Hàng năm, có lẽ không chỉ riêng huyện Cần Giờ mà hầu hết các tỉnh vùng Duyên hải Trung Việt đều thờ "Ông" và có ngày lễ dành cho "Ông".
Ngày 15 - 16 - 17 âm lịch hàng năm là ngày mà ngư dân huyện Cần Giờ long trọng tổ chức hành lễ cúng "Ông" tại Thị trấn Cần Thạnh. Năm nay, tuy không rộn ràng đông đúc như những năm ngư dân làm ăn khấm khá, nhưng không vì thế mà buổi lễ kém phần trang nghiêm. Sự hiện diện vài mươi ngàn người khắp nơi đổ về cũng cũng làm rộn rã cho xóm vạn chài mà quanh năm như bị bỏ quên nơi góc biển phía Đông Nam.
"Ông" lụy vào năm 1971 tại bãi biển Cần Giờ, ngư dân thời bấy giờ phải nghỉ đi khơi, Vạn trưởng phải để tang suốt thời gian mai táng "Ông". Trong thời chiến tuy khó khăn nhưng dân vạn chài vẫn tổ chức lễ nghinh "Ông". "Ông dài 12m, nặng hàng tấn, lúc bấy giờ phải nhờ xe cẩu đưa "Ông lên bờ để làm lễ an táng. Lăng thờ "Ông" cũng đã được dựng lên, rồi từ đó, dần dần chỉnh trang tu tạo đến nay khá khang trang.
Năm 2001, được viện khảo cổ lắp ráp lại bộ xương rời rạc lưu lại nhiều năm trong kho. Một mảng đã bị đạn bắn làm vỡ nhiều mảnh. Hiện tại bộ xương dài trên mười mét được tôn trí trong lồng kính, hàng ngày bộ phận nghi lễ chăm nom nhang khói.
Tục thờ "Ông" có từ thời xa xưa mỗi khi "Ông" lụy vào bờ; được vua Minh Mạng sắc phong và triều Nguyễn cũng đã tôn phong "Ông" là Thủy Thần, còn gọi là Thủy tướng. "Ông" có công hỗ trợ tàu thuyền ngư dân và những người đi biển gặp nạn. Có người giải thích - đó là bản năng tránh bão của "Ông" nên cặp vào mạn thuyền, nhưng thật ra trời yên biển lặng khi gặp nạn vẫn có "Ông" bên cạnh để dìu thuyền vào bờ.
Cũng như mọi năm, năm nay, thầy Huyền Lan trụ trì chùa Phước Hoa - Long Thành hỗ trợ cho anh em chuyến xe ra Cần Giờ để tham dự lễ. Soạn giả Dương Kinh Thành, nhạc sĩ Giác An và vài thân hữu đã thẳng tiến từ Sài gòn ra đến Cần Giờ gần 18 giờ. Được anh Sơn, dân Vạn chài cũng là phó ban lễ lăng "Ông" đón đoàn về nhà nghỉ. Cần giờ là huyện ven biển phía Đông Nam Sài Gòn, cách Thành phố hơn 50km đường bộ. Toàn huyện có trên 70.000 dân cư thì Cần Thạnh cũng đã trên 12.000 dân số. Cuộc sống dân cư nhờ vào con tôm con cá, nhưng kinh tế bản địa có vẻ khiêm tốn hơn các vùng duyên hải Trung và Bắc Việt. Tuy vậy, lòng hào hiệp cư dân khá dồi dào. Mỗi lần lễ hội, dân tứ xứ đổ về, ngoài khu vực lăng, dân du lịch ăn bờ ngủ bụi đâu đó, đều được cư dân bản xứ mời vào nhà nghỉ qua đêm hoặc tắm giặt ăn ở tùy tiện, để rồi, sau ngày rằm, các đoàn văn nghệ, cải lương, hát bội tiến cúng, trên 30 thuyền chài tổ chức nghinh "Ông" ra biển. Tàu nghinh chính trang bày cờ hoa sặc sỡ, các bô lão hội Vạn Lịch theo chầu cùng với đội quân cổ trang, kèn trống, lân rồng theo hộ vệ. Hơn 10 giờ thuyền bè ngư phủ chở dân và du khách nhổ neo thẳng tiến ra xa độ vài hải lý rồi vòng về. Trên mỗi tàu thuyền đều bày mâm hoa quả cúng thủy thần. Ban nghi lễ của Vạn Lịch gồm một trưởng và 2 phó. Anh Sơn chủ nhà cho đoàn tạm trú là một phó của nghi lễ Vạn Lịch. Ngoài ngày lễ chính là hai ngày dành cho hội hè dưới nhiều hình thức vui chơi giải trí cho mọi người có mặt. Vừa lễ vừa hội đã làm cho Thị trấn Cần Thạnh khởi sắc về đêm. Những cánh diều gắn điện chớp nháy lượn lờ trên nền trời đêm khi trăng bị phủ lớp mây mỏng làm khung trời ven biển như đẹp lạ. Rồi pháo hoa cũng khoe sắc giữa mênh mông trời biển. Chợ đêm, hàng ăn làng biển, cá tôm mực khô cũng la liệt ven đường; bong bóng như mời gọi trẻ con, sân khấu lộ thiên và những tấm pano quảng cáo cứ như mặc thêm áo mới cho dân vạn chài quanh năm nghèo khó.
Nhìn đoàn tàu thuyền của ngư dân trang trí cờ xí rậm đám mà vẫn không che đậy được vẻ nghèo nàn của ngư dân so với dân vạn chài Thái hoặc Campuchea. Hàng ngày, chỉ có vài cặp ghe đi khơi trong thời gian vài tháng, số còn lại chỉ đánh bắt ven bờ, chính ven bờ lại là nguồn sống chính của ngư dân địa phương. Tuy cuộc sống không sung túc mấy, nhưng hàng năm, ngư dân đóng góp để có cuộc lễ khá ấn tượng. Nguồn tài chính cho cuộc lễ do ngư dân Cần Thạnh nói riêng và Cần Giờ nói chung. Chính quyền chỉ hỗ trợ tinh thần và an ninh. Lễ nghinh "Ông" hàng năm được liệt vào văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Khách du lịch tràn về nơi đây mới cảm nhận được tấm lòng hiếu khách, nhân đạo của cư dân vạn chài nói chung, vạn lưới nói riêng và cũng là vạn lịch của lễ "Ông". Phải chăng họ biểu hiện bản chất của người dân Việt hiếm hoi còn sót lại giữa cuộc sống bon chen hiện nay. Cho dù cuộc sống đổi thay, lòng người ít thay đổi thì đức tin đối với "Ông", vị thủy thần hộ mạng ngư dân vẫn không hề thay đổi.
Cần Giờ nghèo nhưng rất phong phú nhân nghĩa đạo đức của dân tộc Việt.
MINH MẪN
17/9/2016
17/9/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét