Cụ thể, kính thiên văn vũ trụ Kepler đã khám phá thêm được tổng cộng 1.284 hành tinh mới bên ngoài Hệ Mặt Trời. Con số này giúp số hành tinh kính thiên văn Kepler được xác nhận đã tìm thấy tăng gấp hơn 2 lần so với trước kia.
1.284 cũng là số hành tinh được xác nhận tìm thấy nhiều nhất trong một khoảng thời gian từ trước đến nay, nâng tổng số hành tinh tìm được bên ngoài Hệ Mặt Trời lên con số 3.200. Phần lớn trong số đó được kính thiên văn Kepler tìm ra.
“Khám phá này giúp chúng ta có thêm hy vọng tìm kiếm ngoài vũ trụ những hành tinh tương tự Trái Đất. Chúng ta thậm chí có thể tìm được một Trái Đất nữa”, bà Ellen Stofan, Giám đốc Khoa học của NASA phát biểu.
Được phóng vào không gian kể từ tháng 3/2009, kính thiên văn vũ trụ Kepler đã quan sát và thăm dò khoảng 150.000 ngôi sao để tìm dấu hiệu của sự sống ngoài vũ trụ. Nguyên lý hoạt động của nó dựa trên việc quan sát chùm sáng phản chiếu các hành tinh được các ngôi sao phát ra.
“Trong số gần 5.000 vật thể được cho là hành tinh, có hơn 3.200 vật thể đã được kiểm chứng. 2.325 vật thể trong số đó là do kính thiên văn Kepler phát hiện ra”, NASA tuyên bố. Trong 1.284 hành tinh mới được tìm thấy, có gần550 hành tinh có thể có bề mặt là đất đá cứng tương tự Trái Đất.
Hình chụp kính thiên văn Kepler ngoài không gian. (Ảnh: NASA).
Ngoài ra, có 9 hành tinh được xác định có quỹ đạo quay xung quanh Mặt Trời của nó ở một khoảng cách vừa đủ. Nhờ đó, nhiệt độ bề mặt các hành tinh này có thể khiến nước tồn tại ở thể lỏng. Trước đó, NASA tìm ra được 12 hành tinh có quỹ đạo như vậy.
Dù vậy, dựa trên dữ liệu từ các tàu vũ trụ và kính thiên văn Kepler, các nhà thiên văn học ước tính có khoảng 10 tỷ hành tinh thuộc Dải Ngân Hà có khả năng tồn tại sự sống, gấp 500 triệu lần so với số hành tinh hiện được tìm thấy (21).
Hiện kính thiên văn Kepler vẫn đang hoạt động tốt và sẽ dừng lại sau khi hết nhiên liệu vào mùa Hè năm 2018. NASA hy vọng sẽ sớm nghiên cứu về bầu khí quyển trên các hành tinh kính thiên văn Kepler tìm được.
Để thay thế Kepler, trong năm 2018 NASA sẽ phóng kính thiên văn vũ trụ James Webb vào quỹ đạo. Đây là một trong những kính thiên văn tối tân nhất từng được con người chế tạo.
Theo Khoahoc.tv
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét