Thứ Ba, 8 tháng 12, 2009

TÂM SỰ MÂY TRỜI.

Mỗi  người có một gia đình, dù có cha mẹ, vợ con, chưa hẳn đã hạnh phúc!

Mỗi người có một công ăn việc làm, chưa hẳn đã sung sướng mãn nguyện!

Cứ thế, mỗi người có một ràng buộc trong cuộc sống, như con vật bị vướng vào màn nhện, khó thoát thân, càng vùng vẫy, càng bị buộc chặt, từ đó, nỗi buồn phát sinh, lắm người tìm sự lãng quên trên canh bạc, nơi bàn nhậu, hoặc quán nhạc, tửu điếm; càng chạy trốn, nỗi buồn càng vây bủa, để rồi, mộng mị, chiêm bao, bạo động, nổi loạn hoặc trầm uất  phiền muộn!

Người đàn bà ấy đến với Tuấn trong cuộc tình cờ, những ngày tháng cuối cùng nơi trại cải tạo sau 1975; vâng, ( chàng đã trợ giúp cho một HT., Tổng Thư Ký GHPGVNTN lúc bấy giờ, sau khi đất nước thống nhất, một Giáo Hội Phật Giáo không được nhà nước thừa nhận, chàng trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của một chính sách khắc khe trong buổi giao thời ) Tuấn ở chung sam với  những người cùng xóm với nàng, họ báo tin cho nàng biết, vì chàng và nàng ta quen nhau lúc thiếu thời; Cô ta là người độc thân, cha mẹ đã mất, sống chung với người anh cũng vừa đi học tập về, sĩ quan chế độ cũ.Tuấn chấp nhận đến với nàng sau khi ra tù. Chàng cũng không có gia đình; niềm cô đơn và một chút ân nghĩa đã đẩy chàng đến một quyết định vội vã :ký bản án chung thân với một người mà mình chưa tìm hiểu kỷ!

 Thời gian đầu Tuấn thật sự ngỡ ngàng khi cô ta thường xuyên báo “mất tiền”…chàng và nàng đến với nhau bằng hai bàn tay trắng, mỗi khuya  mượn xe đạp chở 50 ký bánh dầu về Nhà Bè, gần 40km, cho chùa làm nước tương, đủ tiền ăn cơm trưa; có những lúc họ không lấy hàng, phải chở về năn nỉ trả lại chủ, hẳn nhiên ngày đó phải nhịn đói!. Chàng bắt đầu bơm gas quẹt tại vỉa hè cách nhà 5km, mang theo lon cơm ăn trưa. Viết bài, dạy cho các trường Phật học, làm mọi việc bằng lao động cơ bắp để thoát khỏi cảnh túng quẩn; Một hôm, để dành được 400 ngàn vào năm 1985, đưa cô ta sắm một chỉ vàng, chiều về, cô ta bảo mất hết! Tuấn chả hiểu sự thật thế nào, niềm ngờ vực mỗi ngày một gia tăng. Thỉnh thoảng đi chợ xách giỏ về không cũng vì mất tiền, sự việc cứ diễn ra như thế,chàng đã mất niềm tin.

 

Trong nhà, không có vật dụng nào lành lặn! chiếc ấm méo mó, cái chảo sứt quai, tô chén mẻ miệng, đũa  ăn so le; không ngày nào cô ta không làm đổ bể, hư hao. Cô ta bảo: không hư bể, đồ  làm ra bán cho ai?

Ngôi nhà xây trên 50 năm, chỉ còn lại cái sườn,  ngói âm dương nứt bể và dồn cục để nắng - mưa vào thăm nhà thoải mái. Vách ván trống trước hở sau, ăn trộm từng vào mà khỏi phải chui. Mặc dù cách chợ hơn 500m, hình ảnh ngôi nhà cổ vào thời chiến như thế, tạo bạn đọc có ấn tượng một ngôi nhà hoang, thiếu sự quan tâm chăm sóc. nhàn rỗi, cô ta và lối xóm tụ tập đánh tứ sắc, không  đánh bài thì cũng mê tiểu thuyết hoặc phim ảnh…

Lần đầu tiên cô nấu chè và xôi để thết đãi bạn bè, có người nói nhỏ với Tuấn: anh có người vợ quá giỏi, nấu chè thành xôi, nấu xôi thành cơm nhão.

Quả vậy, cô ta bỏ đậu, đường và bột báng vào chung, đến khi bột báng không có chỗ để nở, thế là nồi chè vừa sống, vừa đặc cứng, không biết gọi là món gì. Một hôm bảo trộn xà lách, cô ta bắt chảo dấm nấu sôi, đổ rau vào. Không còn lời nào để nói, cô ta bướng bỉnh cải: rau trộn như vậy chứ sao, dân miền Trung của ông mới ăn lạ đời khác người thôi. Tuấn đích thân làm món sà lách trộn rất nhiều lần, cô ta mới làm tàm tạm được. Đến nay, cô ta cũng chưa bao giờ nấu được bữa ăn cho ra hồn, mặc dù ăn chay, cứ rau luộc rồi luộc rau. nếu kho, xào thì  có thể gọi là món ăn thập cẩm nửa sống nửa chín. Ngày nào điện cúp thì  cha con ăn bánh mì, cô ta không biết nấu gas, trước đó nhiều năm chưa có nồi điện, chàng luôn phải ăn cơm cháy đen, vì không dám bỏ phí. Có hôm không điện, cô ta không đi chợ, một rổ rau nhúc để sống cho cha con ăn bữa trưa, chuyện nghe lạ mà vẫn quen, vì thường xuyên như vậy. Ngày nào nắng nóng, lao động vất vả, về nhìn mâm cơm khô khốc, để thật đói mới miễn cưỡng qua bữa, hoặc uống nước lã đi ngủ cho xong. Bản thân cô ta, ngày nào ăn chay, ra mua miếng bún và khoanh mít luộc chan nước tương, thế cũng xong. Xe Charly đầy vào nhà, cô ta không dắt lùi được.

Nhà trước cổng trường học, lúc đầu bán được 100 ổ bánh mì, sau dần dần xuống 50 ổ và cuối cùng 5 ổ cũng bắt cả nhà ăn trừ cơm; sắm xe bán nước mía, banh bàn.. không cái nào cô ta bán được, xe nước mía khác chủ đến sau bán đắt như tôm tươi. Tánh tình cộc cằn thô lổ, luôn nạt nộ làm mích lòng khách, tỏ thái độ bất cần khách hàng. Do vậy mà không bán buôn làm ăn được. Góp ý xây dựng là dịp cô ta tuôn trào tánh khí hung hăng. Đàn bà có tứ đức thì cô ta đã mất hết cả ba. Bạn bè thường bảo: Sao ông chịu đựng vô lý vậy, bao nhiêu năm xây dựng nhà cửa, lo cho gia đình, trả nợ  như thế đã đủ rồi, mình phải lo hạnh phúc cho riêng mình chứ, cả đời ông vất vả còn gì nữa! Có những cô gái bạo miệng, khuyên Tuấn ly dị, hứa sẽ đem lại hạnh phúc cho chàng, nhưng lương tâm và bổn phận làm cha, không cho phép Tuấn tắc trách. Từ lúc con trai sanh ra, nó ngủ với chàng, lúc bệnh hoạn cũng một tay chàng lo, buồn vui đều có cha con, chính vì thế, sau khi cháu trai ra đời, chàng quyết định ly thân, ngăn vách ngoài  hàng ba ở riêng. Có những lúc u uất, không người tâm sự, chàng đạp xe rong rủi khắp phố phường hoặc tìm góc vắng, dưới gầm cầu nằm đến tối mới về. Không rượu chè, cờ bạc, đàng điếm, hút sách; không có đối tượng giải bày, không còn tâm địa để viết lách, cứ thế mà hai giòng nước mắt vô tình lăn theo kiếp sống vô định.

Đứa con trai ham chơi với bè bạn, không hề biết có một người cha đang phấn đấu nỗi buồn cô đơn để cho con có một cuộc sống no đủ mà thuở thiếu thời cha nó thiếu mọi bề, kể cả tình thương của cha mẹ anh em. Tuấn không để con mình lâm vào tình cảnh xa xưa của mình. Nó không hề biết có sự rạn nứt giữa cha và mẹ, nó chỉ hiểu ba ở riêng để làm việc, ba không nói chuyện vì để mẹ xem phim… tuổi 13 nó chỉ hiểu có thế.

Người đàn bà chỉ biết hưởng thụ và xài tiền vung vít, nhưng không hề se sua chưng diện, thích quản lý đồng tiền mà không giữ được tiền, nghe cũng lạ, nhưng còn nhiều chuyện lạ nơi người đàn bà mang tính đàn ông như thế, ăn nói không mềm mỏng, đi đứng ầm ỉ, hành động nặng nề… thế mà vẫn là một người vợ và đang làm vợ, của người đàn ông khốn khổ như chàng, làm mẹ của một đứa con chưa từng hưởng được sự quan tâm nhỏ nhặt của một bà mẹ.

Ôi, thời gian khá dài để sự chịu đựng biến thành chai lì và chàng trở thành con người kiên nhẫn. Tuấn cám ơn cô ta đã giúp chàng biết chịu đựng,tu tỉnh. Tuấn cám ơn ai đã lắng nghe lời mây tâm sự, nhưng đừng ai thương hại một kiếp người chịu nhiều thua thiệt, hy sinh mà không được giây phút hạnh phúc. Tuấn không chú trọng ngoại tướng vì đang đắm chìm nội tâm, không thích phô trương vì đời là giả tạo. Chàng thắp đuốc đi tìm một người và chỉ một người biết cảm thông; đời chàng là áng mây chiều lãng đãng bất định, luôn mang nổi buồn trầm uất từ thuở thiếu thời. Ai biết ngắm mây bằng sự rung động, đó là người sẽ gom mây hội tụ trên đỉnh phù vân.. Viết những lời nầy, có lẽ nỗi buồn đang vơi bớt, nhưng liệu ai có khả năng làm vơi hết nỗi buồn hay chỉ là  mua vui cũng được một vài trống canh?

Chiều về, thiên hạ vợ chồng con cái chở nhau dạo khắp phố phường, hoặc  bữa cơm tối gia đình quây quần bên mâm ăn bốc khói, những đứa trẻ bi bô cùng cha mẹ; nhiều thực khách hả hê trên bàn nhậu, nhìn lại mình, 10 giờ đêm còn vất vưởng ngoài đường, tô cơm nguội chống đói để đi vào giấc ngủ cô đơn.

Kiếp người, ôi một kiếp người, sống để…

 

                                          Những tháng ngày lang thang phiền muộn

                                                             15/9/1995

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét