Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

DẤU YÊU CON VIỆT


Khi mà thế giới lâm vào thời đại bạo động, loạn lạc, lòng ao ước một bình an cho cuộc sống quả là điều cần thiết và hiếm hoi. Tôn giáo tạo sự bất an thì xã hội cần pháp luật đem đến ổn định. Xã hội thác loạn thì con người cần đến tôn giáo như một liều thuốc an thần.

Thế kỷ 21 là thế kỷ mang mầm móng bạo động trên toàn thế giới. Ranh giới hai cực Lạnh và Nóng không còn thì cũng khó mà có một ranh giới rõ ràng giữa mầm móng bất mãn của ý thức hệ Tôn giáo và chính trị, chính vì thế, Mỹ không có một giới tuyến rõ ràng của đối tượng Hồi giáo cực đoan như đối tượng Cọng Sản và Tự do trước kia; không chỉ có Mỹ là đối tượng của những cực đoan đó, mà lục địa Âu Châu và thế giới Tư bản trở thành kẻ thù của Thần giáo cực đoan, từng gieo rắc tang thương cho nhân loại. Chính vì thế mà Phật giáo được tôn vinh là tôn giáo biểu tượng cho Hòa bình, được Liên Hiệp Quốc chấp nhận.

Những Tôn giáo Thần học không đáp ứng được nhu cầu tâm linh khi trình độ dân trí chuyển hóa, xã hội cưu mang nó cũng lâm vào bế tắt; thì giá trị tồn tại của chúng đếm ngược theo chiều kim đồng hồ. Tuy nhiên Châu Á đã có những Tôn giáo mang tính Nhân bản như Đạo Phật, mang tính xã hội như Khổng giáo, mang tính siêu nhiên như Lão học; một giai đoạn nào đó cũng đã góp phần ổn định xã hội, an bình cuộc sống trong thời quân chủ Phong kiến hoặc giai đoạn quá độ chuyển hóa ý hệ.

Ngưỡng cửa thế kỷ XXI đã có dấu hiệu phát triển hệ phái Tâm linh. Thế kỷ 19, đầu bán thế kỷ XX một số danh Tăng cao đức Phật giáo trên thế giới, ( trong đó, Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan, Tây Tạng ) thâm nhập vào xã hội phương Tây bằng con đường văn hóa giáo dục và bây giờ tiếp theo là tín ngưỡng tâm linh. Trước khi xóa lằn ranh chiến tranh lạnh và đóng cửa ý hệ thế giới, các hệ phái tâm linh cũng đã kịp thời cắm rễ vào mãnh đất trời Tây. Tuy nhiên, thế vào chiến tranh lạnh lại là đại họa Tôn giáo cực đoan, một loại chiến tranh mới phát xuất từ tôn giáo, đã làm, không những Mỹ, mà các nước Tư Bản phải e ngại. Hầu hết, ngày nay các quốc gia Âu châu đang là mục tiêu của những tổ chức cực đoan như thế. Trước kia, mafia của xã hội đen một thời khuynh loát xã hội, nhưng mang tính địa phương - khu vực, giờ đây, cuộc sống thực dụng phương Tây bị xem là sản phẩm của ma quỷ, cám dỗ loài người, những người cực đoan khoác áo Tôn giáo tự cho mình có quyền thế Thiên hành Đạo, trừng phạt xã hội tiến bộ khoa học vật chất, dưới danh nghĩa diệt trừ cái xấu, cái ác để tôn vinh quyền năng Thượng đế. Oái oăm thay, Tôn giáo là nguồn bình an giải thoát cho loài người, cho nhân loại, thì những thành phần cực đoan của Tôn giáo lại lấy con người làm vật hy sinh để giải quyết quan điểm hận thù. Vào thời đại đen tối của Âu châu, nguyên nhân xuất phát từ Tôn giáo đã đành, thời đại nhân loại tiến vào kỷ nguyên rực rỡ khoa học, cũng chính tôn giáo tạo bất an cho nhân loại. Vì thế, cuộc khủng hoảng toàn cầu không những về tài chánh, về kinh tế, về chính trị, mà còn cả an ninh Tôn giáo!

May thay, trong bối cảnh tòan cầu hóa, các nước du nhập cái xấu lẫn cái tốt. Những quốc gia có truyền thống văn hóa Tôn giáo Tâm linh lâu đời cũng bị pha loãng khi văn minh vật chất và văn hóa thực dụng pha trộn; đồng thời, các nước phương Tây có dịp nếm thử hương vị Tâm linh của Tôn giáo phương Đông, có dịp để so sánh, chọn lựa hầu vun bồi cho nhu cầu ngoài vật chất. Rất nhiều đại gia, lắm kẻ thừa mứa vật chất đã thất vọng khi tâm hồn không thỏa mãn với nếp sống thực dụng; họ cảm thấy trống trãi cô đơn và bế tắt giữa khối tiện nghi vô nghĩa. Chính vì thế, vào thập niên 1970, khi các Lạt Ma du nhập vào Pháp, quần chúng sẵn sàng dang tay đón nhận một cách thích thú như món ăn lạ miệng vừa lòng, và rồi tới Anh, Mỹ, Úc, Canada…! Đồng thời tại Pháp, Thiền sư Nhất Hạnh cũng sáng lập Làng Mai vào năm 1982, còn gọi là Đạo Tràng Mai Thôn; một pháp môn triển khai từ kinh điển cơ bản của Nikaya, quán niệm hơi thở, thích ứng với hiện trạng xã hội công nghiệp phương Tây gọi là Hiện Pháp Lạc Trú, đã giúp nhiều tình cảnh phân hóa trong xã hội và gia đình, tạo cho nhiều người từng bị cuốn hút theo nếp sống công nghiệp; giờ đây có cuộc sống an lạc, pháp môn Làng Mai không những nẩy nở tại các nước Âu châu, còn lan sang Úc, Mỹ, Phi và Á châu nữa.
*
* *
Hòa Thượng Tiến sĩ Thích Thiên Ân là vị tu sĩ Phật giáo Việt Nam đầu tiên làm Viện trưởng Viện Đại học Đông phương tại Mỹ, vào thập niên 1960, cũng đã giúp cho giới trí thức Âu Mỹ tiếp cận Phật giáo. Cùng thời có Suzuki và nhiều thức giả của một số nước. Phật giáo đi vào các tầng lớp xã hội qua bản chất tín ngưỡng mang màu sắc tôn giáo, việc đó cũng có nghĩa tôn giáo nầy thay thế tôn giáo khác như thay đổi món ăn trong thực đơn hàng ngày. Nếu thế, ngày nào đó Phật giáo cũng sẽ là món ăn nhàm chán theo thời gian. Cho dù Phật giáo mang mầu sắc Mật giáo, Tịnh độ, Thiền học có những thể nghiệm và hiệu quả cấp thời mà không giải quyết được những tệ nạn xã hội và bế tắt cuộc sống trên một diện rộng của nhân loại, thì sớm muộn, Phật giáo cũng chung số phận hẩm hiu theo thời gian!

Hình như trong sự dọ dẫm bước đầu thâm nhập vào nếp sống phương Tây, chắt lọc những ưu khuyết của các tôn giáo sở tại, một hình thái Phật giáo mới ra đời. Hình thức là một Tôn giáo, nhưng sở hành lại là nghệ thuật sống mang tính chuyển hóa tâm lý cơ bản và hoá giải những bất toại trong cuộc sống bằng những thao tác đơn giản và cụ thể nhất; vốn sẵn có mà con người lãng quên, đó là theo dỏi hơi thở. Đạo Tràng Mai Thôn sớm phát triển rất nhanh trong vòng 10 năm trở lại trên toàn thế giới; các nước tiến bộ đã đích thân mời Làng Mai đến giảng dạy cho nhân viên cán bộ nhà nước, như lớp tu tập cho Cảnh sát Mỹ, Quốc Hội Ấn, Doanh nhân Thái. Indonesia là quốc gia Hồi giáo, cũng đã tiếp đón Làng Mai một cách trang trọng, ( trong buổi nói chuyện công cộng với chủ đề: Peace is every step. Đa số là thanh niên nam nữ Hồi giáo; vé vào cửa từ 10 USD đến 100 USD, quần chúng được xem truyền hình bên ngoài. Trong số bốn ngàn người tham dự, có cả các tướng lãnh, Bộ trưởng, hơn 50 vị sư Nam Bắc Tông, đại diện chính quyền; Ban tổ chức là người Hồi, chu đáo đến độ phân phối cho quần chúng năm loại đậu, gạo, sách của Làng Mai bằng chữ Indonesia, chiếu, quạt và những vật dụng cần thiết,…đựng trong túi vải in logo Làng Mai để quần chúng cúng dường khi Tăng đoàn đi khất thực. Tuy Phật giáo tại Indonesia chỉ bằng 5% dân số, đa phần người Hoa; thế nhưng tâm đạo cũng đủ thể hiện một cách xuất sắc qua việc tiếp đón, có cả sự ủng hộ của Hồi giáo ). Singapore cũng muốn đem pháp quán niệm của Làng Mai vào chương trình giáo dục học đường, ông Bộ trưởng giáo dục Ng Eng Hen nhờ HT Quang Minh Sơn thỉnh ý, mời Thiền sư về lại Singapore vào năm 2011. Nhưng chương trình Hoằng pháp đã sắp sẵn, ông Bộ trưởng giáo dục lại thỉnh cầu vào năm 2012 với sự khẩn thiết.

Thái Lan là quốc gia thuần túy Phật giáo Nam tông, cũng đã hoan hỷ đón nhận Làng Mai một cách trang trọng không kém Indonesia và trường Đại học Phật giáo Vua MahaChualalongkorn sẽ ký hợp đồng để cùng chia xẻ pháp tu với cộng đồng tu sĩ Phật giáo Thái. Một số quốc gia yêu cầu Làng Mai mỗi năm mở khóa tu giúp xây dựng nền tảng đạo đức và chuyển hóa bế tắt của xã hội họ. Nhưng hiện nay làng Mai chưa đủ Giáo thọ cư sĩ cũng như xuất sĩ đáp ứng theo yêu cầu.
*
* *
Sau những chuyến Hoằng pháp tại Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, thì Thái Lan trở thành mãnh đất lành cho Làng Mai nẩy lộc. Sau buổi nói chuyện với Doanh nhân Thái, họ đã phát tâm cúng dường số tiền bằng một phần ba của khu đất đang cần mua để xây dựng Trung Tâm tu học Đông Nam Á với diện tích 14 ha trên lưng núi cách Thù đô Bangkok gần hai trăm km. Một số tu sinh Bát Nhã về lưu trú tại mãnh đất của vị Tướng cảnh sát Thái hồi hưu. Quý ni trẻ sống trong dãy lều nilon dưới các táng cây xoài, tự do xử dụng những lợi tức trong vườn, được sự giúp đỡ tận tình của người không phải đồng bào ruột thịt của mình. Các ni trẻ trên dưới 20, kể lại những hoạn nạn trong đời tu với nụ cười thật hồn nhiên lạ lùng, ánh mắt thật trong sáng. Cuộc sống của quý tu sĩ nơi đây quá ư đơn giản, vì xa chợ và không có quần chúng Phật tử Việt Nam; nhưng họ cảm thấy rất an bình.

Các quốc gia chưa có Phật giáo, mời Làng Mai về giáo hóa quần chúng đã đành, Thái Lan chọn Phật giáo làm quốc đạo.( Phật giáo du nhập vào Thái vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên, do giáo đoàn Asoka, người con trai của Asoka, là Tỳ kheo dẫn đầu ). Từ năm 1350 đến 1782, trãi qua ba đời vua mộ đạo, chấn hưng và phát triển Phật giáo đến ngày nay. Chính truyền thống tín ngưỡng khép kín trong tu viện, biến tinh thần xã hội của Phật giáo như khô héo và quần chúng chỉ biết cúng dường, tôn kính mà không được thừa hưởng lạc pháp của Đức Phật. Vì thế, Hiện Pháp Lạc Trú làm mới lại truyền thống tín ngưỡng dân tộc Thái, đó là lý do Phật giáo và nhà nước Thái ân cần đón tiếp Làng Mai; dành một vùng đất cho Làng Mai làm Trung tâm tu học. Cũng như Đức quốc nhường cho Làng Mai cơ sở Tổng hành dinh quân đội trước đây, để làm Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu vào những năm trước. Dĩ nhiên bước đầu, chư Tăng Nam tông cảm thấy xa lạ với Tăng đoàn áo nâu, cơm ngày ba bữa trong khi các sư Thái không ăn buổi chiều và người tu không nên hát hò, một sinh hoạt hoàn toàn mới từ Tăng thân Làng Mai, nhưng các quốc gia Phật giáo khác chấp nhận thì tại sao mình lại không, phải chắng đây là yếu tố để họ mở rộng vòng tay tiếp nhận các Tăng ni trẻ Bát Nhã?. Từ Sài gòn đến Thái cũng bằng từ Sài gòn ra Hà nội, nghĩa là không xa Việt Nam lắm, cuộc sống trước 1975 cũng không hơn miền Nam Việt Nam; thế mà bây giờ là một trong những quốc gia có cuộc sống ổn định và nếp sống văn minh, ý thức, tự giác khá cao. Cung cách giao tiếp tế nhị, nhiệt tình và dễ thương. Mỗi năm hàng triệu lượt khách du lịch đến Thái, do vậy, lợi tức thu nhập du lịch gấp 7 lần Việt Nam. Mặc dù Thái luôn có biến động chính trị, nhưng quyền lợi đất nước được dân Thái tôn trọng, vì thế, kinh tế vẫn phát triển đều đặn. Du khách rất hài lòng tính hiếu khách và sự tử tế của người Thái,
*
* *
Từ 11/10/2010 đến ngày 01/11/2010, khóa tu dành cho người xuất gia tại Pak Chong, pháp thoại công cộng tại Thammasat University Bangkok. Một khóa tu cho doanh nhân tại Phu Khao Ngam resort, Nakhon Nayok, rồi pháp thoại tại Đại học Phật giáo Mahachualalongkorn Rajavdayalai , Wang Noi, Ayutthaya; khóa tu cho Phật tử mà đa phần thanh niên và một số người nước ngoài tham dự tại Wang Ree Resort, Nakhon Nayok với chủ đề: Peaceful Mind, Open Heart ( Tâm bình an, trái tim mở rộng). Tinh thần tu tập của thanh niên nam nữ Thái và người nước ngoài rất nghiêm túc và chí thành.

15 ngày Hoằng pháp tại Thái và 4 ngày sau cùng nghỉ ngơi, Phật tử Việt Nam trên 300 người tham dự, được diễm phúc đón nhận lòng ưu ái của Thiền sư luôn chiếu cố, thăm hỏi, động viên và khích lệ tu tập. Sáng 29/10.
tại Pakchong, nơi Tăng ni trẻ lưu trú trong các túp lều vải, Thiền sư ngồi chuyện trò dưới khóm cây. Các Tăng ni hát cúng dường những nhạc bản thiền ca thật dễ thương và ý tưởng trong sáng, mang tên các loại cây được gắn cho khi xuất gia như cây: Hướng Dương, Hồng Giòn, Hải Đường, Trầm Hương, Lê….Đặc biệt gây nhiều xúc động nhất là bài Bát Nhã Thân Yêu, sống trên đất Thái, tu trên xứ người mà tập thể Tăng ni, Phật tử cứ nghĩ là đang ở Bát Nhã; huong vị và kỷ niệm về Bát Nhã vẫn chưa nhạt nhòa trong con tim của tu sinh và tín đồ Làng Mai. Khi đoàn xe vừa đến Thiền đường, một cảnh sát bước ra chận lại, cả xe nhốn nháo, một người lên tiếng, quý vị yên tâm, đây là đất Thái, mọi người cười ồ chửa thẹn, hóa ra đó là cảnh sát gác an ninh cho khu vực của Tăng ni Việt Nam, hướng dẫn xe dừng trước khi vào khu vực.

Đất nước Thái nhiều thế kỷ được thanh bình nhờ uy đức của vua Thái, các bậc chân sư đạo hạnh và là dân tộc hiếu hòa, chứ không vì lý do trung lập, vì Cambodia trước kia vẫn là quốc gia trung lập. Người dân Thái cũng hiền hòa và môi trường sinh thái được bảo vệ cẩn mật.Thú rừng và gia súc thong dong, thân thiện. Rừng nguyên sinh và nùi đồi cây cối xanh tươi lộ nét trù phú sung túc của một quốc gia; Tuy thỉnh thoảng miền Nam Thái có khủng bố và chính trị biến động; nhưng nhìn chung đất nước vẫn tươi đẹp, hiền hòa và dễ mến.Tuy là một quốc gia không là con Rồng châu Á, nhưng là mãnh đất mà du khách các quốc gia Châu Âu ưa thích. Vua Thái từng mời Giáo Hoàng thăm viếng và phát triển Kito giáo. Giờ đây, một hình thái mới của Phật giáo trong thời đại mới hiện nay, được phát triển tại Thái cũng là việc đương nhiên và là diễm phúc cho quốc gia Thái, dân tộc Thái để giải quyết nhiều vấn nạn xã hội mà thế giới hiện nay đang cần đến Phật giáo.

Đức Đạt Lai Lạt Ma có tầm vóc quốc tế về một trường phái Mật giáo Tây Tạng cho cộng đồng tu sĩ, thì Thiền sư Nhất Hạnh có một uy tín nhất định cho việc hóa giải mọi bế tắt truyền thông giữa con người với con người, giữa con người và thiên nhiên, giữa tâm lý và nếp sống công nghiệp. Nếu Tây Tạng hãnh diện một Đức Đạt Lai Lạt Ma thì Việt Nam sao lại không với một Thiền sư cảm hóa được nhiều sắc dân, quốc tịch và tín ngưỡng khác nhau trên thế giới về với Đạo Phật?. Phải chăng đó là nét Dấu Yêu của người con Việt, nhưng người Việt chúng ta chưa thoát khỏi nghiệp lực để tận hưởng suối nguồn tươi mát của Đạo Phật nhập thế?.


MINH MẪN
28/10/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét