Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

HỐ ĐEN VÀ NGHIỆP THỨC

 Hố đen là gì?

’Khi một ngôi sao đốt cháy hết nhiên liệu, nó có thể bắt đầu quá trình suy sụp. Đối với những ngôi sao nhỏ, có khối lượng bé hơn 3 lần khối lượng Mặt Trời, lõi mới sinh ra sẽ là một sao neutron hoặc một sao lùn trắng. Nhưng khi một ngôi sao lớn hơn suy sụp, nó sẽ co lại để tiến đến tạo thành một lỗ đen sao.

Các lỗ đen sinh ra bởi sự suy sụp của các ngôi sao đơn lẻ sẽ tương đối nhỏ, nhưng lại vô cùng đậm đặc. Mỗi một vật thể như vậy sẽ đóng gói hơn 3 lần khối lượng Mặt Trời vào một kích thước chỉ tương đương một thành phố. Những lỗ đen này hút bụi và khí từ các khu vực xung quanh chúng và tăng dần kích thước.” (Vật lý thiên văn ).

                                                       ***

Theo tinh thần nhà Phật: “tam thế duy tâm, vạn pháp duy thức” nghĩa là ba thời quá khứ, hiện tại vị lai đều do tâm tưởng, mọi sự vật vô hình cũng như hữu hình đều do thức biến. Duy thức tam thạp tụng viết:

Do giả thuyết ngã pháp

Hữu chủng chủng tướng chuyển

Bỉ y thức sở biến

Thử năng biến duy tam.”

Nghĩa là, Ta và ngoài cái ta đều là giả, cái này có thì cái kia có, trùng trùng duyên khởi. Cái này hay cái kia đều là sở biến và năng biến của thức.chúng gồm có ba…Dị Thục Thức, Tư Lượng Thức và Liễu Biệt Cảnh Thức. (Dị Thục Thức) tức là A Lại Da Thức chứa tất cả hạt giống và quả báo. (Tư Lượng Thức) tức là Mạt-na thức là thức phân biệt, so sánh, chấp ngã.(Liễu Biệt Cảnh Thức) tức là Tiền ngũ thức và Ý thức.

BỒ Tát Thế Thân  vào năm (316-396CN), Tổ thứ 21 của Thiền tông Ấn Độ, sống vào thế kỷ thứ IV sau Công nguyên. Để giác ngộ đại chúng vượt ra khỏi chấp có và không, chấp ta và người; cho mọi sự mọi vật đều là có, từ đó sanh ra vọng tưởng, thất tình lục dục, Tổ  đã phân tích chi ly trạng thức của chúng sanh. Một khi hiện hữu đối diện với vạn pháp do nhân quá khứ hiện hành, để thoát khỏi mọi chấp tướng và tánh, hành giả nhìn đời như cởi ngựa xem hoa, vì chủng tánh của A lại da thức là vô ký; do khởi ý niệm phán đoán, phân tách, chấp trước của Mạt na thức nên kẹt vào vọng tưởng có và không, ta và người, chính vì thế sanh oán ghét hận thù, thương nhớ…tạo thành hạt giống tiếp diễn trôi lăn trong sáu cõi. Người phật tử chuyên sâu vào pháp hành, hiểu rõ đạo lý của tánh không, sống đúng tinh thần trung đạo thì làm gì hận thù, oán ghét xúc phạm nhau bằng những lời lẽ khó nghe, đưa đến hành động oan trái. Thái độ, ngôn ngữ của một người biểu lộ bản chất, nhân cách của người đó, người phật tử không thể có những cái không nên có của phàm nhân.

                                                        ***

Do huân tập những tư tường không tốt, cuốn hút vào tập khí âm, lâu dần như vòng nước xoáy hay lỗ đen vũ trụ, vừa có hấp lực của nghiệp thức tạo thêm hạt giống xấu mới, vừa tung ra những khí chất ô nhiễm vào từ trường chung quanh, vì thế có câu – gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Phật giáo có tứ nhiếp pháp: “bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự”; tuy chỉ là sự tướng trong cung cách hành xử, nhưng đó là căn bản vừa tịnh hóa thân tâm, vừa cảm hóa mọi người.Nếu hành động bố thí mà lời nói thiếu tôn trọng thì người nhận sẽ không vui, mà bố thí là một trong những cách cứu khổ ban vui của Phật dạy. Làm lợi cho chúng sanh, cùng chung công việc với mọi người để giáo hóa họ, mà hành động thô lỗ, lời nói khó nghe, thà là đừng mang danh một phật tử.Tâm hoan hỷ, lòng từ ái, lời dịu ngọt có mất gì cho ta, lại giúp ta thêm tinh tấn sống hạnh vị tha, gieo hạt giống lành vào tâm thức. Ông cha ta từng dạy – lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Dùng lời cay nghiệt cho kẻ khác đau khổ để thỏa mãn lòng ghen tức của mình là gieo thêm hạt giống oan trái cho nhau. Con chó cho dù đối xử tàn tệ, đánh đập thế nào, nó vẫn không quên chủ, có người thọ ân ba năm, một chút không vừa lòng là trở mặt xúc xiểm nặng lời bóng gió, quên cả nghĩa ân. Thế gian vô minh là vậy, người tự nhận là phật tử, ít ra cuộc sống  phải thánh thiện từ hành động đến lời nói,trong sạch từ ăn uống đến thọ hưởng; không nên phí phạm, lạm dụng của người giúp đỡ. Dù cho tiền của do mình tạo ra, nếu không có phước nghiệp tiền kiếp thì làm gì có cái ăn cái mặc sung túc hơn người? Không thiếu người tài giỏi mưu trí mà vẫn nghèo khổ, thế thì tại sao ta không vun bồi thêm thiện nghiệp? Tài khoản ngân hàng cứ tiêu xài mà không gửi thêm vào thì chắc chắn sẽ tiêu sạch vốn liếng. Phước nghiệp cũng thế. Không tiến tu đạo nghiệp giải thoát thì phải bồi đắp phước nghiệp Nhân Thiên nếu không muốn tương lai sẽ là người nghèo khổ.

                                              ***

Lỗ đen vũ trụ cuốn hút mọi vật thể , kể cả ánh sáng đến gần, thì tâm thức đen tối con người cũng thế, chiêu cảm mọi bản chất xấu, hấp thụ những đạo lý tốt đẹp biến thành tà tâm do bản chất thiếu lương thiện, ví dụ người dùng tôn giáo để lừa đảo thế gian, rồi sanh ra tiếp những ý thức hành động của tam nghiệp. “Khi một ngôi sao đốt cháy hết nhiên liệu, nó có thể bắt đầu quá trình suy sụp”. Khi phước báu tiêu hao, nghiệp vận sẽ suy sụp như thế, để biến thành hố đen nghiệp lực xoay vần trong sáu nẽo gọi là luân hồi.

Đi ngược lại mọi cái mà người thế ham thích, ngược dòng cảm xúc, hạn chế ngôn hành bất thiện là con đường người con Phật phải làm.

MINH MẪN                                                                                                             25/4/2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét