Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

KỶ NIỆM 15 NĂM SINH NHẬT TẬP SAN VÔ ƯU




Ngày 29/6/2013, Tại Tịnh Xá Ngọc Quang, Daklak đã diễn ra buổi lễ kỷ niệm 15 năm sự có mặt của tập san "Vô Ưu" trên diễn đàn Phật giáo.

Thành phần tham dự  có: HT Thích Giác Toàn, Phó chủ tịch HĐTS PG, ông Trưởng BTG  và cựu  Trưởng BTG Daklak; chư tôn đức trong và ngoài Tỉnh, một số nhà thơ, báo chí, nhân sĩ, khách mời từ các Tỉnh Thành ... về tham dự.

Cũng như HT Phó chủ tịch HĐTS PG, đương kiêm chứng minh buổi lễ, các phát biểu cảm tưởng đều ca ngợi sự thành công, tồn tại, vượt qua nhiều chướng duyên trong thời gian qua để xác định hướng đi sắp tới của tập san Vô Ưu.

Đồng thời, nhân buổi lễ kỷ niệm, Ban Giám khảo chấm thi cũng trao giải cho các nhà thơ đạt yêu cầu; Tặng bằn khen, tán dương và trao cờ luân lưu cho các thành viên có công hưởng ứng các sinh hoạt của Vô Ưu trong thời gian qua.

Tịnh Xá Ngọc Quang cúng dường cơm trưa, tối cùng ngày có giao lưu văn nghệ.
Vô Ưu là tập san có tuổi thọ lâu nhất trong các tập san Phật giáo hiện nay, ngoài báo Giác Ngộ.
                                                             MINH MẪN
                                                               30/6/2013

ca si trinh bay nhac pham lua tu bi

gioi thieu thanh phan chung minh


Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

NHÂN CÁCH VÀ TRÌNH ĐỘ CỦA MỘT CÁN BỘ TÔN GIÁO CẤP TỈNH


Sáng 26/6/2013, thầy Bửu Khánh, tọa chủ Di Đà tu viện, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, Tỉnh Bình Phước, đến văn phòng xã để họp theo thông báo của Tỉnh, xử lý việc khánh thành Di Đà tu viện và một số yêu cầu do địa phương áp đặt, nhưng khi đến xã, cũng như BTS PG huyện, không ai biết thông tin nầy, vì trong lịch công tác thường nhật, xã không có thông tin làm việc với thầy Bửu Khánh. Sau cuộc điện thoại lên Tỉnh do ông Nguyễn Hữu Tư chỉ đạo, BTS Tỉnh, huyện và xã đều có mặt. Nghĩa là cuộc họp không có thông tư chính thức bằng văn bản.

Trong phòng họp, ngoài cán bộ các ban ngành phía nhà nước, bên Phật giáo có thầy phó BTS PG Tỉnh, kiêm trưởng BTS PG huyện, thầy chánh thư ký PG Tỉnh, thầy Bửu Khánh, thầy Ngộ Chánh, thầy Tâm Bình và một Phật tử tham dự. Sau phần giới thiệu của thầy Bửu Khánh về sự có mặt của những người tháp tùng, ông Nguyễn Hữu Tư ra lịnh những người tháp tùng phải ra khỏi phòng họp. Đặc biệt, ông Tư đưa ánh mắt cay cú về phía thầy Ngộ Chánh ra lịnh gay gắt –Anh nầy ra khỏi phòng ngay. Thầy Ngộ Chánh đáp: “Thầy tôi chân đang bị bó bột, chúng tôi phải có mặt để giúp thầy”; Thế là Nguyễn Hữu Tư đứng lên, tiến về phía thầy Ngộ Chánh, xốc nách đẩy thầy Ngộ Chánh ra khỏi phòng. Cả ba người xuống lầu, ra xe mà ngao ngán phong cách của một cán bộ đầu ngành tôn giáo Tỉnh Bình Phước.

Trên nguyên tắc hành chánh, đây là buổi làm việc không  chính thức, vì cơ quan ban ngành cấp huyện và xã không được thông báo bằng văn bản mà chỉ triệu tập bằng điện thoại.

Theo thầy Bửu Khánh, Di Đà tu viện đã thành lập từ năm 1990, nhưng 2008  BTS PG  Bình Phước ra quyết định 150/QĐ-BTS dưới danh xưng là chùa Di Đà. Việc danh xưng là thuộc nội tình Phật giáo, trong buổi họp sáng 26/6/2013, ông Nguyễn Hữu Tư bắt lỗi danh xưng không đúng khi làm đơn xin tổ chức lễ lạc thành Di Đà tu viện. Việc thầy Bửu Khánh xưng là Thượng Tọa, ông Tư bắt lỗi: “Nhà nước tấn phong cho ông Thượng Tọa lúc nào?”. Ai cũng biết, với tuổi hạ thì thầy Bửu Khánh thuộc loại Thượng Tọa “già chát”, nhưng nhà nước và Giáo Hội không chấp thuận thì thầy Bửu Khánh vẫn là Đại Đức như Biên Bản cuộc họp đã ghi. Như vậy chức sắc trong Phật giáo phải do nhà nước đề bạt, trong khi đó, ông Bùi Hữu Dược vụ trưởng vụ Phật giáo, Ban Tôn Giáo chính phủ xác định chức sắc Phật giáo do Giáo hội quyết định?

Trong đơn xin tổ chức lễ lạc thành không được Sở Nội vụ chấp nhận với lý do chưa đủ thời gian cứu xét, đồng thời thầy Bửu Khánh không đủ tư cách pháp nhân tại chùa Di Đà (trong khi Di Đà tu viện thuộc chi nhánh của tông Phong mình chứ không thuộc cơ sở của Giáo hội).

Thêm một hành động lạm quyền khi Di Đà tu viện được chư Tăng và Phật tử các nơi về tham dự, bị Ban Tôn giáo cấm đoán, xem đó là việc vi phạm khi có người ngoài xã, ngoài tỉnh đến tham gia mà gọi là trái với “pháp lệnh tín ngưỡng”. (nhắc đến đây gợi nhớ lại thời bao cấp đem lon gạo ra khỏi địa phương bị khép tội buôn lậu. Nếu  tôn giáo cấm tín đồ, tu sĩ khác xã, khác huyện, khác Tỉnh đến tham dự, có nghĩa là tôn giáo bị cô lập, an trí tại chỗ, có hợp với tinh thần hội nhập hiện nay?)

Ông Nguyễn Hữu Tư cũng kết luận: “Việc đăng ký tổ chức lễ lạc thành chùa Di Đà là chức năng của Ban Hộ tự, không phải là chức năng của ĐĐ Bửu Khánh, do đó ĐĐ ký đơn là sai thẩm quyền”, chuyện nầy nghe rất mới – trụ trì dưới quyền của Ban Hộ tự??? Có lẽ ông ta không hiểu nhiệm vụ của Ban Hộ tự. Ban hộ tự theo ông ta là người nắm quyền sai khiến thầy trụ trì vì ai có tiền là có quyền?

Biên bản buổi họp chỉ phản ánh phát biểu của cấp chính quyền mà không ghi lời giải trình của thầy Bửu Khánh, vì thế Biên bản không có giá trị như thầy Bửu Khánh đã viết khi ký tên.

Qua nội dung cuộc họp, ông Trưởng BTG làm việc không thông qua UBND Tỉnh, vì thế không có văn thư chỉ đạo xuống cấp dưới mà chỉ ra lịnh bằng điện thoại. Thái độ hống hách của một cán bộ đầu ngành cấp Tỉnh đối với các vị tháp tùng theo thầy Bửu Khánh trong buổi sáng nay, thể hiện việc xem thường dân, quan liêu cửa quyền. Cuộc họp mang tính áp đặt, không riêng thầy Bửu Khánh mà nhiều tu sĩ trong Tỉnh luôn bị sách nhiễu, khủng bố tinh thần bởi BTS PG Bình Phước và BTG Tỉnh. Có trực tiếp mới thông cảm các tu sĩ trong Tỉnh khi mà họ không am hiểu về luật pháp, Hiến chương, nội quy Tăng sự và quyền lợi của một công dân tu sĩ.

Hy vọng luật pháp công minh để tôn giáo có một khoảng không gian an lành, tĩnh tâm tu tập hầu góp phần xây dựng đạo đức cho xã hội. Dẫu sao, tu sĩ vẫn tốt hơn tệ nạn xã hội đang phát triển. Tôn giáo vẫn là tổ chức tốt hơn những tổ chức xã hội đen. Hãy dành thời gian giải quyết tệ nạn hiện nay hơn là gây khó cho tu sĩ.

                                                                        MINH MẪN
                                                                          26/6/2013


Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

ĐẠI LỄ KỶ NIỆM NĂM KHAI ĐẠO THỨ 74 CỦA ĐỨC HUỲNH GIÁO CHỦ PGHH.




Sáng 18/5/ Quý Tỵ, nhằm ngày 25/6/ 2013, tại Bảo Tàng viện Phụ Nữ  quận ba, SG, Giáo Hội Trung Ương Phật giáo Hòa Hảo đã tổ chức kỷ niệm năm thứ 74 ngày khai đạo của Đức Huỳnh giáo chủ tại miền Tây Nam Bộ.

Ngoài đại diện các cấp chính quyền Thành phố, đại diện UBMT TQ TW, các tôn giáo bạn và hàng ngàn tín đồ, quan khách tham dự, còn có các báo đài Thành phố.

Qua thủ tục hành chánh, còn được bé Ngọc Ngân và ca sĩ Bích Phượng trình diễn ca ngâm góp vui cho chương trình buổi lễ.

Báo cáo sinh hoạt của Ban tổ chức, trong năm qua đã chi hơn 7 tỷ đồng cho công tác từ thiện, có cả cấp học bổng cho con em học sinh nghèo.

Vào thời Pháp thuộc, Phật giáo Hòa Hảo từng đóng góp công sức để quê hương được độc lập. Khi đất nước thanh bình, chính đồng đạo đóng góp rất nhiều cho xã hội về nhiều mặt công ích mà nhà nước đã công nhận.

Chứng tỏ quần chúng tín đồ PGHH đã thực hiện đúng tinh thần giáo dưỡng của Đức Tôn sư mình là : -học Phật tu nhân – một hình thức nhập thế thực tiễn của Phật giáo – ích đời lợi đạo hiện nay.

Sau 2 giờ sinh hoạt trong đại lễ kỷ niệm 74 năm khai Đạo, kết thúc trong tinh thần hoan hỷ qua những tiếp đón nhiệt tình của Ban Tổ chức, các thực phần chay được đến tận tay của những người tham dự.

Một buổi sáng trong lành mát dịu để nghinh đón tất cả quan khách và tín đồ giữa mùa mưa bão hiện nay.

                                                                                 MINH MẪN
                                                                                    25/6/2013

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

SEN

                                                     







                                                ĐÓA SEN TỪ BÙN
                                                    VƯƠN LÊN THANH KHIẾT
                                                        CÁNH RUNG TRẮNG BIẾC
                                                           LỘ VÀNH TRĂNG NON

                                                           
                                                               Dzạ Lữ kKều

TINH ĐỘ LÀ ĐÂY

                                           


                                              TA LÀ KẺ RONG CHƠI TRÊN TRẦN THẾ
                                              MÃI SA ĐÀ CHẲNG SUY TÍNH THIỆT HƠN
                                              MẶC THẾ SỰ ĐẦY VƠI DÂU BỂ
                                              MẶC ÁO CƠM NHEO NHÓC TỦI HỜN
                                              NẾU MỘT MAI TỨ ĐẠI NẦY TAN RÃ
                                              THÌ NGUYỆN XIN TRỞ LẠI KIẾP NGƯỜI
                                              ĐỂ TIẾP TỤC HÍ DU CHO ĐÃ
                                              DI ĐÀ ƠI - TỊNH ĐỘ ĐÂY RỒI

                                                                (trích trong tập thơ nửa đời sám hối)

                                                                             LÊ SA ĐÀ

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

CÓ MÀ KHÔNG

     






                         THỜI XUÂN TRẺ TRÀN ĐI NHƯ VÓ NGỰA

                 GIỤC TRƯỜNG CHINH QUĂNG LẠI ĐÁM BỤI HỒNG

                      GIỜ TÓC BẠC NGOẢNH NHÌN SUY CHUYỆN CŨ

                           CẢM NHẬN ĐIỀU TẤT CẢ CÓ MÀ KHÔNG


                                                                       ĐỨC TRUNG

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

NIỀM ĐAU CON PHẬT


v/v GIẢI THỂ ĐƠN VỊ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ KHÁNH TỊNH, CHÙA PHÁP TỊNH, XÃ PHÚ RIỀNG, HUYỆN BÙ GIA MẬP, TỈNH BÌNH PHƯỚC




GĐPT Khánh Tịnh đã bị BTS PG Bình Phước ra quyết định giải thể, không những tại Bình Phước mà còn nhiều nơi đã hành xử với con cháu mình như thế.

Chúng ta cứ tưởng tượng, cha mẹ đuổi con ra khỏi nhà, chúng bơ vơ vất vưởng, lây lất đầu đường xó chợ kiếm sống, xóm làng nguyền rủa, vậy lương tâm làm cha mẹ đó là loại lương tâm gì?

Các tôn giáo bạn sẵn sàng dang tay đón nhận mọi người thì Phật giáo, có những chức sắc, trụ trì tâm trí mụ mẫm, chỉ biết quyền lợi cá nhân và tự ái quyền lực, luôn hành xử độc đoán vô nguyên tắc, không cần biết tiền đồ tôn giáo  sẽ như thế nào khi mà tầng lớp tuổi trẻ  luôn bị hất hủi phủ nhận.
.
GĐPT là tổ chức tồn tại hơn 2/3 thế kỷ, một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên thành những công dân tốt, tín đồ ngoan hiền; GĐPT chưa bao giờ làm hoen ố đạo hay  thiệt hại quyền lợi đất nước. Tuổi thọ của đoàn thể áo Lam nhiều hơn tuổi thọ của Giáo Hội Phật giáo hiện nay và kể cả GHPGVNTN trước kia. Trên nguyên tắc hành chánh, GDPT trực thuộc BHDCS và trước 1975, trực thuộc Tổng Vụ Thanh Niên của GHPGVNTN, nhưng thực tế, GĐPT là một tổ chức xuất thân không từ một Giáo hội nào, nhưng luôn là tín đồ ngoan và đệ tử trung thành của Phật giáo, Các em luôn hy sinh khi gặp Pháp nạn, đứng mũi chịu sào khi chư Tăng gặp khó khăn.

Chính vì lý tưởng giáo dục góp phần cho tuổi trẻ làm nền tảng vững chắc cho xã hội mà sau 1975 nhà nước nhiều lần muốn giải tán, nhưng so ra, chúng vô tội mà còn hữu ích và hiệu quả hơn các đoàn thể khăn quàng đỏ, vì thế, chúng vẫn được tồn tại và sinh hoạt song song với các đơn vị GĐPT thuộc Phân ban; Thế nhưng,một số sư nhà ta lại xem chúng là vô ích, không đem lại lợi lộc vật chất cho chùa, có lẽ các em không có tiền để cúng dường như các đại gia, nên sẵn sàng tìm cớ trục xuất. Ta hãy nghe một đoạn tâm thư của GĐPT Khanh Tịnh gửi cho HT Trưởng BTS PG Bình Phước:
Kính    bạch   Thầy.

Tình thầy trò đạo vị chỉ thế thôi sao? Như thế nào được gọi là tu tâm dưỡng tánh? Cửa chùa rộng mở để giáo hóa quần sanh là chuyển hóa từ vô minh quay về bến giác. Đạo Phật chỉ vậy thôi sao?

Đau lòng lắm! Xót xa thay! Khi tình thầy nghĩa trò trong đạo Phật là vậy?

Đau lòng lắm! Xót xa thay! Khi phải trình bạch với thầy những dòng chữ mang chất liệu của trái đắng cuộc đời, ngậm ngùi cung bạch với Hòa Thượng để chia sẻ nổi niềm của người Phật Tử.

Kính mong Hòa Thượng minh xét!


Chắc chắn các em muốn nói nhiều, nhưng do ngôn ngữ hạn chế và cảm xúc đau thương tràn trề trước lối hành xử bằng quyền lực của cha ông nên lời văn chưa toát lên trọn vẹn tâm cảm của người con Phật. Nếu là con cháu ruột thịt của mình, liệu các vị đó có can đảm xua đuổi như thế? Nếu can đảm hành xử như thế thì không còn lương tri con người, nếu không hành xử như đã hành xử các em thì tâm đó kỵ phân biệt vẫn còn sâu đậm trong tâm tư của một trưởng tử Như Lai - được mệnh danh là đạo vô ngã, giải thoát!
Nói theo nguyên tắc, BTS PG Bình Phước chưa hề ra quyết định thành lập hay công nhận GĐPT Khánh Tịnh thì BTS cũng không đủ thẩm quyền giải thể một tổ chức như thế. Và cái hèn hạ của một trưởng tử Như Lai, một chức sắc Giáo Hội là mượn quyền lực nhà nước để giải  thể các em; Phải chi những chức sắc đó biết đoàn kết với nhà nước để chống ngoại xâm thì tuyệt biết mấy, có lẽ các em tay yếu chân mềm nên dễ hành động hơn ngoại xâm có quân đội và vũ khí???

Ngày nay, những Phật tử tại gia phải chứng kiến quá nhiều đau thương từ các bậc gọi là mô phạm, làm thân Phật chảy máu quá nhiều. Câu "phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật" cần phải sửa lại là: "phụng sự các sư là cúng dường chư Phật"; Quen được phụng sự, tứ sự cúng dường mà còn được lễ lạy nên các ngài quên bản chất của một tu sĩ là khiêm hạ và hy sinh! biến mình là ông trời con một cõi, nhưng sẵn sàng khom lưng trước quyền lực. Nói thế là vì những bậc chân tu ít xuất hiện mà xuất hiện những "phiền sư" quá nhiều làm cho quần chúng ngao ngán.

Ngoài các ngài thì không ai có thể góp ý sửa sai các ngài nghe, vì thế, tiếng kêu đau thương của loài chim "oanh vũ" chỉ là tiếng vọng lá rừng giữa bạt ngàn lộng gió, không đủ lay chuyển tâm hồn thiếu tâm từ. Nếu có lòng từ thì không nỡ đóng cổng chùa để cac em quỳ ngoài đường hướng vào chùa lễ lạy. Ôi, hai động thái trái ngược: Một tu sĩ cửa chùa khép kín, một đàn con quỳ gối lạy vào!!! PGVN ngày nay là thế sao???

Thời đại Tiền và Quyền khó mà có một bậc chuyên tu nghĩ đến tiền đồ đạo Pháp, nghĩ đến tuổi trẻ hôm nay là tương lai cho Phật giáo. Suốt bao nhiệm kỳ tọa vị Trưởng BTS PG Bình Phước, chưa phát triển được Phật giáo vùng sâu vùng xa mà sự phát triển của Tin Lành như vũ bảo, ngược lại ông trưởng BTS lại cản trở chư Tăng ni quá nhiều trong những Phật sự cần thiết. Một tính độc đoán nham nhở là các chùa phải lấy bảng hiệu đứng đầu bằng chữ Thanh (tức là tên Nhuận Thanh), tinh thần phong kiến  vẫn còn tồn tại!

Thôi, các em và quần chúng dân đen chỉ biết nhắm mắt cầu nguyện khi mà Tăng Ni trong Tỉnh cũng gặp nhiêu khê không thua các em, chúng ta, hoặc là bỏ Phật qua đầu quân đạo Chúa, hoặc ở nhà đóng cửa tự tu, hoặc tìm một bậc chân tu đâu đó mà nương tựa, hoặc là không còn tin bất cứ tôn giáo nào nữa nếu chúng ta không đủ niềm tin.
Mạt Pháp!!

                                                                                                                      MINH MẪN
                                     13/6/2013





Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

ÂM BINH NỔI LOẠN

Âm binh là loại vong vất vưởng không ai cúng kiến, không được nghiệp quả định hướng rõ ràng, hoặc là tự nguyện đầu quân dưới quyền lực của thầy Pháp để được cúng thí, hoặc do thầy Pháp khống chế sai sử. Ngoài việc thí thực hàng ngày, mỗi khi nhận công tác đặc biệt của thầy Pháp, đều được thầy tưởng thưởng rượu thịt hậu hỷ.

Cõi dương gian có đội quân thì cõi âm thế cũng có một lực lượng tương tự, vì thế, cổ nhân bảo - trần sao, âm vậy,  âm-dương đồng nhất lý. Đội quân trần thế được tuyển chọn thành phần lý lịch khá kỷ, thế mà thỉnh thoảng vẫn có vài phần tử nổi loạn phản trắc, thì cõi âm, lắm khi thầy Pháp phải khốn đốn với chúng; nếu không hại được thầy, thì con cháu giòng họ của thầy cũng bị vài âm binh nổi loạn vượt khỏi vòng kềm chế của pháp nghi để ám hại. Chuyện dễ hiểu, thầy Pháp chỉ dùng quyền lực để khống chế phần âm mà không cần tuyển chọn xét lý lịch như trần gian; vì sự tạp nhạp đó mà những âm binh đều là lực lượng vừa hữu dụng, vừa nguy hại.

Trong lãnh vực tôn giáo cũng không tránh khỏi những bất cập như thế, bất cứ tôn giáo nào, lý tưởng tôn giáo là một chuyện, lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo lại là một chuyện. Kẻ lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo có thể là  người không có tâm đạo, hoặc có tâm đạo nhưng vì quyền lực và quyền lợi đã lái chệch hướng mục đích ban đầu, khi nhân sự đó đang nắm một quyền hạn nhất định và có một chỗ dựa vững chắc. Một tôn giáo vững chắc, có tổ chức và đào tạo bài bản như Kito giáo Vatican, vẫn còn có những chức sắc phạm phải những tội lỗi về quyền lợi về kinh tế, về dục tính, về chức quyền phẩm trật... thì những tôn giáo như đạo Phật tại Việt Nam, Cao Đài, Hòa Hảo, những tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận và bổ cử nhân sự điều hành thì không thể không tránh khỏi những vấn đề về nhân cách.

-  Thời gian gần đây, quá nhiều tệ nạn tai tiếng đến với Phật giáo trong nước; có những chú tiểu biểu diễn cầm tiền và dao dí vào cổ bạn được đưa lên mạng. Điều nầy nói lên việc thiếu giáo dục và kiểm soát của thầy tổ. Không thiếu các sư giả đi khất thực, đi lừa gạt quần chúng. Một sư từng gây sóng gió trên mạng khi hôn môi với một ca sĩ. Và còn vô số tai tiếng từ những người mặc áo nhà sư mà "nội quy Tăng sự" cũng như tổ chức Phật giáo không thể giải quyết, vì Phật giáo không có giáo quyền như các tôn giáo bạn.

-  Trong cơ cấu tổ chức hành chánh, cũng từng có những vị lạm quyền khống chế cấp dưới. Một vị ở văn phòng 2 Trung Ương dùng quyền cấm các giới tử khác tỉnh về thọ giới tại Giới Đàn Đồng Tháp, mà Hiến chương cũng như nội quy Tăng sự không hề quy định. Cũng vị nầy, thao túng BTS các tỉnh phía Nam từ Cà Mau, Bạc Liêu đến Long An, Đồng Tháp, ngăn trở nhiều Phật sự mà đáng ra những Phật sự do các Tăng sĩ trẻ đủ khả năng phát triển Phật giáo sở tại, có lẽ vị nầy được tại vị vững chắc do lý lịch "Hồng" hơn "Chuyên".

-  Tại Thành phố HCM cũng thế, trong Thành Hội, HT Trưởng BTS cũng bó tay khi cấp dưới lạm quyền quá đáng để gây khó khăn cho Tăng Ni khi cần chứng thực hoặc di chuyển hộ khẩu. Có lẽ Tăng Ni ai cũng biết nhân cách vị nầy, đối xử, giao tiếp với chư Tăng nhỏ hơn mình bằng những lời lẽ không mấy đẹp đẽ; giữa lúc quần chúng có mặt tại chùa Phổ Quang, ngài đã thịnh nộ mạt sát một Tăng tài có tiếng hiện nay, dĩ nhiên quần chúng bất mãn và xem thường nhân cách của một chức sắc như thế. (Một người có mặt nói: một Hòa Thượng Phật giáo có thái độ và ngôn ngữ như vậy sao!!!)

-  Một vài BTS cấp Tỉnh cũng vậy, do có quyền thế mà gây bao nhũng nhiễu cho Phật giáo, làm khốn đốn Tăng ni nếu không vừa lòng các ngài; Rất nhiều Tỉnh Thành trong thời gian vừa qua, BTS cũng như các chức sắc hành xử với Tăng Ni trong Tỉnh bằng cá tính, lạm dụng quyền hạn ra những văn bản không đúng  nguyên tắc hành chánh, Hiến chương Giáo hội và nội quy Tăng sự; cấu kết với cơ quan chức năng để triệt hạ những tu sĩ và Phật tử nào không vừa lòng họ. Có những quyết định trục xuất, truất quyền trụ trì với những lý do vu vơ, mà đáng ra, nếu đương sự có tội thật sự, cần tác pháp yết ma, giáo dục ba lần mà không thay đổi, mới dùng biện pháp biệt chúng chứ chưa nói đến tẩn xuất, vì tẩn xuất là tội rất nặng theo giới luật. Trong Nội quy Tăng sự ghi rõ:
CHƯƠNG XI
KHUYẾN GIÁO - KỶ LUẬT - TUYÊN DƯƠNG CÔNG ĐỨC

ĐIỀU 51: Căn cứ điều 45 và điều 46, chương X Hiến Chương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, quy định các biện pháp kỷ luật (cử tội) đối với những thành viên Tăng, Ni có hành vi:

1. Vi phạm giới luật Phật.
2. Làm tổn thương đến thanh danh và đường lối hoạt động của Giáo Hội.
3. Làm phương hại đến lợi ích của Dân Tộc và Tổ Quốc Việt Nam.
Bao gồm một số biện pháp cụ thể như sau:
1. Tăng, Ni nào vi phạm giới luật, Trưởng ban Tăng Sự Tỉnh Hội có nhiệm vụ thẩm tra, tổng hợp dữ kiện, đề nghị Ban Thường trực Ban Trị Sự Phật giáo cấp Tỉnh thành lập Hội đồng Yết Ma theo luật Phật và áp dụng điều 47 Hiến Chương Giáo Hội để xử lý. Khi cần xử lý vấn đề Tăng, Ni vi phạm giới luật mới thành lập Hội đồng Yết Ma và Hội đồng Yết Ma chỉ có hiệu lực trong thời gian xét xử vấn đề đó.
2. Tăng, Ni có hành vi làm tổn thương đến thanh danh và đường lối hoạt động của Giáo hội, Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo cấp Tỉnh có trách nhiệm thẩm tra mức độ phạm lỗi nặng hay nhẹ để xử lý theo một trong các hình thức sau đây:
a) Chỉ đạo cho Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện tiến hành phê bình, kiểm điểm trên cơ sở tinh thần đoàn kết hòa hợp, chân tình xây dựng, giúp người có lỗi thấy được lỗi lầm, thành thật nhận lỗi và quyết tâm khắc phục, sửa chửa lỗi lầm đã phạm.
Cần kiên trì tiến hành từng bước, lần thứ nhất: Phê bình, kiểm điểm trước Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện. Sau thời gian tối đa 6 tháng, nếu người có lỗi chưa chuyển biến tốt, tiến hành lần thứ hai: Phê bình kiểm điểm trước toàn thể Tăng, Ni trong Quận, Huyện, Thị xã và Thành phố thuộc Tỉnh.
b) Hình thức phê bình kiểm điểm trước Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo cấp Tỉnh có cảnh cáo trực tiếp, người phạm lỗi phải viết bản tự kiểm, lưu trữ tại văn phòng Tỉnh, Thành hội Phật giáo để giám sát sự chuyển biến của người phạm lỗi.
c) Hình thức cảnh cáo là thông tri trong toàn Tỉnh, Thành hội Phật giáo biết về Tăng, Ni đã phạm lỗi với đầy đủ các hành vi phạm lỗi.
3. Tăng, Ni nào bị pháp luật xử lý, trường hợp bị đưa ra xét xử trước tòa án thì không được sử dụng sắc phục, danh hiệu và tư cách Tăng, Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
4. Tăng, Ni nào bị pháp luật xử lý, kết án theo luật pháp hiện hành, bị mất quyền công dân, đương nhiên không còn tư cách là Tăng, Ni trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Khi quyền công dân được phục hồi thì được xin xuất gia lại nhưng phải chấp hành đúng các quy định tại điều 26 chương VI của Nội Quy này.
ĐIỀU 52: Tăng, Ni nào phạm lỗi bị cảnh cáo và được thông tri trong toàn Giáo hội thì không còn tư cách được bổ nhiệm Trụ trì tại các cơ sở Tự, Viện và không được phân công vào các nhiệm vụ khác trong Giáo hội. Nếu đã bổ nhiệm trụ trì thì rút lại quyết định.

ĐIỀU 53: Tùy theo thành viên Tăng, Ni và mức độ phạm trọng giới mất tư cách Tăng hay Ni, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, hoặc Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo cấp Tỉnh có quyền ban hành quyết định tẩn xuất ra khỏi hàng ngũ Tăng, Ni của Giáo hội theo các trình tự như sau :

- Nếu Ban Thường trực Hội đồng Chứng Minh ban hành quyết định thì phải do Ban Thường trực Hội đồng Trị Sự GHPGVN đệ trình.
- Nếu Ban Thường trực Hội đồng Trị Sự ban hành quyết định thì do Ban Thường trực Ban Trị Sự Phật giáo cấp Tỉnh đề nghị và được Ban Thường trực Hội đồng Chứng Minh GHPGVN chuẩn y.
- Nếu Ban Thường trực Ban Trị Sự Phật giáo cấp Tỉnh ban hành quyết định thì phải có văn bản báo trình cho Trung Ương Giáo Hội được biết để xem xét trước khi thi hành.

Rất nhiều BTS cấp Tỉnh từng ra quyết định trục xuất và truất quyền trụ trì của Tăng trẻ với những lý do không chính đáng; cương vị một HT Trưởng BTS, cứ ký văn bản theo cấp dưới đề bạt, lắm khi lại thu hồi, rồi ra văn bản mới như là trò chơi đang nắm trong tay. Cũng có trường hợp HT Trưởng Ban bị Thư ký làm văn bản vu khống nạn nhân buộc ngài ký quyết định khai trừ.

-  Một số trụ trì không thấy tầm quan trọng của các đơn vị GĐPT áo Lam, thích thì cho sinh hoạt ở chùa hàng tuần, không vừa lòng thì trục xuất, đuổi các em bơ vơ. Hiện nay Lâm Đồng và vài nơi đang xẩy ra tình trạng như vậy, không phải trụ trì đuổi mà BTS PG Lâm Đồng hành xử; lối hành xử do cá tính, do bản ngã hơn là theo luật định. Họ không nghĩ tuổi trẻ là tương lai của Phật giáo, là vệ tinh của Giáo Hội. Trong số các em bị xua đuổi hay bị đánh đập, phụ huynh không cho các em sinh hoạt nữa và họ sẵn sàng  được cải đạo sang Tin Lành hay bất cứ tôn giáo nào biết quý trọng tuổi trẻ. Cũng có những đạo tràng không tuân thủ lệnh vô lý của trụ trì, cũng bị trụ trì trục xuất hoặc giải tán.

-  Một số thầy nhận đệ tử tính theo số lượng mà không có phương án giáo dục, không nắm rõ lý lịch nên thường xảy ra quá nhiều tệ nạn như hiện nay. Có một tội phạm trốn luật pháp xin vào chùa, một thời gian sau, khi bị phát hiện, thầy trụ trì mới vỡ lẽ. Trong thời gian nhận đệ tử, chùa không dạy luật nghi, phép tắc của người xuất gia. Đi đứng tự do như người thế tục, ăn nói thiếu điềm đạm, nghĩa là bốn bộ luật sơ cơ cho tập sự không được dạy; giáo lý không học, kinh kệ không tụng đọc. Trước 1975, các Tỉnh miền Trung, Thiền môn rất quy củ, nghiêm túc; một chú tiểu tập sự phải biết phép thờ thầy, phép nhập chúng, nghiêm túc chấp hành nội quy Thiền môn, giữ Tăng phong đạo cách khi giao tiếp với Tín đồ. Ngày nay, các chùa trong Thành phố, các tiểu được đi học thế pháp, ảnh hưởng game trên mạng, xem nhẹ luật nghi hành điệu vì thầy tổ không khép các điệu vào khuôn khổ, và cũng có những chú điệu ngang bướng do ảnh hưởng xã hội. Từ đó, khi thành một Tăng sĩ, không tránh khỏi những luông tuồng như một người thế tục gây tai tiếng cho nhà Phật. Một nhà sư từng bị tai tiếng trên sàn hộp đêm, bị bổn sư tác pháp yết ma và biệt chúng, nhưng không bao lâu, quần chúng thấy vị đó xuất hiện thường xuyên ở sân bay Tân Sơn Nhất, đi nước ngoài như đi chợ, chẳng những thế, còn bắt các tiếp viên massage hạng VIP ở sân bay, mở nhạc ầm ỷ làm phiền chung quanh. Khi được nhắc nhở, lại điện thoại với một Gay nào đó trao đổi sàm sỡ cho mọi người chung quanh cùng nghe, đó là những kẻ cố tâm phá đạo.

-  Cũng không hiếm người tự động cạo đầu mặc áo tu, đến địa phương khác xin vào chùa một thời gian cho quen nếp sinh hoạt Đạo, giao du quen biết một số Phật tử, rồi tự động ra lập am thất, làm tiền dưới mọi hình thức; vì không thật tu, không qua trường lớp, gây nhiều phiền muộn cho Phật giáo cũng như quần chúng mà không ai đủ quyền để xử trị họ. Những vị nầy đồng nghĩa với những sư giả, lợi dụng niềm tin của quần chúng.

Tóm lại, nội bộ Phật giáo hiện nay, chức sắc lạm quyền theo chức sắc vì ỷ lại chiếc ghế đầy quyền lực, thao túng quá đà làm Tăng Ni khốn đốn mà không nghĩ đến quyền lợi chung và lâu dài của đạo, cản trở việc hoằng pháp và phát triển tôn giáo, điều nầy hiện rõ tại BTS PG Bình Phước.

Một số Tăng trẻ tự tung tự tác khi không bị kiểm soát bởi tập thể và thầy tổ. Sử dụng đồng tiền không đổ mồ hôi bởi công sức của mình, thiếu cân nhắc và phung phí.

 Một số oai nghi đạo phong không qua quá trình huân tu từ tông phong và rèn luyện nên ngôn hành phóng túng không tương thích với chiếc áo đang mặc.

Một số không xuất thân từ trường lớp hoặc Già Lam chính thống, mượn chiếc áo để kinh doanh, trong đó kể cả các sư giả từ miền Bắc và miền Trung du nhập để kiếm sống và hưởng thụ, ăn nhậu sau một ngày "khất thực".

Sự dễ dãi đối với sinh hoạt Phật giáo hiện nay, biến Phật giáo thành mảnh đất màu mỡ cho đủ loại hình tha hóa đầy tai tiếng. Nếu ai đó có tinh thần trách nhiệm với tôn giáo nói chung và Phật Giáo nói riêng để bộ mặt xã hội được trong sáng hơn, thì không thể dung túng những tệ nạn như vậy, nhất là cơ cấu hành chánh, các chức sắc cần phải thanh lọc trên tiêu chuẩn đạo hạnh chứ không cần lý lịch, công trạng  màu "hồng". Buổi giao thời đã qua, hơn 30 năm đủ để chuyển đổi và sử dụng nhân sự có tài, có đạo đức mà không cần phải có công "cách mạng" hay phe nhóm lợi ích.

Một guồng máy Giáo Hội trong sạch mới đủ khả năng chỉnh đốn những tệ nạn khác của Tăng lữ và sư giả; đó là một trong những cách trong sạch hóa xã hội. Tôn giáo hư hỏng thì đừng trông mong xã hội tốt đẹp, vì tôn giáo là nền tảng của xã hội. Sử dụng nhân sự trong guồng máy hành chánh đúng người đúng việc thì Phật giáo sẽ thay da đổi thịt, vững mạnh và phát triển. Thu nhận đệ tử cũng cần cân nhắc và giáo dục kỷ thì sẽ có những tu sĩ tốt về đạo đức.

Bổ cử nhân sự, thu nhận đệ tử trên tinh thần cảm tình, phe nhóm và cần số lượng mà thiếu giáo dục thì chắc chắn hậu quả sẽ là những "âm binh nổi loạn" không sớm thì chầy phản phục cho Phật giáo, cho tổ chức Giáo hội như hiện nay. Vậy ai có trách nhiệm cho một tương lai Phật giáo Việt Nam khi mà đất nước đang hội nhập???
                                                          
                                                            MINH MẪN
                                                               12/6/2013


Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

QUẦN CHÚNG VÀ NIỀM TIN TÔN GIÁO


                    (PGVN) Thiết nghĩ, tội phạm xã hội, xì ke mà túy, cà  phê đèn mờ, dâm ô trá hình, bao cuộc sống sa đọa...nhan nhản xuất hiện mỗi ngày thì những người đại diện công lý không giải quyết, lại gây khó khăn cho những người dân đem lại lợi ích cho xã hội và tự hoàn thiện bản thân.

Miền Tây nói chung và Đồng Tháp nói riêng, được thừa hưởng truyền thống đức tin tôn giáo lẫn niềm tin dân gian; có những nơi, không có chùa, họ vẫn tự động quy tụ một điểm để làm từ thiện và đọc kinh cầu nguyện, dĩ nhiên không có tu sĩ hướng dẫn.


Phường An Lạc thuộc thị xã Hồng Ngự, con lộ nhỏ trong làng chạy dọc nhánh sông Mêkong đến cuối xóm, một tượng đài Phật Bà lộ thiên không biết xuất hiện từ đâu và do ai tạo dựng, nhưng quần chúng cho biết đã có trên 40 năm, tức trước 1975; 15 năm trở lại đây, một nhóm phật tử đau lòng nhìn tượng bà đứng mưa chịu nắng, họ tự động đóng công góp của xây dựng nơi thờ phượng trang nghiêm gọi là tượng đài Phật Quán Thế Âm, được sự chấp thuận của chủ tịch phường An Lạc là ông Phạm trung Hậu, từ đó, mỗi ngày có hàng trăm tín đồ đến lễ bái, tụng kinh cầu nguyện; và một sự trùng hợp tạo thêm niềm tin cho quần chúng, từ ngày kinh kệ bái sám thường xuyên thì tai nạn giao thông đường bộ cũng như đường sông giảm hẳn tại địa phương.

Những lễ vía lớn có nấu cơm chay thiết đãi bá tính, nhóm phật tử cũng từng thực hiện 14 căn nhà tình thương, giúp bệnh nhân đi viện, cứu đói dân nghèo và nhiều công tác từ thiện của địa phương khi có yêu cầu. Khoảng 5 năm, nhóm đã ủng hộ địa phương nhiều đợt tiền mặt từ 30 triệu đến 50 triệu mỗi đợt do ông Nguyễn Văn Lực - Phó Chủ tịch phường nhận mà không hề có một văn bản chứng nhận. Chuyển hóa đám trẻ bất hảo và dân xã hội đen tại khu vực tượng đài trở thành người tốt con ngoan. Chính việc làm hữu ích đó đã chiêu cảm rất nhiều người đến với khu vực tượng đài và tự động tham gia  công tác từ thiện của nhóm.
Gần đây, ông Bí thư phường Huỳnh Tú Linh, vừa bổ nhiệm về, đã có những thái độ đột hứng như cấm quần chúng tụng niệm, cấm nấu ăn đãi bá tánh, giữa lúc mùa mưa vào ngày vía Bồ Tát, ông ta ra lệnh hạ rạp để bá tánh ăn cơm giữa mưa, tịch thu thùng tiền mà nhóm dùng làm từ thiện, cấm dân tổ chức lễ vía mà hàng chục năm họ đã thực hiện tín ngưỡng song song với công tác từ thiện rất được người dân ủng hộ.

Ngày 4/06/2013 tại cuộc họp phường, ông Nguyễn Văn Lực - Phó Chủ tịch phường tuyên bố: "Nếu chúng tôi biết mấy người tu bổ đường xá và bờ kè, chúng tôi sẽ xử phạt hành chính, vì đó là việc của Nhà nước chứ không phải của dân".

Một người hỏi "đợi Nhà nước làm thì đường sạt lở vì không có bờ kè", ông ta đáp một cách vô trách nhiệm: "thà để sạt lở..,." Có lẽ đây là kẻ phá hoại chính sách Nhà nước chứ không phải cán bộ đại diện chính quyền để làm mất lòng dân, vì nhiều công trình công ích Nhà nước đều kêu gọi: "Nhân dân và Nhà nước cùng làm"; ngược lại người dân vì bảo vệ quyền lợi chung, tự động làm thì bị kẻ lạm dụng chức quyền hăm dọa, cản trở!
Thiết nghĩ, tội phạm xã hội, xì ke mà túy, cà phê đèn mờ, dâm ô trá hình, bao cuộc sống sa đọa...nhan nhản xuất hiện mỗi ngày thì những người đại diện công lý không giải quyết, lại gây khó khăn cho những người dân đem lại lợi ích cho xã hội và tự hoàn thiện bản thân.

Một cán bộ phường tuyên bố: "Lễ vía Phật Bà do mấy người bịa ra chứ làm gì có, đã là lộ thiên thì làm mái che để làm gì? Đây là hình thức mê tín dị đoan..." Trong khi đó chính sách Nhà nước về tự do tín ngưỡng đều tôn trọng tín ngưỡng nhân gian cũng như tín ngưỡng tôn giáo, chả lẽ trên nói dưới không nghe hay nói một đàng làm một ngả?

Dẫu sao, người dân vẫn tin là những cán bộ phường thiếu trình độ chính trị, làm lệch hướng chính sách gây bất mãn một cách không cần thiết, tín đồ Hồng Ngự mong sự lắng nghe của các cấp thị xã, tỉnh Đồng Tháp để tín ngưỡng quần chúng được thực hiện và tượng đài Quán Thế Âm tại phường An Lạc được trao lại cho người dân quản lý sinh hoạt được tiếp tục mà hàng chục năm qua họ thực hiện rất tốt.

Đành rằng địa phương quản lý mọi sinh hoạt tín ngưỡng nhưng không có nghĩa quản lý thùng tiền, chỉ định việc hành trì tu tập của từng người, thọc tay quá sâu vào đời sống riêng tư của người dân vốn đã đói nghèo về vật chất nhưng phong phú về tâm linh và tín ngưỡng; chính tâm linh tín ngưỡng đã góp phần ổn định xã hội hơn là pháp luật.

Những cán bộ phường như thế cần phải học tập và quán triệt kỹ về chính sách Nhà nước đối với tôn giáo hiện nay.

Mong thay tiếng nói người dân Hồng Ngự được lắng nghe!

Minh Mẫn
5/6/2013
 xin nghe tiếng nói của quần chúng qua video clip theo đường dẫn sau: