Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Cảo hồn du mục


Cảo hồn du mục
 
Trang đời thay mới
Tắm gọi mưa mùa
Mát trong nhẹ nhõm
Hương trầm ngát đưa
 
Em khoe áo lụa
Xinh ngọc trắng ngà
Nếp hồn say mộng
Bướm hồ lướt qua
 
Ánh mắt long lanh
Soi đời hư ảo
Men mơ chín nục
Cuộc người lao đao
 
Cảo hồn du mục
Bung xòe cánh sao
Nhìn xem cổ lục
Mơ màng đóa hoa
 
Người đi bỡ ngỡ
Mưa ngày nắng đêm
Bốn mùa chuyển động
Ơi vầng trăng nghiêng.
 
Tâm Bình
 
 
 
 
Suối nguồn hòa âm
 
Ngày mới thay màu nắng ấm
Bầu trời lắng trong. Cánh gió nhẹ lay mớ tóc phơi sương.
Hương trầm thơm thảo mơ màng ngát đưa.
Huyền hoặc cung cầm vuốt bay thanh âm thấu hồn vân thạch. Ngà say lâng lịm lẽ mầu nếp gấp mạch ngầm giao động hòa âm.
Cây lá thay mùa. Suối nguồn trào lộng mát trong. Gian phòng tĩnh lặng. Tách trà xanh lắng đọng quyện làn khói bay lên. Cõi lòng an nhiên tọa thị.
 
Thanh âm Viên mãn lan tỏa phủ trùm khắp bầu khí quyển xua tan hà sa vết dấu ưu phiền.
Ngọn cỏ ngậm sương hòa ca suối hát. Hạt bụi lăn đi rất chậm. Bởi thương tháng ngày bước vội đôi chân
Dừng lại sẽ nghe vũ trụ vang lên Bản Tình Ca Xuân bất tận. Và nghe trong khoảng Không hiện biến ngàn muôn cõi nước với đủ sắc màu, âm điệu xuê xoang từng mỗi sát na.
Một bước nhảy vọt tâm màu mở ra lăng kính huyền vi tâm tình ẩn mật bao dung.
 
Con sóng lặng xuống im lìm mênh mang biển nước trời mây xanh trong bát ngát
Biển hát lời kinh
Toàn thể Như Là kết giao thành khúc ca Đại thể
 
Người về bước nhẹ. Nụ cười hỷ lạc. Hoa lá tịch nhiên
Nước lành rưới khắp sơn hà hải địa thấm nhuận mùa xanh
Bình minh lên tỏa rạng
Mục đồng hát khúc Vô thanh.
 
16.10.2012
 
Tâm Bình

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

TIỀN VÀ QUYỀN



Người ta thường nói : có tiền là có quyền – nhưng cũng có lúc, có quyền là có tiền; đó là thói đời của những tâm hồn ham danh thích lợi. Nhưng đối với người chân chánh thì tiền vẫn là tiền và quyền vẫn là quyền, hai cái không thể cấu kết nhau để làm mất danh thể và băng hoại xã hội để đi đến đa kim ngân phá luật lệ!
Thế gian là vậy, tôn giáo càng không thể  nhập nhằng giữa lợi và danh, nhưng tu sĩ vẫn có những vị nhập nhằng giữa danh và lợi, vì thế, không riêng một tôn giáo nào, luôn có những người xem cuộc đời chỉ có lợi và danh, vì giáo lý của tôn giáo họ đang sống đã mờ nhạt sau những con số hằn rõ trên tờ giấy bạc, giáo chủ của họ được thếp vàng không đủ làm nhạt nhòa vị thế của họ đang ngự trên ngai.
Phật giáo xem đời là vô thường, là ảo hóa, coi lợi danh như đôi dép bỏ, thế nhưng không thiếu những vị nhờ địa vị chức danh biến ảo hóa vô thường trở thành đại gia thật sự; Chuyện “có đức mặc sức mà ăn” là chuyện cá nhân, nhưng có những cá nhân lấy cái uy đức giả tạm để khuynh loát một tập thể, một Giáo hội, mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay được xem là Giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng Ni Tín đồ Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước! Cái gọi là giáo hội này được, chính phủ nước  CHXHCN Việt Nam công nhận, Hiến chương giáo hội xác định vị trí và phương án tồn tại, sinh hoạt như một guồng máy hợp pháp được điều hành bởi một tập thể do các bậc tôn đức tại vị, được Mặt Trận, Ban tôn giáo, An ninh tôn giáo và những cơ quan chức năng bảo vệ, thế nhưng, vẫn có những cá nhân dựa vào thế lực của các ban ngành để tiến vị, để khuynh loát theo ý mình.
Nghe ra cũng lạ, nhưng ngày nay không có gì lạ trong xã hội Việt Nam, bất cứ cái gì cũng có thể xảy ra, miễn có tiền và có quyền là được. Ông cha ta thường nói: Có tiền mua Tiên cũng được! Vâng, có tiền có thể chạy chức chạy quyền, cho dù vào chân thư ký của Ban đại diện quận huyện, vào ghế chánh đại diện, BTS các tỉnh Thành, cho đến trung ương. Có người từng bỏ hàng tỷ để xóa bản Giáo ca truyền thống, đưa nhạc của mình vào trong đại lễ Vesak…nhưng không phải lúc nào có tiền là có quyền, hay có quyền là có tiền, nghĩa là chưa chắc có tiền mua Tiên cũng được, nếu được thì chỉ là Tiên phàm tục, Tiên dổm mà thôi.
Hơn nửa năm trước, khi Hòa Thượng Thích Thanh Tứ viên tịch, thầy Thanh Quyết đã ảo thuật nhiều chiêu trò nhằm mục đích để chiếm đoạt chiếc ghế Phó chủ tịch thường trực của cố Hòa Thượng. Tại sao Thanh Quyết lại được sự yểm trợ của hầu hết các ban ngành như Ban Tôn giáo chính phủ, Mặt Trận trung ương, ban Dân Vận TƯ, bộ Công An…mà vẫn không thành? Tại sao những ban ngành đó yểm trợ cho cá nhân thầy Thanh Quyết mà xé rào vượt qua hiến chương GH Phật Giáo Việt  Nam?
Giờ đây, khi đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ (2012-2017) sắp diễn ra tháng vào 11/2012, các ban ngành đó lại tiếp tục ép buộc vận động cho thầy Thanh Quyết một cách khó hiểu như vậy??? Phía Bắc, thầy Thanh Quyết quản lý hầu hết các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của Phật giáo với  tuổi tác còn trẻ, trong khi đó không thiếu những bậc Cao Tăng Thạc Đức không được trụ trì một ngôi chùa nào chứ chưa nói có một vị thế trong tổ chức Giáo Hội. Nguồn thu nhập hàng năm trong các thắng tích đó đủ để có quyền thao túng những cán bộ tranh thủ lúc đang chức quyền để kiếm tiền trục lợi; thế là một bên có tiền, một bên có quyền hỗ trợ nhau như ông Thần cậy cây đa, cây đa cậy ông Thần, đôi bên đồng lưỡng lợi.
Một vị tuổi đời chưa quá 50, tuổi đạo chẳng đáng là bao mà đòi ăn trên ngồi trước các bậc Thầy Tổ cha chú ở cấp Trung ương, cũng có nghĩa muốn thao túng, lũng đoạn cả một giáo hội, nhằm mục đích gì??? Được voi đòi Tiên! Vị trí trụ trì hàng loạt danh lam thắng tích chưa thỏa mãn tham vọng đang có mà còn muốn nắm trọn trong tay vận mạng PGVN. Khi Thầy Thanh Quyết là một học hàm Tiến sĩ không qua ngưỡng cửa Đại học, là một thừa kế  cố HT Phó chủ tịch bằng di chúc giả, tranh dành vào đại biểu Quốc Hội, trên nguyên tắc phải thông qua hiệp thương, của đơn vị cơ quan đang công tác (Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam), thầy lại ngang nhiên coi thường Pháp luật, xem thường luật bầu cử của Quốc Hội và hội đồng ND các cấp. xem như đó là quyền cá nhân mà chiếc áo đang mặc không phụ thuộc vào tổ chức Phật giáo. Đã xem nhẹ tổ chức, coi thường Giáo Hội thì tại sao lại cần một địa vị trung ương GH như thế nếu không vì tiền? Khi đã có tiền, có quyền thì sẽ có cái gì nữa??? dĩ nhiên là hưởng thụ mọi thứ trên đời! vậy có khác gì người đời? Chẳng nhẽ tu là hưởng thụ, mượn Đạo tạo đời và tôn giáo chỉ là bậc thang bước lên đài danh vọng tiền và quyền? Tại sao Thầy Thanh Quyết chỉ được sự hậu thuẫn bởi các cấp chính quyền mà không được lòng chư tôn đức trong Giáo Hội? Vậy thầy làm việc cho nhà nước hay cho Phật Giáo?
Không riêng thầy Thanh Quyết mà hiện nay một số tu sĩ cũng mon men theo con đường danh lợi như thế,  sở dĩ đặt vấn đề Thanh Quyết là vì vận mạng PGVN đang bị đe dọa bởi tham vọng đen tối của một kẻ đội lốt tướng tu mà tâm không tu.
                                                    *
                                                *      *
Về lực lượng hậu thuẫn cho thầy Thanh Quyết, chắc chắn rằng không phải chủ trương của nhà nước, nhưng cá nhân những cán bộ chức quyền về tôn giáo tại sao lại hăng say không mệt mỏi để tranh đấu cho thầy Thanh Quyết lên ghế Phó Chủ Tịch thường trực GHPGVN như thế?
Một số quan chức chính quyền đang nỗ lực thúc ép, áp đặt chư Tôn Đức lãnh đạo phải đưa Thanh Quyết vào chức vụ Phó Chủ Tịch trong Đại hội sắp tới. Gần đây nhất trong cuộc họp tại Văn Phòng II TƯ Giáo Hội vào lúc 8h sáng ngày 19/10/2012, cuộc họp này do Ban Tôn Giáo chính phủ triệu tập Chư tôn Hòa thượng lãnh đạo nhằm mục đích ép buộc phải đưa Thanh Quyết vào chức Phó Chủ Tịch, mặc dù chư Tôn Đức đã kịch liệt phản đối.

Thế thì hiện tại, ngoài HT Thanh Nhiễu đương vị, chưa ai được Ban Thường trực Hội đồng trị sự đề cử để biểu quyết cho Đại hội sắp tới suy cử. Một điều chắc chắn là thầy Thanh Quyết không đủ tư cách đạo đức để được chư tôn trong Ban Thường trực chiếu cố, vì tuổi  đời, vì hạ lạp, vì công đức Phật sự trong quá trình  làm việc, vì phong cách và nhiều lý do tế nhị khác; đó là quyền quyết định của nội tình Phật Giáo. Các cơ quan chức năng không nên xen vào nội bộ, không thể vượt Hiến chương, nghĩa là người cầm luật không nên xé luật chỉ vì quyền lợi nhất thời của một tu sĩ lắm tiền nhiều của. Cơ quan chức năng về tôn giáo có nhiệm vụ giám sát và điều hướng chứ không xen vào nội bộ điều hành tôn giáo, cho dù là nhân sự.

Nếu như Đảng và Nhà nước còn để các thành phần được coi là thay mặt nhà nước quản lý về tôn giáo, làm lũng đoạn tôn giáo, làm mất lòng tin của đồng bào Tăng Ni Phật tử trong và ngoài nước về công tác quản lý tôn giáo, để cho kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc về chính sách tôn giáo. Chính phủ cần xem xét chấn chỉnh lại những thành phần này để củng cố lòng tin của Tăng Ni Phật tử. Trong quá khứ, một số tỉnh thành, cán bộ xen vào nội tình PG như Đồng Tháp cách đây 5 năm, đã làm Phật giáo trì trệ, chia rẽ.

Vì thế, tiền và quyền không thể làm lủng đoạn mọi sinh hoạt trong xã hội nói chung và Phật giáo nói riêng; một tổ chức độc lập sẽ hoạt động hiệu quả hơn là bị thao túng. Hy vọng sự thống nhất của Ban Thường trực Hội đồng trị sự trung ương GHPGVN về nhân sự  chuẩn bị cho Đại hội  vào tháng 11 sắp tới sẽ giúp GH vượt qua mọi chướng ngại.

MINH MẪN
22/10/2012

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

LỜI VÔ TRÁCH NHIỆM




UBND TP HỒ CHÍ MINH ra văn thư số 3416/UBND-NC về việc ông Trầm Triều Văn xin khôi phục chùa Huyền Trang huyện Nhà Bè ( mà trước 1977 tôi là trụ trì).
Văn bản gửi ông Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hànhTrung ương  Đảng; và Văn phòng Chủ tịch nước. có nội dung không đúng sự thật về cá nhân tôi.
Tôi là một trong những nạn nhân trong buổi giao thời (1975), trước kia tôi làm việc cho HT T.Quảng Độ, GHPGVNTN, năm 1981, để thành lập GHPGVN hiện giờ, giải tán GHPGVNTN, nhà nước đã đưa nhị vị HT Quảng Độ - Huyền Quang đi an trí, tôi cũng không  thoát khỏi trong chiến dịch nầy.Suốt một năm giam tại tầng hầm Sở công An,  nhiều năm tại số 4 Phan Đăng Lưu và Chí Hòa, cán bộ chấp pháp “Ba Lực” tìm mọi cách ép cung, gài cung tôi nhưng vẫn không khai thác ghép được tội gì, không thể ra tòa, sau đó đưa  đi tập trung cải tạo. Trong thời gian lao lý, chùa Huyền Trang Nhà Bè đã có người đốt, nay biến thành nghĩa trang. Ra trại, vào năm 1987, không chùa nào dám chứa vì sợ liên lụy, tình thế lúc bấy giờ còn khó khăn đối với tôn giáo, buộc lòng tôi sống đời cư sĩ để tiếp tục phụng sự Phật Pháp.
ĐĐ T. Truyền Minh tức Trầm Triều Văn xin phục hồi chùa Huyền Trang, tôi đồng ý ủy thác để đương sự làm thủ tục xin lại. Việc giải quyết là do chính quyền căn cứ vào luật pháp, tôi không còn trách nhiệm trong vụ nầy. Thế nhưng, thay vì trả lời thẳng được hoặc không, UBND TP HCM lại nêu tên tôi với những giòng phản cảm: “ năm 1976, ông Nguyễn Phan Mẫn phạm tội liên quan đến tổ chức phản động bị tòa tuyên phạt tù giam”; nếu có tội, sao tòa không tuyên án và thời gian thụ án như các phạm nhân khác mà lại đưa đi tập trung cải tạo vô thời hạn???
Tôi chưa hề liên can đến chế độ cũ, chưa hề tham gia bất cứ tổ chức chính trị nào từ trước 1975 đến nay. Mặc dù tù oan, tôi vẫn không hề oán hận sống tiêu cực mà vẫn hoan hỷ an lạc làm một phó thường dân vì hiện nay, gần 40 năm thống nhất hai miền, tôi vẫn chưa có hộ khẩu và chứng minh nhân dân như những công dân bình thường.Tôi chưa hề vi phạm chính trị. Suốt 25 năm ra tù, tôi vẫn bị theo dỏi chặt chẽ, nếu là thành phần chống đối thì nhà nước đâu để yên như vậy. Các tiệm photo copy huyện Hốc Môn được lịnh không làm cho tôi, với lý do là tôi phản động,  nhà tôi có “hầm chứa vũ khí”. Trình độ cán bộ cấp huyện chỉ có thế, tôi chẳng buồn phân bua, ngỡ chừng cấp TP khá hơn, nhưng khi nhận được văn bản trên, tôi buộc phải lên tiếng.
Tội phản động là một trọng tội đối với luật pháp hiện hành, thế mà UBND TP HCM do ông Lê Minh Trí, phó chủ tịch ký vào ngày 13/7/2012 tự do vu chụp cho tôi thì thử hỏi tội gì không vu chụp cho bất cứ ai được? Nhà nước từng kêu gọi xóa bỏ quá khứ, hòa hợp hòa giải đối với mọi thành phần thì tại sao vẫn nêu lên một quá khứ không hề có đối với tôi?
Tôi không cần minh oan nhưng tôi phải lên tiếng để cho thấy thái độ cửa quyền vô trách nhiệm cấp TP đối với một công dân như tôi.

                                                                   MINH MẪN
                                                                    21/12/2012

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

THẨM ĐỊNH FILM Lần thứ 2


 “ NẼO VỀ CỎI PHẬT”

Sau nhiều lần chỉnh sửa do sự góp  ý của tôi – Minh Mẫn – những  danh từ chuyên môn, tên nhân vật, địa danh, lời thoại và diễn tiến  cho đúng với phong cách Phật giáo, nhận xét cuối cùng:

-         Tác giả có tinh thần trách nhiệm về kịch bản cũng như nội dung chuyển tải
-         Tác giả thận trọng từng lời thoại và tình tiết hư cấu
-         Tác giả có tâm khi xây dựng xuyên suốt cốt truyện làm nổi bậc từng nhân vật, từng vấn đề để nói lên sự thành công của đức Phật trong vấn đề chuyển hóa con người và xã hội lúc đương thời.
-         Nghệ thuật hóa lịch sử tôn gíao là việc khó mà không làm lệch lạc, đánh mất tinh túy của tôn giáo là một việc làm khó hơn.
-          Qua nội dung và bố cục cho thấy tác giả không nặng về kinh doanh nghiệp vụ thực hiện bừa bãi, mà trong đó, rất cẩn trọng dành một vị trí tôn kính đúng mức đức Như Lai
-         Kịch bản chú trọng đến nét đặc thù về sinh hoạt, kiến trúc, trang phục  và tập quán đương thời lúc bấy giờ. Vì thế có thể tin rằng bộ phim  có giá trị về sử liệu và chất lượng.

Hy vọng, rút kinh nghiệm những bộ phim tiền tiêu, tác giả, đạo diễn và anh chị em diễn viên sẽ tránh  được nhược điểm để bộ film có giá trị hơn.
 Thừa ủy nhiệm TT Thích Nhật – tôi quyết định kết thúc công đoạn kiểm duyệt nội dung để tác giả tiến hành những công đoạn còn lại  cho kịp trình chiếu trước quần chúng vào dịp Phật đản 2557 sắp tới.

HốcMôn     ngày  01/3/2012                                Cư Sĩ  MINH MẪN



                                                       Kính anh Mẫn
NT bận quá nên không thể xem được gì trong giai đoạn này. Kính ủy quyền anh trình TT Chân Tính để thực hiện.
kính chúc an lành
Thích Nhật Từ
TT. Thích Nh t T
-Trang i T ng Kinh, Pháp tho i và nh c PG:
- Trang tin t c và nghiên c u Ph t h c


THẨM ĐỊNH PHIM NẼO VỀ CỎI PHẬT.



Như hầu hết những bộ phim làm về lịch sử Phật giáo, hoặc lịch sử cuộc đời đức Phật, bộ phim trên đây vẫn phải theo đúng nguyên tắc tôn trọng tinh thần thực của Phật giáo.

Cái khó của người viết kịch bản, là không đi ra ngoài khuôn phép định hình của một tôn giáo mà vẫn lôi cuốn quần chúng. Bởi vì sinh hoạt tôn giáo nếu không nói là khô cứng so với những gì hấp dẫn mà phim cần lôi kéo một cách thế tục cho người xem. Phần diễn xuất càng khó hơn khi diễn viên lột tả được nội dung vấn đề qua ánh mắt, động tác thể hiện đúng đạo phong của một tôn giáo mà không bị khiên cưỡng hoặc hài hước.

Đó là yêu cầu tinh thần rất khắc nghiệt của người làm phim tôn giáo. Để làm mềm bản chất khô khốc của tôn giáo, người sáng tác kịch bản hay một áng văn không thể thiếu yếu tố hư cấu. Hư cấu là gia vị cần thiết cho người đầu bếp, cũng thế, không thể rập khuôn một quy tắc định sẵn của một tôn giáo mà tác giả kịch bản là tấm gương phản chiếu trọn vẹn. Nếu thế thì sẽ thất bại hoàn toàn và tôn giáo không cần một kịch bản như thế vẫn lưu tồn giá trị nguyên bản của mình khi đến với quần chúng. Phim ảnh là ngôn ngữ nghệ thuật thì kịch bản cũng phải là công thức tạo nên ngôn ngữ đặc thù ấy.

Qua kịch bản NẺO VỀ CÕI PHẬT của Đỗ Tài có những điểm mạnh và yếu như sau:

* Phần mạnh của kịch bản:
1/ Kịch bản tránh được một số huyền thoại thiếu tính khoa học của hầu hết các tôn giáo phạm phải. Tác giả lách một cách khôn khéo nhẹ nhàng mà người đọc, xem vẫn hiểu vấn đề xẩy ra một cách hợp lý.

2/ Kịch bản ngắn gọn mà vẫn thể hiện trọn vẹn tinh thần sinh hoạt suốt 49 năm của đức Phật cùng chư đệ tử.

3/ Kịch bản thể hiện được tinh thần tôn trọng đức Phật và các đệ tử qua các câu đối thoại một cách tinh tế.

* Phần yếu của kịch bản:
1/ Tác giả chưa mạnh dạn hư cấu để nội dung tạo sự hưng phấn thêm ngoài những yếu tố cơ bản của tôn giáo.

2/ Một vài địa danh, tên nhân vật chưa chuẩn xác – điều nầy đã được sửa chữa xong.

3/ Suốt từ lúc khởi đầu đến khi kết thúc, giai điệu  trầm lắng như giòng chảy của sông Hương. Nhất là đoạn kết diễn đạt đức Phật nhập Niết Bàn, chưa tạo cho khán giả một cảm xúc dâng trào. Đây là yếu tố đậm nét tạo cho người xem còn lại cái gì đáng nhớ sau khi ra về. Nên nghiên cứu bổ sung gấp.

4/ Phần thần thông của Mục Kiền Liên dễ tạo tính mâu thuẫn của thần lực. Ví dụ chiếc cầu bị gãy, hoặc người xem cũng có thể nghĩ là Mục Kiền Liên nhỏ nhen đối với ngoại đạo, hoặc thần thông không đủ khả năng tuyệt đối. Bởi vì cả hai vấn đề đều không lột tả được tinh thần vị tha của Tăng sĩ Phật giáo. Mục Liên dùng thần thông để cảm hóa tính keo kiệt của lão bà dễ tạo sự ngộ nhận về việc cưỡng bức. Dùng quyền lực giáo hóa như thế không đúng tinh thần PG.

5/ Đoạn ngũ ấm ma nên diễn đạt thế nào để người xem hiểu rằng  năm loại ma cũng là 50 loại ma, vì 50 loại ma đó phát xuất từ ngũ ấm ma biến hiện. Nếu nói một cũng chưa đủ.

6/ Phần Ma Đăng Già và Anan chưa lột tả sâu sắc để người xem thấy được nguy hiểm của sắc dục và Anan giác ngộ nhờ triết lý thẩm vấn giữa đức Phật và Anan. Phần nầy rất quan trọng để xiển dương cái tâm của nhà Phật.

Tóm lại, kịch bản tôn trọng được tính thực của lịch sử nhưng chưa tạo được sự lý thú của lịch sử mà không đánh mất tính thực. Một vài đối thoại chưa mang tính sâu sắc của triết lý tôn giáo. Các bộ phim trước của nhiều tác giả cũng bị cản trở những nguyên tắc khô cứng của tôn giáo. Tác giả chưa dám mạnh dạn tạo sức thu hút bằng những hư cấu nhưng không quá phàm tục.

Dẫu sao, đây cũng là một kịch bản đáng tán dương, nhiều công phu điều nghiên suốt 49 năm hoằng pháp của đức Phật. Một phần thành công còn tùy thuộc vào sự nhập vai của diễn viên phim trường.

MINH MẪN
09/3/2012

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012


Đề nghị báo Dân Trí hiệu đính ngay bản tin "Ni cô trộm bia nhanh như chảo chớp"
Thứ Sáu, 12/10/2012 - 05:40, báo Dân Trí đăng tải bản tin "Ni cô trộm bia nhanh như chảo chớp" của PV Lê Kiên. Nội dung bản tin phản ánh "hành động trộm bia 'nhanh như cắt' của ni cô đã bị camera an ninh ghi lại được tại một cửa hàng phục vụ đến đêm ở Mỹ."
Bản tin - dù người viết có cố ý hay không - đã khiến nhiều độc giả lầm tưởng kẻ ăn cắp ấy là một nữ tu sỹ Phật giáo, và đã xúc phạm nghiêm trọng hình ảnh tu sỹ Phật giáo.
Xin hỏi Ban biên tập báo Dân Trí: trang phục của nữ tu như trong bản tin phản ánh được gọi là ni cô? PV Lê Kiên là người Việt hay người nước ngoài mà không phân biệt thế nào là ni cô, thế nào là xơ (soeur)? Và PV Lê Kiên là ai mà dám ngang nhiên thách thức công động Phật giáo khi viết một cách mập mờ đánh lận con đen biến hành vi ăn cắp của kẻ mặc áo tu nữ Thiên chúa giáo thành tu nữ Phật giáo?
Nếu PV Lê Kiên là người Việt chẳng hiểu tý gì về các tôn giáo, không phân biệt được nữ tu Công giáo hay là nữ tu Phật giáo, cũng như giả vờ không biết không uống rượu, bia và các chất gây say sưa là một trong các giới cấm căn bản của Phật giáo, liều mạng viết bừa như thế mà sao ban biên tập lại duyệt đăng?

Kẻ trộm cắp bia mặc trang phục như thế này mà được gọi là ni cô?
Chẳng lẽ Ban biên tập báo Dân Trí - cơ quan của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - cũng mù mờ về tôn giáo và tiếng Việt như thế hay sao? Ở Việt Nam ngày nay, có ai gọi các nữ tu Thiên chúa giáo là ni cô không? hay phải gọi họ là các bà xơ, bà/ dì phước?
Và trước khi đăng bài lên, chẳng lẽ Tổng biên tập không kiểm duyệt, và khi nhận người làm báo cũng không cần biết trình độ văn hóa của kẻ đó?
Dù thế nào đi chăng nữa, một khi đã đăng trên mặt báo rồi thì cũng không thể ngụy biện là không biết. Sinh hoạt tôn giáo ngày nay tại VN không còn lạ gì với xã hội. Cho dù kẻ viết mới chân ướt chân ráo vào nghề thì không thể bảo là không phân biệt được sự khác nhau giữa trang phục của tu sĩ Công giáo và Phật giáo!

Các xơ, hay còn gọi bà/ dì phước, nữ tu Thiên chúa giáo
Phải chăng đây là ý đồ bôi nhọ Phật giáo, xúc phạm danh dự tu sĩ Phật giáo. Pháp luật có điều khoản nào cho phép báo chí có quyền xuyên tạc làm mất uy tín tôn giáo, nhất là một tôn giáo của dân tộc? Xúc phạm một tôn giáo gắn liền với dân tộc là đồng nghĩa xúc phạm một dân tộc, xem thường văn hóa dân tộc!
Nếu người viết bài nầy xuất thân từ rừng rú, chưa quen với nếp sống xã hội Việt Nam, yêu cầu chủ nhiệm tòa báo hãy cho những nhân sự của mình đi học lại bổ túc văn hóa về tôn giáo hiện có mặt tại Việt Nam.

Thường phục đi ra ngoài chùa của nữ tu Phật giáo
Các hãng thông tấn có uy tín trên thế giới khi đề cập đến vấn đề nào đó có liên quan đến tôn giáo, họ luôn viết rõ vấn đề đó hoặc tu sỹ đó thuộc tôn giáo nào, Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo v.v. không có lối viết chung chung gây cho người đọc hiểu nhầm giữa tôn giáo này và tôn giáo kia.
Chùa Phúc Lâm online yêu cầu Ban biên tập báo Dân Trí hiệu đính ngay bản tin trên, và trả lời cộng đồng Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng về hành động xúc phạm, báng bổ tu sỹ Phật giáo này, đồng thời có biện pháp xử lý thích hợp đối với PV Lê Kiên.
Quần Anh - Minh Mẫn

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

BẠO TÀN




Chưa có lúc nào một số người Việt Nam bạo tàn như ngày nay. Hàng ngày báo chí đưa tin về sự bạo hành gia đình, bạo hành trẻ con, giết hại đâm chém nhau vì một chuyện không đáng. Con giết cha, vợ giết chồng, anh em đâm nhau,vợ chồng sát hại con cái…

Thật đau lòng, trong đó, con người dùng acid hại nhau, dùng xăng dầu đốt nạn nhân một cách vô tâm tàn nhẫn như giết con gà, cắt cổ vịt…Tại ấp 3, xã Tân Xuân, Bình Đại, Bến Tre, cuộc cải vả không lớn lắm, người chồng đã đổ xăng thiêu sống người vợ 25 tuổi.

Phạm thị Bé Hai. Sinh năm 1989; quê ở xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, Trà Vinh, điện thoại số 01636637945, lập gia đình với người mang tên H ở Bến Tre. Sống với nhau chưa được một năm, vì một cuộc cải vả nhỏ, người chồng tàn bạo đã hủy hoại cuộc đời người vợ mà theo thẩm định bệnh viện, 90% thương tật.

Nhà nghèo, không có tiền chữa trị, được mạnh thường quân giúp bao nhiêu chữa bấy nhiều, vì thế gần nửa năm mà vết thương chưa được giải phẩu. Chuyện lạ là hội Phụ nữ địa phương không có lên tiếng bảo vệ nạn nhân. Pháp luật không ra tay xử lý can phạm với lý do không có đơn tố cáo, gia đình không ai dám làm đơn thưa gửi.

Các vùng thôn quê thường xẩy ra bạo hành, những nạn nhân như thế âm thầm chịu đựng, không ai bảo vệ, luật pháp không can thiệp. Những tin tức được báo chí đưa lên chỉ là hạt cát so với những hiện thực hàng ngày, hàng giờ xẩy ra trong xã hội. Trường hợp trên đây là một sự kiện điển hình.
Nạn nhân đang cần sự giúp đỡ với vết thương nguy hiểm đến tánh mạng nếu kéo dài thời gian. Trong khi chờ đợi lòng hảo tâm của mọi người, đáng ra bệnh viện cũng phải có một phần thể hiện lòng nhân ái của “lương y như từ mẫu”. Hội phụ nữ và hội chữ thập đỏ cũng không thể làm ngơ bỏ mặc nạn nhân của sự thô bạo như vậy.

Tình người, trách nhiệm và lương tâm xã hội, luật pháp, nhà nước nên quan tâm với người dân cô thế, nghèo khổ để tránh những bạo hành, đồng thời ra tay giúp đỡ nạn nhân trước khi được đồng bào hỗ trợ.

                                                  MINH MẪN
                                                    11/10/2012



Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

PHIM PHẬT VÀ THÁNH CHÚNG (TIẾP)


PHIM PHẬT VÀ THÁNH CHÚNG  (TIẾP)

Sáng ngày 05/10/2012, được sự ủy thác của TT Chân Tính chùa Hoằng Pháp, Hốc Môn, MM đã đến tiếp nhận giám sát phim “Phật và Thánh Chúng” đang đóng tại “khu du lịch Vườn Xoài”, cách ngã ba Vũng Tàu 15km.

Theo lời thầy Giác Thông, (là một trong hai thầy trách nhiệm giám sát phim), chùa quyết định giao cho MM chính thức giám sát, lúc nào bận hai thầy sẽ thay tạm. Bấm máy khởi sự từ ngày 03/10 tại khu du lịch Vườn Xoài, thầy Tâm Trung và thầy Giác Thông đã có mặt. Ngày thứ ba tức 05/.10, MM đến nhận nhiệm sở; lúc nầy quay tại chùa Phước Sơn đồi Lá Giang của sư Bửu Chánh, cách Vườn Xoài 3km về hướng Bắc. Chùa có trên 30 mẫu, rừng rậm còn nhiều tuy cây lâu năm không có, thích hợp diễn cảnh đức Phật sinh hoạt với Thánh chúng. 8g sáng đoàn quy tập về chùa, tìm cảnh. chùa hỗ trợ thêm một ít chư Tăng và nữ tu, mãi đến hơn 2g chiều mới thực sự bấm máy, do thư ký phim trường thiếu linh hoạt nên suốt buổi sáng bỏ trống thời gian. Thay vì đợi chư Tăng độ NGọ xong mới tham gia thì ngay buổi sáng có thể quay cảnh nào khác thế vào.

Khi nhìn thấy các diễn viên đính vào người mấy mãnh vải vàng không phải y mà chẳng phải áo. Bên trong thay vì quấn xà rông, gọi là y hạ, thì lại may quần không ra quần, xà rông không ra xà rông, lấy lý do, theo  nhà phục trang  nói – làm như thế nhanh hơn quấn xà cạp. Biết không thể được, trách nhiệm người giám sát  buộc phải thay chính thức y thượng, còn y hạ tạm xài như thế. Nhà phục trang hội ý với cô thư ký (trong ngoài 30), cô ta quyết định giữ nguyên trang phục cũ, với lý do đã diễn hai ngày rồi, không thể thay đổi. Vì tự ái nghề nghiệp của nhà phục trang, vì tự mãn của chức năng thư ký phim trường có quyền quyết định mọi việc trong lúc diễn xuất nên họ tuyên bố dứt khoát như thế.

Trách nhiệm giám sát, biết sai từ cơ bản về trang phục của một bộ phim lịch sử tôn giáo, không thể bó cuộc, buộc lòng MM phải liên lạc với sư Bửu Chánh mượn 11 bộ y Nam Tông tạm cho người đóng vai Phật và 10 vị đại đệ tử. Những người còn lại cứ giữ những mãnh vải quấn quanh phần trên có miếng kẹp ngay vai để khỏi rơi xuống. Thầy Giác Thông phải thuyết phục những người có trách nhiệm chấp nhận thay thế, một chống đối yếu ớt của nguời phục trang là: “y của Phật có giới đức, các em diễn viên không nên khoác vào người tổn phước, không ai biết cách quấn y cho các em diễn viên,  không nghe quý thầy có ý kiến…”. Công Hậu đạo diễn cũng bảo: - sao thiết kế phục trang không biết việc nầy? Quý thầy Bắc Tông ít ai hiểu nhiều về Nam Tông làm sao thiết kế phục trang chuyên  đời thường làm sao mà biết, có ý kiến Tuy nhiên, mọi việc rồi đâu cũng vào đó, làm sao một đoàn phim thực hiện bộ mặt lịch sử nhà Phật tiếp tục làm sai mà không chịu sửa? Cái ngông của thế gian và tự ái nghề nghiệp là vậy. MM đích thân quấn y từng người , ngay cả Công Hậu diễn vai Phật, cũng phải nhiều lần chỉnh sửa vì diễn viên chưa quen nên dễ làm sổ tung ra. Thế là từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối ngoài hiện trường, ai cũng tỏ ra mệt mỏi. Lúc diễn từng công đoạn, người giám sát muốn biết nhân vật nào trong 10 vị đại đệ tử sẽ nhập vai để hướng dẫn thao tác, phong cách, âm điệu, hỏi cô thư ký chẳng muốn trả lời, có lẽ cô ta chỉ biết quý thầy chùa Hoằng Pháp mà thôi, buộc lòng phải trực tiếp với Công Hậu và anh Póp chỉ đạo bấm phim.

Chẳng hiểu hai ngày trước thế nào, nhưng y phục đã không thể đúng, các công đoạn tinh tế thể hiện của những đại đệ tử Phật có diễn đạt được như ý chăng! Cũng may chỉ mới hai ngày, nếu bô phim  thiếu giám sát chặt chẽ xuyên suốt trọn bộ thì chắc chắc sẽ không đủ chân giá trị lịch sử theo sự mong muốn của chùa Hoằng Pháp cũng như những ai quan tâm đến nghệ thuật  điện ảnh dành cho Phật giáo.

Các diễn viên trẻ, hảo tướng, tính tình dễ thương nhưng do chưa thấm “tương chao” nên lúc đùa cợt thường kêu  nhân vật đóng vai bằng tên của Đệ tử Phật một cách thiếu nghiêm túc và quên đang mặc màu vàng của nhà Phật nên đi đứng ăn nói, hút thuốc và mọi động tác dễ gây hiểu lầm cho người ngoài khi họ tưởng là nhà sư thật. Có em diễn viên mặc y vàng đầu cạo trọc chụp chung hình bán thân với một em nữ trong đoàn, trên mức thân thiện, được thầy Giác Thông nhắc, không nên đưa lên Face book dể gây ngộ nhận cho mọi người. Đấy, các em còn trẻ, thuần tục, vô tư, chưa qua giáo dục cửa chùa mà đóng phim Phật, không những đạo phong chưa có mà cũng khó lột tả tinh thần thâm thúy của những bậc đại trí tuệ như 10 vị đại đệ tử của Phật. Hy vọng ai xem phim bằng con mắt nghệ thuật, bằng tấm lòng cởi mở, có thể cảm thông và khích lệ cho những bộ phim khác có giá trị hơn.

Ngày 6 và 7 quay tại quận hai, đoàn lại tiếp tục lên Vườn Xoài cho những công đoạn kế tiếp để rồi đi xa hơn về các tỉnh cao nguyên.

                                                                     MINH mẪN
                                                                      06/10/2012

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

PHIM PHẬT VÀ THÁNH CHÚNG


Sáng 01/10/2012, đoàn làm phim do hãng phim Việt Thắng đứng phép. Chùa Hoằng Pháp chủ đầu tư,  Đạo diễn Công hậu, tác giả kịch bản Đổ Tài, biên tập Minh Mẫn và một số diễn viên điện ảnh, báo chí họp mặt tại hội trường chùa Hoằng Pháp, Hốc Môn, để ra mắt, họp báo và lễ Phật.

Công Hậu là đạo diễn bộ phim đầu tiên, nhưng cũng là diễn viên đầu tiên đóng vai Phật trong bộ phim Ánh Đạo Vàng của Võ Đình Cường hơn 10 năm về trước. Có lẽ lần đầu tiên trong vai đạo diễn mà Công Hậu bộc lộ vẻ yếu kém không những nghệ thuật điện ảnh, Phật Pháp mà ngay cả về mặt hợp đồng, quản lý, chi phí, tính toán…trong các khâu. Lần đầu tiên hợp đồng một tỷ, được anh em góp ý, không thể với số tiền đó làm được, thế là lại hủy và xin tăng 2 tỷ.  Một số công đoạn từ xin giấy phép đến ký hợp đồng các khâu hình như chưa nằm được mức giá và nguyên tắc. Cứ thế, do tính vội vả cọng với lòng nhiệt thành và là lần đầu tiên giữ vai trò quan trọng nên không tránh khỏi những bất toại và tốn kém vô lý.

Dự tính của Đổ Tài, sẽ mời một số diễn viên có tiếng như Việt Trinh để tham gia, nhưng cuối cùng ngoài Huỳnh Anh Tuấn, không một diễn viên nào có tầm vóc, có tên tuổi. Người đóng vai đức Phật lại là chàng thanh niên vẻ mặt khờ khạo hiền lành, không hiểu tý gì về Phật Pháp; ngoài chiều cao chấp nhận được, thân thể lại ốm yếu mà vốn người Ấn đã to cao, Đức Phật hẳn nhiên với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp thì cho dù người Việt không đủ chuẩn, ít ra cũng 50%. Trong số những diễn viên có mặt sáng nay, về tầm vóc và khuôn diện, có lẽ Huỳnh Anh Tuấn tạm chấp nhận đóng vai chính thay thế chàng thanh niên hiền lành kia được.

Trong lúc các diễn viên phát biểu, bộc lộ về hiểu biết và phong cách của một tín đồ rất yếu, chưa nói đến nhập vai một đại đệ tử đương thời của Phật. Theo TT Chân Tính, tất cả anh em tham gia đều rất có tâm, đến với Phật Pháp, có tâm là tốt, nhưng diễn xuất, ngoài cái tầm còn cần có tầm, tầm về nghiệp vụ, tầm về đạo hạnh và toát hiện trí tuệ thật sự của một vị Đại đệ tử, khi mà 10 vị đệ tử đúng nghĩa, sẽ nói lên được đạo lực của Đức Thế tôn chiêu cảm các vị lãnh tụ ngoại đạo lúc bấy giờ. Đây là nỗi lo cho sự thành công của bộ phim. Tất cả gương mặt hiện diện đều trẻ và ngây thơ đến độ không hiểu thế nào là đại đệ tử của Phật. Anh thanh niên đóng vai Phật, chưa nắm vững kịch bản và vai chính của mình, chưa hiểu gì về Phật Pháp, anh ta thật thà bộc lộ và đang tìm hiểu kinh sách mà thời gian bấm máy sẽ vào ngày 03/10 nầy, nghĩa là 24 tiếng nữa; thế thì tất cả những vai diễn khác liệu đạt được thần khí  của những vị đệ tử đương thời của Phật??? Một số diễn viên cho biết đã đến chùa thực tập đi đứng nằm ngồi trong 10 ngày nay; đó chỉ là Tăng phong đạo cách, cần một thần sắc toát hiện trên khuôn mặt và cung cách, ngôn ngữ. trí tuệ của những bậc xuất trần. Ít ra, các diễn viên cần vài tháng nhập chúng trong các đạo viện, sinh hoạt chung như một tu sĩ thì may ra!

Tác giả và biên tập là một thành phần trong việc hoàn thành kịch bản để đạo diễn thực hiện phim, ra mắt lần cuối trước khi bấm máy, không thông báo hoặc mời tác giả lẫn biên tập, đây cũng là một sơ suất trong cách làm việc để có thể hỗ trợ đạo diễn những mặt sơ suất khác. (xin nói thêm, biên tập kịch bản do TT T. Nhật Từ chỉ định khi TT Nhật Từ được chùa Hoằng Pháp nhờ kiểm định, nhưng TT không có thì giờ). Trong thành phần giới thiệu sáng nay, người biên tập không phải tên Minh Mẫn mà là một tên lạ khác, do vậy, hai lần TT T.Chân Tính đã phải điều chỉnh và nhấn mạnh, nhưng Công Hậu hình như vẫn không đính chính.

Một bộ phim thời sự, phim tình cảm, phim truyện thì còn có thể phăng, có thể lướt qua, nhưng phim về lịch sử tôn giáo, nó đòi hỏi những nét thâm thúy qua phong cách và ngôn từ chính xác từng chi tiết để không làm giảm giá trị nhân vật mình muốn đưa ra. Thời gian hơn 4 tháng để nhận kịch bản, mời diễn viên, chọn cảnh và nhiều thứ khác thì chắc chắn diễn viên khó mà nhập vai  đạt chuẩn, và đạo diễn cũng khó mà quán xuyến tất cả.Hy vọng nếu có sai sót cũng chỉ là sai sót không đáng kể.

Một kịch bản hay, một biên tập giỏi, một đạo diễn nhiệt tâm, nhóm đạo cụ hóa trang kinh nghiệm cũng chưa đủ nếu diễn viên chưa nhập vai, ngân khoản eo hẹp và còn nhiều cái mà ngoài sự am tường của ban tổ chức dự tính.

Đây là bộ phim Phật giáo đầu tiên đầy đủ nhất, hoành tráng nhất nhưng cũng đem đến cho nhiều người nỗi lo nhất. Mong Tam Bảo gia trì  cho sự thành công như mong đợi!

                                              MINH MẪN






                                               01/10/2012