Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

HỐ ĐEN VÀ NGHIỆP THỨC

 Hố đen là gì?

’Khi một ngôi sao đốt cháy hết nhiên liệu, nó có thể bắt đầu quá trình suy sụp. Đối với những ngôi sao nhỏ, có khối lượng bé hơn 3 lần khối lượng Mặt Trời, lõi mới sinh ra sẽ là một sao neutron hoặc một sao lùn trắng. Nhưng khi một ngôi sao lớn hơn suy sụp, nó sẽ co lại để tiến đến tạo thành một lỗ đen sao.

Các lỗ đen sinh ra bởi sự suy sụp của các ngôi sao đơn lẻ sẽ tương đối nhỏ, nhưng lại vô cùng đậm đặc. Mỗi một vật thể như vậy sẽ đóng gói hơn 3 lần khối lượng Mặt Trời vào một kích thước chỉ tương đương một thành phố. Những lỗ đen này hút bụi và khí từ các khu vực xung quanh chúng và tăng dần kích thước.” (Vật lý thiên văn ).

                                                       ***

Theo tinh thần nhà Phật: “tam thế duy tâm, vạn pháp duy thức” nghĩa là ba thời quá khứ, hiện tại vị lai đều do tâm tưởng, mọi sự vật vô hình cũng như hữu hình đều do thức biến. Duy thức tam thạp tụng viết:

Do giả thuyết ngã pháp

Hữu chủng chủng tướng chuyển

Bỉ y thức sở biến

Thử năng biến duy tam.”

Nghĩa là, Ta và ngoài cái ta đều là giả, cái này có thì cái kia có, trùng trùng duyên khởi. Cái này hay cái kia đều là sở biến và năng biến của thức.chúng gồm có ba…Dị Thục Thức, Tư Lượng Thức và Liễu Biệt Cảnh Thức. (Dị Thục Thức) tức là A Lại Da Thức chứa tất cả hạt giống và quả báo. (Tư Lượng Thức) tức là Mạt-na thức là thức phân biệt, so sánh, chấp ngã.(Liễu Biệt Cảnh Thức) tức là Tiền ngũ thức và Ý thức.

BỒ Tát Thế Thân  vào năm (316-396CN), Tổ thứ 21 của Thiền tông Ấn Độ, sống vào thế kỷ thứ IV sau Công nguyên. Để giác ngộ đại chúng vượt ra khỏi chấp có và không, chấp ta và người; cho mọi sự mọi vật đều là có, từ đó sanh ra vọng tưởng, thất tình lục dục, Tổ  đã phân tích chi ly trạng thức của chúng sanh. Một khi hiện hữu đối diện với vạn pháp do nhân quá khứ hiện hành, để thoát khỏi mọi chấp tướng và tánh, hành giả nhìn đời như cởi ngựa xem hoa, vì chủng tánh của A lại da thức là vô ký; do khởi ý niệm phán đoán, phân tách, chấp trước của Mạt na thức nên kẹt vào vọng tưởng có và không, ta và người, chính vì thế sanh oán ghét hận thù, thương nhớ…tạo thành hạt giống tiếp diễn trôi lăn trong sáu cõi. Người phật tử chuyên sâu vào pháp hành, hiểu rõ đạo lý của tánh không, sống đúng tinh thần trung đạo thì làm gì hận thù, oán ghét xúc phạm nhau bằng những lời lẽ khó nghe, đưa đến hành động oan trái. Thái độ, ngôn ngữ của một người biểu lộ bản chất, nhân cách của người đó, người phật tử không thể có những cái không nên có của phàm nhân.

                                                        ***

Do huân tập những tư tường không tốt, cuốn hút vào tập khí âm, lâu dần như vòng nước xoáy hay lỗ đen vũ trụ, vừa có hấp lực của nghiệp thức tạo thêm hạt giống xấu mới, vừa tung ra những khí chất ô nhiễm vào từ trường chung quanh, vì thế có câu – gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Phật giáo có tứ nhiếp pháp: “bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự”; tuy chỉ là sự tướng trong cung cách hành xử, nhưng đó là căn bản vừa tịnh hóa thân tâm, vừa cảm hóa mọi người.Nếu hành động bố thí mà lời nói thiếu tôn trọng thì người nhận sẽ không vui, mà bố thí là một trong những cách cứu khổ ban vui của Phật dạy. Làm lợi cho chúng sanh, cùng chung công việc với mọi người để giáo hóa họ, mà hành động thô lỗ, lời nói khó nghe, thà là đừng mang danh một phật tử.Tâm hoan hỷ, lòng từ ái, lời dịu ngọt có mất gì cho ta, lại giúp ta thêm tinh tấn sống hạnh vị tha, gieo hạt giống lành vào tâm thức. Ông cha ta từng dạy – lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Dùng lời cay nghiệt cho kẻ khác đau khổ để thỏa mãn lòng ghen tức của mình là gieo thêm hạt giống oan trái cho nhau. Con chó cho dù đối xử tàn tệ, đánh đập thế nào, nó vẫn không quên chủ, có người thọ ân ba năm, một chút không vừa lòng là trở mặt xúc xiểm nặng lời bóng gió, quên cả nghĩa ân. Thế gian vô minh là vậy, người tự nhận là phật tử, ít ra cuộc sống  phải thánh thiện từ hành động đến lời nói,trong sạch từ ăn uống đến thọ hưởng; không nên phí phạm, lạm dụng của người giúp đỡ. Dù cho tiền của do mình tạo ra, nếu không có phước nghiệp tiền kiếp thì làm gì có cái ăn cái mặc sung túc hơn người? Không thiếu người tài giỏi mưu trí mà vẫn nghèo khổ, thế thì tại sao ta không vun bồi thêm thiện nghiệp? Tài khoản ngân hàng cứ tiêu xài mà không gửi thêm vào thì chắc chắn sẽ tiêu sạch vốn liếng. Phước nghiệp cũng thế. Không tiến tu đạo nghiệp giải thoát thì phải bồi đắp phước nghiệp Nhân Thiên nếu không muốn tương lai sẽ là người nghèo khổ.

                                              ***

Lỗ đen vũ trụ cuốn hút mọi vật thể , kể cả ánh sáng đến gần, thì tâm thức đen tối con người cũng thế, chiêu cảm mọi bản chất xấu, hấp thụ những đạo lý tốt đẹp biến thành tà tâm do bản chất thiếu lương thiện, ví dụ người dùng tôn giáo để lừa đảo thế gian, rồi sanh ra tiếp những ý thức hành động của tam nghiệp. “Khi một ngôi sao đốt cháy hết nhiên liệu, nó có thể bắt đầu quá trình suy sụp”. Khi phước báu tiêu hao, nghiệp vận sẽ suy sụp như thế, để biến thành hố đen nghiệp lực xoay vần trong sáu nẽo gọi là luân hồi.

Đi ngược lại mọi cái mà người thế ham thích, ngược dòng cảm xúc, hạn chế ngôn hành bất thiện là con đường người con Phật phải làm.

MINH MẪN                                                                                                             25/4/2021

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

DẤU CHÂN THẦM LẶNG

 

Có người chưa bao giờ làm từ thiện, họ thắc mắc tiền đâu mà các người làm từ thiện quanh năm suốt tháng lấy đó làm niềm vui.Dù đại gia cũng chỉ xuất kho một thời gian đủ kiệt quệ. Vậy thế nào có thể kéo dài nhiều năm tháng???

Một tối, người chuyên dắt mối đến thăm các nơi làm từ thiện nổi tiếng trên face book, chuyện lạ là cứ phải đi vào giờ âm mới linh? Thật ra giờ dương họ là những công nhân làm thuê vác mướn đủ tám tiếng, từ thứ hai đầu tuần đến thứ bảy.

Căn nhà thuê mặt tiền đường Hai Bà Trưng thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, phòng trước, chả biết gọi là nhà kho,phòng khách hay phòng thờ. Bàn Phật Tam Thánh trang nghiêm trên khung giá dựa vào vách nhìn ra đường. Bên dưới ngổn ngang đủ loại tạp phẩm; thanh niên có, phụ nữ có, ngồi bệch dưới nền nhà đóng gói, dán nhãn như một công xưởng. Những gương mặt đầy sự hoan hỷ như sắp được lãnh lương khi đạt doanh thu của các công ty đa cấp.

Các em thanh niên là những công nhân miền tỉnh đến Bình dương. Sau giờ lao động trong các kho xưởng, thay vì ăn chơi như nhiều thanh niên khác, được bà chị mộc mạc mang hạnh xả ly, kết nạp vào “công ty từ thiện” với cái tên Đông Hưng; Thế mà càng ngày càng đông hơn mới lạ, đáng lẽ nên lấy tên  “đông hơn” mới xứng tầm.Một số bà chị, các cô cũng nhiệt tình  hơn cả việc nhà, phải chăng ông bà ta có câu  “ăn cơm nhà vác tù và hàng Tổng”? hoặc là “ việc nhà thì nhác, việc cô bác thì siêng”. Nhìn các tình nguyện viên sồn sồn, biết chắc là toàn bộ ở giá như cô trưởng nhóm chăng! Tại sao những công nhân làm tự nguyện hân hoan như thế?

Đang làm việc tại Cty CPCN Đông Hưng Dĩ an Bình Dương, con người mộc mạc chân chất xuất thân từ Long Xuyên thuộc miền Tây Nam bộ, lên Sài gòn không biết từ thuở nào, trôi giạt đến Bình Dương, thầm nghĩ, đời công nhân sáng đi làm tối về ngủ như con dã tràng hoạt động vô nghĩa, chỉ vì miếng cơm? Tâm Phật tánh thiện là hạt giống ươm mầm nhiều kiếp, nhất là dòng máu gốc Hoa, nơi mà nhiều đời tin Phật, cho dù trôi giạt nơi mô, cũng khó làm cho hạt gióng bị thui chột. Một ngày đẹp trời, cuối tuần, vài chị em rủ nhau đi chùa, trên tay vài trái cam, một nhánh hoa, rồi từ từ phát tâm cúng dường trường Hạ. Trên vùng đất tốt, cây lá sum suê thì tâm Phật cũng phát triển theo sáng kiến và khả năng, từ đó, một nhóm chị em chung tay san sẻ đến với bao cảnh đời bất hạnh.

Lặng lẽ hành thiện như một hạnh nguyện lâu đời, chị em nam nữ trong công ty trở thành cánh tay đắc lực giúp nhóm thiện nguyện Đông Hưng thành một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, có mặt khắp nơi trên mọi miền đất nước. Hữu xạ tự nhiên hương, mạnh thường quân các nơi góp phần cho các chuyến cứu trợ.Những chuyến di nhiều gian nan khổ nạn vào mùa lũ, các buôn làng xa thị thành, qua sông lội suối, mang từng phần quà đến tay đồng bào sắc tộc.

Cứu trợ cho dân, cúng dường các chùa, chẳng những thế, còn cung ứng cơm chay hàng tháng cho cư dân bản địa.Như thế đã đủ đâu, người phụ nữ độc thân còn bôn ba giúp dân mổ mắt; hỗ trợ chăm sóc các bệnh nhân cô độc, xây nhà cho dân nghèo…tất tần tật, nghĩa là nơi nào nghèo đến tận chỗ, nơi nào khổ có Đông Hưng.

Với tấm lòng Bồ tát cho dù nát thây cũng phải làm, thế bảo sao các chị em công nhân không vui vẻ chung tay giúp sức. Lương công nhân chỉ đủ ăn sau khi đóng tiền nhà trọ, thế mà đôi lúc họ  vẫn sẵn lòng góp phụ mọi chi phí. Những chuyến đi xa, bà chị trưởng nhóm, cho dù thâm vốn, cũng san sẻ phần tiền xe, đôi khi bao trọn gói cho những ai trong nhóm không đủ khả năng. Đấy, từ thiện từ trong ra ngoài. May là nhà thuê, chứ không thì cũng phải cầm cố cho sạch vốn, chịu chơi là chơi tới cùng, bản chất người miền Nam không cần thủ mà chỉ cần xả. Tính ra hàng năm, chi phí cho bao việc từ thiện không dưới một tỷ đồng Việt Nam, trên mười năm như thế, ai không biết từ thiện là gì, cứ đặt nghi vấn – tiền đâu ra?.

Nhà Phật có câu: “thâm tín chư Phật giai sung mãn”, cứ đem lợi lạc cho quần sanh thì phước báu tự khắc bù đắp vào. Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật, đã là cúng dường chư Phật lẽ nào thiếu hụt vật chất để phụng sự chúng sanh. Hãy cho ra sẽ được bù vào, bảo thủ để hưởng thụ chẳng những hao tổn phước báu tự thân mà còn vô nghĩa cho cuộc sống.

Với lý lẽ như thế, người con Phật nói chung, và những tấm lòng vị tha đối với mọi người, luôn là tấm gương nhân hậu, ai cũng biết tên Loan Nguyễn đại gia trên Face book, lẽ nào cũng trên Face book không ai nghe tên Loan Huỳnh, người phụ nữ bản chất nông dân, đang là công nhân trắng tay mà lòng luôn trong trắng. Đấy, người phụ nữ lãnh đạo nhóm độc thân hóa thân thành từ thiện Đông Hưng, không những hành thiện bên ngoài, đã giúp cho các cô các chị có việc làm ý nghĩa trong cuộc sống, các em thanh niên không còn thời giờ tụ tập ăn chơi hư hỏng trong xã hội, còn biết lễ lạy trước tôn tượng trong căn nhà vừa là nhà kho, vừa là phòng khách, cũng là nơi cho các hành viên bái lễ hàng đêm.

Hãy gọi Loan Huỳnh là gì nhỉ???

 

MINH MẪN                                                                                                            19/4/2021








Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

NGẮM MÂY

 

Thơ đăng trên tập sách văn học RA KHƠI, số 6, phát hành 4-2021.

NGẮM MÂY

Trần Huệ Hiền

Hôm nào ngồi ngắm mây bay

Chợt nghe lá rụng một ngày chớm xuân

Rồi đôi mắt ngó mông lung

Đồng xanh héo úa thành vùng hoang vu

Trời trong chuyển xám mây mù

Thoảng ngây thơ đã lu bù cuộc chơi !

Tay nào úp- ngửa đầy vơi...

Chân nào vấp ngã rã rời tháng năm

Trăng xưa ngỡ sáng; trăng rằm

Trăng nay ngỡ khuất; âm thầm gầy hao

Tình theo con sóng ra vào

Tội cho ghềnh đá thân đau ngậm ngùi !

Lặng nhìn mây thả buồn vui

Tụ tan sương khói vẽ trời hư không !

                                                            ***

Trần Huệ Hiền là nhạc sĩ hay thi sĩ?

Cũng khó mà phân định rạch ròi, tuy hai lãnh vực khác nhau nhưng điểm chung vẫn là một, cái một đó là một cảm xúc mà Phật giáo gọi là “xúc cảnh sanh tình”.

Chợt nghe lá rụng một ngày chớm xuân” nếu là âm nhạc  – những chiếc lá là âm điệu rung động trên nền trời nhạc phiếm, chỉ hiển hiện lúc đối cảnh bất chợt.Nhưng hồn thơ không chỉ là bất chợt mông lung, hiện thực vẫn làĐồng xanh héo úa thành vùng hoang vu”; Thế là gì hởi tạo hóa vô thường?

Tạo hóa cũng biết đùa cợt sáng tối, trong xanh rồi u ám bất chợt, đời người là bao trong lu bù cuộc chơi để có lúc phải rã rời theo năm tháng không hề bất chợt. Ngộ được mỏng manh kiếp người,là thế, thương cảm cho thân phận như thân phận ghềnh đá chơ vơ khi con sóng xô dạt xa khơi, chả phải trăng tròn để rồi khuyết đó sao?Tác giả ngộ được lý vô thường trần gian mà nhà Phật xác định – chỉ có đổi thay mới không thay đổi, tức là vô thường, vô thường trong từng sát na. Cho nên “Lặng nhìn mây thả buồn vui / Tụ tan sương khói vẽ trời hư không !”

Chỉ việc ngắm mây để thấy được buồn vui tụ tán trong nháy mắt, đau thương nào chỉ có mỗi mình ta!

Nhạc là cung bậc thay lời khoác vô thường lên sắc màu kiều diễm, thơ là tiếng nói nỗi lòng xúc cảm kiếp nhân sinh. Như vậy nhạc hay thơ vẫn gặp nhau một điểm cảm xúc, nếu cảm xúc được nuôi dưỡng lý đạo vô thường, không  than van sầu não mà là chất xúc tác tỉnh thức trước những cảm thọ vu vơ của tạp niệm.

Trần Huệ Hiền là một nhạc sĩ, một thi sĩ đượm chất đạo lý giác ngộ.Đặt vấn đề: Trần Huệ Hiền là nhạc sĩ hay thi sĩ, khác nào hỏi số 9 và số 6, đâu là đúng nhất hay sao!

Cái khác người, dù là nhạc hay thơ, Trần Huệ Hiền luôn là người biết đâu là thật đâu là giả, đâu là chân, đâu là vọng, từ đó, vẫn là thơ, vẫn là nhạc, nhưng với Trần Huệ Hiện nhạc và thơ không chỉ nhạc và thơ…

MINH MẪN

16/4/2021

Thứ Hai, 12 tháng 4, 2021

LẠI CHUYỆN NHONG NHONG

 Chưa sang Hạ, chợt mưa chợt nắng, cuộc trần gian luôn nặng kiếp long đong!

Nào Tịnh Viên Đường, nào Phong Tình Động, rồi  Động Phong Tình,Lầu Gió, rồi U Tình Cốc, Thong Dong am…đủ thứ địa danh trên cõi đời cho hồn phiêu bạt, qua những trạng thái cảm xúc đường trần.

Phong cách bởn cợt như là Bùi thi sĩ, đôi lúc tự hối, trách mình:”Rứa mà cũng tu với hành” (lời khai thị cuối cùng). 

“Trầm luân  chẳng sợ - ưa em” Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 6 đã là thế thì “ Đem chi giới luật chôn vùi qủả tim”.

Niết Bàn cũng thế, đường trần ngại chi, Lê Sa Đà không là Tế Điên hiện thực?, yêu thương cũng hiện thực bằng hành động thực hiện cụ thể: “Tặng hình bằng giấy, ích chi!...ước gì tặng trọn cả người … Đêm tâm sự-ngày đứng ngồi bên nhau…”

 Biết đâu trần thế thua chi Niết Bàn: “Trần gian ơi – đẹp quá chừng / Nhong nhong…Ta cứ tưng bừng nhong nhong”.

Thực và mộng,Cực lạc cũng là đây: “Được tiếp tục rong chơi cho đã/ Di Đà ơi – Tịnh độ đây rồi”, phải chăng bản chất nghệ sĩ cuồng và thiền sư chính tông cũng là một,bất cần đời, cái một vượt khỏi nhị nguyên biên kiến, bản chất hư hư thực thực do thức biến hoặc nhập pháp giới tánh hoặc thoát tam giới luân, chỉ là trò đùa với họ.

Cái can đảm của hai mẫu người trên là dám sống thật, dám nói thật, “lý sự vô ngại” cũng bởi sự sự tương dung theo tinh thần “nhập  pháp giới” của  Thiện tài đồng tử.Ngôn ngữ chỉ là phương tiện, hiểu được phương tiện của ngôn ngữ là hiểu được “ý tại ngôn ngoại” của ngôn ngữ thượng thừa.

Ai bảo Lê Sa Đà để sa đà vào hư đốn? trong sa đà đã ngộ lý vô sanh, nên, đôi lúc cũng biết “Cảm ơn”. – “Từ độ biết người ta thêm tinh tấn / ngày và đêm thao thức chuyện tử sinh / Cảm ơn tình, những phút giây hưng phấn /cảm ơn Đời,những hệ lụy vô minh”. Đấy, điên có lúc mà tỉnh cũng đôi khi, biết sa đà đôi khi còn dừng lại; Lê Sa Đà chỉ sa đà khi là chung rượu, hết sa đà chung rượu là ngữ ngôn. Vẫn ý thức được:…”Thì ra tâm vật là tương tức” ( Cảnh giới nào). Cho nên” “yêu em-mặc kệ-luân hồi / Niết bàn bỏ ngỏ / nụ cười niêm hoa / Lặng nhìn không thẹn Đạt ma / đâu là địa ngục – Đâu tòa Như Lai” (mặc kệ).

Sau bảy mươi năm dằn vật bời nghiệp tử sinh, oan gia thế sự; bức bách tù túng đời người; nghĩa vụ công dân,bổn phận gia duyên, bi quan thời cuộc, bất mãn và bất mãn,nào ngờ, vớ được mảnh ván Phật Pháp, tha hồ bơi lội như vận động viên chuyên nghiệp, đuổi bắt sóng xô…Hơn bảy mươi năm, như đủ nồng độ để nở hoa thơ văn.Khác nào Khương Tử Nha vui chơi bên sông Vị. Tuổi như thế đã xem quá muộn, nhưng cuộc tử sinh luân hồi miên viễn, thế chả phải là chín chắn tư duy?

Thi nhân họ Bùi lấy ngôn ngữ làm trò đùa tư  tưởng, Lê Sa Đà dùng ngôn ngữ thể hiện tâm tư; nói như thế chả phải là thế, cái giống nhau của họ là thế, - ”Nhất đa tương dung”, chớ vụng dại tin vào ngôn ngữ của họ để bị lạc dẫn vào nghìn trùng xa cách, mà phải cách xa để nhìn mới thấy vạn dặm dung thông.

Đời thực: “Điểm hẹn nguồn vui” “ Già hư” “Thèm” “Đồng Đế …ơi”  “ Người & ta”  “Nợ”  “Tặng”  “Vào Xuân”  “ Cảm hoài”…Tánh thiện: “Về một bút danh”  “Tịnh độ là đây”  : Hư …không!”  “Chộ”  “Chuyện nghe lõm của con Thạch sùng”  “Người về”…

Lê Sa Đà cố vùng vẫy thuờng tình để mặc vào lớp áo siêu thực mà trông cứ như rất thực. Cái khéo của bút thơ mang cả Đời và Đạo, luồn lách như đôi chân vững chải; lời thơ ý đạo có chi mô!

Nhong nhong rồi lại cứ nhong nhong!!!

MINH MẪN                                                                                                                          11/4/2021



Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

NGƯỜI CON BÁC ÁI

 






Sao không gọi là “Con người bác ái” mà là “người con bác ái” nhỉ?

Có lẽ người ấy xuất thân từ khốn khổ?

Có lẽ người ấy là dân quê tay lấm chân bùn?

Không sao, cho dù xuất thân thế nào, hiện giờ vẫn là ngôi sao sáng trên bầu trời Long Khánh. Người đầu tiên khởi xướng bữa ăn thường ngày cho dân nghèo với giá tượng trưng như là biếu không tại vùng đất không xa Sài Gòn là bao. Hai năm, tuy hai năm ngắn ngủi, nhưng là đoạn đường dài của những cuộc sống nhiều cơ cực; người ấy hiểu những bữa ăn cho cơ thể vận động, không chỉ vận động như cổ máy công nghiệp, dù là máy móc cũng cần xăng dầu, con người cũng thế, không chỉ là cơm mà phải có chút gì dinh dưỡng cho con người hoạt động tươi tỉnh hơn, thần khí có nhựa sống. Chính vì thế, từ thiện không có nghĩa bố thí vô trách nhiệm; thịt, cá, rau củ quả, người ấy liên tục thay món ăn để người được ăn cảm giác có bữa cơm gia đình với sự chăm sóc tận tình của những con người phát tâm làm việc thiện.

Nếu thế, chả có gì phải nói, người ây có đôi tay như mọi người, nhưng thiên biến vạn hóa như một “Bồ Tát thiên thủ thiên nhãn”. Thoăn thoắt đôi tay cùng chị em trong lò lửa giữa trưa nắng, cùng với chảo mỡ, người làm bếp cũng đẫm ướt như táo quân nướng người đứng bếp. Từ sáng sớm,thực phẩm đã dọn sẵn để chế biến nhiều màu sắc đẹp mắt song song với hương vị mát lòng.Xong cơm phục vụ cho đạo quân bán vé số, buôn ve chai, lao động phổ thông, ngay cả các em sinh viên học sinh nghèo…cho những ai nhận được phiếu ăn của bếp từ thiện; người ấy xông xáo vào bệnh viện, đến các căn nhà ọp ẹp, tìm hiểu những mãnh đời bất hạnh, những nghiệp quả lâm vào bế tắt, tìm một chút ánh sáng, một lối thoát nhỏ nhoi cho bao bể khổ mênh mông một đời người.

Qua vô số đời bất hạnh, người ấy không cầm được nước mắt khi nghe người con cản mẹ bán nhà lo cho mình, con nói,” bán nhà rồi mẹ sẽ ở đâu? Nếu con mù còn có thể đi bán vé số hai mẹ con cùng sống”. Người chồng mới 23 tuổi, vợ bỏ đi để lại đứa con vừa tròn nửa tháng.Nào u não, nào viêm loét tá tràng, nào ung thư  di căn..đời người có bao nhiêu cái khổ, người ấy nỗ lực bấy nhiêu để mong tát cạn mạch sầu. Biết rằng bể khổ mênh mông không sao tát cạn bằng đôi tay bé nhỏ, nhưng tấm lòng bao la của người ấy khiến đôi chân chạy đua với thời gian, không còn nhớ mình là ai, kể cả mình vẫn là con Chúa, mang dòng máu”sứ giả tình thương” thì lòng bác ái không còn đong đếm những gì đã cưu mang.Rất may, có những tấm lòng vị tha, chung tay góp sức chia xẻ với người ấy để thấy rằng đời vẫn còn đâu đó tình người.

Bầu trời đêm hôm nào tại góc vườn khu đất Long Khánh, “Nữ hoàng Thiện nguyện” như cánh hồng bay bổng giữa thực khách Tất niên, giờ đây, hóa thân thành Thiên thần mang niềm tin đến với niềm đau của những người bất hạnh; bóng người ấy như quen thuộc trong các bệnh viện, giữa khu dân cư ọp ẹp, người ấy vẫn là người thân của những mãnh đời cô đơn. “Nữ hoàng bác ái” hay “Người con bác ái” đang đưa tay vớt những bọt bèo nghiệp khổ của chúng sanh, song song với những chuyến cứu trợ các vùng cao, vùng sâu, và…còn bao nhiêu hạnh lành người ấy chưa từng từ chối.

Người vẫn là điểm sáng trên ngôi cao!

MINH MẪN  

08/4/2021