Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

AI VỀ ???


Con đường đó, đất đỏ Bazan dẫn đầu 10% diện tích toàn quốc, cho cây cối xanh tươi và lôi cuốn dân cư miền ngoài chọn nơi đây làm quê hương thứ hai để cuộc sống phong phú hơn, ấm no hơn. Năm tỉnh Tây nguyên, đa phần miền Trung, sau 1975 thêm một số di dân phía Bắc, nhưng riêng Buôn Mê quy tụ giới trí thức Phật giáo một cách tình cờ, lạ kỳ như rồng gặp mây. Chả ai bảo ai, chả ai tìm đến ai, bổng một sớm nắng lên, phủ ấm khí lạnh rừng xanh,nhìn mặt nhau, nhận ra nhau là anh em đồng Đạo cùng sinh hoạt dưới mái chùa đơn độc, mái chùa duy nhất do cư dân miền Trung tạo lập, làm điểm tựa tâm linh, dần sau đó, lô nhô vài thảo am lớn dần thành ngôi Tam Bảo lan tỏa khắp núi rừng Buôn Mê; rồi đoàn thể áo lam,rồi đạo tràng tu tập, rồi văn hóa Phật giáo thành hình bởi những tâm đạo, những trí thức, những nhạc sĩ, văn nhân, làm thành vùng đất văn hóa Phật giáo gương mẫu miền cao Trung nguyên; trong đó, Vô Ưu trở thành tiếng nói đại biểu cho năm tỉnh, có một vị trí xứng tầm suốt hơn 20 năm tồn tại.

                                                ***

Chưa có tạp chí Phật giáo nào trong nước lan tỏa khắp phố thị, nhất là Sài Gòn, đủ sức cuốn hút chư tôn đức, văn nghệ sĩ Phật giáo tại vương quốc “hòn ngọc viễn Đông” để ngày xưa đoàn Trung Tâm VHVNPG Nhất Chi Mai & VNSPG phải lê gót lên dự “18 năm Vô Ưu” năm nào,  tồn tại và phát triển.

Vô Ưu bấy giờ vỏn vẹn BBT đếm trên đầu ngón tay, do anh Tạ Nam Trân “chủ soái”. Giờ đây, Phan Bá Sĩ, Lê Tất Sĩ, Nguyễn Tiến Thảo, Trịnh Dung, Thu Cúc…dưới sự điều hành, chủ biên  TT T Giác Phổ, chung tay cho Vô Ưu trở thành Phù Đổng, vươn vai ngút ngàn tận mây xanh; chả những thế, được TT T Chành Tài, viện chủ tu viện Phước Hoa, Long Thành hậu thuẩn, khích lệ, đôi lúc bao tiêu khi Vô Ưu bị “bội thực”.

Nhân ngày chung thất trai tuần của cố nhạc sĩ Phật giáo Hằng Vang. Kỷ niệm 80 năm của lão tướng chủ soái Vô Ưu, đoàn Trung Tâm VHVNPG Nhất Chi Mai & VNSPG, do TT Huyền Lan tổ chức, lên vùng đất Bazan tỏ tình thâm ân pháp hữu với hai sự kiện lớn, thêm những nghĩa cử đối với nhạc sĩ Phật giáo lão thành Phan Phan Nguyễn, các cộng tác viên Vô Ưu và những thân hữu đạo tình gắn kết Phật sự như đất đỏ Bazan khắn khít với hoa màu nuôi sống dân cư.

Anh chị em miền cao rất ư hiếu khách,  gia đình cố nhạc sĩ Hằng Vang và Tạ gia trang vô cùng hậu hỷ đoàn, chẳng những đầy cái bụng mà còn no lỗ tai do đàn con của cố nhạc sĩ ngẫu hứng vang ca nhạc khúc “gia tài của ba”. Họ say sưa như chưa bao giờ được trổ tài nghiệp dư, ôi, những con công khoe sắc giữa trưa hè…rồi quà cáp đáp đền ân nghĩa; ngỡ chừng quà kỷ niệm từ Sài Gòn lên, sẽ nhẹ xe lúc về, trái lại, xe vẫn đầy không khác lúc đi lên. Gia đình cố nhạc sĩ tặng đoàn bao ca khúc, thì đoàn cũng tặng lại buổi buffet tại Tạ gia trang. Con chim Họa Mi của Vô Ưu (Thu Cúc) với tài nghệ chuyên nghiệp của nhạc sĩ kiêm ca sĩ, nhạc ngoại lẫn nhạc nội đã làm sinh khí bữa tiệc ấm hẳn lên. Thợ Lặn của Phước Hoa  (Tâm Tuệ), ngàn năm một thưở, cao hứng thế nào cũng góp phần nhạc khúc của đứt (đứt khúc) và Võ Lâm Chi (Chi Hải sản) cũng mạnh dạn hơn cả lúc chào hàng cho công ty. Nhà thư pháp Thụy Quang (trung tâm rắc rối) bảo là hai con cóc nay đã khai khẩu, có lẽ đời sắp tới thời Hoàng Kim chăng? Cái anh chàng nhạc sĩ kiêm nhạc công cứ phải rà tông như cua bò đua với rùa trên bãi cát, Giác An không cần nói lái mà phải tội, do tính lề mề chuyên trễ hẹn nên được  bí danh”có gì mà phải vội”. Tuy thân tình với “”đại tướng” Đặng Công Ninh, vẫn bị Đại tướng phê bình cực gắt, thế mà tính nào tật đó, thật dễ thương! Buổi lễ mừng thọ 80 năm của anh Tạ, cô “sữa non” (Đỗ thị Yến Linh) chuồn khỏi cao nguyên đất đỏ ví số đỏ hơn đất cao nguyên khi nghe tin người nhà sớm bỏ trần gian  đoàn tụ với ông bà.Anh chàng “pháp Hoa kinh” ( Chúc Linh), cũng góp vui nhạc phẩm chuyên đề kinh Pháp Hoa mà chàng ta đang đầu tư công sức tán dương. Cây tre miễu nuôi lớn nhờ thơ (Hạnh Phương) mủm mỉm, thỏ the như gái đôi mươi đã làm cộng đồng mạng ngỡ chừng ni cô tuổi tròn trăng, cứ rù rì trọ trẹ đâu đó trên bàn tiệc.Cái anh chàng “nhấp nháy” Quang Hải phải lăng xăng suốt để chớp vài kiểu chuyên nghiệp, không cần ăn, chỉ cần chớp.Còn phu nhân của chàng “nhấp nháy” là cô “yêu meo”, đến nhà Trịnh Dung thấy mèo như vớ phải của, không cần chủ đồng ý hay không, cứ ôm nựng cho đến khi con bé không chịu nỗi, vùng vẫy mới buông tha. Con “bé ròm” (Bich Tiên) say mê muốn thành nhà báo chuyên nghiệp, phải suốt ngày ôm máy quay chỉa về thiên hạ. Đấy, đoàn văn nghệ sĩ Phật giáo thành phố SG, trung tâm văn hóa văn nghệ Phật giáo Nhất Chi Mai đã nổi danh trong chuyến về miền gió hú năm 2021. Chả biết, rồi đây, 2 năm nữa kỷ niệm Vô Ưu 25 năm, đoàn sẽ nổi danh kiểu nào nữa, nhưng dù kiểu nào thì TT viện chủ và nữ thí chủ công ty Hán Linh phải nai lưng gánh nợ.

                                                    ***

Một chuyến đi được TT Huyền Lan hoạch định tỉ mỉ đầy tình nghĩa, không bỏ sót ai trong BBT Vô Ưu, cộng tác viên, nhạc sĩ có công với Phật Giáo. Giao kết với chư Tôn đức trong Giáo hội Buôn Mê, đã gắn kết thâm tình đạo nghĩa người con Phật vùng cao với văn nghệ sĩ PG Sài Gòn, trung tâm văn hóa văn nghệ Phật giáo Nhất Chi Mai. Ngoài thâm tình đạo nghĩa, những món quà vô giá đến từng nơi đều lưu dấu Phước Hoa. Ước gì mỗi tháng có một chuyến đi dài ngày như thế, cho dù phải đem thế chấp sổ đỏ tu viện Phước Hoa, anh em cũng hả dạ, sáng mắt ta, tối mắt người…

MINH MẪN                                                                                                                    24/3/2-21  

  ( KỶ NIỆM CHUYẾN ĐI VỀ MIỀN ĐẤT ĐỎ CÓ GIÓ HÚ QUANH NĂM)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét