Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2010
ĐÓN MỪNG ĐẢN SANH 2554
Kể từ Vesak 2008 tại Mỹ Đình, Hà Nội, những năm kế tiếp. mùa Đản sanh luôn được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng; Mỗi lễ đài cho dù Tỉnh hội, quận huyện hội, ngay cả một số tư gia, cũng mang nhiều màu sắc sáng tạo.
Từ mồng 8 tháng tư hàng năm bắt đầu các chùa thiết trí lễ đài, nhưng chương trình hành lễ, tuy không có một chỉ thị thống nhất, các nơi đều thực hiện một cách ăn khớp nhịp nhàng.Sáng rằm là lễ chính thức của Trung ương hoặc của Tỉnh, Thành hội thì sáng 14 các quận Huyện đều tổ chức trước; Các chùa từ mồng 10 đến 14, luân phiên thiết lễ hoặc sáng hoặc chiều, để tránh sự trùng lặp.
Một số ngã đường trong thành phố như Phạm văn hai Tân Bình, xóm chùa Tân Định…cờ treo dọc phố, ngay trong xóm thôn quê như Xuân Thới Thượng Hốc Môn cũng phất phới ngũ sắc tung bay.dọc một số đoạn kênh Nhiêu Lộc thấp thoáng sắc màu phất phới. Huyện Nhà Bè và quận bảy cũng thế. Pháp Võ, Long Hoa, Giác Huệ…quần chúng tấp nập lễ chùa. 10 năm trước, lễ Phật Đản, chùa không dám treo cờ chứ đừng nói tư gia, giờ đây, một số tư gia làm cả lễ đài. Sáng 14, Ban Đại Diện Phật giáo Hốc Môn tổ chức lễ tại chùa Giác Nguyên với sự tham dự trên 300 Phật tử và có mặt của cấp chính quyền quận, xã.chùa Quang Thọ vào 18g cùng ngày cũng áp dụng nghi thức hành chánh và nghi lễ tôn giáo, sau đó có các tiết mục văn nghệ. Quận bảy lễ đài thiết trí tại Long Hoa thì Nhà Bè tại chùa Chơn giác; Hầu hết lễ đài các cấp giáo hội đều có những lẳng hoa từ chính quyền trao tặng. Ngay cả lễ đài quận ba đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm, có cả cấp bộ đến chúc mừng và dự lễ. Hầu hết theo một thủ tục hành chánh là chào quốc kỳ và đạo kỳ, giới thiệu thành phần tham dự, tuyên đọc Thông Điệp đức Pháp Chủ, Đạo từ của HT chủ tịch, nghi lễ tôn giáo, văn nghệ và phát quà cho đồng bào nghèo. Thời gian kéo dài độ ba tiếng; Nhóm khiếm thị Thiện nguyện Hốc Môn không có phần đọc Thông Điệp, chương trình ngắn gọn chỉ hơn một giờ, nhưng khi phát quà, có hình ảnh Bố Đại Hòa Thượng xuất hiện, đó là một nét văn hóa của Phật giáo mà thời gian dài bị quên lãng.Tuy mỗi lễ đài có một sắc thái cá biệt, nhưng năm nay, hầu hết có tượng sơ sinh mà ít nơi làm vườn Lâm Tỳ Ni. Riêng lễ đài quận ba, thiết đặt tại Vĩnh Nghiêm, từ phông màn đến hoa quả và cảnh trí đều nổi bật gam màu nóng nổi chóa dưới ánh nắng chói chang xuyên qua tấm bạt dù sắc sỡ, mỏng và sáng, đem đến sự lưu tâm đặc biệt cho khách qua lại bên ngoài đường Nguyễn Văn Trỗi. giàn âm thanh Vinh Nghiêm đẳng cấp cao nên ít có sự cố như các nơi. Ngay quà chẩn thí cũng dồi dào. Nói là Giáo hội quận ba, thật ra phần lớn do Vĩnh Nghiêm tài trợ, cũng như nhóm khiếm thị tặng quà cho đồng bào do nhóm từ thiện Từ Tâm hổ trợ.
Năm nay không có xe hoa, mà làm xe hoa cũng chỉ chạy lòng vòng trong vận động trường quân khu 7, tức bên cạnh Bộ Tổng Tham mưu cũ. Lễ đài Thành hội không có gi thay đổi so với những năm trước. Các quận huyện về dự lễ cũng nằm trong bốn vách tường cứ như thủ thỉ trong nhà chỉ nói nhau nghe vậy. Nếu không có những chùa treo cờ giăng đèn thì quần chúng không ai biết Phật đản đã về với Thành phố, cho dù Thành hội rầm rộ như thuở Vesak 2008, xe hoa vài mươi chiếc chạy quanh trong sân đá bóng để nội bộ Phật giáo ngồi nhìn nhau chiêm ngưỡng giống thuở trẻ thích thú những đồ chơi máy móc tự động. Chẳng bù với Huế, từ lâu vẫn rầm rộ cờ đèn và rước cộ mỗi độ mùa Trăng tháng tư hàng năm; Chư Tăng Ni và quần chúng đều có tổ chức chặt chẽ, trật tự, diễu hành đầy ấn tượng. Một số tỉnh miền Trung Nam bộ cũng cố gắng phô trương niềm tin Khánh Đản trong cái khò nghèo của minh. Vùng cao nguyên, dân tha phương lập nghiệp hay sắc tộc thiểu số tin Phật, cũng làm lễ đài, huyền môn, biểu ngữ chào mừng Đản sinh. Các tỉnh phía Bắc lễ hội có phần thưa thớt hơn. Miền Tây Nam bộ, tuy đa số là Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương và Cao Đài, nhưng sinh khí nhộn nhịp chỉ gói gọn trong một số chùa và lễ đài tại Ban Trị sự;
So với 5 năm về trước, thời gian sau Vesak 2008 vẫn còn thừa hưởng dư âm hồ hởi, khắp ba miền Phật giáo đều nở hoa. Phật Giáo chưa quan tâm đến mùa Trăng tháng tư cho những thành phần khác nhau trong xã hội, để họ được thừa hưởng và thể hiện niềm tin Tam bảo như nhóm Thiện Nguyện Khiếm thị Hốc Môn tự phát; Còn nhiều thành phần khuyết tật, Hiv/Aid, trại tù, cô nhi viện, trẻ em đường phố, viện dưỡng lão…cần chư Tăng Ni nâng đỡ và hòa nhập để giúp họ tự xác nhận niềm tin vẫn đang hiện diện trong hoàn cảnh đau thương đời họ. Phật Đản năm nay đặc biệt mang sinh khí chuẩn bị cho ngàn năm Thăng Long sắp tới. Một bước đi mà Phật giáo vẫn chưa lột tả được tiềm năng hiện hữu trên hai ngàn năm qua đồng hành cùng dân tộc.
MINH MẪN
28/5/2010
Phật Đản 2554 ( tháng tư Canh Dần )
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét