Nhị nguyên là tính
tương phản đặc thù trong cuộc sống; cặp song hành trong mọi lĩnh vực: đẹp-xấu,
thiện-ác, rộng -hẹp, đạo đức-giả dối, hữu thần-vô thần...
Khuynh hướng chung của
các tôn giáo là lấy cái thiện để trừ cái bất thiện, khuynh hướng chung của các
hệ phái tâm linh là giúp tâm thức ra khỏi cái uế trược ràng buộc lên giai tầng
giải thoát; khuynh hướng chung của nghệ thuật là lấy cái hay cái đẹp, cái thẩm
mỹ để san lấp cho cái dỡ, cái xấu, cái bất toàn. Khuynh hướng chung của việc
giáo dục là kiến thức và đạo đức để nâng tầm văn hóa cho xã hội... Mặt tích cực
là thế, nhưng song song của tích cực vẫn hiện diện cái tiêu cực, nói cách khác,
trong tích cực đã ngầm chứa mầm mống của tiêu cực, nói theo Đạo học, trong Âm
đã có Dương, trong Dương vẫn có Âm. Chính tính tương phản hỗ tương cho nhau mà
cuộc sống khó cầu toàn, khó mà lấy cái nầy ra khỏi cái nọ, vì thế, chủ trương
triệt tiêu đối phương để phát triển chính lý là việc tạo thêm sự rắc rối.
Thuyết Duy Vật từng
nói: "Trong
một hợp thể luôn có hai mặt mâu thuẫn đối lập lẫn nhau, giải quyết mâu thuẫn nầy
thì mâu thuẫn khác phát sanh". Nói như thế không có nghĩa là
không làm gì hết, cứ để tồn tại mọi bất toàn. Điều tất yếu là nâng cao cái đẹp,
cái hay, cái tốt thì cái bất thiện cũng được nâng lên tương đương để khống chế
lẫn nhau. Một vũ khí tối tân được ra đời thì liền sau đó có loại vũ khí khống
chế sự tối tân đó, có nghĩa loại vũ khí khống chế cũng tối tân không thua loại
vũ khí tối tân. Bệnh lạ thế kỷ xuất hiện thì sẽ xuất hiện dược phẩm khống chế bệnh
lạ. Thông tin truyền thông toàn cầu giúp tối ưu hóa mọi giao lưu và hệ thống
hóa mọi cơ cấu toàn cầu thì sau đó toàn cầu cũng gặp rắc rối về bảo mật thông tin.
Chiến tranh giải quyết
một số mâu thuẫn, sau đó mâu thuẫn khác phát sanh ngầm chứa hạt giống chiến
tranh. Bảo là chiến tranh để đem lại hòa bình chỉ là cách nói ngụy biện, vì sau
khi chiến tranh kết thúc, trong hòa bình luôn nẩy mầm hạt giống đấu tranh đưa đến
chiến tranh. Một quốc gia không có chiến tranh vì dân tộc đó không nuôi dưỡng hạt
giống bạo lực. Một quốc gia nuôi dưỡng chiến tranh do giới lãnh đạo chủ trương,
tuy chiến tranh không hoặc chưa xẩy ra cho chính quốc gia đó, nhờ phước lực của
toàn dân hay nghiệp vận của đất nước còn tốt đẹp, dĩ nhiên trong mạch sống của
quốc gia đó phải tồn tại một phước báu nhất định.
Theo nhận định của giới
truyền thông, Mỹ là quốc gia làm từ thiện nhiều nhất, cũng là quốc gia phát triển
nhất. Việc Mỹ đầu tư cho một số cuộc chiến để giải quyết một phần kinh tế và ổn
định thế giới là điều tất yếu của một nước lãnh đạo. Song song đó, Mỹ vẫn thể
hiện tính hỗ trợ nhân đạo không những với người dân trong nước mà còn với các
quốc gia khác, muốn quốc gia minh ổn định và phát triển, phải phát triển ổn định
cho các quốc gia trong tầm ảnh hưởng của mình. Ý thức như thế, Mỹ đã giúp các đồng
minh phát triển kinh tế và ổn định chính trị, thỉnh thoảng vẫn xẩy ra thiên tai
hoạn nạn là điều tất nhiên.
Lịch sử Trung Cộng, từ
ngàn xưa từng là gồm nhiều tiểu quốc, từng thống nhất đại lục, từng bị phân
hóa, dù thời kỳ nào, giới lãnh đạo vẫn nuôi dưỡng mộng bá quyền và tính thô bạo,
không những đối với dân mình mà cả các quốc gia lân bang. Hiện nay, cái ác
không những trong giới cầm quyền mà ngay cả người dân đang làm giàu trên những
đau khổ của kẻ khác, vì thế bất an luôn rình rập, thiên tai, nạn tai luôn xẩy đến.
Làm kinh tế hiện nay của những tầng lớp thiếu đạo đức thường gây tổn hại kẻ
khác, tuy quả báo chưa đến nhưng nhân đã tạo thì khó mà tránh hậu hoạn. Xã hội
Trung Cộng và một vài nước đang phát triển kinh tế thị trường vô luật pháp, gây
xáo trộn nhân loại, ngay chính xã hội đó cũng đã bất an. Ngược lại, các nước
phát triển có nền tảng đạo đức vững vàng, phát triển kinh tế trật tự theo quy
luật tôn trọng lợi ích chung thì cuộc sống của người dân luôn ổn định, mọi an toàn được bảo đảm lâu dài.
Xã hội ổn định, phát
triển không chỉ về mặt kinh tế mà còn phải ổn định-phát triển về đạo đức và văn
hóa song hành. Trong tôn giáo cũng thế, sở dĩ các tôn giáo kêu gọi bác ái từ bi
là vì con người thiếu từ bi-bác ái với nhau, nghĩa là xưng tán từ bi-bác ái thì
trong đó đã ngầm chứa cái không có bác ái-từ bi; việc kêu gọi là một lẽ, mà
chính bản thân người kêu gọi cũng phải thuần từ. Kêu gọi bác ái-từ bi mà mình
còn hiện diện tham lam si mê sân hận thì từ bi-bác ái đó chính là vô đạo đức
thiếu tình thương, một khẩu hiệu che đậy tính tương phản đang tồn tại; vì vậy
đã nẩy sinh đố kỵ lẫn nhau, chiến tranh tôn giáo phát sanh. Cũng thế, kêu gọi
tín đồ bố thí mà mình không những không bố thí, lại bòn rút keo kiệt. Đó là tệ
nạn hiện nay hầu hết tu sĩ các tôn giáo
đều vấp phải. Riêng Phật giáo trong nước,cơ sở vật chất phát triển, lượng số tu
sĩ phát triển so với quá khứ, không vì thế mà Phật giáo được gọi là phát triển.
Lượng hành giả chân tu chứng đắc quá ít, không đủ chế tác năng lượng thuần khiết
trong sáng cho đạo Phật, vì vậy trường lực đen tối phát triển song hành theo sự
phát triển mặt nổi, tệ nạn tràn lan.
Hóa giải tính tương phản
của cuộc sống là việc khó nhưng để nâng cấp tính chất thiện cao hơn tính bất
thiện thì có thể, với điều kiện nhân sự thực hiện phải có căn bản thiện nhiều
hơn bất thiện. Nho gia có câu: "Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu".
Đã là tương đối trong một giai đoạn thì làm sao mà cửu? Vì vậy, chiến tranh để
chuẩn bị hòa bình, hòa bình luôn cảnh giác với chiến tranh; không thể giải quyết
một cách toàn triệt trong cuộc sống tương đối. Phật giáo cũng như các tôn giáo
hiện hữu không tránh khỏi tính tương tác phản diện. Tuy nhiên, trên giai tầng
tâm linh, Phật giáo có thể thoát khỏi sự khống chế của tính tương phản, do tự
thân hành giả vượt khỏi tâm thức tương phản, đi đến rốt ráo mà thuật ngữ gọi là
Ba La Mật. Tâm thức không tồn tại tính tương phản là đã vượt thoát sự chi phối của luật tương đối. Để đạt đến trạng thái
"vô quái ngại", hành giả phải có một công phu miên mật lâu dài. Trước
khi hành giả vượt thoát được tính tương đối, phải thông qua sự tương đối.
Tâm linh là thế, nhưng
xã hội không thể, nhất là đại bộ phận dân sinh còn mang nhiều nghiệp thức bất đồng,
ô trược đầy dẫy, nợ máu chúng sanh chưa trả xong; Một số thành tâm tiến hóa thì
cái tốt vượt trội cái xấu, vẫn chỉ là đạo đức thế gian và văn hóa nhân bản, dẫu
sao, đó cũng là điểm son trong hằng sa điểm đen giữa cuộc sống tạp cư. Người Phật
tử biết chấp nhận mọi tương phản vì cuộc sống là tương đối, không thể đòi hỏi
tuyệt đối theo ý mình; biết chấp nhận và thích nghi thì an lạc sẽ có, luôn bất
mãn vì không vừa lòng thì tự mình làm khổ mình, đã làm khổ mình thì ắt phải làm
khổ người, đời sống và tâm niệm bấy giờ luôn chìm trong khổ đau bất mãn.
Cầu mong tính tương phản
trong xã hội sẽ nhẹ bớt mức tiêu cực để tích cực được hiển lộ niềm tin và an
lòng cho cuộc sống đầy nhiễu nhương hiện nay.
MINH
MẪN
20/8/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét