hứng từng giọt nước rơi xuống từ mái lá. Bên ngoài, mưa vẫn rơi, người đi đường vẫn lầm lủi trên con đường lầy lội làng quê. Chiếc tời lá nặng trich dưới cái nón  rộng vành, che khuất khuôn mặt Tú, trông như nụ nấm di động.

Đặt giỏ quà xuống ngạch cửa, Tú treo chiếc tời lá và nón lên vách, giũ giũ ống quần còn đọng nước mưa.   -“ anh soạn đồ ra giúp em, chắc gạo ướt hết. mỳ gói, đường, bột ngọt hổng sao đâu. Mưa lâu quá em không chờ tạnh được.”. Tuấn tựa hai bàn tay trên hai chiếc đòn thấp, nâng tấm thân hỏng đất, đôi chân quặt quẹo lếch thếch trên nền đất ẩm thấp. Việc nhà phần lớn Tú gánh vác cho anh. Từ lúc cha qua đời, mẹ đi làm xa, hai anh em nương nhau dưới túp lều tranh mục nát. Vách lá không đủ che những cơn gió lùa.Tuổi 15, Tú đã đi làm thuê, mót lúa, bắt ốc, bắt cá. Tuấn quanh quẩn trong lều quét dọn; chăm bầy gà vừa nở. Năm khi mười họa Tuấn được Tú cỏng vào làng xem hát bộ, hoặc ngắm các nghệ sĩ mỗi khi có đoàn cải lương về làng. Hai anh em giải khuây chỉ có thế.

Vu Lan năm nay không có gánh hát nào về làng, chỉ có đoàn từ thiện của chùa Tỉnh hội phát quà, Gia đình Phật tử áo lam đem theo hoa hồng, Tú nhận quà, cài lên áo đóa hoa trắng, xin thêm một chiếc cho Tuấn.

_ “anh nấu cơm chưa? Chùa cho tương chao, em ra rừng hái ít lá non luộc chấm nha” Tú hỏi.

– “mưa gió vậy làm sao nấu được em,ông Táo ướt mẹp, củi chưa khô, anh em mình ăn mỳ gói cũng được” Tuấn đáp.

Tú đặt gói mỳ lên bàn thờ ba, lâm râm khấn. Lư hương không có một chân nhang nào. Hai anh em nghĩ, mình có lòng thành ba cũng chứng thôi, tiền đâu mua nhang đốt cho ba ấm lòng!

Ảnh Phật bà Quán Thế Âm nhặt được từ vỏ nhang ngoài chợ,dán trên vách lá cũng đã  ố vàng nhiều năm.

Ba năm rồi, không còn ba, vắng tin mẹ; mỗi lần nhận được quà cứu trợ từ Tỉnh hội, Tuấn nói với em : - Vu Lan lại về! Hai anh em nhìn nhau qua ánh mắt đượm buồn.

Chòi lá vẫn chung thủy che chở hai mái đầu xanh qua bao mùa mưa nắng. Tiếng gió rít giữa bầu trời hoàng hôn xám xịt; từng giọt nước rơi xuống đọng vũng trước cửa. hình ảnh ba mẹ long lanh theo dợn sóng nước mưa hay hạt lệ ngấn đọng trên khóe măt, Tuấn thở dài – nói với em như tự nhủ thầm – Sao mỗi lần Vu Lan về lại mang theo hạt lệ cho anh em mình vậy Tú!

Mưa nặng hạt, trời tối mịt phủ trùm cảnh vật như phủ trùm tương lai đôi trẻ; trần gian tưởng chừng chưa hề có mãnh đời bất hạnh, cô quạnh của anh em Tuấn-Tú! Chỉ có giọt lệ Vu Lan, anh em  Tuấn mới chợt tỉnh một sự hiện diện tình cờ trong góc tối tinh cầu này.!

 

MINH MẪN

18/6/  MÙA VU LAN 2022

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2022

SEN NỞ GÓT CHÂN


“Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc” – tượng hình một hóa thân trên lễ đài hàng năm tại các chùa; ngày nay len vào cả tư gia nơi cộng đồng sắc tộc vùng cao; hình ảnh vườn Lâm Tỳ Ni đã gây xúc động cho các”U” miền Bắc lần đầu trong đời diện kiến từng gáo nước thơm tẩm tưới trên tượng sơ sinh làm sạch tươm đóa sen nâng chân Thái tử Sĩ Đạt Ta. Huyền sử “bảy đóa sen nở theo gót chân Bồ Tát ra đời”.

 Khi Thánh nhân xuất hiện thì “thất tình lục dục” dưới gót chân Người cũng hóa thành sen thơm nơi trần thế. Thuận thế tương sanh để giòng luân hồi nghich lưu – bùn hóa sen, trong bùn có sen hay bùn cũng là sen!.

Mỗi bước chân là một đóa sen nở, cái nhìn thông tục dưới con mắt thi sĩ, mọi sự hình như đảo lộn “sen nở gót chân”. Sen nở dưới gót chân hay dưới gót chân sen nở cũng thế thôi. Tinh thần “bất nhị” của nhà PHẬT cũng là ngôn ngữ bất nhị của nhà thơ nhiễm mùi chất Phật.

Một Tuệ sĩ, một Bùi Giáng đã thoát khỏi ngôn ngữ tương chao một cách điệu đàng thì những nhà thơ về sau, tuy còn lòng thòng vài hạt sỏi “Như Lai” : -  “cực lạc”, “luân hồi” – “Tâm kinh Yết đế…” lại là những hạt sỏi dễ chịu đưa người đọc xuyên suốt cảnh giới mà Bùi Giáng gọi là – “ta tưởng trần gian là cõi thật”

Ra mắt tập thơ : :Sen nở gót chân” của Phan Cát Tường tại quán cà phê “Xưa và Nay” ở Hốc Môn, đặc biệt anh chủ quán đột xuất có mặt chung vui có vợ chồng nữ sỹ Ninh Giang Thu Cúc, lương y Phan văn Sang, nhà báo Lương Minh+Kiều Phương, nhạc sỹ Trần Đức Tâm, Đặng Minh Hiền…một sáng Hạ lất phất hơi mát mùa bão. khu vườn không lớn lắm, thành tụ điểm giải lao món trà đặc sản, trong không gian ấm áp ngôi nhà cổ 150 năm bằng gỗ mít,.

Nữ sỹ Ninh Giang tâm cảm bài “Sài gòn nhập định”, minh họa thêm ngữ điệu làm hình ảnh thê lương giữa Sài gòn từng là thành phố nhộn nhịp nhất nước, hiển hiện trước mắt – “Sài gòn đang trong giờ nhập định – con tắc kè kêu trên ngọn cây dầu - đường phố vắng như Mồng một Tết – Cái Tết buồn, như chưa thể buồn hơn”.

Ai đọc tập “Sen  nở gót chân” mà không bắt gặp đâu đó những cảm xúc ít nhất trong đời, một lần. Anh Hưng chủ quán “Xưa và Nay” cầm trên tay tập thơ, nói – lúc bé rất thích thơ Bùì Giáng, nhưng thích mà vẫn không hiểu “Ngàn thu rớt hột” là gì, thì đây, bài “Bốn mùa hoang vu” mở đầu tập thơ lãng đãng như người cõi trên của gã gầy gộc bởi hồn thơ rút ruột ươm cho chồi non phiêu bồng thật dễ thương gần gũi; không lập dị cho tính nghệ sỹ lấp lánh: “ Ngày ở cốc, tối ở chùa -ban trưa ngủ giữa bốn mùa hoang vu. Khi thì mặc áo nhà tu, khi thì xuống phố vi vu cuộc đời.Khi thì thong thả rong chơi,khi thì bơi giữa mù khơi luân hồi….” Đố ai hình dung gã lãng tử phiêu du nhưng rất thực, bởi vì: -“…Quán Âm thường trụ biển khơi,con xin thường trụ giữa đời rong rêu”…cuối cùng”Đêm về ôm gối vô thường-Sáng ra mới biết còn thương…một người!

Hình như tinh thần Bát Nhã gặm nhấm tận xương tủy, thốt ra lời vẫn là thơ, thốt ra thơ vẫn mùi thoát tục:” Đêm đọc Bát Nhã Tâm kinh, thấy mình hóa đá – thinh không hiện lời…Ta là ai giữa cõi tâm, là trăng sao giữa đêm rằm, hát ca, là câu kinh nguyện thiết tha,của lòng sám hối Ta bà thị phi”bởi vì :”Đêm nay Trời đất nhiệm màu, Ta là ai, giữa bể dâu vô thường. Ta là ngọn cỏ hạt sương, Là chim, là bướm, là hương nguyệt cầm”. Có nghĩa Ta là tất cả, tất cả là Ta, Giữa Ta và tất cả không còn ranh giỡi phân biệt –“ Nhất đa tương dung” của tinh thần Hoa Nghiêm.

Xuyên suốt 72 bài thơ, ngôn ngữ như điệu ru trên vành nôi thế tục, ru người, ru đời nhưng tác giả vẫn chưa rơi vào  cơn mộng du; cứ hỏi ta là ai nhưng vẫn nhận diện đúng “chân như bản thể” của tục đế.

Cái lạ thường nói – Thơ là người, nhưng tác giả không còn người là thơ, vì hồn thơ, lời thơ đều tròn trịa gọn gàng trang điểm lên tấm thân lau sậy liu xiu trước bão tố. Không gặp người thì thơ đủ đại diện tâm hồn người, đại diện cho thuận và nghịch cuộc đời mà tác già uyển chuyển người là thơ, thơ là người; thế thì chả lạ gì “chân nở sen hay sen nở chân” cũng thế thôi. Gót chân Thánh nhân nở sen để thoát khỏi bùn nhơ, sen nở gót chân để hồn thơ thoát khỏi tục đế

Hãy thở hơi thở của thơ cùng tác giả để biết rằng Ta là ai giữa trần ai tục lụy để mà thoát  lụy trong dòng chảy vô sanh!

“SEN NỞ GÓT CHÂN” – PHAN CÁT TƯỜNG

 

MINH MẪN

01/6/2022