Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

* LỜI THANH MINH CỦA BÀ TS NGUYỄN NGỌC MAI


Sau khi có nhiều phản ứng trên cộng đồng mạng về bài phát biểu không chính xác, ảnh hưởng đến giáo lý nhà Phật, bà TS Nguyễn Ngọc Mai đã có lời biện bạch qua 5 vấn đề:

1/ Việc tôn giả
 "MỤC KIỀN LIÊN DÙNG THẦN THÔNG ĐỂ CỨU MẸ". Nay tôi xin phản hồi lại như sau: 

Thứ nhất: Bản thân tôi thành thật xin lỗi vì sự sơ xuất của mình khi trả lời phỏng vấn đã không nhấn mạnh vào câu chuyện mà tôi đưa ra là theo góc nhìn của văn hóa dân gian.


Bà TS tỏ ra thành thật nhận sai sót về mình, tuy nhiên, nội dung qua những vấn đề trả lời vẫn còn có chút cố gắng thanh minh cho những sai sót đó.

2/ Thứ 2: Khi tôi trả lời PV là hoàn toàn theo cách nhìn của văn hóa dân gian và đây là một trong những câu chuyện kể dân gian mà tôi đọc trong tài liệu “tín ngưỡng Việt Nam” của Toan Ánh.
 

Thưa bà TS, khi trả lời về kinh điển của một Tôn giáo thì không thể đem điển tích nhân gian để minh chứng, vì điển tích nhân gian là lối văn học truyên khẩu không thể đại diện chính thống cho Tôn giáo, làm sao đúng với nội hàm triết lý của một Tôn giáo?
 

Bà nói:
 Ngay cả khi trả lời cũng là theo cách nhìn của văn hóa dân gian chứ không theo cách nhìn của kinh Phật. 

Giải thích lễ hội Vu Lan của Phật giáo mà trả lời theo cách nhìn của văn hóa nhân gian kể cũng lạ. Vậy bỏ thực chất của Phật giáo phải chăng cố tình bỏ sự thật để đưa quần chúng vào chỗ mê tín??? Để minh chứng cho việc giải thích lễ Vu Lan, bà TS nói rằng bà có tromg tay 10 dị bản về Vu Lan của văn học nhân gian, những dị bản nầy không quan trọng cho cái hiểu đúng của quần chúng về đạo Phật, những dị bản đó chỉ là trò mua vui nhân gian.

3/ Thứ 3: Các thính/ độc giả bức xúc
 vì hai chi tiết như đã nêu trên thực tế trong văn hóa dân gian lại rất bình thường vì không chỉ có tích truyện về mẹ Mục Kiền Liên bị đầu thai như vậy và còn có truyện kể về bà mẹ của vị Đế Đô (một dị bản) cũng bị đầu thai như vậy. Theo đoán định của tôi có thể đây là cách mà dân gian giải thích về tục kiêng không ăn thịt chó của các vị Tăng Ni. Trong quan niệm của dân gian người Việt thì việc một con người khi chết đi không phải là hết mà sẽ bị bị đầu thai chuyển kiếp thành 9 kiếp 10 đời và sau đó mới siêu thoát trở lại thành kiếp người. Vì thế chi tiết về bà Thanh Đề không có gì là lạ lẫm với dân gian người Việt. Ngoài ra tác giả Tấn Khang còn cho rằng việc tôi đưa ra chi tiết Mục Kiền Liên dùng “phép thần thông để phá ngục cứu mẹ và biến mẹ thành người” là “sặc mùi mê tín dị đoan”. Tôi cũng thành thật xin chia sẻ như sau. Trong tất cả các cốt truyện mà tôi được đọc về Mục Kiền Liên thì cốt truyện nào cũng nói đến chi tiết “Tôn giả Kiền Liên tu được nhiều thần thông” (Toan Ánh sdd, tr 355) hoặc “ông là một vị tôn giả tu luyện được nhiều phép thần thông” (Việt Báo)... Trong văn hóa dân gian của người Việt thì việc thần thánh hóa các nhận vật lịch sử hay nhân vật trong Phật giáo là chuyện rất phổ biến.

Xin thưa với bà TS, quan niệm của người Việt, con người sau khi chết còn phải chuyển thành 9 kiếp 10 đời mới được làm người... đây không phải là quan điểm phổ biến của toàn bộ dân tộc Việt. Việc Tuấn Khanh quy kết bà đưa ra chi tiết Mục Liên dùng "phép Thần thông để phá ngục cứu mẹ và biến thành người" là "sặc mùi mê tín dị đoan" là đúng, vì trong nhà Phật không hề có một Thánh Tăng nào có thể dùng phép Thần thông để vượt luật nhân quả.
 

Bà lại đính chính: -
 Trong tất cả các cốt truyện mà tôi được đọc về Mục Kiền Liên thì cốt truyện nào cũng nói đến chi tiết “Tôn giả Kiền Liên tu được nhiều thần thông” (Toan Ánh sdd, tr 355) hoặc “ông là một vị tôn giả tu luyện được nhiều phép thần thông” (Việt Báo)... 

Chuyện thần thông là có thật không chỉ trong nhà Phật mà bất cứ truyền thống tâm linh nào cũng đều có kết quả qua quá trình tu luyện, Tuấn Khanh hay bất cứ ai không phủ nhận và cho đó là mê tín thì hà cớ bà phải trích dẫn nào là -Đơn cử câu chuyện lưu truyền trong dân gian về sư Khâu Đà La (còn gọi là Già la đồ lê) là tăng sĩ rất nổi tiếng, người đã có công truyền thừa Phât giáo từ Ấn độ vào Việt Nam nhưng được nhân dân vùng Kinh Bắc xây dựng thành hình ảnh về ông như một vị thần trong câu chuyện kể về Man nương:
 

“... Man nương ngồi chờ, ngủ gật ở ngạch cửa, không ngờ quên lãng, nằm ngủ say... Sư Đồ Lê không còn có cách nào bước vào phòng bèn bước ngang mình nàng, Man nương bỗng thấy tâm động từ đó thụ thai, mười bốn tháng sau sinh một bé gái, bà đem trả cho sư Khâu Đà La, sư bèn đem đứa bé đến trước cây đa già, gõ vào cây và đọc bài kệ. Cây bèn nở toác ra để cho sư đặt đứa bé vào, sau đó cây khép lại và nở hoa... Khi sư Đồ Lê và Man Nương từ biệt nhau, sư cho nàng một cây gậy và bảo rằng: Ta cho nàng cái gậy này đem về, hễ gặp năm nào trời đại hạn thì lấy gậy vẫy vẫy dưới đất tự nhiên sẽ có nước chảy ra cứu dân” (Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb khxh, tr48). Câu chuyện kỳ lạ đó theo logic thông thường là không thể xảy ra nhưng sáng tạo dân gian lại cho đó là “Thiên nhân hợp nhất” hoặc “ nhận được pháp khí” để giải thích về sự mang thai của bà Man nương (trên thực tế theo âm Tày -Thái, Man nương là từ đọc chệch từ Náng Mán - nàng chửa). Nhưng trong tâm thức dân gian Man nương vẫn là Phật Mẫu như thường. Đến tận thế kỷ XI khi Việt Nam đã xác lập chế độ quân chủ và Nho giáo cũng đã bắt đầu vào Việt Nam nhưng những chuyện truyền ngôn về các Đại danh sư với phép thuật thần thông vẫn rất phổ biến như tích truyện về Quốc sư Từ Đạo Hạnh và Quốc sư Đại Điên. Truyện kể rằng khi vua Lý Thánh Tông mãi chưa có con trai mới sai Nguyễn Bông lập đàn cầu tự tại chùa Thánh Chúa, Nguyễn Bông đã được nhà sư cho thuật đầu thai thoát hóa để làm con của Ỷ Lan (xem ĐVSKTT tr 106). Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (Nguyễn Đổng Chi, tr 299- 314) có trích chuyện về sư Từ Đạo Hạnh như sau: “Bố của Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh thường dùng tà thuật quấy Diên Thành Hầu (nhà ở gần cống cót), Hầu nhờ pháp sư Đại Điên dùng phép đánh chết và vứt thây xuống sông Tô Lịch. Nhưng cái thây không chịu trôi mà cứ đứng sững mắt nhìn trừng trừng rất dữ tợn, Sư Đại Điên đến chỉ tay và đọc câu quyết: Sống chết là giấc chiêm bao/ Dầu giận thế nào không để cách đêm. Tự nhiên cái thây chìm xuống nước và trôi đi mất”. Truyện còn kể tiếp: “Đạo Hạnh cùng hai người bạn là Không Lộ và Minh Không muốn sang Ấn độ học di thuật để chống với Đại Điên nhưng khi đi đến xứ mán răng vàng thì gặp đức Phật giả trang làm người lái đò, Khi nghe câu chuyện của ba người, Phật Như Lai đã tìm cách để Từ Đạo Hạnh không đi tiếp được mà chỉ có hai người là Minh Không và Không Lộ được phật độ cho thành chính quả. Từ Đạo Hạnh đợi hai người ở bến sông mãi không thấy thì trở về và được một Bồ Tát truyền cho mọi thuật biến hóa màu nhiệm vì thế ông cũng biết mọi phép thần thông. Khi độn biết hai người bạn trở về Đạo Hạnh đã Hóa Hổ để dọa nhưng đều bị hai người nhận ra, và còn được Minh Không cho biết kiếp sau ông sẽ bị hó thành Hổ. Khi trở về Đạo Hạnh về ở ẩn ở núi Sài Sơn (chùa Thầy). Sau một thời gian tu luyện, sư trở về Láng, tới cầu Vu Quyết, cầm gậy ném xuống sông Tô, gậy trôi ngược dòng như rồng lội, đến cầu Tây Dương (Cầu Giấy) mới dừng lại. Sư cho là mình đã pháp thuật cao bèn đến nhà Đại Điên (ở Dịch vọng) dùng gậy đánh chết Đại Điên”. Truyện còn kể tiếp về sau ông còn dùng thuật và bùa để giết chết Giác Hoàng (hậu sinh của Đại Điên) và thác sinh vào làm con của Sùng Hiền Hầu và thành vua Lý Thần Tông (xem ĐVSLTT, tr116). “Câu chuyện còn rất ly kì ở chỗ có chi tiết “ một hôm nhà vua bỗng nhiên hóa hổ, trên mình mọc đầy lông lá các ngự y đều bó tay, triều đình nghe có người mách mới mời sư Minh Không đến giúp, nhà sư vào triều thì các ngự y vẫn có vẻ không coi trọng, Thấy vậy sư mới cắm một cây đinh vào cột và bảo ai có thể rút ra được thì sẽ phục, nhưng không ai rút ra được, sau đó nhà sư rút cây đinh ra rất nhẹ nhàng. Sau đó sư đề nghị nấu một vạc dầu, khi dầu sôi nhà sư dùng dầu nóng vẩy mấy giọt lên người vua Lý Thần Tông và đọc chú, nhà vua rụng hết lông lá và khỏi bệnh, từ đó thiền sư được phong làm quốc sư”. Toàn bộ câu chuyện này đều được in trong “lĩnh nam chích quái” và “kho tàng truyện cổ tích Việt Nam) và cũng được dẫn lại trong bộ chính sử “Đại Việt sử Ký toàn Thư” và cũng đã được giải mã bởi các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian: Chi tiết “ném cây gậy lội ngược dòng” của Từ Đạo Hạnh đã được cố GS Trần Quốc Vượng giải thích như sau: đấy không phải là “Pháp thuật” của Từ Đạo Hạnh mà mùa mưa mưa thì nước sông Tô chênh với sông Cái nên sinh ra hiện tượng chảy ngược dòng như vậy. Sông Tô có đặc điểm như vậy nên còn được gọi là dòng nghịch thủy, nhưng dân gian đã dựa vào chi tiết đó mà nâng tầm của vị quốc sư lên. Các chi tiết sau về Từ Đạo Hạnh hay Đại Điên mà Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam chép lại cũng là cách dân gian thần thánh hóa nhân vật của mình. Họ không chỉ là sư mà còn là các Pháp sư và pháp sư mới là nhân vật yêu thích của sáng tạo văn hóa dân gian. Liệt kê ra những chuyện như vậy để nói rằng văn hóa dân gian có rất nhiều mô típ thần thánh hóa nhân vật lịch sử hoặc nhân vật Phật giáo nhưng không thể gọi đó là “sặc mùi mê tín dị đoan” mà trong nghiên cứu văn hóa dân gian gọi đó là sáng tạo dân gian. Người dân sáng tạo lại nhân vật theo ý muốn của mình để đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống để nhân vật của họ có thêm quyền năng có thể cứu người, chữa bệnh hay thần thông biến hóa. Cho đến ngày nay sở dĩ Phật Giáo ở Việt Nam có màu sắc khác với Phật giáo gốc cũng là bởi ở những đặc tính dân gian đó. Người dân lao động không và ít khi chú ý đến việc sáng tạo có giống kinh phật hay không và cũng rất ít khi nghiền ngẫm kinh phật mà trau dồi bản thân hay thực hiện theo kinh dạy. Với họ Phật không chỉ là bậc giác ngộ mà còn là một vị thần để cho họ cầu Phật phù hộ cho họ trong mọi chuyện: từ làm ăn đến tình duyên con cái, sức khỏe…Họ cũng ít chú ý đến các thực hành nghi thức Phật giáo mà lại rất chú ý đến các hoạt động thực hành mang tính tôn giáo mà các nhà sư thực hành các nghi lễ giúp mình. Vì thế mà họ đến chùa xin sư đến cúng cầu an, cúng xá tội vong nhân, cúng giải hạn đầu năm... đó là những nghi lễ không nằm trong các thực hành của Phật giáo nhưng lại được rất nhiều Tăng Ni thực hành trong dân chúng vì nhu cầu của người dân. Nếu nói tất cả các thực hành ngoài quy định của Kinh phật là mê tín thì có lẽ xưa nay rất nhiều Tăng Ni đã thực hành các hoạt động mê tín. Tôi thiết nghĩ ở một đất nước mà thời xưa với 90% dân số không biết chữ thì văn hóa truyền miệng là phổ biến thì việc sáng tạo lại các nhân vật theo trí tưởng tượng của các chủ nhân văn hóa dân gian các vùng miền là chuyện rất đỗi bình thường. Và cũng nhờ có văn hóa dân gian mà ngay cả khi giặc Minh vào đốt phá, thu giữ sách vở, tàn phá văn hóa, giết phu, hiếp phụ nhưng “văn hóa dân gian còn thì dân tộc này vẫn còn”. Thầy tôi, cố giáo sư Trần Quốc Vượng trong một nghiên cứu “mất dân gian là mất hồn dân tộc” đã viết: “ Nếu dân là gốc nước thì văn hóa dân gian bao giờ cũng là nền tảng của văn hóa dân tộc” (Trần Quốc Vượng, 2000). Vì thế văn hóa dân gian mới được nhìn nhận đúng giá trị
 của nó, và cũng vì thế mới có ngành dân gian học. Chúng ta ngày nay thiết nghĩ khi đa dạng thông tin thì cũng cần phải có cách tiếp cận đa chiều, không nên quá coi trọng chính thống mà khinh miệt dân gian.

Những dẫn chứng truyền thuyết trên đây không đủ để minh chứng triết lý chuyển hóa nghiệp thức trong câu chuyện Mục Liên Thanh Đề. Việc chuyển hóa nghiệp thức không thể do thần thông tự thân mà do cộng lực năng lượng giải thoát của Tăng đoàn chân tu. Việc dẫn chứng những thần thoại trên đây không thể giải hoặc những sai lầm đem chuyện văn học nhân gian giải thích cho triết lý nhân quả của nhà Phật một cách lệch lạc. Truyền tích thần thoại là văn học nhân gian, triết lý tôn giáo là văn học tâm linh, khác nhau như thế không thể lập lờ lấy râu ông cắm cằm bà.

4/ Thứ 4: Tôi rất hoan nghênh các ý kiến phản hồi của các fan trên báo Giác Ngộ khi thấy những điều khác với gì mình biết, mình nghĩ, nhưng chúng ta nên phản hồi với tinh thần học thuật và tôn trọng lẫn nhau chứ không nên theo hướng quy kết, chụp mũ, hoặc bôi nhọ. Dẫu vẫn biết Facebook là một mạng xã hội ảo, ai cũng có quyền đưa ra những ý kiến của mình, bởi mỗi người đều có những cách tiếp cận khác nhau, nhưng tôi thật sự thấy buồn cho học vấn của dân mạng khi chúng ta trao đổi học thuật mà rặt giọng quy kết chụp mũ và cố tình khuếch trương, làm nghiêm trọng vấn đề. Khi tôi trả lời phỏng vấn VTC 14 thì đó là tôi đại diện cho chính mình chứ không đại diện cho cơ quan mà tôi làm việc, vì thế đừng vơ đũa cả nắm đưa cả cơ quan tôi vào đây. Chúng ta nên học cách tự chịu trách nhiệm với phát ngôn của cá nhân của mình chứ đừng đưa đám đông ra để dọa dẫm bất kỳ ai.

Điều nầy bà TS nói đúng và nói thật, giúp một vài người nóng tánh hãy xét lại, đã bị
 bà buồn cho học vấn của dân mạng khi chúng ta trao đổi học thuật mà rặt giọng quy kết chụp mũ và cố tình khuếch trương, làm nghiêm trọng vấn đề. Nhưng thưa bà, nếu bà là người thường dân vô danh thì chắc chắn đài truyền hình không bao giờ phỏng vấn bà, như thế dù muốn dù không, bà vẫn  là người của viện nghiên cứu tôn giáo, trả lời với tư cách  người của viện nghiên cứu chứ không thể  với tư cách một dân thường.

5/ Thứ 5: Tôi cũng thấy có một hai ý kiến về văn bằng của tôi là giả hay thật. Điều này làm tôi rất buồn cười và cũng rất dễ hiểu vì sự thật giả ngày nay có quá nhiều, không tránh khỏi các vị đặt ra câu hỏi đó. Tôi không có biện luận về văn bằng của mình chỉ khẳng định rằng đó là kết quả của công sức và trí tuệ hàng chục năm nghiên cứu về văn hóa dân gian của tôi. Còn quý vị nào muốn biết nó thật hay giả xin đến gặp tôi và tôi đủ thời gian cho các vị chất vấn bất cứ lĩnh vực nào xung quanh luận án tiến sĩ của tôi, thậm chí cung cấp luôn cả danh tính của 7 vị giáo sư chấm điểm và các vị có thể gặp họ để hỏi về luận án tiến sĩ của tôi mà hiện nay đã xã hội hóa thành cuốn sách “nghi lễ lên đồng lịch sử và giá trị”.

Điều thứ 5 nầy, cũng như điều thứ 4, có lẽ bà TS không tránh khỏi chua xót, nhưng thiết nghĩ bà không cần phải thanh minh, khẳng định hay chứng minh về học hàm học vị của mình. Trình độ, lời nói hay việc làm đủ chứng minh; không thiếu những người không hề có học hàm, học vị mà vẫn chứng tỏ trình độ chuyên sâu một vấn đề nào đó.

Tóm lại, đây là bài học cho những nhà trí thức khi nhận định, phát biểu về một tôn giáo mà cứ ngỡ mình đã nắm vững. Nhất là Phật giáo, không đơn thuần như những tôn giáo khác, lại là Phật giáo Bắc truyền quá đa dạng và dung thông, hàm tàng nhiều triết thuyết vi diệu. Tốt hơn, bà TS không nên thanh minh như trên, vì càng thanh minh càng lộ cái hiểu về Phật giáo không chính xác.

MINH MẪN
05/9/2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét