Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010
CHÍNH TRỊ VÀ TÔN GIÁO
Từ khi có mặt Tôn giáo, vấn đề bức thiết của niềm tin Tôn giáo cũng trở thành một nhu cầu mà càng ngày càng lớn rộng, tổ chức Tôn giáo cũng phát triển đúng tầm vóc đáp ứng nhu cầu của quần chúng; chẳng những thế, Tôn giáo lắm khi trở thành một lực lượng lãnh đạo đời sống tín đồ mà thế tục và tín ngưỡng đi song hành. Lúc còn phôi thai, Tôn giáo chú hướng đến tâm linh hoặc thuần túy tín ngưỡng, một giai đoạn lực lượng tôn giáo ngang bằng hoặc lớn trội cả thế quyền, lúc ấy Tôn giáo có khuynh hướng chỉ đạo cả thế lực lẫn thế tục. Có những giai đoạn thế lực chính trị câu kết với Tôn giáo để duy trì quyền lực, lúc ấy có sự cân bằng giữa Tôn giáo và chính trị, như thời Azuchi Momoyama đã phải thương lượng cấu kết với các thế lực tín ngưỡng đương đại. Những lúc Tôn giáo yếu thế, chính trị xử dụng Tôn giáo như một phương tiện thực hiện chính sách, nhưng Tôn giáo đã chiếm một vị thế tương xứng trong sinh hoạt cộng đồng thì việc thao túng quyền lực chính trị là điều khó tránh khỏi đối với các chức sắc Tôn giáo còn nhiều tham vọng. Lịch sử đã chứng minh có nhiều Tôn giáo thao túng và lạm quyền khi chính trị suy yếu. Ngay cả Phật giáo là một Tôn giáo hiếu hòa và xả ly, thời đại Heian tại Nhật, Phật giáo cực thịnh, lấn át cả chính trị, lập cả Tăng binh để bảo vệ Tông môn. Nhất Hướng Tông phát triển mạnh đến độ uy hiếp thế lực của các lãnh chúa. Chính vì thế, các lãnh chúa phải thỏa hiệp với các lực lượng Tôn giáo nầy. Cũng có những lãnh chúa ngoan cường chống lại các Tông phái đến độ mang quân triệt tiêu toàn bộ phong trào Ikkoo Ikki như lãnh chúa Oda Nobunaga. Tuy nhiên, vẫn gặp phải những trường hợp lạm dụng tự do như giáo phái Jemaah làm chết 200 người ở Indonesia năm 2002 và không thiếu giáo phái cực đoan dùng khí độc hại người nơi công cộng.
Tại Việt Nam, sau khi Ngô Triều sụp đổ, Phật giáo miền Nam đã lấn sâu vào chính trị, đưa người vào tham chính, biến mục tiêu đấu tranh chính nghĩa của 1963 thành phi nghĩa vào thập niên 1966. Phật giáo đã như thế thì các tôn giáo khác cũng khó tránh khỏi khi cờ lọt vào tay phải phất,
Thời đại Âu châu vào thế kỷ thứ IV, khi Constantine triệt hạ đối thủ Maxentius, chiếm thủ phủ Rome, Constantine phục hồi tự do tín ngưỡng và ưu đãi kito giáo mặc dù ông không hẳn tin Đạo, trả lại tài sản giáo hội mà vị tiền nhiệm trước kia đã tước đoạt. Dùng Kito giáo làm công cụ đắc lực đánh chiếm khắp nơi, từ đó vừa là thế quyền, vừa là giáo quyền, ông ta bành trướng quyền lực trên diện rộng. Dùng hình ảnh cây Thập giá làm biểu tượng cho Kito và đạo quân Thập tự chinh La Mã; (cây Thập giá là biểu tượng cho tội lỗi độc ác và hành hình tội phạm, thế mà biến thành biểu tượng thiêng liêng của Kito giáo).
I - Đế quốc La mã xuất hiện trước công nguyên, sau công nguyên, đế quốc La Mã chiếm quyền một vùng rộng lớn, từ biên giới Nga đến Bắc Phi, từ Đại Tây Dương đến Biển Chết, Từ Tô cách Lan đến Ai cập. Do quyền hành rộng lớn trên dãy đất mênh mông đó, hẳn không thể được cai quản bởi một lãnh chúa duy nhất, vì thế được chia ra nhiều vùng cai trị bởi nhiều tướng lãnh còn gọi là Thống đốc. Trong đó, bố của Constatine là một trong bốn lãnh chúa. Khi bố Constantine qua đời, Constantine được tôn xưng Đại đế, tham vọng thống nhất lãnh thổ, Constantine thành lập đạo quân Thập tự lấy Thánh giá làm biểu tượng, kết nạp tín đồ Kito giáo vào quân đội, dành nhiều ưu đãi cho Kito giáo để tạo thành sức mạnh đi thôn tính lân bang; Sau khi hoàn thành tham vọng, Constantine thống nhất cả giáo quyền, giáo chế, giáo sử, giáo lễ và giáo phẩm. Constantine là người có công chấn hưng và thống nhất các giáo phái Kito về một mối; là người sáng tạo ra Công đồng và sáng chế ra biểu tượng Thập giá. Như thế, suốt ba thế kỷ đầu, Kito giáo chưa có Giáo hội và không có Giáo hoàng. Mãi đến năm 378 mới có Giáo hoàng đầu tiên là Demasus. ( truyền thừa Giáo hoàng từ Phero là chuyện bịa, cũng như hầu hết các giáo chủ , thời gian đầu khai sáng hành Đạo, không ai có ý niệm lập thành một tôn giáo mới mà chỉ hoằng hóa phổ biến tiêu chí đạo đức tín ngưỡng, cũng thế, Jesus sau khi tu học tại Ấn với đệ tử đời thứ 6 của đức Phật Thích Ca, trở về truyền bá đức tin và tình thương yêu , sau khi Ngài qua đời, đệ tử biến lời dạy của Ngài thành một Tôn giáo )
Constantine biết xử dụng tín ngưỡng và tôn giáo làm công cụ hỗ trợ đắc lực cho mộng bá quyền: Thế quyền và giáo quyền. Từ đầu Công nguyên đến sau ba thế kỷ, vào thời Constantine mới thành lập Giáo Hội Kito, ( những giáo phái lẻ tẻ thờ phưỡng không được coi là giáo hội lúc bấy giờ); từ đó, các Giám mục cai quản một giáo phận, quyền hành tương đương một nghị sĩ, hưởng bổng lộc và toàn quyền quyết định mọi vấn đề trong giáo phận, kể cả luật lệ ( lúc bấy giờ chưa có giáo hoàng). Sau khi Constantine qua đời, Giáo hội Kito trở thành một tổ chức khá hoàn chỉnh, thay vì là công cụ cho thế quyền như thời Constantine, Giáo hội La mã biến thành lực lượng chủ chốt trong các vấn đề bành trướng xâm lăng kết hợp với các vua chúa suốt nhiều thế kỷ cho đến ngày nay. Vì thế Đế quốc Công giáo La Mã và các đế quốc xâm lược đã thao túng nhân loại , đưa vùng trời Tây âu vào một thời đại đen tối ( Dark Age). Một minh chứng qua những trang sử cho thấy: đầu thế kỷ thứ VIII, Kito giáo bành trướng thế lực ở Tây Âu, vua Charlemagne quỳ gối dưới chân Giáo Hoàng Leo III để được phong Thánh, và Đế quốc Công giáo kết hợp với vua Charlemagne tạo thành lực lượng thống nhất đế quốc. Thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VI được xem là thời đại của đế quốc Kito giáo. Các thời kỳ mà phần lớn vua chúa Âu châu đều phủ phục và tuân lệnh Giáo Hoàng như vua Louis VII của Pháp và vua Condad III của Ý.
Qua các cuộc chiến trên thế giới, luôn có sự liên hệ giữa Giáo Hội Vatican với các quốc gia chủ chiến; chóp bu Vatican được cộng sự đắc lực của dòng Tên, một dòng tu nghiêng về trí thức; chúng ta vẫn thấy dáng dấp tham dự mang tính quyết định của các Thừa sai, các Giám mục Kito La mã như Spellman và Giáo hoàng Pius XII trong cuộc chiến Việt Nam: người dựng Tổng Thống Công giáo đầu tiên ở Việt Nam. Bởi thế chiến chấm dứt, chiến tranh lạnh phân luồng, Mỹ đang ngỡ ngàng trước tình thế mới, tuy Mỹ không bị trầy xước kinh tế qua hai cuộc chiến thế giới; Mỹ vẫn đứng đầu và có nhiều ưu thế trên thế giới, lúc bấy giờ Việt Nam là vùng đất xa lạ đối với Hoa Kỳ, thế nhưng, với uy tín và tầm vóc của Vatican nói chung và Pius XII, Spellman nói riêng, nhà Ngô được lọt vào mắt xanh của Đặc mệnh toàn quyền Spellman. Spellman được xem là sứ giả liên kết giữa Vatican và Hoa kỳ. Chính vì thế mà Pius XII phẩn nộ với cuộc chiến Việt Nam. Yêu cầu thả bom Hà Nội : " Hồng Y Spellman và Giáo Hoàng Pius XII vận động chính quyền Mỹ bỏ bom nguyên tử lên đầu quân Việt Minh năm 1954. Trái bom nguyên tử dự định dùng có sức công phá bằng 3 lần trái bomb ở Hiroshima." Bởi Pius và Spellman lo sợ Cọng sản phát triển sẽ ảnh hưởng đến nền văn hóa toàn cầu của Kito giáo; chính vì thế, một số tu sĩ Công giáo tại Việt Nam đã tiếp tay cho Spellman và Giáo hoàng Pius XII trong cuộc chiến Việt Nam. Tu sĩ Công giáo tại Việt Nam trở thành những quan chức song hành và quyền hạn rộng lớn với chế độ đuơng thời.
Trên thế giới cũng vậy, Đức quốc xã đã được Pius XII nâng đỡ, và khi chế độ tàn lụn, một số Giám mục Công giáo che chở cho những tội phạm nhân loại trốn thoát. Các Ngài quan niệm Hitler có bổn phận phải trừng phạt và hủy diệt Do Thái, kẻ đã bán Chúa Jesus; Rwanda và nhiều cuộc chiến luôn có bàn tay tu sĩ can thiệp vào. Giải thể Cọng sản Ba Lan cũng nhờ sự đắc lực của Vatican.
Nền văn hóa phương Tây ngỡ chừng do luồng sinh khí Kito giáo ươm mầm, nhưng xét cho cùng, chính nền văn hóa bản địa đã giúp Kito phát triển sinh lực. Trong lịch sử nhân loại chứng minh, từng có thời kỳ Roma cản trở sự phát minh của khoa học, trấn áp ngay cả các giám mục cấp tiến đi ra ngoài chủ trương của Tòa Thánh, ví dụ Linh Mục John Huss , L.M Urban Grandier và Savonarola… bị thiêu sống vì dám phê phán Giáo Hoàng, và thẳng tay triệt tiêu ngoại giáo. Galileo và Bruno, nhà khoa học cũng bị thiêu sống vì tuyên bố Không gian vô biên, mặt trời và các hành tinh không đứng yên một chỗ. Trong những cuộc Thánh chiến với Hồi giáo suốt hai thế kỷ đã tạo một dấu ấn khó phai trong lịch sử tôn giáo nhân loại; Các tôn giáo Thần học thường có quan điểm một chiều, vì thế, hoặc bạn là đồng đạo, hoặc bạn là dị giáo. Ngay cả các hệ phái Tin Lành, là chiếc bóng của Công giáo La Mã tách ly, cũng bị Vatican triệt tiêu thảm khốc. Không thể có quan điểm trung dung như các triết thuyết Á Đông. Tinh thần cực đoan đó, có lúc, trong một giai đoạn ngắn, có thể giúp được một thể chế, một xã hội ổn định. Nhưng khi trình độ xã hội tiến hóa, nó trở thành vật cản, hoặc xã hội bị kềm chế, hoặc tôn giáo đó phải bị từ chối.
Với sự giúp đỡ của giám mục Pigneau de Béhaine tức Bá Đa Lộc, Nguyễn Ánh từ Xiêm La trở về nước chiếm lại Gia Định rồi tiến chiếm Bình Thuận, Diên Khánh, Phú Yên, Quy Nhơn và Phú Xuân. Đến mùa Xuân năm 1802 Nguyễn Ánh chiếm được Thăng Long. Cũng như Pháp chiếm Đông Dương đều có sự hỗ trợ song hành của các giáo sĩ Kito.
Từ khi chế độ Ngô triều chấp chánh, được Kito giáo hậu thuẩn, về mặt xã hội, tuy chỉ tồn tại 9 năm, nhưng 5 năm đầu đã ổn định hạ tầng cơ sở; Nguồn viện trợ của Mỹ đổ vào miền Nam Việt Nam, chủ yếu dành cho Kito giáo và làm phương tiện cải đạo những người nhẹ dạ, họ cố bành trướng lượng số tín đồ để phân bủa các nơi làm rào cản sự bành trướng của Cọng sản. Dẫu sao, một Linh mục Đinh Xuân Hải, Đinh Bình Định, Hoàng Quỳnh…là những trợ thủ chiến lược hạ tầng cho chế độ đương thời. Ngoài ra, Ngô Đình Thục cũng giúp lãnh đạo đương quyền tạo niềm tin đối với Vatican thông qua Spellman và Pius XII. Tóm lại, Kito giáo có mặt bên cạnh các quốc gia biết trọng dụng, ít nhiều họ cũng đạt được những thành quả chiến lược mong muốn, ngoại trừ khi Thần giáo tiếm quyền thế tục, lúc bấy giờ chính trị mới bị khuynh đảo. Dẫu sao, ngày nay, với quyền lực khiêm tốm của thế tục, Vatican cũng có tiếng nói nhân đạo trong những chiến cuộc như Iraq và gần đây, nhân dịp tiếp Đại sứ Nhật tại Rome, Benedictto XVI ca ngợi Nhật Bản và kêu gọi các nước trích một phần chi phí vũ khí để phát triển kinh tế, xã hội, y tế giáo dục…cũng như: Ngỏ lời lời các giám mục Việt Nam trong dịp Ad Limina vào tháng 06 năm 2009, Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI đã nhắc lại lập trường của Giáo Hội: “Giáo Hội không đòi hỏi phải thay thế các nhà trách nhiệm của Chính Phủ, nhưng chỉ mong rằng Giáo Hội có thể, trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau, góp phần xứng đáng vào sinh hoạt quốc gia, vào việc phục vụ tất cả người dân” (ĐGH Benedetto XVI, Discorso ai Vescovi Vietnamita ad limina 26/06/2009).
II - Hồi giáo, còn gọi là Islam một chi nhánh của Độc Thần giáo. Lượng số tín đồ đông hàng thứ nhì trên thế giới, sau Thiên Chúa giáo. Hồi giáo ra đời từ thế kỷ thứ 7 tại Á Rập, do Thiên sứ Muhammad được mặc khải khai sáng. Sau khi chấm dứt những cuộc Thánh chiến với Roma, một số vùng rộng lớn đi qua, nhất là khối Ả Rập Saudi, Hồi giáo trở thành quốc đạo, và hiển nhiên, chính quyền Hồi giáo áp dụng luật pháp theo tinh thần Hồi giáo. Hồi giáo giúp cho chính quyền ổn định rất tốt về mặt xã hội; không có tệ nạn như xì ke ma túy, ăn nhậu, mại dâm…Tuy nhiên, về mặt cực đoan, đã tạo một xã hội khép kín và khô cứng mà quyền lợi phụ nữ bị xem nhẹ; một số ít cực đoan cũng tạo sự bất an cho một số quốc gia thù địch như lực lượng Al-Qaeda chẳng hạn. Hồi giáo cũng chia ra nhiều giáo phái khác nhau, hiện nay Shiah và Sunni được biết nhiều nhất qua những vụ đấu đá đẫm máu; giáo phái Sunni có lượng số tín đồ đông nhất. Về mặt chính trị, nhiều giáo phái cực đoan của Hồi đã nhúng tay vào nhiều vụ thảm sát kinh hoàng. Ngay cả tranh chấp nội bộ, giáo phái Twelvers tại Iran cũng đã lật đổ Hoàng đế Palavi để nắm quyền lãnh đạo với tên được biết là Aytollah Khomenei, cai trị vừa mang tính giáo quyền lẫn thế quyền. Ngoài những quốc gia Hồi giáo do chính các giáo sĩ nắm quyền, chưa có giáo sĩ Hồi giáo nào góp phần xây dựng các quốc gia phi Hồi giáo trong lĩnh vực chính trị. Tuy nhiên, Hồi giáo vẫn có một nền văn minh nhất định và sản sanh nhiều khoa học gia nổi tiếng. Hồi giáo Indonesia rất ôn hòa, xây dựng một đất nước khá phồn thịnh và văn minh.
III - Nho giáo một thời gian khá dài đã giúp ổn định xã hội Trung Hoa. Học thuyết Nho gia chú trọng về xã hội, chính trị, đạo đức; mục đích đào tạo một nhân cách kiểu mẫu gọi là chính nhân quân tử để gánh vác việc nước, an bang tế thế. Một nhân cách quân tử phải biết các đức tính : Đạo vua tôi – đạo vợ chồng – đạo cha con – đạo anh em – đạo bạn bè. Đức quân tử phải đủ Nhân – lễ - nghĩa – Trí – Tín. Ngoài ra, người quân tử phải trang bị một kiến thức tổng quát, phải biết Thi – Thư - Nhạc – Lễ. Một khi tu thân hoàn chỉnh mới nói đến tề gia rồi trị quốc, thiên hạ mới an bình. Khi một chính nhân quân tử ra giúp đời, phải đặt trên cơ sở Chính danh và Nhân trị. Mỗi vị trí, mỗi sự việc phải đúng với danh nghĩa của nó một cách minh bạch và dùng tình người mà xử sự. Tuy phân cấp trong xã hội để trật tự hóa trong những thể chế phong kiến, Nho giáo có giá trị nhất định trong một giai đoạn dân trí nhất định. Bởi cơ chế ràng buộc trong từng giai cấp đã cản trở mức tiến hóa dân trí. Ví dụ Tam Cương là Quân Thần – Phụ tử - phu thê ( Quân xử Thần tử, Thần bất tử bất trung là điều vô lý với dân trí hiện nay. Cũng thế, phu xướng phụ tùy và phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu ) Tam tòng áp dụng cho phụ nữ cũng thế, Tại gia tòng phụ - xuất giá tòng phu – phu tử tòng tử; Tuy nhiên, các triều phong kiến ổn định xã hội cũng nhờ áp đặt học thuyết Nho gia, và các Nho sĩ giúp vua giúp nước cũng không ít. Những tư tưởng của Khổng giáo có giá trị hạn chế với trình độ dân trí đương thời, nhưng lại là thước đo đạo đức nhân cách trong xã hội. Ví dụ : Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân đó là câu trả lời của Khổng Tử khi Trọng Cung hỏi thế nào là Nhân. Điều nầy đúng trên đại thể, vì những điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác, tuy nhiên có những cái người khác muốn tuy mình không muốn thì sao?
Đến khi xã hội Việt Nam được Nho gia tiếm quyền, đất nước bắt đầu đi xuống vì tinh thần nô lệ của học thuyết và đố kỵ của Nho sĩ. Lúc bấy giờ Phật giáo mất thế thượng phong của thời Lý Trần. Lê trung hưng và Nguyễn thống nhất trọng Nho bài Phật. Cái ưu của Nho giáo cũng là cái nhược của giáo Nho, cái tệ khoa cử chỉ để tranh thủ công danh, cái học từ chương thiếu sáng tạo chỉ để đáp ứng khoa cử. Văn hay chữ đẹp trở thành tiêu chuẩn của Học Nho, chính vì thế Tàu đã hai lần bại vong trước quân xâm lược phương Bắc vào thời Tần Lục Triều và Tống –Minh. Và giặc khăn vàng, hình thức một tôn giáo, cũng đã võ trang nổi dậy chống lại chính quyền đương thời vào thời Hậu Hán. Đất nước ta cũng vì Nho giáo cách tân thời Nguyễn mà làm cho xã hội trì trệ, mở đường cho cuộc đô hộ của phương Tây.
Tóm lại, Khổng Mạnh, Trang Chu và những cao đệ của Nho gia chỉ là những Hiền nhân mang tính đạo đức tương phản hiện trạng xã hội tao loạn đương thời, sản sanh những học thuyết chính trị và đạo đức xã hội, nhân cách chính nhân quân tử của giai đoạn lịch sử đó. Mẫu người lý tưởng như thế, được các học sĩ thành danh trên khoa trường, được bổ cử vào quan trường, trở thành những biểu tượng chính danh hơn là một chính trị gia linh hoạt năng động, sáng tạo giúp quốc gia đối đầu với ngoại lực xâm lăng. Tinh thần Nho giáo mang tính thống trị và áp đặt, chỉ có giá trị trong xã hội phong kiến, không thích hợp với trào lưu dân chủ hiện đại, vì thế sụp đổ nhanh chóng trước cuộc xâm lăng của quân đồng minh, Anh và Pháp.
IV – Bửu Sơn Kỳ Hương, một giáo phái mang tinh thần Phật Giáo, do Đức Phật Thầy Tây An khai sáng vào năm 1849. khi nhà Nguyễn cầm quyền đưa dân chúng vào chốn lầm than; bệnh dịch, đói khát hoành hành. Thế danh của ngài là Đoàn Minh Huyên, Đạo hiệu là Giác Linh; quê ở Sa Đéc. ( Ngài sinh năm 1807 và mất năm 1856. Ngài chữa bệnh và khuyến nông, giúp dân an cư lạc nghiệp trên các trại ruộng thuộc vùng đất Tịnh Biên, Láng Linh, Cái Dầu, Đồng Tháp Mười…Khi quan đầu tỉnh buộc ngài về trú tại chùa Tây An thuộc tông Lâm Tế. Do thần thông trị bệnh kỳ diệu nên quần chúng tôn xưng Ngài là Phật thầy Tây An. Ngài chủ trương Học Phật Tu nhân cho quần chúng trên cơ sở Tứ Ân.
Ngài hành theo Đạo Phật nhưng không thờ hình tượng, không cắt ái ly gia. Xã hội hóa Phật giáo. Dùng văn vần diễn ngâm kinh kệ để thích hợp với trình độ quần chúng nông dân Nam Bộ. giúp họ vừa tu thân , vừa sản xuất đóng góp xây dựng đất nước, và tinh thần yêu nước lồng trong việc hành đạo; từ đó một danh hiệu Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời. Ngài mất năm 49 tuổi. Các đồ đệ tiếp tục sự nghiệp, biến các trại ruộng thành những lực lượng nông dân bảo vệ biên cương đối với giặc Miên, và căn cứ chống Pháp ( do tinh thần Tứ trọng ân mà ân đất nước quan trọng nhất ). Trong số tín đồ là nghĩa quân, có ông Trần văn Thành, đệ tử lớn của Ngài, phát động cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa ( 1867-1873).
Một truyền thuyết mang nhiều dấu ấn tín ngưỡng cho quần chúng Bủu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Hòa Hảo: trong thời kỳ Pháp khống chế đất nước, vua Hàm Nghi thoát ly cùng với các cận thần ( Tôn Thất Thuyết và Nguyễn văn Tường) để thành lập phong trào Cần vương, nhưng do nội phản của Trương Quang Ngọc nên Hàm Nghi bị bắt đày sang Algerie. Lịch sử là như thế, nhưng vùng bảy núi vẫn tin rằng Hàm Nghi bị Pháp bắt là Hàm Nghi giả, Cận thần đưa Hàm Nghi thật về vùng Thất sơn, được đức Phật Thầy Tây An điểm đạo và lánh sang Tà Lơn đất Campuchea để ẩn dật và tu tập. Hiện nay 36 ngôi mộ mà người ta nghi là quần thần của Hàm Nghi cũng gửi xác với vua tại đó. Công trình nghiên cứu của ông Trần Văn Thành xác quyết như thế.
Kế tục tinh thần đó, Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời và Đức Phật Trùm, Ông Sãi Bán Khoai, Đức Huỳnh Phú Sổ… là những vị kết gắn giữa tu nhân, học Phật và bảo vệ đất nước.
Phật Giáo Hòa Hảo có mặt tại miền Tây Nam Bộ vào ngày 18/5/Kỷ Mão ( 04/7/1939) do Đức Huỳnh Phú Sổ khai sáng tại làng Hòa Hảo. Ngài thừa kế mạch pháp của Phật thầy Tây An ( Đoàn Minh Huyên 1807-1856). Ngài ra đời trong lúc đất nước bị Pháp đô hộ. Ngài tu theo Tịnh Độ của Phật giáo, nhưng vẫn thừa nhận: Ta vưng sắc lệnh Thế Tôn
Khắp hạ giới truyền khai đạo pháp
Khi Pháp thuộc địa hóa Việt Nam, miền Tây Nam bộ chịu ảnh hưởng lớn của Phật giáo Hòa Hảo và uy tín của Đức Huỳnh Phú Sổ làm cho Pháp e ngại, nên bắt nhốt Ngài. Sau đó Nhật đã đem Ngài ra khỏi tù, Ngài vận động thân hào nhân sĩ trí thức ủng hộ Nhật để chống Pháp. Lúc bấy giờ triều đại nhà Nguyễn bạc nhược, lệ thuộc sự thống trị của quan thầy Pháp, các tổ chức yêu nước nổi dậy lúc bấy giờ Phật giáo Hòa Hảo cũng lập những đơn vị võ trang như: Năm Lửa ( Trần Văn Soái), Ba Cụt ( Lê Quang Vinh). Nam 1946 thành lập Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng ( Đảng Dân Xã ) và Việt Nam Quốc Gia Độc Lập đảng; Lúc bấy giờ, vì nhu cầu chính trị của đất nước, Phật giáo Hòa Hảo tổ chức Lực Lượng Vũ Trang mang tên "Nghĩa quân Cách mạng Vệ quốc Liên đội Nguyễn Trung Trực”Ngoài ra, một số tu sĩ Phật giáo cũng như các môn phái, chi phái của Phật giáo nội sinh khác trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần chống ngoại xâm, triệt tiêu chính sách thuộc địa của Pháp khi đất nước lâm vào nguy biến. Những tôn giáo nội sinh it nhiều đều ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, một tư tưởng dấn thân của Đạo Phật.
V - Phật giáo du nhập vào Việt Nam trên hai ngàn năm. Gắn bó và hòa hợp với văn hóa bản địa, hòa nhập với tín ngưỡng tôn giáo đương thời, hợp thành một nét văn hóa của Bi-Trí-Dũng, xây dựng một Việt Nam anh dũng đối đầu trước sức mạnh của giặc phương Bắc. Nhà Lý đối phó với giặc Tống và Chiêm. Nhà Trần đối phó với quân Nguyên Mông, và quấy rối của Champa. Chỉ duy nhất những trang sử nước nhà vào thời kỳ Phật giáo hưng phát mới có một đất nước tự cường và độc lập, bởi lẽ, các Thiền sư tài danh đóng góp không nhỏ cho nền văn hóa đương đại. Nếu không có một Vạn Hạnh Thiền sư thì không có kế hoạch dời đô từ Hoa Lư về Đại La, Lý Công Uẩn là học trò ruột thịt của Vạn Hạnh và là đệ tử của Thiền sư Lý Khánh Vân. Lý Thái Tổ lên ngôi cũng do sự sắp xếp của Vạn Hạnh cùng với Đào Cam Mộc trong nội triều, và chuẩn bị dư luận một thời gian khá dài trong nhân gian.Việc Lý Thái Tổ xây dựng đất nước hiển vinh theo tinh thần thân dân, tự chủ dân tộc và nhân đạo đúng với Bi Trí Dũng của nhà Phật, đã giúp cho tổ quốc an bình thịnh vượng thời gian khá dài và suốt 214 năm độc lập Lý triều đã nói lên tính văn hóa và nền văn minh của Đại Việt. Thiền sư Vạn Hạnh còn là cố vấn tối cao của Lê Đại Hành. Tuy nhiên, Thiền sư Định Không ( 730-808 ) cũng tiên đoán theo địa Lý, báo trước đất Cổ Pháp là một linh địa sản sanh anh kiệt, ông cũng dặn đệ tử La Quý An bảo vệ thế đất cho dù Cao Biền trấn ếm khắp nơi. Định Không đã có tinh thần quốc gia độc lập khi nhà Lý chưa hình thành.
Ngoài ra, một Thiền sư Khuông Việt ( 933- 1011) thế danh là Ngô Chân Lưu, Ngài là Tăng Thống đầu tiên của PGVN; từng được vua Đinh Tiên Hoàng thỉnh ý nghị sự quốc gia, vua ban tặng danh hiệu Khuông Việt, có nghĩa phò vua giúp nước. Ngài kế thừa dòng Thiền Vô Ngôn Thông, đời thứ tư. Chính nhờ thống nhất các môn phái mà tạo sức mạnh tinh thần yềm trợ cho đất nước. Ngài cũng có tài ngoại giao và ứng đối nhanh nhạy. Năm 987, Lý Giác đến Việt Nam với sứ bộ ngoại giao, Thiền sư Khuông Việt thay mặt quốc gia đón tiếp Lý Giác, và dùng văn chương để lập thành văn bản ngoại giao đầu tiên của nước Việt khi tiển Lý giác hồi hương.
Lê Đại Hành cũng có Thiền sư Pháp Thuận dùng phù sấm giúp vua hộ quốc. Khi ổn định triều chính, Đỗ pháp sư lui về ẩn dật mà không hề nhận ban thưởng của Vua. Nếu Lý Giác đời Tống được Khuông Việt ngoại giao bằng thơ thì Pháp Thuận đóng vai chèo đò ứng đối với Lý giác bằng thi ca giàu âm sắc nhẹ nhàng
Trong việc tham chính vào triều Lý, Thiền sư Đa Bảo cũng được Lý Thái Tổ triệu thỉnh nhập cung để tham vấn chính sự. Thiền sư Đa Bảo, Thiền sư Vạn Hạnh và Thiền sư Lý Khánh Vân là những cố vấn chính trị đem lại hưng thịnh cho nhiều vương triều và an bình cho đất nước.
Cũng như một số Quốc sư, Quốc sư Viên Thông cố vấn cho nhiều triều đại như: triều đại Lý Thần Tông (1130); vua Lý Anh Tông (1138); góp nhiều ý chỉ giúp vua phuong cách an dân. Thiền sư Minh Thông cũng hỗ trợ cho vua Lý Thần Tông. Triều Lý Nhân Tông cũng có Thiền sư Trí Không rất uyên bác.
Đến đời Trần, vua Thái Tông vừa là một Phật tử mộ đạo, vừa là nhà lãnh đạo đất nước khiêm cung, cầu tiến và đạo đức chuẩn mực. Chính phong cách như thế mà khi đối đầu với quân Mông cổ, được toàn dân toàn quân yểm trợ hết mình, đẩy quân giặc về phương Bắc năm 1258. Trần Thái Tông vừa là nhà chính trị, quân sự và cũng là nhà văn hóa để lại nhiều tác phẩm văn chương. Sau khi truyền ngôi cho con, Thái Tông lên núi ẩn cư tu tập. Trong các đời vua nhà Trần, có quốc sư Quán Viên, tuy không tham chinh, nhưng giúp vua thoát khỏi bệnh đau mắt cấp tính mà các ngự y bó tay, đó là vua Trần Anh Tông ( 1293- 1314 ).
Nội triều Ỷ Lan, mẹ Lý Nhân Tông cũng thỉnh nhà sư uyên bác Trí Thông vào cung vấn đạo.
Hầu hết, bắt đầu từ thời Tiền Lê đã xuất hiện một số Thiền sư trí thức và thân chứng, mãi đến Lý Trần Lê rộ nở trăm hoa, một số tham chính giúp vua cứu nước an dân, một số ẩn dật dùng năng lượng nội chứng để phổ hóa dân tộc; một số thân chinh hoằng pháp và dạy học mà chùa là cơ sở giáo dục và là trung tâm sinh hoạt văn hóa cho làng xã. Các Thiền sư ý thức rằng, thế gian pháp tức Phật pháp và Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, sự gắn bó giữa Đạo và Đời như thế nên tinh thần Tứ trọng ân, trong đó ân Quốc gia thủy thổ, ân đồng bào dân tộc rất trọng, các Ngài không thể an thân bỏ mặc cho quốc gia suy vong trước tham vọng xâm lăng của phương Bắc và lân bang. Với tinh thần trách nhiệm Cộng trụ, cộng hưởng đó ai bảo các Ngài làm chính trị??? Nếu không có tinh thần đó thì không có một quốc gia độc lập tự cường suốt bốn thế kỷ khời đầu từ Lý Thái Tổ. Và nếu tu sĩ chỉ biết sống riêng với lý tưởng giải thoát siêu thực thì chẳng ích lợi gì cho ai và trở thành loại tầm gủi sống trên thân cổ thụ dân tộc.
Khi Nho giáo thịnh hành, các sư ẩn cư và thoát khỏi chính trường, đất nước bắt đầu suy thoái cho đến khi lâm vào giặc Pháp-Nhật và chiến cuộc liên tục kéo dài đến cuối thế kỷ XX.
Qua hàng loạt các Thiền sư tài danh xuất hiện trong vương triều giúp vua về chiến lược hộ quốc an dân sở dĩ thành công là do các Ngài không bị chi phối bởi danh lợi và quyền lực. Các Ngài giữ thế chủ động mọi sinh hoạt, đứng độc lập, đứng trên thế quyền mà không lạm dụng thế quyền.
VI- Chính trị và ý thức chính trị: Qua nhiều thăng trầm của xã hội, tinh thần chính trị bị lạm dụng đến độ khi nghe đến hai chữ chính trị là người ta nghĩ đến thủ đoạn, xấu xa, độc ác. Chính trị có nghĩa Chính kỳ thân, trị kỳ tâm. Một chính nhân quân tử phải giữ cho thân đoan chính, tâm phải rèn luyện theo tiêu chuẩn của Khổng học mới xứng đáng lãnh đạo thần dân. Tự thân ngay thẳng trong sáng thì thần dân mới nhiếp phục tuân thủ. Người với tiêu chuẩn lý tưởng như thế thì ích nước lợi dân, xứng đáng một người làm chính trị. Lúc nhân loại không còn minh vương chánh đạo nữa thì con đường chính trị bị bẻ cong theo tà tâm tư ý nhiều tham vọng quyền lợi cá nhân, chính trị trở thành cái gì kinh tởm mà các sĩ phu phải xa lánh.
Với tinh thần Phật giáo, chính trị không chỉ gói gọn trong phạm vi điều hành đất nước hay một hoạt động nắm quyền của tổ chức, phe phái. Một lời nói đúng đem lại lợi ích cho một người hay nhiều người đó là lời nói chính đáng sửa trị cái sai cái xấu để cái tốt được xuất lộ. Một việc làm chính đáng đem lại công ích quản trị xã hội, đó là hành động chính trị. Một ý thức chính đáng giúp xã hội, cộng đồng an trị cuộc sống, đó là ý thức chính trị. Nhiệm vụ của Tôn giáo nói chung và tu sĩ nói riêng, luôn có ý thức cộng đồng để nâng cấp cuộc sống lên tầm hoàn hảo trên một tiêu chuẩn đạo đức tôn giáo. Như vậy, chính trị theo nghĩa của tôn giáo là một ý thức, một hành động, một xướng xuất mang tính đạo đức và thăng hoa. Tùy theo dân trí, tùy tập quán và quốc độ mà biểu thị một lề thói chính trị khác nhau, Phật giáo gọi là khế cơ, khế lý và khế thời.Đức Phật từ bỏ vương quyền để xuất gia không có nghĩa Ngài khước từ trách nhiệm với xã hội. Cuộc sống của Ngài đóng góp rất lớn cho nhân quần, cả về mặt đạo đức cá nhân, trách nhiệm xã hội mà cả điều hành đất nước. Có những nhà vua độc ác phải hồi tỉnh quay về với đạo đức vì thấm nhuần giáo lý Đạo Phật. Chính vì thế, những vị anh minh xuất thân từ Phật giáo thường cư xử với dân một cách hòa ái và độ lượng với kẻ thù như các đời vua nhà Lý Trần, ở Ấn có một Asoka.
Một tinh thần Bình Đẳng của Phật giáo đã xóa tan mọi giai cấp trong tư tưởng tín đồ, thế thì xã hội sao lại có giai cấp và khích động giai cấp đưa đến bất an và xáo trộn? Đức Phật bảo: không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn
Một tinh thần Từ Bi của Đạo Phật đã tôn trọng sự sống của muôn loài, đó là tinh thương phổ quát, nhờ thế mà các tù binh bại trận được cấp lương thực tha về cố quốc. Các triều đại Phật giáo không hề có việc đày đọa nhục hình kẻ bại trận. Thậm chí còn tôn trọng nhân phẩm và nhân tài như tù binh Thảo Đường được vua Lý Thánh Tông tôn làm quốc sư, về sau biến thành một Thiền phái Thảo Đường.
Một tinh thần tự do căn bản từ trong ý thức, vì thế, tín đồ Phật giáo không hề bị khống chế bởi đức tin và nô lệ bởi giáo điều.Không cuồng tín mù quáng, nhưng sẳn sàng hy sinh vì lợi ích cộng đồng nhờ tinh thần vô ngã xả ly.
Và một tinh thần khách quan đầy trí tuệ, vì Đạo Phật chủ trương là đạo của Trí tuệ, chính vì thế đã giúp vua và dân tộc thoát khỏi ách đô hộ, mở mang bờ cỏi, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ mà ông cha ta từng tuyên bố không để mất một tấc đất.Di Chúc của Vua Trần Nhân Tôn:
"Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt nảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn:
"Một tấc đất của Tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác". Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu."
Với những ưu việt trong tinh thần Phật giáo, các Thiền sư và tín đồ đã góp phần không nhỏ cho dân tộc, thậm chí nữ giới như chư ni cũng có mặt trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, mà thời Hai Bà Trưng đã nổi tiếng với các nữ tướng xuất thân từ nhà chùa như sư cô Phương Dung hiện còn thờ tại chùa Yên Phú, Thanh Trì Hà Nội.
Có thể nói, Phật giáo đóng góp cho xã hội dưới mọi hình thức chứ không riêng việc điều hành xã tắc, để đem lại lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội, phải chăng, đó là một ý thức chính trị trong tinh thần đạo đức?
Một ngày xưa có các quốc sư tài ba mà không bị ghép là tham gia chính trị thì ngày nay, những ý kiến đóng góp của các tu sĩ hoặc cư sĩ để chấn hưng nước nhà sao bị xem là tham gia chính trị hay là có ý đồ chính trị???
Ý thức chính trị, thái độ chính trị, hành xử chính trị…đem lại ích nước lợi dân không thể bảo là có ý đồ chính trị, ngoại trừ mưu cầu tham vọng cá nhân hay giành quyền lợi cho phe nhóm.
Vào thời thuộc địa, Phật giáo bị đẩy xuống tầng lớp dân đen, các sư ẩn dật tu thân, không có điều kiện đóng góp cho đất nước như những triều đại biết trọng dụng nhân tài Phật giáo; do đó, hình ảnh yếm thế ăn sâu vào quần chúng; khi xã hội chuyển biến, các sư ý thức trách nhiệm xây dựng quê hương dưới nhiều hình thức như từ thiện, văn hóa, chính kiến…lại bị đặt nhiều vấn đề ngờ vực. Họ biết đâu rằng xã hội hóa đạo Phật hay còn gọi là đạo Phật nhập thế mới đúng là tinh thần Bồ Tát Đạo của đạo Phật.
VII. Tinh thần dung nhiếp và thái độ cách ly.Sau khi kết thúc nội chiến giữa Bắc và Nam của Hoa kỳ do sự chống đối dự luật giải phóng nô lệ của Lincoln, hai vị tướng Bắc và Nam bắt tay nhau xóa bỏ hận thù, Ulysses Grant và Robert Lee ôm nhau, không hề kỳ thị giữa kẻ thắng và người bại trận, không có việc trừng phạt, bắt nhốt, giam giữ kẻ đầu hàng. Không có kỳ thị chính kiến hay quan điểm chính trị. Cũng thế, với tinh thần dung nhiếp cởi mở đó, Hoa kỳ đã dang tay đón nhận nhiều nhà khoa học và nhân tài các nước một cách hào phóng sau thế chiến cũng như lúc hòa bình. Chế độ đãi ngộ nhân tài đã giúp cho Hoa kỳ phát triển nhiều mặt, biến đất nước cờ hoa thành một thiên đường phát triển thiên phú và ươm mầm tài năng. Một số khoa học gia của Đức quốc xã đã được Mỹ thu nhận, lưu trú tại Mỹ, giúp cho Mỹ phát triển rất nhanh sau đệ nhị thế chiến. Cũng vậy, thời đại ảnh hưởng Phật giáo, các đời vua Lý Trần cũng đãi ngộ tương xứng các anh tài, vì thế những bậc phò vua giúp nước luôn là những cận thần trung kiên tài năng. Tổ tiên ta xưa kia đã biết trọng dụng nhân tài, vì xem đó nguyên khí của quốc gia. Bất cứ thời đại nào, đất nước nào không biết trọng dụng nhân tài, e ngại nhân tài, xem trí thức và tôn giáo là nguy hiểm đều đưa đất nước vào cảnh suy vi. Các quốc gia tiến bộ không hề kềm hãm nhân tài hoặc bất cứ tổ chức nào nếu hoạt động của họ không đi ra ngoài luật pháp quốc gia. Chính phủ cũng không vì thế mà e ngại tất cả những tổ chức, tôn giáo phát triển sâu rộng trong xã hội. Sự khôn ngoan tế nhị với tài lãnh đạo một đất nước, họ không hề sợ nhìn lầm sợi giây là con rằn. Chỉ những kẻ thiếu bản lãnh và thiếu tự tin mới dùng bạo lực dứt điểm trước khi phát hiện con rắn không nằm ở sợi giây mà ở trong tâm đen tối của họ. Một nhân viên an ninh phát hiện một thanh niên chăm chỉ phát minh một thiết bị có thể làm tê liệt mọi vật dụng bằng sóng từ, ông ta lo sợ đây là mối nguy trong tuong lai cho xã hội, dự định bắt nhốt và truy tố, nhưng một nhân viên khác, khôn ngoan hơn lại chiêu dụ người thanh niên đó để phục vụ cho công ích mà không làm nhụt óc sáng tạo của tuổi trẻ. Trước đây nếu các nguyên khí quốc gia không bị trôi giạt khắp nơi trên thế giới vì tinh thần chính trị hẹp hòi thì ngày nay chúng ta có rất nhiều tài năng trẻ phụng sự đất nước.
Một cá nhân hay một đoàn thể có uy tín quốc tế, ngoài tầm kiểm soát, không hẳn đã là một đe dọa chính trị cho bất cứ quốc gia nào. Mình tự tin và có bản lãnh thì không sợ bất cứ đe dọa tiềm ẩn nào, vì những đe dọa tiềm ẩn chỉ là do óc suy diễn phong phú và yếu bóng vía của chúng ta khi mầm móng đó chưa tượng hình. ( trẻ con sợ vật bén nhọn, nhưng người lớn xem vật nhọn bén là lợi khí cho cuộc sống ). Như tình cảm của một cá nhân, mình đủ tự tin và tính độ lượng thì tình cảm sẽ không bị sứt mẻ, bằng không, cứ sợ tình cảm của mình bị người tình chia xẻ cho kẻ khác, ghen bóng ghen gió, cấm đoán quản lý một cách ích kỷ thì tình cảm càng dễ được chấp cánh xa bay. Bảo rằng thà loại trừ sớm còn hơn bị đe dọa về sau, đó không phải là phong cách của một lãnh đạo anh minh. Vì thế chúng ta bỏ lỡ những dịp may mà đáng ra cái lợi thuộc về chúng ta, ngược lại, kẻ khác được thừa hưởng điều lợi mà kẻ làm lợi phát xuất từ chúng ta, thuộc tầm tay chúng ta. ( con cái chúng ta để hàng xóm nhờ vả). Chính phủ nào cũng có cách quản lý an ninh xã hội của riêng mình, nhưng quản lý thế nào để tài năng được phát tiết và phụng sự đất nước, biết tận dụng cái hay từ những người, những tổ chức không thuộc quyền kiểm soát của chúng ta, đó là diệu thủ. Các quốc gia Tây Âu đã thành công trong việc tiếp nhận mọi nhân tài. Họ biết cách quản lý nhân tài, tổ chức, hội đoàn, tôn giáo, đảng phái…mà không làm cho sinh lực của những hợp thể đó khô héo. Nói cách khác, họ không quản lý cái gì cả, để cho chúng tự phát và tồn tại một cách có ý thức và có lợi mà không vi phạm luật pháp sở tại.Nhà nước không thọc sâu, không kềm chế chi phối chỉ đạo những sinh hoạt đó; Họ cũng không sợ bóng sợ gió những hậu quả xấu sẽ xẩy ra. Nếu cái gì cũng sợ thì chúng ta không làm được việc gì hết. Chúng ta bỏ lỡ những cơ may để cho các cá nhân, tập thể, tôn giáo có tinh thần dân tộc góp phần làm giàu đất nước, chỉnh trang đạo đức mà xã hội ta đã đánh mất qua nhiều thế hệ. Một thí dụ về bệnh lý, xưa kia bệnh phong, ho lao hay bệnh xã hội, bị cách ly cộng đồng, việc làm đó đẩy bệnh nhân vào đường cùng, đâm ra liều lĩnh có thể truyền họa cho kẻ khác nhiều hơn là giúp đỡ họ hòa nhập với cộng đồng, để họ tiếp nhận được tình thương và sự chăm sóc lẫn nhau hầu tạo cho họ có ý thức cải thiện cuộc sống; Ngày nay những bệnh nhân như thế được giáo dục, hướng dẫn cách sống và tâm lý điều trị tại chỗ. Họ không bị mặc cảm kỳ thị, bỏ rơi. Cũng thế, cho dù là tội phạm, nặng về giáo dục và tình thương vẫn hiệu quả hơn là trừng phạt. Tôn giáo có khả năng chuyển hóa những thành phần nầy, không những chuyển hóa các tệ nạn xã hội mà còn khả năng chuyển hóa tâm thức quần chúng để nâng cấp xã hội về mặt ý thức đạo đức, ý thức hy sinh và ý thức chấp hành pháp luật.
Phật giáo qua thời gian chứng minh, trên thế giới cũng như tại quốc nội, tự thân nó vốn tiềm ẩn một năng lực chuyển hóa và thăng hoa. Phật giáo không thể được quản lý như một hội đoàn bình thường, vì tinh hoa của Đạo Phật nằm ở sự Giác ngộ. Phật giáo được quản lý như một hệ thống hành chánh thì sớm muộn tự thân nó bị băng hoại, biến thành một tổ chức vô nghĩa, không giúp ích gì cho xã hội, chính vì thế một thời gian dài, Phật giáo là chiếc bóng mờ nằm cạnh một dân tộc bệnh hoạn , suy dinh dưỡng tâm linh. Cũng không thể dùng chính sách ưu ái biệt đãi Phật giáo như loại bonsai bón phân không thích hợp, hoa sen chỉ mọc từ bùn chứ không trên nhung lụa danh vọng. Những thời đại mà Phật giáo được cung ứng vật chất quyền lợi không cần thiết, chính là lúc giết chết Phật giáo, vì các sư không thể tìm giác ngộ nơi những tiện nghi sung mãn. Hãy thả những sinh vật thiên nhiên về với thiên nhiên, cũng thế, hãy để Phật giáo sinh hoạt tự nhiên, lúc ấy Phật giáo có cơ hội đóng góp nhiều hữu ích cho dân tộc.
Trước những khó khăn của đất nước khi đối thoại với thế giới bên ngoài, trước những lúng túng thiếu cân xứng cả về mặt kinh tế, tri thức khoa học và đạo đức tâm linh với thời đại hội nhập toàn cầu, là người Việt Nam yêu nước, mỗi người cố gắng đóng góp khả năng, kiến thức đạo đức của mình cho quê hương, dù rằng đang ở trong nước hay nước ngoài. Thiện chí đó phải được đón nhận bằng sự chân thành biết ơn hơn là ngờ vực, cho dù họ ở cùng chiến tuyến hay khác ý hệ. Chưa xử dụng loại thuốc bổ thì đừng bảo loại thuốc nầy không thích hợp với cơ thể; vội vả phủ nhận thiện ý của kẻ khác nói lên tính ngờ vực thiếu tự tin của chính ta, thiệt thòi trước mắt vẫn về ta. Đừng nhìn tầm vóc vạm vỡ của một đối tượng mà nghi ngờ thiện chí của họ, vì ngọc luôn trong đá, sen luôn trong bùn. Tính bảo thủ, chủ quan, cực đoan, ích kỷ luôn thiệt hại nhiểu hơn có lợi.
VIII - Chính trị vẫn là chính trị, tôn giáo vẫn là tôn giáo, hai chiếc bóng luôn song hành một cách vô bổ nếu chẳng làm lợi cho nhau, không giúp ích gì cho cộng đồng. Nếu Tôn giáo đóng góp trí tuệ cho chính trị, cho quần chúng, cho xã hội thì giá trị hiện hữu của tôn giáo đó được xác lập.
Nếu tôn giáo xâm phạm lạm dụng thế lực thì tôn giáo đó là một thế lực thuần túy chinh trị.
Nếu tôn giáo đó chỉ biết thừa hành cho thế lực thì tôn giáo đó chỉ là một tổ chức hội đoàn;
và nếu tôn giáo tỏa sáng tuệ giác cho toàn xã hội một cách bình đẳng, không vụ lợi, không thiên vị , có trách nhiệm, và kẻ nhận chân được giá trị đóng góp trực tính vô tư đó thì là một diễm phúc cho một dân tộc, một xã hội. Bổn phận con tằm cứ việc nhả tơ, người tiếp nhận hay không, xử dụng đúng mục đích hay không là một việc. Khi một tôn giáo đóng góp cho đất nước bằng tâm huyết qua những ý tưởng, kế hoạch đối ngược với chủ trương, không hẳn là vô bổ hay có ý đồ; Thuận duyên hay nghịch ý đều có giá trị ngang nhau nếu biết tiếp thu và biết xử dụng. Vì thế đừng ai chụp mũ những ý tưởng ngoài việc hoằng pháp cho là tham gia chính trị hay ý đồ chính trị. Không dùng ngôn từ tôn giáo, nhưng đem lại lợi ích cho xã hội đều là hành xử đạo đức của tôn giáo. Tự thân chính trị không là xấu thì việc góp phần xây dựng đất nước của một tôn giáo, của một tu sĩ hay cư sĩ đều là ý thức đạo đức, ý thức xây dựng hay ý thức chính trị. Bổn phận trách nhiệm của một tôn giáo không chỉ truyền bá tín ngưỡng mà còn xây dựng ngôi nhà chung để cùng tồn tại.
Một thể chế lãnh đạo đất nước cũng không tự xem mình có quyền quyết định sự tồn vong của đất nước là trách nhiệm riêng mình;
Không tự mãn về đỉnh cao trí tuệ giữa một dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến và văn hóa.
Không loại trừ, cô lập, phủ nhận mọi sáng kiến của bất cứ từ đâu ngoài tập thể lãnh đạo. Biết lắng nghe và tiếp thu sẽ giúp chính sách khách quan và phong phú; dù là đối lập, phản biện cũng đều là bài học cho ta tiến bộ.
Không thể xem tôn giáo như những tổ chức hội đoàn trong xã hội. Tôn giáo vốn có một truyền thống văn hóa tâm linh theo bề dày của lịch sử nhân loại, trong đó hàm chứa một kho tàng tri thức, đạo đức, tâm lý giáo dục tối cần cho đất nước.
Không xem tôn giáo là món quà cần bao bọc, bảo trợ cất giữ để rồi tha hóa tôn giáo;
Không xem tôn giáo là nhân sự tiếp tay phổ biến chính sách,
Không xem tôn giáo là mối nguy của chế độ cần cô lập, loại trừ hoặc thao túng, mà hãy xem tôn giáo là người bạn tinh thần cần chia xẻ những khó khăn chung, những kế hoạch xây dựng, bảo vệ đất nước, mà tôn giáo cũng không cần sự ưu đãi, đền ơn khi đã chung tay có ý thức trách nhiệm. Chỉ cần giới lãnh đạo có óc thông thoáng và cởi mở.
Được như thế, chính trị và tôn giáo luôn đồng hành, không ai thao túng ai, biết tôn trọng lẫn nhau sẽ giúp nhau xây dựng quê hương tốt đẹp. Việt Nam có đủ khả năng trong việc nầy , vì tôn giáo, nhất là Đạo Phật đã đồng hành cùng dân tộc hàng ngàn năm qua, chưa hề bán đứng dân tộc hay tiếp tay cho ngoại bang, vì thế, không có lý do gì e ngại sự đóng góp của Phật giáo, cho dù Phật giáo trong nước hay ngoài nước, đó là nguyện vọng của Tăng Tín đồ Phật giáo Việt Nam hiện nay.
MINH MẪN
21/12/2010
Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010
GIÁO QUYỀN HAY LẠM QUYỀN?
Thời gian gần đây, tại Phú Yên, huyện Tuy An, chùa Từ Ân được chư tôn giáo phẩm một số tỉnh thành quan tâm theo dỏi một sự kiện không thể gọi là vụ án, một tai nạn tôn giáo hay là bất cứ danh xưng nào cho thích hợp với tình trạng hiện nay của nạn nhân tu sĩ Thích Nguyên Nguyện.
ĐĐ Nguyên Nguyện là tu sĩ trung niên, kế thừa trụ trì chùa Từ Ân, xã An Nghiệp, Tuy An khi Bổn sư siêu vãng. Chùa Từ Ân được một sư ni họ Đoàn, triều Nguyễn, khai sơn vào hậu bán thế kỷ 18. Trãi qua các đời trụ trì: HT. Như Bảo, HT Hoa Viễn, HT Thiền Ninh, HT Vạn Thiện, Sa Di Phước Hoa, ĐĐ Như Nguyện, HT Khế Tâm…Vào thời chinh chiến, chùa bi tàn phá, nhiều lần tu tạo trên nền đất cũ, hiện nay tu sĩ Nguyên Nguyện đang tu tạo nhưng bị đình chỉ và nguyên vật liệu bị hư hủy bởi nắng mưa.
Đáng ra Nguyên Nguyện xuất gia với HT Nguyên Đức, Phó BTS PG Tỉnh Phú Yên, nhưng do thiếu duyên, Đại Đức thế phát với HT Khế Tâm, hành điệu tại Từ Ân. 2010 đến nay, Nguyên Nguyện chính thức thừa kế phụng sự Tam Bảo. Sau khi tốt nghiệp Cao Đẳng Phật Học tại Viện Phật Học Vạn Hạnh, TP HCM, trong thời gian lưu trú ở miền Nam, Nguyên Nguyện có nhiều mối quan hệ tốt với chư Tôn đức cũng như Tín đồ, vì thế, khi về lại chùa nơi thôn quê hẻo lánh, nghèo khó, Nguyên Nguyện đã vận động các nhà hảo tâm tại TP HCM để cứu trợ thiên tai, giúp đỡ bà con nghèo, xây nhà tình nghĩa và nhiều công tác từ thiện giúp địa phương, được quần chúng ủng hộ và cảm mến.
Tuy nhiên, do tính bốc đồng và ương ngạnh của một Thanh niên Tăng, Nguyên Nguyện tỏ ra bất phục tùng những chức sắc BTS mà nhân thân họ còn nhiều trần tục; Một số công tác từ thiện trực tiếp với dân nghèo và nạn nhân thiên tai mà không thông qua BTS cũng như chính quyền; tổ chức văn nghệ giúp vui bà con do các nghệ sĩ tài danh từ TP HCM ra diễn, và còn nhiều việc năng động của tuồi trẻ đã làm chư tôn túc trong BTS khó chịu. Một thành kiến xa xưa khi Nguyên Nguyện bỏ HT Nguyên Đức để đầu sư với HT Khế Tâm đã là việc làm bẽ mặt HT Nguyên Đức. Qua 10 năm ngấm ngầm tìm cách triệt hạ Nguyên Nguyện cho hả cơn hận và muốn tịch thu chùa Từ Ân giao lại cho đệ tử, HT Phó BTS Nguyên Đức đã tố cáo với chính quyền những sai phạm của Nguyên Nguyện mang tính chụp mũ.
BTS PG là cơ quan lãnh đạo PG tỉnh, có bổn phận điều hành Tăng ni thực hiện đúng chính sách nhà nước. Ban Tôn Giáo là cơ quan nhà nước điều hướng các cấp Giáo Hội sinh hoạt đúng với chính sách; Ngoài ra an ninh kể cả PA 38 có chức năng theo dỏi mọi hành tung của tôn giáo tránh tình trạng lạm dụng chính trị và bạo loạn. Như thế BTS PG có bổn phận thực hiện và các ban ngành liên đới với sinh hoạt tôn giáo có nhiệm vụ hỗ trợ cho BTS,BĐD PG các cấp thực hiện nhiệm vụ đuợc giao phó. Nếu tuân thủ đúng chức năng như thế thì mọi việc không có gì gọi là đáng tiếc xẩy ra; Nhưng, cho dù là một HT lãnh đạo Giáo hội, làm việc bằng cá tính, xem thường Hiến chương và lạm dụng chức quyền, cậy thế chính quyền để vu vạ áp đảo tu sĩ thì đây là việc làm đáng tiếc. Các chuyên ngành nhà nước nâng đỡ BTS và các chức sắc mà không tìm hiểu rõ sự việc xẩy ra, nghe báo cáo và tin vào cấp lãnh đạo Tôn giáo thì chính quyền trở thành tay sai của các chức sắc Tôn giáo để áp đặt và áp lực các tu sĩ mà không chịu lắng nghe tìm hiểu nỗi oan khuất của họ. Nhìn về đại thể thì giữa các cấp an ninh, Tôn giáo và các chức sắc Phật giáo có một cấu kết chặt chẽ để làm việc hiệu quả, vì tin cậy lẫn nhau. Suốt thời gian qua, một số tỉnh phía Nam luôn xẩy ra tình trạng các chức sắc lạm dụng quyền hạn truy bức tu sĩ, mượn tay nhà nước để thực hiện; cũng có trường hợp một số cán bộ áp đảo tu sĩ , dùng Giáo Hội để nội bộ xử lý nội bộ.
Tu sĩ Nguyên Nguyện trên đây là nạn nhân của HT phó BTS PG Tỉnh Phú Yên. Qua 10 năm truy tố với các ngành chức năng an ninh về Nguyên Nguyện, vẫn không có một chứng cứ rõ ràng, ngày 16/12/2010, v/p UBMTTQVN huyện Tuy An đã mời ĐĐ Nguyên Nguyện đến yêu cầu bàn giao chùa Từ Ân mà không nêu một lý do chính đáng. Việc tẩn xuất tu sĩ, tịch thu cơ sở thờ tự là quyền hạn của Tôn giáo, sao Mặt Trận huyện lại đứng ra làm việc nầy? phải chăng vì không hiểu quyền hạn và nhiệm vụ hay cố tình huyện đã chà đạp lên luật pháp thay vì là BTS có quyền xử lý tu sĩ sai phạm theo Hiến chương Phật giáo và Nội Quy Tăng sự của GHPGVN hiện hành. Việc tẩn xuất một tu sĩ không thể là chuyện đơn giản. Ngay cả phạm Tăng Tàn cũng phải thông qua pháp Yết Ma để lấy ý kiên đại chúng. Nếu phạm trọng giới cũng chỉ áp dụng cách ly để tự sám. Giới là quan trọng của tu sĩ mà xử lý như thế, thì luật mang tính giai đoạn của một tổ chức sao phải mượn tay luật pháp để cưỡng chế và trục xuất? Một tu sĩ phạm pháp quốc gia mới bị xử theo luật pháp. Phạm luật đạo thì để GH xử trị. Hình như thế quyền và giáo quyền đang dẫm chân nhau một cách vô lý. Cuộc triệu tập tu sĩ Nguyên Nguyện tại Ủy Ban Huyện yêu cầu bàn giao chùa là một việc làm vi hiến và tùy tiện, không đúng chức năng của mình. Nếu BTS PG Tỉnh không đủ khả năng thể hiện quyền hạn thì đưa lên Trung ương xử lý nếu có đủ bằng chứng phạm tội của một tu sĩ, chứ không thể mượn tay chính quyền để rung cây nhác khỉ mà tự thân của các Ngài vẫn còn đùm đề vợ con trong chùa, chăn nuôi gia súc nơi đất Già Lam và làm kinh tế không đúng giới luật; một cán bộ Phật giáo thay mặt GH điều hành Phật sự, không thể làm việc bằng vị kỷ cá nhân hay tư thù nhỏ nhen đối với những tu sĩ tuổi đáng con cháu. Một trụ trì đương nhiệm được sự tín nhiệm của quần chúng không thể bị tống khứ để cướp chùa trao cho người khác. Rất tiếc, đây không phải là việc duy nhất xẩy ra tại một tỉnh lẻ như Phú Yên. BTS PG tỉnh không thể nằm trong tay cá nhân của một phó BTS như thế.
Theo nguồn tin của những tu sĩ tại Phú Yên nằm trong tầm ngắm và sự đe dọa của ngài Phó BTS Nguyên Đức, ngoài Nguyên Nguyện là:
TT Đồng Phương, trụ trì chùa Kim Cang Tuy Hòa,
TT Quảng Phát, trụ trì chùa Bát Nhã, Tuy an,
ĐĐ Nguyên An tọa chủ chùa Phước Sơn, Sơn Hòa,
ĐĐ Quảng Ngộ, trụ trì chùa Thanh Lương, Tuy An,
ĐĐ Thông Tiện chùa Kiên Quang,Tuy Hòa,
ĐĐ Quảng Thuận chùa Quy Sơn, Tuy An
Sư cô Nguyên Hồng, chùa Châu Lâm Tuy an
Riêng một tu sĩ như ĐĐ Nguyên Nguyện, cần phải có đức khiêm tốn đối với các bậc trưởng thượng. Theo dư luận quần chúng Phú Yên, Nguyên Nguyện sống hơi phóng khoáng, ăn nói thiếu tế nhị, hành xử không khôn ngoan, nhưng năng động sinh hoạt từ thiện, xây nhà tình nghĩa và giúp đỡ đồng bào nghèo. HTV4 đã nhiều lần nêu gương một tu sĩ trẻ của Nguyên Nguyện đóng góp nhiều công ích cho xã hội. Nhân thân Nguyên Nguyện xuất xứ từ gia đình Cách mạng. anh chị em đang giữ những trọng trách như Trưởng Khoa nghiên cứu lịch sử đảng tỉnh Phú Yên, chánh án huyện Sông Hinh, Kiểm tra đảng tỉnh Phú Yên, Giám đốc viện Viễn Thông và ông anh là liệt sĩ…Đây không thể là lý do để Nguyên Nguyện ỷ lại và ngông nghênh. Nguyên Nguyện là bài học cho các tu sĩ trẻ biết khiêm hạ và nhẫn nhục trước thế lực của quý chức sắc Phật giáo, đồng thời gia công tu tập để tăng trưởng nội lực hơn là phô trương khả năng khi tuổi đời còn non kém.
Các Chúc sắc Phật giáo cũng cần rút kinh nghiệm vụ việc của Nguyên Nguyện chùa Từ Ân Tuy An, không hành xử théo ác tính và tùy tiện, không lạm dụng chức quyền và thế quyền để xâu xé nội bộ, Nếu xử trị tẩn xuất một tu sĩ ra khỏi chùa, cũng phải giải quyết chỗ ở cho họ chứ không thể tạo cuộc sống bất an cho một tu sĩ. Nếu lột áo một tu sĩ, không thể đơn phương BTS hay cá nhân một phó BTS tỉnh làm được, càng không thể mượn tay chính quyền làm việc nầy. Khi GH giải quyết một vấn đề tu sĩ, phải nghĩ đến nhân thân tu sĩ đó, liên đới trách nhiệm của tu sĩ đó với quần chúng, khả năng và uy tín của tu sĩ đó. Phạm luật hoặc phạm giới của tu sĩ đó có tương xứng với hình phạt tẩn xuất và lột áo chăng!
Về phía nhà nước, các cơ quan ban ngành liên đới tôn giáo cần xét nét kỷ những báo cáo, yêu cầu của BTS đối với tu sĩ Pg. Không nên vị nể, hành xử tùy tiện thiếu công minh. Mọi người dân, kể cả tôn giáo đều chấp hành luật pháp thì cơ quan pháp luật cũng thực hiện đúng chức năng Hiến pháp và Tôn giáo quy định. Cơ quan luật pháp phải độc lập với BTS và các chức sắc tôn giáo để giữ tính khách quan.
Một đất nước mà luật pháp chưa thực hiện triệt để thì sự lạm quyền không thể tránh khỏi. Một tôn giáo mà tu sĩ có chức quyền thiếu sự tu tập nghiêm chỉnh thì việc lạm quyền ức hiếp tu sĩ thuộc cấp cũng dễ xẩy ra.
Tất cả cần điều chỉnh để một xã hội được tôn ti và Tôn giáo được trong sáng. Vụ Nguyên Nguyện không phải là quá muộn trước khi những đáng tiếc xẩy ra. Quần chúng Phật tử và đồng bào nghèo đang cần sự đóng góp của những tu sĩ năng động như Nguyên Nguyện trong tỉnh nghèo và nhiều thiên tai như Phú Yên, mong chính quyền tỉnh làm việc với BTS để có cách tháo gỡ nhẹ nhàng hầu lấy lại niềm tin cho quần chúng. Quyền lực và Tôn giáo không phải là đôi đũa vạn năng đem lại ổn định xã hội nếu không có công tâm và trí tuệ để quần chúng tâm phục, khẩu phục.
UBMTTQ Huyện Tuy An hãy nhìn lại phương án cưỡng chế , lấy chùa Từ Ân mà không thuộc quyền hạn trong tầm tay của địa phương hiện nay.
Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo cần quan tâm vấn đề nầy đang đánh động trong và ngoài nước vụ án chùa Từ Ân và tu sĩ Nguyên Nguyện
MINH MẪN
17/12/2010
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)