Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

* ĐỘNG CHÚNG THIỀN MÔN (9)


Qua 8 bài, một số hình ảnh, văn bản, lời thoại của hai phía, đã được đưa lên trang mạng, đủ cho những ai quan tâm đánh giá khách quan. Rất tiếc, FB không tải lên 7 đoạn phỏng vấn được.
Sau đây là những giòng phân tích đúng sai của những người trong cuộc.
1/ VỀ PHÍA QUẦN CHÚNG CHỐNG ĐỐI THẦY THIỆN THÀNH:
Dĩ nhiên ai cũng có một lý do nêu ra để việc chống lại thầy Thiện Thành có tính hợp lý. Nội dung chống gồm phong cách của thầy Thiện Thành mà tín đồ không đồng tình. Theo họ, thầy Thiện Thành thao túng đất nghĩa trang, xúi Phật tử chống nhau, đem cả tấn cá về phân phối cho đồng bào nhân ngày rằm; nói chuyện thô tục không xứng nhà tu; thầy không hợp tác với Giáo hội khi đưa thầy Quảng Ninh về; lý lịch không rõ ràng, mạo nhận chức vị tại trường Phật học Đại Tòng Lâm; khi thầy Thanh Nhật đến tìm hiểu nguyện vọng quân chúng thì thầy Thiện Thành xúi Phật tử la ó chống đối, không ra tiếp…
Nếu thật sự là như thế, tại sao không ngồi lại với nhau góp ý mổ xẻ để thầy Thiện Thành sửa sai? Và những lý do như thế chưa đáng để chia rẽ chùa, gây mất đoàn kết nội bộ?
2/ VỀ PHÍA GIÁO HỘI CHỐNG ĐỐI THẦY THIỆN THÀNH:
Theo lãnh đạo Phật giáo Tỉnh thì thầy Thiện Thành bất hợp tác với giáo hội, chỉ biết có quần chúng ủng hộ mình mà không quan tâm cùng sinh hoạt chung với Giáo hội. HT Thái Thuận, Trưởng BTS PG TP Bảo Lộc nói – Chú sai phạm ở đâu không cần biết, chú phải về đây tu tập để theo dõi đạo đức, nhân cách của chú như thế nào tôi mới quyết định bổ nhiệm; không chấp hành về tạm trú tại chùa Phước Huệ một thời gian trước khi công cử về chùa Linh Quang chú ấy bất kính chư tôn túc, có những lời lẽ xúc phạm đến chức sắc Giáo hội, …
TT Thanh Nhật trình bày: Thầy Thiện Thành cư xử quá vụng về, từ nội bộ chùa để gây bất mãn chia rẽ đến việc quả chuông HT Thái Thuận cho mượn khi muốn lấy lại, thầy Thiện Thành buông những lời thách thức xem thường Hòa Thượng. Cho Phật tử rãi truyền đơn chống thầy Thanh Nhật; xem thường Giáo hội; một số clip phật tử nhờ GH giải quyết việc tình cảm cá nhân, do tế nhị, thầy Thanh Nhật vẫn chưa công khai, thế nhưng, thầy Thiện Thành vẫn chưa chịu sửa sai, vẫn tỏ ra ngoan cố… thầy Thiện Thành không phải là tu sĩ của Phật giáo Bảo Lộc đào tạo…
3/ VỀ PHÍA AN NINH:
Quy kết thầy Thiện Thành cư trú bất hợp pháp, xây dựng không có giấy phép, mua đất “nông nghiệp” chưa lên “thổ cư” tự ý xây nhà riêng. Ngoài ra, đời tư có nhiều vấn đề mà an ninh không được phép tiết lộ, họ giới thiệu đến tìm hiểu nơi Giáo hội TP Bảo Lộc…Cách đối xử với thầy Quảng Ninh, theo an ninh, GH đưa về, không phòng ốc, không cơm nước, để bên ngoài phải yểm trợ. Nếu thầy Thiện Thành khôn ngoan, can thiệp không để Phật tử đối xử như vậy, chăm sóc tử tế với thầy Quảng Ninh, có lẽ GH cũng phải xét lại…
4/ VỀ PHÍA ỦNG HỘ:
Quần chúng khá đông, ủng hộ thầy Thiện Thành, các cụ ông cụ bà tỏ ra bức xúc khi đưa thầy Quảng Ninh về mà không thông qua Phật tử và thầy Thiện Thành, xem như cướp công 7 năm thầy Thiện Thành về xây dựng. Theo họ, Phật tử Bảo Lộc ít và nghèo, nếu không do thầy Thiện Thành huy động các nơi thì làm gì xây dựng được cơ ngơi như hôm nay! Nếu thầy Thiện Thành bất chánh, làm sao chúng tôi, những Phật tử ngày đêm có mặt trong chùa, chả lẽ chúng tôi mù cả? Những người chống chúng tôi là những kẻ không thao túng chùa được, không còn hưởng lợi, lạm dụng công quỹ chùa, bị thầy Thiện Thành buộc công khai tài chánh nên bất mãn quay ra chống thầy; hoặc có người tự ái cá nhân do tính thẳng thắng của thầy, không chịu mềm mỏng chiều ý…
Từ ngày thầy về chùa Linh Quang đến nay chưa hề sai phạm pháp luật hay giáo luật, tại sao đuổi thầy đi?  Họ cũng cho biết - Thầy Thanh Nhật do tự ái với thầy Thiện Thành, tuyên bố - “Ngày nào thầy còn làm việc GH thì sẽ không có thầy Thiện Thành”. Phật tử chúng tôi thân cô thế cô, thương thầy mà chả biết làm sao trước áp lực như thế. Vụ rải truyền đơn chống thầy Thanh Nhật lúc ấy do bà Ca làm (khi bà ta chưa theo phe ông Hưởng) một Phật tử cho biết.
5/ VỀ PHÍA NẠN NHÂN:
Thầy Thiện Thành cho biết một vài người “khai quốc công thần” với chùa đã bỏ ra đi vì nhiều lý do: Thứ nhất ông Hưởng mất quyền lợi, thứ hai cô Lan là bồ ông Hưởng nên hùa theo ông ta chống thầy, thứ ba bà Ca có tính gia trưởng, muốn mọi người phải nghe bà, không thao túng sai sử được thầy nên tự ái bỏ đi; còn lại vài người do tự ái khi bị thầy phê  phán, hoặc do cảm tình với những người chống mà bỏ chùa… Giáo hội nghe lời tâu hót của ông Hưởng, bà Ca sai sự thật nên GH nghĩ sai về tôi (Thiện Thành). Bà Ca có 2 người con, một người an ninh tỉnh, một người an ninh TP Bảo Lộc, do nghe lời mẹ mà tạo áp lực rất lớn với tôi (thầy Thiện Thành). Thiện Thành được HT Thái Thuận cho về Linh Quang vào ngày 30/8/2017, có Phật tử cung đón, hàng tháng còn đi Bố Tát tại Phước Huệ, chúc tết các ngài, thế mà giờ đây bảo Thiện Thành về đây HT không biết. UBND tỉnh từng ra văn bản yêu cầu giải quyết vụ chùa Linh Quang, về Bảo Lộc lại làm khác. Ông Hưởng mang con dấu và 80 triệu đồng lên giao cho HT Thái Thuận mà không thông báo cho chùa biết.
Thiện Thành có mặt tại tỉnh Lâm Đồng lúc đó mới có 36 tháng tuổi, theo gia đình đi kinh tế mới ở Đạ Tẻ, sao gọi là không phải tu sĩ Lâm Đồng. Bảo rằng Thiện Thành cư trú bất hợp pháp sao 7 năm rồi không tẩn xuất? Trước đây vẫn có tạm trú, nhưng từ khi ông Hưởng chống, ông ta không bảo lãnh nữa, ông ta yêu cầu nhà nước hủy tạm trú.
Một nạn nhân khác, bất đắc dĩ, ở không được mà đi cũng không xong, đó là thầy Quảng Ninh, được Giáo Hội TP Bảo Lộc đưa về với quyết định bổ nhiệm trụ trì, bị Phật tử chống đối; hàng ngày bị cô lập. Nhiều lần muốn trở về lại chùa Đại Giác như thầy Quảng Lợi (người cùng thầy Quảng Ninh được bổ nhiệm về, vài hôm sau thấy bất ổn nên rút lui). Thầy Thanh Nhật bảo cứ ở đó. Đây là nạn nhân trên đe dưới búa; thầy còn trẻ, tuổi ngoài 30 xã giao vụng về mặc dù đã được ăn học, thời gian đầu tiên nếu biết xã giao với Phật tử và bặt thiệp với người ở lâu năm như thầy Thiện Thành, đừng ỷ vào giấy “quyết định bổ nhiệm trụ trì” thì tình hình cũng bớt căng thẳng, sẽ không trở thành nạn nhân bất đắc dĩ như thế.
* **
Khuynh hướng giải quyết của người trong cuộc:
1/ HT trưởng BTS PG TP Bảo Lộc:
Chúng tôi kiến nghị trợ cấp một số kinh phí để thầy Thiện Thành ra khỏi Bảo Lộc, nghĩa là ở bất cứ nơi đâu trong tỉnh Lâm Đồng, phía an ninh không đồng ý.
2/ TT Thanh Nhật:
Sẽ khoanh vùng nhà ở của thầy Thiện Thành, biệt lập với chùa Linh Quang, để thầy sống riêng. an ninh cũng không chấp thuận. Chúng tôi thiết nghĩ, thầy Thiện Thành nên rời khỏi Linh Quang một thời gian, để chúng tôi thành lập Ban Hộ tự khác, sẽ mời thầy về công khai và hợp pháp. Thầy nên tự ra đi tốt đẹp hơn là để GH dùng biện pháp mạnh… Chúng tôi có những tư liệu ghi âm về tình cảm cá nhân mà chưa tung ra, còn giữ uy tín cho thầy. Tùy thầy quyết định.
3/ An ninh:
Chúng tôi không chấp nhận sự hiện diện bất hợp pháp và xây dựng trái phép của thầy Thiện Thành, gây mất an ninh trật tự trong chùa… Những người ủng hộ thầy là những người mới đến chùa, không hiểu nội tình và bản chất của thầy.
4/ Phía chống:
Bằng mọi giá chúng tôi phải trục xuất ông ta ra khỏi chùa. Chúng tôi không phục nhân cách của ông ta.
5/ Thầy Thiện Thành:
Tôi cũng chưa biết xử trí thế nào, những kết án của an ninh và Giáo hội hoàn toàn không thuyết phục; tôi chưa vi phạm luật pháp. Những gì Giáo hội quy tội là do nghe một phía từ ông Hưởng và bà Ca. Những băng ghi âm là họ cài đặt để vu khống. Nghe lời thầy Thanh Nhật ra khỏi chùa một thời gian, chắc gì về lại được.
6/ Phía Phật tử ủng hộ:
Chúng tôi là dân dốt nát, không biết pháp luật và đạo luật, xét thấy 7 năm nay thầy có công rất lớn để xây dựng chùa và hướng dẫn chúng tôi tu học. Từ ngôi thảo am mua lại, còn chuồng bò chuồng trâu, Giáo hội không quan tâm, nhiều tu sĩ về rồi bỏ đi, để rồi thầy Thiện Thành về xây dựng cơ ngơi như hôm nay, tại sao trục xuất thầy để đưa người khác về. Công lao 7 năm mà Giáo hội vẫn không cấp quyết định bổ nhiệm trụ trì, một người như thầy Quảng Ninh chân ướt chân ráo không hiểu gì về chùa Linh Quang, không có công với chùa, chưa quen biết bất cứ Phật tử nào của chúng tôi, lại được công cử về làm trụ trì, làm sao chúng tôi phục. Nếu thầy Thiện Thành ra đi, chúng tôi không bao giờ tới chùa nào nữa và không còn tin tưởng tu sĩ cũng như Giáo hội nầy nữa. Xã hội bây giờ mất hết công tâm…
Nhận định:
Qua những luận cứ và cách hành xử của Giáo hội, an ninh, và phe chống đối thầy Thiện Thành, chúng ta tạm kết luận như sau:
*/ Phía quần chúng chống với những lý do mang tính cá nhân, điều đó không phải không có lý, nhưng cái lý không đủ để làm lớn chuyện như vậy, cá tính trong nội bộ là điều khó tránh. Không vì cá tính, mất quyền lợi mà chống đối, không phải là việc chính đáng. Nếu có sai phạm thì chỉ sai phạm mang tính nội bộ, không cần đưa đến chính quyền và cách giải quyết của Giáo hội.
*/ Phía Giáo hội, với lý luận thầy Thiện Thành không phải là tu sĩ được Bảo Lộc hay Tỉnh hội đào tạo nên không chấp nhận ở lại Linh Quang. Vậy ngay từ đầu tại sao không phủ nhận mà để 7 năm sau, do một vài người bất mãn, xuyên tạc mới có công văn tẩn xuất hoặc có ý định tống khứ? Theo Hiến chương GHPGVN hiện nay và nội quy Tăng sự, chưa có điều khoản nào quy định một tu sĩ về sinh hoạt phải là người do GH địa phương đào tạo hoặc không phải tu sĩ xuất thân từ địa phương.
Nếu vì lý do thầy Thiện Thành bất kính với chư tôn giáo phẩm địa phương, sao Giáo hội không gọi đến để lắng nghe sự thật giữa 2 bên, nếu thật sự thầy Thiện Thành có lỗi, theo giáo luật, tác pháp yết ma xử trị, qua ba lần không sửa thì y cứ vào đó mà luận tội để tẩn xuát. Thật ra những pháp bất kính chưa phải lỗi để tẩn xuất như luật định của Phật giáo và của nội quy trong Giáo hội hiện nay.
Theo bản tường trình của ĐĐ Thích Thanh Nhật (lúc bấy giờ còn là phó Ban Đại Diện PG TP Bảo Lộc) vào ngày 01/7/2011 đến lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Phật tử thì một số người chống đối nhục mạ thầy Thanh Nhật, có lẽ, từ nguyên nhân này, thầy Thanh Nhật đặt vấn đề ai đã xúi dục Phật tử chống thầy Thanh Nhật. Nhưng theo báo cáo của Ban bảo vệ chùa Linh Quang, sau khi thầy Đồng Tâm đưa Phật tử các chùa đến hỗ trợ thầy Quảng Ninh về Linh Quang, thì đêm 28/10/2017 một số người đến gây sự, sau khi ông Hưởng lớn tiếng với bảo vệ chùa, có sự xô xát với bảo vệ chùa, họ quay phim chụp hình, từ đó Phật tử chùa Linh Quang luôn lo sợ và bất an. Chuyện bất an càng gia tăng thì sự bất mãn của phật tử chùa Linh Quang càng dâng lên cao độ.
Trước những lộn xộn tại Linh Quang, Ban Thường trực Trị sự PG Lâm Đồng có văn bản 001/VT/BTS ký ngày 03/01/2014, yêu cầu PG Bảo Lộc giải quyết nguyện vọng Phật tử Linh Quang, theo thầy Thanh Nhật không thể giải quyết như văn thư đề nghị, thầy nói, giải quyết theo nguyện vọng nào khi có 2 phe yêu cầu. UBND tỉnh cũng có văn thư mang số 1566, v/v xử lý đơn tập thể Phật tử chùa Linh Quang yêu cầu ông Hưởng và thầy Thái Thuận công khai tài chính và trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và con dấu cho chùa Linh Quang. Theo luật định, giam giữ tài sản và con dấu của một đơn vị khác không được chính đơn vị chủ quản yêu cầu là điều vi phạm luật pháp. Trong khi đó, một văn bản mang số 036/BC/BTS ngày… tháng 11/2017, thầy Thanh Nhật thay mặt GH TP Bảo Lộc gửi các cấp chính quyết xin hỗ trợ giải quyết vụ chùa Linh Quang, trong đó, nêu lý do không chấp nhận thầy Thiện Thành là tu sĩ trong Tăng đoàn PG tỉnh Lâm Đồng và TP Bảo Lộc… Lý do nầy không thể chấp nhận khi mà “cứt trâu để lâu hóa bùn”, 7 năm rồi mới không chấp nhận là Tăng đoàn của Phật giáo tỉnh thì thế nào? Vả lại, chính quyền chỉ giải quyết về mặt pháp lý và pháp luật, chuyện nội bộ, là tu sĩ hay không là tu sĩ của tỉnh, chuyện này không liên quan đến chính quyền, làm sao họ hỗ trợ được mà yêu cầu. Đồng thời, ngay cả Giáo hội Trung ương cũng không thể y cứ vào luận điểm này để giài quyết nếu không vi phạm Hiến chương giáo luật.Quyền trong tay mà phải mượn nhà nước hỗ trợ là thế nào?
Cho thấy vấn đề không đơn giản, BTS PG tỉnh do HT Pháp Chiếu yêu cầu giải quyết nguyện vọng quần chúng, cho dù nguyện vọng phe phái nào, nếu khôn khéo, cũng sẽ có cách giải quyết êm đẹp một cách khách quan. UBND tỉnh cũng yêu cầu như thế, nhưng…
*/ Theo đơn cứu xét của thầy Thiện Thành bằng cả tấm lòng, thầy Thiện Thành đã gửi đến BTS PG tỉnh và TP Bảo Lộc, đã tỏ ra ăn năn sám hối với lời lẽ thống thiết và tôn kính, nếu có những sai phạm đã làm các ngài phiền lòng; thầy sám hối lạy kinh Vạn Phật để tiêu trừ nghiệp chướng, sao gọi là bất kính!
*/ Theo đơn “Thỉnh nguyện” của Phật tử chùa Linh Quang ngày 02/11/2017, gửi các cấp chính quyền nêu lên những ưu điểm của thầy Thiện Thành từ ngày về chùa, chấp hành luật pháp, hỗ trợ quần chúng làm tốt đạo đẹp đời, họ xin các cấp hỗ trợ cho thầy hoàn tất thủ tục và được làm trụ trì, chính quyền cũng không có quyền chấp nhận cho thầy làm trụ trì, vì quần chúng không hiểu pháp lý nên cầu cứu với nội dung không đúng chức năng.
*/ Phía chính quyền ngành an ninh, tuy không can dự trực tiếp vụ chùa Linh Quang, nhưng ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng của BTS PG TP Bảo Lộc. Với những quy tội thầy Thiện Thành sai phạm xây dựng theo pháp lý, tại sao đợi đến khi BTS lên tiếng tẩn xuất thì an ninh mới kết những tội mà suốt 7 năm qua không hề nêu ra? Đúng ra, đây là vụ tranh chấp nội bộ Phật giáo, chính quyền có ý kiến kết tội một tu sĩ không hề phạm pháp là điều không nên có. Việc nội tình Phật giáo giải quyết như thế nào mà không dính đến pháp luật, chính quyền không nên có ý kiến. Nếu BTS yêu cầu hỗ trợ thì chính quyền nên công tâm hòa giải mà không nên đứng một phía, nếu an ninh biết luật thì trả lời – đây là chuyện nội bộ Phật giáo, an ninh chúng tôi không có quyền xen vào, nhưng tiếc thay, tai tiếng con bà Ca làm ngành an ninh thành phố và tỉnh bênh vực cho mẹ, làm áp lực với thầy Thiện Thành đã thành sự thực như lời đồn đoán sao?
***
Qua sự kiện trên đây, thiết nghĩ, với tâm từ con Phật, theo tinh thần Lục Hòa của Phật giáo, không có gì là không giải quyết được, ngoại trừ làm việc theo cảm tính, chú trọng quyền lực hơn là tâm lực. Nếu là sai phạm thì không ai là không sai phạm trong vấn đề này.
-         Giáo hội sai phạm theo Hiến chương và nội quy Tăng sự khi tinh thần bảo thủ phân biệt Tăng sĩ thuộc địa phương này địa phương nọ khi làm Phật sự. Nếu áp dụng đúng theo tinh thần tu sĩ địa phương nào làm Phật sự theo địa phương đó thì Phật giáo làm sao phát triển. Không có chư tổ nước ngoài vào truyền bá thì làm gì có Phật giáo Việt Nam ngày nay. Óc bảo thủ, phân biệt địa phương là một trở ngại lớn cho việc phụng sự Phật pháp. Giáo hội Lâm Đồng cần xét lại. Luận điểm này không đủ lý do thuyết phục trục xuất đương sự.

-         Từ đầu Giáo hội không chấp nhận thầy Thiện Thành về thì làm sao yên vị 7 năm với cơ ngơi ngày càng phát triển và được quần chúng ủng hộ? Thế thì HT Thái Thuận bảo chú Thiện Thành tự ý về mà Giáo hội không biết là điều không hợp lý.
Giáo hội Thành phố giữ con dấu, giấy tờ và tiền bạc của chùa mà không được sự chấp thuận của chùa là một vi phạm. Bởi vì đó là tài sản của chùa Linh Quang.
Theo bộ luật Dân sự quy định tài sản và quyền sở hữu, chương X, điều 163: Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Điều 164:Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản.
Điều 198. Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu
Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo uỷ quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật.
Người được chủ sở hữu ủy quyền định đoạt tài sản phải thực hiện việc định đoạt phù hợp.
Thế thì ông Hưởng không thể định đoạt tài sản chùa chưa có sự ủy quyền của chủ sở hữu là sái pháp luật.

Như thế ông Hưởng đem giao tài sản của chùa Linh Quang đã vi phạm, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Và BTS PG Thành phố tạm giữ tài sản của chùa Linh Quang cũng là điều trái luật pháp khi chưa có sự đồng thuận của chùa. Cá nhân ông Hưởng không thể đại diện cho toàn bộ chư Tăng và Phật tử chùa Linh Quang để định đoạt tài sản của chùa Linh Quang khi chưa được ủy quyền.
Hậu quả của việc con dấu bị chiếm giữ là rất lớn. Bởi, theo quy định của pháp luật Việt Nam, con dấu thể hiện tư cách pháp nhân của một tổ chức. Câu hỏi đặt ra là: Việc chiếm giữ con dấu được xác định là tội gì?
Khoản 1, Điều 36 năm 2005 quy định: "Mỗi tổ chức có con dấu riêng. Con dấu của tổ chức phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính ".
Khoản 2 điều này quy định: "Con dấu là tài sản của một tổ chức. Người đại diện theo pháp luật của tổ chức phải chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật”.Từ quy định trên có thể thấy, việc đưa con dấu của một tổ chức ra khỏi trụ sở chính, thậm chí cất giấu ở một nơi nào đó không ai biết là hành vi vi phạm pháp luật. Hơn nữa, cũng theo quy định "Con dấu là tài sản của một tổ chức", người cố tình chiếm giữ con dấu tức là đã chiếm đoạt tài sản của tổ chức. Như vậy, việc chiếm giữ con dấu không thể áp dụng Điều 268 Bộ Luật hình sự thì có thể ghép vào tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
*/ Một sai phạm khác của Phật giáo TP Bảo Lộc giải quyết vụ chùa Linh Quang: - Nghe một phía – không đủ năng lực giải quyết dứt điểm một sự cố nằm trong tầm tay – không giải quyết theo văn bản của HT trưởng BTS lúc bấy giờ (HT Pháp Chiếu) và văn bản của UBND tỉnh đề nghị giải quyết nội tình chùa Linh Quang do đơn thỉnh nguyện của phật tử chùa Linh Quang.
*/ Giáo hội TP Bảo Lộc cũng như hầu hết một số tỉnh thành giải quyết nội bộ bằng quyền lực dựa vào thế lực mà không giải quyết theo tinh thần giáo luật nhà Phật. Qua một số hậu quả để lại như vụ án Bát Nhã, vụ án Giác Nhàn… tuy thành công về mặt quyền lực nhưng thất bại về mặt tâm lý quần chúng. Ví dụ vụ Giác Nhàn, sau khi xử, Giác Nhàn vẫn không chấp hành giáo lệnh, vẫn lưu diễn nước ngoài. Sau 3 năm lại gia án thêm 18 tháng tội không chấp hành, nếu xử lý như thế thì cứ gia án suốt đời, xem như giáo lệnh là trò chơi. Từ bước đầu Tỉnh hội kết hợp với thế quyền giải quyết theo quyền lực đưa đến “tâm không phục, khẩu không phục” đối với đương sự lẫn quần chúng hậu thuẫn. Trong giáo đoàn Phật giáo, đức Phật từng xử lý nhiều trường hợp sai phạm của Tăng chúng mà không cần dựa vào thế quyền, kết quả vẫn êm thắm và tạo sự tôn kính qua tinh thần dân chủ của đức Phật.
Qua vụ chùa Linh Quang nhỏ như móng tay, cứ phải nhờ chính quyền hỗ trợ là việc không nên. Tại sao đầu tròn áo vuông không đủ khả năng hòa giải với nhau mà phải nhờ thế tục can thiệp? Trường hợp này thường xảy ra ở một số BTS tỉnh thành khác.
*/ Việc hành hung bạo loạn xảy ra tại chùa Linh Quang, cho dù phía nào thực hiện, cũng là điều đáng tiếc, trái với tinh thần con Phật. Bạo lực đối đầu không giải quyết được vấn đề, chỉ càng gây rạn nứt đổ vỡ; đối thoại vẫn là phương án êm đẹp tốt nhất, gỡ rối thuận thảo chứ không phải là đối đầu. Dẫu bức xúc thế nào, người Phật tử không nên bạo động, hành xử chân tay là hạ sách. Tâm từ, độ lượng có thể hóa giải nhiều mắc mứu khó khăn.
*/ Một tu sĩ là người lãnh đạo tinh thần cho quần chúng, cần phải thể hiện cung cách lãnh đạo theo tâm lý chứ không phải thể hiện bản ngã tự cao, nóng nãy, thầy Thiện Thành thất bại cũng như sự thất bại của một số tu sĩ Phật giáo đã thể hiện cá tính trước mọi người. Với cá tính đó, được một số người ủng hộ sẽ đưa đến cống cao ngã mạng, tự hào, hành xử bất cần, thiếu khiêm cung, xem thường kẻ đối địch, xem quần chúng là kẻ phục vụ chứ không phải là ân nhân để mình tiến tu đạo nghiệp. Bộc trực, thẳng thắng là điều tốt, thể hiện tư chất không đi bằng đầu gối trước quyền lực và lợi dưỡng, nhưng vị thế lãnh đạo, đôi khi cần sự nhã nhặn khiêm cung, nhẫn nại. Người thành công việc lớn đều có yếu tố của kẻ thức thời. Cao ngạo, tự ái tạo ra kẻ đối nghịch, đưa đến nhiều khó khăn trong cuộc sống. Người đời cho dù là một Phật tử bình thường, có thể chấp nhận hỷ nộ ái ố nơi họ. Người tu khác với họ là chỗ đó. Mình đừng đồng hóa mình ngang hàng với họ. Đức Phật từng bị ngoại đạo vu khống chửi bới, Ngài vẫn im lặng, sự im lặng đó thể hiện bản chất cao thượng, bao dung, nhưng với kẻ phàm tục, sự im lặng che dấu nỗi bất mãn, bất an, và có tư tưởng bạo động chưa bộc phát.
An ninh mời từng Phật tử lên làm việc để nắm tình hình đêm bạo loạn; riêng thầy Thiện Thành nhiều lần an ninh mời mà không đến là việc hành xử không nên có. Xác định mình vô tội tại sao không dám gặp mặt chính quyền, làm như thế chính quyền sẽ đánh giá là xem thường nhà nước hoặc ẩn dấu một việc bất minh nào đó; từ đó tạo thêm thành kiến không tốt đối với họ. Chính mình đã khó khăn lại tạo thêm khó khăn không nên có.
Qua sự kiện chùa linh Quang, chuyện nhỏ xé ra to vì ai cũng bảo thủ một bản ngã to lớn, kẻ có quyền lực thì dùng quyền lực kết hợp với thế lực và vài lý luận thiếu chính đáng để làm áp lực đối phương. Do những luận cứ thiếu chính đáng mà vấn đề không thể giải quyết dứt điểm. Kẻ không có quyền lực và thế lực thì dựa vào quần chúng chống đối một cách bất lực; cả hai chiến tuyến như thế sẽ khó mà đi đến ngã ngũ thuần phục nhau. Thế gian thường đi vào bế tắc nếu hai bên tương đồng hoặc không hợp lý khi giải quyết vấn đề. Nếu một bên mạnh hơn thì vấn đề sẽ kết thúc trong uất hận bất tương dung. Tinh thần “trung đạo” của Phật giáo luôn là con đường hóa giải mọi bế tắc, thế nhưng, khi có quyền , có vị thế trong tay, mấy ai giải quyết vấn nạn theo tinh thần “trung đạo” và “lục hòa”!
KẾT LUẬN:
Việc tẩn xuất thầy Thiện Thành, đưa người khác về một cách đường đột là việc thiếu chánh đáng; nêu những lý do vụn vặt để tẩn xuất cũng là những lý do thiếu chính đáng. Đúng ra, trước khi đưa thầy Quảng Ninh về, phải mời thầy Thiện Thành lên thành hội để làm việc tư tưởng, giải thích những sai phạm nếu có; lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đương sự để xét đoán trung thực hơn là nghe một phía. Có một buổi gặp gỡ quần chúng Phật tử chùa Linh Quang tại văn phòng Giáo hội để lắng nghe và giải thích cho họ hiểu việc làm của Giáo hội, cách giải quyết nội tình chùa Linh Quang để xem phản ứng thế nào hầu tìm phương án dung hòa. Chủ quan giải quyết theo quyền hành không những không thuyết phục mà còn tạo cơn sóng ngầm bất mãn và bất tín. Nếu công tâm giải quyết thì vấn đề không phải rắc rối và cả hai phía không phải động não chiến đấu mệt mỏi như thế tục. Tinh thần bao dung của nhà Phật như  “thảo phủ địa”, cho dù tội lỗi cao ngất cũng trở thành làn khói vờn bay, nếu tâm địa “bới lông tìm vết” thì đó không phải là “trưởng tử Như Lai”, không xứng là “Thiên nhơn chi đạo sư”, làm sao dạy dỗ , hướng dẫn quần chúng đi theo nẽo thiện.
Chuyện bổ cử trụ trì chưa phải vội khi chưa giải quyết nội tình chùa Linh Quang ổn thỏa, “Cả vú lấp miệng em” là một thất bại. Hãy đặt vấn đề lên bàn mổ xẻ một cách phân minh, công tội rõ ràng. Công 7 năm xây dựng và được lòng quần chúng so với những tội danh vụn vặt như thế, có đáng để loại trừ nạn nhân ra khỏi Bảo Lộc chăng? Những bất toàn của nhân thân, hầu như không ai tránh khỏi, nhưng 7 năm tại Linh Quang, đương sự có sai phạm thân giới của nhà Phật và pháp luật của thế gian không? “Thánh nhân nào cũng có quá khứ - tội phạm nào cũng có tương lai”, đừng truy cứu những sai phạm quá khứ để quy tội cho hiện tại, gây đổ vỡ niềm tin quần chúng.
Chuyện đi hay ở đối với một tu sĩ không phải quan trọng. Chư tổ từng xây dựng bao nhiêu chùa chiền mà vẫn phủi tay ra đi như vứt bỏ đôi dép rách. Trường hợp thầy Thiện Thành, cơ ngơi như Linh Quang chưa phải lớn, nhưng ra đi như thế nào mà vui lòng người ở lại, thuận lòng kẻ ra đi, tùy cách giải quyết hợp tình thuận lý của người lãnh đạo Phật giáo địa phương. Người tu giận không quá một đêm, nếu đem giận hờn kéo dài để áp đặt kẻ thất sũng thì tâm từ của một trưởng tử Như Lai không còn nữa.
Giải quyết nội tình Phật giáo không nên cậy vào sự hỗ trợ của chính quyền, vì chính quyền không phải tay sai của Phật giáo!và chính quyền cũng không thiên vị bất cứ bên nào, dù đó là Giáo hội do nhà nước lập nên.

 
MINH MẪN          
26/12/2017             (HẾT)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét