Thục Quyên
Sự thành công của Hội nghị chống biến đổi khí hậu- Paris 2015/COP21 do một phần được xây dựng trên nền tảng ảnh hưởng của một ông cụ già Việt Nam, đang được ghi nhận và thán phục.
Người phụ nữ mang trọng trách tổ chức, sửa sọan và lèo lái diễn biến của Hội Nghị là bà Christina Figueres, con gái cựu tổng thống Costa Rica, Jose Figueres Ferrer.
Là người tham gia vào các cuộc đàm phán về thay đổi khí hậu từ năm 1995, và được Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bổ nhiệm làm lãnh đạo "Cơ quan xử lý với tình trạng thay đổi khí hậu" của Liên Hiệp Quốc năm 2010, bà Figueres vừa cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Jo Confino của tờ The Huffington Post(1):
" Tôi biết đây là một cuộc marathon chạy bộ đường trường 6 năm dòng dã, không thời gian nghỉ mệt. Tôi thực sự cần một điểm tựa. Tôi nghĩ rằng tôi đã không thể có đủ khả năng chịu đựng về tinh thần, không có được sự lạc quan vững mạnh, độ sâu của cảm hứng và dấn thân, nếu tôi không luôn có bên mình những lời dạy của Thầy Thích Nhất Hạnh."
Sự dạy dỗ của hành động.
Bà Figueres không nhắc tới những lời dạy trong hàng trăm cuốn sách của Thầy Nhất Hạnh dịch qua hàng chục thứ tiếng quốc tế, bà cũng không nhắc hay tung hô vạn tuế gì con người của Thầy Nhất Hạnh, bà chỉ nhắc tới đạo đức và sự kiên trì của Thầy đã là một tấm gương đưa bà đến tỉnh thức, nhìn thấy cốt lõi của vấn đề, gạt bỏ những phù phiếm ồn ào sặc sỡ để chú tâm vào chiều sâu của sự việc.
Người phương Tây có khuynh hướng không cả tin vào lời nói mà quan sát việc làm để học hỏi, và họ cũng tỏ lòng ngưỡng mộ, không bằng những bài viết tràng giang đại hải, mà bằng việc làm:
Như bà Figueres đơn giản nhắc tới Thầy Nhất Hạnh trong giờ phút thành công lớn nhất của đời bà : sau 20 năm chờ đợi đầy căng thẳng, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, 196 đại diện các quốc gia đã gạt bỏ được mọi vị kỷ để ký bản thoả thuận cắt giảm lượng phát thải khí carbon chống biến đổi khí hậu toàn cầu đang đe dọa loài người, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc COP21-Paris lúc 17 giờ 30, tức 23 giờ 30 giờ Việt Nam ngày 12/12/2015.
Hoặc như giám đốc Ngân Hàng Thế giới Jim Young Kim, mời Thầy tới dạy sống tỉnh thức và an lạc cho nhân viên điều hành của ông, trong khi họ đang làm công việc xóa đói giảm nghèo trong thế giới. Như tập đoàn công nghệ Google mời Thầy đến hướng dẫn người của tổ chức họ cách sống đơn giản hạnh phúc, đưa tới khả năng hoạt động hiệu qủa.
Như chính phủ Cộng Hoà Liên Bang Đức giao toà nhà lớn nhất của thành phố Waldbroel cho Thầy để đặt Viện Phật học Ứng dụng, trung tâm phát huy tinh thần tương tức, an lạc của Phật giáo. Mô tả bài học đã nhận được từ chương trình chuyển đổi toà nhà khổng lồ này (đã từng là bệnh viện tâm thần bị Hitler trưng dụng sau khi đã bức hại tất cả các bệnh nhân) thành một viện Phật học của thầy Nhất Hạnh, bà Figueres kể:
Thầy cắt nghĩa lý do ông nhận nơi này vì ông muốn chứng tỏ, hoàn toàn có thể chuyển hóa đau khổ thành tình thương, chuyển đổi từ vị trí một nạn nhân thành kẻ thắng cuộc, thay hận thù bằng tình thương và tha thứ. Thầy muốn chứng minh những điều này ngay tại đây, một nơi đã bị dính líu tới sự vô nhân đạo, độc ác tột cùng (của Hitler)....
Diễn biến chương trình này của Thầy có nhiều khía cạnh tương đương với cuộc hành trình tìm đồng thuận cho sự bảo vệ khí hậu. Đó là một chuyến đi từ đổ lỗi cho nhau đến bắt tay nhau hành động, từ cảm giác hoàn toàn bị tê liệt, bất lực, bó tay trước sự kiện, đến ý thức sức mạnh chúng ta có thể làm được"
Thầy Nhất Hạnh và quê hương của Thầy.
Trong mắt thế giới, quê mẹ "Bướm bay vườn cải hoa vàng" thân thương của Thầy Nhất Hạnh đã có những thái độ thiếu hiểu biết và phũ phàng đối với Thầy.
Trong khi nhà hoạt động nhân quyền vĩ đại của Mỹ và cũng của thế giới Martin Luther King Jr. viết về Thầy như hiện thân của hoà bình và bất bạo động, và năm 1967 đề cử Thầy với giải Nobel Hoà Bình, thì cả hai chính phủ Việt Nam, Cộng Hoà lẫn Cộng Sản, đua nhau kết tội và lần lượt dùng vũ lực buộc Thầy sống lưu vong, để họ có thể say sưa kéo dân tộc vào cuộc huynh đệ tương tàn, chỉ vì những ý thức hệ ngoại lai.
Trong khi Đức Giáo Hoàng Paul VI, sau khi đàm luận với thầy Nhất Hạnh, phái Đức Ông Pignedoli đại diện ngài qua Việt Nam năm 1966 họp hội đồng giám mục và cho ra bản tuyên bố (2) phù hợp với ý hướng của ngài là cuộc xung đột (Nam Bắc Việt Nam) phải được khắc phục, dù cho phải chấp nhận một vài điều bất lợi hay phiền hà, thì khối công giáo tại miền Nam Việt Nam lại tới tấp đánh phá Thầy và vu cáo tranh đấu chống chiến tranh (phản chiến) là phản quốc, dù những hành động và lời kêu gọi của Thầy đều nêu rõ tất cả những bên tham chiến phải ngưng lại tìm giải pháp để chấm dứt sự tàn phá vô nhân đạo của chiến tranh.
Ảnh hưởng của „Đạo Bụt dấn thân“ do Thầy Nhất Hạnh khai triển và đưa vào phương Tây, được đón tiếp một cách trọng vọng như một mô hình đạo đức cần có, để bảo vệ sự cao qúi của con người và xây dựng một đời sống xã hội lành mạnh, an lạc. Thầy là nhân vật duy nhất trên thế giới được tạc tượng trong khi vẫn còn tại thế. Thầy là vị thiền sư duy nhất mà chính phủ một quốc gia có truyền thống Thiên chúa Giáo như nước Đức lại tín nhiệm giao cả một tòa nhà có tính cách lịch sử ngay trung tâm đất nước họ, để mong người dân của họ được hưởng hoa trái thực tiễn những công việc làm của Thầy. Vậy mà tại Việt Nam, thiền viện Bát Nhã của Thầy bị tranh cướp, ngay chùa tổ Từ Hiếu do thầy tổ giao phó để lại, Thầy cũng không được chăm lo.
Không phải mặt vật chất là điều đáng nói.
Nhưng Thầy Nhất Hạnh là một hiện thân của tinh anh Việt Nam mà dân tộc lãng quên, cái tinh anh ngàn đời đã là sức mạnh bảo toàn giòng giống hùng mạnh, không sợ hãi cúi đầu nô lệ giặc phương Bắc, không bị xoá khỏi bản đồ thế giới.
Tiếp nhận và biểu hiện sức mạnh dân tộc
Thầy Nhất Hạnh không phải là một nhân vật để tung hô vạn tuế hay để tôn thờ. Thầy chỉ là một người con của dòng giống Việt, đã biết tiếp nhận và làm biểu hiện tinh anh của tổ tiên và đạo giáo. Tinh anh đó tất cả mọi người dân Việt đều mang trong người. Chỉ cần ta nhìn nhận sự có mặt của nó và học hỏi Thầy Nhất Hạnh cách biểu hiện nó thành sức mạnh dân tộc.
Dân tộc chúng ta sẽ phải làm cuộc hành trình như thế giới vừa làm để đối phó với mối nguy tận diệt như bà Christina Figueres mô tả:
"Đó là một chuyến đi từ đổ lỗi cho nhau đến bắt tay nhau hành động, từ cảm giác hoàn toàn bị tê liệt, bất lực, bó tay trước sự kiện, đến ý thức sức mạnh chúng ta có thể làm được".
Thầy Nhất Hạnh đã tin vào sức mạnh của dân tộc Việt, tin vào ảnh hưởng nhiệm mầu của đạo giáo có thể "chuyển hóa đau khổ thành tình thương, chuyển đổi từ vị trí một nạn nhân thành kẻ thắng cuộc, thay hận thù bằng tình thương và tha thứ" nên Thầy chưa từng một lần chịu thua bạo lực của con người cũng như của thiên kiến, vị kỷ.
Chắc chắn còn vô vàn những con người Việt Nam mang trong mình tinh anh của dòng giống và còn vững tin vào sức mạnh dân tộc như Thầy. Chỉ cần mỗi chúng ta sẵn sàng dấn thân, thể hiện sức mạnh này trong phạm vi của mình, thì tình trạng kiệt quệ thảm thương của đất nước ngày hôm nay sẽ chấm dứt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét