Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

* ÔNG TÁO



23 tháng Chạp âm lịch, là ngày cúng ông Táo, theo truyền thuyết nhân dân ta. Nguồn gốc ảnh hưởng văn hóa Tàu, đó là một tín ngưỡng văn hóa dân gian có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo, nhưng được người Việt chuyển hóa sự tích hai ông một bà là vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc .
- Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp
- Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà.
- Thị Nhi là Thổ Kỳ trong nom việc chợ búa.
Tương truyền ông Táo cởi cá chép về chầu Ngọc Hoàng thượng đế báo cáo mọi việc suốt một năm, đến Giao thừa thì về lại trần gian tiếp tục đảm nhiệm việc bếp núc củi lửa.
***
Người Việt bản xứ, ông cha ta từng dùng điển tích Tàu tô bồi văn hóa Việt, tuy nhiên tập tục thờ cúng cũng không sai khác mấy. Đến khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa, một lần nữa, tập tục dân gian lại mang một ý nghĩa và hình tượng khác trong nhà Thiền, tôn trọng hủ tục bản địa nhưng không nhuốm màu mê tín, vì vậy, ông Táo được mệnh danh là Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân, hay là ông Táo trở thành Giám Trai sứ giả. Ông Địa nhà nhà đều thờ, dưới cái nhìn của nhà Phật là vị cai quản môi trường; Đại thánh Khẩn Na la Vương chi Thần, hay cũng là giám trai Bồ Tát.
Tăng nhất A Hàm I và Tăng chi bộ I thì Tôn giả Tần Đầu Lô chỉ là bậc Thánh đệ nhất hàng phục Trời rồng, ngoại đạo, cũng được xem là Giám trai Bồ Tát… Có thuyết cho rằng Giám trai chính là Đại giám thiền sư Lục tổ Huệ Năng. Vua Đường ban tặng Đại giám Thiền sư. Khẩn Na La Bồ Tát cũng là ngài.
Trong thiền môn có nghi khánh chúc tán Giám trai: Giám trai sứ giả - hỏa bộ oai thần – điều hòa bá vị tiến duy hinh – tai hao vĩnh vô xâm – Hộ mạng tư thâm – thanh chúng vĩnh mông ân nghĩa là: Giám trai sứ giả - hỏa bộ oai thần – điều hòa trăm món hiến vị ngon – tai họa mãi không xâm – hộ mạng giúp thân – Tăng chúng luôn nhờ ân.
Với tinh thần nhà Phật, công hạnh là việc làm của một bậc tôn kính, ở lĩnh vực nào thì đặt tên đó cho vị có công hạnh tương đương. Thần tài của dân gian, trong Phật giáo Nam tông có ngài Sivali làm biểu tượng tài lộc; hay Hải Thuợng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh có biểu tượng trong Phật giáo Bắc truyền là Dược sư Lưu Ly Quang Vương Phật; Nam truyền có ngài Bakula… Phật giáo Bắc truyền đã uyển chuyển linh động vào cuộc sống, hòa nhập tín ngưỡng bản địa, nhưng thăng hoa biểu tượng mang một ý nghĩa cao đẹp hơn, giá trị nhân văn hơn để lột xác hình thái mê tín. Tuy nhiên, việc sát hại sinh vật cho việc tế lễ cúng bái của nhân gian thì không thể áp dụng vào truyền thống linh hoạt của nhà Phật như cá chép đưa ông Táo về Trời, đó là sát sanh, hại vật tổn phúc.
Trong Kinh Phạm Võng Đức Phật dạy:
Này Phật Tử! “Nếu tự giết, dạy người giết, dùng phương kế giết, khen ngợi giết, thấy giết mà vui theo. Cho đến dùng thần chú để giết, nhân giết, duyên giết, phương pháp giết, nghề nghiệp giết. Cho đến tất cả các loài có mạng sống không được cố giết. Là Bồ Tát nên thường khởi tâm từ bi, dùng phương tiện cứu giúp bảo hộ tất cả chúng sanh. Mà trở lại buông tâm khoái ý sát hại sanh mạng, Bồ Tát này phạm Ba-la-di tội.”
Nghĩa là, những tập tục mà Phật giáo dung hóa được, sẽ loại trừ những hành động sát hại tổn phước. Nhiều kinh điển Đại thừa đều trân quý sinh mạng chúng sanh như kinh Hoa Nghiêm, kinh Phân biệt Thiện ác báo ứng… và ngũ giới, thập thiện… Tập tục nào đem lại thiện hạnh, được Phật giáo chấp nhận, ngược lại thì không hề được Phật giáo dung chứa. Người Phật tử cúng ông Táo theo tập tục nhưng không thể giết hại cá chép như truyền thống dân gian. Bởi vì, kinh đã dạy:
.-“Đừng tin tưởng một điều gì vì văn phong. Đừng tin tưởng điều gì vì vin vào một tập quán lưu truyền. Đừng tin tưởng điều gì vì cớ được nhiều người nhắc đi nhắc lại. Đừng tin tưởng điều gì dù là bút tích của Thánh nhân, đừng tin tưởng vào điều gì do ta tưởng tượng và lại nghĩ rằng một vị tối linh đã khai thị cho ta. Đừng tin tưởng một điều gì chỉ vin vào uy tín của các thầy dạy mình. Chỉ tin tưởng cái gì mà chính mình đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng, là có lợi cho mình và kẻ khác. Chỉ có cái đó mới là mục đích tối hậu, thăng hoa cho con người và cuộc đời, các người hãy lấy đó làm chỉ chuẩn."
 Vì thế con người muốn có cuộc sống an lạc và hạnh phúc, cần phải tu nhơn tạo phước, chứ không phải chỉ cầu nguyện, van xin khấn vái suông, vào những vị Thần.
***
Do ảnh hưởng tập quán văn hóa bản địa khi Phật giáo du nhập và sinh hoạt lâu dài trong mạch sống của người Trung Hoa, đã phát sinh ra lắm hủ tục như: Đưa rước Chư ThiênCúng Ông Táo; giải sao cúng hạn…
Việc đó, đã đi vào Thanh Quy Bách trượng hướng dẫn tỉ mỉ qua nghi thức thỉnh cúng, ví dụ:
Cung kính nghe rằng Giám Trai đại sĩ

Ngài là bậc vô cùng đại trí

Ứng hiện thần diệu tùy nghi

Xôi nếp cúng đầy công niệm nghĩ

Một hạt biến thành núi Tu Di

Không thấy tướng ẩn khuất trong mây

Thân to lớn hiện nhiều cõi đó đây

Hộ pháp an tăng hưng hiển

Việc Phật quyền phương tiện

Ngưỡng mong uy đức

Chứng pháp trai diên.

Lại nguyện:

Nhờ thần minh nguyện lực

Chứng lòng thành thực kính dâng

Tùy cơ duyên cảm hóa thân

Hiện có thân nhưng không sắc tướng

Hiển hóa khôn lường

Hiện thân ăn uống mà trợ pháp luân

Khiến bày bếp núc nhưng tu chứng

Độ khắp quần mông (quần sanh)

Khiến tiếp mùi biết quay về

Mong ủng hộ già lam an tịnh

Tăng chúng đều tinh tấn tu hành

Thấm nhuần pháp lạc

Chốn chốn vững tông phong.

***
Chính những phương tiện dùng để đưa quần chúng vào Phật giáo, đã biến Phật giáo thành những vấn đề rời xa chân lý của nhà Phật. Không có đoạn kinh nào của Nikaya hướng dẫn cúng sao giải hạn, cúng chư Thiên, tiễn ông Táo như Phật giáo Bắc truyền. Người Phật tử ý thức rằng, phương tiện cúng kiến đó, không thể đưa ta giải thoát mọi khổ đau do nhân quả đã tạo. Kết luận, cúng ông Táo hay thần tài thổ địa không phải phát xuất từ Phật giáo, không phải của nhà Phật nguyên thủy.

MINH MẪN
23/ 01/2019


Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

* ĐÂU ĐÓ VẪN CÒN…

* ĐÂU ĐÓ VẪN CÒN…

Qua Hội nghị kỳ 3 khóa VIII của GHPGVN, tổng kết hoạt động Phật sự 2018 và trình bày dự thảo chương trình hoạt động 2019 của các cấp, các ban ngành thuộc GHPGVN.
Qua báo cáo của 13 chuyên ngành, thành quả đạt được, năm sau cao hơn năm trước. Thật vậy, những nhiệm kỳ gần đây, GHPGVN thay da đổi thịt thấy rõ; mặc dù nội tình một số Tỉnh thành có nhiều vấn đề, nhưng Trung ương Giáo hội đến tận nơi giải quyết cặn kẽ, thậm chí, có những vùng, miền không thể hòa giải, hàn gắn như Phú Yên, Giáo hội mạnh tay giải quyết Ban trị sự cũ để cải tiến nhân sự mới, hẳn nhiên còn nhiều cấn cái, nhưng dần dà cũng được hoàn thiện.
Những vùng như Bình Phước, Bạc Liêu, nhân sự đầu ngành của Trung ương GH đích thân đảm nhiệm lâm thời để điều hành, một khi sự việc ổn định, sẽ công cử nhân sự địa phương tiếp tục đảm trách. Tóm lại, những ách tắt cản trở bước tiến Phật sự địa phương, đã được Trung ương GH giải quyết tận tình hợp lý. Chẳng những thế, một số ban ngành tự thân chuyển hóa và phát triển một cách kỳ diệu, như TTTT, từ một Ban ngành sinh hoạt hạn chế vì thiếu điều kiện và phương tiện mở rộng, nay lại có “Phật sự online” góp mặt trên các website, Fanpage, youtube.

TU SĨ:
Các ban ngành khác cũng có nhiều cải tiến. Đặc biệt nhất, ngoài báo cáo nội bộ, mặt nổi trong xã hội và cuộc sống, ai cũng thấy, tu sĩ của đạo Phật phát triển như vũ bão. Theo báo cáo chuyên ngành Tăng sự: Tăng Ni có 54.941 vị, gồm 39.229 Bắc tông, 8.571 Nam tông Kh’mer, 1.754 Nam tông kinh( 1.100 Tăng vẫ tu nữ); 5.384 Khất sĩ (chưa kể số tự viện và tu sĩ không tham gia GH).

Với số lượng tu sĩ như thế, thỉnh thoảng có những trường hợp cá nhân vượt rào gây tai tiếng cho Phật giáo là không tránh khỏi, nhìn chung, vẫn là một tập thể ổn định hơn so với những năm về trước. Một phần, do tâm hộ pháp của một số cư sĩ nhiệt tình phát hiện những lối rẽ lệch hướng của những phần tử năng động, thiếu đào tạo và xa thầy tổ. Nhưng cũng có những nhiệt tình quá mức khi chưa tìm hiểu nguyên gốc của sự việc. Ví dụ 2 vị mặc áo nâu ngắn (không phải áo vạt khách hay áo dài của tu sĩ), lên song ca game show là Lê Thanh Hoài.

Nguyên và Lê Thanh Nhất Nguyên ở Tịnh thất Bồng Lai Long An do cụ Thích Tâm Đức trụ trì. Họ không phải là tu sĩ trực thuộc GHPGVN, họ là những trẻ mồ côi được sư cụ Tâm Đức nuôi dưỡng, đào tạo, họ đăng ký trình diễn để lấy tiền về nuôi lớp đàn em nhỏ tuổi, cũng mồ côi được sư cụ cưu mang. Chẳng những thế, 5 chú tiểu từ 3 đến 5 tuổi vừa rồi cũng giựt giải 200 triệu, đem lại nguồn sống cho thầy trò nơi miền ruộng nước. Khi báo chí Phật giáo lên án, BTS PG Long An xác nhận họ không có trong danh mục tu sĩ của GH, họ cũng không mạo nhận là tu sĩ chính thức, có nghĩa thầy trò tu tại gia, tự cung tự cấp mà không có sự cúng dường của bá tánh, hay giúp đỡ từ GH. (Nếu là tôn giáo khác, họ sẽ được các cấp giáo phẩm nâng đỡ hơn là bị cô lập và loại trừ).

Nhờ tinh thần hộ đạo và cảnh giác của một số cư sĩ lên tiếng, tình trạng lem nhem của những tu sĩ trẻ có phần giảm thiểu.

Với gần 100 triệu dân hiện nay, lượng số tu sĩ như vậy chưa phải là quá, so với thời Trần, tu sĩ chiếm phân nửa dân số. Nhưng phân nửa tu sĩ đó được đào tạo chặt chẽ từ môn phong và luật cung triều đương thời, nên tình trạng tiêu cực, nếu có, cũng không đáng nói.

Phương tiện truyền thông ngày nay, chỉ cần hé lộ chuyện bất minh thì toàn thế giới đều biết, như thế để thấy không phải tệ nạn quá nhiều mà vì quá nhiều thông tin truyền bá đôi khi chưa chuẩn xác, cộng thêm TTTT của PG bấy giờ chưa đủ tầm với xử lý sự kiện. Ngày nay TTTT PG lớn mạnh nên tin tức Phật sự được phổ biến nhanh, và tệ nạn tiêu cực phần lớn được hạn chế. Chẳng những thế, trường lớp cung cấp kiến thức Phật học được nhân rộng khắp quận huyện Tỉnh thành, tu sĩ ngày nay không còn phong cách của thầy tụng như xưa.

Tuy nhiên, đó chỉ là kiến thức, về mặt tu tập thì sao? Ngoài hệ phái Trúc Lâm của HT T. Thanh Từ, hệ phái Làng Mai của sư ông T. Nhất Hạnh và một vài sơn môn truyền thống miền Trung, hoàn chỉnh về nhân cách và nội lực cho tu sĩ, số tăng trẻ còn lại nặng về kiến thức nhiều hơn Tăng phong đạo cách. Đáng ra, GH cần có chủ trương khóa tu nghiêm túc cho mùa an cư kiết hạ như thời Phật áp dụng vào mùa mưa.

CƠ SỞ PHẬT GIÁO
18.466 cơ sở, gồm có: 15.846 tự viện Bắc tông; 454 chùa Nam tông Kh’mer; 106 Nam tông Kinh; 541 tịnh xá, 467 tịnh thất, 998 Niệm phật đường,54 tự viện PG người Hoa. (Chưa tính một số tịnh thất, am cốc tự phát).

Từ thập niên 2000 trở lại, nhiều cơ sở thờ tự xuất hiện có tầm vóc như Bái Đính, Ba Vàng, Tượng Quán Âm Bạc Liêu, Quốc Ân Khải Tường, VN Quốc tự, Tu viện Vĩnh Nghiêm (Q12) các Thiền viện Trúc Lâm của hệ thống Trúc Lâm Thiền viện khắp ba miền... Những cơ sở mang tầm vóc thế kỷ như thế, ngược lại vô số am tự viện xuất hiện như nấm, nhất là phía Nam, không những thiếu nét văn hóa nhà Phật mà còn ngược lại nghệ thuật kiến trúc, biến thành những khối bê tông sừng sững giữa lòng xã hội, khó tạo ấn tượng của một tôn giáo giải thoát nói gì đến sự tôn kính đi vào lòng dân.

***

Về mặt nổi, thực sự Phật giáo phát triển; Hội nghị, hội thảo; triển lãm, văn nghệ, kiến trúc... thường xuyên xuất hiện khắp ba miền. Thậm chí, số giảng sư ngày nay gấp 10 lần trước 1975, nhờ thế mà một số quần chúng đến với Phật giáo bằng con đường cảm tình hơn là học hiểu giáo lý, vì những buổi thuyết pháp chỉ là tâm lý chung chung hơn là vào sâu chuyên đề, hẳn nhiên tập thể nhiều trình độ khác nhau khó mà đi sâu chuyên đề, vì thế họ chỉ hiểu Phật giáo một cách chung chung, nhưng cũng giúp cho thính chúng có một đạo đức tôn giáo cơ bản.

Những thành quả do hạ tầng cơ sở tự phát hơn là chủ trương và kế hoạch của ban bệ đầu ngành. Chính vì thế chỉ là hiện tượng mặt nổi. Những mặt nổi như thế chưa hẳn được cắm sâu đức tin vào quần chúng. Ngày xưa, Đức Phật và Tăng đoàn đích thân đi vào các bộ tộc hoằng hóa, kinh Tương ưng V Đại phẩm:
Ngài dạy: “Hãy ra đi, các Tỳ Kheo, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người. Vì lòng từ bi hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư Tiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả. Này hỡi các Tỳ kheo, hãy hoằng dương giáo pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối, toàn hảo cả hai, nghĩa lý và văn tự”.

Như thế, chính Đức Phật và Tăng đoàn đích thân chủ động đi vào thôn xóm để hoằng hóa chứ không ngồi một chỗ đợi quần chúng đến với mình. Các tôn giáo bạn, trong đó có Tin Lành, các mục sư lặn lội vào nương rẫy, vào bản làng các bộ tộc thiểu số vùng cao để đem họ về với Chúa, nghĩa là họ chủ động đến với quần chúng, vì thế họ thành công là điều tất nhiên. Chúng ta ngồi một chỗ la toáng lên khi thấy tôn giáo bạn phát triển và phát triển nhiều mặt trong cuộc sống. Xã hội cạnh tranh, cần thay đổi, mạnh dạn thay đổi và bổ sung những hành trạng hoằng pháp truyền thống cho thích hợp với thời đại. Duy trì những truyền thống lỗi thời là tự hoại, dừng lại là tự diệt, đó là lỗi của ta chứ không phải của đối thủ chạy đua trên đường dài. GH nên khuyến khích các tu sĩ trẻ mạnh dạn đến với quần chúng vùng sâu vùng cao, đem họ về với Phật, đó là tinh thần báo đáp trọng ân chư Phật.

Cơ sở vật chất thiếu tầm vóc nên dừng lại, dồn kinh phí cho việc hoằng pháp và hỗ trợ cho những ai tình nguyện vào sâu trong các vùng chưa có đạo Phật. Quần chúng cần pháp nhũ hơn là cơ sở chuyên cúng bái. Tín đồ cần những bậc chân tu và chuyên tu hơn là lượng số mang tính hào nhoáng và hưởng thụ.

***

Tuy GHPGVN từng bước tạo được uy tín trên trường quốc tế, nhưng chưa vì thế cho là đủ. Phật giáo còn cần rất nhiều về hoằng pháp và tu tập để xây dựng mầm móng vững chắc; hạn chế những cuộc hội thảo trên bề mặt nổi mà cần chuyên sâu về mặt chuyên môn. Bởi mặt nổi càng nhiều sẽ lộ rõ mặt khuyết của tảng băng chìm. Phải chăng Phật giáo ngày nay tại trong nước là quả bong bóng sắc màu. Những đại hội GHPGVN đầu tiên, Hiến chương chỉ có chư Tăng đảm nhiệm và cai quản Giáo hội, về sau, bổ sung thêm nên ra đời Phân Ban Ni giới. Riêng cư sĩ vẫn còn đứng ngoài hệ thống điều hành Phật giáo, chính cư sĩ mới là lực lương năng động đem lại hiệu quả hơn khi mà chư Tăng còn bị hạn chế bởi chiếc áo.

Miền Trung, quá khứ, cư sĩ và Gia đình Phật tử áo lam đã là nền tảng vững chắc cho mọi sinh hoạt Phật giáo vào thời nhà Ngô, sự hy sinh của cư sĩ suốt cao trào đấu tranh lúc bấy giờ trở thành bàn đạp đưa đến cho Phật giáo thành công. Ngày nay, tại Tây nguyên, cư sĩ đảm trách vai trò văn hóa và TTTT khá nổi bật suốt 20 năm liền, khi mà chư Tăng thay thế cư sĩ  trong guồng máy hoạt động GH địa phương, các chuyên ngành đó từ từ mất dạng trên diễn đàn Phật giáo.

***

Giáo hội đương thời của Phật gồm tứ chúng, ngày nay chỉ còn lưỡng chúng, Phật tử cư sĩ chỉ là bổn phận cúng dường mà không được bắt tay với chư Tăng để truyền bá chính pháp. Một số cư sĩ thiết lập website hộ đạo đó là tư cách cá nhân chứ không do GH chỉ đạo, vì thế tinh thần trách nhiệm tồn vong của Phật giáo không thuộc về họ. Hình thái Giáo hội PG ngày nay là hình tháp ngược, hy vọng tương lai sẽ được bổ sung, chỉnh đốn để ngôi nhà Phật pháp trường tồn vững chãi hơn, nếu không, thì nhiều thập kỷ nữa, cho dù có hàng vạn tu sĩ xuất hiện, chuyện ĐÂU ĐÓ VẪN CÒN... LÀ...


MINH MẪN
19/01/2019


Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019

* DƯ ÂM: “GIA TÀI CỦA BA”



Một chủ đề không những nâng cao đạo đức gia giáo khi nhạc phẩm gồm 108 ca khúc của nhạc sĩ Hằng Vang ra đời, dĩ nhiên không phải toàn bộ 108 ca khúc đều mang hàm ý giáo dưỡng, nhưng, chủ đề “Gia tài của ba” được làm chủ đề của tuyển tập những nhạc phẩm của Hằng Vang mà cô gái cưng của nhạc sĩ – THU HẰNG - đã sưu tập cho ra đời như một món quà ghi nhớ công ơn của người cha nặng lòng với Phật pháp và con cái.

Trong lời đầu của Tuyển tập, sau những giòng tâm sự với Ba về gia đình, ca ngợi và ghi nhớ công ơn ba đã dẫn dắt các con vào con đường đạo đức nhà Phật, Thu Hằng viết:… “Bây giờ mới thấy gia tài của ba thật đồ sộ. Đọc nhiều bài viết về Ba, con hiểu rõ hơn chân giá trị về con người của ba; Ba đã được mọi người yêu quý, được kính trọng và giúp đỡ, Ba nói nhờ Ba sáng tác, xiển dương chánh pháp nhiệt tình, thiện tâm nên Ba có phước duyên được chư Tăng ni và các thiện hữu tri thức giúp ba thực hiện được tâm nguyện của mình.”…

Đúng, hàng trăm nhạc phẩm mà suốt đời Hằng Vang dành trọn hướng tâm tư về Phật pháp, bấy nhiêu đủ là một gia tài đáng trân quý của con người nghệ sĩ mang tâm Phật. Chẳng những thế, nhạc sĩ suốt đời trường trai, đạo đức cũng đủ làm thân giáo đi đôi với khẩu giáo giáo dưỡng đàn con, đó là một sự nghiệp to lớn đủ và xứng đáng để Thu Hằng chọn chủ đề “Gia tài của ba”, cho dù trong 108 ca khúc, duy nhất một bài mang cùng chủ đề, lời của nhà thơ Lê Tất Sĩ, Hằng Vang phổ nhạc.

Trong 108 ca khúc, Thu Hằng chọn 63 ca khúc nhạc và lời của Hằng Vang, còn lại ca khúc phổ nhạc từ thơ của nhiều tác gỉả, trong đó, một ca khúc mang chủ đề “gia tài của ba”, phổ từ thơ của Lê Tất Sĩ, được chọn làm chủ đề tuyển tập. Phải chăng đó là một sự trùng hợp đã mang nhiều ý nghĩa về sự nghiệp của Hằng Vang, hay đâu đó phưởng phất giá trị từ lời dặn dò con cái của nhà thơ Lê Tất Sĩ được Hằng Vang phổ nhạc. Gia tài của ba, một giá trị trùng khớp với tâm nguyện của thi sĩ, nhạc sĩ có một điểm chung về đạo đức làm người, đạo đức chánh pháp, ta hãy nghe lời thơ đầy thống thiết của Lê Tất Sĩ:

Ba vốn có niềm tin chánh pháp, cho các con biết sống với đời.Ba vốn có quả tim khối óc, dạy các con đức hạnh đại thừa. Phật pháp thâm nhập đời ba.Trường chay giới hạnh. Không sát hại sinh linh, không tạo nghiệp oán thù. Phật pháp tỏa rạng tâm ba. Tạo những nhân lành là cả công trình trọn đời ba, vì lợi tha đó. Gia tài của ba, các con cố gắng…
Ba có bàn tay rắn chắc, nuôi các con no ấm bốn mùa…
Nội không để lại cho ba nhà cao cửa rộng, không để lại cho ba những vàng bạc của tiền. Nội không để lại cho ba ruộng cả ao liền”…

Những lời tâm huyết từ con tim, từ khối óc đó của người làm thơ, tạo cảm xúc để mượn lời thơ  gieo lên từng cung điệu âm hưởng của một nhạc sĩ, tuy hai lối đi đều chung về một điểm, đó là “gia tài của ba” cho các con nên người.

“Gia tài của ba” một nhạc phẩm xuất phát từ lời thơ của Lê Tất Sĩ được Thu Hằng trang trọng đưa vào vị trí thứ ba sau ca khúc AN NHIÊN và  HÒA ĐIỆU SỐNG. Trang số 9 của Tuyển tập. Nghĩa là ngoài thơ và nhạc của Hằng Vang, thơ Lê Tất Sĩ được phổ nhạc để đầu tiên trong các tác phẩm phổ nhạc.

Rõ ràng nhạc sĩ phổ nhạc đã cẩn trong ghi tác giả, xuất xứ của bài thơ, mượn thơ phổ nhạc là chuyện bình thường, lấy chủ đề một bài trong tuyển tập để làm chủ đề tuyển tập cũng không phải là quá đáng, nếu không nói là vinh danh bài thơ mang tên chủ đề. Thế nhưng, sau buổi kỷ niệm 65 năm công hiến âm nhạc cho Phật giáo và 86 năm có mặt nhạc sĩ trên cõi đời, TT T. Chánh Tài đã dành cho nhạc sĩ tài hoa một kỷ niệm tôn vinh khó quên trên cõi đại ngàn. Người viết đã tường thuật buổi lễ trang trọng đó một cách khách quan, vô tư, thế nhưng, khi bài “Hương nhạc Đại ngàn” phổ biến, con trai của Lê Tất Sĩ với giọng hằn học khó chịu điện đến trách móc:.. “chú viết về Hằng Vang mà không chịu tìm hiểu kỹ… Sẽ có người phản ứng sau bài viết này”. Đây là bài viết tường thuật buổi lễ chứ không phải chuyên đề viết về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ, thì sao phải tìm hiểu cá nhân của nhạc sĩ. Dĩ nhiên trong cơn hậm hực không tránh khỏi những lời lẽ và thái độ bất kính, rất đáng tiếc!

Trước sự thắc mắc về thái độ ậm ờ đó, nữ sĩ Ninh Giang Thu Cúc cho biết có lẽ cậu ta nghĩ rằng chủ đề “Gia tài của Ba” là toàn bộ đạo thơ của Lê Tất Sĩ, đó là chủ đề độc quyền, nhưng khi đọc lời tự tình của cô gái đầu lòng của nhạc sĩ, mới vỡ lẽ: “những tư tưởng lớn đều gặp nhau”, nghĩa là tâm sự của nhạc sĩ và tâm tư của thi sĩ đều hướng đến việc giáo dục, gửi gắm tâm tư cho con cái, thế có gì sai? Một chủ đề của tuyển tập cho dù vô tình trùng khớp hay cố ý lấy chủ đề bài thơ làm chủ đề tuyển tập cũng không có gì sai nếu nội dung lời thơ không bị chỉnh sửa hay phổ thơ không ghi xuất xứ của một tác giả.

Mỗi người đều có một “gia tài của ba” cho riêng mình, ngoại trừ lấy cắp toàn bộ lời thơ để làm của mình, thì sự trang trọng, trân quý tình cảm đối với đấng sinh thành, mọi người đều có thể, thậm chí trùng khớp những hành vi khi dâng lên đấng sanh thành. Chủ đề Gia tài của ba không thể độc quyền cho riêng ai.

Nhạc sĩ Hằng Vang không có gì sai khi phổ thơ của Lê Tất Sĩ ghi rõ tên tác giả, Thu Hằng không có gì sai khi chọn chủ đề “Gia tài của ba” để nói lên sự nghiệp to lớn và nhân cách đạo đức của ba mình trùng lắp với chủ đề thơ. Người viết “Hương nhạc Đại ngàn” không có gì sai khi tường thuật lễ tôn vinh nhạc sĩ. TT Huyền Lan không sai khi tôn vinh và ghi nhớ công lao của một nhạc sĩ Phật tử nơi miền gió hú. Vậy cái sai làm nên sự bức xúc cho con Lê Tất Sĩ từ đâu? Chỉ có kẻ bức xúc mới hiểu đúng hay sai.
Ngỡ chừng dư âm “Hương nhạc đại ngàn” sẽ lan tỏa khắp Tây nguyên, nhưng mặt trái của dư âm chỉ gói gọn trong tâm một người.

MINH MẪN
14/01/2019


Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

* HƯƠNG NHẠC ĐẠI NGÀN



Ngàn mùi hương, chỉ có hương giới hạnh mới bay ngược làn gió; vạn âm ba, gió rít đại ngàn hay sóng âm biển khơi mới tồn tại miên trường. Âm nhạc đời thường chỉ là cơn sóng xô giạt tiếp nối theo từng thời đại, có lúc chìm lặng lãng quên, có lúc mơ hồ thổn thức.
Riêng tiếng nhạc Trời, tiếng nhạc thẩm thấu vào tâm thức chủng tử giác ngộ của những con người vượt thoát sợi ràng buộc trần tục để biến thành những tơ trời mong manh rung lên từng nốt nhạc tán thán Chân như; âm ba đó du dương theo từng quốc độ, từng lãnh vực. Đã từng có âm điệu chư Thiên dâng cúng Đức Thế Tôn, cũng có kiếp Ngài từng trỗi nhạc làm chìm lặng mọi âm lực đời thường.
Phật giáo Việt Nam thẩm thấu vào đời sống dân tộc không chỉ là giáo pháp, là nếp thoát tục thanh cao, từ những tâm hồn thánh thiện biến thành nhạc âm đi vào lòng người, khắc sâu nghệ thuật qua nhiều lãnh vực.
Một Lê Cao Phan với Đạo ca hành khúc bất hủ, Bửu Bác với nhạc lễ Trầm Hương Đốt thì Hằng Vang với nhạc phẩm Ánh Đạo Vàng bất tuyệt, không thể thiếu trong lịch sử âm nhạc Phật giáo, một trong những cây cổ thụ nhạc Đạo chưa hề nhạt mờ.
Tài sản âm nhạc của Hằng Vang như là tài sản cổ thụ đại ngàn trên miền Tây nguyên, xuyên suốt nhiều thập kỷ chưa từng gián đoạn cũng như chưa từng gián đoạn niềm tin và sự hành trì của nhạc sĩ đối với Phật pháp. Sự xúc cảm và niềm đam mê, Hằng Vang trải dài từng nốt nhạc trên các chủ đề Đạo và đời như:
Ánh đạo vàng, Ca mừng Phật Đản, Cảm niệm Ca tỳ la thành, Ca mừng Thành đạo, Kính mừng Phật Đản (1957), Ngày đẹp trần gian, Bồ Tát Quán thế âm, Mẹ hiền Quán thế âm, Mẹ là suối ngọt từ bi, Mẹ quê hương, Trăng quê tình mẹ, Gia tài của Ba... Tin Loạn Quê Hương, Lửa Từ bi, Lửa sáng niềm tin, Ánh lửa Quảng Hương, Pháp nạn 1963, Đêm kinh hoàng 20/8/1963, Ánh lửa Nhất Chi Mai, Tưởng niệm Quách thị Trang, Tưởng niệm Yến Phi, và rất nhiều tác phẩm qua lời thơ của nhiều thi sĩ nổi tiếng như T.S Nhất Hạnh, Vũ Hoàng Chương, Huyền Linh Tử. Trụ Vũ...
Tuy đam mê đạo, nhưng Hằng Vang nào quên trách nhiệm với cháu con; qua 108 ca khúc được ái nữ THU HẰNG pháp danh NGUYÊN HÀ xuất bản làm món quà tri ân cha mẹ, đó là GIA TÀI CỦA BA. Tác phẩm gửi gấm tình cảm để khuyến nhủ con cháu trên con đường đạo đức, đầy xúc động.
***
Sau một ngày tổ chức chương trình kỷ niệm 65 năm ca nhạc Phật giáo và 86 năm mừng thọ nhạc sĩ Hằng Vang, ghi đầu công lao của nhạc sĩ đã đóng góp cho Phật giáo, được TT Thích Chánh Tài, (nhà thơ Huyền Lan) tọa chủ tu viện Phước Hoa. Long Thành, cùng sự hỗ trợ của nhóm Văn hóa văn nghệ PG Nhất Chi Mai, chủ xướng, anh em văn nghệ sĩ Thành phố SG cùng tháp tùng, con cháu đông đủ sum vầy đã có bữa tiệc chung vui trong khoảng sân vừa đủ dưới cái lạnh thoang thoảng của đồi núi Cao nguyên. Hằng Vang cùng con cháu hợp ca Ánh Đạo Vàng, Gia Tài Của Ba, và vài ca khúc nhạc đứt (nhạc không thuộc lời). Trong đó, nhạc sĩ tự hát một nhạc phẩm mà bấy lâu trong Phật giáo chưa hề biết, nói lên tình yêu với văn từ hoa mỹ tràn đầy sức sống: “Ru Tình Ngủ say”.
Mặc dù ca nhạc Phật giáo trước 1975 cũng đã từng được cố HT Viện trưởng VHĐ Thích Thiện Hoa và Cố HT T.Tâm Châu tán dương khen thưởng, nhưng trên 40 năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lặn hụp, trăn trở một cách khó khăn để chứng minh sự tồn tại và trưởng thành, bộ phận âm nhạc và các nhạc sĩ tài danh một thời dường như bị mờ nhạt. Trong đó, một số nhạc sĩ Phật giáo trẻ đang vươn lên trong thầm lặng. Trong rừng sâu vẫn có những đóa hướng dương thầm trổ, giữa mênh mông Phật sự, vẫn còn có những ý tưởng cưu mang anh em văn nghệ sĩ có công đối với Đạo. TT viện chủ tu viện Phước Hoa, không sử dụng phô diễn âm nhạc Phật giáo qua những đêm công diễn đại chúng tốn kém, nhưng thầm lặng tôn vinh những cá nhân thực tài. Chính vì vậy, Hằng Vang đã sống lại sau những tháng ngày đơn độc giữa đại ngàn cao nguyên, đơn độc với đồng đạo, đơn độc với gia tộc, nghệ sĩ luôn là kẻ độc hành như nhện giăng tơ, như tằm đúc kén để có những tác phẩm độc và lạ cống hiến cho Đạo và đời. Hằng Vang thật sự rất vui, nhìn quý thầy, nhìn mặt anh em đồng đạo và đồng nghiệp, nhìn mặt cháu con một thời xa cách, để rồi tràn đầy niềm kiêu hãnh với cháu con, niềm tự hào của con cháu, một ngày thật ý nghĩa và một đêm thật vui hòa với gió lạnh đại ngàn.
Có lẽ đây là một kỷ niệm khó quên và là kỷ niệm cuối đời thật xứng đáng cho một nhạc sĩ tài danh như Hằng Vang. Kỷ niệm do nhóm Văn hóa văn nghệ PG Nhất Chi Mai dưới sự hướng dẫn của nhà thơ Huyền Lan cùng góp mặt của anh em văn nghệ sĩ Thành phố, tạo thành cung bậc hòa nhập với âm ba đại ngàn mà một đời nhạc sĩ đã gắn bó với vùng đất lạnh. Khó quên! Gió vẫn hú, nhạc vẫn ru trên đại ngàn.

MINH MẪN
08/01/2019