Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

LŨ LỤT QUÊ HƯƠNG


Đã hơn một tháng đi qua mà tàn tích cơn lũ thế kỷ vẫn chưa nhạt nhòa trong kinh hãi của người dân xứ Quảng; Quảng Bình là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng về người và của trong cơn lũ năm 2010.

Các phương tiện truyền thông đã kịp thời đem đến cho người dân trong và ngoài nước những thông tin quan trọng về cơn lũ mà quê hương ta mỗi năm đều phải đón nhận sự thịnh nộ của thiên nhiên; chính vì thế, các đoàn cứu trợ từ phía Nam, do các chùa và mạnh thường quân liên tục chuyển hàng ra tiếp tế. Ngoài nhà nước, Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, các hệ phái, các đoàn thể tư nhân, một số cá nhân các tu sĩ, Phật tử cũng đứng ra vận động quyên góp và đích thân vượt trên ngàn km đến với đồng bào bất hạnh vùng cao phía Bắc Trung bộ. Chùa Quang Minh, ngôi chùa nhỏ trong hẽm quận Phú Nhuận, thầy Nguyên Mãn cũng kết hợp với nhóm từ thiện Minh Tâm, gia đình Tâm Giao, BS Bùi Quốc Thái, LS Đỗ Quang Thuần, Đạo diễn Hoàng Thiên, nhóm những người bạn trẻ của Diệp…tổng cộng 25 nguời, đáp máy bay ra Quảng Bình. Ngay cả nhóm Thiện nguyện của người Khiếm Thị Hốc Môn, cũng trích quỷ năm triệu ( 5.000.000 đ) yểm trợ lũ lụt mà tuần trước đó không lâu, họ cũng đã trích quỹ để giúp hai bệnh nhân nặng đi chữa trị. Có lâm vào hoạn nạn mới thấy được tấm lòng đồng bào ruột thịt đến với nhau. Có những gia đình ở Sài gòn, lao động cơ bắp nuôi một bầy con, thế mà vẫn chung tay bằng những món tiền khiêm tốn nhiều vất vả để chia xẻ niềm đau mất mát của những gia đình kém may mắn đó.

Quảng Bình là tỉnh nằm cực Bắc Trung Bộ Việt Nam; Tuy có nhiều ưu thế của thiên nhiên, có động Phong Nha – Kẻ Bàng nằm trong danh sách thắng cảnh thế giới. Diện tích Quảng Bình không lớn lắm ( 8065 km2 và dân số chỉ 850.000 người ). Biên giới phía Tây 201,87km tiếp giáp Lào, phía Đông giáp biển chạy dài 117, km. Độ dốc của đất nghiêng từ Tây sang Đông. Có bến cảng và cơ sở công nghiệp, nhưng cuộc sống người dân vẫn chưa được sung túc lắm. Như một số vùng xa của phía Bắc, Quảng Bình chỉ có một Tổ đình và hai ngôi chùa nhỏ mà 98% không phải Phật tử. Giáo dân Kito chiếm 30% dân số, vì thế, hình ảnh tu sĩ Phật giáo trở thành ngộ nghĩnh lạ mắt mà họ gọi bằng anh, bằng chị khi tiêp xúc.Chính vì thế cơm chay trở thành khan hiếm.

Quảng Bình có nhiều núi, nhất là núi đá vôi, để cement được sản xuất theo công nghệ giây chuyền đã một số núi bị san bằng, biến màu xanh của thiên nhiên thành vùng đất nham nhúa như cơ thể đầy thẹo. Có hai huyện miền núi là Tuyên Hóa và Minh Hóa, nơi cư trú của tộc Khùa, Mã Liềng, Rũc, Sách, Vân Kiều, Mày, Arem…Nếu vùng thấp bị lụt thi miền cao bị lũ sau những trận mưa thác đổ. Cây rừng bị phá hủy, núi không giữ được nước, chính vì thế, trong nháy mắt cơn lũ dâng nhanh đến độ người dân chỉ kịp thoát thân trên nóc nhà. Có nơi nước lên cao hơn ba mét; gia súc và tài sản theo lũ chảy ra biển. Một số cư dân gần những hang núi, họ chen chúc nhau trốn tránh sự giận dữ của lũ, nhưng phải chịu những cơn rét từ đá núi phủ vậy và cái đói cũng theo lũ dâng cao từng giờ. Nhà nước kịp thời tiếp tế cầm hơi cho nạn nhân bằng mì gói; việc tiếp tế khi lũ đang có mặt cũng không phải dễ dàng; ca nô không đến gần, vì tạo những con sóng xô dạt nạn nhân đang ngất nghểu trên nóc nhà không chỗ đeo bám, hoặc các sườn núi lởm chởm cây đá ngầm dưới mặt nước. Gạo lúc bấy giờ là loại lương thực chưa cần thiết, bởi lẽ nồi niêu son chảo bị bà Thủy tiếp thu, giữa màn trời chiếu nước cũng không có chỗ cho ông bà Táo ngự tọa.

Đoàn vừa đáp xuống sân bay Đồng Hới lúc 13.giờ rưỡi chiều thứ bảy, nhóm từ thiện hội ý tại phòng chờ của sân bay, chia làm hai đoàn, một đi xã Tân Trạch và một đi xã Sơn Trạch thuộc huyện Bố Trạch. Lũ đến từ ngày 30/9 đến 10/11/2010 có 20 người chết và 5 người mất tích. Huyện có 42 ngàn hộ thì trên 26 ngàn hộ đã bị ngập úng. 30 xã bị thiệt hại nặng, ước tính của địa phương cho biết, tổn thất 500 tỷ đồng VN. 13 trạm y tế không đủ thiết bị. 137 hộ bị sập hoàn toàn, nhà nước hỗ trợ 14 triệu mỗi hộ và các mạnh thường quân, các đoàn từ thiện liên tục tiếp cứu. Có những vùng mất trắng hoa màu lẫn hạt giống. Địa phương xuất quỹ giúp giống thì ít nữa bốn tháng sau mới có thu hoạch nếu lũ không tái xuất hiện. Bà con được chính quyền và các nơi cứu đói sau lũ cũng chỉ độ ba tháng, thời gian còn lại chờ thu hoạch mùa màng thì tự họ phải kiếm sống khá vất vả.

Mặc dù thầy Nguyên Mãn đã liên lạc với địa phương trước, nhưng khi đoàn đến cứu trợ, người dân vẫn không có phiếu nhận quà, cán bộ xã đọc danh sách từng người đến lãnh mà chỉ có địa phương mới biết ai có quà hay không được quà; Đoàn đi Tân Trạch cách 70 km từ huyện Bố Trạch, nhưng mãi đến 12 giờ khuya mới về đến khách sạn, vì đường quá xấu, có lẽ đây là xã nghèo nhất nước mà đồng bào sắc tộc lưu trú lâu đời. Chính sự nhiệt tình với đồng bào ruột thịt mà cả hai đoàn nhịn ăn suốt ngày để lao vào các xã khi rời khỏi sân bay. Ngày hôm sau đoàn đi Tuyên Hóa, một huyện nằm phía Tây Bắc thuộc vùng núi; nơi đây, đoàn không tiếp xúc được với nạn nhân, cán bộ xã đến nhận quà, vì từ cầu Minh Cân đến xã Ngư Hóa gần 20km sông nước, chính quyền không có phương tiện đưa đoàn đến. Nơi đây 130 phần quà gồm gạo, mỗi phần gồm chăn mền và tiền trị giá hơn 300 ngàn đồng, được thông qua cán bộ xã.

Xã Nam Hóa cách Đồng Hới 100km thuộc Tây Bắc Trung bộ; có 541 hộ, gồm 1984 nhân khẩu. 100 phần quà đến với đồng bào tại đây. Với số lượng nạn nhân thiên tai và món quà khiêm tốn đó, chính quyền địa phương phải phân vùng luân phiên để nhận mỗi khi có đoàn từ thiện đến. Tuy Nam Hóa là vùng gò đồi, thế mà phải hứng chịu cơn lũ lịch sử của hàng thập kỷ qua. Xã Sơn Hóa cũng có 170 phần quà cho 900 hộ dân và 3.955 nhân khẩu.

Trong hai ngày, đoàn tiếp cứu 4 xã, gồm 400 phần quà. Tuy là hạt muối bỏ biển, nhưng cũng thể hiện được tinh thần máu chảy ruột mềm, lá lành đùm lá rách; Những người khuyết tật như nhóm Thiện nguyện Khiếm thị Hốc Môn còn bỏ ra số tiền khá lớn so với mức thu nhập mỗi ngày chỉ vài mươi ngàn của họ, chứng tỏ lòng nhân của người Việt vẫn chưa vơi cạn. Trên quốc lộ 1A, mỗi ngày có nhiều đoàn xe cứu trợ đổ ra phía Bắc, nhất là các đoan xe của Phật giáo, họ không phân biệt Lương giáo, ủy lạo vô tư, ngược lại họ gặp không ít khó khăn khi vào một số vùng Giáo xứ mà 36 bao đồ đã bị vứt xuống sông cũng như nhiều phức tạp đố kỵ khác. Hậu quả sau cơn lũ khó mà khắc phục cấp thời; cứu trợ chỉ là tạm thời. Khi mà sinh hoạt của người dân trở lại bình thường cũng là lúc mùa mưa lũ năm kế tiếp tái diễn. Năm qua thiệt hại nặng ở Tây nguyên, năm nay đặc biệt Quảng Nam Đà Nẵng và Huế được an bình; Tình trạng đất nước hàng năm phải đối diện với bão, lũ, lụt thì khó mà cư dân miền Trung tích lũy.
*
* *
Đoàn trở vào Quảng Trị, thăm Lao Bảo, đường 9 Nam Lào để nhìn biên giới Lào Việt; cửa khẩu nơi đây, việc giao thông hàng hóa chưa sung túc như Mộc Bài; cư dân thưa thớt. Tám giờ tối đoàn đến Huế, 14 người ngồi trên ghe bập bềnh sông nước để nghe giọng hò sông Hương núi Ngự của các nghệ sĩ kinh thành. Cho dủ thời chiến hay lúc bão lũ, Huế vẫn không dấu được nét kiêu sa lãng mạn; nước sông Hương vẫn không vội vả và người dân vẫn thong thả đi về. 5 giờ chiều tiển một số người về lại phố thị bon chen ở miền Nam, thầy Nguyên Mãn quay lại Quảng Trị dẫn chương trình đặt đá xây dựng chùa Phước Bảo ở Lao Bảo do thầy Từ Luận trụ trì. Dự Đại tường của cố HT trưởng BTS Quảng Trị và kỵ nhật của HT Phó BTTPG QT. Thầy sẽ đi thăm những gia đình có thân nhân mất trong cơn lũ và tặng cho 5 gia đình nhiệt tình cứu 300 người trong tay bà Thủy, mỗi hộ 3 triệu đồng.
Ngoài nguyên nhân khai thác rừng bừa bãi, xây dựng thủy điện, còn phải kể đến cách sống của thế hệ hiện nay. Ngày càng bạo động từ gia đình đến học đường và xã hội; sát hại sinh vật, triệt phá thú hoang quý hiếm, phá hoại môi sinh; đạo đức xuống cấp, giáo dục bất cập, thiếu sự gắn bó tình người và bất chấp thiệt hại chung quanh khi cái lợi cám dỗ cá nhân. Một xã hội mà tội phạm nhan nhãn, làm ăn bất chánh tồn tại và lòng người phẩn uất mất hết niềm tin; những nhà đạo đức luôn gặp rắc rối thì điều tất yếu tác động đến thiên nhiên và xã hội, hậu quả đó là thiên tai. Còn đâu bốn ngàn năm Văn Hiến mà cha ông một thời thể hiện nếp sống văn hóa, một nếp văn hóa đặc thù của Việt tộc chỉ còn trên sử sách. Văn hóa giao tiếp, văn hóa ẩm thực,..thể hiện nền tảng tương lai của một dân tộc.

Đã đến lúc cần xây dựng lại nền tảng đạo đức của một dân tộc thì xã hội mới có cơ may thăng tiến, lúc đó, người dân ý thức bảo vệ trái đất xanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên để đẩy lùi thiên tai luôn đe dọa. Hiện tại, dân tộc ta vẫn là bạn thân của lũ lut hàng năm!

MINH MẪN
08/11/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét