Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010
ĐẠI ĐÀN CHẨN TẾ TÂY NGUYÊN
Ngày 14/3/2010 (29/giêng Canh Dần) và 15/3/2010 ( 30 tháng giêng Canh Dần), Ban Trị Sự năm tỉnh Tây Nguyên đồng tổ chức Đại Lễ kỳ siêu Bạt độ cho tất cả những vong linh có mặt tại miền cao.
Sau nhiều tháng chuẩn bị, đúc kết sự thống nhất của BTS năm tỉnh: Lâm Đồng-Daknong-Daklak-Gialai-Kontum và giờ chót, năm tỉnh duyên hải Trung Việt cùng hưởng ứng để góp phần siêu bạt chư vong linh hoạnh tử. Quyết định chung, lấy Kontum làm điểm tổ chức, cách huyện lỵ Dakha 25 km về hướng Ngọc Hồi, thuộc xã Dakmar, cách biên giới Lào non trăm km.
Dakha là một huyện được thành lập vào năm 1994, cách thị xã Kontum 20km. Dân số được 57.084 người, gồm 08 xã, 01 thị trấn, 97 thôn. Sắc tộc thiểu số chiếm gần 50% ( 26.647 người ). Dak hà nằm trong lưu vực sông Krông Pôkô. Có thủy điện Pleikrong, 05 hồ chứa nước giúp ổn định sinh thái, có 690 ha rừng đặc dụng Dak uy. Có 2 di tích lịch sử được công nhận, là căn cứ địa Dakuy – dakpxi và đồi 601. Lãnh đạo huyện đã có nhiều quyết định thông thoáng táo bạo, đưa vùng đất hoang vu nghèo khổ từng bước thay da đổi thịt, trong đó, chùa tháp Kỳ Quang được xuất hiện với những hạng mục công trình khá quy mô, đang xây dựng, nằm tại Dakmar, ngay bìa rừng đặc dụng, trên diện tích ba hecta, cũng là nơi diễn ra đại đàn kỳ siêu Bạt độ.
Từ năm 2007 đại đàn kỳ siêu bạt độ cho ba miền đã diễn ra, nhưng chưa rộng khắp các nơi, Tây nguyên vẫn còn bị quên lãng suốt thời gian dài. Một số địa phương cũng thực hiện nghi lễ đó như Quảng Trị, Phú Quốc, Côn Sơn…nhưng đây là lẩn đầu tiên một đại đàn liên kết nhiều tỉnh miền Trung và cao nguyên. Từ những năm cuộc chiến khốc liệt cho đến 35 năm đất nước hòa bình, biết bao con dân đất Việt trải mình ươm xanh đất tổ qua nhiều nạn tai khác nhau, đạn bom, bệnh tật, giao thông, bão lũ…bao cái chết oan uổng chưa được giải tỏa khi mà âm dương ngăn cách, người sống không biết được nỗi u uất tha thiết người thân đoái thương đến họ. Chính âm khí u uẩn đó làm nặng nề cuộc sống người dương, gây trở ngại cho sinh hoạt cộng đồng.
- Daknong là tỉnh tiếp giáp với Campuchea, Bắc và Đông Bắc tiếp với Daklak, phía Nam giáp tỉnh Bình Phước, Đông Nam giáp Lâm Đồng. dân số 489.442 người. các sắc tộc như Ede, Nùng, M’nong, Tầy, kinh. Diện tích 6.516,9km2
- Daklak phía Bắc giáp Gia Lai, phía Nam tiếp Lâm Đồng, Tây Nam giáp Daknong, Đông giáp Phú Yên Khánh Hòa, Tây giáp Campuchea. Gồm các dân tộc: Ede, kinh, M’nong, Nùng, Tầy Thái, Dao. Dân số 1.728.380 người.diện tích 1.250km2
- Gia Lai trước kia vốn là một phần của Gia lai Kontum được tách ra.Có dân số : 1.272.792, gồm các sắc tộc như Giarai, Bana, Gietrieng, sodang, K’hor, Thái, Mường…với diện tích 15.536,92km2. Bắc giáp Kontum, Nam giáp Daklak, Tây giáp Campuchea, đông giáp Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Diện tích 15.494.9km2
- Kontum có diện tích : 9.676.5km2, Bắc giáp Quảng Nam, Nam giáp Gialai, Đông giáp Quảng Ngãi, Tây giáp Lào- Campuchea. Dân số 430.037 người. Sắc tộc có Kinh, sơ đăng, Bana, Giêtrieng, giarai…diện tích 9.614,5km2.
- Lâm Đồng, Bắc giáp Daklak, Daknong, Đông giáp Khánh Hòa Ninh Thuận, Nam giáp Bình Thuận-Đồng Nai, Tây giáp Bình Phước. Dân số có 1.186.786 người. gồm sắc tộc Mạ, k’hor, Gia lai, Nùng… Diện tích 9.764,8km2.
Năm tỉnh trên đây,từng là trận địa kinh hoàng, làm nên chiến sử khó phai.
Dân số 5 tỉnh cao nguyên trước 1975 chưa đến 20 triệu, phần lớn sắc tộc thiểu số. Người kinh do di dân kinh tế lập nghiệp, vì thế dân cư thưa thớt. trãi qua chinh chiến, người dân cố bám núi rừng để sinh tồn, lúc bấy giờ nông nghiệp còn hạn chế. Cà phê, chè chưa phát triển mạnh như ngày nay, vì thế kinh tế chưa được sung túc. Cuộc sống người dân lặng lẽ với núi đồi, lưng chống trời, mặt bám đất; chỉ có Đà Lạt tp du lịch, còn gắn liền với nếp sống phố thị, các tỉnh còn lại chân lấm tay bùn chôn thân nơi hiu quạnh. Những người gửi xác nơi miền cao đất đỏ cũng biết thân, an phận giữa bạt ngàn rừng núi, nương gió sớm mưa chiều, buồn tủi cô đơn. Dù họ ra đi dưới bất cứ hình thức nào, tai nạn nào, cũng đều buông bỏ tất cả, vật chất lẫn ý hệ và tình cảm, cho người còn lại, một bóng một hồn thổn thức với non cao. Sau 1975, dân cư các nơi, nhất là phía Bắc và trung phần, đổ về mưu sinh lập nghiệp, thu hẹp rừng núi, phát triển hủy hoại môi sinh, giao thông nhộn nhịp, đa dạng hóa cuộc sống, thì cái chết cũng đa dạng. Xã hội bươn chải để bắt kịp sự phát triển thời đại thì những anh linh uổng tử cũng bị chìm trong quên lãng, tủi hờn. Khi mà người dân chưa đủ ý thức về sự tồn tại của thế giới tâm linh, làm sao chúng ta hiểu được nhu cầu bức bách của những người nằm xuống! Họ thật sự cô đơn sau khi cống hiến cho xã hội, cho dân tộc. Họ không hề đòi hỏi nhiều nơi người sống, họ chỉ cần tấm lòng tưởng nhớ đến họ. Họ không quyết định được bất cứ điều gì khi họ muốn, vì họ không còn thân xác, họ không bộc lộ được tình cảm, vì thế, những oan hồn còn sân hận, họ thường lôi kéo người sống lâm vào nạn tai để cảm nhận chung số phận. Kể cả thiên tai, đều do chúng ta thiếu ý thức trong hành xử giữa con người với con ngưới, giữa con người với động vật và với thiên nhiên; Thế giới âm, chúng ta thương tưởng không phải là đủ, hằng ngày hiến cúng phẩm thực chưa là đủ, nếu không khai thị cho họ biết tâm tưởng của họ là động cơ chính kéo níu họ trong cỏi trầm luân.Ngay cả ma đói, thực ra do tâm tham chấp vào cái ăn như lúc còn sống, khi chết, không ai cúng tế, họ trở thành cô hồn vất vưởng. Khi cúng, họ không ăn được, họ cảm giác hưởng thực nên họ mãn nguyện no đủ. Chúng ta khai thị cho họ biết đó chỉ là vọng tưởng, không thực, họ sẽ hiểu và thoát khỏi ảo tưởng theo tập khí.
Thế giới âm không có phân chia giai cấp, chủng tộc, giới tính, ý hệ, giới tuyến…có chăng là do tập quán lúc còn sống lưu tồn trong tâm thức, được khai thị, họ sẽ hiểu đó là giả tưởng, tức khắc được xóa sạch và giải thoát. Cầu siêu bạt độ, chẩn bần là một trong những hình thức giúp chư vong nương phước lực Tam Bảo siêu thăng. Một khi cúng kiến cầu siêu mà người sống còn tâm phân biệt thân thù, đố kỵ, ý hệ, chủng tộc…thì việc làm không đạt kết quả. Chính vì thế, đối với nhà Phật, tâm bình đẳng khi kỳ siêu bạt độ, đưa đến bình đẳng giải oan cho tất cả vong linh cỏi trung giới. Hạnh bố thí vô phân biệt của Phật giáo thế nào thì hạnh bạt độ cũng vô phân biệt như vậy. Việc kỳ siêu bạt độ là nghi lễ tôn giáo, khởi từ tâm vô phân biệt, không vì bất cứ phạm trù nào của cuộc sống chỉ định và áp đặt. Ngoại trừ gia đình tổ chức kỳ siêu cho thân nhân thì việc lợi lạc được đóng khung trong phạm vi thân tộc đó. Nhưng nếu gia chủ có tâm hiến cúng thêm cho chư vong lân cận thì chư vong đó cũng hưởng thêm phần lợi lạc, nhưng không đại trà như đại đàn kỳ siêu bạt độ tập thể.
Qua khả năng của những nhà ngoại cảm, cho chúng ta thấy, ngoài cuộc sống hữu hình, vẫn tồn tại thế giới vô hình quanh ta; như vậy, chết chưa phải là hết, mà tiếp nối đoạn đường kế tiếp, hoặc luân lưu trong cỏi trung giới, hoặc hóa sanh trong lục đạo. Con đường sau khi bỏ xác, không chỉ lên thẳng thiên đường hay xuống hỏa ngục đời đời, không phải bỏ xác là chấm dứt tất cả, đạo Phật chỉ cho ta thấy cuộc sống hiện tại quyết định con đường kế tiếp khi bước qua cửa tử. Đó không chỉ là lối giáo dục nhân quả và đạo đức nhân sinh, luân lý xã hội, mà là một hiện thực của tất cả sinh vật. Nếu chỉ tin sau khi chết hoặc lên thiên đường vĩnh hằng hay xuống hỏa ngục đời đời thì tánh ỷ lại và bỏ mặc vì không tin nhân quả mà chỉ tin Thượng đế và sự cứu rỗi bởi Thượng đế, đạo đức xã hội sẽ bị khuyết tật. Nếu tin sau khi chết là chấm hết thì tình thương đồng loại và nhân cách sống sẽ nhường chỗ cho tranh danh đoạt lợi, bằng nhiều thủ đoạn bất cần đạo đức, làm khổ nhau, xã hội loạn,vì có đạo đức hay không rồi cũng phải chấm dứt sau khi từ giả cỏi đời. Đó là hậu quả của kiếp người không chấp nhận nhân quả.
Nhân quả và luân hồi không phải là lý thuyết trừu tượng, hay học thuyết không tưởng như một số học thuyết thế tục. Nó là một giòng sống liên lũy thực hữu. Dù có Đức Phật nói ra hay không thì thực tế vẫn tồn tại. Sau 1975, các nhà ngoại cảm rộ phát đã làm thay đổi quan điểm của những người sống duy vật thực dụng, và các tôn giáo Thần quyền. Các nhà ngoại cảm đã xác minh học lý sinh tồn của Phật giáo là đúng, thì biểu dương giáo lý Từ bi, bình đẳng đối với kẻ sống người chết là điều phải chấp nhận.
Tuy những năm gần đây, các đại đàn kỳ siêu bạt độ được thực hiện khắp nơi, nhưng chưa phải là đủ, vì chư vong chết bờ chết bụi, nơi núi thẳm rừng sâu, nơi sông suối biển cả…vẫn chưa được thỉnh vong, quy linh đầy đủ. Các chùa nơi xa xôi nên tiến hành không cần đúng quy cách một đại đàn, chỉ cần tâm thành có thể cảm ứng cỏi u linh. Việc cúng vong, thí thực mỗi ngày chỉ biểu hiện tình thương nhưng không giải thoát cho họ, càng tạo cho vong có cảm giác tham đắm thọ thực, cần khai thị sau khi cúng để họ ý thức về vọng tưởng đang ngự trị trong họ.
Với diện tích mênh mông của cao nguyên, với dân số phát triển không ngừng, với nạn tai hàng ngày trên các hệ thống giao thông, với thiên tai ngày một cuồng nộ, đại đàn kỳ siêu bạt độ chỉ là việc làm tượng trưng trong khoảnh khắc, lợi ích có tính hạn chế. Điều quan trọng về lâu về dài, không chỉ cho người quá cố, mà ngay cuộc sống hiện tại của chúng ta, người còn sống phải chuẩn bị một lối sống hiểu nhân quả, thuần đạo đức, bảo vệ môi trường và thiên nhiên, tôn trọng sự sống muôn loài, hạn chế sát hại. Mỗi người trang bị cho mình những ưu điểm về nhân cách là góp phần cho một xã hội thuần lương, hạn chế hoạn nạn thiên tai cho nhân loại.
Sự đóng góp của năm tỉnh Tây nguyên và hưởng ứng của năm tỉnh duyên hải Trung Việt nói lên tinh thần trách nhiệm đối với những người khuất mặt. Nhà nước cũng đã chấp nhận việc làm lợi ích đó. Việc còn lại là chư Tăng khuyến khích hướng dẫn quần chúng sống theo tiêu chuẩn thuần lương thì xã hội mới có cuộc sống thái bình thật sự, nhờ thế mà thế giới tâm linh cũng cọng hưởng thanh thoát. Người dương kẻ âm mới thoát khỏi thiên tai hoạn nạn, khổ đau sẽ dần lui.
Một đại đàn như thế vẫn cần thiết cho cuộc sống hiện nay!
MINH MẪN
15/3/2010
Các số liệu trích từ Wikipedia
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét