Thứ Năm, 6 tháng 5, 2010

PHẬT GIÁO VIỆT NAM VÀ NGÀY ĐẢN SANH.


Từ khi Đạo Phật du nhập vào Việt Nam đến nay, các Tu sĩ và tín đồ Phật giáo luôn đón mừng ngày Đản sanh của Đức Từ Phụ một cách trang trọng. Sự tỏ lòng tôn kính đối với bậc xuất trần, cũng là sự thờ phụng của bất cứ tôn giáo nào đối với đấng giáo chủ của mình, ít nữa, hậu bối đối với tiền nhân, tộc họ.

Tinh thần vượt siêu Tam giới của Đạo Phật, cũng là mục tiêu cứu cánh về sự có mặt của Đức Bổn sư Thích Cam Mâu Ni, chính vì thế, ngày Đản sanh không chỉ là ngày kỷ niệm của Tăng Tín đồ Phật giáo như mọi tưởng nhớ tri ân tiền nhân của cộng đồng xã hội, hay những lễ tục thường tình của mọi tôn giáo; Đạo Phật mang một tinh thần khác biệt, một tinh thần tự lợi và lợi tha, tự độ và độ tha.Vì thế, mừng ngày Đản sanh, chúng ta không hội tụ trên bàn tiệc trong nhà hàng sang trọng, không chén thù chén tạc trên sinh mạng loài vật; không se sua đua đòi giữa chốn Thiền môn với sắc màu diêm dúa sặc sỡ.
Gần đây, sau ngày đất nước thống nhất, phong trào chẩn bần bố thí nói lên một phần tinh thần lợi tha của người con Phật, đem lại niềm vui cho những mãnh đời kém may mắn quanh ta, trong dịp Đản sanh của Đức Từ Phụ. Vật chất được như thế, nhưng về tinh thần và tâm linh, chúng ta chưa có một phong trào phát động tu tập, nâng cao tâm thức trong mùa đại lễ. Tự độ là nếp sống thường nhật của Tăng tín đồ chọn con đường giải thoát, nhưng chia sớt hạnh phúc tâm linh đến xã hội, chúng ta chưa có một chủ trương cụ thể và tích cực đúng với ý nghĩa độ tha. Có người sẽ nói, tự thân chưa giải thoát nói gì đến giải thoát cho kẻ khác, có nghĩa mình chưa giàu, đừng nói đến bố thí! Thế nào là một người giàu? Đợi giàu mới bố thí thì xã hội nầy, những người đói ăn sẽ là thành phần tuyệt vọng nhất, họ không còn cần đến lòng bác ái, từ bi của tôn giáo. Cũng thế, tất cả đợi đến lúc giải thoát hoàn toàn mới độ thoát cho nhân sinh thì giáo pháp của Đức Phật giảm đi những giá trị to lớn giữa bể khổ trầm luân. Một học sinh lớp mười có thể giúp bạn lớp thấp nâng tầm kiến thức, đâu phải đợi tốt nghiệp sư phạm, cũng vậy, trong tầm hiểu biết và sự tu tập thường nhật về Phật Pháp, chúng ta có thể độ tha bằng kiến thức vốn có và tâm linh của một hành giả. Khuyến thiện, ăn chay cũng là một hình thức độ tha, giảm bớt một tội phạm cho xã hội, giá trị của Đạo phật khởi đầu như thế.
Ngoài cộng đồng tu sĩ, Phật giáo Việt Nam còn một tổ chức quy củ khác, đó là Gia Đình Phật Tử, một tổ chức giáo dục, đào tạo Thanh thiếu niên trở thành con người thuần thiện cho xã hội, nhưng từ lâu, Ban Hướng dẫn trang bị cho các em một số kiến thức Phật pháp và kỷ năng sống, kiến thức Phật Pháp đó nằm trong giáo trình được soạn cách dây trên 60 năm, BHD vẫn chưa thống nhất để cập nhật cho thích hợp với trình độ tuổi trẻ thời đại. Kỷ năng sống trong GĐPT chưa đủ để mưu sinh thoát hiểm như tổ chức Hướng Đạo, khái quát như thế cũng giúp cho các em tính năng động, tháo vác trong cuộc sống. Nhưng kiến thức nhân loại ngày nay vượt quá xa những thế hệ trên 60 năm trước, vì thế lỗi thời chăng nếu BHD không kịp cập nhật những hiểu biết để các em không bị các trò tiêu khiển đầy cám dỗ xuất hiện hàng ngày trên TV, gameonlines, vũ trường và vô số dịch vụ giải trí đen tối khác.

Do tình hình xã hội và cơ chế mới, tầm sinh hoạt của các đơn vị GĐPTVN bị hạn chế vì nằm ngoài tầm kiểm soát của Giáo Hội và Mặt trận. Đáng ra, Giáo hội nên hợp thức hóa tổ chức này sớm hơn để hổ trợ cho Giáo Hội về mặt giáo dục tuổi trẻ. Đến khi không thể phủ nhận tổ chức nầy được, GH thành lập Phân Ban GĐPT trực thuộc Ban Hướng Dẫn Nam Nữ Cư Sĩ, nhưng Phân ban cũng chưa thể hiện khả năng hoạt dụng vốn có của Thanh thiếu niên, một số huynh trưởng và thành viên BHD của phân ban cũng chưa nghiêm túc trong phong cách và giới luật, đã có sự thiếu kính nể từ các đoàn sinh, do thế, hiệu quả sinh hoạt của Phân Ban vẫn chưa nổi bật. Về phía GĐPT truyền thống cũng suy yếu vì bị phân tách thêm lần nữa bởi VHĐ do Lê Công Cầu đảm nhiệm. Như vậy, các đơn vị GĐPT truyền thống không còn nằm trong bất cứ tổ chức nào của PGVN hiện nay. Một số đơn vị sinh hoạt cầm chừng, các tỉnh Nam bộ, phần lớn mỗi Gia Đình không đến 50 đoàn sinh. Các anh chị nhiệt tâm với tuổi trẻ, mỗi chủ nhật đến với các em trong khi nhu cầu sống của cá nhân đòi hỏi thời gian khá nhiều, với sự nhiệt tình đó, vẫn không giúp cho các đơn vị phát triển thêm, bởi vì, ngoài trò chơi giải trí, ca hát và học giáo lý, khó hấp dẫn các em giữa bao sự hấp dẫn của xã hội đang có. Đây là một khoản trống lớn nếu không cải tiến phương cách giáo dục song hành với trình độ xã hội, không bao lâu nữa, GĐPTVN sẽ chìm vào quên lãng. Một số huynh trưởng và cựu huynh trưởng, có khuynh hướng nghiêng về tu tập, tuy chọn một lối thoát đúng nhưng chưa đủ, vì mang tính cá nhân như bao cá nhân cư sĩ khác, không đại diện cho một đoàn thể áo lam. Ở đây, đòi hỏi đoàn thế áo Lam phải có khuynh hướng tu học rõ ràng nếu không đủ khả năng cạnh tranh với những trò tiêu khiển ngoài xã hội. Tự thân huynh trưởng tu tập, còn hướng dẫn và có kế hoạch hướng dẫn các em thâm nhập vào tâm linh một cách hứng thú, có như thế mới duy trì được một tập thể đào tạo, giáo dục tuổi trẻ hiệu quả hơn.

Chư Tăng Ni và các vị trụ trì nên giúp các em có nơi sinh hoạt và có chỗ tu tập hàng tuần. Nếu không tu tập thì sự sinh hoạt của các em không khác với các đoàn thể trong xã hội.
Chính quyền địa phương cũng cần hổ trợ đoàn thể tuổi trẻ như thế để làm chất men chuyển hóa những tệ nạn đang thịnh hành. Việc đến chùa tu tập không phải là một đe dọa an ninh xã hội và chính trị.

Một số tuổi trẻ trí thức đang tự tìm hiểu Phật giáo qua kinh sách khi họ không có thời gian đến chùa nghe giảng, họ đến với đạo Phật bằng kiến thức chính họ, số nầy không nhỏ trong thời gian gần đây, thế nhưng, Giáo Hội nói chung và chư Tăng nói riêng, chưa giúp được cho những chồi non vừa bén rễ, chưa tạo cơ hội cho họ đến những già lam, đạo tràng, thiền viện, chưa lắng nghe nhu cầu tâm linh để họ sẳn sàng bước qua đầu cầu giải thoát.Họ vẫn chưa có một nơi thích hợp để trải nghiệm đức tin.

Trở lại mùa Đản sinh, không phải thuần lễ nghi tôn giáo để phô trương lực lượng, mà nhắc chúng ta phải hiểu mục đích sự ra đời của Đức Bổn sư, không chỉ là cánh hoa cao quý của cuộc đời mà còn là dược tính trị liệu bệnh khổ. Nếu chỉ phô trương lòng ghi nhớ đối với đấng cha lành, chẳng khác cắt nhánh hoa cắm vào lọ, sự sống và giá trị của cánh hoa sẽ bị suy giảm và mất giá trị vĩnh cửu của chính nó. Đạo Phật và sự xuất hiện của đức Bổn sư mang một thông điệp sống hiện thực, không là một học thuyết thời trang. Một thông điệp sống hiện thực và thăng hoa chứ không phải lối sống hiện sinh tha hóa.
Đến nay, tuy Phật giáo có mặt trên đất nước hơn hai ngàn năm, và GHPGVN ra đời gần 30 năm, hình như chúng ta vẫn còn mò mẫm cho sự tồn tại và phát triển của Đạo Phật. Chúng ta chưa có một hướng cụ thể để hòa nhập và xác định giá trị đích thực của đạo Phật trong thế kỷ tương lai. Giá trị Đạo Phật không nằm trong Tam tạng giáo điển mà phải là giá trị thực tiển qua đời sống nội tâm và sự đóng góp cho xã hội của chư Tăng và tín đồ Phật giáo. Công tác từ thiện chỉ là một khía cạnh chưa nói lên đầy đủ việc đóng góp tiềm năng phong phú của Phật giáo. Cái phong phú của Phật giáo là tất cả Tăng tín đồ phải được sung mãn bởi chất liệu tinh túy từ Phật giáo, toát hiện qua ánh mắt, phong cách, ngôn từ trong cuộc sống của mỗi chúng ta, chính từ đó tẩm tưới tươi mát cho xã hội, cho cuộc đời.
Xác định ý nghĩa xuất hiện của Đức Phật là tự mình nhập cuộc thăng hoa, nếu không là người cưỡi ngựa xem hoa, thì phải là một hành giả thực thụ để trong Đời có Đạo, giữa Đạo có Đời. Mùa Phật Đản giúp ta kiểm lại 365 ngày qua thành tựu những gì trên con đường tâm linh giải thoát.

MINH MẪN
31/3/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét