Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

* ĐÂU ĐÓ VẪN CÒN…

* ĐÂU ĐÓ VẪN CÒN…

Qua Hội nghị kỳ 3 khóa VIII của GHPGVN, tổng kết hoạt động Phật sự 2018 và trình bày dự thảo chương trình hoạt động 2019 của các cấp, các ban ngành thuộc GHPGVN.
Qua báo cáo của 13 chuyên ngành, thành quả đạt được, năm sau cao hơn năm trước. Thật vậy, những nhiệm kỳ gần đây, GHPGVN thay da đổi thịt thấy rõ; mặc dù nội tình một số Tỉnh thành có nhiều vấn đề, nhưng Trung ương Giáo hội đến tận nơi giải quyết cặn kẽ, thậm chí, có những vùng, miền không thể hòa giải, hàn gắn như Phú Yên, Giáo hội mạnh tay giải quyết Ban trị sự cũ để cải tiến nhân sự mới, hẳn nhiên còn nhiều cấn cái, nhưng dần dà cũng được hoàn thiện.
Những vùng như Bình Phước, Bạc Liêu, nhân sự đầu ngành của Trung ương GH đích thân đảm nhiệm lâm thời để điều hành, một khi sự việc ổn định, sẽ công cử nhân sự địa phương tiếp tục đảm trách. Tóm lại, những ách tắt cản trở bước tiến Phật sự địa phương, đã được Trung ương GH giải quyết tận tình hợp lý. Chẳng những thế, một số ban ngành tự thân chuyển hóa và phát triển một cách kỳ diệu, như TTTT, từ một Ban ngành sinh hoạt hạn chế vì thiếu điều kiện và phương tiện mở rộng, nay lại có “Phật sự online” góp mặt trên các website, Fanpage, youtube.

TU SĨ:
Các ban ngành khác cũng có nhiều cải tiến. Đặc biệt nhất, ngoài báo cáo nội bộ, mặt nổi trong xã hội và cuộc sống, ai cũng thấy, tu sĩ của đạo Phật phát triển như vũ bão. Theo báo cáo chuyên ngành Tăng sự: Tăng Ni có 54.941 vị, gồm 39.229 Bắc tông, 8.571 Nam tông Kh’mer, 1.754 Nam tông kinh( 1.100 Tăng vẫ tu nữ); 5.384 Khất sĩ (chưa kể số tự viện và tu sĩ không tham gia GH).

Với số lượng tu sĩ như thế, thỉnh thoảng có những trường hợp cá nhân vượt rào gây tai tiếng cho Phật giáo là không tránh khỏi, nhìn chung, vẫn là một tập thể ổn định hơn so với những năm về trước. Một phần, do tâm hộ pháp của một số cư sĩ nhiệt tình phát hiện những lối rẽ lệch hướng của những phần tử năng động, thiếu đào tạo và xa thầy tổ. Nhưng cũng có những nhiệt tình quá mức khi chưa tìm hiểu nguyên gốc của sự việc. Ví dụ 2 vị mặc áo nâu ngắn (không phải áo vạt khách hay áo dài của tu sĩ), lên song ca game show là Lê Thanh Hoài.

Nguyên và Lê Thanh Nhất Nguyên ở Tịnh thất Bồng Lai Long An do cụ Thích Tâm Đức trụ trì. Họ không phải là tu sĩ trực thuộc GHPGVN, họ là những trẻ mồ côi được sư cụ Tâm Đức nuôi dưỡng, đào tạo, họ đăng ký trình diễn để lấy tiền về nuôi lớp đàn em nhỏ tuổi, cũng mồ côi được sư cụ cưu mang. Chẳng những thế, 5 chú tiểu từ 3 đến 5 tuổi vừa rồi cũng giựt giải 200 triệu, đem lại nguồn sống cho thầy trò nơi miền ruộng nước. Khi báo chí Phật giáo lên án, BTS PG Long An xác nhận họ không có trong danh mục tu sĩ của GH, họ cũng không mạo nhận là tu sĩ chính thức, có nghĩa thầy trò tu tại gia, tự cung tự cấp mà không có sự cúng dường của bá tánh, hay giúp đỡ từ GH. (Nếu là tôn giáo khác, họ sẽ được các cấp giáo phẩm nâng đỡ hơn là bị cô lập và loại trừ).

Nhờ tinh thần hộ đạo và cảnh giác của một số cư sĩ lên tiếng, tình trạng lem nhem của những tu sĩ trẻ có phần giảm thiểu.

Với gần 100 triệu dân hiện nay, lượng số tu sĩ như vậy chưa phải là quá, so với thời Trần, tu sĩ chiếm phân nửa dân số. Nhưng phân nửa tu sĩ đó được đào tạo chặt chẽ từ môn phong và luật cung triều đương thời, nên tình trạng tiêu cực, nếu có, cũng không đáng nói.

Phương tiện truyền thông ngày nay, chỉ cần hé lộ chuyện bất minh thì toàn thế giới đều biết, như thế để thấy không phải tệ nạn quá nhiều mà vì quá nhiều thông tin truyền bá đôi khi chưa chuẩn xác, cộng thêm TTTT của PG bấy giờ chưa đủ tầm với xử lý sự kiện. Ngày nay TTTT PG lớn mạnh nên tin tức Phật sự được phổ biến nhanh, và tệ nạn tiêu cực phần lớn được hạn chế. Chẳng những thế, trường lớp cung cấp kiến thức Phật học được nhân rộng khắp quận huyện Tỉnh thành, tu sĩ ngày nay không còn phong cách của thầy tụng như xưa.

Tuy nhiên, đó chỉ là kiến thức, về mặt tu tập thì sao? Ngoài hệ phái Trúc Lâm của HT T. Thanh Từ, hệ phái Làng Mai của sư ông T. Nhất Hạnh và một vài sơn môn truyền thống miền Trung, hoàn chỉnh về nhân cách và nội lực cho tu sĩ, số tăng trẻ còn lại nặng về kiến thức nhiều hơn Tăng phong đạo cách. Đáng ra, GH cần có chủ trương khóa tu nghiêm túc cho mùa an cư kiết hạ như thời Phật áp dụng vào mùa mưa.

CƠ SỞ PHẬT GIÁO
18.466 cơ sở, gồm có: 15.846 tự viện Bắc tông; 454 chùa Nam tông Kh’mer; 106 Nam tông Kinh; 541 tịnh xá, 467 tịnh thất, 998 Niệm phật đường,54 tự viện PG người Hoa. (Chưa tính một số tịnh thất, am cốc tự phát).

Từ thập niên 2000 trở lại, nhiều cơ sở thờ tự xuất hiện có tầm vóc như Bái Đính, Ba Vàng, Tượng Quán Âm Bạc Liêu, Quốc Ân Khải Tường, VN Quốc tự, Tu viện Vĩnh Nghiêm (Q12) các Thiền viện Trúc Lâm của hệ thống Trúc Lâm Thiền viện khắp ba miền... Những cơ sở mang tầm vóc thế kỷ như thế, ngược lại vô số am tự viện xuất hiện như nấm, nhất là phía Nam, không những thiếu nét văn hóa nhà Phật mà còn ngược lại nghệ thuật kiến trúc, biến thành những khối bê tông sừng sững giữa lòng xã hội, khó tạo ấn tượng của một tôn giáo giải thoát nói gì đến sự tôn kính đi vào lòng dân.

***

Về mặt nổi, thực sự Phật giáo phát triển; Hội nghị, hội thảo; triển lãm, văn nghệ, kiến trúc... thường xuyên xuất hiện khắp ba miền. Thậm chí, số giảng sư ngày nay gấp 10 lần trước 1975, nhờ thế mà một số quần chúng đến với Phật giáo bằng con đường cảm tình hơn là học hiểu giáo lý, vì những buổi thuyết pháp chỉ là tâm lý chung chung hơn là vào sâu chuyên đề, hẳn nhiên tập thể nhiều trình độ khác nhau khó mà đi sâu chuyên đề, vì thế họ chỉ hiểu Phật giáo một cách chung chung, nhưng cũng giúp cho thính chúng có một đạo đức tôn giáo cơ bản.

Những thành quả do hạ tầng cơ sở tự phát hơn là chủ trương và kế hoạch của ban bệ đầu ngành. Chính vì thế chỉ là hiện tượng mặt nổi. Những mặt nổi như thế chưa hẳn được cắm sâu đức tin vào quần chúng. Ngày xưa, Đức Phật và Tăng đoàn đích thân đi vào các bộ tộc hoằng hóa, kinh Tương ưng V Đại phẩm:
Ngài dạy: “Hãy ra đi, các Tỳ Kheo, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người. Vì lòng từ bi hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư Tiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả. Này hỡi các Tỳ kheo, hãy hoằng dương giáo pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối, toàn hảo cả hai, nghĩa lý và văn tự”.

Như thế, chính Đức Phật và Tăng đoàn đích thân chủ động đi vào thôn xóm để hoằng hóa chứ không ngồi một chỗ đợi quần chúng đến với mình. Các tôn giáo bạn, trong đó có Tin Lành, các mục sư lặn lội vào nương rẫy, vào bản làng các bộ tộc thiểu số vùng cao để đem họ về với Chúa, nghĩa là họ chủ động đến với quần chúng, vì thế họ thành công là điều tất nhiên. Chúng ta ngồi một chỗ la toáng lên khi thấy tôn giáo bạn phát triển và phát triển nhiều mặt trong cuộc sống. Xã hội cạnh tranh, cần thay đổi, mạnh dạn thay đổi và bổ sung những hành trạng hoằng pháp truyền thống cho thích hợp với thời đại. Duy trì những truyền thống lỗi thời là tự hoại, dừng lại là tự diệt, đó là lỗi của ta chứ không phải của đối thủ chạy đua trên đường dài. GH nên khuyến khích các tu sĩ trẻ mạnh dạn đến với quần chúng vùng sâu vùng cao, đem họ về với Phật, đó là tinh thần báo đáp trọng ân chư Phật.

Cơ sở vật chất thiếu tầm vóc nên dừng lại, dồn kinh phí cho việc hoằng pháp và hỗ trợ cho những ai tình nguyện vào sâu trong các vùng chưa có đạo Phật. Quần chúng cần pháp nhũ hơn là cơ sở chuyên cúng bái. Tín đồ cần những bậc chân tu và chuyên tu hơn là lượng số mang tính hào nhoáng và hưởng thụ.

***

Tuy GHPGVN từng bước tạo được uy tín trên trường quốc tế, nhưng chưa vì thế cho là đủ. Phật giáo còn cần rất nhiều về hoằng pháp và tu tập để xây dựng mầm móng vững chắc; hạn chế những cuộc hội thảo trên bề mặt nổi mà cần chuyên sâu về mặt chuyên môn. Bởi mặt nổi càng nhiều sẽ lộ rõ mặt khuyết của tảng băng chìm. Phải chăng Phật giáo ngày nay tại trong nước là quả bong bóng sắc màu. Những đại hội GHPGVN đầu tiên, Hiến chương chỉ có chư Tăng đảm nhiệm và cai quản Giáo hội, về sau, bổ sung thêm nên ra đời Phân Ban Ni giới. Riêng cư sĩ vẫn còn đứng ngoài hệ thống điều hành Phật giáo, chính cư sĩ mới là lực lương năng động đem lại hiệu quả hơn khi mà chư Tăng còn bị hạn chế bởi chiếc áo.

Miền Trung, quá khứ, cư sĩ và Gia đình Phật tử áo lam đã là nền tảng vững chắc cho mọi sinh hoạt Phật giáo vào thời nhà Ngô, sự hy sinh của cư sĩ suốt cao trào đấu tranh lúc bấy giờ trở thành bàn đạp đưa đến cho Phật giáo thành công. Ngày nay, tại Tây nguyên, cư sĩ đảm trách vai trò văn hóa và TTTT khá nổi bật suốt 20 năm liền, khi mà chư Tăng thay thế cư sĩ  trong guồng máy hoạt động GH địa phương, các chuyên ngành đó từ từ mất dạng trên diễn đàn Phật giáo.

***

Giáo hội đương thời của Phật gồm tứ chúng, ngày nay chỉ còn lưỡng chúng, Phật tử cư sĩ chỉ là bổn phận cúng dường mà không được bắt tay với chư Tăng để truyền bá chính pháp. Một số cư sĩ thiết lập website hộ đạo đó là tư cách cá nhân chứ không do GH chỉ đạo, vì thế tinh thần trách nhiệm tồn vong của Phật giáo không thuộc về họ. Hình thái Giáo hội PG ngày nay là hình tháp ngược, hy vọng tương lai sẽ được bổ sung, chỉnh đốn để ngôi nhà Phật pháp trường tồn vững chãi hơn, nếu không, thì nhiều thập kỷ nữa, cho dù có hàng vạn tu sĩ xuất hiện, chuyện ĐÂU ĐÓ VẪN CÒN... LÀ...


MINH MẪN
19/01/2019


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét