Con người ta không thể đi một chân. Đôi chân là một
cặp tương thích hỗ trợ cho việc tiến bước. Trong cuộc sống cũng thế, mọi sự việc,
mọi hiện tượng từ vật thể đến tinh thần, luôn có cặp đôi tương phản lẫn nhau.
Chân cần có đủ cặp để tiến bước, tại sao những cặp tương phản không giúp ta tiến
bộ về nhận thức cũng như về tâm thức ?
Trong cuộc sống đời thường, con người muốn chọn cho
mình cái thuận lợi nhất, cái tốt đẹp nhất, tránh né mọi bất lợi, mọi xấu ác; thậm
chí trong việc giao tiếp, thích tìm bạn tốt, tránh né bạn xấu. Tục ngữ có câu:
- gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Do có cái nhìn cực đoan hay được giáo dục
từ bé tạo cho ta một ấn tượng cực đoan, vì thế, ta luôn gặp những bất toại khi
cuộc sống luôn xuất hiện những mâu thuẩn đối cực mà Phật giáo gọi là nhị
nguyên, đạo gia xem là lưỡng cực, lưỡng nghi, thế thường gọi là mâu thuẩn, đối
lập…
***
Đức tin đối với đạo Phật và những đức tin của ngoại
giáo, đều là những cặp tương phản. Ngay cả đức tin đối với đạo Phật, cho rằng
mình chọn đúng chánh đạo, nhưng không tìm hiểu những gì ngoài đạo Phật, tinh thần
chủ quan và cực đoan sẽ nảy sanh, lắm khi đức tin gọi là chánh tín dó, trở
thành mê tín khi hành xử.Ví dụ, đạo Phật sinh hoạt như một tôn giáo, bị xem là
một tôn giáo nên phát sanh nhiều hình thức, pháp tướng, thanh sắc; so với các
tôn giáo khác, chúng ta cũng chỉ là một tôn giáo như bao tôn giáo Thần luận; do
vậy sanh ra cầu đảo, van xin, dâng cúng mong đạt thành sở nguyện. Một khi tuyệt
đối sa vào tha lực, đánh mất nội lực, việc tu tập hành trì sẽ xa rời trong đời
sống chân chánh của một đệ tử Đức Phật. Ngay cả trong nội giáo, có nhiều pháp
môn khác nhau, tùy căn cơ thích hợp, chọn một pháp để hành trì, cũng phải tìm
hiểu biết qua những pháp khác để củng cố niềm tin cho pháp hành, tránh được cực
đoan, cố chấp.
Tín ngưỡng trong đạo Phật là tiêu chí để vững tiến
chứ không là điểm để giao phó toàn bộ cho một tha lực.Đức tin rất cần thiết
trong cuộc sống, nhưng cần có trí tuệ để nhận thức, xây dựng nền tảng vững chắc
cho niềm tin. Trong kinh Hoa Nghiêm Đức Phật dạy: Đức tin là mẹ đẻ của mọi công
đức. Đức Phật lại dạy: “Người có lòng tin mà không hiểu giáo lý thì dễ tăng trưởng
vô minh si ám, người hiểu giáo lý mà không có lòng tin thì dễ tăng trưởng tà kiến.
Cho nên “lòng tin và hiểu biết phải cùng có đủ để làm cội gốc tu hành” (Kinh
Niết Bàn). Dĩ
nhiên ngoài đức tin sẽ có những đối cực của đức tin. Cũng thế, phóng sanh là hạnh
lành cứu vớt sinh mạng của chúng sanh đang bị tước đoạt mạng sống, thế nhưng,
sau mặt tích cực đó vẫn xảy ra mặt tiêu cực, tiếp tay cho những kẻ tham lợi
đánh bắt khi đặt hàng tấn cá chim, loài hải sản với nơi buôn bán.Nhắm mắt làm
theo hình thức, phước trở thành tội. Giữa hai mặt tốt và xấu đó, không thể mù quáng
chọn một; dùng trí tuệ giúp tránh chuộng về hình thức.
Từ thiện xã hội thể hiện tâm từ, được coi là hạnh Bồ
Tát; nó không là mục tiêu cứu cánh đưa đến giải thoát;hành thiện tiềm ẩn nguy
cơ cho những tâm hồn bất thiện cầu lợi. Không thiếu kẻ lạm dụng việc từ thiện để
mưu lợi; kêu gọi những lòng tốt đóng góp để chiếm dụng. Vì thế từ thiện xã hội
không thể nhiệt tình theo thói quen mà cũng phải hiểu mặt trái bị lợi dụng.
Cũng có những người nhiệt tâm hộ đạo, trên bước đường
tu tập, muốn làm phước, lập ban hộ niệm, sẵn sàng lăn xả giúp cho người sắp lâm
chung bất kể ngày đêm, bỏ công, bỏ của, bỏ thời gian để hộ niệm, nghĩ rằng sẽ
giúp thần thức người lâm chung được siêu thoát. Đức Phật từng nói – cục đá chìm
dưới nước, một ngàn vị sư cầu nguyện, đá không thể nổi,cọng lông tơ trên mặt nước,
ngàn vị tụng lông kia cũng không thể chìm. Không có kinh nào bảo rằng trì tụng
hương linh được siêu thoát. Chư Tăng thời
đức Phật và kể cả chư Tăng Theravada
ngày nay chỉ đọc những bài kệ nói đến vô thường, khổ và vô ngã trước
hương linh để cảnh tỉnh nhắc nhở cho người sống chứ không tụng cầu siêu cho người
chết.Thần thức chưa lìa thể xác thì chư Tăng khai thị để họ hướng về điều lành
lúc cận tử nghiệp.Như thế không thể gọi là làm công tác cầu cho hương linh siêu
độ, mà chỉ trợ niệm một khi hương linh có sẵn hạt giống thiện, không ngoài luật
nhân quả.
***
Trong xã hội cũng thế, những bất trẵc xảy ra thường
mang đến khổ đau, bất mãn, những thuận lợi tốt đẹp cho ta niềm hoan hỷ, mãn
nguyện. Dĩ nhiên không ai trong đời hoàn toàn gặp điều may mắn tốt đẹp hay xui
xấu suốt đời. Xui và hên, tốt và xấu luôn là cặp tương phản của nền tảng nhân
quả từ nghiệp thức. Hành giả luôn quán xét những bất trắc xấu và tốt, may mắn
và tai họa…vốn là hai mặt tương phản của nhân quả. Bị tác động hai mặt để khổ
đau và sung sướng mãi biến con người thành thụ động trôi lăn trong tử sanh luân
hồi. chính ở trong khổ đau, phiền
não mới có bài học giác ngộ;trốn chạy khổ đau bằng nhiều hình thức khác nào con
vật chui đầu vào cát trốn chạy thực tại, không giải quyết được vấn đề.Trực tiếp
đối diện hai mặt tương phản trong đời sống để thấy chúng là một bài học tiến
hóa nghiệp thức,theo Duy thức luận thì mọi hiện tượng đều do:
Thị chư thức chuyển biến
Phân biệt, sở phân biệt
Do thử bỉ giai vô
Cố nhất thiết duy thức
(Tất cả do thức chuyển biến
Phân biệt, bị phân biệt. Do đây kia đều không, Nên tất cả là duy thức) ;
bởi vì con đường giác ngộ chỉ có trong thực tại:”Phật
pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mịch Bồ đề, cáp như cầu thố
giác”. Thực tại nằm trong hai mặt tương phản của cuộc sống.
Phật giáo khác với học thuyết Duy vật là tìm giải
thoát ngay trong quy luật tương phản, mâu thuẩn, từ mâu thuẩn để hiểu được bản
chất tương đối của ảo thức, vượt khỏi sự chi phối của mâu thuẩn; Trong lúc Duy
vật lúng túng lẫn quẩn trong mâu thuẩn khi nhận thức rằng: “Một hợp thể luôn có
hai mặt mâu thuẩn lẫn nhau, giải quyết mâu thuẩn này thì mâu thuẩn khác phát
sanh”. Nghĩa là trong xã hội luôn phát sanh mâu thuẩn, không thể dứt trừ thì
con người trong xã hội luôn bị khổ đau. Duy vật y cứ hiện tượng xã hội, giải
quyết hiện tượng này thì hiện tượng khác phát sanh; Phật giáo muốn giải quyết mọi
bất toàn, phải giải quyết ngay chính tâm thức, không đổ thừa do xã hội hay do một
đấng quyền năng quyết định.Theo Duy thức thì: Do chư nghiệp tập khí
Nhị thủ tập khí câu
Tiền dị thục ký tận
Phục sanh dư dị thục
(Do tập khí các nghiệp
Cùng tập khí hai thủ Nên dị thục trước hết Lại sanh dị thục sau)
Tuyệt đối tận cùng của Phật
giáo là “vô ngã” đã là vô ngã thì làm gì có cái mà: C.Mác
đã viết: “Sự nghèo nàn của tôn giáo vừa là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực,
vừa là sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài
của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng như
nó. là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện
của nhân dân”. Quan niệm này không phù hợp với đạo Phật
khi giáo lý nhà Phật quan niệm chính con người là chủ đạo giải quyết mọi bất
toàn (kể cả sung sướng và khổ đau) trong cuộc sống.
Một hành giả đạo Phật không chấp thủ một phía. Không
thể bỏ khổ tìm vui; không phủ nhận cái này để chấp nhận cái kia.Luôn nhìn mọi
hiện tượng cả hai mặt, vì chính hai mặt là một vấn đề. Trong Đạo gia, lưỡng
nghi là một tổng thể của âm và dương; âm triêu dương trưởng hoặc dương triêu âm
trưởng chứ không thể triệt tiêu một trong hai cực. Sự phát triển, tiến hóa do
lưỡng nghi vận hành đồng bộ; khi âm thạnh dương suy là hiện tượng tiêu cực phát
sanh, ngược lại dương thạnh âm suy là hiện tượng tích cực quá đà, âm dương quân
bình thì mọi sự ổn cố.Mọi chuyển biến của lưỡng nghi gọi là dịch
***
Nhiều người đến với đạo Phật mục đích tu tập để sửa
mình, tu tâm, tu tánh, tu tướng đều lệch hướng, thật tế đạo Phật không dạy tu để
sửa, vì có tu có sửa là có cái ngã để tu để sửa. Chủ yếu giúp con người nhận thức
được hai mặt mâu thuẩn trong cuộc sống, để khỏi bị chi phối luật nhị nguyên đó;
với nhận thức bằng trí tuệ mới đưa đến
giải thoát mọi khổ đau.Khi thâm nhập vào mọi hiện tượng trong đời sống tức đã
thâm nhập pháp giới tạng để tiến dần đến giải thoát.
Thế thường con người đứng một phía gọi là nhất
nguyên. Thuyết nhất nguyên duy vật được phát triển bởi
Mác và Ăngghen cho rằng toàn bộ hiện thực khách quan, về bản chất là
vật chất, ý thức chỉ là kết quả của sự phát triển và sự phản ánh của vật chất vận động .Thuyết nhất nguyên duy tâm cho rằng
mọi cái đều do ý niệm tuyệt đối sáng tạo ra.Thuyết nhất nguyên khác biệt với thuyết nhị nguyên -
Đã
đứng một phía thì không giải quyết được thực tại, vì thực tại luôn là hai mặt đối
nghịch lẫn nhau. Ví dụ thuyết duy vật quan niệm vật chất có trước và chi phối ý
thức, nhưng duy tâm đã có mặt trước duy vật rất lâu.
Duy vật hay duy tâm, duy
linh hay duy thần..đều là hai cực của nhị nguyên. Trước vấn nạn giữa duy vật và
duy tâm thì Kant đi đến thuyết bất khả tri, nhưng theo các nhà duy vật thuyết bất
khả tri không sớm thì muộn cũng đi đến duy tâm.
Kết:
Như đã phân tích trên, Phật giáo luôn dung hợp hai mặt của một vấn đề để hiểu
được thực tướng bằng tuệ giác mới không kẹt trong nhị nguyên,mâu thuẩn. Tiến
hóa từ nhị nguyên.Ngược lại, do chủ quan phiến diện,một số học thuyết đã có
quan điểm như:
Với C.Mác, tôn giáo như là “vầng hào quang” ảo tưởng,
là những vòng hoa giả đầy màu sắc và đẹp một cách hoàn mỹ, là ước mơ, là niềm
hy vọng và điểm tựa tinh thần vô cùng to lớn cho những số phận bé nhỏ, bất lực
trước cuộc sống hiện thực. Tôn giáo chỉ là những “bông hoa giả” tô điểm cho một
cuộc sống hiện thực đầy xiềng xích. Nhưng nếu không có những “bông hoa giả” ấy
thì cuộc sống của con người chỉ còn lại “xiềng xích” mà thôi. Và nếu không có
thứ “thuốc giảm đau” ấy thì con người sẽ phải vật vã đau đớn trong cuộc sống hiện
thực với đầy rẫy những áp bức, bất công và bạo lực.
Pascal phán:
-Nếu bạn tin vào Chúa và Chúa tồn tại, thì cái lợi của
bạn sẽ là hạnh phúc vĩnh cửu.
-Nếu bạn tin vào Chúa, còn Chúa không tồn tại thì bạn không mất gì.
-Nếu bạn phủ định sự tồn tại của Chúa, và Chúa thật sự tồn tại thì bạn đánh mất
khả năng có hạnh phúc vĩnh cửu.
-Nếu bạn phủ định sự tồn tại của Chúa và Chúa không tồn tại, bạn không có lợi
gì.
Mọi người có quyền tự do chọn lựa trước những bất cập
trong cuộc sống khi mình gặp phải.
MINH MẪN
25/8/2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét