~ Nguyễn Duy Nhiên
TRÁI DÂU THỨ BA
Có nhiều người học trò của tôi sau một thời gian tu học, họ lập gia đình, có sự nghiệp, và thường đến gặp tôi để xin được ban phước lành. Tôi chúc cho họ được mọi điều tốt lành, và cũng thường kể cho họ nghe về hình ảnh của ba trái dâu.
Lúc ban đầu ta có một trái dâu, và lẽ dĩ nhiên trái dâu này tự nó nằm rất vững vàng. Rồi ta có trái dâu thứ hai, ta cố gắng đem đặt nó lên trên trái dâu thứ nhất. Tuy hơi khó khăn một chút, vì ta không sử dụng một vật gì khác để gắn chúng lại với nhau, nhưng việc ấy cũng có thể làm được. Và rồi ta có thêm một trái dâu thứ ba, ta cũng cố gắng đem đặt nó lên trên trái dâu thứ nhì. Việc ấy không phải là dễ nếu không muốn nói là không thể được. Trong lúc cố gắng đặt trái dâu thứ ba ấy lên, nhiều khi ta lại còn vô tình làm rơi cả trái dâu thứ hai xuống nữa.
Nhưng đối với những người tin vào một cuộc sống bất tận thì họ nghĩ rằng, sẽ có một lúc trái dâu thứ ba ấy sẽ nằm yên trên trái dâu thứ hai! Và rồi một ngày nào đó, sau khi đã cố gắng thử hằng triệu lần, trải qua biết bao nhiêu những khổ đau, họ sẽ tỉnh dậy và nhìn lại thấy mình bây giờ cũng đã lớn tuổi, và trái dâu thứ ba ấy vẫn không thể nằm trên trái dâu thứ hai được. Tôi gọi đó là một sự tuyệt vọng. Và điều đáng buồn là khi họ dừng yên và nhìn lại đời mình, họ thấy sao cuộc đời không có bao nhiêu chuyện để mình mừng vui.
HẠNH PHÚC KHÔNG PHẢI DO SỰ NỖ LỰC
Nhưng đa số chúng ta chỉ hài lòng khi nào mình phải đặt được trái dâu thứ ba nằm trên trái dâu thứ hai mà thôi! Điều đáng tiếc là trong xả hội ngày nay có biết bao nhiêu là sách vở, phim ảnh nói về sự thành công của trái dâu thứ ba ấy, khiến chúng ta tin rằng rồi một ngày nào đó việc ấy cũng sẽ xảy đến cho mình.
Và trên con đường tu tập cũng vậy, tôi thường nói với các học trò của mình rằng sự giác ngộ là mục tiêu tu học của mình. Nhưng mặc dù giác ngộ là mục tiêu của sự tu tập, ta cũng phải biết đừng mong cầu hay tìm kiếm một kết quả nào hết. Việc ấy lẽ dĩ nhiên không phải dễ. Nhưng khi ta mong cầu kết quả, dầu là trong sự tu học của mình hay bất cứ một công việc nào khác, là ta đang bị vướng mắc, nó sẽ trở thành một chướng ngại cho ta. Như kinh Bát Nhã có nhắc nhở "không có trí, cũng không có đắc, vì không có gì là sở đắc."
MÀ LÀ KẾT QUẢ CỦA SỰ BUÔNG XẢ
Điều ấy cũng có nghĩa là giác ngộ không phải là kết quả của sự tu tập. Khi ta có ý niệm rằng giác ngộ là "kết quả" của sự tu tập, nó sẽ trở thành một chướng ngại. Đó là một bài học lớn.
Thật ra giác ngộ chính là sự cởi bỏ hết mọi thành đạt, mọi nút cột trong ta. Ví dụ như trong kinh có nói đến thập địa, dasabhumi, mười quả vị tu chứng của một vị bồ tát. Khi ta đạt đến quả vị thứ hai, nó cũng không có nghĩa gì khác hơn là ta đã tháo gở được nút cột của quả vị thứ nhất. Và khi nào ta buông bỏ được quả vị thứ hai thì ta sẽ bước lên quả vị thứ ba. Và cuối cùng khi nào ta tháo mở được nút cột của quả vị thứ mười, thì đó được gọi là "giác ngộ."
Giác ngộ không phải là một kết quả, mà nó chính là tự tánh chân thật của mình. Và vì vậy mà có gì để ta gọi là mình đạt được đâu, vì nó bao giờ cũng vẫn là của mình? Nếu chúng ta làm việc gì cũng muốn phải có một kết quả (result-oriented) thì thái độ ấy lại chính là một trở ngại lớn cho ta. Mà thật ra không những nó chỉ là một trở ngại thôi, nó còn là một thỏi nam châm thu hút thêm nhiều chướng ngại khác nữa.
Trên con đường tu học, thái độ mong cầu cũng như một men rượu tạo nên những sự mê mờ rất vi tế, cũng giống như một thứ rượu nho giữ cất lâu ngày, khiến ta không còn nhận thấy được nữa, đâu là những hạnh phúc chân thật đang có mặt trên con đường mình đang đi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét